Đối thoại Shangri-La: Tướng tá các nước bàn COC, UNCLOS, tự do hàng hải các vùng biển ở AĐD-TBD

14 Tháng Sáu 20229:29 SA(Xem: 1832)

VĂN HÓA ONLINE – CHÂU Á THÁI B DƯƠNG - THỨ BA 14 JUNE 2022

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Đối thoại Shangri-La: Tướng tá các nước bàn COC, UNCLOS, và tự do hàng hải các vùng biển ở AĐD-TBD

image015

14/06/2022

DƯƠNG KHANG


(PLO)- Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) và Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) là nhân tố đóng vai trò nền tảng quan trọng để đảm bảo trật tự quốc tế trên biển và tự do hàng hải tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.


Chiều 11/6/2022, phiên họp đặc biệt về “An ninh hàng hải: Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) và Phương thức liên lạc trong tình huống khủng hoảng” đã diễn ra trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La 2022 tại Singapore, theo thông tin từ Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) - đơn vị tổ chức hội nghị này.


Như đúng tên gọi của nó, phiên họp chủ yếu bàn về các vấn đề liên quan an ninh hàng hải tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AĐD-TBD). Xuyên suốt phiên họp, hầu hết đại biểu điều đồng tình với quan điểm lĩnh vực hàng hải về bản chất là một lĩnh vực quốc tế, không biên giới. Do đó, các nước cần cùng nhau bảo vệ tự do hàng hải, đảm bảo nó được tôn trọng và thực thi trên mọi vùng biển.


“Tự do hàng hải không phải là vấn đề của riêng một khu vực cụ thể. Tự do hàng hải phải được thực hiện một cách có hệ thống và toàn diện. Đây là điều mà chúng ta không thể không tuân thủ và thực hiện ở mọi nơi” - bà Alice Guitton, Tổng Vụ trưởng quan hệ quốc tế và chiến lược Bộ Quân đội Pháp, nhận định.


image017Bà Alice Guitton - Tổng Vụ trưởng quan hệ quốc tế và chiến lược Bộ Quân đội Pháp (trái) và ông John Aquilino - Tư lệnh Bộ chỉ huy AĐD-TBD của Mỹ tại phiên họp đặc biệt hôm 11-6. Ảnh chụp màn hình từ IISS


Cùng quan điểm với bà Guitton, ông Aaron Beng - Tham mưu trưởng Hải quân Singapore - nhận định rằng phần lớn các căng thẳng hiện nay thế giới đối mặt đều liên quan đến hàng hải. Theo ông, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), COC, và các diễn đàn an ninh như Đối thoại Shangri-La, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM), ... đóng vai trò nền tảng quan trọng để đảm bảo trật tự quốc tế trên biển và tự do hàng hải trong khu vực.


Bên cạnh đó, ông cho rằng nếu các nước trong khu vực có thể cùng nhau xây dựng các thỏa thuận tương tự Hiệp ước tuần tra Eo biển Malacca (thỏa thuận giữa hải quân Singapore, Indonesia, Malaysia and Thái Lan nhằm ngăn chặn và chấm dứt nạn cướp biển tại khu vực), hay cùng nhau phối hợp trong một số hoạt động tương tự như tìm kiếm máy bay MH370 bị mất tích, ... thì có thể thúc đẩy trật tự quốc tế cũng như đảm bảo tự do hàng hải tại AĐD-TBD.


Về vấn đề này, Đô đốc John Aquilino - Tư lệnh Bộ chỉ huy AĐD-TBD của Mỹ - nhận định rằng “hầu hết các quốc gia trong khu vực đều có chung tầm nhìn về một Thái Bình Dương tự do và cởi mở mà không bị ép buộc”. Theo đó, ông nhấn mạnh tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều có tiếng nói bình đẳng để giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và phát triển theo một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, nhằm đảm bảo lợi ích của chính họ.