VĂN HÓA ONLINE - ĐỊA LÝ NHÂN VĂN - THỨ TƯ 16 OCT 2024
Phi thuyền vũ trụ Europa Clipper (NASA) bay gần 3 tỷ km đi tìm sự sống ngoài hành tinh
- Tác giả: Georgina Rannard
- Phóng viên Khoa học
- BBC 16/10/2024
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c4gr68egr24o
Nguồn hình ảnh, CHANDAN KHANNA/AFP/Getty Images. Tên lửa Falcon Heavy của SpaceX mang theo Phi thuyền (tàu vũ trụ) Europa Clipper được phóng tại Trung tâm vũ trụ Kennedy của NASA ở Mũi Canaveral, tiểu bang Florida (Mỹ)
NASA đã phóng một tàu vũ trụ ở Mũi Canaveral, tiểu bang Florida với sứ mệnh tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh tại một trong những mặt trăng băng giá của Sao Mộc.
Vụ phóng được tiến hành vào khoảng 23 giờ đêm 14/10/2024 theo giờ Việt Nam.
Phi thuyền vũ trụ có tên Europa Clipper sẽ bay gần 2,9 tỷ km để tới Europa - một mặt trăng vô cùng bí ẩn bay vòng quanh Sao Mộc.
Con tàu này sẽ chưa đến đó trước năm 2030 nhưng những gì nó tìm thấy có thể thay đổi những gì chúng ta biết về sự sống trong Hệ Mặt trời của chính mình.
Dưới bề mặt của mặt trăng Europa có khả năng là một đại dương rộng lớn với lượng nước gấp đôi so với trên Trái Đất.
Con tàu này đi theo hành trình của một tàu vũ trụ của châu Âu đã được phóng vào năm 2023. Tuy nhiên, nhờ việc "đi nhờ" trên vũ trụ, Europa Clipper sẽ đến đích trước.
Nguồn hình ảnh, Getty Images. Phi thuyền vũ trụ này đã được phát triển tại Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực của NASA ở tiểu bang California (Mỹ)
Một mặt trăng sáng hơn 5 lần so với Mặt Trăng của chúng ta
Sau nhiều năm chuẩn bị, việc phóng tàu Europa Clipper đã bị trì hoãn vào phút cuối khi bão Milton đổ bộ Florida.
Tàu vũ trụ đã được đưa nhanh vào trong để tránh bão. Sau khi kiểm tra bệ phóng tại Mũi Canaveral để xem có bị hư hại gì không, các kỹ sư đã cho phép phóng vào lúc 23 giờ 6 phút giờ Việt Nam ngày 14/10.
“Nếu chúng ta phát hiện ra sự sống cách xa Mặt Trời như vậy thì có nghĩa là có một nguồn gốc riêng biệt của sự sống ngoài Trái Đất,” Mark Fox-Powell, nhà vi sinh vật hành tinh tại Đại học Open (Vương quốc Anh), nhận định.
"Điều này thực sự quan trọng bởi vì nếu có sự sống ở hai nơi trong Hệ Mặt trời của chúng ta (một ở Trái Đất), thì sự sống thực sự phổ biến,” ông Fox-Powell nói thêm.
Cách Trái Đất 628 triệu km, Europa chỉ lớn hơn một chút so với Mặt Trăng của chúng ta. Và kích thước là sự tương đồng duy nhất.
Nếu Europa nằm trên bầu trời của Trái Đất, nó sẽ sáng gấp năm lần Mặt Trăng vì băng nước sẽ phản chiếu ánh sáng Mặt Trời mạnh hơn.
Lớp vỏ băng của Europa dày tới 25 km và bên dưới có thể có một đại dương nước mặn rộng lớn. Ngoài ra, có thể có những chất hóa học là thành phần tạo nên sự sống cơ bản.
Tàu vũ trụ chỉ dài hơn một sân bóng rổ chuyên nghiệp một chút và nặng bằng khoảng một con voi châu Phi
Các nhà khoa học lần đầu tiên nhận ra Europa có thể tồn tại sự sống vào những năm 1970 khi họ thấy băng nước lúc nhìn bằng kính thiên văn ở bang Arizona (Mỹ).
Tàu vũ trụ Voyager 1 và 2 đã chụp được những hình ảnh cận cảnh đầu tiên. Sau đó vào năm 1995, tàu vũ trụ Galileo của NASA đã bay ngang qua Europa và chụp một số bức ảnh vô cùng khó hiểu.
Chúng cho thấy một bề mặt đầy những vết nứt màu nâu đỏ sẫm, những vết nứt có lẽ chứa muối và hợp chất lưu huỳnh có thể hỗ trợ sự sống.
Từ thời điểm đó tới nay, kính viễn vọng không gian Hubble đã chụp được những bức ảnh về những gì có thể là cột nước phun lên tới độ cao cách bề mặt của mặt trăng Europa khoảng 160 km.
Nhưng không một sứ mệnh vũ trụ nào trong số đó đến đủ gần Europa và đủ lâu để thực sự hiểu được nó.
Bay qua những cột nước
Giờ đây, các nhà khoa học hy vọng rằng các thiết bị trên tàu vũ trụ Europa Clipper của NASA sẽ lập bản đồ gần như toàn bộ mặt trăng này, cũng như thu thập các hạt bụi và bay qua các cột nước.
Britney Schmidt, giáo sư khoa học Trái Đất và khí quyển tại Đại học Cornell (Mỹ), đã giúp thiết kế một tia laser trên tàu vũ trụ có thể nhìn xuyên qua băng.
Nguồn hình ảnh, NASA/JPL-Caltech/SETI Institute. Bề mặt kỳ lạ của Europa - được tàu vũ trụ Galileo chụp vào những năm 1990
"Tôi rất hào hứng tìm hiểu mạch nước của Europa. Nước ở đâu? Europa có phiên bản băng của các vùng hút chìm, buồng magma và mảng kiến tạo của Trái Đất - chúng tôi sẽ cố gắng nhìn vào những vùng đó và lập bản đồ,” bà Schmidt nói.
Thiết bị của bà, có tên là Reason, đã được thử nghiệm ở Nam Cực.
Nhưng không giống như trên Trái Đất, tất cả các thiết bị của tàu Europa Clipper sẽ tiếp xúc với một lượng lớn bức xạ mà Giáo sư Schmidt cho rằng là một “mối quan ngại lớn”.
Tàu vũ trụ dự kiến sẽ bay qua Europa khoảng 50 lần và mỗi lần, nó sẽ bị chiếu xạ tương đương với một triệu tia bức xạ X.
“Phần lớn các thiết bị điện tử đều nằm trong hầm, được che chắn kỹ để tránh bức xạ,” Giáo sư Schmidt giải thích.
Tàu vũ trụ này là chiếc lớn nhất từng được chế tạo để đến thăm một hành tinh, và vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Di chuyển 2,9 tỷ km, nó sẽ quay quanh cả Trái Đất và Sao Hỏa để đẩy mình xa hơn về phía Sao Mộc. Kỹ thuật này tựa như việc bắn ná cao su.
Phi thuyền vũ trụ Europa Clipper sẽ bay 5 năm rưỡi để tới Sao Mộc.
Con tàu không mang đủ nhiên liệu để đi hết quãng đường 2,9 tỷ km. Do đó, nó sẽ nhờ vào động lượng của trọng lực Trái Đất và Sao Hỏa.
Phi thuyền Europa Clipper sẽ vượt qua JUICE – phi thuyền vũ trụ của Cơ quan Vũ trụ châu Âu. JUICE cũng sẽ ghé qua Europa khi đang trên đường đến thăm một mặt trăng khác của Sao Mộc có tên là Ganeymede.
Một khi con tàu tiếp cận Europa vào năm 2030, nó sẽ khởi động lại động cơ của mình để điều khiển chính xác vào quỹ đạo đúng.
Nguồn hình ảnh, NASA/JPL/DLR. Hình ảnh bên trái cho thấy vẻ ngoài tự nhiên của Europa và hình ảnh bên phải sử dụng màu sắc để làm nổi bật lớp vỏ băng nước
Các nhà khoa học vũ trụ rất thận trọng khi nói về khả năng khám phá sự sống. Họ không kỳ vọng sẽ tìm thấy sinh vật giống người hoặc động vật.
“Chúng tôi đang tìm kiếm các yếu tố tiềm năng để có thể sinh sống và cần phải có những yếu tố sau: nước lỏng, nguồn nhiệt và vật liệu hữu cơ. Cuối cùng, ba thành phần đó cần phải ổn định trong một thời gian đủ dài để có thể tạo ra điều gì đó," Michelle Dougherty, giáo sư vật lý không gian tại Cao đẳng Hoàng gia London, giải thích.
Các nhà khoa học hy vọng rằng nếu họ có thể hiểu rõ hơn về bề mặt băng, họ sẽ biết nơi để hạ cánh một tàu vũ trụ trong một sứ mệnh tương lai.
Một nhóm các nhà khoa học quốc tế làm việc với NASA, Phòng thí nghiệm Động cơ Phản lực và Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng Johns Hopkins sẽ giám sát chuyến thám hiểm này.
Khi mà gần như tuần nào cũng có vụ phóng phi thuyền vũ trụ, Giáo sư Fox-Powell cho rằng sứ mệnh của Europa Clipper sẽ đem lại điều khác biệt.
"Đây là hoạt động phi lợi nhuận. Mục đích của việc này là khám phá, thỏa mãn sự tò mò và mở rộng kiến thức của chúng ta về vị trí của mình trong vũ trụ," ông nói.