VĂN HÓA ONLINE – ĐỊA LÝ NHÂN VĂN - THỨ BA 06 AUG 2024
Đảng Tân Đại Việt tưởng niệm và kỷ niệm 100 năm tuổi cố GS Nguyễn Ngọc Huy
Buổi lễ cũng là dịp ra mắt sách “Sự Phản Bội của Kissinger – Hoa Kỳ Thua Chiến Tranh Việt Nam Ra Sao” của Giáo Sư Stephen B. Young.
August 2, 2024
Văn Lan/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) – Đảng Tân Đại Việt tổ chức lễ tưởng niệm cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy lần thứ 34 và cũng là 100 năm tuổi của ông, tại phòng hội Westminster vào chiều Chủ Nhật, 28 Tháng Bảy.
Đồng ca “Việt Nam Minh Châu Trời Đông” trong lễ tưởng niệm Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Buổi lễ cũng là dịp ra mắt sách “Sự Phản Bội của Kissinger – Hoa Kỳ Thua Chiến Tranh Việt Nam Ra Sao” của Giáo Sư Stephen B. Young.
Ông Hoàng Đình Khuê, chủ tịch đảng Tân Đại Việt, cho hay Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy có đủ bốn đức tính tài-đức như tài viết, tài nói, tài tổ chức, tài hùng biện, sự viễn kiến cùng bổn phận với gia đình, trách nhiệm đối với tổ quốc. Ông đã dùng chủ nghĩa khoa học “Dân Tộc Sinh Tồn,” để đánh sập chủ nghĩa “Giai Cấp,” của Cộng Sản.
“Với mộng ước xây dựng nước Việt Nam dân chủ pháp trị, sau đó sẽ trung lập hóa đất nước Việt Nam thành một nước trung lập pháp trị vĩnh viễn, rất tiếc Giáo Sư Huy đã mất không thực hiện được viễn kiến đó…” ông Khuê nói.
Trong phần phát biểu với chủ đề “Trăm Năm Dấu Ấn của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy,” bà Mộng Thủy, một hậu bối ngưỡng mộ tài năng, đức độ và cả cuộc đời dấn thân cho đất nước Việt Nam của cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy, đã trình bày những điểm son trong rất nhiều dấu ấn mà Giáo Sư Huy đã để lại cho hậu thế.
Thứ nhất, Giáo Sư Huy thành lập đảng Tân Đại Việt. Ông giải thích rằng Tân có nghĩa là một đảng hoàn toàn mới, và đa số các đảng viên của đảng Tân Đại Việt có nguồn gốc từ Đại Việt Quốc Dân Đảng.
Thứ hai, Giáo Sư Huy cùng Giáo Sư Nguyễn Văn Bông lập ra Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến là một tổ chức đi vào quần chúng, Quốc Gia là để phục vụ đất nước Việt Nam, và Cấp Tiến là để Việt Nam tiến nhanh, tiến mạnh về phía văn minh của nhân loại. Ngược lại với chủ trương Quốc Tế của người Cộng Sản.
Bà Nguyễn Ngọc Thúy Tần, ái nữ cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy, nói về những mơ ước cho đất nước Việt Nam của cha mình. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Thứ ba, Giáo Sư Huy thành lập Liên Minh Dân Chủ Việt Nam với năm tiêu đề: Dân Bản – Tự Do – Độc Lập – Hòa Bình – Trung Lập. Trong đó Dân Bản được đặt ở đầu và Trung Lập được đặt ở cuối, vì lấy Dân làm gốc là quan trọng nhất, chứ không phải lấy Đảng làm gốc, các chính sách là để phục vụ dân chứ không phải phục vụ giai cấp thống trị.
Về Trung Lập, vì địa chính trị luôn định hình cho chính trị. Nếu người lãnh đạo không quan tâm thì dễ dẫn đất nước đi sai đường. Việt Nam nằm trên bán đảo Đông Dương, vừa tiếp cận nước lớn là Trung Quốc, vừa tiếp cận Thái Bình Dương. Như con dao hai lưỡi, với địa thế chính trị đó có thể giúp Việt Nam nhanh chóng phú cường hay cắt Việt Nam bằng những cuộc chiến tranh. Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy mong muốn Việt Nam có được một quy chế Trung Lập Pháp Lý Vĩnh Viễn như Thụy Sĩ, không phải trung lập theo kiểu ngoại giao cây tre (gốc chắc-ngọn lay) thì các siêu cường không ai tuân thủ cả.
Tiêu đề Trung Lập nằm ở cuối, là vì bốn tiêu đề nằm trước dù có được cũng vẫn còn chưa đủ để thế giới từ bỏ việc dùng Việt Nam làm bãi chiến trường.
Thứ tư, Giáo Sư Huy chuyển các chiến sĩ Đại Việt, nhất là Xứ Bộ Miền Nam đi từ đấu tranh cách mạng sang đấu tranh chính trị, có nghĩa là các phương pháp tranh đấu của thời chống Pháp như: bí mật, bạo lực, lật đổ thì được chuyển sang công khai, ôn hòa, dùng nghị trường và bầu cử để tiến đến chính quyền.
Bà Mộng Thủy, người hậu bối kính ngưỡng mộ Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy, nói về năm dấu ấn tiêu biểu của ông. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Thứ năm, khả năng nhận xét và phân tích của Giáo Sư Huy qua dòng lịch sử. Ông lý giải sự khéo ăn khéo nói của người Việt Nam có nguồn gốc do ngàn năm bị giặc Tàu đô hộ, nên phải nói sao cho kẻ thống trị không biết mình chống lại để bị họ đàn áp, nhưng đồng bào đều biết là mình chống ngoại xâm.
Bà Nguyễn Ngọc Thúy Tần, ái nữ cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy, cùng gia đình từ tiểu bang New York về, tỏ lòng biết ơn với sự cam kết liên tục và tinh thần của đảng Tân Đại Việt đã duy trì sự tin tưởng sâu sắc đến người cha kính yêu của bà, và bà rất cảm động sau bao nhiêu năm, cộng đồng Việt Nam trên khắp thế giới hằng năm vẫn nhớ ngày giỗ của ông.
Bà chia sẻ: “…Đối với nhiều người, ba chúng tôi đã là biểu tượng phẩm chất của một nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng trong cuộc tranh đấu cho tự do dân chủ bằng biện pháp bất bạo động, thúc đẩy hệ thống đa đảng và ủng hộ pháp quyền. Ông thể hiện kiến thức sâu rộng, trí thông minh vượt trội, lòng chính trực vị tha và kiên nhẫn, ông đã hy sinh tất cả cho mục đích và niềm tin cao cả, hạnh phúc gia đình và khát vọng cá nhân thậm chí đến sức khỏe. Những phẩm chất này khiến ông trở nên một đấng anh hùng được nhiều người theo trên khắp thế giới, khiến kẻ thù sợ hãi và căm ghét!…”
Tiếp theo là phần ra mắt sách của Giáo Sư Stephen B. Young, bản tiếng Anh với tiêu đề “Kissinger’s Betrayal-How America Lost the Vietnam War,” và bản tiếng Việt với tiêu đề “Sự Phản Bội của Kissinger – Hoa Kỳ Thua Chiến Tranh Việt Nam Ra Sao.”
Giáo Sư Stephen B. Young (trái), tác giả sách “Sự Phản Bội của Kissinger – Hoa Kỳ Thua Chiến Tranh Việt Nam Ra Sao,” và ông Hoàng Đình Khuê, chủ tịch đảng Tân Đại Việt. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Sách dày hơn 500 trang, với tám chương. Đặc biệt trong chương 5 “Những Cuộc Đàm Phán Bí Mật-Cơ Hội Phản Bội,” cho thấy những bí mật động trời bị phanh phui trong giai đoạn ông Henry Kissinger còn là ngoại trưởng thời Tổng Thống Richard Nixon. Đến chương 6 “Bán Đứng,” sẽ thấy rõ hơn sự xảo trá của ông Kissinger khi lừa dối cả chính phủ Hoa Kỳ. Và đến chương 7 “Hoàn Tất Việc Phản Bội,” chương 8 “Tất Cả Đều Sụp Đổ,” coi như kết thúc chính thể Việt Nam Cộng Hòa.
Ngay lời tựa quyển sách đã khẳng định nỗ lực cô độc trong 40 năm của tác giả, ông viết: “Để chia sẻ lý do vì sao cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc quá thảm hại cho mọi người dân Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ,’ và “Qua những trang sách này, bạn có thể tự kết luận những gì là sự thật lịch sử và ý nghĩa của những điều đó.”
Về quan điểm lịch sử, Giáo Sư Stephen B. Young cho rằng Cộng Sản miền Bắc không phải là người thắng cuộc, khi người miền Nam Việt Nam có chính nghĩa, can đảm, dám hy sinh dám làm nhưng bị phản bội bởi một là Sainteny, hai là Kissinger.
Có những câu hỏi là “Vào năm 1972, có phải Kissinger bỏ Việt Nam để ưu tiên lo cho Trung Đông hay không,” hoặc “Sau gần 50 năm, ông có thấy bài học Việt Nam đang tái diễn ở Afghanistan hoặc ở Ukraine. Liệu có sự liên quan nào giữa Việt Nam và các sự kiện này hiện nay?” hoặc “Ông Kissinger có khi nào đọc được bản thảo cuốn sách này trước khi được xuất bản,” “Tại sao Sainteny và Kissinger thù ghét Nam Việt Nam nhiều vậy?” “Có khi nào ông dự định xuất bản sách này dưới dạng audiobook bằng tiếng Việt và có thể cho tác quyền để một người làm trên YouTube?”
Từ trái, ông Trần Bạch Thu và ông Ngô Ngọc Vĩnh, hai học trò của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy; Giáo Sư Stephen B. Young, tác giả sách “Sự Phản Bội của Kissinger – Hoa Kỳ Thua Chiến Tranh Việt Nam Ra Sao;” ông Hoàng Đình Khuê, chủ tịch đảng Tân Đại Việt; và bà Nguyễn Ngọc Thúy Tần, ái nữ cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Ông Stephen B. Young trả lời chung là Việt Nam hiện nay đang yếu đi khi các phe phái chia rẽ trong đảng Cộng Sản đấu đá kịch liệt, chắc chắn sẽ không tồn tại lâu, vấn đề là ai sẽ thay thế. Chế độ Cộng Sản đã hết thời, phải có một chủ nghĩa mới, một cấp lãnh đạo mới cho đất nước, bảo vệ cho Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập, không lệ thuộc Cộng Sản Tàu. Và ông cho biết Cộng Sản Việt Nam “rất sợ quyển sách này,” vì những gì bị phanh phui trong đó.
Tác giả Stephen B. Young tốt nghiệp đại học Harvard College và trường luật Harvard Law School, từng là phụ tá Trưởng Khoa Luật Harvard Law School, Trưởng Khoa Luật đại học luật Hamline University School of Law. Từng giảng dạy tại đại học University of Minnesota, đại học University of Minnesota Law School.
Trong chiến tranh Việt Nam, Giáo Sư Young phục vụ trong Cơ Quan Phát Triển Quốc Tế Hoa Kỳ (USAID) tại Nam Việt Nam từ năm 1968 đến 1972 trong chương trình Bình Định và Phát Triển Nông Thôn. Ông từng là phụ tá đặc biệt chuyên trách kinh tế thuộc Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ Sài Gòn. Tháng Tư, 1975, ông khởi xướng chương trình định cư người tị nạn Việt Nam tại Hoa Kỳ, và nhiều chương trình khác cho phép thuyền nhân Việt Nam và nhiều sắc dân Lào, Cambodia, và Việt Nam được định cư tại Hoa Kỳ.
Quang cảnh lễ tưởng niệm cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy lần thứ 34 và kỷ niệm 100 năm tuổi của ông. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Giáo Sư Stephen B. Young cùng Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy đã viết sách “Truyền Thống Nhân Quyền tại Trung Quốc và Việt Nam,” và cùng nhau tranh đấu mấy mươi năm qua cho nền tự do độc lập và dân chủ pháp trị của Việt Nam. Giáo Sư Young có vợ Việt Nam và ông nói tiếng Việt trôi chảy theo giọng miền Nam.
Sự nghiệp của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy là cả cuộc đời dấn thân cho một Việt Nam Dân Chủ-Phú Cường. Ông là một chiến lược gia về hành chánh lẫn chánh trị, một nhà thơ với những bài thơ ái quốc nổi tiếng, ông đã xả thân cho quê hương nhưng tiếc thay ước mơ của ông chưa trọn vẹn.
Mọi người cùng vỗ tay hòa nhịp hát vang bài “Thề Không Phản Bội Quê Hương” và “Việt Nam Việt Nam” để kết thúc chương trình. [qd]