South China Sea: Dầu khí và Quyền chủ quyền Ranh giới phân định thềm lục địa mở rộng

09 Tháng Chín 20243:40 CH(Xem: 204)

VĂN HÓA ONLINE - ĐỊA LÝ NHÂN VĂN - THỨ HAI 09 SEP 2024


South China Sea: Dầu khí và Quyền chủ quyền Ranh giới phân định thềm lục địa mở rộng


*


Thềm lục địa mở rộng vượt quá 200 hải lý:


Xét riêng một số lô dầu khí của VN ở phía nam Biển Đông


LUẬT PHÁP QUỐC TẾ

https://iuscogens-vie.org/2017/08/03/27/


Theo Điều 76 của Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) quốc gia ven biển có thể có tối thiểu 200 hải lý thềm lục địa và mở rộng vượt quá giới hạn đó nếu rìa lục địa tự nhiên kéo dài xa hơn.[1] Đối với thềm lục địa, bao gồm cả thềm lục địa trong và vượt quá 200 hải lý quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với việc thăm dò, khai thác tài nguyên sinh vật và phi sinh vật.[2] Quyền chủ quyền này hiện hữu hiển nhiên và mặc định, không phụ thuộc vào việc quốc gia ven biển có chiếm hữu hay ra tuyên bố hay không.[3]


Năm 2009 Việt Nam đã chính thức thể hiện quan điểm đối với thềm lục địa vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở thông qua hai đệ trình lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa (Commission on the Limits of the Continental Shelf – CLCS). CLCS là một cơ quan chuyên môn (expert body) gồm 21 chuyên gia trong lĩnh vực khoa học tự nhiên như địa chất học, địa vật lý, thủy văn học, được thành lập theo Điều 76(8) và Phụ lục II của UNCLOS, có chức năng xem xét đệ trình của các quốc gia và đưa ra khuyến nghị về các vấn đề liên quan đến xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa mở rộng. Điều 76(8) quy định ranh giới được xác định trên cơ sở khuyến nghị của CLCS là chung thẩm và ràng buộc.


Việt Nam xác định một vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển ở phía bắc Biển Đông và ở phía nam Biển Đông.


Riêng phần thềm lục địa mở rộng phía nam Biển Đông, Việt Nam và Malaysia đệ trình chung, theo đó đây là khu vực mà được hai nước xem là thềm lục địa chồng lấn vượt quá 200 hải lý. Tuy nhiên, do có phản đối từ Trung Quốc và Philippines, CLCS sẽ không xem xét các đệ trình này theo Điều 46 và Phụ lục I của Quy tắc thủ tục của CLCS.


image007Hình 1. Vị trí hai khu vực thềm lục địa mở rộng vượt quá 200 hải lý của Việt Nam và Malaysia (màu cam). Nguồn: Clive Schofield và Andi Arsana, (ANCORS)


Trong khu vực thềm lục địa phía nam Biển Đông bao gồm cả phần bên trong và bên ngoài 200 hải lý, Việt Nam thông qua Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PetroVietnam) đã tiến hành phân lô và đấu thầu thăm dò, khai thác dầu khí.[4]


image008Hình 2. Phân lô dầu khí ở khu vực phía nam Biển Đông


Một số lô ở khu vực phía nam này có vị trí khá đặc biệt khi nằm vắt ngang đường giới hạn 200 hải lý, như các lô 136/03, 157, 158, 159 và 160. Riêng lô 160 gần như nằm hoàn toàn ở phần thềm lục địa mở rộng vượt quá 200 hải lý – phần thềm lục địa chồng lấn với Malaysia.


image009Hình 3. Vị trí các lô dầu khí và đường 200 hải lý. Nguồn: https://twitter.com/bill_hayton/status/877409794918895616


Quy chế pháp lý của hai phần thềm lục địa này có điểm khác biệt. Thứ nhất, đối với phần nằm trong phạm vi 200 hải lý, Việt Nam có quyền chủ quyền gần như chắc chắn trong việc thăm dò, khai thác tài nguyên, bao gồm dầu khí. Hơn nữa theo Phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa trọng tài trong Vụ kiện Biển Đông, các đảo của quần đảo Trường Sa không thể tạo ra thềm lục địa do chúng chỉ có thể là đảo đá theo Điều 121(3). Do đó không chồng lấn với thềm lục địa hay vùng đặc quyền kinh tế của bất kỳ quốc gia nào; đây là vùng thềm lục địa chỉ thuộc về Việt Nam. Như vậy Việt Nam có quyền chủ quyền độc quyền đối với việc thăm dò và khai thác dầu khí trong khu vực này.


Thứ hai, đối với phần nằm ngoài phạm vi 200 hải lý, một số quy định của Công ước cần được xem xét đến như quy định tại Điều 76 về việc ranh giới ngoài của thềm lục địa mở rộng chỉ được xem là cuối cùng và ràng buộc nếu dựa trên cơ sở khuyến nghị của CLCS và Điều 83 liên quan đến phân định biển và nghĩa vụ kiềm chế tiền phân định.[5] Theo quy định tại Điều 76(8) ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý sẽ được xem là chung thẩm và ràng buộc nếu được xác lập dựa trên khuyến nghị của Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa (CLCS).[6] Thềm lục địa vượt quá 200 hải lý giữa Việt Nam và Malaysia, nơi có một phần của 05 lô dầu khí trên, đã được đệ trình lên CLCS nhưng Ủy ban chưa xem xét và đưa ra khuyến nghị. Đối với tình huống này, hiện nay có hai luồng quan điểm. Một là dù thềm lục địa mở rộng chưa có khuyến nghị của CLCS thì vẫn là thềm lục địa của quốc gia ven biển do quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa là quyền tự nhiên (inherent right). Vấn đề xác định ranh giới thềm lục địa trên cơ sở khuyến nghị của CLCS khác hoàn toàn với vấn đề quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa. Quan điểm thứ hai là cho đến khi nào ranh giới thềm lục địa mở rộng chưa được xác định trên cơ sở khuyến nghị của CLCS thì đây cần được xem là vùng đáy biển quốc tế. Quan điểm thứ nhất có vẻ đang được đa số các học giả ủng hộ. Nếu hoạt động dầu khí gần đây được Việt Nam cho phép thực hiện tại các phần nằm ngoài 200 hải lý của 05 lô trên, thì sẽ cho thấy Việt Nam ủng hộ quan điểm đầu tiên. Việt Nam khẳng định đây là thềm lục địa của Việt Nam bất kể CLCS có xem xét và đưa ra khuyến nghị hay chưa. Về Điều 83, khi có vùng chồng lấn thì Công ước yêu cầu các bên phải phân định bằng thỏa thuận và trong giai đoạn chưa phân định được (giai đoạn tiền phân định) các bên có nghĩa vụ kiềm chế.[7]


Thứ ba, một vấn đề khác cũng cần quan tâm là việc khai thác các mỏ dầu khí nằm vắt ngang các giới hạn hoặc các ranh giới trên biển. Ví dụ như lô 136/03 nằm giáp với ranh giới phân định thềm lục địa giữa Việt Nam và Indonesia theo Hiệp định năm 2003.[8] Điều 4 của Hiệp định này quy định “Trong trường hợp có một cấu tạo mỏ dầu hoặc khí tự nhiên, hoặc mỏ khoáng sản khác dưới đáy biển nằm vắt ngang đường ranh giới nêu tại khoản 1 Điều 1, các Bên ký kết sẽ thông báo cho nhau mọi thông tin liên quan và thoả thuận về cách thức khai thác hữu hiệu nhất các cấu tạo hoặc mỏ nói trên và về việc phân chia công bằng lợi ích thu được từ việc khai thác đó.”


Nếu Việt Nam xác định có mỏ dầu khí tại lô 136/3 mà nằm vắt ngang đường ranh giới thì không được khai thác đơn phương mà cần thỏa thuận với Indonesia.


Trần H. D. Minh


English summary: Vietnam’s continental shelf beyond 200 nautical miles in the South China Sea and its oil and gas blocks in the southern part. When comparing the map attached to joint the submission with Malaysia to the CLCS in 2009 and PetroVietnam – a national oil and gas cooperation – it can be observed that almost of the oil and gas blocks of Vietnam are within the 200 nautical miles limits. Only few of them are in the areas beyond 200 nautical miles, but still within the areas jointly claims with Malaysia. The question is that whether Vietnam ca unilaterally grant concessions for exploration and exploitation of oil and gas in these blocks beyond 200 nautical miles limits.


—————————————————————–


[1] Xem bài Trần Hữu Duy Minh, Nghĩa vụ trong vùng biển chồng lấn đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, Số 5(325), tháng 5/2015, xem tại  https://iuscogens-vie.org/2017/03/15/03/


[2] Như trên.


[3] Như trên.


[4] Điều 14 Luật dầu khí năm 1993, sửa đổi năm 2008 quy định: “Tập đoàn dầu khí Việt Nam – Công ty mẹ, tên giao dịch quốc tế là VIETNAM OIL AND GAS GROUP, gọi tắt là PETROVIETNAM, viết tắt là PVN (sau đây gọi là Tập đoàn dầu khí Việt Nam) là công ty nhà nước được tiến hành các hoạt động dầu khí và ký kết hợp đồng dầu khí với tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí theo quy định của pháp luật.


[5] Xem thêm về nghĩa vụ kiềm chế tiền phân định tại bài https://iuscogens-vie.org/2017/03/15/03


[6] Xem thêm https://iuscogen.wordpress.com/2017/06/08/unclos-them-luc-dia-continental-shelf/#more-288


[7] https://iuscogens-vie.org/2017/03/15/03


[8] Hiệp định về phân định ranh giới thềm lục địa giữa Việt Nam và Indonesia ngày 26 tháng 6 năm 2003.


**


Tại sao Việt Nam đệ trình thêm hồ sơ thềm lục địa mở rộng ở Biển Đông?


RFA
23/7/2024


image010Bản đồ vùng thềm lục địa mở rộng do các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia đệ trình. Nhà nghiên cứu Phan Văn Song vẽ minh họa dựa trên Google Map và hồ sơ đệ trình của các nước nêu trên. (Ảnh minh họa). Song Phan/ Google Map


Ngày 17/7/2024, Việt Nam đã đệ trình lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa Liên Hiệp quốc yêu sách của mình về thềm lục địa mở rộng đối với khu vực giữa Biển Đông. Yêu sách này được đưa ra căn cứ vào Khoản 8, Điều 76 của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), quy định về giới hạn của thềm lục địa mở rộng, vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Điều đáng chú ý là Việt Nam đã có đệ trình yêu sách thềm lục địa mở rộng vào năm 2009. Tại sao Việt Nam cần đệ trình một hồ sơ mới ở thời điểm này? 


Tiếp nối hồ sơ 2009 


Theo nhà nghiên cứu Phạm Ngọc Minh Trang ở Quỹ Max Planck vì hòa bình quốc tế và pháp quyền, Đức, cả ba đệ trình đều đề cập đến các phần khác nhau của thềm lục địa hợp pháp mà Việt Nam tuyên bố bằng cách áp dụng các biện pháp pháp lý khác nhau theo UNCLOS. Nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Tp. HCM cho rằng cần lưu ý trang bìa hồ sơ của Việt Nam cũng ghi thời gian là năm 2009. Điều đó có nghĩa là Việt Nam coi hồ sơ 2024 là sự kéo dài hồ sơ 2009. Có thể nói, hồ sơ năm 2024 là để nói rõ hơn hồ sơ đã gửi trước đó. 


Tháng 5/ 2009, Việt Nam nộp hai hồ sơ. Một là hồ sơ riêng, một là hồ sơ chung với Malaysia. Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Phan Văn Song, một cộng tác viên của Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, cho rằng trước hết, cần lưu ý rằng trong hai hồ sơ nộp tháng 5/2009 thì hồ sơ riêng của Việt Nam liên quan đến một phần thềm lục địa mở rộng của khu vực phía Bắc biển Đông (kí hiệu là VNM-N), còn hồ sơ nộp chung với Malaysia liên quan khu vực phía Nam, cụ thể là khu vực kí hiệu là "Defined Area" (“khu vực minh định”). Trong bản đồ, khu vực này có hình đa giác cong, được định vị với kí hiệu CDEQF. 


Nhà nghiên cứu Phan Văn Song chỉ ra là hồ sơ tháng 7 năm 2024 của Việt Nam liên quan đến khu vực Giữa biển Đông (được kí hiệu là VNM-C). Tuy nhiên các ranh giới của khu vực Giữa biển Đông này cũng đã được xác định trong hồ sơ nộp chung với Malaysia. Đặc biệt, ranh giới phía Bắc của khu vực này đã được điều chỉnh chút ít so hồ sơ trước. Cụ thể là dù vẫn được xác định bằng 78 điểm nhưng toạ độ các điểm lần này có sai khác toạ độ trước đây khoảng vài 1/10 000 của độ (khó thể nhận ra sự khác biệt với các bản đồ thông dụng). Như vậy, vẫn còn một phần của khu vực phía Bắc biển Đông, nằm gần quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam chưa nộp hồ sơ. Theo nhà nghiên cứu Phan Văn Song, điều đó có thể là do có nhiều rắc rối trong tranh chấp với Trung Quốc cho vùng chồng lấn.


Tại sao Việt Nam đệ trình vào thời điểm tháng 7 năm 2024? 


Đệ trình của Việt Nam được gửi cho Liên Hiệp quốc trong bối cảnh cách đây hơn một tháng, vào ngày 14/6, Philippines đã đệ trình Uỷ ban ranh giới thềm lục địa (CLCS) của Liên Hiệp quốc một phần của những yêu sách đối với “thềm lục địa mở rộng”. 


Theo nhà nghiên cứu Phan Văn Song, Việt Nam cần phải hoàn thành hồ sơ năm 2009, do bởi còn lại khu vực Giữa và phần cực Bắc của khu vực phía Bắc của biển Đông cần phải bổ sung. Trong đó, phần cực Bắc của khu vực phía Bắc có khả năng gặp rắc rối nhiều với Trung Quốc. Do đó, có thể nhân việc hồ sơ Malaysia nộp lại năm 2019 và hồ sơ Philippines vừa mới nộp 6/2024 đều có vấn đề nên Việt Nam đã nộp hồ sơ thềm lục địa mở rộng cho khu vực Giữa biển Đông để khẳng định quyền lợi hợp pháp của mình với Malaysia, Philippines và cũng có thể với Trung Quốc nữa. Cùng góc nhìn với ông Phan Văn Song, nhà nghiên cứu Hoàng Việt cũng cho rằng đệ trình của Philippines hồi tháng 6/2024 là nguyên nhân chính thúc đẩy Việt Nam nộp thêm hồ sơ mới. Ông nói tiếp: 


“Theo tôi suy đoán, có lẽ phía Việt Nam muốn đáp lại đệ trình của Philippines ngày 15-16 tháng 6, 2024. Việt Nam phải bảo vệ lợi ích của mình. Đó là lý do Việt Nam phải gửi hồ sơ mới. Và cùng với hồ sơ đệ trình mới thì Việt Nam cũng gửi công hàm lên UN phản đối đệ trình của Philippines, trong đó cho rằng đệ trình của Philippines đã xâm lấn vào 200 hải lý thềm lục địa của Việt Nam.”


Hiệu lực “đảo” của Hoàng Sa, Trường Sa?


Theo nhà nghiên cứu Phạm Ngọc Minh Trang, điều thứ nhất cần lưu ý là Việt Nam tuyên bố thềm lục địa mở rộng của mình tính từ đất liền, chứ không phải từ bất kỳ thực thể nào ở Biển Đông mà Việt Nam có yêu sách chủ quyền. Cách làm này phù hợp với Công hàm của Việt Nam gửi CLCS ngày 30 tháng 3 năm 2020 và Phán quyết về Biển Đông năm 2016. 


Thực vậy, các đệ trình của Việt Nam, bao gồm cả đệ trình năm 2024, thể hiện một hàm ý rõ ràng là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không có thực thể nào có hiệu lực của đảo, theo quy định của UNCLOS. 


Nhà nghiên cứu Phan Văn Song nhận xét rằng các hồ sơ của Việt Nam năm 2009 (trước khi có phán quyết PCA 2016) và 2024 (sau khi có phán quyết) đều chỉ sử dụng hiệu lực của đất liền để tính thềm lục địa mở rộng, không sử dụng chủ quyền đối với các đảo ở Hoàng Sa, Trường Sa. Ông cũng lưu ý rằng trong các hồ sơ/ công hàm kèm theo thường có câu dự phòng về việc sẽ nộp thêm hồ sơ đối với các vùng biển khác theo quy định. Từ sau khi có phán quyết của toà Trọng tài PCA 2016, qua các phát biểu phản đối Trung Quốc về các vụ việc quanh Hoàng Sa, có vẻ đúng là Việt Nam không coi Hoàng Sa và Trường Sa có hiệu lực của đảo. Và từ đó, có thể đoán rằng trong hồ sơ lần này, Việt Nam cũng có quan điểm như vậy.


Ủy ban ranh giới thềm lục địa Liên Hiệp quốc cho biết họ sẽ xem xét đệ trình của Việt Nam trong chương trình nghị sự của phiên họp thứ 63 của Ủy ban, từ tháng 2 đến tháng 3 năm 2025.


https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-did-vietnam-sent-an-additional-submission-for-an-extended-continental-shelf-inth-south-china-sea-07232024151100.html


***


Việt Nam cần làm gì khi Philippines đệ trình thềm lục địa mở rộng?


RFA
06/7/2024


image011Bản đồ các đường yêu sách thềm lục địa mở rộng tại Biển Đông. Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao Việt Nam


Ngày 14/6/2024, Philippines đã đệ trình Uỷ ban ranh giới thềm lục địa (CLCS) của Liên Hiệp quốc một phần của những yêu sách đối với “thềm lục địa mở rộng.” 


Điều 76, phần VI, của Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) quy định rằng quốc gia ven biển có thể có tối thiểu 200 hải lý thềm lục địa. Thềm lục địa có thể mở rộng quá 200 hải lý, nếu nếu rìa lục địa tự nhiên kéo dài xa hơn khoảng cách đó. Tuy nhiên, “thềm lục địa mở rộng” không được kéo dài quá 350 hải lý. 


Khi Philippines đệ trình yêu sách đối với thềm lục địa mở rộng, phần mở rộng thềm lục địa ở khu vực đảo Luzon đã chồng lấn với phần thềm lục địa mở rộng mà Việt Nam đệ trình từ 2009 cho phần phía bắc Biển Đông. 


Điều đáng chú ý là phần thềm lục địa mở rộng ở đảo Luzon của Philippines có thể đối mặt với một số câu hỏi về địa lý: có một máng sâu dưới đáy biển nằm chắn ngang đảo Luzon và Biển Đông. Điều này đặt ra câu hỏi là liệu thềm lục địa của Philippines có thể “mở rộng” hay không. Việt Nam nên đàm phán với Philppines như thế nào để các quốc gia có thể phân chia lợi ích trên Biển Đông một cách công bằng?


Máng sâu Manila 


Theo GS. Nguyễn Hồng Thao ở Học viện Ngoại giao Việt Nam, đệ trình của Philippines gặp phải nhiều “thách thức”. Thách thức đầu tiên là có máng sâu Palawan (Palawan Trench) nằm dưới đáy biển, chắn ngang đất  liền Palawan và Biển Đông. Điều này làm cho phần đáy biển phía ngoài máng sâu Palawan không còn là “thềm lục địa” của Philippines theo Luật biển Quốc tế (UNCLOS.) 


Điều 76 UNCLOS quy định “thềm lục địa” là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển mở rộng bên ngoài lãnh hải “theo sự kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền đến mép ngoài của rìa lục địa.” Máng sâu Palawan làm cho vùng đáy biển này phía ngoài không phải là phần “kéo dài tự nhiên” của đất liền nữa.


Tuy nhiên, không chỉ ở khu vực phía ngoài đảo Palawan mà cả khu vực phía ngoài đảo Luzon, đảo lớn nhất của Philippines, cũng có một máng sâu là máng Manila (Manila Trench.) Phần thềm lục địa mở rộng này chồng lấn lên phần thềm lục địa mở rộng mà Việt Nam đăng kí từ 2009. 


Máng Manila (Manila Trench) chắn ngang đảo Luzon và biển Đông. Theo một nghiên cứu, “độ sâu của rãnh Manila là khoảng 4,8–4,9 km và điểm sâu nhất lên tới 5,4 km.” 


Câu hỏi đặt ra là với sự tồn tại của máng sâu Manila, liệu việc đăng kí “thềm lục địa mở rộng” của Philippines có hợp lý? Hà Nội có nên thương lượng với Manila về vấn đề này hay không? Trao đổi với RFA về vấn đề này, nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Tp. HCM nhận xét:


“Theo điều 76 của Luật biển quốc tế thì mỗi quốc gia có quyền đệ trình yêu sách về thềm lục địa mở rộng, nhưng có được phê chuẩn hay không là chuyện khác. Đệ trình đó phải được xem xét có hợp lý không, có cơ sở pháp lý, địa lý, địa chất không. Ngoài ra, còn vấn đề quan điểm của các quốc gia khác. Nếu đệ trình của một quốc gia bị nhiều nước phản đối thì Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hiệp quốc có thể xem xét lại.”


Ngoài ra, theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, Việt Nam là một quốc gia lục địa, có đất liền, nên thềm lục địa kéo dài. Còn Philippines là quốc gia quần đảo, mảng lục địa của ở đó không phải là lục địa già và kéo dài. Philipines không nhắc tới máng sâu Manila nhưng điều đó không có nghĩa là các quốc gia khác sẽ không nhắc tới. Do đó, đệ trình của Philippines có thể sẽ vấp phải nhiều trở ngại. 


Mục đích của Philippines: khơi dậy trở lại vấn đề pháp lý? 


Sự tồn tại của máng sâu Manila và máng sâu Palawan làm cho đệ trình của Philippines suy yếu. Tuy nhiên, UNCLOS quy định nhiều cách khác nhau để tính toán thềm lục địa. Theo nhiều nhà nghiên cứu, Philippines đã áp dụng một phương pháp tính toán đặc thù để xác định thềm lục địa mở rộng, tuy nhiên, mục đích của họ không phải là đòi hỏi thềm lục địa mà muốn  dậy vấn đề pháp lý ở Biển Đông nhiều hơn. 


Điều 76 của UNCLOS có đưa ra nhiều cách tính toán thềm lục địa, trong đó có “cách nối các điểm cố định ở cách chân dốc lục địa nhiều nhất là 60 hải lý” (mục 4 của điều 76). Theo GS. Nguyễn Hồng Thao, sự tồn tại của máng sâu Palawan (Palawan Trench,) tạo ra đứt gãy, “có thể là lý do vì sao Philippines lựa chọn sử dụng phương pháp vòng cung không vượt quá 60 hải lý tính từ chân dốc thềm lục địa (FOS) theo điều 76 mục 4, thay cho phương pháp xác định ranh giới ngoài dựa trên bề dày trầm tích.”


Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, cách tính toán của Philiipines không giúp hóa giải một cách căn bản những khó khăn về mặt pháp lý do sự tồn tại của hai máng sâu Palawan và Manila tạo ra cho nước này. Ông nói: 


“Tôi muốn nhấn mạnh một điều là dù tính toán theo cách nào đi nữa thì với sự tồn tại của máng sâu Manila, thì chắc chắc là đòi hỏi đó khó có tính thuyết phục. Tuy vậy, tại sao sau 15 năm họ mới tung ra đệ trình này? Theo tôi, Philippines tung ra đệ trình này vào thời điểm này không với mục tiêu đòi hỏi thềm lục địa mở rộng mà là muốn khuấy động trở lại cuộc chiến pháp lý, như Malaysia đã làm hồi năm 2019. Điều đó phù hợp với chính sách công khai mọi thứ của Philippines. Có lẽ đó là mục tiêu lớn hơn mục tiêu đòi hỏi thềm lục địa mở rộng.”


GS Nguyễn Hồng Thao cũng cho rằng đệ trình năm 2024 của Philippines về thềm lục địa mở rộng “có thể coi như tín hiệu bắt đầu của vòng ba cuộc chiến công hàm”. 


Vòng một và vòng hai của cuộc chiến công hàm, đã từng xảy ra vào các năm 2009 và 2019, khi các nước xung quanh Biển Đông và bên ngoài khu vực liên tục gửi công hàm lên Liên Hiệp quốc bác bỏ các yêu sách quá mức của Trung Quốc trong đường lưỡi bò.


Điều đáng lưu ý là trong đệ trình của mình, Philippines thừa nhận rằng đệ trình của mình có thể chồng lấn với yêu sách của Việt Nam và Malaysia năm 2009, và tuyên bố sẵn sàng thảo luận với hai nước láng giềng Đông Nam Á. Đệ trình của Philippines đã không nhắc tới Trung Quốc. Trung Quốc là nước từ tháng 3 năm 2023 đến nay, đã phong tỏa bãi Cỏ Mây, ngăn cản Philippines tiếp tế cho một nhóm binh sỹ đồn trú trên một con tàu cũ ở đó. 


Phản hồi động thái của Philppines trong đệ trình nói trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nói “Việt Nam bảo lưu toàn bộ quyền và lợi ích của mình theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982 và sẵn sàng trao đổi với Philippines để tìm kiếm và đi đến giải pháp phù hợp với lợi ích của cả hai nước.”


https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/what-should-vietnam-do-when-philippines-submits-its-expanded-continental-shelf-07062024090502.html