Tập Cận Bình và Đại hội Đảng Cs Trung Quốc 20/2022

17 Tháng Mười 20229:08 SA(Xem: 1697)

VĂN HÓA ONLINE – CHÂU Á THÁI B DƯƠNG – THỨ HAI 17 OCT 2022

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Tập Cận Bình và Đại hội Đảng Cs Trung Quốc 20/2022


image003Tổng bí thư đảng, chủ tịch Trung Quốc (đứng), Tập Cận Bình lên đọc diễn văn phiên khai mạc Đại hội đảng 20, Bắc Kinh, ngày 16/10/2022. AP - Mark Schiefelbein


“Sáng 16/10/2022, tại Bắc Kinh, Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 chính thức khai mạc. 2300 đại biểu của cả nước Trung Quốc dự Đại hội đảng từ hôm nay đến ngày 22/10 tới sẽ thảo luận để thông qua đường lối chính trị, kinh tế, xã hội và chọn ra một bộ máy lãnh đạo của Trung Quốc trong 5 năm tới. Đại hội 20 này sẽ quyết định trao cho ông Tập Cận Bình quyền lãnh đạo tuyệt đối trong đảng và Nhà nước, nhiệm kỳ thứ 3.” (RFI 16/10/2022)


image005Vào ngày 25 tháng 10 năm 2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫy tay chào trong một sự kiện báo chí giới thiệu các thành viên mới của Bộ Chính trị Trung Quốc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. Credit: AP Photo/Ng Han Guan, File


Tập Cận Bình trở nên 'không thể thách thức' như thế nào?


Tập Cận Bình hiện đang nắm giữ ba vị trí cao nhất


  • Là Bí thư, ông là người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc.
  • Là Chủ tịch nước, ông đứng đầu nhà nước Trung Quốc.
  • Là Chủ tịch Quân ủy Trung ương, ông tổng chỉ huy lực lượng vũ trang.


Tập Cận Bình còn được xem là nhà lãnh đạo tối cao.


“Tập Cận Bình đã từng nói "việc tái thống nhất" với Đài Loan "phải được hoàn thành" trước năm 2049, khi Trung Quốc kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa - và đã không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để đạt được mục tiêu.


“Đài Loan có một tầm quan trọng chiến lược lớn đối với Phương Tây, một phần của điều được gọi là "chuỗi đảo đầu tiên" (first island chain), bao gồm một loạt các lãnh thổ là đồng minh của Mỹ trong hàng thập kỷ qua.” (David Brown)


  • Grace Tsoi và Sylvia Chang
  • BBC World Service


BBC 17/10/2022

image007

Ít ai có thể đoán trước rằng Tập Cận Bình sẽ trở thành nhà lãnh đạo Trung Quốc vững chãi nhất trong nhiều thập kỷ - hiện tại, ông Tập đã sẵn sàng đảm bảo tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có tiền lệ.


Một thập kỷ trước, người ta biết rất ít về ông Tập - ngoài việc ông là một "Thái tử Đảng" vì cha ông là một trong những nhà lãnh đạo cách mạng của đất nước.


Xuất thân của ông đã giúp ông giành được sự ủng hộ của những đảng viên lão thành - một tiêu chí quan trọng để lên nắm quyền trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì những lãnh đạo này thường nắm giữ ảnh hưởng chính trị ngay cả khi đã nghỉ hưu.


"Trước khi nắm quyền, ông Tập Cận Bình được coi là người có thể thỏa hiệp với mọi người," Joseph Fewsmith, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại Đại học Boston, nói.


Mười năm trôi qua, sự trị vì của ông Tập dường như là không thể nghi ngờ và quyền lực của ông ta là vô song. Làm sao ông Tập có thể đạt được những điều này?


Họng súng


Mao Trạch Đông, cha đẻ của Đảng cộng sản Trung Quốc, từng có câu nói nổi tiếng: "Quyền lực chính trị sinh ra từ họng súng".


Sau khi thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949, ông Mao đảm bảo rằng đảng Cộng sản, chứ không phải nhà nước, kiểm soát Quân Giải phóng Nhân dân (PLA). Kể từ đó, vị lãnh đạo ĐCSTQ đồng thời đóng vai trò Chủ tịch Quân ủy Trung ương (CMC).


Ông Tập may mắn hơn người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào vì ông trở thành chủ tịch CMC ngay lập tức - và không lãng phí thời gian để tiêu diệt phe đối lập trong lực lượng vũ trang.


image009Tình tiết gây chấn động nhất xảy ra vào năm 2014 và 2015, khi cựu Phó Chủ tịch CMC Từ Tài Hậu và cựu Tướng PLA, ông Quách Bá Hùng, bị cáo buộc tham nhũng.


Joel Wuthnow, một thành viên cấp cao tại Đại học Quốc phòng do Lầu Năm Góc tài trợ cho biết: "Họ đã nghỉ hưu vào thời điểm họ bị xử lý, nhưng khả năng nhắm vào họ của ông Tập đã làm giảm ảnh hưởng lâu dài của cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân trong PLA".


Ông nói thêm: "Sự kiện này cũng gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới các quan chức đang phục vụ trong quân đội rằng không ai chống lại sự kiểm soát của ông Tập mà không bị tổn hại."


Năm 2015, ông Tập cũng đại tu cơ cấu quân đội. Ông đã bãi bỏ bốn cơ quan đầu não - tham mưu, chính trị, hậu cần và vũ khí - và thay thế chúng bằng 15 cơ quan nhỏ hơn.


Ông Wuthnow cho biết thêm, cấu trúc mới cho phép CMC ban hành lệnh trực tiếp cho các bộ phận khác nhau của quân đội - thậm chí đến cả các kiểm toán viên tài chính, những người hiện phải báo cáo trực tiếp cho CMC.


Trên hết, đây là sự kiên định về lòng trung thành tuyệt đối với ông Tập - điều vẫn đang được nhắc lại.


Tháng trước, Nhật báo Quân đội Giải phóng Nhân dân, tờ báo quân sự chính thức của Trung Quốc, đã đăng một bài báo nhấn mạnh rằng CMC nắm quyền chỉ huy toàn diện.


Timothy Heath, nhà nghiên cứu quốc phòng cấp cao tại tập đoàn RAND của Mỹ, cho biết: "Thông điệp này giúp chống lại bất kỳ xu hướng nào có thể đang manh nha hình thành trong quân đội nhằm xây dựng lòng trung thành đối với các lãnh đạo cấp cao của PLA, những người có thể chống lại ông Tập.


"Trung thành với đảng có nghĩa là PLA dự kiến sẽ thực hiện bất kỳ và mọi mệnh lệnh để bảo vệ đảng, và đảm bảo ông Tập, tiếp tục nắm quyền."


Lòng trung thành đi đầu


Sau khi đảm bảo kiểm soát 'nòng súng', điều cốt yếu là phải kiểm soát hoàn toàn 'con dao' - bộ máy an ninh nội bộ.


Hai năm sau khi ông Tập lên nắm quyền, giới chức Trung Quốc xác nhận đã bắt giữ một "con hổ", ông Chu Vĩnh Khang, cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, vì tội tham nhũng. Ông này có quan hệ mật thiết với Bạc Hy Lai, một "ông trùm" khác từng là đối thủ của ông Tập.


Cuộc điều tra đã gây chấn động chính trị vì nó phá vỡ quy tắc bất thành văn rằng các thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định quyền lực nhất, sẽ không bị trừng phạt hình sự.


Neil Thomas, nhà phân tích cấp cao về Trung Quốc của Eurasia Group, cho biết: "Tập Cận Bình hóa ra là một chính trị gia tài giỏi tàn nhẫn, người kiên nhẫn vượt qua cả hệ thống trước khi nắm bắt thời điểm nắm quyền".


"Các lão thành của đảng cộng sản ủng hộ sự trỗi dậy của ông Tập có thể đã bị bất ngờ trước tốc độ và quy mô nắm quyền của ông ta."


image011Giới quan sát cho rằng chiến dịch chống tham nhũng đình đám của ông Tập cũng được sử dụng để loại bỏ các đối thủ chính trị của ông và các phe phái khác trong đảng.


Trong thập kỷ qua, hơn 4,7 triệu người đã bị điều tra bởi các cơ quan chống tham nhũng của Trung Quốc.


Victor Shih, một nhà khoa học chính trị tại Đại học California, San Diego, cho biết: "Trong hai năm qua, ông Tập đã thanh trừng hơn nữa các quan chức an ninh nghề nghiệp, những người ủng hộ việc ông lên nắm quyền ngay từ đầu".


"Giờ đây, các cơ quan an ninh hầu như chỉ được điều hành bởi các quan chức có chung quá khứ với ông Tập và những người có lẽ được ông ấy tin tưởng."


Ông Tập cũng đã đưa những người trung thành với mình vào các chức vụ quan trọng trong khu vực, chẳng hạn như bí thư đảng ủy của các thành phố quan trọng như Bắc Kinh, Thượng Hải và Trùng Khánh.


Ông Thomas nói, những vị trí này rất quan trọng vì họ chịu trách nhiệm "diễn giải và thực hiện các chỉ thị của trung ương ở các địa phương có hàng triệu người".


Ông Thomas nói, ít nhất 24 trong số 31 bí thư cấp tỉnh là cộng sự chính trị của ông Tập, từng quen biết với gia đình ông, học với ông, làm việc dưới quyền hoặc làm việc cho một trong những đồng minh thân cận của ông.


Trong khi đó, gần như tất cả 281 thành viên ủy ban thường vụ trong các ủy ban thường vụ cấp tỉnh đều do ông Tập đề bạt, theo dữ liệu do Wu Guoguang, giáo sư chính trị tại Đại học Victoria ở Canada, tổng hợp.


Xây dựng thương hiệu cá nhân


Năm 2018, "Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội mang bản sắc Trung Quốc cho kỷ nguyên mới" đã được ghi trong hiến pháp của Trung Quốc.


Nghe có vẻ dài dòng, nhưng có một hệ tư tưởng mang tên ông là thứ đã củng cố di sản của ông Tập.


Trước ông Tập, chỉ có Chủ tịch Mao đạt được điều này. Ngay cả Đặng Tiểu Bình, người được mệnh danh là kiến trúc sư của quá trình hiện đại hóa Trung Quốc, cũng chỉ có một "lý thuyết" mang tên ông, trong khi những người tiền nhiệmcủa ông Tập, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, không có bất kỳ tư tưởng hay lý thuyết nào mang tên mình.


Các nhà phân tích nhận định rằng, chính xác thì Tư tưởng Tập Cận Bình có ý nghĩa gì vẫn gây tranh cãi, nhưng đó không phải là vấn đề - đó là một động thái quyền lực.


"Tư tưởng của ông Tập chủ yếu nhằm mục đích củng cố tính chính danh và quyền lực của ông Tập vượt trên bất kỳ ai khác trong ĐCSTQ và trong toàn đất nước. Đó là một phần của sự sùng bái nhân cách mới, liên hệ ông Tập không chỉ với Mao mà còn với các vị hoàng đế hiển hách và thành công nhất của Trung Quốc trong những năm qua," Jean-Pierre Cabestan, giáo sư danh dự về khoa học chính trị tại Đại học Baptist Hong Kong, nói.


Theo tờ Ming Pao của Hong Kong, hàng chục trường đại học và học viện, trong đó có Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa danh tiếng, đã thành lập các trung tâm nghiên cứu dưới tên ông Tập.


image013Vào tháng Tám, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã công bố kế hoạch thúc đẩy Tư tưởng Tập Cận Bình trong chương trình giảng dạy quốc gia


Vào năm 2019, một ứng dụng di động có tên Xuexi Qiangguo - được dịch theo nghĩa đen là "Học hỏi từ ông Tập, củng cố đất nước" - bao gồm các câu đố về Tư tưởng Tập Cận Bình đã được ra mắt.


Ông Tập tin rằng "ông ấy có một hệ tư tưởng đúng đắn và mọi người phải chấp nhận nó", Andrew Nathan, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Columbia, nói.


"Bất cứ khi nào Mao có một quan điểm chính trị, tất cả những người khác đều phải ủng hộ, và điều đó cũng đúng với ông Tập."


Đồ họa của Davies Suryaia


Đại hội ĐCS Trung Quốc: Tập Cận Bình sẽ tiếp tục củng cố quyền lực


image015Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bảo vệ chính sách 'Không Covid' trong phiên khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 vào sáng nay 16/10


16/10/2022


Tessa Wong & Stephen McDonell


BBC News, Singapore và Bắc Kinh


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tiếp tục củng cố quyền lực trong Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc, bắt đầu diễn ra vào hôm nay 16/10 tại Bắc Kinh.


Vốn đã không xảy ra trong hàng thập kỷ qua, các đại biểu Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 có thể sẽ trao quyền Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ ba cho Tập Cận Bình.


Và điều này sẽ dọn đường cho ông ta trở thành lãnh đạo quyền lực nhất kể từ thời Mao Trạch Đông.


Khoảng 2.300 đại biểu sẽ họp để bầu tổng bí thư và có phần tranh luận về những chính sách quan trọng, có thể bao gồm chiến lược 'Không Covid'.


Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã tăng cường tuyên truyền cho Đảng Cộng sản Trung Quốc trước thềm đại hội vốn sẽ diễn ra trong một tuần, với các bản tin và chương trình truyền hình khắc họa những thành tựu của Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình.


Trong phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vào sáng nay 16/10, liên quan đến vấn đề Đài Loan, Chủ tịch Tập Cận Bình đã lặp lại cam kết "tái thống nhất" và không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực, tuy nhiên sẽ cố gắng giải quyết dựa trên các biện pháp hoà bình.


"Chúng tôi kiên định sự nỗ lực vì viễn cảnh tái thống nhất hoà bình với lòng chân thành cao nhất và các nỗ lực tốt nhất, nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ hứa từ bỏ sử dụng vũ lực và giữ sự lựa chọn thực thi tất cả các biện pháp cần thiết."


Ông Tập Cận Bình lặp lại khẳng định vấn đề Đài Loan là chuyện nội bộ của Trung Quốc và do người dân Trung Quốc tự quyết định."Bánh xe lịch sử của công tác tái thống nhất đất nước và chấn hưng quốc gia đang tiến về phía trước, và việc tái thống nhất hoàn toàn tổ quốc phải đạt được, và phải đạt được!", ông kết thúc trong tràng pháo tay kéo dài của hơn 2.000 đại biểu tham dự Đại hội lần thứ 20.


Trong khi đất nước thì hết mực tin tưởng thì Bắc Kinh đã chịu ảnh hưởng từ các biện pháp an ninh và giới hạn đi lại nghiêm ngặt. Điều này đã làm nổ ra sự bất mãn tại đây và một cuộc biểu tình hiếm hoi và nghiêm trọng vào hôm 13/10, chỉ trích Tập Cận Bình và chính sách 'Không Covid'.


Chính sách này đã cứu mạng người, nhưng lại tạo nên một cái giá đau đớn cho người dân và nền kinh tế Trung Quốc, và ngày càng có thêm sự mỏi mệt trong quần chúng đồng thời cả sự giận dữ liên quan đến các lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại.


Tập Cận Bình được cho sẽ bắt đầu đại hội vào hôm nay 16/10 với bài phát biểu dài và long trọng, sử dụng ngôn từ được chọn lọc kỹ lưỡng, mà theo đó giới phân tích sẽ tìm bất kỳ các chỉ dấu nào về khả năng thay đổi chính sách.


Các đại biểu cũng sẽ tiến hành bỏ phiếu bầu chọn các lãnh đạo khác bao gồm Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị - một cơ quan tương đương với nội các chủ tịch nước - những người sẽ xuất hiện trước cánh truyền thông đang chờ đợi trong suốt thời gian đại hội.


Trong quá khứ, thì một đại hội đảng diễn ra cứ 5 năm một lần được xem là cơ hội để giới lãnh đạo kêu gọi sự ủng hộ, khi họ muốn gia tăng quyền lực cho thành phần của mình trong đảng.


Nhưng giới quan sát cho rằng ngày hôm nay thì dường như chỉ còn một thành phần tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc XX - đó là của Tập Cận Bình.


image017Người biểu tình yêu cầu chấm dứt chính sách 'Không Covid' tại Bắc Kinh hôm 13/10


Trong một dấu hiệu rõ ràng về việc củng cố quyền lực, các lãnh đạo hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra một thông cáo trước đó, ca ngợi Tập Cận Bình là "trụ cột" của đảng và giới lãnh đạo. Họ cũng kêu gọi toàn đảng đoàn kết hơn nữa dưới sự lãnh đạo của ông ta.


Tập Cận Bình hiện đang giữ ba vị trí quyền lực nhất tại Trung Quốc - Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Quân ủy Trung ương và Chủ tịch nước. Ông cũng được cho sẽ có thêm nhiệm kỳ cho hai vị trí quyền lực đầu tiên tại đại hội.


Đảng Cộng sản Trung Quốc không đưa ra bất kỳ giới hạn nhiệm kỳ nào. Nhưng không có nhà lãnh đạo nào ngoài Mao Trạch Đông, người sáng lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, từng nắm quyền ba nhiệm kỳ.


Chủ tịch nước thường chỉ có giới hạn hai nhiệm kỳ theo hiến pháp Trung Quốc, do cựu Chủ tịch kiêm Tổng Bí thư Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đề ra để ngăn chặn việc xuất hiện một nhân vật như Mao Trạch Đông.


Thế nhưng Tập Cận Bình đã có thể xóa bỏ yêu cầu này: Vào năm 2018, Quốc hội Trung Quốc đã chính thức bỏ quy luật này, thật sự cho phép Tập Cận BÌnh có thể nắm quyền Chủ tịch nước đến khi nào ông ta muốn.


Kể từ khi nắm quyền vào năm 2012, Tập Cận Bình đã dẫn dắt Trung Quốc bước vào con đường với tham vọng và độc tài ngang nhau.


Ông ta đã đẩy mạnh vì "sự chấn hưng mạnh mẽ quốc gia", như theo đuổi cải cách kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường, và xóa đói giảm nghèo.


Ông cũng tiến hành một chiến dịch chống tham nhũng - mà nhiều người xem là một cách để ông ta nhổ bỏ những đối thủ chính trị - cũng như thanh trừng người Uyghur ở Tân Cương và giới biểu tình vì dân chủ ở Hong Kong.


Thế nhưng Tập Cận Bình cũng đối mặt với nhiều thách thức khác, như nạn thất nghiệp ở người trẻ, nền kinh tế phát triển chậm lại và khủng hoảng bất động sản đang diễn ra - và dĩ nhiên là chính sách 'Không Covid'.

image019

Câu hỏi đặt ra là liệu trong thời gian đại hội chúng ta có thể nghe thấy tuyên bố như, "Chúng ta đã làm tốt rồi, chúng ta giờ đây có thể không làm tiếp'," Giáo sư Rosemary Foot từ Đại học Oxford nói.


"Ý tưởng là đảng đã đạt chiến thắng và kiểm soát được virus, đây là thông điệp quan trọng gửi đến người dân trong nước và quốc tế."


Nhưng Giáo sư Rosemary cũng nói thêm tất cả dấu hiệu hiện thời đều chỉ ra rằng chính sách này có thể vẫn tiếp diễn.


Nhiều người cũng dõi theo đại hội để xem liệu sẽ có sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh, đặc biệt về hướng cường quốc khác trên thế giới, Mỹ.


Các nỗ lực của Tập Cận Bình nhằm làm gia tăng sự ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn cầu thông qua sáng kiến 'Một vành đai, một con đường', và các tuyên bố trên Biển Đông, cũng như sự ủng hộ dành cho Nga trong cuộc chiến tranh UKraine, đã làm gia tăng các căng thẳng với Mỹ và những nước khác.


Dưới sự dẫn dắt của Tập Cận Bình, Trung Quốc cũng đã có lập trường mang tính khẳng định hơn về vấn đề Đài Loan, một hòn đảo tự trị mà Bắc Kinh xem thuộc lãnh thổ của mình.


Và khi Tập Cận Bình còn nắm quyền thì tất cả những điều này sẽ tiếp tục là mối quan tâm chính yếu - mặc dù một số chuyên gia tin rằng ông ta có thể giảm nhẹ cách tiếp cận của Trung Quốc trong một số khía cạnh để theo đuổi các mối quan hệ thương mại tốt đẹp hơn với Mỹ và các đối tác trong khu vực.


"Tính chính danh chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc nằm ở kết quả kinh tế xã hội," Tiến sĩ Collin Koh từ trường S Rajaratnam School of International Studies tại Singapore.


"Một người dân trung bình tại Trung Quốc sẽ cảm thấy mọi việc không diễn ra rất tốt, vì vậy cần phải phục hồi lại một loại hình phát triển mà Trung Quốc đã từng có trong những thập niên gần đây."


image021Khoai tây ‘kỳ diệu’ được cho là giúp xóa đói giảm nghèo ở Bắc TQ


Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc: Thông tin tóm lược


12/10/2022


David Brown


BBC News Visual Journalism Team


image022Có thể ông Tập Cận Bình, 69 tuổi sẽ vẫn là chủ tịch cho đến hết đời.


Dự kiến Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ trao quyền cho Chủ tịch Tập Cận Bình thêm một nhiệm kỳ thứ ba, kéo dài 5 năm. Nếu điều này xảy ra, ông Tập Cận Bình sẽ trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất kể từ thời Mao Trạch Đông vào những năm 1970.


Quyết định giới hạn hai nhiệm kỳ bị bãi bỏ hồi năm 2018 sẽ giúp Tận Cận Bình củng cố quyền lực ở Trung Quốc.


Và bước đi lịch sử này được cho sẽ diễn ra tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc, bắt đầu vào ngày 16/10, một trong những cuộc họp quan trọng nhất trong lịch sử của đảng này.


Tập Cận Bình hiện đang nắm giữ ba vị trí cao nhất


  • Là Bí thư, ông là người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc.
  • Là Chủ tịch nước, ông đứng đầu nhà nước Trung Quốc.
  • Là Chủ tịch Quân ủy Trung ương, ông tổng chỉ huy lực lượng vũ trang.


Tập Cận Bình còn được xem là nhà lãnh đạo tối cao.


Tập Cận Bình có thể tiếp tục nắm giữ hai chức vụ quan trọng, vừa là Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chủ tịch Quân ủy Trung ương tại Đại hội Đảng - diễn ra 5 năm một lần, và chức danh chủ tịch nước thì tại kỳ họp Quốc hội thường niên vào mùa xuân năm 2023.


Điều gì sẽ diễn ra tại Đại hội?


Khoảng 2.300 đại biểu sẽ tập hợp tại Đại lễ đường Nhân dân ở Quảng trường Thiên An Môn trong khoảng một tuần.


Khoảng 200 đại biểu trong số đó sẽ được bầu chọn để tham gia Ban chấp hành Trung ương, bên cạnh khoảng 170 thành viên dự khuyết.


Ban chấp hành Trung ương sẽ bầu 25 người cho Bộ Chính trị.


Và Bộ Chính trị sẽ bổ nhiệm các ủy viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị.


Đây là những thành viên cao cấp nhất trong số những người giữ vị trí cao cấp.


Hiện giờ có bảy ủy viên, bao gồm Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình. Tất cả đều là nam giới.


Không phải tất cả hành động đều diễn ra tại đại hội.


Ban chấp hành Trung ương sẽ nhóm họp vào ngày sau khi đại hội chính kết thúc.


Tại sao lại quan trọng?

image024

Ông Tập Cận Bình lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và một trong những lực lượng quân đội lớn nhất.


Một số nhà phân tích nhận định ông ta sẽ đẩy Trung Quốc vào một lập trường độc tài hơn trong nhiệm kỳ lần ba.


"Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình đang đi theo hướng chuyên chế," Giáo sư Steve Tsang từ Đại học London University's School of Oriental and African Studies (SOAS) nhận định.


"Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông là một hệ thống độc tài. Chúng tôi chưa đến mức đó, nhưng đang đi theo hướng đó."


Giáo sư Tsang nói đại hội đảng lần này có thể chứng kiến những thay đổi trong hiến pháp, với "tư tưởng Tập Cận Bình" đang được tôn thờ như một triết lý dẫn đường của Đảng Cộng sản Trung Quốc.


"Tư tưởng Tập Cận Bình" là một thương hiệu chủ nghĩa xã hội Trung Quốc của Tập Cận Bình, một triết lý theo chủ nghĩa dân tộc mang tính khẳng định, rất hoài nghi về giới kinh doanh tư nhân.


Dưới thời lãnh đạo của ông ta, chính quyền Trung Quốc đã tiến hành trấn áp những công ty quyền lực trong một số lĩnh vực của nền kinh tế.


"Nếu điều đó xảy ra, họ sẽ thật sự khiến ông ta trở thành một kẻ độc tài," Giáo sư Tsang nhận định.


Giới lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc sẽ được công bố tại đại hội, sẽ ban hành một loạt lớn các chính sách.


Bất kỳ chỉ dấu về con đường tương lai của Trung Quốc sẽ được thế giới theo dõi sát sao, đặc biệt là về những thách thức chính: kinh tế, ngoại giao và môi trường.


Thách thức kinh tế của Trung Quốc


Nền kinh tế Trung Quốc bùng nổ trong những thập niên gần đây. Nhưng hiện Bắc Kinh đang đối mặt với sự đứt gãy kinh tế nghiêm trọng do phong tỏa vì Covid, giá cả tăng vọt và khủng hoảng bất động sản.


Ngày càng có những nỗi lo về lạm phát toàn cầu bị kích hoạt từ cuộc chiến tranh Ukraine, điều này đã gây tổn hại với lòng tin của người dân.


Mức tăng trưởng kinh tế dưới thời lãnh đạo của Tập Cận Bình thấp hơn dưới thời các người tiền nhiệm như Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào.


Một số nhà phân tích cho rằng tính chính danh của chính phủ cộng sản vẫn phụ thuộc rất nặng nề vào khả năng có mang lại thu nhập cao hơn và việc làm tốt hơn cho các công nhân Trung Quốc hay không.


Vì vậy nền kinh tế phát triển kém trong 5 năm tiếp theo có thể tạo nên một vấn đề chính trị nghiêm trọng cho Tập Cận Bình.


Đại hội sẽ chuẩn bị tiền đề cho việc xáo trộn những vị trí lãnh đạo kinh tế quan trọng bao gồm thống đốc ngân hàng nhà nước và thủ tướng.


Chính sách Zero Covid


Cách tiếp cận 'Zero Covid' là một trong những chính sách quan trọng của Tập Cận Bình.


Trong khi nhiều nước đã trở lại bình thường, chính quyền Trung Quốc vẫn tăng cường nỗ lực kiềm chế dịch với các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, xét nghiệm hàng loạt và cách ly kéo dài.


Các báo cáo cho biết hơn 70 thành phố gồm Thâm Quyến và Thành Đô đã bị phong tỏa toàn bộ hoặc một phần trong những tuần gần đây, với hàng triệu người dân bị ảnh hưởng, hoạt động của số lượng lớn các doanh nghiệp bị đứt đoạn và có thông tin về sự bất mãn của người dân.


image026Cách tiếp cận 'Không Covid' là một trong những chính sách quan trọng của Tập Cận Bình


Tập Cận Bình đã cam kết "kiên quyết đấu tranh chống lại bất kỳ ngôn từ và hành động nào làm bóp méo, ngờ vực hoặc phản bác" chính sách Covid của mình.


Một đợt dịch bùng phát lớn trong thời gian từ nay đến đại hội, hoặc trong đại hội tạo nguy cơ gây tổn hại đến hình ảnh về năng lực của Tập Cận Bình.


Một số nhà quan sát nói rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể sử dụng đại hội để tuyên bố chiến thắng trước đại dịch và chấm dứt chính sách 'Zero Covid'


Hay Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể lập luận rằng Trung Quốc - không giống các nước khác - trân trọng mạng sống của con người hơn nền kinh tế, trong trường hợp sẽ vẫn duy trì chính sách này.


Đài Loan và Phương Tây


Tập Cận Bình cũng ưu tiên cách tiếp cận cứng rắn trong các mối quan hệ với Phương Tây, đặc biệt liên quan đến vấn đề Đài Loan.


Chuyến thăm đến Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ hồi tháng 8 đã khiến Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận quân sự, bao gồm phóng tên lửa, xung quanh hòn đảo này.


Trung Quốc xem Đài Loan là một tỉnh ly khai và cuối cùng sẽ chịu sự kiểm soát của Bắc Kinh, trong khi đó Đài Loan cho rằng không có liên quan đến Trung Quốc lục địa.


Tập Cận Bình đã từng nói "việc tái thống nhất" với Đài Loan "phải được hoàn thành" trước năm 2049, khi Trung Quốc kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa - và đã không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để đạt được mục tiêu.


Các chuyên gia an ninh cho rằng việc Trung Quốc thâu tóm được Đài Loan sẽ làm tan vỡ sức mạnh của Mỹ ở Thái Bình Dương và hơn thế nữa.


Đài Loan có một tầm quan trọng chiến lược lớn đối với Phương Tây, một phần của điều được gọi là "chuỗi đảo đầu tiên" (first island chain), bao gồm một loạt các lãnh thổ là đồng minh của Mỹ trong hàng thập kỷ qua.


Thông tin tường thuật bổ sung từ Wanyuan Song.

image028