VĂN HÓA ONLINE - NHÂN VĂN - THỨ NĂM 04 JAN 2018
Nguyễn Vĩnh Tráng: Jean-Marie Dayot qua những bài viết phục vụ Nguyễn Ánh
10 Tháng Mười Hai 20178:53 CH(Xem: 112)
VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN VĂN HÓA - THỨ HAI 11 DEC 2017
Jean-Marie Dayot qua những bài viết
Phần 1 : Phục Vụ Nguyễn Ánh
Nguyễn Vĩnh-Tráng
(Gởi cho VĂN HÓA từ Paris)
Lời nói đầu : Tôi có viết bài « Monsieur Jean-Marie Dayot par les textes » bằng tiếng Pháp, cho đăng vào « Liên Kết Ngoại » (Lien externe) trên Wikipedia tiếng Pháp nói về J.M. Dayot. Bài viết có ý để người Pháp hay người ngoại quốc biết tiếng Pháp đọc, rồi họ tự suy nghĩ lấy.
Nay tôi dịch thoáng qua bài đó, để độc giả người Việt đọc, nếu có thì giờ ; và nếu có thể, kính xin quý vị cho tôi ý kiến, để tôi được học hỏi thêm. Kính xin đa tạ.
Jean-Marie Dayot (trái) và em trai Félix Dayot (phải) (jpeg)
Những trang dưới đây không có ý xem thường ông Jean-Marie Dayot hay những « Người Pháp phục vụ Gia Long »*, mà chỉ có ý lấy lại sự thật lịch sử. Để muốn biết rõ ràng cử chỉ, hành động của J.M. Dayot, tôi trích những đoạn bài viết về J.M. Dayot, của những nhân sĩ hay của những nhà sử học Pháp. Những đoạn trích nầy, ở dưới dạng « chép/dán », thành những lỗi về in ấn, chánh tả, văn phạm…, đều được để y nguyên.
*« Les Français au service de Gia Long », đề tài của những tác giả của Đô Thành Hiếu Cổ Xã (Amis du Vieux Huê).
Trên Wikipedia tiếng Pháp (tháng 05/2016) đã ghi những « thành tích » của J.M. Dayot giúp Nguyễn Ánh [xin đọc bài viết bằng tiếng Pháp của tôi]. Để tiện cho độc giả người Việt, tôi « chép/dán » ra đây những « thành tích » đó trên Wikipedia tiếng Việt (15/06/2017) [Wikipedia tiếng Anh lược dịch Wikipedia tiếng Pháp ; Wikipedia tiếng Việt lược dịch Wikipedia tiếng Anh] :
Jean-Marie Dayot
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Jean-Marie Dayot (tên tiếng Việt: Nguyễn Văn Trí, 1759-1809)[1] là một sĩ quan Hải quân Pháp và là một trong những nhà phiêu lưu đã phục vụ Nguyễn Ánh, người mà sau này là hoàng đế Gia Long của Việt Nam.
Xuất thân từ một gia đình gốc Bretagne định cư ở Ile Bourbon, Jean-Marie Dayot sinh ở Port Louis, Ile Maurice. Ông trở thành một đại úy hậu cần trên tàu (auxiliaire Lieutenant de vaisseau) trong Hải quân Hoàng gia Pháp. Ông gặp Bá Đa Lộc tại Ile Bourbon hoặc Pondicherry, và được giao nhiệm vụ chỉ huy một trong hai tàu buôn cùng với các tàu chiến Méduse của Bá Đa Lộc đi đến Việt Nam.[2] (1)
Tham gia phục vụ Nguyễn Ánh, năm 1790 ông chỉ huy một đơn vị Hải quân gồm có hai tàu chiến kiểu châu Âu của Nguyễn Ánh. Năm 1792, ông tham gia vào một trận hải chiến chống Tây Sơn, đánh chìm 5 tàu chiến, 90 thuyền kiểu và khoảng 100 tàu thuyền nhỏ hơn. Năm 1793, tại một trận hải chiến ở Quy Nhơn ông thu được khoảng 60 thuyền kiểu khoảng 100 thuyền kiểu Galê của Tây Sơn.[2] (2)
Ngoài ra, Dayot còn thực hiện các công việc trong lĩnh vực thủy văn, làm ra rất nhiều bản đồ bờ biển Việt Nam, mà người vẽ là người em trai của ông, Félix Dayot.[3]
Năm 1795, thuyền của Jean-Marie Dayot bị mắc cạn, vì việc này ông bị kết tột sơ suất và bị phạt gông. Tức giận, ông rời khỏi Đông Dương.[2] (3)
Jean-Marie Dayot sau đó định cư ở Manilla, nơi mà ông buôn bán với México. Ông chết khi thuyền của ông chìm ở Vịnh Bắc Bộ năm 1809. (4) Em của ông, Félix Dayot, chết vào năm 1821 ở Macao
Trên Wikipedia tiếng Anh còn cho thêm :
Born (Sanh) : 1759. Port Louis, Ile Maurice.
Died (Chết) : 1809. Vịnh Bắc Việt, Việt Nam.
Allegiance (Tuyên thệ trung thành) : Pháp, Việt Nam. (5)
Service/branch (Phục vụ/Binh chủng) : Hải Quân Pháp. Hải Quân Việt Nam.
Rank (Cấp bậc) : Đô Đốc Hạm Đội Nam Hà và Chỉ huy các chiến hạm Pháp của An Nam (6) (Admiral of the Fleet of Cochinchina and Commandant des bâtiments français de l'Anam (sic)).
Battles/wars (Tham dự chiến trận) : Qui Nhơn 1792. (8)
Cũng trên Wikipedia tiếng Việt nói về Olivier de Puymanel, cùng ngày (15/06/2017) có cho :
Puymanel được ghi nhận là đã huấn luyện cho hơn 50.000 quân Nguyễn,[7] còn Jean Marie Dayot thì lo về thủy quân. Kết quả của nó là việc du nhập kỹ thuật quân sự Châu Âu vào Việt Nam.[8]
Trên Wikipedia tiếng Pháp cho thêm :
Jean Baptiste Marie Dayot (1760-1809)2 était un officier de la Marine française et un explorateur, (et non un aventurier) qui vint au service de Nguyen Anh, futur empereur Gia Long d'Annam (aujourd'hui Viêt Nam).
(Jean Baptiste Marie Dayot 1759-18092 là một sĩ quan Hải quân Pháp và là một nhà thám hiểm, (chứ không phải một nhà phiêu lưu) đã phục vụ Nguyễn Ánh, hoàng đế Gia Long sau nầy của An Nam (Việt Nam ngày nay).
Naissance (Sinh) : 1760, tại Redon, Pháp
Décès (Chết) : 1809, Vịnh Bắc Việt
Allégeance (Thề trung thành) : Vietnam (tháng 05/2016). Sau đó sửa lại Tuyên thề trung thành : Royaume de France (Vương Quốc Pháp), Việt Nam (tháng 12/2016)].
Grade (Cấp bậc) : Grand amiral de la flotte annamite et commandant des bâtiments français de l'Annam (Đại Đô Đốc của Hạm Đội An Nam và Chỉ huy các tàu Pháp của An Nam)
Conflits (Chiến trận) : Bataille de Qui Nhon (1792) (Trận Quy Nhơn (1792)
Distinction (Vinh thăng) : Marquis de Tri Lüoc (Trí Lược Hầu)
Autres Fonctions (Chức vụ khác) : Délégué Impérial (Mandarin) (Khâm sai (Quan))
Famille (Gia đình) : Laurent Dayot, son père. Le Comte d'Ayot, son frère. Thomas Dayot, son oncle (Cha là Laurent Dayot. Anh/Em là Bá tước d’Ayot. Chú/Bác là Thomas Dayot)
Bản Đồ Sàigòn (jepg)
Có đề : Plan de la Ville de Saigon fortifiée en 1790 par le colonel Victor Olivier. Réduit du grand plan levé par ordre du Roi en 1795 par Mr. Brun, ingénieur de sa majesté. Par J.M. Dayot 1799.
(Bản đồ thành phố Sàigòn củng cố bởi đại tá Victor Olivier năm 1790. Thâu lại bởi J.M. Dayot, năm 1799, từ một sơ đồ lớn do ông Brun, kỷ sư của hoàng gia, vẽ theo lệnh Vua, năm 1795.
Jean-Marie Dayot (trái) em trai Félix Dayot (phải) (jpeg)
Bản đồ vẽ cảng Qui Nhơn của Jean-Marie Dayot (1795) (jpeg)
Chú thích [sửa | sửa mã nguồn]
^ Salles, p.199
^ Mantienne, p.156
Tham khảo [sửa | sửa mã nguồn]
Mantienne, Frédéric 1999 Monseigneur Pigneau de Béhaine, Editions Eglises d'Asie, 128 Rue du Bac, Paris, ISSN 12756865 ISBN 2914402201
Salles, André 2006 Un Mandarin Breton au service du roi de Cochinchine, Les Portes du Large ISBN 291461201X
Trên đây là chuyện « bóp méo lịch sử », nhưng khốn nạn thay, sự « bóp méo lịch sử » nầy được lập đi lập lại, phổ biến rộng rãi, tô màu phóng đại, bịa chuyện đặt điều, thêm sau bớt trước, bởi một số lớn sử gia và tác giả thực dân Pháp. Một số đông sử gia Việt Nam, vì thiếu tài liệu, lại dựa vào đó, lấy xuất xứ để viết bài, viết sách sử**. Nhiều thế hệ học sinh, sinh viên, trong đó có tôi, đã học những điều sai lạc đó. Có lẽ vì trước năm 1975, các vị biết rất ít về các cuốn chánh sử của Việt Nam như Đại Nam Thực Lục Chánh Biên 大南寔錄正編 (ĐNTLCB)(*), gồm trên 10 000 trang. Tác phẩm nầy được dịch ra tiếng việt vào năm 1978, do nhà xuất bản của Viện Khoa Học Xã Hội, Hànội (tái bản lần thứ nhất vào năm 2001 – ĐNTLCB2001 - Thực Lục); hay những cuốn Đại Nam Liệt Truyện 大南列傳 (ĐNLT), Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ*** 欽定大南會典事例 (KĐĐNHĐSL), được dịch sang tiếng việt năm 1993 (Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế)…
(*) ĐNCBTL được tải từ Internet, nên trang đầu được tải là trang số 1. Ví dụ Tập 1 : Thực lục về Duệ tông Hiếu định hoàng đế (thượng) là trang số 1, và trang cuối cùng được tải Hết phần đệ nhất kỷ là trang 914.
** Ngay cho một sử gia nổi tiếng, mà nhiều người cho rằng khá trung thực, đã viết một cuốn sử trước năm 1975, tại Sàigòn, và được in lại tại Việt Nam, năm 2007 ; hay một bộ sử mới về Việt Nam gồm 5 tập được phát hành tại Mỹ, năm 2013, cũng đều chịu ảnh hưởng của những tác giả, sử gia thực dân Pháp nói trên.
*** Những cuốn ĐNTLCB, ĐNLT, KĐĐNHĐSL đều viết bằng chữ Hán, nhưng đôi khi xen vào chữ Nôm để đọc được tiếng Việt. Như chữ « gạo » được viết là 𥺊, chữ nầy do 2 chữ Hán : chữ 米 mễ/mǐ (gạo) để cho nghiã, và chữ 吿 cáo/gào (thông tin) để cho âm gạo trong tiếng Việt ; cùng những cấu trúc văn phạm việt nam, như người Việt nói « nhà trắng » 家壯, còn người Trung quốc nói « bạch ốc » 白屋 bái wū (trắng nhà)…
Những cuốn chánh sử trên là những tài liệu gốc đầu tay, được ghi lại một cách trung thực bởi các đại thần khoa bảng, thuộc các đại gia đình nổi tiếng lâu đời. Hiện giờ các sử gia của toàn thế giới đều tham khảo các cuốn sử trên một cách trân quý. Cũng vì vậy mà sau hơn 200 năm, giáo sư Nguyễn Quốc Trị, cựu giám đốc viện Quốc Gia Hành Chánh Sàgòn, đã tố cáo những bịp bợm của các sử gia và tác giả thực dân Pháp viết về sử Việt Nam, trong tác phẩm « Nguyễn Văn Tường (1824-1886) và Cuộc chiến chống Đô Hộ Pháp của nhà Nguyễn », xuất bản tại Maryland, Hoa Kỳ, năm 2013. Ông Nguyễn Quốc Trị đã để ra trên 12 năm để đi khảo cứu tại các thư viện, văn khố ở Mỹ, Âu Châu và nhất là ở Pháp. Ông đã tham khảo trên 400 tài liệu, so đi sánh lại rất tỷ mỷ để viết tác phẩm của ông gồm 2 tập, trên 1 500 trang. Theo chiều hướng đó, bà Thụy Khuê, một nhà khảo cứu về lịch sử và văn học Việt Nam, ở gần Thư Viện Quốc Gia Pháp tại Paris, sau khi đọc tác phẩm của Nguyễn Quốc Trị, cũng khảo cứu thêm và cho phát hành cuốn « Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long », vào tháng 9 năm 2015, tại Paris.
Sau khi các cuốn chánh sử Việt Nam được dịch ra tiếng việt, một số trí thức, như Nguyễn Duy Chính, Triệu Minh Di, Võ Hương An, Nguyễn Văn Lục, Nguyễn Văn Chức… đã viết lại sử Việt, dưới dạng những bài viết được đăng trên Internet.
Tôi là dân Pháp rất thương kính nước Pháp. Một nước có một nền văn hóa rất cao, có những người con nổi danh và được kính nể trên toàn thế giới. Nước Pháp không cần những loại sử bịp bợm như trên để được nổi tiếng.
Tôi sẽ cố gắng tuần tự, trong giới hạn hiểu biết của tôi, đánh giá lại những điểm mà tôi đã ghi trên, bằng dẫn chứng các tài liệu của các sử gia, học giả Pháp. Bài viết nầy, một phần lớn dựa vào những tài liệu tìm thấy trong tác phẩm của ông Nguyễn Quốc Trị.
A- J.M. Dayot phục vụ Nguyễn Ánh.
I- Đô Đốc (Đại Đô Đốc theo Wikipedia tiếng Pháp).
« Đô Đốc Hạm Đội Nam Hà. Tư Lệnh các chiến hạm An Nam [Wikipedia tiếng Pháp cho Đại Đô Đốc (Grand Amiral) ». Mục (6) và (7) ở trên.
Hãy đọc ông Louis-Eugène Louvet trong cuốn La Cochinchine Religieuse, tome I. Pièces justificatives (Đạo giáo (Kitô giáo La Mã) ở Nam Hà, tập I. Tài liệu chứng minh). Nhà xuất bản Ernest Leroux, Paris, 1885, trang 532-533 :
« Văn bằng (diplôme) [Sắc bổ nhiệm] **** của ông Dagot (sic) (Dayot) do Vua Nam Hà cấp.
Hoàng thượng nhận thấy sự trung thành và lòng sốt sắng trong việc làm của Jean-Marie Dagot (Dayot), quốc tịch Pháp, và đặc biệt chú ý đến thiện chí mà y đã chứng tỏ khi đến từ rất xa để phục vụ trong ngành thủy binh của hoàng gia, Hoàng thượng xét thấy y xứng đáng được chọn, và với văn bằng này, cho làm thủ lĩnh các con tàu của hoàng gia (capitaine de ses vaisseaux) (a) và cùng lúc cho chỉ huy một đơn vị gồm hai con tàu của hạm đội hoàng gia, là tàu Đồng Nai và tàu Le Prince de Cochinchine [tôi không biết tên việt của con tàu nầy] với chức Khâm sai cai đội quản chiếu tàu nhị chích trí lược hầu. Hoàng thượng hy vọng sau nầy, khi có dịp, Jean-Marie Dagot (sic) (Dayot), sẽ chứng tỏ lòng can đảm và trí thông minh để điều khiển các tàu được giao phó, và sẽ được tin cậy nếu y nghiêm chỉnh áp dụng quân lệnh. Nếu vì phạm lỗi, không đáp ứng những mong đợi trong vị trí quan trọng này của y, thì y sẽ bị nghiêm trị theo luật pháp.
Ngày thứ 15, tuần trăng thứ 5, năm Cảnh Hưng thứ 51, (tại Sài Gòn, ngày 27/6/1790) »
**** Tôi không có Sác bổ nhiệm bằng chữ Hán hay chữ Nôm. Đây là tôi lược dịch đoạn nầy bằng tiếng Pháp trong sách của Louvet nói trên. Bản dịch nầy, tôi có lấy vài câu trong bản dịch của bà Thụy Khuê, vì bà dịch rất hay, rất chính xác, khó mà dịch hay hơn được [Thụy Khuê, chương 16 : IV].
(a) : Louvet viết : « … Sa Majesté l’a jugé digne d’être choisi, et le constitue, par ces présentes, capitaine de ses vaisseaux, lui confiant, en même temps, le commandement en chef de la division de deux de ses bâtiments, le Dong-naï, et le Prince de Cochinchine… ». Đã thủ lĩnh các con tàu của hạm đội, còn đồng thời chỉ huy thêm hai chiếc của hạm đội đó, thì thật là vô nghiã.
Theo Louvet thì « văn bằng » nầy do Olivier de Puymanel dịch từ bản chữ Hán ra tiếng Pháp, nhưng tôi không tin vì những lá thư của Olivier viết, đều đầy lỗi chánh tả và văn phạm [Xem Cadière. Leur Correspondance (Thư từ của các người Pháp giúp Gia Long). BAVH, tập IV, 1926, trang 363 và tiếp theo]
Vô tình hay cố ý, Louvet dịch hai chữ Cai Đội (該隊) thành câu « Capitaine de ses vaisseaux » (thủ lĩnh các con tàu của hoàng gia) [xem (a) ở trên]. Sự sai lầm nầy được linh mục Léopold Cadière, một trong những sáng lập viên và là tổng biên tập của tập san « Đô Thành Hiếu Cổ Xã 都城好古社 » (Bulletin des Amis du Vieux Huê – BAVH) sửa lại trong bài Les Français au service de Gia-Long. Leurs Noms, Titres et Appellation annamites, BAVH (Những người Pháp phục vụ Gia Long. Họ Tên, Tước Vị và Tên Việt) tập I, 1920, trang 166, sau khi tham khảo lại văn khố ở tòa Tổng Giám Mục Sàigòn, còn Henri Cosserat thì bỏ luôn chữ « ses » (Capitaine de ses vaisseaux) và câu đó biến thành « capitaine de vaisseau » (Hải Quân Đại Tá) [xem Cosserat. BAVH, Tập III, 1917, trang 179].
Theo Đại Nam Thực Đại Lục Chánh Biên, Thế Tổ Cao Hoàng Đế 大南寔錄正編 世祖高皇帝 tháng 4 năm Giáp Tý (tháng 5 năm 1804) hay Thực Lục, tập 1, trang 545 đến 548, thì các văn, võ quan được liệt vào 9 phẩm trật. Mỗi phẩm trật còn có Chánh, Tòng (tất cả là 18 cấp). Chức Cai Đội thuộc về Chánh Lục Phẩm hay Tòng Ngũ Phẩm, tương đương với cấp Thiếu Úy trong quân đội ngày nay. Lúc bấy giờ, quân đội của Nguyễn Ánh gồm có 5 đạo quân là Trung Quân, Tả Quân, Hữu Quân, Tiền Quân và Hậu Quân, cọng (cộng) với Tượng Quân và đạo Kỵ Binh (trâu được từ từ thay thế bằng ngựa) cùng một hạm đội Hải Quân. Đơn vị cơ bản là Ngũ 伍 gồm có 5 người ; Thập 什 gồm 2 Ngũ (10 người), được cai quản bởi một Đội Trưởng 隊長 ; Đội 隊 gồm từ 4 đến 6 Thập (khoảng 50 người), cai quản bởi một Cai Đội 該隊, đó là trường hợp của J.M. Dayot [Thực Lục, tập 1, trang 233].
Cấp bậc chính thức do Cadière tìm được ở văn khố tòa Tổng Giám Mục Sàigòn là Khâm Sai Cai Đội Trí Lược Hầu quản chiếu tàu nhị chích 欽差該隊智略侯管照艚二隻. Linh mục Cadière dịch là Đại Đội Trưởng (Đại Đội - Compagnie, gồm khoảng 240 người ; thật ra là Tiểu Đội - Section, gồm khoảng 60 người [Xem Grades et Unités de l’Armée Française en 1914, trên Internet]), Đại Diện Hoàng Gia, Trí Lược Hầu, chỉ huy 2 con tàu (Commandant de compagnie, délégué royal, marquis Trí Lược, commandant de 2 navires). Chữ Tàu 艚 là chữ Nôm, gồm chữ Hán 舟 (Chu = tàu) cho nghiã và chữ Hán 曹 (Tào = công sở) để cho âm Tàu trong tiếng việt ; người Việt nói là « quản chiếu » (cai quản), người Trung quốc nói là « chiếu quản » 照管 (zhào guăn) [Từ Điển Trung-Pháp. Chine-Nouvelle.com, trên Internet].
Hai chữ « Khâm Sai » (người vua sai đi) (mục (10) ở trên) được ban cho những người nhận lệnh trực tiếp của vua hay hoàng đế, nhất là những người có dịp tiếp xúc với người ngoại quốc, như trường hợp của J.M. Dayot hay những người Âu Châu khác, vì họ nói được tiếng ngoại quốc như tiếng Anh, Pháp, Bồ, Y Pha Nho, và được đưa đi ra nước ngoài để buôn bán, trao đổi hàng hóa : bán những sản phẩm quốc nội để đổi hay mua những khí cụ về quân sự (chiến hạm, súng ống, thuốc súng…).
Cùng ngày 27/06/1790, Nguyễn Ánh còn bổ nhiệm 4 người Pháp khác, đặt dưới quyền của J.M. Dayot, và giao cho họ một công tác. Bốn người nầy là Philippe Vannier, Cai Đội Chấn Thanh Hầu, thuyền trưởng chiếc Đồng Nai ; Julien Girard de l’Isle Sellé, Cai Đội Long Hưng Hầu, thuyền trưởng chiếc Le Prince de Cochinchine ; Jean-Baptiste Guillon, Phó Cai Đội Oai Dõng Hầu và Guillaume Guilloux, Phó Cai Đội Nhuệ Tài Hầu. Hai người sau cũng thuộc thủy thủ đoàn của hai chiếc tàu nói trên [Louvet, sđd, trang 534 – 538].
Chắc độc giả lấy làm ngạc nhiên khi thấy Nguyễn Ánh phong tước « Hầu » (mục (9) ở trên) cho những người Pháp mới được bổ nhiệm với chức Cai Đội, Phó Cai Đội mà phẩm hàm thì chỉ tới Tòng Ngũ Phẩm là cùng, trong khi Thứ Trưởng bộ Ngoại Giao của Louis XVI chỉ có tước Bá (Comte de Montmorin) hay Bá Tước Conway, Thống Đốc các cơ sở Pháp tại Ấn Độ và Ile de France năm 1789… Chuyện là do tuyên truyền chính trị : Kẻ địch của Nguyễn Ánh là Tây Sơn, 1mà Tây Sơn lại phong chức tước Đô Đốc, Đại Đô Đốc rất rộng rãi cho hải phỉ trong vùng, vì họ là đồng minh của Tây Sơn. Chẳng những tước « Hầu » mà còn những tước cao hơn như « Vương », « Công », như Lương Khuê Hiệp với chức Đô Đốc, tước Hiệp Đức Hầu hay Mo Guan Fu 莫觀扶 (Mạc Quan Phù) với chức Đại Đô Đốc, tước Đông Hải Vương 東海王[Xem Murray, Dian H. Pirates of The South China Coast 1790-1810. Calif : Stanfort University Press, 1987, trang 33 đến 36, và Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, 歷朝憲章類誌 của Phan Huy Chú (do Viện Sử Học Hànội dịch, tái bản lần thứ 5, năm 2005), trang 610, cùng Việt Thanh Chiến Dịch. Vai trò của Hải Phỉ trong chiến thắng Kỷ Dậu của Nguyễn Duy Chính, 02/2004, trên Internet].
Lúc bấy giờ, Việt Nam có những tước như sau (từ trên xuống dưới) là Vương, Công, Hầu, Bá, Tử, Nam. Những tước đó không được cha truyền con nối, mà phải tự mình làm những việc phi thường, ích quốc lợi dân. Chính Nguyễn Ánh cũng thừa nhận vì phải cạnh tranh với Tây Sơn, nên phong tước « Hầu » cho rất nhiều người, nhưng những tước Công (có ba bậc : Quận Công, Công và Quốc Công) thì chỉ để phong cho các đại thần và võ tướng có rất nhiều công trạng. Cũng vì thế Nguyễn Ánh đã quy định lại sự phong tước năm 1804 [Thực Lục, tập 1, trang 545 đến 548]. Dưới các triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, tước chỉ được phong cho các đại thần, danh tướng, từ tam phẩm trở lên và có công trạng lừng lẫy, như Tướng Nguyễn Tri Phương với rất nhiều công trạng và chiến tích, được bổ nhiệm làm Công Bộ Thượng Thư với tước Tráng Liệt Tử và sau khi vua Thiệu Trị băng hà, Ông được chỉ định làm Phụ Chánh Đại Thần với tước Tráng Liệt Bá [Thực Lục, tập 7, trang 39]. Linh mục Cadière nói dưới triều Nguyễn Vương, tước « Hầu » tràn đầy khắp nơi (les marquis semblent avoir pullulé sous Gia Long) [Cadière. BAVH, tập I, 1922, trang 169].
Các tước « Hầu » được phong cho những « người Pháp phục vụ Gia Long » đã làm hoa mắt các sử gia và các tác giả thực dân Pháp, nên họ thần thánh hóa những hành động và cử chỉ của những người nầy.
Thời đó, Tây Sơn và Nguyễn Ánh phong tước cho nhiều người, nên thường lệ lấy tên của người đó rồi thêm vào một mỹ tự để phong tước cho họ. Hầu hết tên người Việt đều có nghiã. Cha mẹ thường chọn những tên hay cho con cái, như Anh, Dũng, Huy… Trí là tên việt của J.M. Dayot (Nguyễn Văn Trí), rồi thêm vào chữ Lược để thành ra Trí Lược Hầu. Thật ra tước Trí Lược Hầu không gì to tát, đặc biệt cả.
Một số sử gia và tác giả Pháp cho rằng J.M. Dayot được Nguyễn Ánh ban cho họ của nhà vua. Thật ra không phải thế. Người ta ước chừng 40% người Việt mang họ Nguyễn. Họ Nguyễn của Dayot không phải là họ của nhà vua. Họ của nhà vua, lúc bấy giờ, không cho phép người dân dùng tới. Họ của hoàng gia là Nguyễn-Phúc/Phước 阮福, chữ 福 có hai âm, âm Phúc từ Thanh Hóa trở ra Bắc, và âm Phước từ Thanh Hóa (gồm cả Thanh Hóa) trở vào Nam. Nguyễn Ánh là tên người Pháp đặt cho, và một số sử gia Việt Nam cứ theo đó mà gọi. Tên thật của Nguyễn Ánh là Nguyễn-Phước Ánh 阮福映. Những tên Tỉnh, Phủ, Huyện được dùng để phong cho những người trong hoàng gia, như Công Tử (sau được phong là Hoàng Tử) Nguyễn-Phước Hạo (anh cả của Nguyễn Ánh) mất ở trận tuyến, đưọc phong tước Tương Dương Quận Công. Tương Dương là một trong bốn huyện của phủ Trà Lân, thuộc tỉnh Nghệ An. Các sử gia và tác giả thực dân đã thổi phồng tước « Hầu » của Dayot (và của các « người Pháp giúp vua Gia Long ») để đưa anh ta lên cương vị Đại Đô Đốc [theo wikipedia tiếng Pháp, tháng 05/2016].
Một Cai Đội với phẩm hàm cao nhất là Tòng Ngũ Phẩm [thứ 9 trong 18 phẩm cả thảy], không thể là một Đại Đô Đốc của Hạm Đội Nam Hà ! Ngay cho một sĩ quan cao cấp chỉ phụ trách 2 chiến hạm cũng không thể là Đại Đô Đốc. Vậy chức vụ nào để gọi một sĩ quan cao cấp phụ trách 10 hay 100 chiến hạm ? Thủy Sư Đô Đốc lúc bấy giờ là Tướng Nguyễn Văn Trương, chỉ huy trưởng toàn thể hạm đội của 5 dinh (trên 1 000 chiếc) với hàm Tòng Nhất Phẩm : Giám Quân Trung Dinh, Chưởng Cơ, quản Thủy Binh 5 doanh [Thực Lục, tập 1, trang 410. Liệt Truyện, tập 2, trang 137]. Ông được bổ nhiệm làm Tổng Trấn Bắc Thành năm 1803, và Tổng Trấn Gia Định Thành, năm 1805 [Thực Lục, tập 2, trang 144]. Ông được thờ tại Hữu Tòng Tự trước Thế Miếu và được phong tặng là Tá Vận Công Thần, Đặc Tấn Tráng Võ, Đại Tướng Quân, Đô Thống Phủ Chưởng Phủ Sự, Thái Bảo, Đoan Hùng Quận Công, 佐運功臣 特進壯武 大將軍 都統府掌府事 太保 端雄郡公 [Xem Léon Sogny. Les Associés de Gauche (đúng ra là de Droite) au culte du Thế Miếu. BAVH, tập II, 1914, trang 135].
II - Phục vụ cho Nguyễn Ánh.
Trở lại mục (1) ở trên : Ông trở thành một đại úy hậu cần trên tàu (auxiliaire Lieutenant de vaisseau) trong Hải quân Hoàng gia Pháp. Ông gặp Bá Đa Lộc tại Ile Bourbon hoặc Pondicherry, và được giao nhiệm vụ chỉ huy một trong hai tàu buôn cùng với các tàu chiến Méduse của Bá Đa Lộc đi đến Việt Nam.[2] (1).
Trong cuốn Les Français en Cochinchine au XVIIIe Siècle : Mgr Pigneau de Béhaine, Evêque d’Adran. Pièces Justificatives (Người Pháp tại Nam Hà vào thế kỷ thứ 18 : Giám Mục Pigneau de Béhaine. Tài liệu chứng minh), Nhà Xuất Bản Augustin Challamel, 1891 Paris, trang 201, tác giả Alexis Faure rất mơ hồ về chức vụ của Dayot*****. Tên của ông ta không nằm trong danh sách những thủy thủ bị đưổi hay đào ngũ, của 12 chiếc tàu chạy trên các biển Ấn Độ, Việt Nam (Đông Hải) và Trung Hoa, mà Faure đã kiểm lại trong thời đó. Faure viết Dayot là Hải Quân Đại Úy dự bị/phụ tá thuộc địa (Lieutenant de Vaisseau auxiliaire du cadre colonial) (b) (Pondichéry ?), nhưng Dayot chỉ huy những thương thuyền nhỏ. Chúng ta cũng biết sĩ quan thuộc địa, nhất là dự bị/phụ tá, được đào tạo một cách sơ sài, cốt để chỉ huy các lính người bản xứ, vì thiếu sĩ quan. Những Trung Sĩ (Second-Maître) hay Trung sĩ Nhất « Maître », có thể trở thành sĩ quan cấp Úy thuộc địa [Xem Recueil général des lois, décrets, ordonnances, etc: depuis le mois de Juin 1789 jusqu’au mois d’Août 1830. Odilon Barrot. Tome 6. Editeur : A l’Administration du Journal des Notaires et des Avocats, rue Condé, n° 10, 1839, Paris, trang 280]. Một sĩ quan hay cho là thuyền trưởng một tàu cận duyên không thể nào có đủ chuyên môn để trở thành Hải Quân Đại Úy. Thôi thì cứ cho Dayot là Hải Quân Đại Úy dự bị/phụ tá thuộc địa (Pondichéry ?).
***** Cả Philippe Vannier và Julien Girard de l’Isle Sellé cũng thế [Faure. Les Français en Cochinchine, sđd, trang 217. Vannier tự xưng mình là « nhân viên của Hải Quân Pháp » [Salles. BAVH, sđd, tâp II, 1935, trang 143].
(b) : Officier auxiliaire = Sĩ quan dự bị/phụ tá là những sĩ quan thương thuyền, thường là những Capitaine au Long Cours (văn bằng Hàng Hải Thương Thuyền cao nhất thời đó) được Hải quân tuyển dụng, vì thiếu sĩ quan do môt lý do, hoàn cảnh nào đó, vào cấp bậc Enseigne de Vaisseau de 1ère Classe Auxiliaire (Hải Quân Trung Úy Dự Bị/Phụ Tá), sau 2 năm được lên cấp Lieutenant de Vaisseau Auxiliaire. Không thấy những người có bằng Hàng Hải Thương Thuyền thấp hơn được bổ làm sĩ quan (officier) [Xem Les Annales Maritimes et Coloniales publiées par MM Bajot et Poirré. Depuis l’origine jusques et y compris 1841. Imprimerie royale. Paris, Juillet 1843].
Nhân cơ hội nầy, tôi xin nói sơ về các sĩ quan Hàng Hải Thương Thuyền của Pháp :
Trước khi đào tạo những sĩ quan đa ngành (cùng một sĩ quan mà vừa điều khiển tàu, vừa lo về máy), sĩ quan được chia la làm hai ngành, sĩ quan điều khiển tàu và sĩ quan lo về máy. Trên các thương thuyền viễn dương (au long cours), các sĩ quan phải có bằng Capitaine au Long Cours (điều khiển tàu) và Officier Mécanicien de 1ère Classe (lo về máy), trên nguyên tắc có thuyền trưởng, phó thuyền trưởng (phải trực ban (faire le quart) 3 giờ một ngày) và 3 sĩ quan (đệ nhất sĩ quan, đệ nhị sĩ quan và đệ tam sĩ quan - 1er lieutenant, 2e lieutenant, 3e lieutenant). Mỗi sĩ quan phải trực ban 7 giờ trong một ngày. Ở dưới hầm máy thì có trưởng máy, phó trưởng máy, và 3 sĩ quan về máy. Còn trên các thương thuyền cận duyên (cabotage) thì các sĩ quan điều khiển tàu có thuyền trưởng, phó thuyền trưởng và một sĩ quan, đôi khi có 2 sĩ quan (đệ nhất, đệ nhị sĩ quan – 1er lieutenant, 2e lieutenant) với bằng Capitaine de la Marine Marchande hay bằng Chef de Quart và các sĩ quan lo về máy với bằng Officier Mécanicien de 2e Classe hay Officier Mécanicien de 3e Classe. Thuyền trưởng, phó thuyền trưởng và sĩ quan đều phải trực ban (faire le quart) hết. Laurent Barizy là đệ nhị sĩ quan trên các tàu cận duyên [BAVH, tập IV, 1926, trang 398]. [Chú thích riêng của tác giả hay http://www.afcan.org/dossiers_reglementation/hydrosup.html. Réglementation et sécurité maritime à bord des navires].
Hãy đọc Maybon trong cuốn La Relation sur le Tonkin et la Cochinchine de M de la Bissachère, missionnaire français (1807) (Ký sự về Bắc Hà và Nam Hà của ông de la Bissachère, thừa sai Pháp (1807). NXB Librairie ancienne Honoré Champion, Paris, 1920, trang 27 :
« … Jean-Marie Dayot, gốc người xứ Bretagne… Năm 1786 là thuyền trưởng một chiếc tàu buồm nhỏ, l’Adélaïde, trang bị tại Ile de France để đi mua thuốc súng (salpêtre = Nitrat Kali) và gia vị ở Pointe-de-Galles và ở Mascate, ông bị kẻ cướp người dân mahratte bắt… ».
Hai chiếc Đồng Nai và Prince de Cochinchine là hai thương thuyền, có thể trang bị vài khẩu đại bắc, để phòng hải tặc.
Về mục (1) ở trên : « và được giao nhiệm vụ chỉ huy một trong hai tàu buôn cùng với các tàu chiến Méduse của Bá Đa Lộc đi đến Việt Nam.[2] (1) ».
Hãy đọc giám mục Pigneau de Béhaine [Xem Launay. Histoire de la mission de Cochinchine 1658-1823, Volume III, Documents historiques 1771-1823 (Sử hội truyền giáo ở Nam Hà 1658-1823. Tập III. Tài liệu lịch sử). NXB C. Douniol et Reteaux, Paris, 1925, In lại bởi Les Indes Savantes, năm 2000, trang 210] :
« … vua, bà mẹ, bà vợ, cả gia đình, nói tóm lại là cả triều thần, khó nói lên được sự vui mừng mà họ cảm thấy khi gặp lại chúng tôi (hoàng tử Cảnh và giám mục). Chỉ có một điều làm dịu bớt niềm vui vô biên đó là tôi về với chỉ một chiếc tàu (La Méduse) và chiếc tàu nầy phải lập tức đi Manille… »
Vậy ta thấy rõ là Dayot không chỉ huy một con tàu buôn nào theo về với vị giám mục.
1) Công tác đầu tiên của J.M. Dayot và 4 người Pháp (Vannier, se l’Isle Sellé, Guillon, Guilloux) do dụ ngày 27/06/1790 (dụ nầy rất chi tiết, ở đây tôi chỉ kể lướt qua. Xin xem chi tiết đầy đủ trong bài viết bằng tiếng Pháp của tôi) :
« Lệnh cho Cai Đội Jean-Marie Dayot quản 2 con tàu Đồng Nai và Le Prince de Cochinchine cùng quan Trung (tên hay chức vụ ?) làm trọn những nhiệm vụ sau đây :
1° Chở 3 900 tạ gạo (theo từ điển Littré 1 picul = 62,5 kg) sang Macao bán với giá được nhất.
2° Trả 3 848 đồng (piastre), [rất có thể là piastre espagnole, rất thịnh hành thời bấy giờ] lương 8 tháng cho thủy thủ đoàn. Số tiền còn thiếu sẽ trả khi tàu về lại bến, như đã thỏa thuận.
3° Đến ngày 01/08 đưa cho người quản lý thực phẩm trên tàu, 300 đồng mỗi tháng, để cung cấp lương thực cho 2 con tàu, khi tàu chưa về bến.
4° Tìm tất cả mọi cách để đòi ở Macao, số tiền 5 000 gốc cau, với giá 3 đồng một gốc mà Antoine-Vincent de Rosa đã nợ nhà vua cùng số nợ cũ là 6 208 đồng ; với 1 908 gốc cau, giá mỗi gốc là 3 đồng mà Antoine Milner đã nợ nhà vua : tất cả là 26 933 đồng 4 phân (4 condorins). [condorin = 1 phân là 1/100 lượng] [Xem Traité des monnaies d’or et d’argent của Pierre-Frédéric Bonneville, trên Internet, và Hệ đo lường trên Wikipedia tiêng Việt]. Từ số tiền đó, Dayot lấy ra 3 848 đồng trừ đi 1 quan để lo những việc nói trên, số tiền còn lại thì giao cho quan Trung giữ.
Sau đó thì đi Manille, nếu cần thì xin phép thống đốc ở đây, để sửa chữa 2 con tàu, sắm lại buồm, dây và dụng cụ cần thiết ; mua 500 tạ lưu huỳnh và chở đầy gạo để sang lại Macao bán như lần tước. Với số tiền còn lại và phải làm sổ sách thật đúng, rồi mua 1 000 cái cuốc sắt, 500 cái cuốc đinh đủ loại lớn nhỏ, mua súng hạng tốt và đại bác với loại đạn 12 cân (cân Anh khoảng 0,5 kg) hay lớn hơn nữa.
Các người phải rời Macao và về lại bến, chậm nhất là vào giữa tháng giêng năm tới. Nếu thấy có một con tàu lớn và tốt, trang bị đầy đủ và có thể chở được ít nhất 40 ngàn canjus (?), thì cho phép mua với giá không quá 40 000 đồng, với điều kiện là trả bằng 3 lần : Lần đầu trả tiền mặt 10 000 đồng ; lần thứ hai trả 5 000 tạ gạo (xem chữ picul ở trên) khi tàu về bến ; lần thứ ba, số tiền còn lại sẽ trả vào tháng sáu tới.
Các người phải thi hành đúng những điều khoản trên, nếu chểnh mảng hay phạm lỗi, không thi hành đúng nhiệm vụ, thì xem đó là phạm một lỗi rất nặng.
Ngày 15 tháng 5 năm Cảnh Hưng thứ 51 (Sàigòn 27/06/1790)
Dấu triện của Hội Đồng. [Xem Louvet, sđd, trang 533,534).
Công tác nầy được Dayot nghiêm túc thi hành.
2) Công tác thứ nhì năm 1792. Lần nầy J.M. Dayot thụt quỹ.
Lần nầy cũng giống như lần trước, nhưng lần này Dayot lại biển thủ công quỹ. Hãy đọc thư của Le Labousse gởi cho ông Letondal, quản lý hội Truyền Giáo ở Macao, ngày 17 tháng 6 năm 1792, trong cuốn Histoire de la mission de la Cochinchine 1658-1823 (Lịch sử hội truyển giáo ở Nam Hà), tập III, sđd, của Adrien-Charles Launay, trang 296 :
« Chuyến đi khốn nạn qua Macao và Manille của ông Dayot với sổ sách tiền bạc quá mức làm cho vua khinh tởm, chẳng thèm nói một lời. Trong lúc tức giận vua đuổi hết cả thủy thủ đoàn, ngay cả sĩ quan. Những sĩ quan nầy không đợi vua đuổi, đã xin phép ra đi và được chấp thuận liền… »
Và thư của Le Labousse gởi cho ông Boiret, ngày 20 tháng 6 năm 1792 [Launau, sđd, trang 296] :
« …Sự ra đi của tất cả những người Pháp, đã xin phép và được chấp thuận, đã làm Đức Giám Mục (Pigneau de Béhaine) quyết định xin vua rút lui. Vua chấp nhận ; nhưng sau đó vua hối hận và đổi ý… »
Từ khi trở về Nam Hà, giám mục Bá Đa Lộc nằm trong một tình thế khó khăn :
Giám mục đã thất bại trong việc cầu viện Pháp. Ông là cha tinh thần của một lũ phiêu lưu Pháp vô kỷ luật, buông tuồng hỗn độn (incontinence et désordre) [Launay, sđd, trang 209 và Cadière. BAVH, tập IV, 1926, sđd, trang 365], đã làm khó chịu giới chức trách địa phương. Ông còn muốn nhúng tay vào chuyện chính trị và quân sự mà Nguyễn Ánh từ chối. Có lúc ông xúi Nguyễn Ánh đánh Tây Sơn, để cho các thừa sai của ông, rộng đường truyền đạo trên dải đất mà Tây sơn đã chiếm lấy [Xem Launay, tâp III, sđd, trang 296,297]. Sau hết, chuyện thúc dục giám mục phải bỏ Nam Hà là tin vua Quang Trung sắp đánh lấy Gia Định qua ngả Lào và Campuchia [Xem hịch Quang Trung, trong cuốn của Maybon, sđd, trang 173 đến 176]. Ông muốn tránh Quang Trung để sau nầy về lại được Nam Hà, nếu Nguyễn Ánh thua và ông cũng biết nếu lần nầy gặp ông, thì Quang Trung không tha cho ông cũng như những « người Pháp phục vụ Gia Long » được ông che chở. Vua Quang Trung mất một cách đột ngột vào tháng 9 năm 1792.
Còn người Pháp, họ được mời ra khỏi Nam Hà vì những hành vi của họ không đứng đắn. Họ chê lương ít, mặc dầu lương của họ hơn 3 lần lương của những đồng nghiệp người việt (150 đồng/tháng thay cho 50 đồng/tháng ; ngay cho cả gạo cũng thế [Maybon. Ký Sự Bắc Hà…, sđd, trang 95] ; đồng thời, họ có thể dùng một phần của các con tàu được giao cho họ, để chở hàng buôn bán riêng cho họ [Xem Cadière. Thư của Barizy, Chaigneau… BAVH, tập IV, trang 363 và tiếp theo], cũng vì họ muốn làm giàu tức thì. Và cuối cùng, với tin Quang Trung đánh Nam Hà, họ không muốn chết cho một trận chiến mà họ chẳng có liên hệ gì cả.
Nhưng tình hình quân sự rất căng thẳng. Tây Sơn thì có đồng minh là hải phỉ và người thiểu số miền thượng du [Xem Murray. Pirates of The South China Coast, sđd và Nguyễn Duy Chính. Việt Thanh Chiến Dịch. Vai trò của Hải Phỉ trong chiến thắng Kỷ Dậu, sđd]. Trong hoàn cảnh nầy, để có biện pháp thích ứng, Nguyễn Ánh phải tỏ ra mình cũng có người Âu Châu làm đồng minh, dầu chỉ một nhóm nhỏ dân phiêu lưu, để trấn an lòng dân Nam Hà, vì họ rất sợ sự tàn ác của Tây Sơn. Thật thế, Tây Sơn với đồng minh của họ đã giết trên 10 000 dân lành mà một số lớn là người gốc Hoa (để trả thù cho tướng Phạm Ngạn bị giết ở Gia Định), vào tháng 5 năm 1782, khi Tây Sơn đánh Gia Định vào tháng 4 cùng năm [Thực Lục, sđd, tập1, trang 188]. Đây chỉ là tuyên truyền quân sự, và Nguyễn Ánh sẽ phạm một lỗi chính trị lớn, nếu để tất cả người Pháp ra đi. Nguyễn Ánh phải làm hòa với vị giám mục và làm ngơ về sự thụt quỹ của Dayot. Nhưng thay vì sai anh ta ra ngoại quốc để buôn bán, thì bổ anh ta cùng 4 người Pháp dưới quyền, dùng 2 con tàu nói trên vào nhiệm vụ tiếp tế lương thực cho các chiến dịch.
3) Nhiệm vụ tiếp tế lương thực cho các chiến dịch.
Hãy đọc Georges Taboulet trong cuốn La Geste (Nghiã cử) Française en Indochine (Nghiã cử [danh từ quá trịch thượng !] của Pháp tại Đông Dương). NXB Adrien-Maisonneuve. 1955, Paris, trang 250,251 :
… « Làm việc trong hải quân của nhà vua và chỉ huy những chiến hạm Âu Châu (anh ta tự đề cao, vì sự thật, Dayot chỉ chỉ huy 2 con tàu Đồng Nai và Le Prince de Cochinchine), là lực lượng chính của quân đội Nam Hà, tôi phải theo tất cả các chiến dịch, thường trải dài từ tháng 5 cho đến tháng 10. Trong 5 năm liên tiếp, tôi đi khắp miền duyên hải, từ Bắc chí Nam, từ Nam chí Bắc với quân đội. Một số rất lớn thuyền bè đi theo quân, để cung cấp lương thực cho họ ******và cả bộ binh, thường đi dọc theo bờ biển. Chiều lại, chúng tôi phải neo để tập họp đoàn thuyền, nhiều khi trên ngàn chiếc [Chiến thuyền và thuyền chở quân đi đổ bộ]. Đôi khi chúng tôi phải ở lại một nơi trong nhiều ngày, đợi bộ binh để cung cấp lương thực cho họ… »****** (Ký sự của Dayot. Văn khố của bộ Hải quân…, đề ngày 01/11/1807).
******Thường thường trong việc tải luơng và quân cụ cho những chiến dịch kéo dài vài tháng, đều có Thượng Thư và Tham Tri bộ Hộ điều hành. Xin xem ở dưới].
Dayot viết lắt léo nên khó dịch (xem ký sự của Dayot trong bài viết bằng tiếng Pháp của tôi), để rồi Tạ Chí Đaị Trường viết « Chính đội này dắt theo sau cả hàng ngàn thuyền mang lương thực cho binh lính -cả lính bộ- có khi phải ghé lại một bến đến vài ngày để chờ bộ binh tới lãnh lương » [Lịch Sử Nội Chiến, trang 270] và Thụy Khuê phê bình Tạ Chí Đại Trường « Khổ quá! Dayot đâu có nói thế…Mà ai lại chở lương trên cả ngàn chiếc thuyền như thế ! Vậy thuỷ binh của Nguyễn Ánh phải có tới cả vạn thuyền à ? » [Thụy Khuê. Chương 16 : IV].
Vì Dayot phục vụ trong việc tiếp tế tải lương, thì làm sao mà anh ta dự trực tiếp trận Thị Nại vào tháng 7 năm 1792 được (xem mục (2) và (8) ở trên). Vả laị trận Thị Nai 1792 là một chiến dịch « chớp nhoáng » chỉ trong 10 ngày [Thực Lục, tâp 1, trang 258] và quân nhân được trang bị đầy đủ lương thực cùng khí giới, đạn dược cho 15 ngày. Hơn nữa, lần nầy Nguyễn Ánh không chỉ định các đại thần về việc tiếp tế [Thực Lục, tập 1, trang 258], như các chiến dịch Quy Nhơn từ tháng 6 đến tháng 10 năm 1793, hay chiến dịch Diên Khánh từ tháng 6 đến tháng 9 năm 1794 [Thực Lục, tâp 1, trang 163 và 277].
Tên của Dayot không ghi trong Đại Nam Thực Lục Chánh Biên nói về trận Thị Nại năm 1792 và trận Quy Nhơn năm 1793. Thực Lục ghi mọi sự kiện lịch sử, nhưng vắn tắt một vài hàng bằng chữ Hán lẫn với chữ Nôm. Thực Lục có tả trận Ngã Bảy, năm 1782, có nói đến Mannuel/Emmanuel Mạn Hòe (chữ Nôm 幔槐). Mạn Hòe được bổ làm Khâm Sai Cai Cơ (chánh tam phẩm) An Hòa Hầu, chết tại chiến trường. Thần chủ được thờ ở điện Hiển Trung tại Sàigòn, và được phong tặng chức Chưởng Vệ [Tòng Nhị Phẩm, tương đương với Chuẩn Tướng ngày nay] Hiệu Nghĩa Công Thần Phụ Quốc Thượng Tướng Quân 掌衞效義功臣輔國上將軍 [Thực Lục, sđd, tập1, trang 188 và 555].
Nếu Dayot có dự vào trận Quy Nhơn 1793, thì anh ta nằm trong đôi tiếp tế lương thực dưới quyền của Hộ Bộ Phan Thiên Phước và Tham Tri Nguyễn Đức Chí, còn trận Diên Khánh 1794, thì dưới quyền Hộ Bộ Trần Đức Khoan và Tham Tri Nguyễn Văn Mỹ [Thực Lục, sđd, tập 1, trang 277].
Trận Thị Nại năm 1792 được tả trong Thực Lục, trang 257, 258 như sau :
« Giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Nhạc đóng nhiều chiến thuyền để ở cửa biển Thị Nại, mưu toan vào cướp, kẻ gián điệp báo tin. Vua muốn ra đánh trước để chặn giặc, mới dụ cho tướng sĩ các dinh Tiên Phong và Chấn Võ thuộc Trung quân chỉnh bị lương thực súng ống khí giới như phép hành quân, định ngày thử các chiến hạm ở ngoài biển (thuyền đại hiệu và thuyền ô 128 chiếc). Bèn sai Chưởng Tả quân dinh là Tôn Thất Huy, quản Hậu quân dinh là Võ Tánh, Giám quân Trung quân là Tống Phước Đạm lưu giữ kinh thành, Chưởng Tiền quân dinh là Tôn Thất Hội đi Vĩnh Trấn và Trấn Định kiêm quản tướng sĩ hai dinh, quản Hữu quân dinh là Nguyễn Hoàng Đức đi Bà Rịa hiệp đồng với Tán lý Chiêu đóng giữ.
Thuyền vua ra từ cửa biển Cần Giờ, gặp khi gió nam thổi mạnh, thuận chiều thẳng đến Diên áo [Vũng Diên], bắt được du thuyền của giặc, biết ở Thị Nại không có phòng bị, bèn bí mật định ước thúc, trao kỳ hiệu và khẩu hiệu cùng cơ nghi hành động, nói là do Thiếu phó quận công Tôn Thất Huy điều bát tướng sĩ. Sai quản Tiên phong dinh là Nguyễn Văn Thành tiến trước, kế đến quản Ban trực tả là Phạm Văn Nhân tiến thứ nhì.
Giám quân Trung quân Nguyễn Văn Trương hộ giá, Đô đốc Nguyễn Kế Nhuận tiếp sau. Khi quân đến ngoài cửa biển Thị Nại, thì trước hết sai quân tinh nhuệ đổ bộ phóng lửa đốt thủy trại giặc. Nguyễn Văn Trương và Nguyễn Văn Thành dùng thuyền Long và Phụng thẳng vào, các quân tiến theo. Đô đốc giặc là Thành (không rõ họ) thấy đại quân chợt đến, bỏ chạy, thuyền ghe và khí giới bị quân ta bắt được hết (thuyền chiến lớn 5 chiếc, thuyền đi biển 30 chiếc, thuyền sai 40 chiếc). Lại sai tìm bắt bọn giặc biển Tề Ngôi, bắt được 3 chiếc thuyền. Vua đóng ở chợ Thị Nại, dựng cờ chiêu an phủ dụ dân chúng, cấm quân sĩ không được cướp bóc. Rồi ra lệnh rút quân về. Chiến dịch này, từ lúc xuất quân đến lúc khải hoàn chỉ hơn 10 ngày. Người ta cho là thần binh. »
Maybon trách Thực Lục không nói đến người Pháp dự trận nầy, nhưng thật ra không có người Pháp dự vào cuộc viễn chinh quân sự nầy, thì làm sao Thực Lục phải ghi ? Một ước mơ, tham vọng, mộng tưởng mà Maybon ấp ủ trong lòng là tất cả chiến thắng quân sự của Nguyễn Ánh đều phải do người Pháp đảm đương.
Ba con tàu Long Phi, Phượng Phi và Bằng Phi được giao cho người Pháp chỉ huy là Chaigneau, Vannier và Godefroy de Forçanz vào đầu năm 1800, họ ở dưới quyền của Nguyễn Văn Trương [Thực Lục, sđd, tập 1, trang 368]. Họ có dự trận Thị Nại năm 1801 [Thực Lục, sđd, tập 1, trang 392], nhưng không trực tiếp tham chiến, vì họ được lệnh bảo vệ Bộ Chỉ Huy, hộ giá Nguyễn Ánh cùng được lệnh tháp tùng những chiến hạm vào, nhưng sau đó Nguyễn Ánh giữ họ lại, như linh mục Cadière viết [Documents relatifs à l’époque de Gia Long (Tài liệu thuộc thời kỳ Gia Long. BEFEO, trang 46] :
… « Những sĩ quan Pháp, các ông Chaigneau, Vannier và de Forçanz, chỉ huy 3 con tàu Long Phi, Phượng Phi và Bằng Phi, có mặt trong chiến dịch nầy. Tàu của họ được trang bị đầy đủ để hộ giá nhà vua, và chính họ được lệnh đưa (tháp tùng) các chiến thuyền vào. Nhưng vua giữ họ lại để bảo vệ vua (Bộ Chỉ Huy), trong lúc hai bên đánh nhau… »…
… (Les officiers français, MM. Chaigneau, Vannier et de Forçanz, qui commandent les trois vaisseaux, le Dragon, le Phénix et l'Aigle, furent de cette expédition. Ils accompagnèrent le Roi chacun avec un bateau bien armé, et ce fut eux qu'il chargea de faire entrer toutes les galères. Mais il les retint pour sa garde pendant qu'on se battait…)…
Những sử gia và tác giả thực dân Pháp chỉ nhắc đến 3 con tàu Long Phi, Phượng Phi và Bằng Phi, vì chúng được người Pháp chỉ huy, còn thì im hơi lặng tiếng về sự hiện diện những chiến hạm khác trong các chiến dịch, vì chúng không do người Pháp chỉ huy.
Nên nhớ là 2 chiến hạm Phượng Phi và Bằng Phi, trang bị khoảng 20 đại bác, đã được Nguyễn Ánh đóng hay mua lại, và chúng đã do người Việt chỉ huy, trước ngày 09/04/1785, ngày mà Nguyễn Ánh và tùy tùng lánh nạn sang Xiêm (Thái Lan), nghiã là trước khi người Pháp đến Nam Hà. [Thực Lục, sđd, tập 1, trang 199].
Sau đây là một số chiến hạm (tàu đồng/đồng tàu ; cuivrés theo danh từ của Cadière) mà Nguyễn Ánh có trước năm 1785 : Phượng Phi, Bằng Phi, Hùng Trì, Chính Nghi và sau năm 1785 : Long Phi, Long Ngự, Long Hưng, Long Thượng, Long Đại, Long Nhất, Long Nhị, Long Tam, Phượng Đại, Phượng Nhị, Hồng Đại, Hồng Nhị, Hồng Tam, Loan Đại, Loan Nhất, Loan Nhị, Bằng Đại, Bằng Nhất, Bằng Nhị, Bằng Tam… [Thực Lục, sđd, tập1, trang 182 đến 199].
Hơn nữa, theo linh mục Cadière, trong Documents relatifs à l’époque de Gia Long (Tài liệu thời Gia Long), BEFEO, sđd, trang 73, ghi chú số 1, ta thấy :
« … những dịch vụ mà anh em Dayot làm cho vua Nam Hà hầu như hoàn toàn về mặt thương mại. Tài liệu lưu trữ tại Chủng Viện Paris, tâp 312, chứa nhiều bức thư của họ [thường ký tên J.M. và Fékix Dayot], nhưng chỉ là những mảnh giấy nói về chuyện tiền bạc… »
Trên Wikipedia tiếng Pháp (tháng 5 năm 2016) nói Dayot đặt ra những cuộc viễn chinh « Giặc Mùa ». Thật ra là « Gió Mùa » mà người Việt đã biết từ ngàn xưa để buôn bán và đánh trận, đâu cần đợi Dayot « dạy » cho hiện tượng thiên nhiên nầy.
Gió Mùa là gió Đông Bắc thổi mạnh từ tháng 12 đến tháng tư và gió Đông Nam thổi mạnh từ tháng sáu đến tháng 10. Tây Sơn và Nguyễn Ánh đều dùng hiện tượng thiên nhiên nầy trong những chiến dịch xâm lược nhau, như những trận đánh Gia Định của Tây Sơn vào tháng hai năm 1777, vào tháng tư năm 1782, vào tháng hai năm 1783, vào tháng hai năm 1785… Còn Nguyễn Ánh thì những chiến dịch Thị Nại, Quy Nhơn, Phú Xuân vào tháng 7 năm 1792, tháng 6 năm 1793 và tháng 6 năm 1801.
4) J.M. Dayot làm đắm tàu và trốn sang Macao (xem mục (3) ở trên.
Vừa đúng lúc Nguyễn Ánh dựng kế hoạch đi cứu thành Diên Khánh vào tháng tư 1795, bị Tây Sơn vây từ tháng hai cùng năm, thì con tàu do Dayot lãnh trách nhiệm, bị đắm. Anh ta bị bắt và bị tù để đợi triều đình xét xử.
Hãy đọc thư của linh mục Lavoué gởi cho ông Letondal, quản lý hội Truyền Giáo Hải Ngoại tại Macao, ngày 27/04/1785 [Launay, sđd, trang 302] :
… « Vua nổi nóng và tức giận những người Âu đang phục vụ dưới trướng và giam tù 2 người : ông Dayot và ông thượng sĩ của ông ta (son premier maître), vì con tàu của họ bị đắm và hư hại rất nhiều ; người ta cho vua hay là con tàu không dùng được nữa làm vua nổi nóng và trong cơn giận, vua đã có những lời khó nghe đối với người Âu, nhưng sau đó vua đã hối, và có thể là đang còn hối, vì từ lúc nầy công việc của vua càng ngày càng tệ hơn »… (?)
Sự vượt ngục của Dayot, rất có thể, là do những người Pháp giúp, như ta thấy trong thư của linh mục Le Labousse gởi cho ông Letondal, ngày 22 tháng 6 năm 1795 [Cadière. Documents relatifs…, sđd, BEFEO, tập 12, 1912, trang 35] :
… « Thế là vua (Gia Long) đang ở trong thế không may… Thế là người Âu bỏ đi hết. Tôi e đây là chuyến đầu tiên của chúng ta (trong bài tiếng Pháp dùng hai chữ avant-garde)… Người ta cũng chuẩn bị cho Đức Cha (Bá Đa Lộc) một con tàu tốt…
Ngài sẽ thấy ông Olivier [Olivier de Puymanel] với ông Dayot sẽ đến Macao. Ông Dayot phải trốn khỏi tàu của ông ta, khi ông ta ra đến cảng Vũng Tàu. Vua có thể trả một giá rất đắt vì chuyện trốn nầy »…
Olivier de Puymanel là một tình nguyện viên binh nhì trên chiếc la Dryade, đào ngũ ngày 19/09/1788, taị Côn Sơn (Poulo Condor) [Xem Faure. Les Français en Cochinchine, sđd, trang 242]. Anh ta đi cùng tàu la Dryade với thế tử (sau được phong thái tử) Nguyễn-Phước Cảnh và giám mục Bá Đa Lộc, trên đường từ Pháp về lại Nam Hà (tàu rời bến Lorient ngày 27/12/1787). Anh ta có học sơ qua về đại bác với một đội pháo binh trên tàu. Anh ta đào ngũ tại Côn Sơn và được linh mục Hồ Văn Nghị, người tay chân của giám mục Bá Đa Lộc, đón và giới thiệu cho Nguyễn Ánh vào đầu năm 1789. Nguyễn Ánh bổ anh ta làm Cai Đội, và có lẽ được phong Hầu, Tín…Hầu (những tài liệu mà linh mục Cadière có, không thấy nói đến tước của anh ta. Tín là tên việt của Olivier). Anh ta được trao nhiệm vụ đặt các đại bác trong các hải cảng và trên các chiến hạm. Sau đó anh ta được thuyên chuyển về ban thường trực phong hậu quân Thần Sách. Anh ta có dự trong các đội pháo binh cho nhiều chiến dịch ; trong các xưởng đạn dược ; trong việc buôn bán với các lân bang để mua các thiết bị quân sự. Anh ta được thăng đến chức Vệ Úy (chánh tam phẩm) vào tháng 7 năm 1792 (tương đương với cấp Đại Tá ngày nay) [Cadière BAVH, tập I, 1920, trang 168], và phục vụ dưới quyền của Tiền Phong Quân Tôn Thất Hội, Hậu Quân Võ Tánh, Hữu Quân Nguyễn Huỳnh Đức, Tiền Quân Nguyễn Văn Thành (đều có cấp bậc là chánh nhất phẩm) [Thực Lục, sđd, tập 1, trang 257,258]. Olivier phục vụ cho Nguyễn Ánh trong 10 năm (đến năm 1799) và mất vì bịnh kiết lỵ, ngày 23/03/1799, tại Malacca, trong một chuyến công tác đi Singapore (Tân Gia Ba) để mua súng ống [Faure. Les Français en Cochinchine, sđd, trang 200]. Chính Olivier de Puymanel cứu J.M. Dayot tại Vũng Tàu, trong một chuyến công tác đi Macao.
5) J.M. Dayot làm gián điệp cho Anh quốc để chống lại Nguyễn Ánh.
Trong Cadière, Documents relatifs à l’époque de Gia Long (Tài liệu thời Gia Long), BEFEO, sđd, trang 58, ghi chú 1, ta thấy :
« Dayot trở thành bỉ ổi đối với Gia Long, người ta kể anh ta là gián điệp cho người Anh. Chúng tôi được biết chuyện nầy trong một là thư của ông Audemar, thừa sai tại miền Hậu Giang, gởi cho quản lý hội Thừa Sai ở Macao [Tài liệu Hội Thừa Sai, 801, trang 1253] ».
6) Cư trú tại Manille.
Sau khi trốn sang Macao, hai anh em Dayot đến ở Manille, do Y Pha Nho chiếm đóng, để tự buôn bán làm ăn lấy.
7) Công tác do Thống Đốc Manille gởi sang Việt Nam.
Năm 1804, Manille bị nạn đói lớn, thống đốc Y Pha Nho Manille, sai Dayot sang Việt Nam mua gạo. Đối với Nguyễn Ánh Manille là một bạn hàng tốt, đổi hàng hóa (Nam Hà) để lấy vũ khí (Tây phương), nên Nguyễn Ánh, một lần nữa, phải làm ngơ sự có mặt của Dayot trên đất nước mình, vào tháng tư năm 1804. Thực Lục, tập 1, trang 540 có nói :
« Lữ Tống (Manille) bị đói, xin đong gạo ở Gia Định. Lưu trấn thần không muốn bán, đem việc tâu lên. Vua nói rằng : « Bờ cõi dù khác nhau, nhưng lấy lòng chung mà thương nhau, sao nỡ không ngó đến ». Bán cho 50 vạn cân gạo » [Một cân có khoảng 600 g, vậy tất cả là khoảng 300 tấn]
Trong thư của giám mục La Bartette gởi cho ông Foulon, quản lý hội Thừa Sai ở Macao, ngày 15/04/1804 :
« Có phải đây chàng Dayot nổi tiếng, mà vào thời giám mục Ba Đa Lộc đang còn ở Đồng Nai, đã phục vụ lâu năm cho vua Nam Hà, rồi sau đó bỏ đi vì vài sự bất bình với nhà vua ; có phải, tôi tự hỏi, là anh ta mới đến Đà Nẵng, cách đây khoảng 10 ngày ? Anh ta do thống đốc Manille gởi đi trên con tàu Y Pha Nho La Princesse Royale, để thương lượng một hợp tác quan trọng về thương mại có lợi cho hai quốc gia…. Ông Dayot xin mua gạo ; vua đã cho phép anh ta đi Đồng Nai chở đầy tàu. Vua tỏ vẻ bằng lòng về sự hợp tác do thống đốc Manille đề nghị… » |Tài liệu hội Thừa Sai, 802, trang 1041, 1042. Cadière Documents reletifs à l’époque de Gia Long, sđd, trang 58].
8) Cái chết của J.M. Dayot, năm 1809 (mục (4) ở trên).
Trong Documents relatifs de l’époque de Gia Long, sđd, trang 61, linh mục Cadière có cho cái thư của ông Audemar :
« XLIV – Thư của ông Audemar,
Nam Hà, ngày 18/04/1811.
« Cách đây một năm rưỡi ông Dayot bị đắm tàu và chết đuối, ở gần nơi đây, với bà vợ và khoảng 20 người khác. Đây là lỗi của ông ta, vì ông ta đã đến gần một cảng nhỏ (gần Quảng Trị), khi cơn bão mùa thu thình lình ấp tới. Một cơn bão khủng khiếp. Người ta muốn đưa tàu vào cảng, nhưng ông ta rất kỳ cục, ông ta đã làm gì ? Tay cầm kiếm, ông ta đòi chém người cầm lái, nếu anh ta đưa con tàu vào cảng. Trong khoảng khắc tàu bị ngập. Có khoảng 7 người trong thủy thủ đoàn bơi được vào bờ. Đáng sợ là cái chết cũng như cuộc sống của ông ta là vô tín ngưỡng ! Ông Forsans cũng vừa mới chết, ông ta chết cũng đầy lỗi lầm ; ít nhất chúng ta không có một phỏng đoán nào để tin linh hồn ông ta được cứu rỗi » [Tài liệu hội Thừa Sai, 801, trang 1342J].
Trong một ghi chú của Faure [Les Français en Cochinchine au XVIIIe Siècle : Mgr Pigneau de Béhaine, sđd, trang 201], Faure viết « …Ông (J.M. Dayot) chết đuối ở vịnh Bắc Việt vào năm 1809, trong khi ông đang còn nhiệm vụ phục vụ cho vua Nam Hà » là sai.
Theo ông Nguyễn Quốc Trị, J.M. Dayot không dám vào bờ, vì sợ lần nầy Nguyễn Ánh khó tha cho ? [Nguyễn Quốc Trị, tập 1, trang 391].
Ông Audemar cho cuộc sống và cái chết của J.M. Dayot là vô tín ngưỡng, còn bà Thụy Khuê gọi là « vô luân ». [Thụy Khuê. Chương 16 : IV-Jean-Marie Dayot).
Trong 5 năm « phục vụ Gia Long », J.M. Dayot đã tạo rất nhiều thiệt hại cho Nguyễn Ánh, chủ của anh ta.
Các danh từ « tức giận » (mục (3) ở trên) hay « ghê tởm (dégoûté) », « buồn nôn (écœuré, danh từ của Taboulet) » áp dụng cho J.M. Dayot hay cho Nguyễn Ánh ?
9) Công tác phục vụ của J.M. Dayot cho nước Pháp (mục (5) ở trên).
Trên Wikipédia tiếng Pháp, tháng 5 năm 2016, đề « Allégeance : Vietnam », sau đó sửa lại « Allégeance : Royaume de France, Vietnam », vào tháng 12 năm 2016.
Trước hết, vào thời đó, Việt Nam không phụ thuộc vương quốc Pháp ! Sau là J.M. Dayot đã dùng tài sản của Nam Hà (2 con tàu giao cho anh ta cùng thủy thủ đoàn, những dụng cụ đo lường…) để vẽ bản đồ bờ biển Việt Nam cho nước Pháp !
Hãy đọc bức thư của J.M. Dayot do Maybon trích trong cuốn Relation sur le Tonkin…, sđd, trang 30,31 và 32 :
… « Trong những chuyến đi đi lại lại dọc theo bờ biển Việt Nam, không những phải theo quân đội, mà còn công tác cho việc tiếp tế, anh em Dayot dấn thân trong một việc làm rất vẻ vang : vẽ các bản đồ hàng hải về bờ biển và hải cảng việt nam. Chính Renouard de Sainte-Croix đã đem những bản đồ nầy về Pháp. Trong một bức thư mà Doyot viết ngày 15/11/1807, có lẽ là sau khi Sanite-Croix rời khỏi thành phố (Macao), ta có thể đọc những hàng lý thú : « Với tài mọn của tôi, tôi không dám ước ao làm một thông tín viên cho một viện bác học (Viên Lưu Trử Hàng Hải), nhưng tôi sẽ vui mừng nếu thành quả những việc làm của tôi được công nhận. Tôi có thể gởi những nhận xét có ích về nhiều vấn đề của một xứ mà có thể nói là chưa ai biết đến và chúng vẫn sẽ luôn luôn có ích bởi những vật thể của nước nầy, nếu tôi không lầm do kiến thức nhỏ bé của tôi. Với lại, anh de Sainte-Croix thân, tôi tin vào sự cẩn thận chăm lo của anh cho tôi ; chúng biểu lộ sự ân cần và tế nhị. Tôi trao cho anh thành quả của việc làm khá gay go của tôi trong 6 năm, những điều anh sẽ làm giúp tôi đều tốt hết, ngay cho có sự trở ngại vì tình bạn mà anh muốn giúp tôi hay vì tôi ước ao làm được điều hữu ích cho tổ quốc tôi, thì cũng không giảm bớt lòng biết ơn cùng cảm tình sâu đậm của tôi suốt đời đối với anh ».
Sainte-Croix đã thành thật gởi đi. Chính phủ quyết định tặng Dayot một dụng cụ hàng hải (cercle astronomique), năm 1820, nhưng phần thưởng nầy đến quá muộn, vì Dayot đã chết từ năm 1809. Anh ta cũng không được thấy những bản đồ của anh ta vẽ do Viện Lưu Trử Hàng Hải ấn loát năm 1818, cùng sự đánh giá rất cao của Abel Rémusat… ».
Dưới triều Tự Đức (chắt nội của Nguyễn Ánh), liên minh Pháp-Y, đã dùng các bản đồ nầy, mà Nguyễn Ánh chưa bao giờ thấy đến, để tấn công Việt Nam, trong những năm 1858-1860. Câu hỏi được đặt ra : J.M. Dayot đã thề trung thành với Việt Nam hay với Pháp ? [Xem Wikipedia tiếng Pháp vào tháng 05/2016].
Nguyễn Vĩnh-Tráng
Tiết Mang Thực năm con Gà.
205 062 017 nvt*ttl*
Chân dung Nguyễn Ánh, theo một họa sĩ vô danh (jpeg)
Tài liệu tham khảo :
- Barrot Odilon. Recueil général des lois, décrets, ordonnances, etc: depuis le mois de Juin 1789 jusqu’au mois d’Août 1830. Tome sixième. Editeur : A l’Administration du Journal des Notaires et des Avocat s. Rue Condé N° 10 – 1839 – Paris.
- Barrow John. Voyage à la Cochinchine, par les îles de Madère, de Ténériffe et du Cap Vert, Le Brésil et l’Ile de Java. (Traduit de l’Anglais, avec des notes et additions par Malte-Brun). 2e Tome. Editeur Arthus-Bertrand. Paris, 1807.
- Cadière Léopold. Documents Relatifs à l’époque de Gia-Long, Bulletin de l’Ecole française d’Extrême-Orient, BEFEO. Tome 12. Paris, 1912.
- Cadière Léopold, Cosserat Henri, Salles André, Sogny Léon. Bulletin des Amis du Vieux Huê, BAVH 1914, 1917, 1920, 1926, 1934, 1939.
- Faure Alexis. Les Français en Cochinchine au XVIIIe Siècle : Mgr Pigneau de Béhaine Evêque d’Adran. Pièces Justificatives. Editeur Augustin Challamel. Paris, 1891.
- Launay Adrien, Histoire de la mission de Cochinchine. Documents historiques 1771-1823. Editeur C. Douniol et Retaux, Paris, 1925, réédité par Les Indes Savantes (Missions Etrangères de Paris). Volume 3. Paris, 2000.
- Louvet Louis-Eugène. La Cochinchine Religieuse, tome I. Editeur Ernest Leroux. Paris, 1885.
- Maybon Charles B. Histoire Moderne du Pays d’Annam (1592-1820). Librairie Plon. Paris, 1919.
- Maybon Charles B. La Relation sur le Tonkin et la Cochinchine de M. de La Bissachère, missionnaire français (1807). Librairie ancienne Honoré Champion. Paris, 1920.
- Monnier Marcel. Le tour d’Asie, Cochinchine, Annam, Tonkin. Librairie Plon. Paris, 1899.
- de Montyon Jean-Baptiste. Exposé statistique du Tunkin, de la Cochinchine, du Camboge, du Tsiampa, du Laos et du Lac-Tho. 2 volumes. Imprimerie de Vogel et Schulze, 18 Poland Street. Londres, 1811.
- Murray Dian H. Prirates Of The South China Coast 1790-1810. California, Stanford University Press, 1987 (Ngô Bắc dịch).
- Taboulet Georges. La Geste Française en Indochine. Editeur Adrien-Maisonneuve. Paris, 1955.
- Đại Nam Thực Lục Chanh Biên, 大南寔錄正編. Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, Hanoi, (Tái bản lần thứ nhất năm 2001, 10 tập).
- Đại Nam Liệt Truyện, 大南列傳, 4 tập. NXB Thuận Hóa., Huế, 1993.- Le Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ 欽定大南會典事例, 15 tập. NXB Thuận Hóa, Huế. 1993.
- Đào Duy Anh. Hán Việt Từ Điển, 漢越辭典. NXB Trường Thi, Saigon, tái bản lần thứ 3, 1957.
- Nguyễn Duy Chính, Việt Thanh Chiến Dịch. Vai trò của Hải Phỉ trong chiến thắng Kỷ Dậu. Trên Internet.
- Nguyễn Quốc Trị. Nguyễn Văn Tường (1824-1886) và Cuộc chiến chống Đô Hộ Pháp của nhà Nguyễn, 2 tập, phát hàng năm 2013 tại Maryland, USA.
- Phan Huy Chú. Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, 歷朝憲章類誌. Viện Sử Học Hànội dịch, 1960, tái bản lần thứ 5 năm 2005, tập 1.
- Sử Ký Đại Nam Việt. Tái bản lần thứ tư. Imprimerie de la Mission. Tân Định, Saigon, 1903.
-Thụy Khuê. Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long, phát hành vào tháng 09/2015, Paris.- Trịnh Hoài Đức. Gia Định Thành Thông Chí, 嘉定城通志. NXB. Tổng hợp Đồng Nai, 2010.- Vũ Văn Kính. Đại Tự Điển Chữ Nôm, 大字典 字宁 喃. NXB Văn Nghệ, TPHôchiminh, 1999.
++++++++++++++++++++++++++++++
Jean-Marie Dayot qua những bài viết
Phần 2 : Nguồn gốc các bịp bợm
Nguyễn Vĩnh-Tráng
B - Nguồn gốc các bịp bợm.
Cũng nên nói sơ qua nguồn gốc những bịp bợm do những sử gia, tác giả thực dân Pháp thổi phồng, phóng đại để rồi một số sử gia và tác giả Việt Nam bị bẫy.
I - Chuyện J.M. Dayot và Olivier de Puymanel.
1) Linh mục Pierre-Jacques Lemonnier de la Bissachère (1764-1830).
Là một thừa sai, linh mục de la Bissachère « … đi sang miền tây Bắc Hà vào ngày 11/12/1789… Khi vụ « cấm đạo » xảy ra, ông phải chạy trốn vào năm 1789, ông đến lánh nạn trên một hòn đảo cách bờ khoảng bốn giờ đi thuyền ; ông ở đây trong 7 tháng và tránh được sự lùng bắt. Có một lúc ông cầm đầu một chủng viện nhỏ, có lẽ vào năm 1800. Không lâu sau đó, ông lại bị truy lùng với án lệnh tử hình. Năm 1806, ông bi ốm và chạy sang Macao và năm sau ông trở lại Âu Châu ; ông đến Anh quốc vào năm 1808, và ở lại đây. Ông cư trú tại London và Oxburg, và theo lời đồn thì ông có ý thành lập một giáo đoàn mà mục đích thì chúng tôi không rõ ; vả lại chuyện đó không đưa lại một thành quả nào cả. Ông cùng hợp tác với ông de Montyon để cho phát hành một cuốn sách, hay có lẽ đúng hơn là ông de Montyon đã dựa vào các ghi chép của vị thừa sai, mà ông tu chỉnh lại, đôi khi khá vụng về, để cho xuất bản một cuốn sách về Bắc Hà và Nam Hà ». [ME, Archives, Site Internet, http://archives.mepasie.org/fr/notices-biographiques/lemonnier-de-la-bissachare].
Nhận thức của linh mục de la Bissachère về Việt Nam rất hạn chế nếu không muốn nói là sai lạc, vì ông ít đi ra ngoài. Vì chiến tranh, ông phải sống chui rúc ở những nơi thiếu tiện nghi tại miền Bắc Trung Phần, lãnh thổ dưới quyền cai quản của vua Quang Trung. Cũng vì thế, ông có một thái độ khinh bỉ người Việt, từ vua quan cho đến người dân thường. Ông xem người Việt là một giống man di, có lẽ trừ những người được chính ông dạy dỗ để thành giáo dân. Thật sự ông biết rất ít về Việt Nam. Những tin tức mà ông ghi chép toàn là do tin đồn hay do ông tưởng tượng ra, vì ông không phải là nhân chứng trực tiếp.
Về vua Quang Trung, ông ta viết :
« … một đoàn quân Tàu rất lớn qua Bắc Hà (Tonquin/Tonkin) để lập lại ngai vàng cho nhà Lê mà nhà vua đang lánh nạn tại Bắc Kinh. Quang Trung đang ở Nam Hà được tin, thì đi ra Bắc với vài trăm quân. Họ đi cả ngày lẫn đêm ; trên đường đi họ lùa theo những người dân có thể mang khí giới…
… Cuối cùng ông ta đến được trại của quân Tàu với đoàn quân mỏi mệt của ông, mà phần đông thì què cụt, ngất ngư vì phải đi trong nhiều ngày (longues marches), thế mà tức khắc, không một chút sợ hãi trước một số lớn quân địch, ông ta tấn công và giết khoảng 40 000 địch quân trong ngày ông đến ; những tên tránh được cuộc tàn sát thì chạy trốn và chết gần hết ở trong rừng… » [Maybon. La Relation…, sđd, trang 132].
Một đoàn quân vài trăm người, mỏi mệt, què cụt, ngất ngư có thể tiêu diệt 40 000 quân Tàu trong một ngày chăng ? Đây phải chăng là lời kể của một kể bị bịnh tâm thần ?
Đối với Nguyễn Ánh, thì ông ta viết :
… « Vua Gia-Long đến kinh đô Nam Hà (Cochinchine), nghỉ ngơi trong 2 tháng hay khoảng đó. Sau đó ông lo việc hành hình các tù binh. Tôi sai một người trong nhóm đầy tớ của tôi (un de mes gens - một người trong những người nhà của tôi ?) đến cung nhà vua, xin giấy phép cho tôi (hay cho anh đầy tớ ?)* để được ghi tên vào danh sách những người có thể vào cung và ở trước mặt vua trong một tháng, anh ta làm việc trong ngày hành hình* và anh ta đã thấy tất cả từ đầu đến cuối. Khi trở về anh ta đã kể lại cho tôi, hiên giờ tôi không nhớ hết mọi tình tiết, vả lại những tình tiết đó rất kinh tởm, tôi chỉ kể ra đây những điều tôi còn nhớ hay những điều làm chấn động tôi nhất, và những điều đó đã được công khai cho cả nước đều biết.
… người ta cột tay chưn ông ta (vua Quang Toản) vào 4 con voi để xé xác ông… Những người hành sự đã dùng một dụng cụ cực hình, mà ở Âu Châu người ta không thể tưởng tượng được (duquel on n’a pas d’idée en Europe) (c), để xé (xác) ra làm bốn…
… có một cô gái khoảng 14, 15 tuổi (d), với tất cả vẻ duyên dáng của một thiếu nữ (cô con gái của bà Bùi Thị Xuân)**, khi cô ta thấy một con voi cực kỳ to lớn xông đến ném cô lên trên không…
… Những người hành sự, để tỏ ra sự can đảm của họ, đã ăn sống tim, gan, phổi và hai cánh tay cứng rắn (của bà Bùi Thị Xuân)** (e)… »… [Xem Maybon, La Relation…, sđd, trang 117, 118, 119, 121].
*Lình mục de la Bissachère viết không rõ ràng (un de mes gens que j'avais envoyé à la Cour pour m'obtenir une permission du roy et qui fut porté sur la liste de ceux qui pouvoient entrer au palais et se tenir devant Sa Majesté pendant un mois, se trouva de service le jour de l'exécution), đây là de la Bissachère xin phép cho anh đầy tớ của ông, và có thể anh nầy là nhân viên của triều đình, nhưng không nói rõ là ở cơ quan nào.
Cũng vì đoạn văn nầy (**) do Maybon, một sử gia có tiếng trích từ de la Bissachère, mà ta thấy trong vài cuốn « sử » gần đây, kể bà Bùi Thị Xuân và người con gái nói chuyện với nhau tại pháp trường. Từ đó, các « sử gia » của các cuốn « sử » nói trên, lại còn bịa đặt thêm chuyện bà Bùi Thị Xuân đối đáp với Nguyễn Ánh cũng tại pháp trường. Ta thấy rõ tác dụng tai hại của câu văn mà de la Bissachère đã bịa ra, rồi do Maybon chép lại, và một số « sử gia » người Việt dùng làm tài liệu.
Chúng ta đều biết tự cổ chí kim, theo Điển Lễ, vua không bao giờ tiếp tù nhân và hơn nữa không bao giờ dự vào cuộc hành hình các tội nhân, mà chỉ sai một vị quan ở Bộ Hình đứng ra lãnh trách nhiệm giám sát việc hành hình. Ở đây, Thực Lục, tập 1, trang 485 viết rất rõ ràng :
« Tháng 11 [âm lịch, (tháng 12/1802)] làm lễ tuyên cáo võ công. Ngày Quý dậu tế thiên địa thần kỳ. Ngày Giáp tuất hiến phù (1. Hiến phù : Dâng những người bắt được trong chiến tranh.1) ở Thái miếu. [Tù nhân quỳ trước cửa Thái Miếu, chứ không được vào Thái Miếu].
Sai Nguyễn Văn Khiêm là Đô thống chế dinh Túc trực, Nguyễn Đăng Hựu là Tham tri Hình bộ áp dẫn Nguyễn Quang Toản và em là Quang Duy, Quang Thiệu, Quang Bàn ra ngoài cửa thành, xử án lăng trì cho 5 voi xé xác. Còn đồ đảng là bọn Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng đều xử trị hết phép, bêu đầu cho mọi người biết. Xuống chiếu bố cáo trong ngoài ».
Linh mục de la Bissachère là ai mà hống hách đến thế, sai đầy tớ mình vào cung nói chuyện với vua ? Ai cũng biết Nguyễn Ánh từ chối tiếp kiến những sĩ quan cao cấp Anh, Pháp, nếu những người nầy không có thư ủy nhiệm của các vua Anh, Pháp.
Pháp trường là nơi được canh gác rất kỹ lưỡng, phòng đồng bọn mang vũ khí vào cướp tội nhân, vậy « đầy tớ » của de la Bissachère làm sao mà ở tại pháp trường trong lúc nầy được. Vả lại anh đầy tớ đó không thuộc đội hành hình, nếu anh ta thuộc đội hành hình, thì anh ta không thể nào kể lại những chuyện hoang đường tại pháp trường như de la Bissachère đã ghi như trên ! [Xem phần ở dưới].
Tội hình « lăng trì » có ghi trong bộ Luật Hình Sự dành cho những kẻ « đại nghịch ». Linh mục de la Bissachère lấy làm phẫn nộ và ghê tởm về tội hình nầy « mà ở Âu Châu người ta không thể tưởng tượng được », vậy vị linh mục nầy đã vô tình hay cố ý quên rằng các đồng nghiệp của ông đã dùng tội hình nầy (xé xác) bằng cách dùng ngựa hay dụng cụ bằng sắt để tra tấn và giết những người « Dị Giáo (hérétiques) », nhất là đối với phụ nữ, những người đàn bà, con gái chưa bao giờ giết một ai, nếu chẳng qua, vì họ không cùng « đức tin » với de la Bissachère. [Chỉ việc gõ vào Google tiếng Pháp mấy chữ « Inquisition, Cathares, Ecartèlement » là có hàng chục tài liệu về chuyện nầy]. Ngay trước năm 1791, tội hình « xé xác » (l’écartèlement) bằng ngựa, vẫn áp dụng tại Pháp [Xem Peine de mort en France, trên Wikipedia tiếng Pháp. Tội hình nầy được bãi bỏ bởi điều 3, Luật Hình Sự, ngày 06/10/1791, và thay vào bằng tội hình « chém đầu » cho đến khi bãi bỏ tội tử hình năm 1981].
Theo bộ Luật Hình Sự lúc bấy giờ, tội tử hình gồm có 5 bậc : Giảo 絞 (thắt cổ) ; Trảm 斬 (chém đầu) ; Kiêu Thủ 梟首 (chém đầu, rồi bêu đầu) ; Lục Thi 戮尸 (xé tan tử thi ; đây là một tôi hình tượng trưng, vì người phạm tội đã chết trước khi được phán xử) ; và Lăng Trì 绫遲 (xẻo thịt cho đến chết, ở Trung Quốc ; rất đau đớn và không chết liền. Ở Việt Nam được thay thế bằng cách chém đầu, rồi bằm xác ra, hay xé xác bằng voi ; tôi nhân chết tức khắc) [Xem Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ, tập 11, trang 19]. Lăng Trì ở Việt Nam dành cho các tội « Mưu Phản 謀反 » (lật đổ triều vua), « Đại Nghịch 大逆 » (phà hủy tôn miếu, lăng tẩm, cung khuyết nhà vua), « Mưu Bạn 謀叛 » (gián điệp cho nước ngoài), « Ác Nghịch 惡逆 » (giết ông bà, cha mẹ mình, ông bà, cha mẹ chồng, giết chú bác trai, bác thím gái, cô, anh, chị, ông bà ngoại và chồng), « Bất Đạo 不道 » (giết 3 người trong một gia đình…)… có cả thảy 10 tội. [Xem KĐĐNHĐSL tập 11, trang 36]. Tây Sơn đã giết 2 vua, Định Vương (Nguyễn-Phước Thuần), Tân Chính Vương (Nguyễn-Phước Dương), hai người anh, em của Nguyễn Ánh (người con trai thứ 2 và thứ 6). Nguyễn Ánh là người con trai độc nhất sống sót trong số 6 người con trai của gia đình. Một người bị sẩy thai (hay mất lúc mới sinh ra, vì chưa được đặt tên), người thứ nhất và người thứ năm mất ở trận tuyến. Mới 13 tuổi mà Nguyễn Ánh bị Tây Sơn truy lùng khắp nơi. Ngoài ra Tây Sơn lúc mới chiếm cứ Phú Xuân đã phá tan các lăng tẩm của các Chúa Nguyễn. Cũng vì thế mà vua Quang Toản (niên hiệu là Cảnh Thịnh, nay đã đổi lại là Bảo Hưng) và 3 người em là Thái Tể Quang Duy, Nguyên Soái Quang Thiệu, Đốc Trấn Thanh Hóa Quang Bàn đều bị xử án Lăng Trì cho 5 voi xé xác. Các tướng Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng, vì không chụi hàng, bị tội Kiêu Thủ, chém và bêu đầu***. Nhưng bà mẹ 80 tuổi của Trần Quang Diệu được tha, vì lời xin của tướng Trần Quang Diệu… Phá tan lăng của vua Thái Đức (Nguyễn Nhạc) và vua Quang Trung (Nguyễn Huệ) rồi giã nát xác vất đi, còn đầu của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Quang Toản và thần chủ (mộc chủ) của vợ chồng Nguyễn Huệ thì đều giam ở nhà Đồ Ngoại, sau đổi là Vũ khổ. [Xem Thực Lục, tập 1, trang 485].
***Cách đây 5 hay 6 năm, tôi có đọc một tài liệu mà hiện giờ đã thất lạc đâu mất. Trong tài liệu nầy nói tướng Trần Quang Diệu được ân xá khỏi tội Kiêu Thủ (chém và bêu đầu) mà chỉ chịu tội Giảo (thắt cổ) để cho thân xác được nguyên vẹn, vì tướng Trần Quang Diệu không giết quân của Nguyễn Ánh khi chiếm lại được thành Quy Nhơn, năm 1801, do lời thỉnh cầu của tướng Võ Tánh đang trấn giữ thành Quy Nhơn, trước khi ông tự vận cùng với vị đồng liêu Lễ Bộ Thượng Thư Ngô Tòng Châu.
Thực Lục không nói đến bà Bùi Thị Xuân bị bắt và bị hành hình. Đại Nam Liệt Truyện, tập 2, trang 539 có nói về bà Bùi Thị Xuân bị bắt với chồng là tướng Trần Quang Diệu, nhưng không cho ngày và nơi bị bắt***.
Theo tài liệu ở mục (***) trên, thì một vài sử gia cho rằng bà Bùi Thị Xuân được người dân thiểu số miền thượng du (họ là đồng minh của Tây Sơn) cho ẩn nấu (ẩn náu) trên rừng cho đến khi bà mất vì tuổi già, vì lúc bấy giờ bà Bùi Thị Xuân theo vua Quang Toản chạy ra Hànội, trong khi tướng Trần Quang Diệu ở trong Nam ra đến Nghệ An (cách Hànội khoảng 300 km) thì bị bắt liền và hai vợ chồng không thể gặp nhau tại Nghệ An lúc đó.
« … có một cô gái khoảng 14, 15 tuổi… » [Xem mục (d) ở trên]. Ngày nay thì « ai làm nấy chịu », chứ lúc trước gia đình buộc phải chịu liên lụy về các hành động, cử chỉ của những người cùng một gia đình hay của bà con rất gần, như chú, bác, cậu, cô, dì ruột. Bộ Luật Hình Sự viết rất rõ ràng : Tội Lăng Trì dành cho những tội nhân phạm các tội kể trên (Mưu Phản,…, Bất Đạo…). Nhưng triều đình không giết những người con trai dưới 16 tuổi, cùng các thê thiếp và con gái của tội nhân bị tội Lăng Trì. Các người nầy được giải đi làm nô lệ ở các công sở****. Những người con gái đã lấy chồng hay đã hứa hôn thì giao cho chồng hay cho chồng chưa làm lễ cưới. Những người con trai đã làm con nuôi của những người khác, và cháu trai, cháu gái (kêu tội nhân bằng Ông) của tội nhân bị tội Lăng Trì, thì không bị truy tố [Xem Đại Nam Hội Điển Sự Lệ, sđd, tập 12, trang 14]. Người già trên 90 tuổi hay trẻ em dưới 7 tuổi, dù có phạm tội cũng được tha. Người già trên 70 tuổi và trẻ em dưới 16 tuổi, nếu có phạm tội, thì được chuộc bằng tiền [Luật Hồng Đức điều 16 và Luật Gia Long điều 10 (Bảo vệ người già với trẻ em). Xem Vũ Thị Phụng, Những Bộ Luật Cổ Việt Nam và một số giá trị đối với đương đại, trang 8, trên Internet]. Cũng nên nhớ là tội « Tru Di Tam Tộc » không có trong bộ Luật Hình Sự nầy.
****Trừ trường hợp các phụ nữ từ 16 tuổi trở lên là tội nhân hay tòng phạm, thì cũng bị giết [Xem Thực Lục, tập 1, trang 431 hay tập 4, trang 850, trong vụ án Lê Văn Khôi].
Về mục (e) ở trên : Linh mục de la Bissachère đã lẫn lộn phong tục, tập quán của một dân tộc nào đó với dân tộc Việt. Người Việt không có những tập quán đó.
Thật là sự tưởng tượng của de la Bissachère rất phong phú và rất lật lọng mà Maybon đã chép lại y nguyên, không một lời bình luận.
Maybon chỉ trích Montyon (vì đã tham khảo thủ bản của linh mục de la Bissachère) trong « Lời dẫn nhập/Introction » :
« Người ta thấy Montyon mở rộng cửa cho tin tức đủ loại đến từ mọi nơi và sẽ không ngạc nhiên thấy trong hai tập sách một sự trộn lẫn khá đều về những chuyện (notion/khái niệm) có thật, những báo cáo bịa đặt, và những thông tin do sự tưởng tượng phong phú tạo ra ». [Xem Maybon, Relation sur le Tonkin…, sđd, trang 43].
Hay về linh mục de la Bissachère (một trong những thí dụ) :
« … hay những bọn quỷ thờ trong các làng dưới những tên kỳ quái…, thành người ta không mến, nhưng rất sợ hãi, chỉ có những người theo đạo Kitô (La Mã) không sợ quỷ và quỷ không dám hại họ (a) như chính họ đã thừa nhận qua những người bị quỷ ám… »
(a) [Chú thích của Maybon] « Ông de la Bissachère chắc chắn đã lầm, vì những điều ông kể thật khó tin ; tôi biết rõ tín ngưỡng của các dân tộc, nhất là các dân tộc Á Châu, tin có ác thần hung dữ, là chuyện dị đoan của xứ nầy, nhưng làm sao một người có học thức lại chấp nhận những chuyện tương tự như trên để đề cao những người Bắc Hà theo đạo Kitô. Những người theo đạo Kitô nầy là ai, là cũng những người đầy dị đoan như những người Bắc Hà khác, và nước « rửa tội » không làm sự phán đoán của họ lành mạnh hơn. Hãy mở những « bức thư súc tích (lettres édifiantes)***** », ta thấy đầy dẫy những chuyện phi thường, tưởng chừng như đọc những chuyện đạo (tôn giáo) cuồng tín ở thế kỷ thứ 14 ; … »
*****Lettres curieuses et édifiantes de la Mission apostolique en Extrême Orient (Những lá thư lạ lùng và súc tích của Sứ Bộ tông đồ (truyền giáo) tại Viễn Đông), do Hội Thừa Sai Paris ấn hành.
Năm 1806, de la Bissachère bị ốm (đau), ông sang Macao, gặp Félix Renouard de Sainte-Croix và trao cho anh ta thủ bản (bản thảo) ghi chép những chuyện về Việt Nam của ông. Năm sau, ông sang London để tránh cuộc Cách Mạng Pháp 1789. Tại đây ông gặp ông Montyon, một người Pháp khác lánh nạn.
2) Félix Renouard de Sainte-Croix (1767-1840).
Hãy đọc Maybon trong cuốn Relation sur le Tonkin…, sđd, trang 5 và 6 :
« Ký sự được sao lại nơi đây đã có một hoàn cảnh khá kỳ lạ.
Viết bởi một sĩ quan kỵ binh, Félix Renouard de Sainte-Croix [Napoléon sai đi tiếp thu những thuộc địa của Anh, theo hiệp ước Amiens ký ngày 27/03/1802], đã gặp thừa sai Pierre-Jacques Lemonnier de la Bissachère, tại Macao, năm 1807 (1), cuốn sách đã được viên sĩ quan cho phát hành năm 1810, nhưng lại không giữ nguyên văn bản thảo mà anh ta đã nhận được, cùng không cho đúng tác giả.
… Cuối cùng là « Lời Tựa » (Avant-propos) và « Lời dẫn nhập » (Introduction) của Sanite-Croix, hết sức đặc biệt (inédit/mới lạ), mặc dù có một vài sai lầm, chứa đựng những thông tin rất quý giá về lịch sử nước An Nam, vì những thông tin đó đến từ Jean-Marie Dayot… ».
« (1) [ghi chú của Maybon] : Xem trang 73 ở dưới ; Năm 1807, La Bissachère đến Macao gặp Renouard de Sainte-Croix. « Sainte-Croix nói : tôi xin ông đó cho tôi những điều chính xác (un précis) về Bắc Hà và ông đã vui lòng cho tôi những ghi chú mà chúng ta sẽ đọc ».
Ông Félix Renouard de Sainte-Croix chưa bao giờ bước chưn đến Việt Nam. Ông ta gặp J.M. Dayot ở Manille năm 1805 và được anh ta kể lại cuộc sống của anh ta tại Nam Hà ; ông ta cũng gặp linh mục de la Bissachère ở Macao năm 1807 và được linh mục trao cho bản thảo của ông. Trở về Paris, F.R. de Sainte-Croix cho ra cuốn sách « Hành trình thương mại và chánh trị tại Đông Ấn, Phi Luật Tân, Trung Quốc, và những khái niệm về Nam, Bắc Hà trong những năm 1803, 1804, 1805, 1806 và 1807 (Voyage commercial et politique aux Indes Orientales, aux Iles Philippines, à la Chine, avec des Notions sur la Cochinchine et le Tonkin pendant les années 1803, 1804, 1805, 1806 et 1807) », năm 1810. Cuốn nầy được phát hành dưới dạng 80 lá thư gởi cho bạn bè. [Xem Aux Archives du droit français. Imprimerie Crapelet, Paris, 1810].
Sử gia Maybon lấy những « tài liệu » trong cuốn sách nầy để viết cuốn ký sự « Relation sur le Tonkin et la Cochinchine de Mr de la Bissachère » (sđd) của ông ta.
Độc giả có thể suy diễn thực hư về chuyện kể lại cuộc sống tại Nam Hà của một tên vượt ngục như J.M. Dayot « Đại Đô Đốc Hạm Đội An Nam » và người bạn cùng ân nhân của anh ta là Olivier de Puymanel « Tổng Tư Lệnh Quân Đội Nam Hà » ! [Xem Faure. Les Français en Cochinchine…, sđd, trang 221].
II - Chuyện Théodore Le Brun.
1) Théodore Le Brun.
Hãy đọc Alexis Faure [Les Français en Cochinchine…, sđd, trang 241] :
« Tên những thủy thủ của chiếc La Vénus bị sa thải hay đào ngũ : Le Brun (Théodore), tình nguyện viên binh nhì (cấp bậc ngày 08/02/1788), được thuyên chuyển qua chiếc La Méduse ngày 19/06/1788 ».
Tài liệu lưu trữ của Bộ Hải Quân, danh sách thủy thủ đoàn của chiếc Vénus, loại/hạng C (?), tập 967.
Ở trang 243 :
« Tên những thủy thủ bị sa thải hay đào ngũ : Le Brun, tình nguyện viên binh nhất (cấp bậc ngày 01/01/1789), vào bệnh viện Pondichéry ngày 28/06/1788, ra bệnh viện ngày 28/08/1788, lên bờ tại Macao, ngày 13/01/1790 và ở lại đó ; thiếu ông Nicolas Lolier 45 đồng (piastre) (c) với giá 5,8 (?), thành ra 243 bảng/livre (c) ; … »
Tài liệu lưu trử của Bộ Hải Quân, danh sách thủy thủ đoàn của chiếc La Dryade, loại/hạng C (?), tập 918.
Théodore Le Brun là tình nguyện viên binh nhì, rồi tình nguyện viên binh nhất, đào ngũ tại Macao, ngày 13/01/1790, và ở lại đây trong một ít lâu. Anh ta trình diện Nguyễn Ánh với tư cách là sĩ quan kỷ sư, chuyên môn về nhà cửa, rất có thể là vào khoảng giữa hay đầu tháng 6 năm 1790. Anh ta được bổ làm « Khâm Sai Cai Đội Thạnh Oai Hầu, quản chiếu công thự 欽差該隊盛威侯管照公署 » ngày 26 tháng 6 năm 1790, như « văn bằng » của anh ta sau đây [Louvet. La Cochinchine Religieuse, sđd, trang 536 và Cadière. BAVH, tập I, 1920, trang 172] :
« Hoàng Thượng nhận thấy Théodore Lebrun, quốc tịch Pháp, có tài và có khả năng, nên gia ân cho y với văn bằng nầy bổ làm thủ lãnh kỷ sư (c’) với chức tước Khâm Sai Cai Đội Thạnh Oai Hầu. Vì thế, Hoàng Thượng giao cho y coi sóc các thành trì của hoàng gia, và lệnh cho y, với tất cả mọi cách để bảo đảm an toàn cho các thành trì nầy. Nếu chểnh mảng, không làm tròn nhiệm vụ trong vị trí quan trọng nầy của y, thì y sẽ bị nghiêm trị theo pháp luật.
Ngày 15 tuần trăng thứ 5 năm Cảnh Hưng thứ 51. (27/06/1790).
Dấu triện của nhà vua. »
(c) : Piastre đây có lẽ là piastre espagnole (đồng Y-Pha-Nho), một đồng tiền rất thịnh hành trên thế giới vào thế kỷ thứ 18, và livre cũng có lẽ là bảng Pháp, livre tournois.
(c’) : Ta đã thấy trên « văn bằng » của J.M. Dayot, hai chữ Cai Đội được dịch là « Thủ lãnh các con tàu của hoàng gia » (Capitaine de ses vaisseaux). Ở đây ta lại thấy hai chữ Cai Đội được dịch là « Thủ lãnh kỷ sư » (Capitaine ingénieur). Mấy ông Tây thực dân thật lắm trò. [Xem Cadière. BAVH, sđd, tập I, 1920, trang 172].
Vì Le Brun cảm thấy không đủ khả năng đảm nhận trọng trách Nguyễn Ánh giao phó, nên anh ta xin rút lui vào mùa thu năm 1791 và trở lại Macao, ở đây anh ta gặp Chrétien Louis-Joseph de Guignes, một viên chức của Lãnh Sự Quán Pháp ở Quảng Đông. Một duyên cớ khác (không chắc) do Henri Cosserat cho [Xem Cosserat. Notes biographiques sur les Français au service de Gia Long (Tiểu sử những người Pháp phục vụ Gia Long). BAVH, tập III, 1917, sđd, trang 174] :
« … anh ta không ở lâu để phục vụ vua - khoảng 15 tháng - vì anh ta không chịu ở duới quyền đại tá Olivier [Olivier mới là Cai Đội, năm 1791], vì Olivier trẻ hơn anh ta và cấp bậc cũng lại nhỏ hơn (thật thế Olivier de Puymanel là tình nguyện viên binh nhì trong Hải Quân Pháp [còn Le Brun là tình nguyện viên binh nhất], anh ta xin từ chức vào năm 1791 và trở lại Macao, sau đó không biết dấu tích của anh ta.
Hậu dụê không rõ. ».
2) Chrétien Louis-Joseph de Guignes.
Ông Chrétien Louis-Joseph de Guignes là viên chức/agent (gián điệp viên hay là thư ký thường ?) ở tòa Lãnh Sự Pháp tại Quảng Đông, năm 1783. Lãnh Sự Quán đóng cửa năm 1787, ông ta trở thành thông dịch viên cho đại sứ Hòa Lan Isaac Titzing dưới triều Càn Long. Ông có đến viếng Manille, nhưng chưa bao giờ đến Việt Nam. Ông gặp Olivier de Puymanel và Théodore Le Brun tại Macao. Những tin tức về Việt Nam lúc bấy giờ mà ông nhận được là do sự đồn đại và do Olivier cùng Le Brun kể lại. Một thí dụ trong hàng chục thí dụ, nói lên chuyện de Guignes không biết gì về Việt Nam ở thời đó : De Guignes lầm vua Lê với Nguyễn Ánh, hay ông ta không biết vua Quang Trung đã thắng quân Tàu vào tháng 2 năm 1789… Ông ta được gọi về Pháp, năm 1801, và được bổ làm tùy viên (attaché) tại Bộ Ngoại Giao ở Paris, cho đến năm 1817. Ông cho xuất bản nhiều tác phẩm như Dictionnaire Chinois-Français-Latin ; Voyage à Pekin, à Manille et Ile de France faits dans l’intervelle des années 1784-86 ; Observation de plusieurs familles juives établies anciennement à la Chine (Tự Điển Trung-Pháp-Latinh ; Hành trình tại Bắc Kinh, Manille và Ile de France, trong giai đoạn những năm 1784-86 ; Tìm hiểu những gia đình người Do Thái lập nghiệp lâu đời tại Trung Hoa) [Xem Những người Do Thái ở Trung Hoa, C.L.J. de Guignes, 1759-1848, trên Internet] . Đừng lẫn lộn với ngưòi cha của ông ta là ông Joseph de Guignes, giáo sư tiếng Trung (Hoa) ở Collège de France tại Paris.
Điểm chính của bài viết nầy là một báo cáo của C.L.J. de Guignes gởi về Bộ Ngoại Giao Pháp ở Paris, ngày 29/02/1791. Trong báo cáo nầy có đề cập đến Nguyễn Ánh, Olivier de Puymanel và Théodore Le Brun. Bản báo cáo nầy được Alexis Faure tìm thấy trong một hồ sơ lưu trữ tại Bộ Ngoại Giao, kho Đông Ấn, vào những năm 1890. Faure mừng quýnh như gặp được của, chuyện nầy cũng là bình thường và chính đáng, vì khi thấy tên những đồng hương làm lớn (quan lớn) tại nước ngoài, trong văn khố quốc gia. Nhưng Faure lại quên rằng, từ xưa đến nay, trong các Bộ của tất cả các quốc gia, đều nhận mỗi ngày rất nhiều báo cáo đến từ khắp nơi và trong những báo cáo đó có rất nhiều những chuyện không xác thực !
Báo cáo đó khẳng định rằng chính Puymanel và Le Brun đã cùng nhau xây thành Sàigòn (Gia Định). Để cho tài liệu có một giá trị tuyệt đối, Faure không ngần ngại phong cho C.L.J. de Guignes lên làm Lãnh Sự (thật sự anh ta chỉ là một viên chức của tòa Lãnh Sự), chức vụ nầy được Taboulet chép lại trong sách của ông ta [Xem Faure. Les Français en Cochinchine, sđd, trang 214 và Taboulet. La geste française en Indochine, sđd, tập I, trang 242] :
« Tất nhiên ông Lãnh Sự của chúng ta ở Quảng Đông (anh ta chỉ là một viên chức/agent) biết hết những điều xảy ra ở Nam Hà (những tin tức mà anh ta biết đều do tin đồn và do Olivier de Puymanel cùng Théodore Le Brun kể lại) đã cung cấp những tin tức (indication/chỉ dẫn) chính xác trong một bức thư gởi cho Bộ Ngoại Giao của chúng ta (29/12/1791)
… Các ông Olivier và Le Brun, sĩ quan Pháp (họ chỉ là tình nguyện viên binh nhì, binh nhất) cho ông ta (Nguyễn Ánh) một họa đồ của một thành trì… ».
Thành Sàigòn đã được xây lại trong khoảng 10 ngày và hoàn tất vào ngày Kỷ Hợi 19 tháng 03 năm Canh-Tuất (02/05/1790) [Xem Trịnh Hoài Đức. Gia Định Thành Thông Chí, tập 6, trang 1], trong khi Le Brun đến Nam Hà khoảng đầu tháng 6 năm 1790 là sớm lắm (« Văn Bằng » của Le Brun đề ngày 27/06/1790). Vậy Puymanel và Le Brun không thể gặp nhau trước khi thành Sàigòn đã được xây cất lại để cho « Olivier và Le Brun cho ông ta (Nguyễn Ánh) một họa đồ của một thành trì » được. Trên bản đồ thành Sàigòn (xem mục (10) ở phần 1), ta thấy :
« Do đại tá Olivier củng cố vào năm 1790. Thâu nhỏ lại từ một họa đồ vẽ bởi ông Le Brun, kỷ sư, năm 1795, theo lệnh vua ».
Théodore Le Brun đã rời Nam Hà năm 1791, như ta thấy ở trên, thì làm sao anh ta vẽ được bản đồ thành Sàigòn vào năm 1795, nghĩa là 4 năm sau ?
Thành Sàigòn được xây theo hình Bát Quái Hoa Sen. Xây bằng đất trộn với rơm cùng với đá ong Biên Hòa, rất kiên cố. Hãy đọc Thực Lục, tập 1, trang 230 :
« Ngày Kỷ sửu (mùng 9 tháng 3 Canh Tuất/ 22/04/1790), đắp thành đất Gia Định. Vua thấy thành cũ ở thôn Tân Khai chật hẹp, bàn mở rộng thêm. Dụ rằng : “Vương công giữ nước, tất phải đặt nơi hiểm yếu trước. Nay đất Gia Định mới thu phục, cần sửa thành trì cho bền vững để chỗ ở được vững mạnh”. Bấy giờ mới huy động quân dân để khởi đắp, hẹn trong mười ngày đắp xong. Thành đắp theo kiểu bát quái, mở tám cửa, ở giữa là cung điện, bên tả dựng nhà Thái miếu, phía sau miếu là kho tàng, bên hữu đặt cục Chế tạo, chung quanh là nhà tranh cho quân túc vệ ở. Giữa sân dựng kỳ đài ba tầng, trên làm tòa vọng đẩu (1. Vọng đẩu: Đài có lan can hình như cái đấu để trông xa. Có nóc là vọng lâu.1) bát giác, ban ngày kéo cờ, ban đêm thì kéo đèn làm hiệu lệnh cho các quân. Thành xong, gọi tên là kinh thành Gia Định. Thưởng cho quân dân hơn 7.000 quan tiền (Tám cửa thành đều xây bằng đá ong, phía nam là cửa Càn Nguyên và cửa Ly Minh, phía bắc là cửa Khôn Hậu và cửa Khảm Hiểm, phía đông là cửa Chấn Hanh và cửa Cấn Chỉ, phía tây là cửa Tôn Thuận và cửa Đoài Duyệt. Ngang dọc có tám đường, đông sang tây dài 131 trượng 2 thước, nam sang bắc cũng thế, cao 13 thước, chân dầy 7 trượng 5 thước. Phía ngoài thành là hào, hào rộng 10 trượng 5 thước, sâu 14 thước, có cầu treo bắc ngang. Chu vi ngoài thành là 794 trượng, ở ngoài là đường phố chợ búa, dọc ngang la liệt đều có thứ tự. Hai bên đường quan đều trồng cây thích nghi, gọi là đường thiên lý). ».
hay xem Trịnh Hoài Đức. Gia Định Thành Thông Chí, sđd, tập 6, Thành Trì Chí, trang 1.
Theo bà Thụy Khuê, (Khảo Sát Công Trạng…sđd, Chương 13) :
« Thành đất thì người Tây phương không biết đắp; lại càng không phải là sản phẩm của một anh lính binh nhì Puymanel vừa đến nước Việt, hay đồ thị của một binh nhất Le Brun, lúc đó còn ở Macao hay đã đến Nam Hà ? Hệ thống thành đất, Trần Quang Diệu đã đắp rất nhanh khi đánh các trận Diên Khánh và Quy Nhơn. Và Nguyễn Tri Phương với các đại đồn Liên Trì và Kỳ Hoà đã làm cho quân Pháp khốn đốn. ».
Thành trì Sàigòn là tác phẩm của những kỹ sư và kiến trúc sư người Việt, như các ông Tôn Thất Hội, Trần Văn Học, Võ Viết Bảo, Nguyễn Cửu Đàm…, cùng thầy thợ người Việt… [Xem Trịnh Hoài Đức. Gia Định Thành Thông Chí, sđd, tập 6]. Họ là tiền nhân của chúng ta !
Một lần nữa, độc giả có thể suy diễn những lời kể sai lạc, rồi tô màu phóng đại việc làm và chức vụ của mình tại Nam Hà, từ những người Pháp bất tài phải xin rút lui hay chạy trốn để cứu vớt lấy danh dự hay để tự đề cao họ.
Người ta còn khẳng định là thành Huế được xây cất bởi người Pháp :
« Thành phố chính, hoàng thành, chỉ là một thành trì được xây vào cuối thế kỷ trước (à la fin du siècle dernier) bởi những kỹ sư Pháp, dưới sự hướng dẫn/quyền (direction) của đại tá Olivier ». [Xem Marcel Monnier. Le tour d’Asie, Cochinchine, Annam, Tonkin (Chuyến đi một vòng tại Á Châu, Nam Hà, Trung Hà và Bắc Hà). NXB Librairie Plon. 1899, Paris, trang 148].
Trong khi Henri Cosserat lại nói ngược lại trong BAVH, Kinh thành Huế (citadelle/thành trì). Những đồ bản (cartographie), tập I, 1933, trang 3 :
… « Hai đoạn trích mà tôi vừa dẫn ra cho chúng ta thấy hết sức chính xác, và không cho phép bằng mọi cách, để nghĩ rằng người Âu đã nhúng tay vào sự xây cất Kinh thành (Citadelle) Huế ».
Nên nhớ là kinh thành Huế được xây vào năm 1804 và Olivier de puymanel đã chết vào năm 1799 tại Malacca.
Tất cả những sự sai lạc nầy, một phần lớn, đều do những thư từ quá chủ quan của những thừa sai tả những tình hình chính trị và quân sự của thời đó. Khốn nạn thay, những sự sai lạc đó lại được khai thác, thổi phồng, luận giải bởi những tác giả, sử gia thực dân để biến thành « Sự Thật Lịch Sử » một cách hiển nhiên.
Hãy đọc ông Pierre Paul Rheinart, người Xử lý thường vự đầu tiên, sau được bổ làm Tổng Trú Sứ (Résident Général) tại Huế, năm 1875 :
« …những tin tức do các thừa sai cho, không bao giờ chính xác cả, và thường đều là sai lạc. » [Chú thích của ông Rheinart, ngày 05/05/1874, BAVH, tập I, 1943, trang 33].
Những người Pháp được phái đi trong những chiến dịch quân sự, nhưng họ không trực tiếp dự vào các trận chiến, trừ ông Manuel/Emmanuel/Mạn Hòe [Xem Cadière. La bataille de Thị Nại 1801 (Trân chiến Thị Nại 1801). Documents relatifs à l’époque de Gia Long, sđd, trang 45, 46, đã nói ở phần 1].
III - Những đức tính và khả năng của Nguyễn Ánh.
Ngày xưa, người Việt đã biết xây thành trì, đóng chiến thuyền, làm súng ống, đúc đại bác (súng thần công)… vào thời nhà Trần và Hồ Quý Lý và có lẽ còn xa hơn nữa. Còn những tài liệu cho những chi tiết về các thành trì, chiến thuyền******, súng ống, đại bác theo kiểu Tây Phương, viết bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Y Pha Nho, tiếng Bồ Đào Nha… vào thời Nguyễn Ánh được bán đầy dẫy ở Pondichéry, Malacca, Tân Gia Ba, Macao, Hồng Kông, Lữ Tống…và Nguyễn Ánh đâu gặp khó khăn gì để có những tài liệu đó.
******Đỗ Thanh Nhơn đã đóng chiến thuyền Trường Đà 長柁 (bánh lái dài), đặc biệt chỉ có Việt Nam làm. Thuyền nầy có 2 bánh lái : tròn để đi trên sông, dài để đi biển, rất lợi hại cho thủy chiến [Xem Thực Lục, tập 1, trang 185].
1) John Barrow.
John Barrow là một nhà thám hiểm và ngoại giao Anh, đã đến ở Việt Nam trong vài tháng vào năm 1793. Ông ta còn để lại một tác phẩm, gồm 2 tâp, có tên là A Voyage to Cochinchina in the Years 1792 and 1793 dịch từ tiếng Anh sang tiếng Pháp bởi Malte-Brun (Voyage à la Cochinchine, par les îles de Madère, de Ténériffe et du Cap Vert, Le Brésil et l’Ile de Java), NXB Arthus-Bertrand. 1807, Paris. Barrow lấy một phần lớn tài liệu về Nam Hà từ thủ bản (bản thảo) của Laurent Barizy, một người Pháp rất hiếm trong những người Pháp liêm sỉ, trung thành với Nguyễn Ánh, phần còn lại do người thư ký của chính phủ Trung Hoa đang ở Đànẵng, những thừa sai và 2 người Anh cư trú tại Sàigòn vào những năm 1799 và 1800 [Xem tập 2, trang 221].
Hãy đọc Barrow trong tập 2, từ trang 224 đến trang 231 :
… « Từ năm 1790, Caung-Shung (đây là Nguyễn Ánh, vì Nguyễn Ánh lúc nhỏ còn có tên Nguyễn-Phước Chủng 阮福種, vậy Caung-Shung là gì, tôi không rõ, có lẽ là Cậu Chủng chăng ?) trở lại Nam Hà, cho đến năm 1800. Ông ta chỉ có 2 năm thanh bình, là năm 1797 và 1798, hai năm nầy có lẽ là hai năm quan trọng nhất trong giai đoạn trị vì đất nước đầy sóng gió của ông ta.
… Trong thời gian 2 năm đó, ông ta đã đóng 300 pháo thuyền, một chiến hạm theo kiểu Âu Châu. Ông đã đưa chiến thuật hải chiến mới vào hải quân và dạy cho sĩ quan hải quân những kiến thức và viêc sử dụng những tín hiệu hàng hải. Một người Anh, mà tôi đã nói là ở Sàigòn năm 1800, đã thấy một hạm đội, gồm 1 200 thuyền buồm dưới sự điều khiển của chính ông hoàng nầy, dỡ neo và xuôi theo dòng sông trong trật tự một cách hoàn hảo, đẹp mắt. Hạm dội chia làm 3 đơn vị, lập thành chiến tuyến, khi dàn ra, khi khép lại theo đúng mệnh lệnh từ các tín hiệu hàng hải.
… Để có một ý niệm về hành động và thiên tài của ông ta, thì phải nhìn lại hoàn cảnh mà ông ta có trước đó. Từ sở hữu chỉ 1 chiến thuyền và sau chưa đến 10 năm ông ta đã có 1 200 thuyền buồm, trong đó có 3 chiến thuyền theo kiểu Âu Châu, 20 ghe lớn theo kiểu Trung Hoa, nhưng được trang bị đầy đủ dụng cụ khí giới, phần còn lại là những thuyền vận tải trang bị đại bác.
… Nửa trưa hay một giờ, ông ăn trưa tại xưởng đóng tàu. Bữa cơm trưa gồm một ít cơm và cá khô. Hai giờ, ông vào phòng riêng và ngủ cho đến năm giờ ; sau đó ông tiếp những sĩ quan hải quân và bộ binh, những chánh án, những thượng quan các bộ. Tại đây ông phê chuẩn hay sửa lại những kế hoạch mà họ trình lên. Thường thường, những công vụ quốc gia giữ ông đến nửa đêm. Sau đó ông vào văn phòng đễ ghi lại những điều cần ghi trong ngày, rồi ông ăn sơ qua buổi cơm tối, ở với gia đình khoảng 1 giờ ; và là đã đến khoảng hai hay ba giờ sáng, ông mới đi ngủ. Như thế, ông hoàng nầy, trong 24 tiếng chỉ được nhiều nhất là 6 tiếng để nghỉ ngơi.
Ông không khi nào uống rượu Trung Hoa, rượu mạnh (rượu đế), ông ăn rất ít thịt, chỉ một chút cá, cơm, rau, trái cây, vài cái bánh ngọt và trà, đó là gần như sự ăn uống của ông. »…
2) Nam tước Jean-Baptiste de Montyon.
Hãy đọc Nam tước de Montyon, một nhà bác ái (philanthrope) và một kinh tế gia (1733-1820) trong Exposé statistique du Tunkin, de la Cochinchine, du Camboge, du Tsiampa, du Laos et du Lac-Tho (Tường trình thống kê về Bắc Hà, Nam Hà, Cao Miên, Xiêm, Lào và Lạc Thổ (?) – NXB Imprimerie de Vogel et Schulze, London, 1811. Tập II, trang 31 :
… « Nước Pháp đang ở trong tình trạng khó khăn (critique/nguy kịch) có thể sợ làm mất lòng nước Anh, nếu dự vào một cách công khai những chuyện ở Nam Hà ; và tức khắc sau đó là cuộc cách mạng kinh khủng xảy ra ở Pháp, làm Pháp không để ý đến Ấn Độ. Tuy nhiên, hoặc do sự thúc đẩy về chính trị, hoặc do lợi ích riêng, vài sĩ quan Pháp theo phục vụ Nguy-en-Chung (sic) [Nguyễn-Phước Chủng] tập cho quân sĩ có kỷ cương và vài nhà buôn Pháp bán thuyền cho ông ta.
Dân chúng quá mỏi mệt vì chiến tranh cùng kiệt sức, hai bên đều ngưng chiến (inaction/ngưng hoạt động) trong một thời gian. Nhưng Nguyễn Chủng lợi dụng thời gian đó để xây đồn lũy theo kiểu Âu Châu và đóng chiến thuyền theo kiểu Pháp mà ông ta đã mua được. »…
Và ở trang 52 :
… « khi nhìn chung cuộc sống của ông hoàng nầy và kết quả trị vì của ông, thì ông ta phải được đưa lên hàng những người phi thường (sublime/tuyệt vời) đã làm lừng danh nhân loại, họ được các quốc gia khâm phục và được tổ quốc họ tri ân. Vừa hơn hẳn thần dân của ông về tài trí cũng như về chức vị, ông đã làm trọn nghĩa vụ căn bản của một đấng quân vương, ông là một người chăn dắt (guide) và người gương mẫu cho thần dân của ông ; ông đã nâng cao nghị lực và mở rộng tầm mắt của thần dân ; ông rất táo bạo trong những dự án (conception/quan niệm ; thiết kế), ông trù tính rất có hệ thống ; ông biết tất cả mọi sự thiết yếu (art) mà triều đình phải thi hành. Ông là một chiến lược gia giỏi nhất, một kỷ sư giỏi nhất, một người đóng tàu giỏi nhất trong quốc vương của ông*. Cuộc đời sóng gió mà ông đã luôn luôn sống đã thắt chặt lãnh vực sự hiểu biết về khoa học của ông, ông biết khoa học rất cần thiết, ngay cho trong việc điều hành đất nước bởi sự phán đoán liêm sỉ, trung trực. Vì không đọc được sách Trung Hoa [Nguyễn Ánh đọc được chữ Hán], ông nhờ người đọc giúp ; ông kêu gọi thần dân học hỏi thêm những điều mà họ chưa biết, ông lập trường công và buộc cha mẹ phải đưa con đến trường từ 4 tuổi trở lên.
*Để có được kiến thức về việc đóng tàu, ông không như xa-hoàng [hoàng đế nước Nga] Pierre đệ nhất cầm búa và cũng không làm thợ mộc, mà ông mua một chiến thuyền kiểu Âu Châu, rồi tháo ra, lắp lại để biết rõ sự vững chắc, năng lực và sự kết nối tất cả những bộ phận của con tàu. »…
3) Pierre-Marie Le Labousse.
Hãy đọc linh mục Le Labousse, một người rất gần gũi với giám mục Bá Đa Lộc, và ông biết khá nhiều về Nguyễn Ánh :
« … ông ta là một người có trí tuệ sáng suốt và lòng từ tâm. Linh hoạt, sắc sảo, ngay thẳng, ông chỉ nhìn qua là hiểu ngay các điều phức tạp nhất. Ông có một trí nhớ phi thường và hầu như ông có một cái khiếu tự nhiên có thể làm lại những điều ông đã thấy. Những xưởng và cảng cho chiến thuyền phải làm người ngoại quốc khâm phục và nếu người Âu Châu chứng kiến được thì họ buộc phải thán phục. Một bên, ta thấy những súng ống, đại bác đủ loại,…, giá súng, đạn đại bác vân vân… mà phần lớn đẹp như nguyên mẫu. Bên kia là vô số thuyền chiến (galères), chiến hạm (vaisseaux) lớn nhỏ đủ mọi hình thái mà sự kiên cố làm cho người ta phải kính nể. Tất cả là sảng phẩm của ông hoàng nầy, vừa siêng năng vừa khéo léo, được các sĩ quan Pháp giúp, bởi vì kỷ thuật và tay nghề ở xứ nầy còn kém xa sự tinh xảo ở Âu Châu…
… Ông biết tất cả và có khiếu làm được tất cả… Ông rất siêng năng. Đêm ông ngủ rất ít và đọc rất nhiều sách. Ông rất hiếu kỳ và rất muốn học hỏi. Trong cung ông, có rất nhiều sách về kiến trúc, thành trì. Ông thường dỡ ra để xem những họa đồ, cố gắng bắt chước. Mỗi ngày ông mỗi tiến bộ. Ông là một ông vua vĩ đại mà Nam Hà chưa từng có từ trước cho đến nay... » [Xem (Văn Khố Hội Truyền Giáo. Tập 745, trang 869. Bộ sưu tập của tòa Giám Mục Sàigòn, từ trang 131 đến 135. Bài mới lạ, chưa xuất bản). Đăng lại bởi Georges Taboulet trong La Geste Française…, sđd, trang 286].
4) Thực Lục.
Thực Lục cũng viết gần như các tác giả ngoại quốc, nhưng chỉ thâu gọn trong 2 hàng [Thục Lục, tập 1, trang 231] :
« Vua chăm làm mọi việc, suốt ngày không lúc nào rỗi. Sai Thị thư viện sung chức Khởi cư chú, phàm vua làm công việc gì đều chép hết ».
5) Sử Ký Đại Nam Việt.
Đây là một cuốn sử nhỏ, không biết ai là tác giả (hay nhiều tác giả). Văn phong và cấu trúc văn phạm rất mộc mạc, rất cá tính của người miền Nam. Cuốn nầy nói về Nguyễn Ánh dài dòng hơn Thực Lục nhiều và cũng cho những khả năng, những đức tính của Nguyễn Ánh khá giống như các tác giả ngoại quốc đã cho. Ngoài ra cuốn nầy còn kể đến sự dũng cảm phi thường của Nguyễn Ánh trong những lúc xông trận. Tôi đưa ra đây một ví dụ, trong trân Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, vào tháng 01/1778. Đây là trận chiến, mà lần đầu tiên Nguyễn Ánh đã thắng, lúc chỉ vỏn vẹn gần được 16 tuổi. Một tháng sau (tháng 02/1778 - tháng Giêng năm Mậu-Tuất, 16 tuổi), được các tướng tôn làm Đại Nguyên Soái Nhiếp Chánh Quốc và đến ngày 28/02/1780 - ngày Quý-Mão 24 tháng Giêng năm Canh-Tý, Nguyễn Ánh mới xưng Vương :
«… Vậy ông Nguyễn Ánh làm tướng cai quân, và ban đêm, thình lình, thì xông vào đánh quân Tây Sơn…Trong trận nầy, ông Nguyễn Ánh đã làm tướng rất khôn ngoan và gan (sic) đảm lắm, vì cũng đánh như lính; dầu xung quanh người chết gần hết, song ông ấy chẳng phải nao. Khi đã tàn trận, mà thấy ông ấy những máu dầm dề cả mình, mà chẳng bị vết tích gì, thì ai ai đều kể là phép lạ. Những tàu quân Tây Sơn ở trong Long Hồ thì ông Nguyễn Ánh lấy được hết ». [Sử Ký Đại Nam Việt. Tái bản lần thứ 4. Imprimerie de la Mission. Tân Định, Sàigòn, 1903, trang 19].
6) Thơ cám ơn của Nguyễn Ánh cho vua Louis thứ XVI.
Được tin vua Louis thứ XVI lệnh cho thống đốc ở Pondichéry không được thi hành Hiệp Ước Versailles, năm 1787, ký kết giữa bá tước de Montmorin và giám mục Bá Đa Lộc (theo ý riêng của giám mục) [Xem Mémoire en faveur d’un établissement en Cochinchine. Taboulet, La Geste Française…, sđd, tập I, trang 181] nhân danh vua Nam Hà, Nguyễn Ánh nhẹ cả mình, nếu không muốn nói là tràn ngập hạnh phúc, vì cái hiệp ước đó rất quá bất lợi cho Nam Hà. Nguyễn Ánh liền viết một bức thư để cám ơn vua Pháp (d) :
« Quả nhân là Nguyễn Ánh, quốc vương nước Nam Hà, kính tin cho đại danh, đại cường, quốc vương nước Pháp…
… Còn về chuyện quả nhân nhờ Quốc Vương giúp, dầu rằng quả nhân không nhận được, nhưng quả nhân không lấy làm phiền, vì quả nhân biết không phải là ý của Quốc Vương, mà do lỗi của viên thống đốc của Quốc Vương ở Ấn Độ. Quả nhân xin gởi đến Quốc Vương những tâm tình mãnh liệt biết ơn của quả nhân đối với lòng nhân từ của Quốc Vương đã trao lại thế tử, con của quả nhân, sự đoàn tụ cha con, như người ta nói, là thả lại cá xuống nước, khi cá bị mắc cạn trên bờ. Xa cách nhau, dù cho có bao la đi nữa, cũng không làm quả nhân quên đại ân ấy.
Còn về lực lượng quân sự của quả nhân hiện nay, quả nhân có một quân lực đáng kể, bộ binh cũng như hải quân, và quả nhân có đủ quân nhu đạn dược cùng luơng thực cần thiết cho chiến dịch mà quả nhân đang dự kiến. Quả nhân không dám lộ liễu xin Quốc Vương giúp quân…
Năm Cảnh Hưng thứ 50, ngày 17, tuần trăng thứ 12 ». [Xem Taboulet, La Geste Française…, sđd, tập I, trang 215].
(d) : Tôi không có bản chữ Hán hay chữ Nôm. Bản dịch nầy tôi dịch thoáng từ bản dịch sang tiếng Pháp trong sách của Taboulet.
Bức thư nầy cho ta thấy sự vui mừng (vì hiệp ước Versailles mất hết hiệu lực) cùng khả năng quân sự và sức mạnh chiến lược của Nguyễn Ánh vào giai đoạn lịch sử đó.
Sử gia Maybon, giáo sư tiếng Trung (Hoa) và là sáng lập viên trường Pháp tại Thượng Hải vào năm 1911 và linh mục Léopold Cadière, một nhà uyên bác, đồng sáng lập viên kiêm chủ bút các tập san của hội Đô Thành Hiếu Cổ Xã và là hội viên của Viện Viễn Đông Bác Cổ, năm 1918, cùng với nhiều tác giả khác, như Alexis Faure, André Salles, Henri Cosserat…, đã gài bẫy cho độc giả về những chuyện ở Nam Hà. Họ theo ngạn ngữ tôn giáo : « Phải tin, trước khi tìm hiểu » (Il faut croire avant de comprendre). Họ tìm đủ mọi cách để chứng minh rằng sự thống nhất đất nước của Nguyễn Ánh là do kỳ công của những « người Pháp phục vụ Gia Long », và quyết chí theo đường hướng đó thôi, chứ không chịu ra khỏi con đường nầy. Nhưng đó là về tôn giáo, còn đây là Lịch Sử, mà Lịch Sử là một Khoa Học, tuy là khoa học nhân văn, nhưng cũng là khoa học, mà Khoa Học đòi hỏi mình « Phải hiểu trước khi tin » (Comprendre avant de croire).
Những bịp bợm đó, được lập đi lập lại, triển khai giải thích, phóng đại tô màu, thêm sau bớt trước, bởi những sử gia, tác giả thực dân, phần nhiều là lấy tài liệu từ sử gia Charles Maybon và linh mục Léopold Cadière ; cả hai đều là những nhà khảo cứu chuyên nghiệp nổi tiếng về lịch sử, và như thế cả hai đều được độc giả kính nể và nghe theo.
Lúc trước, tôi có niềm tin, hầu như triệt để, đối với linh mục Léopold Cadière. Nhưng sau khi đọc những cái bẫy trong tác phẩm của ông Nguyễn Quốc Trị và tự mình kiểm chứng lại, tôi, rất tiếc, đã có cái nhìn khác về linh mục Cadière.
Thật là « Phật nhà không thiêng », phần đông các sử gia Việt, lấy tài liệu từ các sử gia và tác giả thực dân Pháp, nên đều cho việc xây cất thành trì, chiến thuyền, đúc đại bác… ở Nam Hà là do người Pháp làm cho. Nhưng sử sách đã rõ ràng : đó là công trình của những kỷ sư, kiến trúc sư, của những thầy thợ người Việt xưa. Phủ nhận chuyện nầy là phạm đến tài năng, công lao của tiền nhân, của tổ tiên của chúng ta !
Có khoảng 15 « người Pháp phục vụ Gia Long ». Ông Henri Cosserat tìm ra được 18 người [Xem Cosserat. Notes biographiques sur les Français au service de Gia-Long. BAVH, tâp III, 1917, từ trang 165 đến trang 206], linh mục Léopold Cadière tìm được 16 người [Xem Cadière. Leurs Noms, Titres et Appellation annamites. BAVH, tập I, 1920, từ trang 137 đến trang 176]. Nhưng trong 2 danh sách đó có những người không có « văn bằng » (sắc bổ nhiệm, trong đó có cho chức vụ và phẩm tước), như Michel-Đức Chaigneau, con của Jean-Baptiste Chaigneau, sinh năm 1801 tại Huế, 2 linh mục người Y Pha Nho, 1 thương nhân và Jean-Marie Despiau, một bác sĩ phẫu thuật, hành nghề trong dân chúng, chứ không phải là ngự y hay quân y. Phần đông những người đó không ở Nam Hà lâu (đến vài tháng rồi bỏ đi liền hoặc ở lại khoảng từ 2 đến 3 năm là cùng). Theo tôi, nếu có một phụ nữ hay một trẻ em đã « phục vụ Gia Long », thì người đó không thoát khỏi sự tìm tòi rất có hệ thống của 2 ông Cosserat và Cadière.
Vào khoảng năm 1802, chỉ còn 6 người, kể cả Olivier de Puymanel, chết vào tháng 03/1799 tại Malacca, trong một chuyến công tác, sai đi mua vũ khí ở Tân Gia Ba, và giám mục Bá Đa Lộc, mất ở Bình Định vào tháng 10/1799. Bốn người còn lại là Laurent Barisy/Barizi (Barisy được phong đến chức Cai Cơ, Chánh Tam Phẩm, tương đương với cấp Trung/Đại Tá ngày nay, vào tháng 03/1800, ông ta được ban cho một con tàu nhỏ 3 cột buồm (lougre) « Le Pélican », khi ông xin rút lui vào năm 1801) và Jean-Baptiste Chaigneau, Godefroy de Forçanz/Forçant cùng Philippe Vannier (e). Ba người nầy được phong đến chức Chưởng Cơ, Tòng Nhị Phẩm, tương đương với cấp Đại Tá/Chuẩn Tướng ngày nay, vào năm 1802, nhân dịp Nguyễn Ánh vinh danh và khao thưởng quân đội, sau khi lấy lại và bình đình kinh đô Phú Xuân.
Ngoài giám mục Bá Đa Lộc và có thể ông Laurent Barisy (đệ nhị sĩ quan trên môt thương thuyền cận duyên), còn những người khác đều là những thủy thủ tình nguyện viên binh ba, binh nhì, binh nhất đào ngũ hay bị đuổi khỏi Hải Quân Pháp. [Lúc trước trong quân đội Pháp có binh ba (soldat de 3e Classe). Xem Faure, sđd, trang 247].
(e) : Laurent Barisy/Barizi là đệ nhị sĩ quan trên một chiếc thương thuyền cận duyên (caboteur). Philippe Vannier tự xưng là nhân viên của Hải Quân Pháp (employé de la Marine Militaire). Jean-Baptiste Chaigneau là tình nguyện viên binh nhì (01/07/1787), binh nhất (01/12/1787) trên chiếc La Subtile và chiếc La Flavie [Xem Faure, Les Français en Cochinchine, sđd và Cosserat, BAVH, tập III, 1917]. Godefroy de Forçanz/Forçant, không rõ chức vụ trong Hải Quân Pháp.
Tôi luôn luôn kính trọng các quân nhân, ngay cho họ là những binh nhì, binh nhất. Sự can đảm của họ không thua kém gì sự can đảm của các sĩ quan. Họ là những chiến sĩ ở đầu chiến tuyến để bảo vệ Đất Nước, nhưng tôi phải nói đến cấp bậc của họ vì lịch sử đòi hỏi.
Cũng nên nhớ là tất cả những người Pháp đó đều được bổ vào những phận sự thừa hành. Họ chỉ được điều khiển khoảng 1 hay 2 đội (độ 100 lính) là nhiều nhất, hay thủy thủ đoàn của con tàu dưới quyền chỉ huy của họ, ngay cho khi họ đã được thăng đến các cấp bậc khá cao như Chưởng Cơ, Tòng Nhị Phẩm, tương đương với cấp Đại Tá/Chuẩn Tướng ngày nay.
Hãy đọc linh mục Léopold Cadière trong BAVH, tập I, 1920, trang 149 :
« Chaigneau, trước năm 1802 là Cai-Cơ 該奇, « Commandant de régiment » (f). Năm 1802, được Gia-Long thăng lên cấp Chưởng-Cơ 掌奇, « Général de régiment ». Quân đội An Nam được chia thành « compagnie » 隊 (Đội), chỉ huy bởi một Đội-Trưởng 隊長, « Premier de la compagnie » và bởi một Cai-Đội 該隊, « Commandant de compagnie », cấp nầy lớn hơn cấp trước. Chúng ta sẽ thấy ở dưới có cả Phó-Cai-Đội 副該隊, « Commandant de compagnie en second ». Nhiều compagnie lập thành một régiment Cơ 奇. Một régiment được chỉ huy bởi một Cai-Cơ 該奇, « Commandant de régiment » và bởi một Chưởng-Cơ 掌奇 mà tôi dịch là « Général de régiment » cấp nầy cao hơn cấp ở trên (Cai-Cơ). Tôi không biết là một « Général de régiment » chỉ huy chỉ một régiment hay nhiều régiment (g). Nhưng có lẽ giả thuyết thứ nhất là đúng, vì chúng ta thấy trong văn bằng của Chaigneau, sau khi được lên cấp « Général de régiment » chỉ chỉ huy có 2 compagnie (Đội), compagnie (đội) thứ nhất và compagnie (đội) thứ hai Kiên-Thủy 堅水 ».
Ở trang 149, nói về Philippe Vannier, Chưởng Cơ, chỉ huy chiếc Phượng Phi :
« Chỉ một compagnie (đội) Tiệp-Thủy 捷水 dành cho chiếc Phượng Phi… ».
(f) : Xem phần 1 của bài viết. Đội là Section gồm khoảng 60 người, còn compagnie gồm khoảng 240 người. [Xem Grades et Unités de l’Armée Française en 1914, trên Internet].
(g) : Xem phần 1 của bài viết. Một Đội Trưởng chỉ huy môt Thập 什 gồm10 người, một Cai Đội chỉ huy 5 Thập, gồm khoảng 50 người (compagnie theo Cadière). Một Cai Cơ chỉ huy một Cơ奇hay Hiệu 校 gồm khoảng 250 người (régiment theo Cadière), và một Chưởng Cơ chỉ huy một Vệ 衛, gồm 5 Hiệu, khoảng 1 250 người [đây cũng chỉ là trung bình, lấy từ nhiều tài liệu như Thực Lục, tập 1, trang 233 ; Quân Đội nhà Nguyễn Wikipédia ; Montyon, Barizy (xem Barrow, sđd)].
Ở Phần1, ta đã thấy năm Đinh-Tỵ (1797), tướng Nguyễn Văn Trương, cũng chức Chưởng Cơ mà quản thủy binh 5 dinh (trên 1 000 thuyền chiến). Đây, Jean-Baptiste Chaigneau cũng Chưởng Cơ mà chỉ quản 1 chiến thuyền cùng 2 đội (khoảng 100 người), và Philippe Vannier cũng Chưởng Cơ, quản 1 chiến thuyền và 1 đội (khoảng 50 người). Nguyễn Ánh không muốn giao nhiều quân cho người ngoại quốc.
Những sự bóp méo lịch sử cũng như những bịp bợm của những tác giả, sử gia thực dân đều dành, không ít thì nhiều, cho tất cả các « người Pháp phục vụ Gia Long », nhất là cho giám mục Bá Đa Lộc [như, theo ông Nguyễn Quốc Trị và có tài liệu chứng minh, giam mục Bá không viện trợ tài chánh cho Nguyễn Ánh (15 000 bảng/livre (h) mà giám mục nhận được của gia đình là để lo cho các chủng viện, như vậy cũng vẫn chưa đủ) ; tất cả chi phí về di chuyển, ăn uống trên các con tàu cũng như trên đất Pháp của phái đoàn hoàng tử Cảnh-giám mục Bá Đa Lộc trong 6 năm, đều do Nguyễn Ánh đài thọ hết ; không viện trợ quân sự cho Nguyễn Ánh ; ăn lương rất lớn của triều đình với chức (không có trong Điển Lễ) « Đạt Mệnh Điều Chế Chiến Tào Thủy Bộ Viện Binh Giám Mục Bá Đa Lộc Thượng Sư » (i) cùng nhà ở, lính canh ; không phải là Richelieu của Nguyễn Ánh…]. Tôi không muốn nói ra đây từng người một, vì như thế, bài viết sẽ quá dài, và cũng không phải là đề tài của những trang giấy nầy. Tôi hy vọng một ngày gần đây, và nếu có dịp, tôi sẽ sẳn sàng trở lại nói về từng người trong danh sách đã trình trên.
(h) : Theo như trên, và nếu « đồng » là piastre espagnole, « bảng » là livre tournois, thì Le Brun nợ Nicolas Lolier 45 đồng (piastre), tương đương với 243 bảng Pháp/livre tournois française. Nguyễn Ánh cho phép mua một chiến hạm lớn, còn tốt và đầy đủ dụng cụ với 40 000 đồng (piastre) (xem Phần 1), vậy tương đương với 216 000 bảng/livre. Thế mà một số « sử gia » cho rằng với số tiền 15 000 bảng/livre của giám mục, được dùng để mua các (nhiều) chiến thuyền và súng ống giúp Nguyễn Ánh ! [Xem tổn phí đóng chiến thuyền/frégate, thế kỷ thứ 18 tại Pháp : Theo Marc Mailli, trên Internet, phí tổn đóng một chiến thuyền 74 khẩu đại bác là 1 500 000 bảng Pháp ; Mailli lấy tài liệu ở Tome 1 du Vaisseau de 74 canons de Jean Boudriot, éditions Ancre. Chapitre : le travail des ingénieurs. Một bảng Pháp (livre tournois) có khoảng 4,5g bạc vào năm 1790, xem Gilbert Imbert, Petite Histoire de la Monnaie du XVIe au XVIIe siècle, trên Internet. 216 000 bảng tournois tương đương với khoảng 25 714 lượng bạc. 1 lượng có khoảng 37,8g].
(i) : Chức của giám mục Bá Đa Lộc, không thấy ghi trong Thực Lục hay trong Liệt Truyện, mà chỉ thấy trên điếu văn của Nguyễn Ánh, trong đám tang của giám mục. Tài liệu nầy tôi lấy ở cái hình chụp tờ điếu văn bằng chữ Hán trên Wikipedia tiếng Anh nói về giam mục Bá Đa Lộc : 達命調制戰艚水步援兵鑒牧伯多祿上師 (Đạt Mệnh Điều Chế Chiến Tào Thủy Bộ Viện Binh Giám Mục Bá Đa Lộc Thượng Sư). Ông Nguyễn Quốc Trị cũng cho chức vụ nầy, mà không cho xuất xứ (nguồn), ngoài ra ông cho Đạt Mệnh Điều Chế Tần Thủy Bộ Viện Binh (chữ Tần chứ không phải chữ Tào và thiếu chữ Chiến ở trước chữ Tần, ông không cho chữ Hán). Tôi thì đọc chữ Tào 艚 (hay Tàu theo chữ Nôm). Phải nói cho đúng là hình chụp hơi mờ và chữ « Tào » ở trên điếu văn bị xếp lại một tí, nên rất khó đọc.
Với chỉ một nhóm nhỏ dân phiêu lưu buông tuồng hỗ độn [incontinence et désordre, danh từ của ông Le Labousse, xem Launay, sđd, tập III, chú thích 1, trang 209], họ có thể thống nhất đất nước thay cho Nguyễn Ánh, như các sử gia, tác giả thực dân khẳng định không ?
Trong cuốn « Le Nouveau Petit Larousse 1968 », trang 1369, ta thấy :
« Gia-Long, sanh ở Huế (1762-1820), hoàng đế An Nam (1802-1820), tên là Nguyễn Ánh. Ông thống nhất đất nước (conquête de son Etat) nhờ sự giúp đỡ của nước Pháp (la France) (???) và lập ra triều Nguyễn ».
(Gia-Long, né à Huê (1762-1820), empereur d’Annam (1802-1820), de son premier nom Nguyên Anh. Il fit la conquête de son Etat avec l’aide de la France et fonda la dynastie des Nguyên.).
Bây giờ, nếu ta cũng dùng những ngôn từ của các vị thực dân, để tuyên bố rằng : « Nhờ sự thông minh tuyệt bực, và tài năng hiếm có của Nguyễn Ánh, Ông ta đã rèn luyện những thủy thủ binh nhì, binh nhất đào ngũ hay bị Hải Quân Pháp sa thải, để họ trở thành Đại Đô Đốc, Đại Kỷ Sư, Đại Kiến Trúc Sư » ?
Ta không thể bóp méo Lịch Sử với hai chữ L, S viết lớn (viết hoa), vì Lịch Sử rất khách quan, không thiên vị, không phản bội ai cả !
Tôi là dân Pháp, rất thương kính nước Pháp. Một nước có một nền văn hóa rất cao, có những người con nổi danh và được kính nể trên toàn thế giới. Nước Pháp không cần những loại sử bịp bợm như trên để được nổi tiếng.
Nguyễn Vĩnh-Tráng
Tiết Hạ Chí năm con Gà.
125 062 017 nvt*ttl*
Chân dung Nguyễn Ánh, theo một họa sĩ vô danh (jpeg)
[Nguồn : Chân dung lấy từ Nguyễn Ánh Phiêu Lưu Ký]
Tài liệu tham khảo :
- Barrot Odilon. Recueil général des lois, décrets, ordonnances, etc: depuis le mois de Juin 1789 jusqu’au mois d’Août 1830. Tome sixième. Editeur : A l’Administration du Journal des Notaires et des Avocats. Rue Condé N° 10 – 1839 – Paris.
- Barrow John. Voyage à la Cochinchine, par les îles de Madère, de Ténériffe et du Cap Vert, Le Brésil et l’Ile de Java. (Traduit de l’Anglais, avec des notes et additions par Malte-Brun). 2e Tome. Editeur Arthus-Bertrand. Paris, 1807.
- Cadière Léopold. Documents Relatifs à l’époque de Gia-Long, Bulletin de l’Ecole française d’Extrême-Orient, BEFEO. Tome 12. Paris, 1912.
- Cadière Léopold, Cosserat Henri, Salles André, Sogny Léon. Bulletin des Amis du Vieux Huê, BAVH 1914, 1917, 1920, 1926, 1934, 1939.
- Faure Alexis. Les Français en Cochinchine au XVIIIe Siècle : Mgr Pigneau de Béhaine Evêque d’Adran. Pièces Justificatives. Editeur Augustin Challamel. Paris, 1891.
- Launay Adrien, Histoire de la mission de Cochinchine. Documents historiques 1771-1823. Editeur C. Douniol et Retaux, Paris, 1925, réédité par Les Indes Savantes (Missions Etrangères de Paris). Volume 3. Paris, 2000.
- Louvet Louis-Eugène. La Cochinchine Religieuse, tome I. Editeur Ernest Leroux. Paris, 1885.
- Maybon Charles B. Histoire Moderne du Pays d’Annam (1592-1820). Librairie Plon. Paris, 1919.
- Maybon Charles B. La Relation sur le Tonkin et la Cochinchine de M. de La Bissachère, missionnaire français (1807). Librairie ancienne Honoré Champion. Paris, 1920.
- Monnier Marcel. Le tour d’Asie, Cochinchine, Annam, Tonkin. Librairie Plon. Paris, 1899.
- de Montyon Jean-Baptiste. Exposé statistique du Tunkin, de la Cochinchine, du Camboge, du Tsiampa, du Laos et du Lac-Tho. 2 volumes. Imprimerie de Vogel et Schulze, 18 Poland Street. Londres, 1811.
- Murray Dian H. Prirates Of The South China Coast 1790-1810. California, Stanford University Press, 1987 (Ngô Bắc dịch).
- Taboulet Georges. La Geste Française en Indochine. Editeur Adrien-Maisonneuve. Paris, 1955.
- Đại Nam Thực Lục Chanh Biên, 大南寔錄正編. Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, Hànội, (Tái bản lần thứ nhất năm 2001, 10 tập).
- Đại Nam Liệt Truyện, 大南列傳, 4 tập. NXB Thuận Hóa., Huế, 1993.
- Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ 欽定大南會典事例, 15 tập. NXB Thuận Hóa, Huế. 1993.
- Đào Duy Anh. Hán Việt Từ Điển, 漢越辭典. NXB Trường Thi, Saigon, tái bản lần thứ 3, 1957.
- Nguyễn Duy Chính, Việt Thanh Chiến Dịch. Vai trò của Hải Phỉ trong chiến thắng Kỷ Dậu. Trên Internet.
- Nguyễn Quốc Trị. Nguyễn Văn Tường (1824-1886) và Cuộc chiến chống Đô Hộ Pháp của nhà Nguyễn, 2 tập, phát hàng năm 2013 tại Maryland, USA.
- Phan Huy Chú. Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, 歷朝憲章類誌. Viện Sử Học Hànội dịch, 1960, tái bản lần thứ 5 năm 2005, tập 1.
- Sử Ký Đại Nam Việt. Tái bản lần thứ tư. Imprimerie de la Mission. Tân Định, Saigon, 1903.
- Thụy Khuê. Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long, phát hành vào tháng 09/2015, Paris.
- Trịnh Hoài Đức. Gia Định Thành Thông Chí, 嘉定城通志. NXB. Tổng Hợp Đồng Nai, 2010.
- Vũ Văn Kính. Đại Tự Điển Chữ Nôm, 大字典字宁喃. NXB Văn Nghệ, TPHôchiminh, 1999.