Đàm phán Nga-Mỹ về Ukraina: Tên lửa và hoạt động quân sự

10 Tháng Giêng 20225:26 SA(Xem: 2523)

VĂN HÓA ONLINE – DIỄN ĐÀN 4 - CHỦ NHẬT 09 JAN 2022

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Đàm phán Nga-Mỹ về Ukraina: Tên lửa và hoạt động quân sự


09/01/2022


image031Thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ bà Wendy Sherman (P) và đồng nhiệm Nga Sergei Ryabkov dẫn đầu hai phái đoàn đàm phán về Ukraina tại Genève (Thụy Sĩ) trong hai ngày 09-10/01/2022. Ảnh minh họa. Handout Permanent Mission of Russia/AFP/File


Thanh Hà


Vài giờ trước cuộc họp Nga – Mỹ tại Genève (Thụy Sĩ) về tình hình Ukraina ngày 09/01/2022, tòa Bạch Ốc tuyên bố trên cơ sở nguyên tắc "có qua có lại", Washington sẵn sàng thảo luận với Matxcơva để đôi bên cùng "giới hạn các hoạt động quân sự và việc triển khai các hệ thống tên lửa" trên lãnh thổ Ukraina.


Trên nguyên tắc vào chiều ngày 09/01/2022, phái đoàn hai nước bắt đầu các cuộc đàm phán dự trù trong hai ngày 09-10/01. Trước đó, một quan chức trong chính quyền Mỹ được AFP trích dẫn cho biết "Đôi bên có thể đạt được một số tiến bộ trên một vài lĩnh vực" với điều kiện là đó phải là những cam kết "hai chiều".


Nguồn tin này rói rõ hơn: "Mỹ hoàn toàn không có ý định triển khai một hệ thống tên lửa tấn công trên lãnh thổ Ukraina". Đây chính là điều mà Matxcơva cho là một mối đẹ dọa đối với an ninh của nước Nga. Tòa Bạch Ốc cũng để ngỏ khả năng tại Genève lần này, đôi bên bắt đầu đàm phán về một hiệp định mới liên quan đến tên lửa tầm trung thay thế cho hiệp định INF. Đây là một hiệp định Hoa Kỳ đã ký kết với Liên Xô năm 1987 nhằm giới hạn khối lượng tên lửa có tầm bắn từ 500 đến 5000 km.


Một băn khoăn khác của điện Kremlin liên quan đến quy mô các cuộc tập trận do Hoa Kỳ và NATO tiến hành gần lãnh thổ Nga. Về điểm này, quan chức của tòa Bạch Ốc cho biết Washington sẵn sàng thảo luận về khả năng "đôi bên cùng hạn chế quy mô và phạm vi" của các cuộc thao diễn quân sự. 


Trong khi đó, về phía Matxcơva, trưởng đoàn đàm phán Nga, Serguei Riabkov sáng nay duy trì áp lực với tuyên bố sẽ "không chấp nhận bất kỳ một nhượng bộ nào", đồng thời Nga "thất vọng về những tín hiệu mà Mỹ và cả Liên Hiệp Châu Âu đưa ra trong những ngày vừa qua". Phải chăng đại diện của Nga muốn nói đến một số thông tin theo đó Washington và Bruxelles đã chuẩn bị sẵn một danh sách các biện pháp trừng phạt nhắm vào Matxcơva trong trường hợp Nga xâm chiếm Ukraina ?


Thông tín viên Loubna Anaki từ New York phân tích lập trường của Mỹ:


Đối với người Mỹ, mục tiêu nhằm gửi đến Vladimir Putin một thông điệp khá rõ ràng. Đây là cách để cảnh cáo đối phương trước khi khởi động đàm phán. Washington và các đồng minh đã soạn thảo sẵn một danh sách hàng loạt các biện pháp trừng phạt về mặt quân sự, kinh tế và cả công nghệ để có thể áp dụng trong trường hợp Ukraina bị xâm lấn.


Các nhà ngoại giao tiết lộ với báo New York Times một số chi tiết của danh sách, chẳng hạn như Mỹ dự trù cô lập các định chế tài chính lớn của Nga trên thị trường quốc tế nhằm làm suy yếu kinh tế nước này.


Một biện pháp trừng phạt khác cũng được đề cập tới liên quan đến khả năng ngừng xuất khẩu một số mặt hàng của Mỹ cần thiết trong ngành công nghiệp của Nga, thí dụ như đối với lĩnh vực công nghiệp vũ trụ không gian, hay ngành chế tạo vũ khí vốn rất được tổng thống Vladimir Putin ưu ái. Washington cũng có thể cấm xuất khẩu sang Nga một số mặt hàng tiêu thụ như điện thoại, hay máy tính.


Ngoài ra Hoa Kỳ còn dự trù cung cấp vũ khí cho Ukraina để đối phó với các lực lượng của Nga trong trường hợp cần thiết.


Với việc để rò rỉ những thông tin này, Mỹ hy vọng gây ảnh hưởng lên những quyết định của tổng thống Putin. Nhiều quan chức lo ngại Matxcơva quyết định lấn chiếm Ukraina nếu như điện Kremlin đánh giá đàm phán tại Genève lần này không đáp ứng được những kỳ vọng của nước Nga.