Trần Anh Tuấn: Về giáo sư Lâm Vĩnh Thế

10 Tháng Mười Một 20217:26 SA(Xem: 3008)

VĂN HÓA ONLINE – DIỄN ĐÀN 4 - THỨ BẨY 13 NOV 2021

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Về giáo sư Lâm Vĩnh Thế

image011

TRẦN ANH TUẤN


Lâm Vĩnh Thế, bút hiệu Vĩnh Nhơn, tốt nghiệp Ban Sử Địa Đại Học Sư Phạm Sài Gòn năm 1963, và Cao Học Thư Viện Đại Học Syracuse, New York năm 1973. Ông từng dạy tại trung học Kiến Hoà và Kiểu Mẫu Thủ Đức, và Đại Học Vạn Hạnh trước năm 1975.


Định cư tại Canada từ năm 1981, ông làm việc tại nhiều thư viện công tại Canada và cuối cùng là quản thủ thư viện Viện Đại Học Saskatchewan nơi ông về hưu năm 2006.


Giáo sư Lâm Vĩnh Thế viết nhiều bài nghiên cứu về thư-viện-học và giới thiệu các nguồn tài liệu về lịch sử Việt Nam trên các tuần báo và nguyệt san Thời Báo, Thời Mới, và  Kinh Doanh ở Canada và Thế Kỷ 21, Tập San Nghiên Cứu Văn Hoá Đồng Nai-Cửu Long, Dòng Sử Việt ở Hoa Kỳ.


Năm 2008, ông cho phát hành tác phẩm Bạch Hoá Tài Liệu Mật Của Hoa Kỳ Về Việt Nam Cộng Hòa (Ontario, Hoài Việt xb, 2008, 387 tr) và Đakao Trong Tâm Tưởng (Ontario, Hoài Việt xb, 2008, 175 tr). Đến năm 2010, ông in thêm một sử phẩm bằng hai ngôn ngữ, tiếng Việt có tựa đề Việt Nam Cộng Hòa 1963-1967: Những Năm Xáo Trộn và tiếng Anh  Republic of Vietnam 1963-67. Years of Political Chaos (Ontario, Hoài Việt xb, 2010, 295 tr).


Trái với tựa đề của sách, Tài Liệu Mật Của Hoa Kỳ Về Việt Nam Cộng Hòa chỉ  là  một phần nhỏ của sách. Trong tổng số 14 chương sách, chỉ có 5 chương là Tài Liệu Mật Của Hoa Kỳ Về Việt Nam Cộng Hòa.


Tài Liệu Mật... bao gồm tài liệu của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ về Ngô Đình Diệm, về Hoà Đàm Paris, và của cơ quan mật vụ CIA về nhà sư Thích Trí Quang, Phạm Ngọc Thảo, và Nguyễn Văn Thiệu.


Số chương và  phụ lục còn lại, là những bài viết về các biến cố trong thời khoảng 1965-68 tại VNCH. Nội dung sách cũng không phải là những bài viết mới của tác giả, mà chỉ là tập hợp những bài viết ông đã phổ biến trên Thời Báo, Thời Mới (tuần báo, Canada), Kinh Doanh (nguyệt san, Canada),  Thế Kỷ 21 (nguyệt san, California), và Dòng Sử Việt (quý san, California).


Các bài nghiên cứu của tác giả gồm nhiều đề tài khác nhau, là Cuộc chỉnh lý của Nguyễn Khánh 1.1964, Phật Giáo và chính phủ Trần văn Hương 1964-65, Khủng khoảng nội các VNCH tháng 5.1965, Liên danh Thiệu-Kỳ tháng 6-1967, và Mật Ước tháng 5.1968 giữa Nguyễn Cao Kỳ và Nguyễn Văn Thiệu.


Bài viết giúp ích độc giả một cách cụ thể và hữu ích nhất là bài tác giả trình bầy cách truy dụng (access, chữ rất hay của tác giả, nghĩa là truy cập để sử dụng) tài liệu mật của Hoa Kỳ về chiến tranh Việt Nam đã được bạch hóa (tr. 94-117).


Thật ra, giá trị của Bạch Hoá Tài Liệu Mật Của Hoa Kỳ Về Việt Nam Cộng Hòa không phải là bản dịch từ tài liệu nguyên bản Anh ngữ sang Việt ngữ.


Giá trị của sách là những Lời Mở Đầu, những Chú Thích, và những Lời Kết Luận của tác giả sau mỗi tài liệu. Đây là một đóng góp đáng kể mà kiến thức sâu rộng của người viết đã giúp độc giả hiểu thêm và hiểu sâu tài liệu, đồng thời vạch ra những chi tiết sai lầm của tài liệu.


Hai Phụ Đính về tiểu sử các nhân vật Việt Mỹ đương thời (tr. 310-355) cũng giúp độc giả thêm thông tin cá nhân về các tổng thống, tướng lãnh, đại sứ, và thành viên chính phủ hai nước.


Nhưng ai muốn khai thác tài liệu Tài Liệu Mật Của Hoa Kỳ Về Việt Nam Cộng Hòa, nếu có cơ hội,  nên sử dụng nguyên bản tiếng Anh để hiểu nội dung của tài liệu một cách chính xác (tuy rằng sự “chính xác” cũng chỉ là cách nói tương đối, vì “chính xác” còn tùy khả năng của  người khai thác tài liệu). Lý do là bản dịch của tác giả có một số điểm cần bàn.


Như tên tạp chí Bách Khoa biến thành Bách Hoa nơi trang 21. Như ngôn ngữ sử dụng không chỉnh và sai danh xưng chính thức như Viện Hối Đoái thành Sở Hối Đoái nơi trang 21... Như việc dịch theo nghĩa đen thay vì phải theo nghĩa bóng mới đúng vì khi người Mỹ nói “speak the same language” thì nghĩa đen là “nói cùng thứ tiếng” nhưng nghĩa bóng là “hiểu nhau, đồng ý với nhau.” Dịch sang Việt ngữ “nói cùng thứ tiếng” nơi trang 39 thì độc giả gốc Việt chỉ hiểu là cả hai cùng nói tiếng Việt hay cùng nói tiếng Anh, nên ý nghĩa của nguyên bản đã bị hiểu sai lạc.


Sách Đakao Trong Tâm Tưởng (Ontario, Hoài Việt xb, 2008, 175 tr) là một thứ “tâm bút” của tác giả. Ông hồi tưởng lại vùng đất ông sinh ra, lớn lên, và trưởng thành. Tức vùng Đa Kao, Sài Gòn.


Ông nhớ hết, từng con đường góc phố, từng món ăn thức uống. Ông diễn tả những trò chơi con nít thời niên thiếu một cách say mê và hùng hồn tưởng chừng như ông sẵn sàng săn tay cởi áo chơi tiếp bây giờ. Để chơi tạt hay bắn đạn, đánh đáo hay đánh trỏng (tức là đánh khăng theo trẻ em Bắc Kỳ), đá dế hay đá cá, búng hình hay búng phim, đá banh hay đá lon...


Cái tài tình của tác giả là trên mỗi con đường, ông kể vanh vách từng ngôi nhà từng cửa tiệm, từng ngôi biệt thự từng cư xá, từng rạp xi nê từng xưởng cưa, từng tiệm cầm đồ từng tiệm thuốc tây...


Ông chia sẻ cái thơm ngon của cà phê Hân và cà phê Thái Chi. Ông giới thiệu những món ăn Pháp đặc biệt của nhà hàng La Cigalle và Chez Albert, Duy Ban và Casino Dakao. Ông nhớ cả tiệm hớt tóc Đơ, tiệm giầy Gia, tiệm guốc Đa Kao, các tiệm may Đức Nhuận, Dung, Chánh, tiệm bánh mứt Lê Văn Vững, tiệm bánh cuốn Tây Hồ,  tiệm thạch chè Hiển Khánh, tiệm mì Cây Nhãn và Hải Ký, tiệm chả cá Thăng Long, tiệm ô mai Bắc Việt...

image015

Ông liệt kê các loại quà rong buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều, và buổi tối. Ông tỉ mỉ ghi lại từng chân dung và từng động tác nhà nghề của “mấy chị bán xôi,” bà bán bánh cuốn “nguời Bắc,” bà bán bánh canh giò heo “sồn sồn người Nam,” xe mì bán dạo của “chú người Hoa,” xe bán bò viên có “đổ xí ngầu,” xe đạp bán kẹo kéo của một “bác người Bắc mặc quần tây dài, áo sơ mi dài tay bỏ trong quần, đội nón nỉ...” 


Từ Hà Nội, gia đình tôi di cư vào Nam năm 1954, sống những năm tháng đầu tiên ở khu Tân Định, đường Jean Maget (hay Mazet gì đó, tức đường Trần Quang Khải đi vào, rẻ trái trước khi đến khu hồ rau muống trong thập niên 1950) rồi sau chuyển sang nhà khác ở đường Vassoigne gần rạp xi-nê Moderne và tiệm sách Yiễm Yiễm Thư Trang của gia đình  nhà thơ Đông Hồ Lâm Tấn Phác, tới chút nữa là Chợ Tân Định. Vì thế, đọc Đakao Trong Tâm Tưởng của Lâm Vĩnh Thế, tôi không khỏi bồi hồi nhớ lại những ngày đầu tiên sinh sống tại Sài Gòn với những kỷ niệm êm đềm của một Vùng Đất Hứa. Cám ơn tác giả đã gợi nhớ cả một khung trời tuổi nhỏ.


Và cũng vì là dân Đa Kao Tân Định, bây giờ là lúc xin chất chính tác giả vài điều.


Tác giả tả cảnh chùa Ngọc Hoàng rất đúng, nhưng sao tác giả không biết đây là trụ sở của Thiên Địa Hội gốc Hoa? Không khí Chùa làm người ta, nhất là con nít, sờ sợ là phải vì thiết kế Chùa là thiết kế của một hội kín thời Pháp thuộc. Đáng tiếc là tác giả đã không vào Chùa và lên tầng hai để thấy hành lang và phòng ốc quanh co tối tăm dễ cho những ai muốn ẩn nấp. Và sao tác gỉa không nhắc đến bộ linga-yoni rất độc đáo (đi qua sân có hồ nuôi rùa đến cửa Chùa thì nhìn bên tay phải) và hiếm thấy trong các đền chùa Sài Gòn mà chỉ nơi đây mới có?


Phần diễn tả đền thờ Đức Thánh Trần có sự sơ sót đáng tiếc là không giới thiệu tượng Trần Hưng Đạo. Đây là một tác phẩm mỹ thuật to cao, kỳ công của gia đình Gia Lợi, gốc Ngũ Xã Hà Nội có cửa tiệm ở góc Catinat đối diện với tiệm cà phê bánh ngọt Brodard.


Tượng voi bằng đồng đen trong Thảo Cầm Viên gần Đền Thờ Quốc Tổ tôi nhớ là tặng phẩm của vua Thái Lan, không phải vua Cao Miên như tác gỉa viết nơi trang 133.


Nhận định của tác giả về cụ Vương Hồng Sển chắc cũng chỉ vì tình thầy trò. Lâm Vĩnh Thế viết rằng, nguyên văn nơi trang 137: “... thầy (VHS) là chuyên gia số một của thế giới (về đồ sứ men lam Huế).” Nhận định như thế là tác giả đã không theo dõi thư tịch về đồ cổ Việt Nam nói chung, và đồ sứ men lam Huế nói riêng.


Cụ Vương có viết sách về đồ sứ men lam Huế thật, tựa là Khảo Về Đồ Sứ Men Lam (Huế) (Tp HCM, nxb Mỹ Thuật, 1994, 280 tr.). Tên như thế, nhưng thật ra nội dung rất ôm đồm, cốt giới thiệu những cổ vật trong bộ sưu tập riêng của Cụ, gồm lung tung đồ gốm Đường, Tống, Nhật Bản, Bát Tràng..., đồ sành Công Ty Đông Ấn, Nam Kỳ..., đồ sứ thời Minh, Thanh... Cụ Vương viết về những đồ gốm men lam Huế mà Cụ có và cũng chỉ căn cứ vào những cổ vật ấy để kết luận. Trước năm 1975 khi chúng ta còn ở trong nước, công chúng chỉ biết đến bộ sưu tập gốm men lam Huế của Cụ Vương vì Cụ là người hầu như duy nhất viết về dòng gốm này.


Nhưng nay rất nhiều người Việt hải ngoại đã có những bộ sưu tập gốm men lam Huế dồi dào về số lượng và quí giá về phẩm chất. Chỉ riêng ở California đã có thể kể bộ sưu tập Huỳnh Văn Lang mà xuất xứ là từ các ông Phủ thời Pháp thuộc, là Phủ Nuôi, Phủ Đỏ..., từ bà quả phụ luật sư Couzet, từ con cháu Nguyễn Tiến Lãng..., hay các bộ sưu tập Kiều Quang Chẩn, Nguyễn Hoàng Hải, Nguyễn Thượng Vũ...


Về sách thì một môn đệ của Cụ Vương, Trần Đình Sơn đã có Tản Mạn Phú Xuân (Tp HCM, nxb Trẻ, 2001, 291 tr.), Tản Mạn Phú Xuân 2. Cao Sơn Lưu Thuỷ Ngộ Tri Âm (Tp HCM, nxb Văn Nghệ, 2006, 248 tr.), Những Nét Đan Thanh (Tp HCM, nxb Văn Nghệ, 2007, 256 tr.), Ba tác phẩm này hoàn toàn viết về đồ gốm men lam Huế, tổng cộng khoảng 1,400 trang sách. Nhà sưu tầm và buôn bán cổ vật Hà Thúc Cần (đã mất) cũng từng viết về đồ gốm men lam Huế trong tạp chí Arts of Asia năm 1993.


Vì thế, trong năm 2008 là năm Đakao Trong Tâm Tưởng này ấn hành, vai trò “chuyên viên số một thế giới” về đồ gốm men lam Huế của Vương Hồng Sển không còn nữa. Nhưng đây là một điều tốt, nói như người Việt chúng ta: Con hơn cha, nhà có phúc. Ngày nay các thế hệ sau Vương Hồng Sển đã sưu tầm thêm và đã hiểu biết sâu về dòng gốm này rất nhiều, so với thập niên 1950-60 ở Sài Gòn. Cũng cần nói thêm là từ năm 2008, sau khi tác gỉa họ Lâm phát hành sách này, một nhà nghiên cứu và sưu tầm cổ vật trong nước là Trần Đình Sơn đã phát hành thêm hai tác phẩm gía trị về hình ảnh của loại sứ ký kiểu, tựa đề Thưởng Ngoạn Đồ Sứ Ký Kiểu Thời Nguyễn (1802-1945) (Tp HCM, nxb Văn Nghệ, 2008), và Đồ Sứ Ký Kiểu Việt Nam Thời Lê-Trịnh (1533-1788) (Tp HCM, nxb Văn Nghệ, 2010, 314 tr.).


Một điều đáng tiếc là tác giả viết về Đa Kao mà không nhắc gì đến căn nhà số 29 đường Huỳnh Khương Ninh. Căn nhà trệt này có cửa hậu ăn thông ra một con hẻm đi về phiá chợ Đa Kao. Miếng vườn nhỏ sau nhà có cây gạo nên nếu động, người trong nhà có thể thót lên cây qua mái nhà kế bên thoát đi.


Tác giả không biết đó là văn phòng của Thường Vụ Xứ Ủy Nam Bộ, nơi Bí Thư Xứ Ủy Lê Duẩn đóng vai một lão nông đã về ở từ giữa năm 1956 đến đầu năm 1957 để viết dự thảo Đề Cương Cách Mạng Miền Nam sao? Đề Cương này rất quan  trọng, được chỉnh sửa và thông qua thành Nghị Quyết 15 năm 1959 quyết định võ trang cướp chính quyền miền Nam, dẫn đến việc lập đường mòn Hồ Chí Minh để đưa người và võ khí vào Nam và sau đó là Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam ra đời, còn Lê Duẩn nắm chức Bí Thư Thứ Nhất của Đảng Cộng Sản để tiến hành chiến tranh.


Cái bàn viết trong nhà mà Lê Duẩn hàng ngày soạn thảo Đề Cương nay đã được lưu giữ ở Nhà Bảo Tàng Cách Mạng Thành Phố, tức Dinh Gia Long cũ. Xin xem các bài viết của Nguyễn Minh Triết tr. 195-205, của Nguyễn Thị Một tr. 626-632, của Nguyễn Thị Loan tr. 724-739, và của Phan Phát Phước tr. 876-882 trong sách Lê Duẩn. Một nhà lãnh đạo lỗi lạc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam (Hồi ký) xuất bản tại Hà Nội, nxb Chính Trị Quốc Gia, 2002, 1068 tr.


Cuối cùng là ẩm thực. Tác giả diễn tả món ăn Pháp boullabaisse ngon hay dở là do một thứ nước chấm đặc biệt nơi trang 144 thì tôi sợ tác gỉa... lâu chưa ăn lại món này.


Boullabaisse không có nước chấm! Boullabaisse sẽ không thành boullabaisse nếu không có safran, một thứ gia vị đặc biệt và hiếm. Safran là nhị hoa của một thứ cây chỉ mọc ở Tây Ban Nha và Ấn Độ. Người ta thường mất công tỉa từng nhị hoa, phơi khô và sao tẩm thành gia vị cho món boullabaisse. Có safran món boullabaisse mới có mùi vị làm thực khách mê mẩn. Nếu không có safran, món boullabaisse hiện nguyên hình chỉ là món luộc hổ lốn của dân chài vùng Marseille phiá Nam nước Pháp sau khi bán hết tôm cá đánh bắt được, những gì còn lại, vài con tôm một hai con cua con cá một mớ sò hến... nhập chung bỏ vào nồi luộc ăn, lạt lẽo chứ chẳng có mùi vị gì.


Ngoài ra, tác giả ca tụng những món ăn Pháp của các nhà hàng Casino Dakao, La Cigalle, Chez Albert, và Duy Ban mà không đề cập đến tiệm cơm tây trên đường Mayer, ngay ngã ba Hiền Vương-Lê Quý Đôn. Đó là một biệt thự cũng là một nhà hàng không có bảng hiệu nhưng có mái nhô ra đường với một số món ăn mà bốn nhà hàng tác giả ca tụng không thể sánh bằng, mà buổi chiều hàng ngày trong thập niên 1960, tôi cùng anh tôi thay nhau cầm gà-mên đi mua một món cơm Tây về cho Ba tôi. 


Republic of Vietnam 1963-1967 Years of Political Chaos được viết bằng một lối Anh văn trong sáng, từ ngữ giản dị nhưng cụ thể rõ ràng. Sách có rất ít lỗi đánh máy, chữ  “almost” đánh thành “amost” nơi trang 48 là một thí dụ hiếm hoi, khiến độc giả đọc sách một cách thoải mái, còn thoải mái hơn khi đọc tiếng Việt trong Đakao Trong Tâm Tưởng vì những lỗi chính tả trong Việt ngữ mà các tác gỉa miền Nam thường mắc phải.


Trong 168 trang đầu, tác giả lần lượt trình bầy những biến cố kể từ khi một nhóm tướng tá đảo chánh giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm theo lệnh Mỹ qua đại sứ Henry Cabot Lodge ngày 1.11.1963 cho đến ngày 9.11.1967 khi luật sư Nguyễn Văn Lộc nhậm chức Thủ Tướng thành lập nền Đệ Nhị Cộng Hòa. Những xáo trộn chính trị trong xã hội miền Nam trong thời kỳ 1963-67 được tác giả ghi lại qua 10 chương ngắn, từ đảo chánh 1.11.1963 qua đảo chánh Nguyễn Khánh 30.1.1964 rồi các chính phủ kế tiếp, Nguyễn Khánh, Phan Huy Quát, và Nguyễn Cao Kỳ.


Ông chú trọng đến sự chính xác của các sự kiện lịch sử qua ngày tháng và qua các con số. Đây là cách trình bầy lịch sử của một người được huấn luyện làm thầy dậy Sử. Tác giả đã làm tròn chức trách của ông.


Tuy nhiên, sự khẳng định hay nhận định của tác giả về một số chi tiết và sự kiện là điều cần bàn xét lại.


Như tác giả viết những nhóm chính làm chính trường miền Nam xáo trộn là nhóm sinh viên và nhóm Phật Giáo nơi trang 6. Viết như thế không hẳn là sai, nhưng chưa đủ nói lên sự thật, nhất là khi tác giả viết chính sinh viên bấy giờ tích cực tham dự mọi hoạt động chống đối. Ông viết, nguyên văn nơi trang 6 thế này: “The students actively participated in all these chaotic events during this period. They organized countless political seminars, “night without sleep,” “take-to-the-street,” and demonstrations, and also bloody street confrontations and violence.”


Vậy là tác giả không biết thanh niên sinh viên học sinh tự họ chỉ biết đến trường đến lớp học hành. Chính Khu Ủy Sài Gòn – Gia Định của Đảng Lao Động/Cộng Sản mới xướng xuất, tổ chức, và lãnh đạo thanh niên, gọi là “Thành Đoàn,” nhằm lật đổ chính quyền VNCH.


Tôi đề nghị tác gỉa tìm đọc một số sách để biết sự thật. Chẳng hạn như Theo Nhịp Bưóc Lên Đàng -50 Năm Truyền Thống Học Sinh Sinh Viên Thành Phố Hồ Chí Minh 1950-2000- (Tp HCM, nxb Trẻ, 2000, 1068 tr.),  hay Nữ Sinh Sài Gòn Một Thời Để Nhớ. Ký Sự Truyền Thống Của Nữ Sinh 5 Trường Nữ Trung Học Gia Long, Marie Curie, Đức Trí, Trưng Vương, Lê Văn Duyệt 1945-1975 (Tp HCM, nxb Trẻ, 2002, 286 tr.), hay Đáp Lời Sông Núi -Lịch Sử  Bằng Ảnh 80 Năm 1931-2011 Phong Trào Thanh Niên Và  Hoạt Động Đoàn Thanh Niên Sài Gòn Gia Định Thành Phố  Hồ  Chí  Minh  (Tp HCM, nxb Trẻ, 2011, 507 tr.)...


Một khi đọc những sách này, tác giả sẽ phải biết rõ những “lãnh tụ sinh viên học sinh,” và “những Chủ Tịch và thành viên các tổng hội sinh viên Sài Gòn hay Huế, Vạn Hạnh hay Cần Thơ...” như Hồ Hảo Hớn, Nguyễn Ngọc Phượng, Huỳnh Tấn Mẫm, Nguyễn Đăng Trừng, Hồ Hữu Nhựt, Cao Nguyên Lợi, Trần Văn Chi, Dương Văn Đầy, Lê Văn Nuôi, Lê Hiếu Đằng, Lê Quang Lộc, Lê Công Giàu... đều là cán bộ đảng viên Cộng Sản cả.


Từ năm 1975 khi cuộc võ trang đánh chiếm chính quyền toàn cõi Việt Nam đã xong, phe chiến thắng đã lộ diện và ghi lại trên giấy trắng mực đen tất cả những chuyện họ làm, từ tên tuổi cá nhân các cán bộ đảng viên đến tất cả những thủ đoạn thực hiện, mà nhiều người đã không đọc “tài liệu Cộng Sản” nên không biết, nên vẫn còn những thông tin nhiễu loạn và những dữ kiện sai lạc.


Quay về quá khứ, so sánh một bên là nông dân khôn ngoan quỷ quyệt và hiểm ác, một bên là thị dân thiếu lý tưởng, sợ khó sợ khổ, ham hưởng thụ, và vọng ngoại nên mới có ngày 30.4.1975 trong lịch sử hiện đại Việt Nam chăng?!


Như khi tác gỉa cho biết liên hệ Dương Văn Minh - Nguyễn Ngọc Thơ là liên hệ bạn bè nơi trang 14 thì sự thật, khi đốc phủ sứ Nguyễn Ngọc Thơ làm trong một Tòa Bố miền Nam Kỳ Lục Tỉnh thời Pháp thuộc thì Dương Văn Minh là một thư ký dưới quyền. Và cả hai còn thêm thân thiết vì cùng bị tù khi Nhật đảo chính Pháp.


Như những nhận định rằng Dương Văn Minh là một lãnh tụ đầy khả năng, chỉ muốn thay thế ngay tất cả những tỉnh trưởng tham nhũng và bất lực của chính phủ Diệm bằng những quân nhân hay dân chính có khả năng và có trách nhiệm nơi trang 14 thì thực tế không có sự kiện nào làm bằng chứng cho nhận định này, một nhận định rất chủ quan!  


Như một nhận định khác của tác gỉa là vì Việt Nam hổn loạn về chính trị và suy yếu về quân sự nơi trang 21 là những lý do khiến chính phủ Hoa Kỳ phải trực tiếp đối đầu với Cộng Sản bằng cách đem quân vào Việt Nam thì thực ra, chuyện Mỹ đem quân vào Việt Nam là chủ trương ngay từ thời Ngô Đình Diệm. Chính chủ trương giết Tổng Thống họ Ngô và tạo ra những xáo trộn trong chính trường miền Nam cũng là những bước cần thiết của Mỹ để thực thi chính sách của họ.


Nhận định của tác giả, vì thế, là nhận định biến nguyên nhân (Mỹ tạo ra xáo trộn) thành hậu qủa (vì xáo trộn nên Mỹ mới vào)! Hãy nhớ lại một lời ta thán của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, đại để là mỗi khi từ chối một việc gì do Mỹ đề nghị, là ngày mai chính phủ phải đối phó với những cuộc biểu tình của thanh niên sinh viên hay tín đồ của một tôn giáo.


Như khi tác giả viết Nguyễn Chánh Thi là người lãnh đạo cuộc đảo chánh 11.11.1960 nơi trang 114 thì đã  từ lâu, tài liệu của người trong cuộc cùng bằng chứng kèm theo cho thấy đại tá Nguyễn Chánh Thi là người chỉ bị ép buộc theo nhóm đảo chính.


Và như rất, rất nhiều những chi tiết hay những sự kiện khác trình bầy trong sách cần xét lại một cách nghiêm túc cho đúng với những sự kiện thực sự xảy ra trong thời gian 1963-67, vốn là nội dung của sử phẩm này.


Ngoài ra, có từ ngữ rất lạ không sách nào có, là Right Venerable. Thế nào là Right Venerable thì thật khó hiểu. Đọc trang 55 thì mới biết Right Venerable là từ ngữ tiếng Anh tác giả sử dụng để dịch danh xưng Thượng Tọa. Tác gỉa còn dịch Tăng Thống là Monk (Supreme Monk) thì rất không chỉnh, tuy ông đã cẩn thận dịch từng chữ một: Tăng là Monk, Thống là Supreme! Nhưng chữ “Monk” chỉ làm giảm vị thế cao trọng của danh xưng Tăng Thống trong tiếng Hán Việt, nhất là khi tác gỉa đã dịch Đại Đức là Venerable rồi.


Chuyển Đại Đức thành Venerable thì sao tác giả không chuyển Thượng Tọa thành Superior Venerable và Tăng Thống thành Supreme Venerable? Dịch thế mới thành một hệ thống lớp lang cao thấp chứ?!


Phần Ghi Chú cuối mỗi trang là những trang cần đọc, nơi tác giả giới thiệu nguồn tài liệu tham khảo và thêm thông tin về các sự kiện hay nhân vật trình bầy tóm gọn trong phần chính văn.


Ghi Chú là phần phản ánh tinh thần cầu học cùng tinh thần nghiên cứu nghiêm túc của tác giả, điều mà rất ít tác giả khác có được và là ưu điểm chung của cựu sinh viên Ban Sử Địa tại Đại Học Sư Phạm Sài Gòn trước năm 1975.


Đến nay, Lâm Vĩnh Thế hoàn tất thêm Trường Petrus Ký Trong Tâm Tưởng (Ontario, Nhân Ảnh xb, 2021, 157 tr.), và Tròn Nhiệm Vụ (Ontario, Nhân Ảnh xb, 2021, 275 tr.).


Đồng thời, ông là dịch giả của sách The Price of Freedom (California, Người Việt Books xb, 2017, 470 tr.) nguyên tác của giáo sư Lâm Vĩnh Bình (Giá Tự Do,  California, Người Việt xb, 2017, 412 tr.) và Vietnam, Territoriality and the South China Sea (New York, Routledge xb, 2019, 190 tr.) nguyên tác của Hãn Nguyên Nguyễn Nhã (Những Bằng Chứng về Chủ Quyền của Việt Nam đối với hai Quần Đảo Hoàng Sa và Trường Sa năm 2014).


Trường Petrus Ký Trong Tâm Tưởng là những kỷ niệm học trò của tác giả trong các năm 1953-1960 tại Sài Gòn.


Sách có bản sao bằng cấp tác giả đạt được, danh sách thầy cô của tác giả, tên tuổi những bạn thân, bìa thông tín bạ, cùng những sinh hoạt mướn xuồng đi hái bần, đến nhà bạn ăn món cà-ri vịt, cùng nhau nhậu món “bò né”... Rồi những cuộc gặp gỡ, bát phố, cưới hỏi, ăn uống... Sách còn gồm nhiều hình ảnh của tác giả với thầy cô và bạn bè. Có khi là hình chụp trước nhà nhau. Có khi là hình chụp trong bàn ăn ở nhà bạn. Có khi là hình chụp khi đi bát phố Bonard. Có khi là hình chụp khi đi ăn cưới...


Những chi tiết và hình ảnh vừa kể, rất cá nhân và gia đình vốn “thân thương” với tác giả nhưng hoàn toàn xa lạ với công chúng độc giả, đem in để phổ biến ra ngoài phỏng ích gì?! 


Còn Tròn Nhiệm Vụ là một bản báo công dài tới 274 trang của một cá nhân về thành tích trong ngành Thư-Viện-Học. Có vài chi tiết cần ghi lại sau đây.


Thứ nhất, quyết định nộp đơn ra khỏi Việt Nam của tác giả năm 1979 và đến Canada năm 1981 không gì khác hơn là vì “Cuộc sống quá khó khăn” (trang 81). Chiều ngày 23.9.1981, gia đình tác giả đến phi trường Montréal “kết thúc 6 năm khốn cùng của gia đình tôi tại Việt Nam sau ngày 30.4.1975” như lời tác giả, nguyên văn nơi trang 99.


Phải chăng tác giả họ Lâm chủ ý xác định ông không hề rời bỏ Việt Nam sang Canada vì lý do chính trị?! Chính vì tâm trạng được diễn tả có tính cách biện minh như thế, độc giả hiểu vì sao tác giả Lâm Vĩnh Thế về lại Việt Nam hợp tác với chính quyền Cộng Sản một cách hãnh diện.


Thứ hai, về chuyên môn, tuy chỉ tốt nghiệp Master of Library Science tức Cao Học về Thư-viện-học, tác giả tự cho cá nhân mình chỉ hơn một năm tại Sài Gòn (tháng 2-1974-tháng 4.1975) đã... phát triển hệ thống thư viện cho Việt Nam Cộng Hòa (trang 217). Không những thế, khi đã định cư tại Canada, tác giả... đã có những đóng góp quan trọng cho Canada (trang 218). Và cuối cùng, khi về lại Việt Nam, tác giả đã... hoàn thành công tác giúp cho hệ thống thư viện của Việt Nam trở thành một thành viên được hoan nghênh trong cộng đồng thư viện thế giới (trang 219).

image017

Trong thực tế, bằng MA Thư-viện-học -nhan nhản ở Canada và Hoa Kỳ- nào thấm gì so với những người tốt nghiệp École Nationale des Chartes tại Paris như Ngô Đình Nhu (1938), Đặng Phương Nghi (1965), và Hoàng Thị Kim Loan (1967)?!


Xin thêm vài chi tiết về sự khó khăn nhập học trường Cổ Điển Học Paris (École Nationale des Chartes) để biết tài năng của sinh viên tốt nghiệp. Tuổi trẻ Việt Nam vốn thông minh và cần cù chăm chỉ nhưng chúng ta chỉ thấy có ba người tốt nghiệp Trường này trong hơn tám thập niên (1938-2021). Tất cả, trừ Hoàng Thị Kim-Loan vừa mất ở Pháp năm 2020, đều được cử giữ chức giám đốc văn khố và thư viện của cả một quốc gia. Ngô Đình Nhu được Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Võ Nguyên Giáp thay Chủ Tịch Chính Phủ Lâm Thời ký sắc lệnh ngày 8.9.1945 cử làm Giám Đốc Nha Lưu Trữ Công Văn và Thư Viện Toàn Quốc VNDCCH (1945-46). Đặng Phương Nghi nhận nhiệm vụ Giám Đốc Văn Khố và Thư Viện rồi Giám Đốc Nha Văn Khố VNCH (1966-1975). Có thể còn một sinh viên tốt nghiệp Trường Cổ Điển Học Paris nữa, trong thập niên 2000. Đó là Vũ Thị Minh Hương ở Hà Nội, Cục Trưởng Cục Văn Thư và Lưu Trữ Nhà Nước CHXHCNVN (2008-2015). 


Cho nên, khẩu khí trên đây của tác giả Lâm Vĩnh Thế thật xứng đôi với lộng ngôn Làm việc với các nhân vật danh tiếng thế giới của tác giả Nguyễn Hữu Hanh mà cụ Huỳnh Văn Lang đã phán cho hai chữ ba xạo!


Trong thế giới sách vở tại Bắc Mỹ từ năm 1975 đến năm 2021,  tôi chỉ thấy có hai tác giả đưa chân dung của cá nhân mình chiếm trọn tờ bìa là Nguyễn Hữu Hanh năm 2004 và Lâm Vĩnh Thế năm 2021!


Là một người yêu nghề thư viện và xuất thân là một giáo sư Sử Địa thời VNCH, Lâm Vĩnh Thế đã từng làm việc cẩn trọng. Sách của ông đã từng là những mách bảo về việc sưu tầm tài liệu lịch sử đầu tay của Hoa Kỳ về Việt Nam trong ba thập niên 1950, 1960 và 1970.


Tiếc thay, khi luống tuổi, ông lại cầm bút nhằm biểu tỏ sự tự đắc và tự mãn cá nhân.


Nhưng lão lai tài tận là thế, như người xưa đã nhận xét!


TRẦN ANH TUẤN


11.2021

(trích trong Sử Việt tại Bắc Mỹ 1975-2021)

21 Tháng Mười Một 2023(Xem: 587)
14 Tháng Mười Một 2023(Xem: 534)