Tony Lâm và con đường thành Dân cử gốc Việt đầu tiên tại Hoa Kỳ

03 Tháng Năm 20237:39 SA(Xem: 998)

VĂN HÓA ONLINE – ĐỊA LÝ NHÂN VĂN – THỨ TƯ 03 MAY 2023

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về Email: lykientrucvh@gmail.com


Tony Lâm và con đường thành Dân cử gốc Việt đầu tiên tại Hoa Kỳ

image003

Đoan Trang
01/5/2023


image005Ông Tony Lâm trước tư gia tại thành phố Westminster, hình chụp Tháng Ba, năm 2023 (ảnh: Đoan Trang)


Trong số chính trị gia gốc Việt tại Hoa Kỳ, không thể không nhắc ông Tony Lâm, người Mỹ gốc Việt đầu tiên bước chân vào nghị trường dòng chính, trong vai trò nghị viên của thành phố Westminster, Orange County, Nam California, và là dân cử gốc Việt đầu tiên ở Hoa Kỳ.


Ông Tony Lâm từng là một doanh gia có tiếng tại Sài Gòn trước 1975, với các nhà máy sản xuất đồ khô, đồ hải sản đông lạnh ở Sài Gòn, Chợ Lớn. Công ty của ông còn ký được nhiều hợp đồng lớn bốc dỡ hàng cho quân đội Hoa Kỳ ở bán đảo Cam Ranh. Nhưng biến cố năm 1975 khiến cả gia đình ông phải bỏ lại tất cả, vĩnh biệt Sài Gòn vào ngày 24 Tháng Tư 1975.


Những ngày đầu trên đất Mỹ


Sau ba tháng ở đảo Guam, rồi trại tị nạn, Tháng Chín năm 1975, ông về California. Thời gian đầu, ông đi xin việc ở trạm xăng, được 15 ngày thì tìm được việc làm cho nhà thầu sản xuất đạn thực tập cho Hải Quân Hoa Kỳ. Một tháng sau, người anh rủ ông đi bán bảo hiểm. Ông thích công việc này vì có thời giờ đưa đón con đi học. Ông nhớ lại, vùng đất trù phú của cộng đồng người Việt ngày nay hồi đó vắng hoe, cư dân rải rác, hàng hóa cũng ít nên ai muốn mua nhiều đồ, phải lên Chinatown ở Los Angeles.


“Khi ấy, đường Bolsa còn nhiều chỗ trống lắm,” ông Lâm kể. “Chỉ có vài mobile home, có cơ sở làm gạch men, vườn ươm, vườn trồng dâu, vườn cam, vài building cũ kỹ một tầng, như của dược sĩ Quách Nhứt Danh, văn phòng nha sĩ Dư Thị Mỹ Lan,… Cũng có vài chợ nhỏ trên đường Bolsa, như chợ Quê Hương, tiệm Hòa Bình, văn phòng địa ốc của ông Triệu Phát (chủ Thương xá Phước Lộc Thọ),… Những xây cất đầu tiên là ở khu Nguyễn Huệ, rồi tới Song Long, khu nhà hàng Hoài Hương, chợ Quê Hương, cơ sở bán máy photocopy của Mỹ, sau này có chi nhánh của công ty bảo hiểm do anh em tôi điều hành, bên kia đường có tiệm bán vải Xuân Loan, và một tiệm vàng nhỏ xíu.”


image007Ông Tony Lâm (trái) dựng bảng tranh cử nghị viên Westminster năm 1992 (ảnh: Tony Lâm cung cấp)


Ông Lâm hồi tưởng, thời đó, dược sĩ Quách Nhứt Danh làm dịch vụ gửi thuốc về Việt Nam, kiếm bộn tiền, nên hùn với ông Triệu Phát, mua được phần đầu của khu nhà băng Wells Fargo mà ở phía sau là khu mobile home. Lúc ấy ông Lâm cũng làm thêm dịch vụ xin thẻ xanh hoặc đổi bằng quốc tịch,… Ông phải thức lúc 5 giờ sáng để đi lấy số ở các cơ quan làm giấy tờ, rất cực, mà phí dịch vụ thì không bao nhiêu, ví dụ $10 cho dịch vụ xin thẻ xanh. Thấy ai nghèo khổ, ông lại làm miễn phí.


May sao lúc đó ông ký được hợp đồng với Air France gửi hàng về Việt Nam, và được Air France cargo ứng trước $30,000 để trả lương nhân viên, sửa sang tầng lầu Song Long làm văn phòng. Đó là dịch vụ gửi hàng đầu tiên ở phố Bolsa. Ông Lâm có hai nhân viên là ông Trần Đình Thục và cô Nam Trân. Họ đi thu hàng của các tiệm muốn gửi về Việt Nam. Hồi đó, mỗi người chỉ được gửi ba pound nhưng bà con kéo nhau đi gửi hàng rất đông.


Và như nhiều người Việt khác ở thời điểm đó, ông Tony Lâm phải bươn chải làm thêm để kiếm đủ trang trải sinh hoạt gia đình. Ông kể, có lúc, vợ ông – bà Lâm Mậu Hợp – làm khô bò. Ông Lâm phụ vợ, 5 giờ sáng lái xe lên Vernon, Los Angeles mua thịt bò về cho vợ làm, khi ra thành phẩm, ông lại chở khô bò lên tiệm Đông Phương trên Los Angeles bán lại, kiếm được kha khá. Sau này, ông mở tiệm, bán đu đủ bò khô; bánh cuốn Thanh Trì; sau bán thêm bún riêu, bún ốc, bánh đúc đậu rán, bánh tôm Cổ Ngư, bún chả,… toàn món miền Bắc. Khách tới đông, nên từ một căn, ông thuê luôn ba căn…


image009Nữ tài tử Kiều Chinh (cầm microphone) nói chuyện với ứng cử viên Tony Lâm mùa bầu cử năm 1992 (ảnh: Tony Lâm cung cấp)


Tham chính


Thời điểm đó, cộng đồng người Việt bắt đầu phát triển và những nhu cầu mới phát sinh. “Khoảng Tháng Tư năm 1976, ông Đặng Văn Sung và bà Mai Công tổ chức buổi họp trong building trên đường Broadway và đường số 1, nói rằng chúng ta cần có tổ chức đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau để mọi người có cuộc sống ổn định,” ông Tony Lâm kể. “Cuộc họp chỉ kéo dài hơn tiếng đồng hồ, ai về nhà nấy.”


Bốn năm sau, năm 1980, ông Tony Lâm lập Phòng Thương Mại Việt Nam – Nam California, với ông Phiêu Chinh làm chủ tịch, thành viên có ông Lưu Hùng Sơn, Trần Kim Lưu và Phạm Đình Tuân. Riêng ông Lâm tổ chức thêm Hội thiện nguyện Lion Club để giúp người tật nguyền, mù lòa. Sau đó ông Tony Lâm cùng ông Trần Minh Công và bà Dạ Yến lập Hội Liên Hiệp Cộng Đồng. Đây là tổ chức non-profit, chủ yếu phục vụ cộng đồng.


Phải đến một sự kiện ồn ào khác thì ông Tony Lâm mới cảm thấy rằng việc cộng đồng người Việt muốn mạnh thì phải tham chính chứ không chỉ làm ăn buôn bán. Ông Tony Lâm kể, năm 1989, khi Hội Cựu Chiến Sĩ Quân lực VNCH ra Hội đồng thành phố xin tổ chức ngày Quân Lực VNCH 19 Tháng Sáu, nghị viên Frank Fry không những không đồng ý mà còn bài xích. Ông Frank Fry nói: “Đây là nước Mỹ, nếu Hội cựu binh các ông muốn tổ chức ngày quân lực VNCH thì về Việt Nam mà tổ chức”. Phát biểu của Frank Fry tất nhiên gây phẫn nộ trong cộng đồng người Việt tại Little Saigon.


image011Nghị Viên Tony Lâm ngồi trên bàn họp (thứ hai từ trái) Hội Đồng Thành Phố Westminster (ảnh: Tony Lâm cung cấp)


Tức giận, ông Lâm liên lạc với Michael Robin Jackson, là host của Đài KABC Radio, nói rằng ông muốn đài tổ chức phát sóng buổi tranh luận trực tiếp của ông với nghị viên “xấc xược” Frank Fry. KABC Radio đồng ý nhưng Frank Fry đánh bài chuồn. Vài tháng sau, chính Frank Fry lại ngỏ ý mời ông Lâm đảm nhiệm chức ủy viên thành phố, với một “điều kiện”: “Một khi tôi chỉ định anh vào chức vụ này, anh phải là người của tôi.” Ông Lâm hỏi lại: “Ông chỉ định tôi vào chức vụ này nhưng Hội đồng nghị viên quyết định phải không?” Frank Fry trả lời: “Đúng!” Ông Lâm nói tiếp: “Nếu Hội đồng nghị viên quyết định, tôi phải phục vụ tất cả sắc dân trong thành phố và tôi sẽ không phải là người của ông. Cảm ơn ông!”


Từ sự kiện trên, ông Tony Lâm tin rằng chỉ có con đường gia nhập vào dòng chính của Mỹ mới có thể giúp cộng đồng người Việt tránh được những vụ o ép tương tự. Hơn nữa, ông cũng nhận thấy người Việt còn gặp nhiều khó khăn khác, chẳng hạn xin giấy phép xây cất hoặc mở tiệm, do trở ngại về ngôn ngữ. Cuối cùng, năm 1992, ông Tony Lâm quyết định tranh cử nghị viên thành phố để góp tiếng nói bảo vệ cộng đồng. Lúc này ông đã 56 tuổi. Các ứng cử viên khác, ngoài Jimmy Tòng Nguyễn, thành viên ban nhạc Shotgun của Nguyễn Ngọc Chánh, bà Margie Rice, Ủy viên Học khu Westminster, còn có ba người Mỹ khác.


image013Sự kiện ông Tony Lâm, người Mỹ gốc Việt đầu tiên đắc cử vào bộ máy công quyền Mỹ, trên tờ The New York Times ngày 16 Tháng Mười Một 1992


image015Hành khách đứng đợi tại trạm xe buýt góc Brookhurst và Bolsa Ave ở thành phố Westminster, nơi được thiết kế có hình Á đông, mái đỏ, từ ý tưởng đề xướng của nghị viên Tony Lâm (ảnh: Geraldine Wilkins/Los Angeles Times via Getty Images)


Do biết Anh ngữ, giao tiếp tốt, chiến dịch tranh cử của ông Lâm có sự hậu thuẫn từ cảnh sát, thị trưởng, giới chủ sở hữu mobile home địa phương, và thậm chí cư dân tại những khu vực ít người Việt sinh sống. Cuộc vận động kéo dài từ Tháng Năm đến đầu Tháng Mười Một 1992, với kết quả, ông Tony Lâm dẫn đầu với hơn 3,000 phiếu, hơn bà Rice 138 phiếu (ứng cử viên Jimmy Tòng Nguyễn được 1,500 phiếu, ba người còn lại được số phiếu rất thấp).


image017Ông Tony Lâm tại phòng làm việc của mình ở thành phố Westminster. (ảnh: Tony Lâm cung cấp)


Ngay sau khi đắc cử, ông Tony Lâm lập “Target Team” với chuyên trách truy lùng tội phạm, đặc biệt thành phần đột nhập gia cư bất hợp pháp. Trước đó, tỷ lệ tội phạm ở thành phố Westminster là trên 60%, đến khi có đội “Target Team” mà ông luôn làm việc sát sao, cùng với cảnh sát, tỷ lệ tội phạm giảm còn 47%.


image019Ông Tony Lâm trong một lần trao đổi công việc với “Target Team”. (ảnh: Tony Lâm cung cấp)


Ông Lâm tiếp tục đắc cử nhiệm kỳ thứ hai (1994-1998). Năm 1995, ông làm được việc mà sáu năm trước bị Frank Fry từ chối, là tổ chức kỷ niệm Ngày Quân lực VNCH đầu tiên, có cả chục ngàn người đến dự.


image021Ông Tony Lam, năm 72 tuổi, hình chụp năm 2008 khi ông đã rời chính trường (ảnh: Allen J. Schaben/Los Angeles Times via Getty Images)


Trong nhiệm kỳ của mình, nghị viên Tony Lâm kiên trì chấn chỉnh Đại lộ Bolsa để ngày thêm khang trang. Nhiều lần, ông kêu gọi Hướng Đạo làm sạch đẹp đường phố, xin thành phần cấp ngân sách làm các trụ đèn trang trí, cho trồng cây kiểng ở các ngã tư, bỏ cột điện gỗ, chôn dây diện dưới lòng đất, làm các trạm xe bus với hình Á châu trên Đại lộ Bolsa.


Ông Lâm phục vụ Hội đồng Thành phố mười năm, trong ba nhiệm kỳ, cho đến khi ông quyết định không tiếp tục tham gia tranh cử năm 2002 vì cảm thấy mệt mỏi. Những gì ông làm cho cộng đồng có thể xem là tiền đề cho sự tiếp nối của những người trẻ như cựu Dân biểu Tiểu bang Trần Thái Văn, cựu Dân biểu Liên bang Cao Quang Ánh, cựu Thị trưởng thành phố Westminster Tạ Đức Trí, cựu Thị trưởng thành phố Garden Grove Nguyễn Bảo, Thượng nghị sĩ Janet Nguyễn… và nhiều chính trị gia gốc Việt khác.


Nguồn: https://saigonnhonews.com/nua-the-ky-little-saigon/tony-lam-va-con-duong-tro-thanh-dan-cu-goc-viet-dau-tien-tai-hoa-ky/


image023Ông Tony Lâm, cựu nghị viên Westminster và cũng là dân cử gốc Việt đầu tiên của Hoa Kỳ, đứng trước công viên mang tên mình, công viên đầu tiên ở Mỹ mang tên người Việt. (ảnh: Trà Nhiên)


Ngày 3 Tháng Năm 2022, Park West Park – công viên công cộng nằm ngay trung tâm Little Saigon, được đổi tên thành Tony Lam Park, nhằm vinh danh sự cống hiến và phục vụ cộng đồng của nghị viên gốc Việt đầu tiên tại Mỹ – ông Tony Lâm. Đây cũng là công viên mang tên người Việt đầu tiên ở Mỹ.


__________


Bài viết được thực hiện từ các cuộc phỏng vấn ông Tony Lâm vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023, trong khuôn khổ chương trình NỬA THẾ KỶ LITTLE SAIGON của Saigon Nhỏ.

13 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 553)