Hà Văn Thùy: "Nhìn lại việc đánh giá Triệu Đà..."

28 Tháng Chín 20178:34 CH(Xem: 5774)

VĂN HÓA ONLINE - NHÂN VĂN - THỨ  SÁU  29  SEP  2017


image059

Bộ sách Lịch sử Việt Nam tái bản lần thứ nhất (tháng 8/2017) có bổ sung , sửa chữa được hai thân hữu Tâm Trí và Nhứt Kim tặng cho tủ sách báo Văn Hóa.Văn Hóa trân trọng cảm tạ.


image061image062

Sách Lịch sử Việt Nam từ trang 180-207 viết về Triệu Đà.



Hà Văn Thùy: "Nhìn lại việc đánh giá Triệu Đà..."


09 Tháng Bảy 20179:25 CH(Xem: 705)


VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN VĂN HÓA  - THỨ  HAI 10 JULY  2017


NHÌN NHẬN LẠI VIỆC ĐÁNH GIÁ TRIỆU ĐÀ  VÀ NƯỚC NAM VIỆT TRONG LỊCH SỬ


Hà Văn Thùy


image063

Đền thờ Triệu Đà và Hoàng Hậu tộc Việt


Từ thời có Sử, các nhà nước quân chủ Việt Nam đều ghi công Triệu Đà và thừa nhận Nam Việt là triều đại chính thống của Việt Nam. Dù ở cuối thế kỷ XVIII Ngô Thì Sỹ có lên tiếng bài bác, cho Triệu Đà có tội đưa nước ta vào vòng nô lệ phương Bắc thì sử nhà Nguyễn vẫn ghi nhà Triệu là tiền triều. Quan niệm này được tiếp tục trong Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim rồi Bài ca Việt Minh của Hồ Chí Minh xuất bản tại Cao Bằng năm 1942 với hai câu thơ: Triệu Đà là vị hiền quân. Quốc danh Nam Việt trị dân năm đời. Năm 1945, Chương trình Phổ thông Trung học của Chính phủ Trần Trọng Kim cũng coi nhà Triệu mở đầu cho lịch sử Việt Nam.


Tuy nhiên, từ sau năm 1960, các nhà làm sử miền Bắc có cách nhìn khác hẳn, coi Triệu Đà là giặc ngoại xâm và xóa bỏ nhà Triệu khỏi sử Việt. Người đề xuất quan điểm này là sử gia Đào Duy Anh trong cuốn Lịch sử cổ đại Việt Nam xuất bản năm 1957.


Học giả Đào Duy Anh có công lớn gầy dựng trí tuệ và lịch sử Việt Nam. Do vậy mà việc đề xuất của ông được Viện sỹ Nguyễn Khánh Toàn, Ủy viên Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội chấp nhận. Từ đó, phủ nhận Triệu Đà và nước Nam Việt trở thành quan điểm chính thống của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được phản ánh trong các bộ thông sử quốc gia, được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông và đại học.


Sách Lịch sử Việt Nam, tập 1 (1971), công trình tập thể của những nhà viết sử hàng đầu Việt Nam, được biên soạn dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam viết về Triệu Đà như sau:


“Triệu Đà biết rằng không thể thắng được Âu Lạc về quân sự nên rút về núi Vũ Ninh, xin hòa với An Dương Vương. Hắn sai con trai là Trọng Thủy sang hàng phục An Dương Vương, xưng thần mà thờ. An Dương Vương gả con gái là Mị Châu cho Trọng Thủy. Trọng Thủy ở gửi rể bên nước Âu Lạc. Đấy chính là mưu mẹo mà Triệu Đà dùng để chiếm nước Âu Lạc. Trong những năm ở gửi rể, Trọng Thủy đã dò xét tình hình Âu Lạc, học phép chế nỏ và phá nỏ của người Âu Lạc rồi trốn về nước báo cho Triệu Đà. Kết hợp lực lượng quân sự và mưu mẹo gián điệp, lần này Triệu Đà thôn tính được nước Âu Lạc. An Dương Vương thua trận, phải nhảy xuống biển tự vẫn.”


Trong lời giới thiệu cuốn Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (in năm 2000), Giáo sư  Phan Huy Lê cho rằng: “Việc Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên coi nhà Triệu là một vương triều chính thống của Việt Nam là một sai lầm nghiêm trọng.” Ông khẳng định “Nam Việt là một nước cát cứ của một tập đoàn phong kiến, không phải là nước của người Việt Nam.” “Việc Triệu Đà đặt tên nước là Nam Việt (tỏ ý muốn phục hưng nước cũ của người Việt) cũng như việc Triệu Đà tự xưng là " Man Di đại trưởng lão phu", lấy vợ Việt, theo tục Việt... chỉ là các thủ đoạn mị dân Việt. Việc Triệu Đà chống Tần chống Hán cũng chỉ nhằm thỏa mãn mộng bá vương của riêng mình... Nhưng nhiều sử gia phong kiến đã không nhận ra bộ mặt cát cứ, xâm lược của nhà Triệu và ngộ nhận coi nhà Triệu là một triều đại của Việt Nam.”


Tố Hữu làm thơ gọi họ Triệu là "giặc", phê phán Mỵ Châu làm mất nước:


Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu,


Trái tim lầm chỗ để trên đầu.


Nỏ thần vô ý trao tay giặc,


Nên nỗi cơ đồ đắm bể sâu.


60 năm sau phán quyết trên, nay ta thử xét xem vì sao học giả họ Đào lại có ý tưởng như vậy. Và quan niệm của ông có phù hợp với sự thật lịch sử?


Theo thông tin từ một giáo sư Sử học, những dòng lên án Triệu Đà đã xuất hiện từ năm 1947, trong tài liệu in ronéo của Đào Duy Anh khi ông hoạt động trong Chi hội văn nghệ Liên khu IV ở Thanh Hóa. Công bố năm 1957 chỉ là sự tiếp tục quá trình tư duy nhất quán. Dựa vào quan điểm Macxit đương thời, tác giả đưa ra những lời kết án nặng nề chưa từng có với vẻ đầy tự tin:


 “… Các sử thần nhà Lê, kế tục phương pháp và quan diểm của Lê Văn Hưu ở thời Trần (quan điểm lịch sử phản dân tộc) không thấy rằng Triệu Đà làm vua nước Nam Việt ở miền Quảng Đông, Quảng Tây, đối với nước Âu Lạc mà nghỉ xâm lược, chỉ là một tên giặc cướp nước chứ không phải là một đế vương chính thống. Mãi đến cuối đời Lê mới thấy có một nhà sử học là Ngô Thì Sĩ, tác giả sách Việt sử tiêu án, phản đối việc cho họ Triệu tiếp nối quốc thống của An Dương Vương. Có lẽ do ảnh hưởng của ý kiến ấy cho nên sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục của triều Nguyễn không chép riêng nhà Triệu làm một kỷ chính thống nữa, nhưng vẫn cứ chép cả lịch sử nhà Triệu vào phạm vi quốc sử nước ta. Các nhà sử học tư sản của ta cũng chịu ảnh hưởng của quan điểm phản dân tộc ấy, cho nên Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim cũng chép kỹ càng về lịch sử nhà Triệu, và Những trang sử vẻ vang của Nguyễn Lân thì biểu dương Lữ Gia là trung thần của nhà Triệu, là vị anh hùng dân tộc đầu tiên của chúng ta. Đối với dân tộc ta thì Triệu Đà là giặc cướp nước, mà lịch sử của nhà Triệu ở nước Nam Việt không thể nằm trong phạm vi của lịch sử Việt Nam.” [1]


Tuy nhiên, khi ghép tội Triệu Đà, ông Đào Duy Anh không đưa ra chứng lý gì mới hơn so với Ngô Thì Sỹ mà chỉ là những quy chụp: “giặc cướp nước”, “các nhà sử học tư sản” rồi “quan điểm lịch sử phản dân tộc”!


Sự thật là, dù Triệu Đà có xâm lược Âu Lạc đi nữa thì Nam Việt vẫn là nhà nước của người Âu Lạc. Bởi lẽ, dưới hai viên điển sứ thay mặt nhà vua thì người cai trị trực tiếp Âu Lạc vẫn là những lạc hầu, lạc tướng người Việt, cai trị theo luật Việt. Đó là sự thực vì khi chiếm nước ta, Mã Viện phát hiện: “luật  Giao Chỉ có 10 điều khác với luật nhà Hán.” Ta cũng thấy, đó là thời thái bình thịnh trị từng được các thư tịch Trung Hoa ca ngợi. Thực tế là, suốt trong thời gian cai trị Nam Việt, ngoài việc may mắn thắng cuộc chiến tranh của Lâm Lư hầu thì bằng mọi cách, khi cương khi nhu trong đối ngoại, Triệu Đà giữ được mối quan hệ yên bình với nhà Hán, tránh được chiến tranh, không mất một tấc đất. Cháu ông là Triệu Muội vẫn giữ vững độc lập, vẫn xưng đế, với cái ấn Văn đế hành tỷ hình vuông bằng vàng, lớn hơn ấn của mọi hoàng đế Trung Hoa. Triều đại do Triệu Đà xây dựng, sau 97 năm tồn tại, bị hủy diệt bằng cuộc xâm lăng tàn bạo của nhà Hán. Chống trả cuộc xâm lăng là toàn dân Nam Việt trong đó có nhân dân Âu Lạc mà ngọn cờ đầu là Thừa tướng Lữ Gia! Sự bi thảm của cuộc chiến ấy ngày nay ta còn thấy trong đống xương ở hang Cắc Cớ Chùa Thầy!


Một điều không thể không bàn tới là di sản do Nam Việt để lại. Ta từng biết, từ Nam Dương Tử trở xuống là đất của nhà nước Xích Quỷ-Văn Lang. Nhưng hai quốc gia này chỉ tồn tại trong truyền thuyết. Khi Nam Việt xuất hiện, mới có một thực thể nhà nước của người Việt. Nhờ sự tồn tại Nam Việt 100 năm với chính sự tốt đẹp, người dân hạnh phúc mà tinh thần quốc gia-dân tộc của người Việt được định hình. Bằng chứng là vào năm 39, khi hai Bà Trưng khởi nghĩa ở vùng Phú Thọ thì toàn bộ dân Nam Việt xưa nổi lên theo. Cho đến nay còn có hơn 200 nơi thờ Vua Bà ở Nam Trung Quốc!


Những chứng cứ trên cho thấy, Nam Việt là quốc gia độc lập của người Lạc Việt. Do vậy, theo nguyên lý duy vật lịch sử, dù Triệu Đà có là ai chăng nữa thì qua sự chuyển hóa biện chứng, ông cũng không còn là cá nhân mình mà thuộc về khối quần chúng nhân dân Nam Việt. Đấy là sự chuyển hóa tư nhiên của biện chứng lịch sử, biến một kẻ ngoại tộc mang ý đồ cát cứ thành lãnh tụ của quốc gia độc lập! Việc chỉ căn cứ vào xuất thân của Triệu Đà - như một sự nhất thành bất biến - rồi lên án nặng nề đồng thời xóa bỏ cả một thời đại trong lịch sử dân tộc, thể hiện quan điểm duy tâm chủ quan. Đó còn là sự xa rời thực tế lịch sử, không nhìn thấy lòng sùng kính của người dân Việt đối với nhà Triệu – chính là tấm gương trung thực phản ánh lịch sử. Tại sao một nhân dân đã từng đặt gọi vua là “vua quỷ”, “vua lợn” lại tôn xưng Triệu Đà như Nghiêu Thuấn? Đó còn là sự xúc phạm nhẫn tâm với hồn thiêng của hàng vạn người hy sinh để bảo vệ Nam Việt!


Sau 60 năm nhìn lại, ta thấy Lê Văn Hưu, Ngô Sỹ Liên, Trần Trọng Kim, Hồ Chí Minh, Hoàng Xuân Hãn… đã đúng. Bởi lẽ họ hiểu rằng Sử không chỉ là những dòng chữ trên sách vở mà trước hết, là hồn của dân tộc. Là những người nhân chi sơ tính bản thiện nên các vị đó thấm đượm trong lương tri hồn thiêng của dân tộc Việt.


Cho Triệu Đà là giặc cướp nước, chứng tỏ ông Đào Duy Anh kết tội Triệu Đà chỉ vì nghĩ Triệu là người Hán! Nhận định của ông Phan Huy Lê: “Việc Triệu Đà đặt tên nước là Nam Việt (tỏ ý muốn phục hưng nước cũ của người Việt) cũng như việc Triệu Đà tự xưng là "Man Di đại trưởng lão phu", lấy vợ Việt, theo tục Việt... chỉ là các thủ đoạn mị dân Việt. Việc Triệu Đà chống Tần chống Hán cũng chỉ nhằm thỏa mãn mộng bá vương của riêng mình…” hoàn toàn là suy diễn chủ quan, vô sở cứ.


Thực tế cho thấy, 60 năm qua, một quyết định sai lầm đã làm suy bại dòng họ hiển hách. Sau Triệu Vũ Đế, Triệu Văn Đế, có anh hùng Triệu Thị Trinh, Triệu Quốc Đạt rồi Triệu Quang Phục… Nhưng nay họ Triệu còn gì? Khi đề xướng Hội thảo khoa học Vai trò nhà Triệu trong lịch sử Việt Nam, chúng tôi tìm hiểu hiện tình của họ Triệu thì quả là đáng lo ngại. Không có Ban Liên lạc dòng họ Triệu trên mạng thông tin. Không doanh nhân tên tuổi. Nhân sỹ nổi bật của dòng họ chỉ là ba nhà văn, trong đó duy nhất nhà văn Triệu Xuân ở cấp quốc gia! Còn tinh thần thì sao? Một ông bạn già đồng hương của tôi rất bức xúc về việc này, nói chuyện với người con rể họ Triệu, được trả lời: “Thôi bố ơi, chuyện lâu rồi, cho qua đi!” Nghe đâu đó có người than thở: “Nếu không mang họ Triệu thì đời tôi đã khác!” Một nhà văn, sau khi đọc kế hoạch Hội thảo và tài liệu chúng tôi gửi, thì đáp lại: “Tôi hoàn toàn tán thành khảo cứu của anh. Nhưng không thể giúp gì cho kế hoạch của anh được!” Đến khi chúng tôi đề nghị: “Không cần anh đóng góp vật chất. Chỉ xin anh viết về ba đời điền chủ nhà anh trên đất Miền Tây, những tư liệu rất quý về họ Triệu ở Nam Bộ…” Anh không trả lời! Một ông bạn già của tôi, tới đền Thánh Mẫu hỏi âm sự của dòng họ. Theo đề nghị của tôi, ông hỏi về họ Triệu, thì được trả lời: “Cụ Triệu Đà người Việt đấy, không phải Hán đâu, bị oan đấy. Oan mà không gỡ được!” May sao, Đất Nước vẫn chưa hết người nhiệt tâm. Cuốn Kỷ yếu Hội thảo Nhà Triệu 450 trang đã có giấy phép, in với tiền túi của những người trực tiếp viết bài và làm sách!


Sau 60 năm nhìn lại, việc trục xuất nhà Triệu khỏi sử Việt đưa tới những hệ lụy nghiêm trọng:


1. Tước bỏ tư cách thừa kế của người Việt Nam với quá khứ đại tộc Việt. Từ những phát hiện của di truyền học đầu thế kỷ XXI cho thấy, người Việt không chỉ sinh sống lâu đời ở Nam Dương Tử mà hàng vạn năm trước là chủ nhân của toàn bộ đất Trung Hoa. Trên đất này, đại tộc Việt đã làm nên những nền văn hóa rực rỡ. Nam Việt nhà Triệu chính là cái cuống nhau nối lịch sử xa xăm của đại tộc Việt với Việt Nam hôm nay.                        


2. Tước bỏ vai trò chủ nhân của tộc Việt đối với ngôn ngữ gốc mà người Trung Hoa đang sử dụng hiện nay. Trong tám phương ngữ được xác định trên đất Trung Hoa thì tiếng Việt Quảng Đông được coi là ngôn ngữ gốc. Trong khi đó, nguồn cội của ngôn ngữ Quảng Đông chính là ngôn ngữ vùng Thanh-Nghệ-Tĩnh, trung tâm của người Việt khoảng 50.000 năm trước. 


3. Tước bỏ vai trò sáng tạo chữ Giáp cốt của người Việt. Chữ Giáp cốt được phát hiện đầu tiên vào thời nhà Ân ở Hà Nam. Nhưng khảo cổ học xác định rằng tại văn hóa Giả Hồ 9.000 năm trước đã có ký tự hình vẽ trên yếm rùa. Cuối năm 2011, tại di chỉ Cảm Tang tỉnh Quảng Tây phát hiện ký tự tượng hình khắc trên xẻng đá có tuổi 4000 tới 6000 năm. Những ký tự kiểu Giáp cốt này xuất hiện trước khi người Hoa Hạ ra đời. Do vậy nó hoàn toàn là sản phẩm sáng tạo của người Vịệt.         


4. Tước bỏ mối liên hệ huyết thống và văn hóa của người Việt Nam với những bộ tộc người Việt đang sống trên đất Trung Hoa. Những khám phá lịch sử cho thấy, trước cuộc xâm lăng của Tần Thủy Hoàng thì phần lớn đất Trung Hoa do người Việt làm chủ: Thục và Ba phía tây nam; Ngô, Sở, Việt ở trung tâm và phía đông; Văn Lang phía nam. Do cuộc xâm lăng của Tần Thủy Hoàng, phần lớn đất đai và dân cư Việt bị sáp nhập vào đế chế Tần. Trong phần đất bị chiếm, đại bộ phận người Việt bị Hán hóa. Tuy nhiên, có không ít nhóm Việt không chịu đồng hóa, đã lui sâu vào cư trú trong vùng rừng núi. Lâu dần, từ người Lạc Việt - tộc đa số trong dân cư, họ bị thiểu số hóa. Đến nay, những nhóm người như tộc Thủy, Bố Y ở Quý Châu vẫn giữ nhiều nét văn hóa Việt cổ, có thể nói đó là nền văn hóa Việt hóa thạch. Nếu nghiên cứu văn hóa của những tộc người bà con này, chắc chắn sẽ khám phá lại nhiều điều quý giá của văn hóa Việt cổ. Đặc biệt tộc Thủy với 340.000 người vẫn giữ được sách Thủy (Thủy thư - 水书)  viết bằng chữ Thủy (Thủy tự), loại chữ tượng hình gần gũi Giáp cốt văn nhưng hành văn theo cách nói xuôi của người Việt, một loại văn tự hóa thạch sống, được Trung Quốc coi là bảo vật.


5. Mất quyền thừa kế với truyền thống văn hóa Nam Việt.


Sáp nhập đất đai và dân cư Âu Lạc, Nam Việt thành quốc gia lớn trong khu vực. Trái với quan niệm phổ biến cho đến nay là Triệu Đà dùng kế sách “nội đế ngoại vương” (bên trong xưng đế nhưng đối với nhà Hán thì xưng vương), suốt đời mình, Triệu Đà xưng danh hiệu Triệu Vũ Đế và cháu ông cũng xưng đế. Bằng chứng là chiếc ấn bằng vàng, kich thước 310 x 310 mm (lớn hơn mọi con ấn của vua Hán) khắc bốn chữ Văn Đế hành tỷ (文帝行璽) tìm thấy trong lăng mộ Triệu Văn Đế. Sau khi phát hiện lăng mộ, người Trung Hoa đã lập khu trưng bày di tích này với khoảng 2.500 hiện vật đặc sắc, trong đó phần lớn thuộc văn hóa Việt. Do coi đây là của người Trung Hoa nên giới sử học Việt Nam chưa hề có nghiên cứu nào về di chỉ văn hóa quan trọng này.  


Nhưng câu chuyện chưa hết bởi lẽ Triệu Đà chưa bao giờ là người Hán! Gán cho ông thuộc tộc Hán là lầm lẫn lớn của lịch sử! Hôm nay tôi sẽ làm sáng tỏ nỗi oan 2000 năm này!


Theo truyền thuyết, thủy tổ các đời quân chủ nước Triệu là Bá Ích, từng làm quan ở nước Ngu, được phong ấp Doanh, từ đó hậu duệ Bá Ích lấy họ Doanh. Đến cuối đời Thương, hậu duệ Bá Ích là Phi Liêm cùng với con trai trưởng là Ác Lai phò tá Thương Trụ chống lại Chu Vũ vương nên đều bị giết. Con cháu Phi Liêm ly tán, phân thành hai dòng chính. Một nhánh lưu lạc đến Khuyển Khâu, đến đời Phi Tử thì được nhà Chu phong cho ấp Tần làm phụ dung, hình thành thủy tổ nước Tần. Người con thứ của Phi Liêm là Quý Thắng di chuyển đến Hoàng Hà định cư. Con Quý Thắng là Mạnh Tăng sống vào thời Chu Thành Vương. Mạnh Tăng sinh Hành Phụ, Hành Phụ sinh Tạo Phụ. Tạo Phụ do lập không ít công trạng nên được Chu Mục Vương phong làm đại phu, lấy Triệu Thành làm thực ấp, từ đó mang họ Triệu, hình thành thủy tổ nước Triệu. Hậu duệ 6 đời Tạo Phụ là Yêm Phụ có danh hiệu là Công Trọng sống vào thời Chu Tuyên Vương, Yêm Phụ sinh Thúc Đới.


Thời kỳ Tấn Văn hầu, Thúc Đới di cư tới nước Tấn. Cháu 5 đời của Thúc Đới là Triệu Túc lập công lớn được Tấn Hiến Công thưởng cho đất Cảnh, Triệu Túc sinh Cộng Mạnh, Cộng Mạnh sinh Triệu Thôi. Năm 656 TCN, Triệu Thôi từng theo công tử Trùng Nhĩ lưu vong ra khỏi Tấn. Sau này Trùng Nhĩ trở thành Tấn Văn công của Tấn thì Triệu Thôi trở thành trọng thần. Con cháu Triệu Thuẫn các đời đều nắm trọng quyền, dần phát triển thế lực của gia tộc họ Triệu thành một trong Lục khanh.


Tới thời Tấn Xuất công thì quyền lực thực tế nằm trong tay các trọng thần như Trí Bá, Triệu Tương tử, Hàn Khang tử và Ngụy Hoàn tử. Sử gọi là Tứ khanh. Năm 456 TCN, Tứ khanh đuổi Tấn Xuất công đi để lập Cơ Kiêu, tức Tấn Ai công. Năm 454 TCN, Trí Bá hợp cùng hai nhà Hàn, Ngụy tấn công Tấn Dương (nay ở phía nam quận Tấn Nguyên, Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây). Triệu Tương tử giữ vững thành trì. Sau đó liên hợp với chính hai nhà Hàn, Ngụy diệt Trí Bá. Năm 453 TCN, ba nhà Hàn, Triệu, Ngụy chia nhau vùng đất của họ Trí.


Năm 437 TCN, Tấn Ai công chết. Con là Cơ Liễu (Tấn U công) kế nghiệp. Nước Tấn khi đó thực chất đã bị phân chia giữa 3 thế gia là Hàn, Triệu và Ngụy. U công không có quyền lực gì đối với 3 nhà này.


Năm 403 TCN, vua Chu Uy Liệt vương phải chính thức công nhận sự tồn tại của nước Triệu cùng với Hàn, Ngụy bên cạnh nước Tấn như là các nước chư hầu của nhà Chu, đánh dấu sự khởi đầu của thời kỳ Chiến Quốc.[2]


Bản tộc phả trên cho thấy họ Triệu là một dòng của bộ tộc Tần. Vậy người Tần là ai?


Rất mừng là sang kỷ nguyên mới, nhờ di truyền học đọc được cuốn thiên thư ADN ghi trong máu huyết dân cư Việt Nam cũng như Trung Quốc, vấn đề được sáng tỏ:


- Khoảng 40.000 năm trước, người Lạc Việt chủng Indonesian [mã di truyền M122 thuộc Haplogroup O1 (Y-DNA)] [3,4,5] từ vùng núi Bắc Bộ đi lên khai phá Hoa lục theo con đường Ba Thục, tới tận Nam Hoàng Hà, trở thành chủ nhân đồng bằng Trong Nguồn (nay là Trung Nguyên). Cộng đồng Lạc Việt này về sau được gọi là Tày-Thái. Cùng thời gian Kinh Dương Vương lập nước Xích Quỷ thì nơi đây ra đời nước Ba Thục cổ. Người Ba Thục xây dựng nền văn minh đá mới rực rỡ: 25.000 năm trước có mặt ở Động Người Tiên (Giang Tây). 20.000 năm trước, làm ra đồ gốm đầu tiên của nhân loại. Và 12.400 năm trước thuần hóa thành công lúa nước. 6.000 năm trước sáng tạo chữ tượng hình Cảm Tang khắc trên xương, trên đá…


Năm 2.698 TCN người Mông Cổ vượt Hoàng Hà đánh vào Trác Lộc, chiếm một phần đồng bằng Trong Nguồn. Một bộ phận người Việt phải sống trong vương quốc Hoàng Đế. Có người con gái Thái làm nguyên phi của Đế Khốc, sinh ra tổ nhà Thương và nhà Chu. Ở vùng đất còn lại, người Việt kiên cường kháng chiến. Trong đó có dân Ba Thục mà sử sách Trung Hoa gọi là Tây nhung. Khoảng 1.600 năm TCN, nước Ba Thục của Tàm Tùng xuất hiện, với nền văn minh rực rỡ là tòa thành vững chãi, bức tượng đồng lớn nhất thế giới cùng những đồ thờ đồng thau tinh xảo. Nay là di chỉ văn hóa Gò Ba Sao nổi tiếng. Tại đây cũng phát hiện hàng chục xác voi châu Á, được đưa từ Việt Nam tới.


Tổ tiên Thục Phán là người Lạc Việt từ Việt Nam đi lên đất Ba Thục. Dòng Thái của Thục Phán cư trú trên đất Tần trở thành người Tần. Vậy, cũng như Thục Phán, Tần Thủy Hoàng là người Việt. Nửa thế kỷ trước, trong cuốn Việt lý tố nguyên, Giáo sư Lương Kim Định viết rằng “bộ lạc Tần vốn là dân nông nghiệp Việt tộc nhưng khi di lên cao nguyên phía Tây, do thổ nhưỡng và khí hậu nên chuyển sang du mục, trở thành bộ lạc dũng mãnh.” Do ông không dẫn nguồn để tra cứu nên tôi không dám tin. Nay thì tìm ra sự thật. Một nhánh của họ Doanh đi lên Nam Hoàng Hà, vào nước Tấn, được phong Triệu thành, cải sang họ Triệu rồi dựng nên nước Triệu. Cố nhiên, Triệu cũng là một tiểu quốc của người Việt. Do vậy, Triệu Đà là người Việt.


Cũng như Thục Phán người Lạc Việt do hoạn nạn chạy về Văn Lang, trở thành lãnh tụ nước Nam Cương chống lại nhà Tần rồi sáp nhập với Văn Lang lập nhà nước Âu Lạc; Triệu Đà người Việt, năm 20 tuổi, nước Triệu bị Tần chiếm, ông  xung lính nhà Tần xuống đánh Lĩnh Nam. Khi nhà Tần suy bại, ông lập nước Nam Việt rồi sáp nhập Âu Lạc thành quốc gia lớn mạnh, tồn tại gần trăm năm. Như vậy, Triệu Đà không hề là giặc xâm lược mà có công lớn lập nên nhà nước Nam Việt của người Lạc Việt ở phía Nam Dương Tử.


Đáng tiếc là do ngộ nhận, người ta đã kết tội oan Triệu Đà rồi xóa bỏ Nam Việt khỏi sử Việt. Để mất những mối liên hệ với Nam Việt không chỉ là nỗi đau của người Việt Nam, nước cuối cùng của Bách Việt còn độc lập và giữ được cương thổ. Nguy hại hơn, nó cắt đứt mối liên hệ với quá khứ, khiến cội nguồn, lịch sử và văn hóa Việt Nam trở nên chông chênh trên không chằng, dưới không rễ! Tuy là chuyện của quá khứ nhưng lịch sự luôn gắn bó mật thiết với cuộc sống hiện tại. Những quyết định không thỏa đáng về lịch sử đưa tới những di họa khó lường. Việc nhận định sai về cội nguồn tổ tiên dẫn chúng ta lâm vào tấn kịch bi hài của kẻ bỏ mồ cha khóc đống mối. Một dân tộc còn ngộ nhận về gốc gác chưa thể là dân tộc trưởng thành!


Đã tới lúc khôi phục vị trí nhà Triệu cùng nước Nam Việt trong lịch sử dân tộc! Giải oan cho dòng họ Triệu không chỉ ở dương thế mà cả trong cõi tâm linh!


Sài Gòn, tháng Sáu, 2017


Tài liệu tham khảo:


1. Đào Duy Anh. Lịch sử cổ đại Việt Nam. NXB Văn hóa thông tin. H, 2005, tr. 93-94)


2.  趙國 http://zh.wikipedia.org/zh/%E8%B5%B5%E5%9B%BD


3. Hà Văn Thùy. Góp phần nhận thức lại lịch sử văn hóa Việt. NXB Hội     Nhà văn. H, 2016.


4.The free encyclopedia - Liangzhu culture: “Một phân tích năm 2007 của DNA phục hồi từ người vẫn còn ở địa điểm khảo cổ của người tiền sử trên sông Dương Tử cho thấy tần số cao của Haplogroup O1 (Y-DNA) trong văn hóa Lương Chử, liên kết chúng với dân cư văn hóa Austronesian và Tai-Kadai.” Dân cư Việt cổ thuộc Haplogroup O1 (Y-DNA). Người Tày-Thái thuộc tộc Lạc Việt (chủng Indonesian), mang mã di truyền M122.


5. Hao Sun et al. Autosomal STRs Provide Genetic Evidence for the Hypothesis That Tai People Originate from Southern China.


In the southern origin hypothesis, many Chinese ethnologists [5], [6], [13] believe that today’s Tai people migrated from southern China and that they share a recent common ancestor, which named “Yue” people, with other Tai-Kadai speakers who lived in southern China, such as the Zhuang and the Mulao.


(Trong giả thuyết “nguồn gốc miền Nam”, nhiều nhà nghiên cứu dân tộc học Trung Quốc [5], [6], [13] tin rằng người Thái hiện nay di cư từ miền nam Trung Quốc và họ chia sẻ một tổ tiên gần đây, có tên "Yue" (Việt), cùng với những người nói tiếng Tày-Thái sống ở miền nam Trung Quốc, chẳng hạn như Zhuang và Mulao.)


http://journals.plos.org/plosone/article?id=10.1371/journal.pone.0060822
13 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 552)