Thông cáo chung W, D.C. và Tokyo 2022

23 Tháng Năm 20225:44 CH(Xem: 2490)

VĂN HÓA ONLINE – CHÂU Á TBD - THỨ HAI 23 MAY 2022

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Thông cáo chung W, D.C. và Tokyo 2022


TT Mỹ thăm Nhật Bản: Washington và Tokyo gởi thêm tín hiệu cứng rắn đến Bắc Kinh


23/05/2022


image031Tổng thống Mỹ Joe Biden (T) và thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tham dự sự kiện ra mắt Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF), Tokyo, Nhật Bản, ngày 23/05/2022. REUTERS - JONATHAN ERNST


Trọng Nghĩa


Một hôm sau khi đến Tokyo trong chuyến công du châu Á đầu tiên từ ngày nhậm chức, cùng với thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, tổng thống Mỹ Joe Biden vào hôm nay, 23/05/2022, đã đưa ra những lời cảnh báo cứng rắn liên tiếp nhắm vào Trung Quốc. Lãnh đạo Mỹ đồng thời loan báo việc hình thành một khối thương mại mới bao gồm 13 nước - trong đó có Việt Nam - nhằm củng cố sự hiện diện của Mỹ ở  Châu Á - Thái Bình Dương, làm đối trọng với Bắc Kinh. 


Theo hãng tin Pháp AFP, trong một cuộc họp báo chung, lãnh đạo Hoa Kỳ và Nhật Bản đã khẳng định trở lại “tầm nhìn chung về một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, đồng thời cho biết là hai nước đã đồng ý giám sát hoạt động hải quân của Trung Quốc trong khu vực, nơi mà Bắc Kinh ngày càng lộ rõ tham vọng bành trướng. Theo thủ tướng Nhật Bản, “cần phải kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế”, kể cả về kinh tế. 


Trong thông cáo chung Mỹ - Nhật công bố vào hôm nay sau cuộc hội đàm tại Tokyo, tổng thống Biden và thủ tướng Kishida cho biết là đã thảo luận về các hành động không phù hợp với luật lệ quốc tế của Trung Quốc, bao gồm cả việc cưỡng bức bằng kinh tế và các biện pháp khác. 


Hai lãnh đạo đã “phản đối mạnh mẽ mọi nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông, đồng thời nhắc lại quan điểm phản đối mạnh mẽ các yêu sách hàng hải phi pháp của Trung Quốc, các hành vi quân sự hóa các đảo đã được bồi đắp và các hoạt động cưỡng chế ở Biển Đông”. Hai bên đều nhấn mạnh quyết tâm trong việc duy trì pháp quyền, trong đó có quyền tự do hàng hải và hàng không, nhất quán với Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). 


Riêng tổng thống Biden nhắc lại cam kết của Hoa Kỳ về việc bảo vệ Nhật Bản theo Hiệp Ước Hợp Tác và An Ninh Hỗ Tương, và tái khẳng định là Điều V của hiệp ước này áp dụng cho quần đảo Senkaku. Quần đảo này trên biển Hoa Đông do Nhật Bản kiểm soát nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền và thường xuyên cho tàu vào sách nhiễu. 


Khối thương mại mới có Việt Nam tham gia 


Trong cuộc họp báo với thủ tướng Nhật Kishida, tổng thống Mỹ Biden cũng loan báo việc hình thành một cơ cấu quan hệ đối tác kinh tế mới ở vùng Châu Á - Thái Bình Dương, với sự tham gia ban đầu của 13 quốc gia, nhưng không có Trung Quốc. 


Cơ chế thương mại mới này mang tên Khuôn Khổ Kinh Tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF) không phải là hiệp định tự do mậu dịch, nhưng tạo điều kiện cho sự hội nhập sâu rộng hơn giữa các nước thành viên trong 4 lĩnh vực chính : Kinh tế kỹ thuật số, chuỗi cung ứng, năng lượng xanh và cuộc chiến chống tham nhũng. 


Trong môt thông báo đề ngày 23/05 được Nhà Trắng công bố, ngoài Hoa Kỳ, khối IPEF còn bao gồm Úc, New Zealand, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và 7 nước Đông Nam Á là Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Tổng cộng, kinh tế của toàn khối chiếm 40% GDP thế giới. 


Việc Trung Quốc không được mời gia nhập Khuôn Khổ Kinh Tế Ấn Độ - Thái Bình Dương đã khiến Bắc Kinh tức tối. Cho dù cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã khẳng định rằng khối này là một cơ chế “mở”, hoàn toàn có thể đón nhận thêm thành viên mới, nhưng vào hôm qua Bắc Kinh đã tố cáo một “nhóm nhỏ” muốn “kềm chế Trung Quốc”.