Trần Anh Tuấn: Hồi ký Một Người Mất Ngày Tháng của nhà văn Nhã Ca

26 Tháng Bảy 201712:05 SA(Xem: 8105)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN VĂN HÓA - THỨ  TƯ 26 JULY  2017


Đọc Hồi ký Một Người Mất Ngày Tháng của nhà văn Nhã Ca


image023


TRẦN ANH TUẤN


Nhã Ca là một nhà thơ, nhà văn, và nhà báo. Bà xuất bản Hồi Ký Một Người Mất Ngày Tháng năm 1990 (California, Tủ sách Thương Yêu xb, 590 tr.).


Đây là một hồi ức sống động qua sự mẫn cảm của một tâm hồn Huế và ngòi bút của một nhà văn chuyên nghiệp. Chuyện kể được ghi lại từ đêm 3 tháng Tư năm 1976 đến ngày 10 tháng Chín năm 1988 là quãng thời gian mà tác giả và gia đình sống dưới chế độ Cộng Sản tại Thành Phố đã đổi tên.


Chuyện rất dài, tới 590 trang, là một phẩm văn chương đặc biệt. Câu thường rất ngắn, một, hai, ba chữ. Ngôi thứ cũng chuyển đổi rất nhanh, đang từ ngôi thứ nhất chuyển sang ngôi thứ hai, thứ ba, rồi đối thoại xen vào. Không có dấu ngắt câu, không có ngoặc đơn ngoặc kép.


Vì thế, có độc giả thích thú theo dõi nhưng cũng có thể có người bị... nhức đầu. Riêng tôi, đây là một kỹ thuật diễn tả độc đáo, trong sáng, và thông minh của ngòi bút Nhã Ca Trần Thị Thu Vân.


Kỹ thuật đó đã chuyển thẳng đến người đọc tất cả những gì mà khối óc tinh quái, bén nhậy, và cang cường ghi nhận về thế giới văn nghệ sĩ tại Sài Gòn sau khi Cộng Sản chiếm được miền Nam. Thế giới tù tội. Thế giới đối phó. Thế giới sinh hoạt. Thế giới vượt biên vượt biển.


image025

Hình bìa Hồi Ký Một Người Mất Ngày Tháng. (Tủ sách TAT)


Nhân vật nổi tiếng của xã hội miền Nam trước khi sụp đổ hiện ra với vài nét chấm phá tuyệt diệu.


Như linh mục Trần Hữu Thanh, chủ tịch Ủy Ban Bài Trừ Tham Những từng tố cáo đích danh tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Đây là chân dung linh mục Thanh nơi trang 33: "... Anh Thanh là một ông già nhỏ thó, chân bị tê liệt... Dưới ngọn đèn mờ trên xe, khuôn mặt ông ngước lên, nhợt nhạt, râu tóc lởm chởm, nhưng giọng nói ấm áp. Cám ơn chị. Chị Nhã Ca. Tôi là Linh Mục Thanh."


Chữ "ấm áp" thật đắc địa! Con người Cha Thanh với tinh thần công ích và khả năng hùng biện được gói lại trong hai chữ "ấm áp."


Những nhân vật cốt cán của chế độ mới cũng không thoát khỏi ngòi bút của Nhã Ca.


Đây là một nữ cai ngục ở đề lao Gia Định: Người đàn bà bụng chửa, mắt lé... Chị ta nhìn. Tưởng cười mà không phải cười. Tại hàm răng chìa ra nhiều quá...


Đây là một mẩu đối thoại giữa thành thị và thôn quê nơi trang 35: Xin lỗi. Tôi phải làm vệ sinh. Vệ sinh gì? Báo cáo cán bộ vệ sinh là đi đái, đi ỉa. Tôi buồn ỉa. Khẩn trương lên!


Và đây là sinh hoạt chung nơi trang 38: "Quá trưa, một vệ binh áo vàng, dáng dấp hiền lành, ngượng nghịu, tới đứng trước bọn tù: Báo cáo, các anh chị không có phần cơm. Ai muốn ăn, góp tiền gửi ra mua bánh mì. Các nhóm xôn xao thu góp. Tôi lấy ra tờ 50 đồng đưa cho anh vệ binh: Anh uống cà phê, hút thuốc, rồi mua dùm chúng tôi tám ổ bánh mì thịt, lấy thêm nhiều cà chua, dưa leo. Tám bịch cà phê đá. Thêm ba bốn bao thuốc du lịch có cán. Từ nói. Hộp quẹt nữa. Bữa ăn trưa linh đình. Đám vệ binh được ăn theo, cao hứng, mở hết còng cho mọi người..." (Chú thích của TAT: 50 đồng tiền mới tương đương 25,000 đồng VNCH cũ, thuốc có cán là thuốc lá có đầu lọc, Từ tức thi sĩ Trần Dạ Từ, chồng nhà văn Nhã Ca.)


Công an Cộng Sản được giới thiệu qua ba khuôn mặt. Thứ nhất là anh Sài Gòn nơi trang 45: "Lại anh ta. Vẫn bảnh bao, tươi tỉnh. Châm thuốc, không hút, đặt xuống cái gạt tàn.... Cười tươi. Nhìn ra vẻ thiện cảm..."  Thứ hai là anh Hà Nội nơi trang 47: "Nhỏ thó. Khắc khổ. Tập hồ sơ dầy cộm trên bàn. Ông ta ngồi sẵ̉n. Chỉ tay, giọng Bắc..."  Thứ ba là anh miền Trung nơi trang 48: "To lớn. Trán dồ. Mắt sắc. Giọng miền Trung lơ lớ."


Nhã Ca kể chuyện văn nghệ sĩ Sài Gòn làm việc với đám công an Cộng Sản đầy vẻ hài hước và khinh thị, nhưng trước hết là sự cứng cỏi. Cần mở một dấu ngoặc ở đây, là không phải văn nghệ sĩ Sài Gòn nào cũng cứng cỏi hay can đảm. Hồi Ký Một Người Mất Ngày Tháng chỉ ghi nhận một số thân hữu của tác giả mà sự chủ quan và nhất là tình thân có thể làm ngòi bút không được thẳng thắn. Thực tế không ít văn nghệ sĩ Sài Gòn hèn yếu khi Cộng Sản chiếm cứ miền Nam. Như Vũ Thành An bên nhạc, Duyên Anh bên văn, Lệ Hằng, Nguyễn Thị Hoàng bên tiểu thuyết, Bạch Tuyết bên cải lương, vân vân. 


Tôi phải ghi lại nơi đây phản ứng của một nhà văn nữ miền Nam khi đối đầu với cán bộ công an Cộng Sản. Tác giả viết, nơi trang 50-51: "Chị Nhã Ca. Chị nghe kỹ đây. Thằng Mỹ thằng Thiệu đang để lại ở Sài Gòn một triệu đĩ điếm. Một chị phụ nữ làm điếm, giỏi lắm cũng chỉ ngủ được vài trăm đàn ông. Hừ. Thằng Khánh, thằng Kỳ bảo mỗi ngòi bút là một sư đoàn. Đánh đĩ ngòi bút như chị, chị ngủ với mấy sư đoàn. Hả? Mấy chục sư đoàn? Đàn bà mà viết văn là làm đĩ. Chị biết chưa?


Bình tĩnh. Tin tưởng. Tập thở cho đều... Hãy xử sự xứng đáng... Từ đã nói vậy. Phải thở. Thở đều nữa, trước khi nói. Phải nói thật thong thả, nhỏ nhẹ, lễ phép.


Thưa anh. Tôi chưa biết Bác và Đảng anh minh ra sao. Tôi cũng chưa biết chính sách Nhà Nước nhân đạo thế nào. Nhưng tôi biết rõ điều này. Anh nghe nhé. Anh là thằng mất dạy. Mất dạy. Mất dạy..."


Sự xúc phạm đã khiến người phụ nữ phải tức uất đến độ băng huyết. Nhân nói về mầu đỏ, độc giả hẳn phải thấm ý về câu cảnh cáo Nhã Ca mà thật ra là lời chế nhạo tinh quái của thi sĩ Hoàng Anh Tuấn về khẩu hiệu của Cộng Sản "sợi chỉ đỏ xuyên suốt ba cuộc cách mạng" nơi trang 147: "Cẩn thận nghe. Từ nó đi tù, tháng nào không có sợi chỉ đỏ tổ bố là nguy đấy, em ạ."


Nhưng không chỉ văn nghệ sĩ, Hồi Ký Một Người Mất Ngày Tháng còn ghi nhận nhiều giới khác.


Như Hùng Vinh Sơn, một thanh niên tử thủ nhà thờ Vinh Sơn khi công an tấn công vào nhà thờ. Và Dương Rùa Đen, người đặt chất nổ ở Hồ Con Rùa đường Duy Tân. Tác giả ở cát sô 4 thì Hùng ở cát sô 5 bên cạnh, và Dương ở cát sô 9. Ngày đêm lúc nào Nhã Ca cũng nghe Hùng huýt sáo, hát hò, đùa rỡn, và Dương chỉ là một cậu bé lúc nào cũng cười đùa. Tác giả đã chứng kiến giờ phút cuối cùng của Hùng Vinh Sơn, và ghi lại nơi trang 62: "Giữa khuya, hai chục con người trong mộ chôn sống được dựng dậy. Tiếng cười, tiếng chân, ổ khóa, chộn rộn từ hành lang. Một cánh cửa mở. Mang theo đồ cá nhân. Hùng Vinh Sơn từ biệt anh em đây. Tiếng Hùng thình lình la lớn, vang dậy cả khu biệt giam. Khẩn trương lên. Từ từ. Thằng Hùng Vinh Sơn đã tới giờ từ biệt anh em. Im. Tiếng huýt gió. Đó là điệu câu hát Rằng xưa có gã từ quan... Quen thuộc. Mạnh mẽ. Huýt gió không đủ. Phải hát nữa. Đêm đêm người mở lòng ra Ôm ta trong cõi mơ hồ Giã từ... Anh Hùng. Anh làm gì vậy. Ra ngay. Xong, anh em ơi. Vĩnh biệt. Chị Nhã. Vĩnh biệt chị. Chị nhớ em nhé. Chị Nhã... Tiếng cửa sắt nghiến lại. Khỏe vì nước, kiến thiết quốc gia... Tiếng hát Hùng xa dần, xa dần."


Rồi tác giả kết luận, nguyên văn: "Chẳng bao giờ tôi hiểu nổi tại sao các em phải cầm súng, phải đặt chất nổ, phải chết."  Chưa bao giờ tôi thấy sự diễn tả nghi vấn lại có nghĩa xác định mạnh như thế này, khiến nước mắt người đọc ph̉ải ứa ra.


Cám ơn tác giả đã ghi lại một cảnh tượng bi thương nhưng hào hùng của thanh niên Việt Nam thời chính quyền Cộng Sản.


Như Huy Cường, tài tử xi nê thấy bạn bè đi tù hết nên cũng... thèm đi tù. Bèn từ nhà Nhã Ca trên đường Tự Do nay đã thành Đồng Khởi, bước ra đường, mặt mũi ngênh ngang nhái kiểu Bắc Kỳ chửi tục: " Địt mẹ Đảng. Địt mẹ Bác. Địt mẹ thằng già. Địt mẹ chúng mày. Nhìn gì. Bắt tao đi." May mà không có công an nghe được! Bùi Giáng và Nguyễn Đức Sơn không may mắn như thế, vì chửi Đảng chửi Bác đã bị công an đánh gẫy xương sườn!


Chi tiết thăm nuôi người tù được tác giả ghi lại sống động trong 13 trang ̣(175-187) với tình cảm đùm bọc nhau giữa các thân nhân người tù, cảnh vất vả của chuyến đi thăm nuôi bằng xe rồi đi bộ xuyên rừng, sự khắt khe đến độ thiếu nhân tính của quản giáo và vệ binh... nhưng trên hết là sự mạnh mẽ và lạc quan của các bà mẹ bà vợ người tù tập trung thời Cộng Sản.


Hồi Ký Một Người Mất Ngày Tháng dành nhiều trang cho thời gian nhà văn Mai Thảo trốn trong nhà Nhã Ca.


Trong hoàn cảnh khốn khó vì phải lo sinh kế cho mẹ già và sáu con -nhỏ nhất mới 6 tháng và lớn nhất mới 15 tuổi-, phải hàng ngày đối phó với phường khóm và công an, phải lo thăm nuôi người chồng mịt mù nơi trại tù mà Nhã Ca vẫn cưu mang Mai Thảo cho đến khi nhà văn này vượt biển đến được bến bờ Tự Do trong vùng Đông Nam Á.


Tôi không biết những chi tiết sinh hoạt trong mấy tháng đó của nhà văn Mai Thảo được ghi lại trong Hồi Ký chính xác tới đâu. Nhưng sự kiện Nhã Ca cưu mang một thân hữu đang bị lùng bắt giữa sự bủa vây của cả một hệ thống công an và phường quận thì độc giả hẳn nhận ra sự gan góc và nhất là tư cách điển hình của một nhà văn miền Nam. Nói như Nguyễn Chánh Lý, cựu Tổng Giám Đốc Kỹ Thương Ngân Hàng và Mékong Ngân Hàng Sài Gòn, nơi trang 245: "Chị Nhã. Thật chị không biết trời biết trăng gì nữa. Tôi không hiểu phải kêu chị là gì. Là khủng long, là cọp, là beo, là... ẩu tả." Hay như nhận xét của thầy Tuệ Sỹ nơi trang 383:"Coi chị cỡi voi, giống bà Triệu, mà một triệu cái ẩu lận..."  


Hồi Ký ghi lại chuyện tác giả bỏ nhà ra đi, nhất định không để chính quyền Cộng Sản hốt đi vùng kinh tế mới, nhân đó ghi lại lòng tốt của một số thân hữu như vợ chồng bác sĩ Bùi Duy Tâm, bà Vũ Quốc Thông, ông Nguyễn Chánh Lý... đồng thời nhẹ nhàng ghi lại sự hèn mạt của một cặp, chồng bác sĩ vợ Tôn Nữ, xua đuổi tác giả dù thời VNCH, bà là người ơn của họ.


Tác giả cũng ghi lại hai lần chuyện bọn chính quyền phường quận phải bỏ chạy vì cái liều của bà. Lần thứ nhất, khi công an phường đội súng ống đến bức cả gia đình ra khỏi nhà, tác giả đã cùng sáu đứa con ngồi xuống sàn nhà bên can săng và diêm quẹt thách đố khiến cả bọn phải bàn tán rồi bỏ đi. Vài ngày sau, lại một toán cán bộ khác đến nhà. Tác giả sẵn tay cầm tô nước mắm pha loãng cho bữa cơm chiều, ném thẳng vào khiến cả bọn bỏ chạy, "loáng một giây, không còn thấy ai." (trang 459)


Phụ nữ Huế... dữ thiệt!


Tuy nhiên, sau đây là vài nhận xét khác về tác phẩm.


Tôi không biết tác giả có ý thanh minh cho một số nhân vật Phật giáo xuất thân từ Huế hay không, nhưng Hồi Ký có nhiều trang diễn tả phẩm hạnh tốt đẹp cuả một số nhà sư và tố cáo chuyện bức hại Phật Giáo của Cộng Sản qua cái chết bất thường của hoà thượng Thích Trí Thủ và Thích Thanh Trí.


Chuyện thanh minh cho Hoà Thượng Thích Đôn Hậu bị ép buộc theo Cộng Sản, bằng chứng là Thích Đôn Hậu "bị bỏ vào thúng gánh đi,"  và bị "ép buộc" tham gia đại hội Phật Giáo bên Mông Cổ, một quốc gia Cộng Sản là phần chủ quan của người viết.


Bỏ vào thúng gánh đi không phải là bị bắt cóc đâu, chỉ vì tuổi già sức yếu mà di chuyển vào rừng núi cùng nhóm Lê Văn Hảo, Tuần Chi, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân... từ Huế, chẳng khác gì cụ già Lâm Văn Tết được cõng và nằm võng cho du kích Việt Cộng khiêng vào mật khu cùng với nhóm Trịnh Đình Thảo, Thanh Nghị, Nguyễn Văn Kiết, Trần Triệu Luật... từ Sài Gòn.


Ngoài ra, làm đại biểu cho Phật Giáo của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà đi ngoại quốc dự hội nghị và thong thả chụp hình kỷ niệm bên nước người mà là ép buộc sao?


Tôi cũng không thể đồng ý với tác giả khi bà ca tụng nhà sư Thích Trí Quang với lời lẽ rổn rảng nguyên văn nơi trang 430: "Và nhà sư danh tiếng nhất trong mấy thế hệ các nhà sư Việt Nam, từng được xưng tụng là người xô đổ Đệ Nhất Cộng Hoà, người làm rung rinh nước Mỹ, người lập ra Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đầu tiên..."


Danh tiếng? Truyền thống người Việt chúng ta có hai loại tiếng để đời, là lưu xú và lưu phương. Thích Trí Quang đã đi tu mà dấn thân vào chính trị, xô đổ Đệ Nhất Cộng Hoà với ba xác anh em tổng thống Ngô Đình Diệm thì nhà sư này lưu tiếng thơm được sao? Cộng Sản Việt Nam trực tiếp đương đầu với Mỹ chỉ dám nói "đánh cho Mỹ cút" chứ không dám lớn lối nói "đánh cho Mỹ thua," thì một cá nhân nhỏ bé ở một nước nhược tiểu đến nhiều người Mỹ còn không biết vị trí ở đâu trên thế giới thì làm sao mà làm rung rinh nước Mỹ được? Ý này dĩ nhiên không phải là ý tự phát của tác giả, mà chỉ là lời chú thích của một nhà báo Mỹ kèm hình Thích Trí Quang trên bìa một tờ tuần báo. Tiếc thay, lời nói bóng gió của người Mỹ đã bị tác giả đem quàng làm sự thật!


Cuối cùng, tổ chức Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất là kết quả của một quá trình dài lâu của giới xuất gia thuộc nhiều hệ phái phải có thiện duyên mới hình thành, làm sao một cá nhân đơn lẻ mà lập ra được?!


image027

Hình Thích Trí Quang sau lưng Thích Pháp Tri


trên bìa tuần báo Newsweek ra ngày 30.5.1966: 


cao tăng hay chính trị gia? (Tủ sách TAT)


Thích Trí Quang là ai? Cứ xem những sự xáo trộn chính quyền VNCH trong thập niên 1960 của cánh Phật Giáo Ấn Quang mà nhà sư Trí Quang là chủ chốt. Cứ chứng kiến toàn thể hơn ngàn tăng ni và tất cả các hoà thượng thượng toạ trong Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo bị bắt hết trong đêm 20 rạng ngày 21.8.1963, từ hoà thượng Hội Chủ Thích Tịnh Khiết đến thượng toạ Thích Tâm Châu, Thích Thiện Minh, đại đức Đức Nghiệp..., chỉ riêng nhà sư Thích Trí Quang thoát, mà lại thoát vào cơ sở USOM của Mỹ. Cứ nhận xét hình tượng thiêng liêng nhất của Phật Giáo là bàn thờ mà nhà sư Trí Quang cho đem đặt xuống đường phố. Cuối cùng, cứ để ý đến sự bách hại các vị hoà thượng thượng toạ đại đức tăng ni Phật Giáo của Cộng Sản sau ngày 30.4.1975 mà nhà sư Thích Trí Quang vẫn an nhiên không ai đụng tới.


Vì thế, nhà sư Thích Trí Quang sẽ có tên trong lịch sử hiện đại Việt Nam, nhưng không phải bằng những lời tán tụng như của nhà văn Nhã Ca, mà trong vai trò của một người đã làm tròn công tác được giao phó. Sáng kiến đưa bàn thờ Phật xuống đường để đấu tranh không thể xuất phát từ người tu hành chân chính vì bàn thờ Phật là hình ảnh thiêng liêng đã in sâu vào tâm khảm họ, đã xuất gia thì ngày nào mà họ không lên chánh điện nơi có bàn thờ Phật để nhất tâm đảnh lễ?! Chỉ có kẻ vô thần không úy kỵ gì mới có thể nghĩ ra phương cách vùi dập hình tượng đức Phật Thích Ca, đức Phật Di Đà, và đức Phật Quan Âm xuống bùn đất nơi xe cộ qua lại để đạt mục đích chính trị!


Cảnh tan nát của xã hội miền Nam, cụ thể hơn là xã hội Huế, được tác giả kể lại với hình ảnh một hiệu trưởng trường Đồng Khánh là bà Tường Loan vào Sài Gòn bán bún bò ở đường Cách Mạng, tức Lê Văn Duyệt cũ, một hiệu trưởng khác là bà Doãn buôn hàng chạy ở chợ Vườn Chuối. Nhưng về bà hiệu trưởng Nguyễn Đình Chi (thường gọi là Tuần Chi) thì có chi tiết tôi biết khác với tác giả. Tôi biết bà Tuần Chi không bỏ ra Bắc tập kết ngay sau hiệp định Genève năm 1954 như được ghi nơi trang 193, mà bà này chỉ thoát ly theo Cộng Sản trong dịp Tết Mậu Thân 1968 cùng nhóm Thích Đôn Hậu. 


Hồi Ký Một Người Mất Ngày Tháng ghi lại hành trạng của nhóm Huế này sau tháng Tư năm 1975. Đặc biệt là Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lê Văn Hảo.


Nguyễn Đắc Xuân bắt đầu xuất hiện nơi trang 198, nhưng mãi đến trang 477 tác giả mới gặp tại nhà. Họ Nguyễn bây giờ "... gầy nhom, má hóp, mắt sâu hoắm... eo sèo, mệt mỏi," đến chỉ để mời tác giả viết bài cho một tập san ở Huế, và đầy vẻ chịu đựng khi tác giả trực tiếp và liên tục "tấn công." Còn Hoàng Phủ Ngọc Tường đến nhà tác gỉa mấy lần, nhưng lần nào Nhã Ca cũng không tiếp, và bị bẽ vì muốn bắt tay mà bà không bắt. Lê Văn Hảo thì vẫn tỏ vẻ Tây con, sơ mi trắng, nho nhã, lịch sự, nụ cười thanh thản dễ mến. Thế rồi Lê Văn Hảo đi tị nạn chính trị, và lên án tội ác Mậu Thân của Cộng Sản tại Huế sau khi đã an toàn tại Pháp. Đừng quên Lê Văn Hảo là người được Cộng Sản giao chức thị trưởng trong thời gian Cộng Sản chiếm thành phố Huế!


Qua ba gương mặt điển hình sắt máu của Mậu Thân Huế nay tỏ ra chán chường thất vọng, tác giả kết luận nhiều người đã tỉnh cơn mê muội về chủ nghĩa và chế độ Cộng Sản nhưng vì hoàn cảnh nên chưa có điều kiện phản kháng. Tuy nhiên, như chúng ta thấy, người Việt quốc gia -nhất là người Huế- không thể quên cuộc thảm sát kinh hoàng với những hố chôn người của cán bộ và cán binh Cộng Sản trong Tết Mậu Thân. Theo tài liệu của giáo sư Peter Zinoman đưa ra trong dịp ra mắt bản dịch Anh ngữ sách Giải Khăn Sô Cho Huế ngày 25.2.2015 tại Viện Đại Học Berkeley, California, thì số nạn nhân bị giết vào khoảng 1,500-3,000 người.


Điều đáng tiếc là Nhã Ca bắt đầu vào sách bằng mấy trang chép lại bài nói chuyện của bà nhân Ngày Văn Nghệ Sĩ Bị Cầm Tù hôm 3.4.1990 tại Stuttgart, Đức Quốc (trang 11-16).


Bài nói chuyện này đề cập rất nhiều chi tiết về tranh chấp Nam Bắc trong nội bộ Cộng Sản hồi năm 1975-1976.


Nơi trang 12-13, Nhã Ca kể lại chuyện Hà Nội quyết định tức khắc thống nhất với miền Nam bằng mọi giá, "bất chấp ý kiến của phe cánh Mặt Trận giải phóng," và chuyện "Đại diện Mặt Trận, Bộ đội giải phóng đã họp với đảng phái nhân sĩ miền Nam"  ở Sông Vĩnh để chống lại việc Trường Chinh - Lê Duẩn độc bá quyền hành ở miền Nam.


Trước đó, cũng nơi trang 12-13, Nhã Ca kể  chuyện bộ đội Bắc Việt và công an hành quân quy mô có trực thăng yểm trợ vào vùng Sông Vĩnh tỉnh Bà Rịa là chiến khu của Mặt Trận Giải Phó mà kết quả là, nguyên văn:"Chân tay và thân nhân của các nhân vật miền Nam như Huỳnh Tấn Phát, Lâm Văn Tết, Trịnh Đình Thảo, Nguyển Thị Bình... sau cuộc tấn công, nằm đầy các nhà giam." 


Đây thật là sự ngây thơ của một thi sĩ! Phong Trào Bảo Vệ Hoà Bình Sài Gòn-Chợ Lớn (Trần Kim Quang, Nguyễn Hữu Thọ, Phạm Huy Thông, Hoàng Quốc Tân..., 1955), hay Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam (Lê Duẩn, 1960), hay Phong Trào Tranh Đấu Bảo Vệ Hoà Bình và Hạnh Phúc Dân Tộc (Thích Quảng Liên, Tôn Thất Dương Kỵ, Phạm Văn Huyến, Cao Minh Chiếm..., 1965), hay Phong Trào Dân Tộc Tự Quyết (Nguyễn Long, Tô Văn Cang, Hồ Văn Bưu, Hồ Gia Lý..., 1965), hay Liên Minh Các Lự̣c Lượng Dân Tộc, Dân Chủ, và Hoà Bình Sài Gòn (Trịnh Đình Thảo, Lâm Văn Tết, Thanh Nghị, Nguyễn Văn Kiết, Trần Triệu Việt..., 1968), hay Liên Minh Các Lực Lượng Dân tộc Dân Chủ và Hoà Bình Thành Phố Huế (Thích Đôn Hậu, Tuần Chi, Lê Văn Hảo, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân..., 1968), và nhiều tổ chức thanh niên sinh viên học sinh, tôn giáo, lao động, phụ nữ... khác chỉ là những tổ chức do Bộ Chính Trị tại Hà Nội dựng lên và cán bộ Cộng Sản trực tiếp lãnh đạo trong hai thập niên 1950-60 nhằm thôn tính nốt phần lãnh thổ phiá Nam nước Việt. Đó là công tác lâu dài được Đảng Cộng Sản Việt Nam giao cho Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Thị Bình..., những đảng viên gia nhập Đảng từ thập niên 1940, làm gì có chuyện Cộng Sản tranh chấp nội bộ?!


Chi tiết truyền đơn chống Cộng Sản rải đầy thành phố, và chi tiết sách báo băng nhạc miền Nam trước 30 tháng Tư chất từng đống cao như núi, bán rẻ trên các vỉa hè quận Nhất và khắp Saigon trong dịp Giáng Sinh năm 1975 trong bài nói chuyện của Nhã Ca năm 1990 ở Đức, theo tôi, chỉ là chuyện tưởng tượng của người vừa thoát khỏi Sài Gòn sang trời Âu kể làm quà cho các đồng hương tại địa phương vốn khao khát muốn biết tình hình bên nhà.  


Ngoài Hồi Ký Một Người Mất Ngày Tháng, Nhã Ca còn cho tái bản Giải Khăn Sô Cho Huế ghi lại thảm kịch Cộng Sản chiếm đóng và giết người hàng loạt tại Huế hồi Tết Mậu Thân 1968. Tác phẩm này cũng đã được dịch sang Anh ngữ và ra mắt độc giả Bắc California tại Trung Tâm Nghiên Cứu Đông Nam Á trực thuộc Viện đại học Berkeley. Dịch giả là giáo sư Olga Dror thuộc Viện đại học Texas A&M với tựa đề Mourning Headband for Hue (Nxb Indiana University Press, 2014, 378 tr.).


TRẦN ANH TUẤN


25.7.2017