VĂN HÓA ONLINE - ĐỊA LÝ NHÂN VĂN - THỨ HAI 08 JULY 2024
Pháp: Liên hoan Nhiếp ảnh Quốc tế Arles. An Giang VN: Tảng đá ‘giống hệt’ nhà sư Thích Minh Tuệ
Nhật Bản: Khách mời danh dự của Liên hoan nhiếp ảnh quốc tế Arles 2024
Liên hoan nhiếp ảnh quốc tế Arles (Les Rencontres de la photographie d’Arles) lần thứ 55, vừa khai mạc tại thành phố Arles ở miền nam nước Pháp hôm 01/07, đã chọn khách mời danh dự là Nhật Bản.
RFI 06/07/2024
Một tác phẩm của nữ nhiếp ảnh gia Nhật Bản Ninagawa Mika trong khuôn khổ triển lãm "Rất vui được gặp bạn" tại Liên hoan nhiếp ảnh Arles, 06/07/2024. © Thanh Phương/RFI
Từ thành phố Arles, đặc phái viên Thanh Phương tường trình:
Liên hoan nhiếp ảnh Arles năm nay dành đến 5 cuộc triển lãm cho xứ sở hoa anh đào, đặc biệt là triển lãm mang tên "Rất vui được gặp bạn" (Quelle joie de vous voir), trưng bày các tác phẩm của 26 nữ nhiếp ảnh gia Nhật Bản từ thập niên 1950 đến nay, gồm những người nổi tiếng cũng như những người chưa ai biết đến.
Qua các bức ảnh của những nghệ sĩ này, ta có thể biết được cái nhìn của họ về xã hội Nhật Bản, về lịch sử Nhật Bản, nhất là về thái độ của họ đối những vai trò áp đặt lên phụ nữ trong xã hội nước này.
Nữ nhiếp ảnh gia Nhật Bản kỳ cựu, Ishiuchi Miyako, vừa được trao giải Women In Motion 2024 về nhiếp ảnh tại Liên hoan Arles ngày 02/07, cũng được vinh danh qua một cuộc triển lãm quy tụ một số loạt ảnh nổi tiếng của bà, đặc biệt là loạt ảnh Mother’s, trong đó có những bức ảnh về người mẹ đã quá cố.
Tối 04/07, công chúng đã rất thú vị khám phá cuộc sống của những Ama, tức là những phụ nữ Nhật Bản chuyên nghề lặn để mò hải sản, ngọc trai, theo truyền thống có từ 2.000 năm trước, qua bộ phim tài liệu của nữ đạo diễn và nữ nhiếp ảnh gia Bồ Đào Nha Claudia Varejao.
Bộ phim này chính là sự tiếp nối cuộc triển lãm Ama của nhiếp ảnh gia Nhật Bản nổi tiếng Uraguchi Kusukazu, người đã dành hơn 30 năm để ghi lại cuộc sống của những thợ lặn Ama trong vùng quê của ông.
Cũng lần đầu tiên tại Liên hoan nhiếp ảnh Arles, các nhiếp ảnh gia Nhật giới thiệu những bức ảnh của họ về thảm họa hạt nhân Fukushima ngày 11/03/2011 trong cuộc triển lãm tập thể mang tên Dư chấn (Répliques), một dịp để công chúng châu Âu hiểu rõ hơn những hậu quả xã hội và môi trường của thảm họa mà nay vẫn tiếp tục ám ảnh người Nhật. Giống như những dư chấn vô tận.
https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20240706-nh%E1%BA%ADt-b%E1%BA%A3n-kh%C3%A1ch-m%E1%BB%9Di-danh-d%E1%BB%B1-c%E1%BB%A7a-li%C3%AAn-hoan-nhi%E1%BA%BFp-%E1%BA%A3nh-qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF-arles-202
+++++++++++++++++++++++++++++++
Tảng đá ‘giống hệt?’ nhà sư Thích Minh Tuệ
Tảng đá ở trong một khu rừng tỉnh An Giang-miền nam Việt Nam được cho là ‘giống hệt?’ nhà sư Thích Minh Tuệ nhưng nhà nước cáo buộc phạt hành chính vì đăng thông tin không đúng.
An Giang phạt hành chính hai người đăng tin về tảng đá giống sư Thích Minh Tuệ
05/7/2024
Hình chụp từ video: Tảng đá được cho là giống hình sư Thích Minh Tuệ lan truyền trên YouTube
YouTube/Phật pháp và Đời sống
Hai người dân bị cơ quan chức năng tỉnh An Giang mời làm việc và xử phạt hành chính với cáo buộc đăng thông tin không đúng về tảng đá có hình dạng như sư Thích Minh Tuệ.
Phòng An ninh Mạng & Phòng/Chống Tội phạm Sử dụng Công nghệ cao và Công an tỉnh An Giang vào chiều ngày 4/7 cho biết đã phối hợp với Thanh tra Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh này làm việc và quyết định xử phạt hành chính 10 triệu đồng đối với hai người dân theo cáo buộc vừa nêu.
Các cơ quan này cho biết qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, họ phát hiện hai tài khoản mạng xã hội YouTube của ông H.V.T. (sinh năm 1992 ngụ tại tỉnh Kiên Giang) và ông T.T.H. (sinh năm 1984, ngụ tại tỉnh An Giang) đăng những video về việc xuất hiện tảng đá có hình người giống hiện thân sư Thích Minh Tuệ tại phường Thới Sơn, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang.
Cơ quan chức năng cho rằng đó là hành vi vi phạm khoản 1, Điều 101 Nghị định số 15 về “quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử”.
Cơ quan chức năng tỉnh An Giang cho rằng hai người mới vi phạm lần đầu, thành khẩn khai báo và gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên chỉ xử phạt hành chính mỗi người năm triệu đồng.
Nhiều người tại Việt Nam tiếp tục quan tâm đến trường hợp sư Thích Minh Tuệ đột nhiên mất tích đã hai lần mà theo truyền thông Nhà nước là tự nguyện ẩn tu.
Như tin đã loan, vào ngày 1/7, một người em trai của Sư Thích Minh Tuệ đã thay mặt cha mẹ gửi đơn trình báo đến Công an tỉnh Gia Lai nhờ tìm kiếm tung tích của vị Khất sĩ này sau gần 20 ngày mất tích.
Nội dung bức thư trình báo được công khai nêu rõ “Sau gần 20 ngày, gia đình hoàn toàn không hay biết về tình trạng tinh thần và sức khỏe của Sư Minh Tuệ nên gia đình chúng tôi nói riêng và rất nhiều Phật tử yêu quý ông Thích Minh Tuệ (Lê Anh Tú) trong nước và quốc tế nói chung đều đang rất hoang mang, lo lắng”.
Nhà sư Thích Minh Tuệ và tăng đoàn hơn 70 khất sĩ mất tích lần thứ nhất hồi rạng sáng ngày 3/6 khi các vị bộ hành từ Bắc vào Nam khi nghỉ chân tại xã Hương Thọ, thành Phố Huế và bị Công an bố ráp.
Sư Thích Minh Tuệ, thế danh Lê Anh Tú sinh năm 1981, tu theo 13 hạnh Đầu đà của Phật giáo. Phật giáo Việt Nam, giáo hội được Chính phủ Hà Nội công nhận, thông báo Sư Thích Minh Tuệ không phải tu sĩ của giáo hội này.
Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết nhà sư khổ hạnh Thích Minh Tuệ - người đang thực hành 13 đạo đầu đà của Đức Phật và đã đi bộ hành dọc Việt Nam nhiều lần suốt sáu năm qua - đã tự nguyện dừng bộ hành dọc đất nước và quyết định đi ẩn tu.
Hôm 03/6/2024, sau khi đoàn tu của sư Thích Minh Tuệ bị giải tán, sư Phúc Giác đã xuất hiện trên một đoạn video được lan truyền trên mạng xã hội cho biết chi tiết công an đã khống chế sư Thích Minh Tuệ như thế nào. Ông nói:
“"Một người tu đang ngồi thiền mà năm ông đè ra làm gì? Thầy đâu có chống cự đâu mà người tu lấy gì mà chống cự. Ban ngày mời mình lên trụ sở hỏi han thì được chứ nửa đêm mà bắt người ta trói tay vào thì sao được?"