Những bí mật kiệt tác của địa cầu

01 Tháng Giêng 201811:23 CH(Xem: 8898)

VĂN HÓA ONLINE - TỪ CALIFORNIA - THỨ  HAI  01 JAN  2018


Những bí mật kiệt tác của địa cầu


Hồ nước hồng, dung nham xanh, mưa 'máu', cầu vồng trắng,

biển phát quang ...


30/12/2017 18:39 GMT+7


TTO - Cầu vồng luôn 7 sắc, và nước hồ luôn có màu xanh? Câu trả lời là không hẳn thế!


image038


Hồ Hillier nhìn từ trên cao - Ảnh: Atlas Obscura


Thiên nhiên luôn nhiều màu sắc. Bên cạnh những sự vật và màu sắc luôn đi liền với nhau vẫn tồn tại những "cặp đôi" lạ lẫm nhưng vô cùng đẹp mắt khiến bạn có thể không tin vào mắt mình.


Hồ nước hồng


Hồ Hillier là một hồ nước mặn dài khoảng 600m, rộng 250m trên đảo Middle, đảo lớn nhất trong quần đảo Recherche, ngoài khơi phía nam nước Úc.


Đây là một trong những hồ nước đặc biệt nhất trên thế giới, nổi tiếng với màu hồng tự nhiên và không thay đổi khi đưa nước ra khỏi hồ.


Theo trang thông tin hồ Hillier, nguyên nhân của màu hồng đặc sắc này vẫn chưa được thống nhất trong giới khoa học. Phần lớn cho rằng loài vi tảo Dunaliella salina có thể sản xuất ra carotenoid - một thành phần có trong cà rốt, chính là "thủ phạm".


Nhiều năm trước đây, người dân khai thác muối trong hồ, tuy nhiên ngày nay hồ chỉ được sử dụng cho mục đích du lịch.


Cũng theo trang này, nước hồ rất sạch và không gây hại cho da, đồng thời vi tảo Dunaliella salina cũng vô hại với con người.


Dung nham xanh


image039


Dòng dung nham xanh đang tuôn chảy - Ảnh: Martin Rietze


Kawah Ijen là một trong những ngọn núi ở vùng lòng chảo núi lửa rộng 20km ở đông đảo Java, Indonesia, đặc biệt chứa một hồ axit và lượng lớn lưu huỳnh.


Theo trang National Geographic, ánh sáng xanh từ núi lửa chắc chắn không phải là dung nham mà là ánh sáng từ quá trình đốt cháy khí lưu huỳnh.


Lưu huỳnh di chuyển lên mặt đất cùng với dung nham thông qua những vết nứt trong núi lửa trong điều kiện áp suất cao và nhiệt độ lên đến 600 độ C. Khi gặp không khí, lưu huỳnh bốc cháy cho ra ngọn lửa màu xanh.


Ngọn lửa theo dòng dung nham chảy xuống dốc làm ta có cảm giác dung nham như có màu xanh.


Những thợ mỏ Indonesia sẽ khai thác dòng lưu huỳnh này qua những đường rãnh. Dòng lưu huỳnh sẽ được dẫn tới cuối đường ống và chuyển sang vàng nhạt khi nguội.


Mưa 'máu'


image040


Màu sắc của cơn mưa làm nhiều người sợ hãi - Ảnh: National Geographic


Mưa 'máu' xảy ra nhiều lần ở bang Kelara, Ấn Độ kể từ năm 2001. Tháng 12-2012, người ta ghi nhận hiện tượng tương tự ở Sri Lanka.


Mưa 'máu' là hiện tượng nước rơi xuống như mưa nhưng lại có màu đỏ giống máu. Đây là bí ẩn thử thách các nhà khoa học trên thế giới tìm ra câu trả lời.


Cơ quan Khí tượng bang Kerala khẳng định đây là hiện tượng thiên nhiên hiếm song không nguy hiểm.


Theo trang The Huffington Post, 'máu' này không hề có cấu tạo ADN bình thường nhưng lại có thể sinh sôi và tồn tại tốt khi nhiệt độ lên tới 300 độ C.


Nhiều giả thuyết được đưa ra, như bụi đỏ hòa tan trong nước (mưa bụi), hoặc do thiên thạch hay thậm chí do các vật thể ngoài Trái đất.


Cũng có ý kiến cho rằng màu đỏ của nước mưa là hậu quả của tình trạng ô nhiễm không khí. Những chất gây ô nhiễm bị hòa tan trong nước mưa khiến nước chuyển sang màu đỏ.


Một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Phylogenetics and Evolutionary Biology thì cho rằng mưa máu gây ra bởi sự hiện diện của loại tảo lục Trentepohlia annulata vốn có nguồn gốc từ châu Âu.


Ngoài mưa 'máu', người dân Kelara còn chứng kiến những cơn mưa nhiều màu sắc khác như xanh lá, vàng, nâu, đen.


Cầu vồng trắng


image041


Hình ảnh cầu vồng trắng chụp tại Scotland - Ảnh: Melvin Nicholson


Theo trang Earth Sky, cơ chế hình thành cầu vồng trắng còn được gọi là cầu vồng sương mù giống như cầu vồng thông thường.


Điều kiện cần để hình thành cầu vòng 7 màu là không khí phải chứa rất nhiều giọt nước mưa giúp tán sắc ánh sáng mặt trời. Với cầu vồng trắng, hiện tượng tán sắc ánh sáng xảy ra thông qua những giọt nước nhỏ trong lớp sương mù hoặc đám mây mà không phải các hạt mưa lớn hơn.


Cầu vồng trắng có thể được quan sát trong lớp sương mù mỏng khi Mặt trời chiếu sáng. Do những giọt nước trong sương mù rất nhỏ nên màu sắc của cầu vồng trắng khá mờ nhạt.


Cầu vồng trắng có độ lớn như cầu vồng 7 màu thông thường nhưng lại rộng hơn rất nhiều.


"Khi quan sát, mặt trời phải ở độ cao khoảng 30-40°, hoặc phải đứng trên một ngọn đồi cao, nơi có thể nhìn thấy sương mù và cầu vồng trắng từ trên xuống", Les Cowley - chuyên gia làm việc cho trang Atmospheric Optics, cho biết.


Biển phát quang


image042


Bãi biển như cổ tích ở Maldives - Ảnh: Will Ho


Những bãi biển của hòn đảo Vaadhoo, Maldives còn được biết đến với cái tên mỹ miều "biển của những vì sao".


Vào ban ngày, biển trong giống như bình thường nhưng khi mặt trời buông xuống, "biển của những vì sao" mới thực sự hoạt động với màu xanh phát quang kỳ ảo làm mê hoặc khách tham quan.


Lý giải điều kỳ bí này, các nhà khoa học cho rằng bãi biển phát quang được là nhờ một loại sinh vật phù du tên Lingulodinium polyedrum có khả năng phát sáng trong nước biển. Khả năng phát quang giúp chúng có thể tránh được sự dòm ngó những kẻ săn mồi.


Nghe thật lạ lẫm khi phát sáng để "tố giác" mình lại là cách lẩn trốn. Nhưng những kẻ săn mồi thường cũng rất lo sợ khi đến chỗ có ánh sáng vào ban đêm vì có thể gặp kẻ thù của chúng ở đấy.


TRỌNG NHÂN
14 Tháng Mười 2018(Xem: 5040)