Gs Trần Anh Tuấn: Hồi đáp một bài trả lời

17 Tháng Mười Một 20217:17 SA(Xem: 2711)

VĂN HÓA ONLINE – DIỄN ĐÀN 4 - THỨ TƯ 17 NOV 2021

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


LỜI TÒA SOẠN: Sáng ngày 16/11/2021, Văn Hóa Online đã post lên trang nhất bài Tr li bài viết “V giáo sư Lâm Vĩnh Thế ca ông Lâm Vĩnh Thế. Cùng ngày, vào lúc 10:05 PM, tòa soạn nhận được bài viết của Gs Trần Anh Tuấn qua email tựa đề: Hồi đáp một bài trả lời”.


Sáng nay 17/11/2021, tòa soạn tiếp tục đăng tải bài viết của Gs Tuấn hầu đáp ứng thời điểm nóng hổi cuộc đối thoại giữa hai niên trưởng khả kính.


Trên tinh thần nhân văn học thuật và cùng nhau đi tìm sự thật, trân trọng cảm tạ hai vị niên trưởng đã hào hiệp đóng góp ý kiến vào mục DIỄN ĐÀN của Văn Hóa Online.  


Mời quý bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây của Gs Trần Anh Tuấn.


Thay mặt Văn Hóa Online, Lý Kiến Trúc.  


Hồi đáp một bài trả lời

image001

Trần Anh Tuấn


 


4g52 sáng ngày 16.11.2021, tôi nhận được Lời Nhắn (Message) của chủ nhiệm Lý Kiến Trúc là ông vừa nhận được bài viết của giáo sư Thế trả lời bài “Về giáo sư Lâm Vĩnh Thế” của tôi.


Tôi phúc đáp ngay là tôi luôn luôn hoan nghênh sự trao đổi giữa tôi và độc giả và tôi sẽ có phần trả lời. Tôi cũng báo ông Chủ Nhiệm biết là tôi sẽ không trả lời nếu giáo sư Thế không giữ được chữ Lễ của những người có học xuất thân thời VNCH. 


Sáng ra, Chủ Nhiệm Lý Kiến Trúc gửi tôi nhật báo Văn Hóa online số ra ngày 16.11 trong có bài của giáo sư Thế. Tôi đã đọc, và thấy bài viết đã không giữ được nguyên chữ Lễ, nhưng cũng không thể xét là hoàn toàn thiếu Lễ.


Do đó, đây là bài trả lời của tôi.


Làm việc trong ngành Thư-tịch-học, trước mặt tôi chỉ là những trang chữ đen và giấy trắng, mà không có ai quen hay sơ, cũng không có ai yêu hay ghét. Thành ra, tôi đã đụng chạm và gây ác cảm với một vài người. Mới đây nhất là giáo sư Thế.


Trong bài tôi viết, hình năm người đi bát phố Bonnard trong sách Trường Petrus Ký Trong Tâm Tưởng của giáo sư Thế là năm vị giáo sư Petrus Ký, không phải năm học trò Petrus Ký như tôi đã ghi. Chi tiết này thì giáo sư Thế đúng, mà ghi chú của tôi sai. Cám ơn giáo sư Thế sửa sai.


Trong bài viết, tôi ghi giáo sư Đặng Phương Nghi là Giám Đốc Văn Khố và Thư Viện Quốc Gia VNCH những năm 1966-1975. Thực ra, Giáo sư họ Đặng chỉ giữ chức vụ trong thời gian 1966-70. Chi tiết này thì giáo sư Thế đúng, tôi sai. Cám ơn. 


Trong cuối bài viết, tôi ghi lại hình ảnh của hai bìa sách trưng bầy chân dung các tác giả. Đây là hiện tượng bất thường trong suốt bốn thập niên (1975-2021). Nhưng câu tôi viết về nhận xét của cụ Huỳnh Văn Lang đã gây hiểu lầm.


Nay xin nói lại cho rõ. Cụ Lang kết luận Nguyễn  Hữu Hanh ba xạo căn cứ vào nội dung sách Làm Việc Với Các Nhân Vật Danh Tiếng Thế Giới không liên hệ gì đến sách của giáo sư Thế. Cụ Huỳnh phê bình Nguyễn Hữu Hanh ba xạo vì Cụ là láng giềng Nguyễn Hữu Hanh trên tầng 4 của Ngân Hàng Quốc Gia trong sáu năm (1955-1962), nên Cụ biết rõ tư cách của viên cựu Thống Đốc Ngân Hàng Quốc Gia và Việt Nam Thương Tín này. Câu văn của tôi đúng là không chính xác cho nên giáo sư Thế nổi giận là phải. Ý của tôi chỉ là hai tác giả có một điểm giống nhau, là đưa chân dung cá nhân mình lên bìa sách.


Còn Ba xạo lộng ngôn là chỉ Nguyễn Hữu Hanh. Ba xạo là chữ của cụ Huỳnh Văn Lang, lộng ngôn là chữ của tôi. Chứ bìa sách Tròn Nhiệm Vụ là cách diễn tả xác định, đơn giản và bình thường khác với Làm Việc Với Các Nhân Vật Danh Tiếng Thế Giới, có gì mà lộng ngôn?!  


Bài trả lời của giáo su Thế viết thêm, nguyên văn: bật cười vì chính bản thân Giáo sư Tuấn, đã từng là Thư Viện Trưởng của Thư Viện Hội Société des Études Indochinoises trong thời gian trước 1975 ở Việt Nam, và sau mấy chục năm sống tại Hoa Kỳ, cũng không có được cái bằng “nhan nhản” đó, để có thể tiếp tục công việc của ngành thư viện mà Giáo sư Tuấn đã có nhiều kinh nghiệm ở Việt Nam trước 1975.


Việt Nam chúng ta có câu: “Cười người hơn trước, hôm sau người cười” thật đúng trong trường hợp này.


Ngày 14.11, giáo sư Thế bật cười vì mấy chục năm ở Mỹ mà Trần Anh Tuấn không có được cái bằng MA thư viện khiến đương sự là tôi bật cười  ngày 16.11!


Đúng là tôi có kinh nghiệm về quản thủ thư viện vì tôi đã trông coi thư viện Société des Études Indochinoises và Thư Viện Ban Sử Học Đại Học Văn Khoa Sài Gòn trước năm 1975. Nhưng nào tôi muốn làm quản thủ thư viện như một nghề để cần phải lấy bằng cấp chuyên môn?!


Nghề chính của tôi là Giáo Sư Ban Sử Học Đại Học Văn Khoa Sài Gòn mà trong ngạch hành chính vẫn chỉ là Giáo Su Trung Học Đệ Nhị Cấp, hạng Tư! Có sao đâu?! Định cư vì lý do chính trị tại Mỹ ngày 13.11.1979, tôi đã nghiễm nhiên làm giáo sư chính ngạch của Học Khu Thống Nhất Oakland, California từ tháng 1.1980 cho đến khi về hưu tháng 6.2006.


Xin chia sẻ thêm là khi vượt thoát Việt Nam đến Nam Dương, phái đoàn Canada đến trại tạm cư Tanjung Uban phỏng vấn để nhận người vào Canada, tôi đã được nhận vì ghét Mỹ, tôi không muốn đi Mỹ. Trong thời gian chờ đợi, bạn bè và thân thuộc tại Mỹ khuyên tôi không nên đi Canada vì khó có việc làm tốt. Do đó, tôi lại chờ phái đoàn Canada đến để tìm cách từ chối.


Giáo sư Thế có biết tôi lấy cớ gì từ chối không đi định cư tại Canada không? Tôi xin vào gặp phái đoàn và hỏi họ là tôi vào Canada thì chỉ muốn làm Quản Thủ Thư Viện thôi, được không? Nhân viên Phái Đoàn hỏi lại là tôi là có bắng cấp gì về Thư-viện-học. Tôi đáp không có gì hết nhưng có kinh nghiệm thì nhân viên Phái Đoàn nói tôi cứ vào Canada rồi đi học về Thư Viện, nhân đó tôi từ chối vào Canada. Thực ra, tôi biết năm 1978 thì gốc quân nhân công chức VNCH từ các trại tỵ nạn ở Đông Nam Á được nhận vào Mỹ rất dễ dàng nên tôi mới dám thay đổi nước định cư. Quyết định của tôi cũng có hậu quả cá nhân, là phải chờ phái đoàn Hoa Kỳ đến phỏng vấn, thời gian chờ đợi thêm 6 tháng nữa nên con trai đầu lòng của tôi chào đời trong trại tỵ nạn, thay vì đi sớm thì cháu được sinh tại California.


Thêm một chi tiết nữa, là trong hai thập niên 1980-90, tôi được mời làm Cố Vấn cho Thư Viện Á Châu tại thành phố Oakland, California. Trước đó, danh vị này do lão sư Nguyễn Khắc Kham, cựu Giám Đốc Văn Khố và Thư Viện VNCH, cựu Tổng Thư Ký Ủy Hội UNESCO Việt Nam Cộng Hòa, nắm giữ. Và khi giáo sư Kham từ thành phố Oakland di chuyển về thành phố Hayward, Bắc California thì Thư Viện Oakland mời tôi thay Thầy Kham.


Vậy giáo sư Thế có thấy tôi cần phải lấy bằng MA như giáo sư Thế không, khi chính giáo sư Thế kết luận “bằng cấp và tài năng/sự nghiệp không đi đôi với nhau?! Hôm nay, câu chữ giáo sư Thế viết làm tôi bật cười là vì thế.


Còn nhận định của giáo sư Thế, nguyên văn là École Nationale des Chartes (chuyên về Văn Khố, mà chính Giáo sư Tuấn đã dịch là trường Cổ Điển Học) có hai chi tiết sai.


Cái sai nhỏ là giáo sư Thế xác định danh xưng trường Cổ Điển Học là do chính tôi dịch.  Không, tên trường Cổ Điển Học do một người tốt nghiệp là giáo sư Đặng Phương Nghi dịch trong bài “Trường Cổ Điển Học Ba-Lê và Phương Pháp Viết Sử” trong Tập San Sử Địa số 11 (Tháng 7-9, 1968). Tôi mắc mớ gì cái tên Trường này mà phán “chính Giáo sư Tuấn?!”


Cái sai lớn là giáo sư Thế KHÔNG NẮM VỮNG, NHƯNG LẠI VỘI VÀNG, NGHĨ VÀ TIN RẰNG MÌNH BIẾT RÕ (chữ chữ in của chính giáo sư Thế) khi xác định Trường École Nationale des Chartes chuyên về Văn Khố.


Không, Trường là nơi đào tạo sử gia qua phương pháp Sử với kỹ thuật tìm tài liệu, khảo chứng tài liệu, nhận định tài liệu, và sử dụng tài liệu để viết sử, theo bài dẫn thượng của giáo sư Đặng Phương Nghi.


Tôi cũng cần ghi thêm chi tiết để giáo sư Thế hiểu thế nào là Trường Cổ Điển Học Paris và kết luận của giáo sư Thế (trường chuyên về Văn Khố) xa thực tế đến chừng nào.


Học trình của Trường gồm bốn năm mà sinh viên phải khổ công học tập.


Năm thứ nhất có ba môn là Cổ Tự Học, Thư Tịch Học, và Bác ngữ học. Năm thứ hai có bốn môn, là Thư Tịch Học, Công Văn Thư Học, Nguyên Thư Học, và Pháp Chế Sử. Năm thứ ba có ba môn, là Nguyên Thư Học, Pháp Chế Sử, và Khảo Cổ Học. Năm thứ tư hoàn tất luận án tốt nghiệp và thực tập 3 tháng tại các thư viện và văn khố.


Chương trình tổng quát và sâu rộng như vậy, làm gì chỉ “chuyên về Văn Khố?!” Vì thế, xin trả lại lời thóa mạ của giáo sư Thế vốn dành cho người khác, nguyên văn kể cả chữ thường và chữ in: KHÔNG CÓ (nếu không muốn nói là bịa đặt, hay ít nhứt là KHÔNG ĐÚNG, hoặc cố tình LÀM CHO HIỂU SAI LỆCH)!


Không những thế, chuyện tuổi trẻ Việt Nam rất ít người tốt nghiệp École Nationale des Chartes thì giáo sư Thế viết là do tuổi trẻ Việt Nam không thích học trường này. Bằng chứng nào, bằng chứng ở đâu để giáo sư họ Lâm kết luận như vậy? Hay chỉ là lối cãi lấy được?


Hãy nhớ rằng thi vào Trường thì trước hết phải thông thạo La-tinh. Nguyên điều kiện này cũng khiến tuổi trẻ Việt Nam không dám ghi danh thi tuyển, chứ không phải không thích. Vì sinh viên đại học nào mà không thấy được tiền đồ khi tốt nghiệp: học xong là có cơ may phụ trách văn khố và thư viện của quốc gia mình?


Bài viết của giáo sư Thế có một số xuyên tạc.


Bài tôi viết nào khẳng định chĩ những ai tốt nghiệp trường Cổ Điển Học Paris mới làm Giám Đốc Văn Khố và Thư Viện Quốc Gia đâu. Đệ nhất Cộng Hòa VNCH từ năm 1955 đến 1966 khi giáo sư Nghi chưa thành tài về nước bộ không có ai làm Giám Đốc Nha này sao? Giáo sư Thế có biết lão sư Nguyễn Khắc Kham không? Cụ Kham làm gì? Và biết cụ Nguyễn Hùng Cường không? Cụ Cường làm gì?


Nhân trả lời tôi, giáo sư Thế một lần nữa trình bầy công trạng của ông trong ngành thư viện VNCH và CHXHCNVN. Cũng tốt. Đó là đóng góp của người chuyên môn, như trong bất cứ một ngành chuyên môn nào. Chẳng hạn như một vị bác sĩ y khoa về hưu có thể cho biết ông đã chữa bệnh và cứu sống từng này, từng này bệnh nhân.


Nhưng giáo sư Thế lập lại những thành quả của ông trong ngành chuyên môn là một việc. Còn kết luận sự tự đắc tự mãn về thành quả ấy là nhận định của tôi là việc khác, qua tựa sách Tròn Nhiệm Vụ của ông và qua hình ảnh của cá nhân ông chiếm trọn trang bìa. Ông tự hào là quyền của ông. Ông không thể bắt người khác kết luận thành quả của ông theo ý riêng chủ quan của ông được.


Lý do giáo sư Thế xin hai chính phủ Việt Nam hiện thời và Canada để được rời khỏi Việt Nam đi định cư tại Canada đã rõ trên giấy trắng mực đen do chính ngòi bút Lâm Vĩnh Thế vạch ra. Là “vì cuộc sống khó khăn (ở Việt Nam). Và khi đến Canada chiều ngày 23.9.1981 là “kết thúc 6 năm khốn cùng của gia đình tôi tại Việt Nam sau ngày 30.4.1975.”  Câu văn đơn giản và ý nghĩa cụ thể như thế. Nay giáo sư Thế xác định câu văn “chỉ đúng có một phần sự thật thôi,” là thế nào? Hay câu văn giáo sư Thế viết hàm ý hai chiều, chiều nào cũng có lợi cho giáo sư Thế? Tại hải ngoại, ông nại ra tình cảnh của xã hội Việt Nam và của cá nhân dưới chế độ Cộng Sản để đi định cư. Về lại trong nước, ông cho chính quyền hiện tại hiều là ông ra đi không phải vì chống Cộng, mà chỉ vì lý do kinh tế?!


Ngày nay, chuyện về làm việc tại Việt Nam đâu phải là chuyện cấm kỵ hay bất thường?! Đừng quên Việt Nam là quê hương bản quán của giáo sư Thế và của tôi, của tất cả cộng đồng gốc Việt tại Bắc Mỹ, nơi có họ hàng thân thích, có mồ mả tổ tiên. Cho nên, chỉ những ai có tật mới giật mình khi liên lạc với Việt Nam hiện nay mà thôi. Như dựng lên chuyện tôi chụp mũ giáo sư Thế thân Cộng.


Chi tiết giáo sư Thế viết, nguyên văn: “Giáo sư Tuấn chắc chắn biết rõ (lập trường chính trị của giáo sư Thế. TAT chú) nhưng đã lờ đi... Điều này cho phép chúng ta có thể đặt câu hỏi về sự lương thiện trí thức của Giáo sư Tuấn.”


Hóa ra giáo sư Thế tức bực vì tôi không đề cập đến quyển sách tựa đề Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa: Một Quân Đội Anh Hùng Bị Bức Tử mà ông rao bán trên Amazon từ ngày 16.6.2021 để biết ông chống Cộng đến bực nào.  Rồi giáo sư Thế xuyên tạc rằng “tôi biết nhưng lờ đi.”


Bây giờ tôi nói thẳng để giáo sư Thế biết vì sao tôi không bỏ thì giờ giới thiệu quyển sách này. Với tôi, sách không giá trị vì không khác gì đẩy cánh cửa đã mở toang từ lâu. Sách ca tụng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa mãi năm 2021 mới ra đời thì đi chậm cả nửa thế kỷ rồi. Chưa kể tựa đề đã tố cáo nội dung của sách. Ai xuất thân trong chế độ VNCH thì đã biết nội dung từ khuya, có cần đọc lại không? Còn độc giả trong chế độ CHXHCNVN thì xem sách hay vứt sách, thử hỏi?!


Tôi luôn luôn vụ sự thật và chỉ giới thiệu và phân tích những sử phẩm có giá trị, theo ý riêng và chủ quan của tôi, dĩ nhiên. Đừng quên tôi được huấn luyện tại Đại Học Văn Khoa để viết Sử. Còn Đại Học Sư Phạm chỉ là nơi được huấn luyện để dạy Sử! Hoàn cảnh xuất thân quan trọng là vậy!


Cuối cùng, bài viết của giáo sư Lâm Vĩnh Thế có một số kết án nặng nề, thêm độc ác vì xuyên tạc, và tự tiện xúc phạm cá nhân. Tôi kết luận “thiếu Lễ” là thế. Tôi chỉ ghi lại lời lẽ của giáo sư Thế, kể cả những phần viết chữ thường và chữ in, mà không có hồi đáp, như sau.


- Bài viết chứa đựng một số chuyện KHÔNG CÓ (nếu không muốn nói là bịa đặt, hay ít nhứt là KHÔNG ĐÚNG, hoặc cố tình LÀM CHO HIỂU SAI LỆCH.


- một số nhận định và trích dẫn có tính cách đánh lừa độc giả.


- Ông KHÔNG NẮM VỮNG, NHƯNG LẠI VỘI VÀNG, NGHĨ VÀ TIN RẰNG MÌNH BIẾT RÕ, VÀ PHÊ BÌNH VÀ DẠY DỖ NGƯỜI KHÁC.


- một người có lương thiện trí thức không bao giờ làm: chụp mũ người khác là thân Cộng.


- KHÔNG CÓ (nếu không muốn nói là bịa đặt, hay ít nhứt là KHÔNG ĐÚNG, hoặc cố tình LÀM CHO HIỂU SAI LỆCH),


- ông không còn giống như Giáo Sư Tuấn mà tôi đã quen biết và đã từng cộng tác: một người trí thức làm việc đàng hoàng và nghiêm túc.


- Chúng ta có thể đặt câu hỏi về sự lương thiện trí thức của Giáo sư Tuấn. 


- Tôi thành thật mong rằng trong tương lai quý độc giả sẽ cẩn thận, suy xét, và, nếu cần, kiểm chứng lại những gì Giáo sư Trần Anh Tuấn viết ra.


Đây không phải lần đầu, và chắc cũng không phải lần cuối tôi bắt gặp sự bất mãn và tức giận từ tác giả sách Sử xuất bản tại Bắc Mỹ do tôi giới thiệu, phân tích, và nhận định trong dự án 1975-2015, nay phát triển thành 1975-2021 vì tôi vẫn tiếp tục làm việc.


Và đó là cái giá tôi phải trả trong ngành Thư-tịch-học. Nhưng tôi không lưu tâm đến những ác ý hoặc vu cáo, dù có xúc phạm đến cá nhân tôi.


Bài hồi đáp này được viết vài giờ trong ngày 16.11. Lý do là tôi viết sự thật, không cần suy nghĩ hay nặn óc ráng nhớ vì sự thật đã sẵn ngay trong ngòi bút họ Trần.


Viết nhanh là vậy!


Trần Anh Tuấn

16.11.2021
13 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 552)