VĂN HÓA ONLINE - NHÂN VĂN - THỨ HAI 18 DEC 2017
BA LẦN ĐAU ĐẺ CỦA CHÚA
Hà Văn Thùy
Vài năm gần đây một số tờ báo uy tín hàng đầu thế giới đăng tải những khám phá khảo cổ được cho là “chấn động,” có thể “viết lại lịch sử loài người”…
Đáng chú ý hơn cả là những bài sau:
1 Sọ Lào - ví dụ sớm nhất về hóa thạch con người hiện đại ở Đông Nam Á [1]
2. Răng từ Trung Quốc cho thấy con người đầu tiên ra khỏi Châu Phi [2]
3. Răng hóa thạch 80.000 xác nhận con người tới châu Á sớm hơn 20, 000 năm. [3]
4 Những con người sơ khai này đã sống 300.000 năm trước - nhưng có khuôn mặt hiện đại. [4]
5. Hộp sọ tìm thấy ở Trung Quốc có thể viết lại lý thuyết "ngoài châu Phi" của con người ... [5]
Có thể nói gì về những khám phá “động trời” trên?
Theo chúng tôi, những bài viết đó có thể được xếp vào ba dạng vấn đề.
I. Dạng thứ nhất: Bác bỏ quan niệm cho rằng con người rời khỏi châu Phi 60.000 năm trước:
1. Sọ Lào
Năm 2009, nhóm khảo cứu của Giáo sư Laura Shackelford Đại học Illinois phát hiện tại hang Tampaling trên dải Trường Sơn Bắc Lào một hộp sọ Homo sapiens 63.000 năm tuổi. Tác giả cho rằng phát hiện này đã viết lại lịch sử cuộc di cư của con người hiện đại trong khu vực Đông Nam Á.
2. Về răng người ở Động Phúc Nham, Hồ Nam, Trung Quốc.
Tháng 10 năm 2015, Maria Martinón-Torres, Giáo sư cổ nhân học thuộc Đại học London, cùng các đồng nghiệp Trung Quốc Wu Liu và Xiu-jie Wu, phát hiện 47 răng Homo sapiens hóa thạch tại Động Phúc Nham tỉnh Hồ Nam Trung Quốc có thể có tuổi từ 80.000 đến 120.000 năm.
3. Về dấu vết của con người 80.000 năm trước ở Úc.
Ngày thứ Năm 20.7.2017 tạp chí Nature công bố bài viết của Phó Giáo sư Chris Clarkson từ Đại học Queensland cho biết, tại Madjedbebe Bắc Úc, các nhà khảo cổ phát hiện khoảng 11.000 công cụ do con người chế tác. Một số công cụ có khả năng được làm ra cách nay 80.000 năm.
Ba khám phá khảo cổ này cùng nói lên một điều: con người đã ra ngoài châu Phi trước thời điểm 60.000 năm cách nay. Trong khi đó, quan niệm hình thành trước đây cho rằng, thời điểm sớm nhất con người rời châu Phi là 60.000 năm trước. Như vậy, những phát hiện mới khiến cho lịch sử tiến hóa của con người phải viết lại.
Có thể nói rõ hơn về chuyện này như sau: Từ những năm đầu thế kỷ XXI, trong công trình The Journey of Man: A Genetic Odyssey: [6] Spencer Wells cho rằng, thời gian sớm nhất con người ra khỏi châu Phi là 60.000 năm trước. Do tác giả là người chủ trì Chương trình Bản đồ gen người của Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ (Nationnal Geographic) nên ý kiến của ông ảnh hưởng tới đa số học giả thế giới. Trong khi đó nhóm của Y.J. Chu Đại học Texas [7] tuy không cho biết người tiền sử rời châu Phi khi nào nhưng xác nhận họ tới Việt Nam 70.000 năm trước. Một tác giả khác là Stephen Oppenheimer [8] công bố, con người rời châu Phi 85.000 năm trước.
Năm 2004, khi bắt đầu công việc tìm về nguồn gốc người Việt, chúng tôi đã khảo sát cả ba tài liệu trên. Tài liệu của S.Wells khiến chúng tôi hoang mang không chỉ vì thời điểm rời châu Phi quá sớm mà còn vì tác giả cho rằng, sau khi đến bán đảo Arập, con người đã qua Trung Đông, vào Trung Á rồi từ đó sang phương Đông. Một con đường như thế khó xảy ra, bởi lẽ đang thời băng hà, con người không thể leo núi cao vực sâu băng giá, thiếu thức ăn. Hợp lý hơn là sẽ men theo bờ biển Ấn Độ tới phương Đông: bằng phẳng hơn, ấm áp hơn và dễ kiếm thức ăn hơn. Cũng lúc đó nhờ truy cập được tài liệu về di cốt người người hiện đại 68.000 năm trước ở Lưu Giang Quảng Tây và Mungo châu Úc nên chúng tôi bỏ qua tài liệu của S. Wells để theo các nghiên cứu của Y.J. Chu và S. Oppenheimer.
- Về sọ Lào 63.000 năm trước.
Năm 1958, ở Lưu Giang Quảng Tây tìm thấy bộ xương của người hiện đại 68.000 năm tuổi thuộc chủng Mongoloid. Với phát hiện này, khảo cố học trở thành người biện hộ cho di truyền học. Việc người hiện đại tới Việt Nam 70.000 năm trước được xác nhận. Người từ Việt Nam đi lên Quảng Tây 68.000 năm trước hay sang Lào 63.000 năm trước là chuyện bình thường. Chính do không tham khảo tài liệu khảo cổ học có trước, các tác giả đã hoang tưởng cho rằng sọ Lào là sớm nhất ở Đông Nam Á!
Sọ hang Tam Paling Lào
- Về răng ở động Phúc Nham.
Có thể giả định tình huống sau: Rời châu Phi 85.000 năm trước, có những nhóm nhỏ đi “tàu nhanh” tới đồng bằng Sundaland 80.000 năm trước. Tại đây, có những người rời tàu, đi lên Nam Trung Quốc. Vết tích duy nhất họ để lại là 47 chiếc răng hóa thạch. Gần 20 năm khảo sát di truyền dân cư Trung Quốc, khoa học không tìm được DNA của người Phúc Nham mà chỉ có duy nhất dòng Haplogroup O1 (Y-DNA) từ Việt Nam đi lên 40.000 năm trước.
Điều này nói rằng, ngay khi đặt chân tới đây, do khí hậu trở lạnh đột ngột, cả nhóm bị tiêu diệt, khi chưa kịp làm ra công cụ đá. Do không nắm được thông tin trên, có người còn hoang tưởng cho rằng, người Phúc Nham là di duệ của lớp di cư 135.000 năm trước sống ở Trung Á rồi từ đó sang phương Đông!
Răng ở Động Phúc Nham
- Về dấu vết con người 80.000 năm trước ở Úc.
Cùng lên “tàu nhanh,” rời châu Phi 85.000 năm trước, trong khi có những người xuống tàu ở Đông Nam Á thì những người còn lại tiếp tục đi về phương Đông và 80.000 năm trước tới Úc. Do khí hậu thuận lợi, họ sống sót và làm nên dân cư đầu tiên ở Úc mà hôm nay ta tìm thấy sản phẩm của họ.
Một rìu đá được phát hiện
Như vậy là, căn cứ vào tài liệu của S. Wells cho rằng con người rời châu Phi 60.000 năm trước, các tác giả của ba khám phá kể trên đã mắc sai lầm khi nhận định về phát hiện của mình. Bởi lẽ, trên thực tế không hề có chuyện rời châu Phi 60.000 năm trước. Nếu cẩn trọng hơn, nắm bắt chính xác thời điểm thiên di của con người để biết rằng cuộc di cư khỏi châu Phi chỉ xảy ra 85.000 năm trước thì họ sẽ tránh được sai lầm.
II. Dạng thứ hai.
Sọ Ma-rốc là một dạng khác. Các tác giả của khám phá này đáng trân trọng khi tìm ra chính xác tuổi cốt sọ. Bởi lẽ, niên đại cốt sọ là thông tin quyết định cho giá trị của khám phá khảo cổ. Tuy nhiên, có thực tế là, chỉ khảo sát hình thái của hộp sọ mà cho rằng đó là sọ Homo sapiens có lẽ hơi vội vàng. Jared Diamond nói chí lý: “Giờ không còn là lúc chơi với những mẩu xương và những hòn đá nữa. Những gì thuộc về con người mà chưa được di truyền học xác nhận thì chưa đáng tin.” Đúng là khi chưa khảo sát di truyền thì mọi nhận định về con người chưa đáng tin. Nhưng cứ cho đó là một sọ H. sapiens thật thì có thể đưa tới những kết luận như sau:
1. Đột biến sinh ra Homo sapiens có thể xuất hiện tại những thời gian và địa điểm khác nhau ở châu Phi nhưng tất cả đã tuyệt diệt. Chỉ có duy nhất tổ tiên chúng ta xuất hiện 195.000 năm trước sống sót, làm nên loài người hiện nay.
3. Từ phân tích trên đưa tới kết luận: Dù cho có những đột biến khác nhau ở châu Phi sinh ra những dạng H. sapiens khác nhau nhưng đột biến di truyền 195.000 năm trước sinh ra tổ tiên loài chúng ta là đột biến duy nhất thành công. Do vậy, dù có phát hiện những dạng H. sapiens khác nhau ở châu Phi hay nơi khác thì lịch sử của loài chúng ta chỉ có một: xuất hiện 195.000 năm trước ở Đông Phi. Do vậy, không có gì phải viết lại.
III. Dạng thứ ba
Tóm lược bài báo về sọ Đại Lý như sau: “Một hộp sọ được tìm thấy ở Trung Quốc có thể viết lại toàn bộ sự hiểu biết của chúng ta về sự tiến hóa của con người. Hầu hết các nhà nhân học tin rằng loài của chúng ta xuất hiện ở Châu Phi khoảng 200.000 năm trước - và một nhóm đã dời đi khoảng 80.000 năm cách nay, trước khi lan rộng khắp thế giới. “Nhưng thay vì con người hoàn toàn ra khỏi Châu Phi, nghiên cứu mới cho thấy những đặc điểm quan trọng của con người thực sự phát triển ở Đông Á. Trên thực tế, có thể đã có những khoảng thời gian tương tác mạnh mẽ như những người ở châu Á sớm ra khỏi châu Phi và trở lại châu Phi, không có sự kiện đơn lẻ nào khi con người hiện đại xuất hiện. Điều đó có nghĩa là con người hiện đại được tạo thành bởi DNA của tổ tiên từ cả châu Á và châu Phi.”
Hộp sọ Đại Lý, đã được tìm thấy cách đây 40 năm tại Trung Quốc, thuộc về loài Homo erectus, sống khoảng 260.000 năm trước. Điều bất ngờ là nó có sự tương đồng kỳ lạ với Homo sapiens hiện đại, có vẻ gần hơn với mẫu vật tìm thấy ở Morocco. Các nhà nghiên cứu Xinzhi Wu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và Sheela Athreya của Đại học Texas A & M nói rằng, con người có thể đã không tiến hóa ở Châu Phi và sau đó đã rời đi, như đã được đề xuất. Các nhà khoa học cho biết, những điểm tương đồng cho thấy con người hiện đại có thể đã không bị cô lập ở một nơi do đặc điểm của chúng tiến hoá, mà chia sẻ các đặc tính trên khắp thế giới. Đôi khi có thể có dòng chảy di truyền quan trọng giữa những người ở Phi Châu và những người ở những nơi khác như Trung Quốc. "Kết quả là đóng góp được thực hiện ở các năng lực khác nhau đến các vùng khác nhau ở những thời điểm khác nhau". Các nhà khoa học hy vọng sẽ làm được những cuộc so sánh chi tiết hơn về hộp sọ Dali với những chiếc tìm thấy ở Ma-rốc, để hiểu được mẫu vật được tìm thấy ở Trung Quốc tương tự như thế nào và khác với những ví dụ khác của con người thời kỳ đầu.”
Ý kiến chúng tôi:
Từ bài viết toát lên ý tưởng chính của hai tác giả Xinzhi Wu và Sheela Athreya: Nhìn bề ngoài, thấy sọ Đại Lý rất gần với người hiện đại, từ đó đưa ra giả thuyết: “Những người ở châu Á sớm ra khỏi Châu Phi rồi trở lại châu Phi,” “con người hiện đại được tạo thành bởi DNA của tổ tiên từ cả châu Á và châu Phi.”
Ở đây có những vấn đề như sau. Khảo cổ học thế kỷ XX cho thấy, người Đứng thẳng Homo erectus đã hoàn toàn biến mất khỏi lục địa châu Á từ 250.000 năm trước. Trong khi đó, người Khôn ngoan Homo sapiens chỉ có mặt ở đây cách nay 70.000 năm. Có nghĩa là trên đất châu Á có khoảng thời gian 180.000 năm vắng bóng người. Trong điều kiện như vậy thì mọi tiến hóa của người erectus ảnh hưởng gì tới loài người khác xuất hiện sau nó gần 200.000 năm?
Các tác giả cho rằng, có việc người châu Phi sang châu Á sau đó mang những tiến hóa từ châu Á trở lại châu Phi. Đó là giả thuyết chưa được chứng minh! Một ý tưởng đầy phiêu lưu khi phải trả lời hàng loạt câu hỏi: Người từ châu Á trở về châu Phi là ai và khi nào? Mang theo những đặc điểm gì? Những đặc điểm đó tác động tới dạng người Đứng thẳng nào ở châu Phi và tác động như thế nào? Người Homo sapiens Marốc 300.000 năm trước nhận được những tính trạng gì do con cháu người Đứng thẳng từ châu Á mang về? Cố nhiên không phải từ người Đại Lý vì đã chết trước đó 40.000 năm! Tóm lại, chúng ta sẽ sa vào mê hồn trận bởi những câu hỏi không bao giờ được trả lời!
Trong khi đó, khảo sát genome người hiện đại, khoa học cho thấy, trong máu người châu Âu chỉ có 1-2% gen người Đứng thẳng [8].. Sở dĩ có lượng gen ấy là do khi sống chung ở Trung Đông 34.000 năm trước, có sự giao phối giữa hai loài. Trong máu người châu Á hiện đại, lượng gen erectus có khoảng 2,8 %, do trong quá trình rời châu Phi sang châu Á, hai loài người gặp nhau tại bán đảo Arập. Tỷ lệ máu erectus trong người hiện đại quá nhỏ chứng tỏ rằng, người Neanderthal không phải là tổ tiên chúng ta!
IV Kết luận
Chúa sáng tạo con người nhưng câu hỏi nảy sinh: Con người ấy là ai? Chỉ là loài người Khôn ngoan Homo sapiens sao? Nếu vậy thì Chúa không có lòng lành! Người Đứng thẳng đươc sinh ra ngoài ý Chúa?! Nếu thực có lòng lành thì Ngài đã lấy đất sét sông Nil tạo ra con người theo mẫu hình của mình. Đó là người Đứng thẳng Homo erectus hai triệu năm trước. Con người hoàn toàn giống Chúa, với xương sống chưa thật thẳng, chân tay quềnh quàng và bộ óc khiếm khuyết! Nhưng rồi khi thiên nhiên khắc nghiệt tiêu diệt hết con cái của Chúa thì Ngài cay đắng nhận ra thất bại. Phải hàng trăm nghìn năm sau, vừa rút kinh nghiệm, vừa tự hoàn thiện bản thân để có bộ não tiến bộ hơn, Chúa sinh ra người Marốc. Nhưng rồi người Morocco bị diệt vong, Chúa nhận ra lần thứ hai thất bại. Và cũng hàng trăm nghìn năm sau vừa tự hoàn thiện bản thân vừa học khôn từ thiên nhiên nên bộ não của Ngài trở nên khá hơn. Đến một ngày đẹp trời 195.000 năm trước, tại phúc địa xứ Ethiopia, Chúa sinh hạ loài chúng ta Homo sapiens, một sản phẩm đúng theo mẫu hình của Ngài khi đó!
Như vậy là chúng ta càng phải cảm ơn Chúa vì Ngài sinh ra con người không hề dễ dàng mà phải qua ba lần đau đẻ. Mà trong thời kỳ thai nghén dài vô tận, chúa phải kỳ công học khôn từ thiên nhiên để tự hoàn chỉnh mình… từ chân tay đến đầu óc! Chúa thật lòng lành nhưng không thể nói là toàn năng!
Tới đây, một vấn đề được đặt ra: giải thích thế nào về sự giống nhau giữa sọ Đại Lý với sọ Ma rốc và sọ người hiện đại? Theo tôi, cách giải thích thỏa đáng nhất là vai trò của chọn lọc tự nhiên. Sau nhiều triệu năm chịu tác động của chọn lọc tự nhiên, khoảng 2 triệu năm trước, tại châu Phi, từ một dạng hominin nào đó đột biến thành người Đứng thẳng Homo erectus. Với tư thế đứng thẳng, con người đã tách khỏi loài vật. Do tác động đồng quy của môi trường sống mà đặc biệt là sức hút Trái đất cùng với sự xuất hiện công cụ lao động và tiếng nói, con vật dần chuyển hóa theo hướng trở thành Người: Cùng với xương sống thẳng, chân tay trở nên mềm mại và đầu ngày một tròn hơn. Như một ưu thắng của loài mới, người đứng thẳng lan ra chiếm lĩnh châu Á. Nhưng khoảng 250.000 năm trước, do môi trường sống thay đổi, những khiếm khuyết bộc lộ khiến họ phải rời bỏ châu Á, co cụm trong khảng đất hẹp ở Trung Đông và 34.000 năm trước bị tuyệt diệt.
Khoảng 300.000 năm cách nay, trên đất Marốc, không hiểu do đột biến hay do tiến hóa, một Homo ra đời (hiện tạm được cho là H. sapiens). Tuy có cái đầu tròn lý tưởng nhưng do bộ não còn khuyết tật, loài người này cũng sớm bị tuyệt diệt.
Phải tới 195.000 năm cách nay, tại Ethiopia, một mutation diễn ra và tổ tiên chúng ta xuất hiện, với cả bề ngoài cùng não và bộ gen điển hình của con người hiện đại. Do có não hoàn chỉnh hơn nên con người sống sót và chưa đầy 200.000 năm đã tràn ngập địa cầu.
Như vậy là, nếu chọn lọc tự nhiên khiến cho các dạng người trở nên gần gũi về vẻ ngoài (phenotype) thì lại khác nhau ở điều mấu chốt nhất đó là genotype: khác nhau về di truyền! Cái phẩm tính cần một sự chọn lọc kỳ công hơn. Thực tế cho thấy, loài tiền nhiệm của chúng ta, Neanderthal hay người Marốc thiếu bộ não hoàn chỉnh. Chỉ có duy nhất loài chúng ta sống sót qua các thử thách. Có nghĩa là, có nhiều mutation tạo ra con người khác nhau nhưng chỉ có mutation xảy ra tại Đông Phi 195.000 năm trước sinh ra tổ tiên loài chúng ta là ưu thế nhất! Ưu thế chính là nhờ bộ óc và bộ gene ưu việt! Cái gì làm cho bộ óc Homo sapiens hoàn thiện? Một bí ẩn của Tạo hóa! Phải chăng, quá trình tiến hóa lâu dài của phenotype cuối cùng cũng tác động cải thiện genotype và trên sự tiến bộ đó, một mutation xảy ra, làm xuất hiện loài mới Homo sapiens?
Phải chăng đó là chiến thắng sau cùng của Darwin!
Sài Gòn, cuối năm 2017
Tài liệu tham khảo:
1. Lao skull earliest example of modern human fossil in Southeast Asia http://www.sciencenewsline.com/news/2012082020040038.html
2. Teeth from China reveal early human trek out of Africa http://www.nature.com/news/teeth-from-china-reveal-early-human-trek-out-of-africa-1.18566
3. Paul Rincon. 80.000 Fossil teeth place humans in Asia '20,000 years early' http://www.bbc.com/news/science-environment-345318614.
4. Michael Greshko. These Early Humans Lived 300,000 Years Ago—But Had Modern Faces. http://news.nationalgeographic.com/2017/06/morocco-early-
human-fossils-anthropology-science/ PUBLISHED JUNE 7, 2017.
5. Skull found in China could re-write “out of Africa” theory of human… www.independent.co.uk>News>Science 19.11.2017
6. Spencer Wells. The Journey of Man: A Genetic Odyssey (https://www.amazon.com/Journey-Man-Genetic-Odyssey/.../08129714...),
7. Stephen Oppenheimer. Out of Africa peopling in the wolrd.
8. Bryan Sykes. Bảy nàng con gái của Eva. NXB Trẻ năm