VĂN HÓA ONLINE - NHÂN VĂN - THỨ SÁU 13 OCT 2017
Hà Văn Thùy: Việt Nam có bao nhiêu dân tộc?
08 Tháng Mười 20177:25 CH(Xem: 48)
VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN VĂN HÓA - THỨ HAI 09 OCT 2017
VIỆT NAM CÓ BAO NHIÊU DÂN TỘC?
Hà Văn Thùy
Đến nay, trong quan niệm truyền thống cũng như văn bản pháp lý nói rằng: “Nước Việt Nam có 54 dân tộc anh em, Việt Nam là quốc gia đa dân tộc.” Niềm tin như vậy trở nên quen thuộc, thành lẽ đương nhiên. Đã tới lúc đặt lại câu hỏi: quan niệm như vậy có chính xác?
Để trả lời câu hỏi này, trước hết cần làm rõ định nghĩa: dân tộc là gì?
Từ điển Nguyễn Quốc Hùng chép: Dân tộc là “Giòng giống của người trong nước — Ngày nay có nghĩa là người trong nước.” Từ điển Từ và ngữ Hán Việt của Nguyễn Lân ghi: “Dân tộc là: cộng đồng người ổn định hình thành trong qúa trình lịch sử, cùng chung một tiếng nói, một lãnh thổ, cùng liên quan với nhau về sinh hoạt, về kinh tế và cùng có những điểm giống nhau về tâm lý.” Từ điển tiếng Vệt: “Gọi chung một cộng đồng người có chung một ngôn ngữ, lãnh thổ.”
Định nghĩa như vậy mang tính xã hội học thông dụng mà chưa đủ sự chính xác khoa học. Khoa nhân học chia loài người thành ba cấp độ: loài (species), chủng tộc (race) và sắc tộc (ethnicity). Cho đến nay, toàn nhân loại thuộc duy nhất loài Người Khôn ngoan (Homo sapiens). Người Khôn ngoan theo đặc điểm di truyền được chia thành các chủng: châu Âu (Europian), Mông Cổ phương Bắc (North Mongoloid), Mông Cổ phương Nam (South Mongoloid), Úc (Austronesian)…
Khám phá của công nghệ di truyền thế kỷ XXI cho thấy, người Việt Nam có quá trình hình thành như sau: khoảng 70.000 năm trước, hai đại chủng (big races) người Australoid và Mongoloid từ châu Phi di cư tới Việt Nam. Hai dòng người hòa huyết sinh ra bốn chủng (races) người cổ là Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritoid. Trong đó người Indonesian là chủng đa số, giữ vai trò lãnh đạo về xã hội và ngôn ngữ. Sau này được gọi là người Lạc Việt. Trong quá trình chung sống, hai chủng da đen Vedoid và Negritoid giảm số lượng và gần như biến mất khỏi lãnh thổ. 40.000 năm trước, hai dòng người Việt Indonesian và Melanesian đi lên khai phá Hoa lục. 7000 năm trước, người Lạc Việt tại đồng bằng miền Trung Hoàng Hà gặp gỡ, hòa huyết với chủng người Mongoloid phương Bắc (North Mongoloid) sống du mục ở bờ Bắc, sinh ra chủng người Mongoloid phương Nam, là chủng người Việt mới, làm nên dân cư văn hóa trồng kê Ngưỡng Thiều và đồng bằng Trong Nguồn (Trung Nguyên ngày nay). Sau cuộc xâm lăng của người du mục Mông Cổ do Hiên Viên dẫn đầu năm 2698 TCN chiếm một phần đồng bằng miền Trung Hoàng Hà, lập nhà nước Hoàng Đế, người Việt Ngưỡng Thiều di cư dần về Việt Nam và Đông Nam Á. Người di cư mang nguồn gen Mongoloid về chuyển hóa dân cư Việt Nam và Đông Nam Á từ loại hình Australoid sang chủng Mongoloid phương Nam. Khoa nhân học xác nhận, về mặt di truyền, từ 2.000 năm TCN, trên đất Việt Nam, những cộng đồng người Mường, Tày, Nùng, Dao, Mông… (thuộc chủng tộc Indonesian) chuyển hóa thành chủng Mongoloid phương Nam điển hình. Trong khi đó các cộng đồng Khmer, Chăm, Êđê, Bana, Giarai, Stiêng… (thuộc chủng Melanesian) thành loại hình Indonesian hiện đại của chủng Mongoloid phương Nam.(1) Như vậy, từ sau 2000 năm TCN, toàn bộ người Việt Nam cùng một chủng tộc, mang mã di truyền Mông Cổ phương Nam (South Mongoloid).
Trong tiếng Anh, nation có nghĩa là dân tộc, đồng thời cũng là quốc gia. Với ý nghĩa này thì Việt Nam là quốc gia với một chủng tộc duy nhất: Việt Nam là nhà nước của dân tộc Việt.
Dựa chủ yếu vào tập quán sinh hoạt và một phần vào ngôn ngữ, nhân học cũng phân biệt các sắc tộc trong một chủng người. Ngôn ngữ gốc của mọi sắc dân sinh ra trên đất Việt là tiếng Việt cổ, trong đó tiếng Lạc Việt là chủ đạo. Sự khác biệt tiếng nói giữa các cộng đồng người Việt là do những biến đổi diễn ra sau này. Người Kinh, người Mường, người Tày, người Thái, người Chăm, Khmer, Eđê, Giarai… là những sắc tộc (ethnicities) trong cộng đồng dân tộc Việt. Ngay cả người Hoa cũng là một sắc tộc trong chủng tộc Việt, không chỉ về di truyền học mà phần lớn họ là người Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Thượng Hải, Hải Nam… mà tổ tiên là người Lạc Việt.
Sở dĩ có quan niệm “54 dân tộc” là do ảnh hưởng của dân cư học Trung Quốc. Sau năm 1949, người Trung Quốc nói: “Trung Quốc có 56 dân tộc anh em.” Do vậy, ta cũng học theo để ghi vào hiến pháp: “Việt Nam có 54 dân tộc anh em.” Nhưng sau này, thấy sai, người Trung Quốc đã sửa: “Trung Quốc có năm dân tộc: Hán, Hồi, Mông, Mãn, Tạng”
Xác định thành phần dân cư là tiêu chí quan trọng hàng đầu để viết lịch sử quốc gia. Từ trước tới nay, do chưa có công nghệ phù hợp để xác định nguồn gốc các nhóm dân cư nên chúng ta lầm lẫn cho rằng, mỗi nhóm dân cư trên đất nước ta là một dân tộc khác nhau. Điều này đưa tới sai lầm nghiêm trọng là cho rằng, chỉ người Kinh mới là người Việt, còn các sắc dân khác là ngoại tộc. Thậm chí trước đây còn bị gọi là “man”, “mọi.” Từ khám phá của khoa học hiện đại đã tới lúc chúng ta sửa lại quan niệm sai lầm cũ để ghi nhận sự thực: Tất cả mọi người dân bản địa trên đất nước ta đều là người Việt. Việt Nam là quốc gia của dân tộc Việt.
Lịch sử là hoạt động xã hội của một cộng đồng người trong quá khứ. Do vậy, muốn viết lịch sử một cộng đồng, điều tiên quyết phải xác định cộng đồng ấy là ai, từ đâu ra, trải qua quá trình hoạt động thế nào để có diện mạo như ngày hôm nay. Do vậy, Sử học phụ thuộc chặt chẽ vào kết quả của Nhân học. Cho tới cuối thế kỷ trước, nhân học người Việt Nam do các học giả Pháp xác định. Nhưng do hạn chế của tri thức thời đó (chưa có công nghệ gen để tìm ra nguồn gộc loài người cũng như các chủng tộc) nên xác định sai nguồn gốc cũng như phân loại người Việt. Điều này dẫn tới hệ quả là học giả Pháp của Viện Viễn Đông Bác cổ cũng như học giả Việt Nam thế kỷ trước quan niệm không đúng về nguồn gốc cũng như quá trình hình thành người Việt Nam. Do vậy đã viết hoàn toàn sai về lịch sử người Việt. Vào thập kỷ 1980, trong công trình Nhân chủng học Đông Nam Á, vượt qua học giả Pháp, Giáo sư Nguyễn Đình Khoa phân định chính xác dân cư Việt Nam: “Trong thời đồ đá, trên đất Việt Nam có mặt hai đại chủng người Australoid và Mongoloid. Họ hòa huyết với nhau và con cháu họ hòa huyết tiếp, sinh ra bốn chủng người Việt cổ là Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negriotid, cùng thuộc loại hình Australoid. Trong đó người Indonesian chiếm đa số, giữ vai trò lãnh đạo về xã hội và ngôn ngữ. Nhưng sang thời kim khí, người Mongoloid phương Nam xuất hiện, trở nên chủ thể dân cư. Người Austraoid biến mất dần trên đất nước này, không hiểu do di cư hay đồng hóa” (Nguyễn Đình Khoa, 1983, Tr. 126). Bằng phương pháp khảo sát hình thái sọ người (đo sọ), đạt được kết quả như vậy phải nói là tuyệt vời. Tuy nhiên, do hạn chế của tri thức thời đó, khoa học chưa biết nguồn gốc loài người nên không thể giải thích được những sự kiện: hai đại chủng Australoid và Mongoloid từ đâu ra? Người Mongoloid phương Nam từ đầu tới? Họ thay thế người bản địa bằng phương cách thực dân diệt chủng hay chuyển hóa di truyền? Chính vì vậy, khám phá rất quan trọng của Giáo sư Nguyễn Đình Khoa cho tới cuối thế kỷ XX không thể vận dụng vào nghiên cứu lịch sử người Việt. Chỉ sang thế kỷ XXI, khi nhiều nghiên cứu di truyền học về con người Việt Nam và châu Á được công bố, mới có cơ sở giải thích được khám phá của Nguyễn Đình Khoa và vận dụng để nghiên cứu nguồn gốc người Việt.
Do hiểu không đúng về người Việt nên những cuốn sử Việt Nam được viết trong thế kỷ XX phản ánh hoàn toàn sai lịch sử của người Việt. Tiếc rằng, những tác giả của cuốn Lịch sử Việt Nam của Viện Sử học chủ yếu sử dụng tri thức nhân học của thế kỷ trước nên không thể viết chính xác lịch sử dân tộc Việt Nam. Không chỉ vậy, theo công bố mới nhất của Giáo sư Phan Huy Lê, người tổng chủ biên cuốn Quốc sử 30 tập của Hội Nghiên cứu lịch sử trong buổi họp báo ngày 22 tháng Hai năm 2017, thì tri thức của những học giả này cũng chỉ là những gì quá đát của thế kỷ trước, như chúng tôi đã trình bày trong hai bài Trao đổi với Giáo sư Phan Huy Lê về Sử Việt.(2)
Do nhận thức rất hạn chế thậm chí sai lầm nghiêm trọng về thời tiền sử nên cuốn sách 15 tập của Viện sử học phản ánh rất sai lạc lịch sử dân tộc. Từ phát biểu của Giáo sư Phan Huy Lê, cho thấy, về cơ bản, kiến thức của những người làm cuốn Quốc sử 30 tập vẫn là những giáo điều của thế kỷ XX. Thất bại là điều chắc chắn.
Chúng tôi đề nghị: trước khi viết cuốn Quốc sử, giới Sử học hãy cùng các nhà nhân học cần làm rõ: người Việt Nam là ai và Việt Nam có đúng là quốc gia đa dân tộc? Chỉ khi xác định rõ điều này mới có thể viết chính xác lịch sử dân tộc.
Tài liệu tham khảo:
Nguyễn Đình Khoa. Nhân chủng học Đông Nam Á. DH&THCN, H. 1983
- Trao đổi với Giáo sư Phan Huy Lê về Sử Việt. https://khoahocnet.com/.../ha-van-thuy-trao-doi-tiep-voi-g-s-phan-huy-le-ve-su-viet/