Liên Hiệp Quốc: Đối đầu Mỹ-Trung; Tam cường châu Âu "tăng sức mạnh cho VN"

24 Tháng Chín 20205:26 SA(Xem: 2521)

VĂN HÓA ONLINE - ĐÔNG HẢI LIỆT QUỐC - THỨ NĂM 24 SEP 2020

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)


Liên Hiệp Quốc: Đối đầu Mỹ-Trung; Tam cường châu Âu ‘tăng sức mạnh cho VN


 23/09/2020


image008Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu, qua cầu truyền hình, tại khóa họp thứ 75 Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, New York, ngày 22/09/2020. via REUTERS - UNITED NATIONS


Thanh Phương RFI


Hôm qua, 22/09/2020, tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, lãnh đạo Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đối đầu với nhau trong một bầu không khí « Chiến tranh lạnh mới », ngay vào lúc cả thế giới đang phải đối phó với đại dịch Covid-19.


Do tình hình dịch Covid-19, phiên họp thường niên Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc chủ yếu diễn ra qua mạng. Trong bài phát biểu qua video, tổng thống Donald Trump đã tuyên bố : « Liên Hiệp Quốc phải buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm về những hành động của họ vào lúc khởi đầu dịch Covid-19 ». Ông cáo buộc Bắc Kinh đã để cho « virus Trung Quốc » lây nhiễm cả thế giới.


Về phần chủ tịch Tập Cận Bình , trong bài diễn văn cũng được thâu trước, ông nhấn mạnh là Trung Quốc « không có ý định lao vào một cuộc Chiến tranh lạnh », đồng thời kêu gọi không nên « chính trị hóa » cuộc chiến chống virus corona. Sau phát biểu của ông Tập Cận Bình, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc đã bác bỏ « những cáo buộc vô căn cứ » của tổng thống Trump về dịch Covid-19.


Từ New York, thông tín viên Carrie Nooten tường trình :


« Trong khi nhiều nhà ngoại giao, đứng đầu là tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres kêu gọi nên thoát khỏi cuộc đấu tay đôi Mỹ-Trung, tổng thống Donald Trump đã tấn công trực diện Trung Quốc trên những vấn đề mà ông vẫn đặc biệt cảm thấy khó chịu : nguồn gốc của virus gây bệnh Covid-19, ô nhiễm và trao đổi thương mại.


Chủ tịch Tập Cận Bình thì lại cố chứng tỏ ông là một đại diện tiêu biểu của mô hình đa phương, thể hiện qua việc thông báo tài trợ hàng trăm triệu đôla cho Liên Hiệp Quốc, một cách để khẳng định ảnh hưởng của Trung Quốc.


Trong một bài diễn văn dài, tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo là không thể để thế giới sống trong cảnh đối đầu Mỹ-Trung, đồng thời ông kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế. Trong khi đó, không có gì đáng ngạc nhiên trong các bài phát biểu của hai lãnh đạo Brazil và Iran. Tổng thống Brazil Bolsonaro lên án một chiến dịch bóp méo thông tin tại Liên Hiệp Quốc về tình hình của vùng Amazon, còn tổng thống Iran Rohani thì kêu gọi bãi bỏ các trừng phạt của Mỹ.


Về phần tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, ông kêu gọi một cuộc đối thoại thành thật để giải quyết cuộc xung đột giữa nước này với Hy Lạp và Liên Hiệp Châu Âu tại vùng Địa Trung Hải. Và dĩ nhiên là không một lãnh đạo nào lại không nói đến dịch Covid-19 và cách thức mà quốc  gia của họ đối phó với đại dịch này. »


+++++++++++++++++++++++++++++++++


Công hàm của tam cường châu Âu ‘tăng sức mạnh cho Việt Nam trước Trung Quốc’


VOA 23/09/2020


image001Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron


Công hàm chung của ba nước Anh, Pháp, Đức gửi lên Liên Hiệp Quốc bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông có tác dụng ‘bảo vệ tính toàn vẹn của UNCLOS’ và ‘giúp củng cố sức mạnh pháp lý của Mỹ và Việt Nam trong cuộc đối đầu trước Trung Quốc’, một học giả nhận định với VOA.


Hôm 16/9, tam cường châu Âu (E3), trong đó Anh và Pháp là hai trong số năm thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, đã đệ trình lên Ủy ban Ranh giới và Thềm lục địa công hàm chung bác bỏ ‘chủ quyền lịch sử’ của Trung Quốc trên Biển Đông vì ‘không đúng với luật pháp quốc tế’ và phản bác việc Trung Quốc vẽ đường cơ sở cho các thực thể mà họ kiểm soát trên Biển Đông.


Ngay sau đó, Trung Quốc cũng gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc để đáp lại hôm 18/9, trong đó Bắc Kinh lập luận rằng ‘UNCLOS không bao trùm hết mọi vấn đề’ và một lần nữa khẳng định Trung Quốc ‘có quyền lịch sử đối với đường chín đoạn trên Biển Đông’ và cho rằng tam cường châu Âu muốn sử dụng UNCLOS làm ‘vũ khí chính trị để tấn công Trung Quốc’.


Sức mạnh của sự đoàn kết


Việc ba nước Anh, Pháp, Đức cùng ra công hàm chung như vậy là để khẳng định sức nặng trước Trung Quốc, theo nhận định của Giáo sư Ngô Vĩnh Long từ Đại học Maine.


“Như vậy mới có sức mạnh. Có ba cái cây thật lớn ở châu Âu. Ba cái cây này có tiếng nói lớn ở Liên Hiệp Quốc nên khi mà cần đưa ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ có sự ủng hộ của ba nước này, Trung Quốc sẽ ở trong thế yếu nếu không muốn nói là đơn thương độc mã,” Giáo sư Long diễn giải.


Theo phân tích của ông thì E3 có lợi ích chung trong việc bảo vệ tính toàn vẹn và nhất quán của luật pháp quốc tế vì nếu UNCLOS bị Trung Quốc vi phạm trên Biển Đông thì nó cũng có thể bị vi phạm ở những vùng biển khác làm xâm phạm lợi ích của họ.


“UNCLOS phải được áp dụng cho tất cả các vùng biển trên thế giới, đó là lợi ích chung của ba nước châu Âu,” ông nói.


Ngoài ra, E3 có buôn bán rất lớn với nhiều nước châu Á thông qua con đường hàng hải đi qua Biển Đông nên họ cũng có lợi ích trực tiếp, ông nói thêm. Ngoài Đức thì Anh và Pháp đều có lãnh thổ hải ngoại ở vùng biển Thái Bình Dương nên tham vọng của Trung Quốc đối với khu vực này đe dọa lợi ích của Paris và London.


‘Củng cố vị thế của Mỹ’


UNCLOS, tức Công ước Quốc tế về Luật Biển, được ký kết vào năm 1982. Trung Quốc và Việt Nam đều là các nước đã ký kết công ước này nên có nghĩa vụ phải tuân thủ. Công ước quy định các nước ven biển chỉ có vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý và thềm lục địa rộng 350 hải lý tính từ đường cơ sở nên việc Trung Quốc viện ‘chủ quyền lịch sử’ để ôm trọn gần như toàn bộ Biển Đông là không phù hợp với UNCLOS.


Phán quyết của Tòa trọng tài Thường trực (PCA) hồi năm 2016 được thành lập trong khuôn khổ của UNCLOS để phân xử vụ kiện của Phillippines đã bác bỏ ‘chủ quyền lịch sử của Trung Quốc đối với đường chín đoạn trên Biển Đông’ vì ‘không có cơ sở pháp lý’. Công hàm chung của E3 nhắc lại Trung Quốc cần tuân thủ phán quyết này.


Riêng Mỹ, mặc dù đã ký kết và nghiêm túc thực thi UNCLOS nhưng do gặp sự chống đối quyết liệt của Đảng Cộng hòa nên đến nay Quốc hội Mỹ vẫn chưa phê chuẩn UNCLOS. Do đó, Mỹ ở thế yếu về pháp lý khi đối đầu với Trung Quốc.


Theo kiến giải của Giáo sư Long thì với công hàm chung này, ba nước châu Âu giúp Mỹ có thêm sự hậu thuẫn pháp lý về tính toàn vẹn của UNCLOS để đương đầu với Trung Quốc ở các diễn đàn quốc tế khi mà lâu nay Bắc Kinh luôn cho rằng ‘Mỹ không có tư cách phê phán Trung Quốc về UNCLOS’.


Ông lưu ý việc Anh, Pháp, Đức muốn Liên Hiệp Quốc cho phổ biến công hàm của họ đến không chỉ các nước đã ký UNCLOS mà còn tất cả các nước thành viên Liên Hiệp Quốc cho thấy họ ‘muốn các nước tuân thủ UNCLOS không chỉ trên Biển Đông mà còn các khu vực trên thế giới’.


“Ngoài ra công hàm chung này cũng cho thấy mặc dù chính quyền Trump ruồng bỏ các nước đồng minh và đang bị cô lập nhưng các nước châu Âu vẫn nhất quán ủng hộ các lập trường của Mỹ lâu nay,” chuyên gia này nhận định và nói thêm rằng dù có hải quân mạnh nhưng Mỹ muốn duy trì ưu thế trước Trung Quốc thì vẫn cần sự ủng hộ của các đồng minh, nhất là các nước Anh, Pháp có năng lực triển khai quân sự ở Thái Bình Dương.


‘Việt Nam không đơn độc’


Theo lời ông Long thì công hàm này của E3 ‘là sự hậu thuẫn rất lớn cho các nước ven biển ở đông nam Á’ và Việt Nam có thể dựa vào đấy để ‘bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc’.


“Chẳng hạn như khi nào Việt Nam bị Trung Quốc làm quá như trở lại bãi Tư Chính, nếu Việt Nam đưa ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hoặc khởi kiện Trung Quốc thì sẽ được các nước châu Âu ủng hộ,” ông nói.


Theo ông thái độ này của Anh, Pháp, Đức cũng nhằm cảnh cáo Trung Quốc rằng nếu họ làm gì quá đáng thì các nước này sẽ có hành động.


Trong bối cảnh đó, ông Long dự đoán rằng dù Bắc Kinh ‘lâu nay vẫn xem phán quyết của PCA là tờ giấy lộn nhưng trước tình hình hiện nay họ sẽ không dám làm gì quá’. Dù sao đi nữa, Bắc Kinh vẫn sẽ tiếp tục khẳng định yêu sách đường chín đoạn bất chấp sự bác bỏ mới đây của Mỹ, Úc và giờ là ba nước châu Âu, ông Long nói.


Về lập luận của Trung Quốc rằng ‘UNCLOS không bao trùm tất cả’, ông Long nói ‘đúng một phần’.


“Chỗ nào có chủ quyền lịch sử thì UNCLOS không có hiệu lực,” ông giải thích. “Nhưng trên thế giới có rất ít vùng biển như vậy trong khi Trung Quốc lại lấy những vùng họ không có quyền lịch sử gì hết và đã bị tòa án quốc tế bác bỏ.”


“Nếu Trung Quốc cứ tiếp tục giọng điệu như vậy thì các nước đã ký UNCLOS sẽ có phản ứng.”

28 Tháng Bảy 2021(Xem: 2583)
TỤC NGỮ VN: “Trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết”
05 Tháng Năm 2021(Xem: 2783)