Đại sứ Phạm Quang Vinh: 'Mỹ rất coi trọng quan hệ với Việt Nam'

24 Tháng Tám 20219:58 SA(Xem: 2692)

VĂN HÓA ONLINE – DIỄN ĐÀN 4 - THỨ BA 24 AUGUST 2021

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Đại sứ Phạm Quang Vinh: 'Mỹ rất coi trọng quan hệ với Việt Nam'

image003

Ngọc Mai


24/08/2021 Thanh Niên Online


Đại sứ Phạm Quang Vinh đánh giá chuyến thăm của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris cho thấy chính quyền Tổng thống Joe Biden rất coi trọng quan hệ với Việt Nam trong cả khía cạnh song phương lẫn phạm vi khu vực.


image004Nguyên đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh. NVCC


Ngày 24.8, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 3 ngày. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tiếp đón một phó tổng thống Mỹ, cũng là người vô cùng đặc biệt khi là phụ nữ đầu tiên đảm nhiệm chức vụ này trong lịch sử Mỹ. Bà Harris là quan chức cấp cao nhất của Mỹ tới Việt Nam dưới thời Tổng thống Joe Biden.


Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn với Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ngay trước khi Phó tổng thống Harris tới Việt Nam:


PV: Theo đại sứ, chuyến thăm Việt Nam lần này của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris có ý nghĩa như thế nào, đặc biệt trong quan hệ với Việt Nam? Có thể đánh giá sao về quan hệ song phương Việt - Mỹ hiện nay?


Chuyến thăm của Phó tổng thống Kamala Harris là chuyến thăm cấp cao mang cả thông điệp song phương lẫn đa phương, thể hiện rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden rất coi trọng Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.


Theo tôi, rõ ràng nước Mỹ muốn gắn kết với Đông Nam Á và châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm coi trọng ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. Chính trong thông báo của bà Harris khi chọn điểm đến là Việt Nam và Singapore đã khẳng định đây là những đối tác hàng đầu của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.


Chính những ưu tiên đó tạo đà cho song trùng lợi ích hai bên Việt – Mỹ để tăng cường hợp tác hơn nữa. Đặc biệt, không chỉ Mỹ coi trọng vị trí của Việt Nam ở khu vực mà thực sự đà quan hệ Việt – Mỹ trong thời gian vừa qua đã phát triển rất tốt.


Nếu nhìn lại chiều dài quan hệ hai nước từ khi bình thường hóa năm 1995 đến nay thì nó liên tục phát triển.


Có thể điểm một số dấu mốc đáng chú ý, năm 2013 hai bên xác lập khuôn khổ đối tác toàn diện.


Năm 2015 có chuyến thăm đầu tiên của Tổng bí thư Đảng CS VN Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ, hai bên ra tuyên bố tầm nhìn khẳng định các nguyên tắc quan hệ, trong đó nhấn mạnh vào việc tôn trọng thể chế chính trị của nhau.


Phía Mỹ trong thời gian gần đây và đặc biệt dưới thời chính quyền Tổng thống Biden cũng nhấn rất mạnh rằng nước Mỹ ủng hộ một Việt Nam mạnh, độc lập và thịnh vượng. Điều đó tạo ra hiểu biết và cơ sở để hai bên thúc đẩy quan hệ. Đơn cử một ví dụ: nếu trước đây khi mới bắt đầu bình thường hóa, thương mại hai nước chỉ khoảng nửa tỉ USD, đến giờ đã hơn 90 tỉ và Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Điều đó để thấy rằng quan hệ Việt – Mỹ có đà phát triển rất lớn. Thêm nữa, Việt Nam đang tích cực hội nhập quốc tế, nên cũng trở thành điểm đến cho các doanh nghiệp Mỹ. Chuyến thăm lần này của bà Harris cũng sẽ thúc đẩy điều đó.


Theo lịch trình dự kiến, bà Harris sẽ hội đàm, hội kiến với các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, đồng thời sẽ thảo luận về việc làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, đầu tư, thương mại, an ninh, khoa học công nghệ, y tế và các vấn đề khu vực, quốc tế mà hai bên cùng quan tâm.


Hai bên cũng sẽ chứng kiến sự kiện khai trương văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh tật Mỹ (CDC) đặt tại Việt Nam. Đây là sự kiện cho thấy sự kết nối quan hệ của Mỹ với Việt Nam và Đông Nam Á.


Tôi cho rằng chuyến thăm này vừa thể hiện hai bên coi trọng quan hệ với nhau, đồng thời cho thấy rõ sự đánh giá cao của Mỹ với vai trò của Việt Nam ở khu vực.


Nếu tổng kết lại, quan hệ Việt - Mỹ hiện nay mang cả tính toàn diện và tính chiến lược. Quan hệ Việt - Mỹ cũng mang cả tính đặc thù, với những vấn đề về lịch sử chiến tranh và có sự khác biệt về thể chế, quá trình phát triển trong thời gian qua đòi hỏi hai bên phải vượt qua những trở ngại đó để đạt mức như bây giờ.


Chẳng hạn như chủ trương khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, nhưng vẫn thừa nhận quá khứ để cùng nhau hợp tác, trong đó có việc khắc phục hậu quả chiến tranh, hàn gắn những vết thương chiến tranh. Nhờ có những điều đó mới tạo ra được lòng tin để hướng tới tương lai.


Về sự khác biệt thể chế chính trị thì hai bên phải tôn trọng lẫn nhau, hiểu biết lẫn nhau nhưng cũng đan xen lợi ích. Trong quan hệ này, hai bên phải cùng có lợi. Mới nhất là việc tháo gỡ khó khăn liên quan mác thao túng tiền tệ là một minh chứng hợp tác, đối thoại rất tốt giữa hai bên để tìm ra giải pháp.


PV: Liên quan chính sách với khu vực, có thể thấy gì về dư địa hợp tác qua quan điểm và cách tiếp cận của Mỹ và Việt Nam?


Quan điểm của Việt Nam và Mỹ đối với khu vực cũng như thế giới có cả sự tương đồng và khác biệt. Trong quan hệ với Mỹ hay đối tác nào khác, phải soi vào đó để thấy gì trùng thì nhân lên, còn cái khác thì phải trao đổi, tham vấn. Đó là nguyên tắc trong quan hệ.


Việt Nam nhìn nhận khu vực ASEAN và châu Á - Thái Bình Dương xuất phát từ lợi ích của chính Việt Nam và lợi ích chung của khu vực này. Đối với Việt Nam, ASEAN, Đông Nam Á và châu Á- Thái Bình Dương là môi trường cho sự an ninh và phát triển của đất nước, do đó cần có khu vực này hòa bình, an ninh và hợp tác phát triển. Để có được điều đó phải dựa trên đối thoại và luật pháp quốc tế. Việt Nam rất coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN. Cách tiếp cận của ASEAN là vừa xây dựng cộng đồng chung để hợp tác, xử lý các vấn đề của khu vực, đồng thời ASEAN gắn kết với các đối tác lớn bên ngoài, có cả Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản…


Quay lại câu chuyện với Mỹ. Có thể khẳng định Mỹ đóng vai trò quan trọng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cả về an ninh lẫn kinh tế. Đây là một trong những đối tác hàng đầu của khu vực. Quan điểm chung của ASEAN là ủng hộ việc Mỹ và các đối tác khác có mặt ở đây cả về chiến lược, an ninh và kinh tế. Việt Nam cũng ủng hộ điều đó.


Khi nói về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Mỹ cũng nhấn mạnh một số ý quan trọng. Thứ nhất, Mỹ mong muốn các nước cùng nhau góp phần giúp khu vực này hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển, trên cơ sở dựa trên luật lệ, tức luật pháp quốc tế. Thứ hai, Mỹ rất coi trọng quan hệ với các nước trong khu vực, đặc biệt là các đối tác ở ASEAN và vai trò trung tâm của ASEAN.


Ngoài ra, vấn đề cạnh tranh nước lớn cũng có ở đây. Việt Nam và các nước trong khu vực đã khẳng định sự cạnh tranh của các nước không được để ảnh hưởng hòa bình, an ninh khu vực và lợi ích các nước nhỏ. Phía Mỹ cũng đã nhiều lần khẳng định muốn quan hệ hợp tác xây dựng với các nước ASEAN và không muốn các nước phải chọn bên mà chỉ muốn thúc đẩy nỗ lực chung.


Đơn cử trong vấn đề Biển Đông: cách tiếp cận của chúng ta là không theo nước này để chống nước kia, nhưng phải đảm bảo tự do hàng hải, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là công ước Luật biển UNCLOS 1982, không được làm căng thẳng tình hình, xâm phạm quyền của các nước ven biển tại khu vực.


Những sự tương đồng đó trong cách tiếp cận và quan điểm thì nên thúc đẩy.


Bà Kamala Harris là nữ phó tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ. Điều này có phần tạo ra sự hưng phấn mới trong lòng nước Mỹ. Hơn nữ, có thể xem bà Harris là một người đại diện trẻ cho thế hệ lãnh đạo mới của Mỹ.


 Là người có kinh nghiệm chính trường, cũng từng có thời gian là thượng nghị sĩ, bà Harris hiểu những nhu cầu, đòi hỏi đối nội và có cả hiểu biết về đối ngoại. Tổng thống Biden cũng trao cho bà Harris nhiều cơ hội để tiếp xúc, gặp gỡ, điện đàm với các nhà lãnh đạo nước ngoài. Là nữ giới, bà Harris cũng có thể tạo cảm hứng trong các vấn đề như phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới, giao lưu nhân dân.


 


Đây cũng là chuyến đi đầu tiên của bà tới châu Á và Việt Nam trên cương vị phó tổng thống, cũng là cơ hội để bà Harris hiểu thêm Việt Nam về cả con người, văn hóa, cũng như thực tiễn quan hệ song phương.
01 Tháng Tám 2023(Xem: 1000)
17 Tháng Sáu 2023(Xem: 983)