VĂN HÓA ONLINE – DIỄN ĐÀN ĐỊA LÝ NHÂN VĂN - THỨ BẨY 10 APRIL 2021
Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về: lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)
Du Ca: Soi rọi lại một Công án Văn hóa Văn nghệ ở miền nam VN trước năm 1975
Phỏng vấn Du ca Nguyễn Thiện Cơ
Lý Kiến Trúc
Văn Hóa Online-California
10/4/2021
Du ca Nguyễn Thiện Cơ đang đệm Guitar trong buổi Lễ tưởng niệm năm thứ 10 Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang tại quán Hội Ngộ Tp Garden Grove, nam California ngày 27/3/2021. Ảnh LKT
Lý Kiến Trúc: Chào Du ca Nguyễn Thiện Cơ. Cám ơn anh đã nhận lời phỏng vấn của chúng tôi. Dường như trong các nhóm du ca từ trong nước đến hải ngoại, anh là thân hữu du ca gắn bó nhiều với mọi người, anh có thể cho biết vài nét về tiểu sử?
Nguyễn Thiện Cơ: Tôi không phải là thân hữu mà là một thành viên du ca từ năm 1969, khi tôi đang học ở Đại Học Sư Phạm Sài Gòn. Bố mẹ tôi, quê quán ở miền Bắc, lúc đó đang sống ở Mỹ Tho, còn tôi ở trọ nhà bà con trên Sài Gòn để học hết bậc đại học. Tôi ra trường cuối năm 1969 và chọn nhiệm sở là trường Trung Học Thoại Ngọc Hầu, thành phố Long Xuyên thuộc tỉnh An Giang. Đầu năm 1970 tôi được gọi đi học khoá 6-70 sĩ quan trừ bị Thủ Đức và được trở lại nghề dạy học. Đến ngày 1 tháng 5 năm 1975 tôi vượt biên và được tị nạn ở Na Uy. Tháng 4 năm 1979 tôi được bố mẹ bảo lãnh qua Hoa Kỳ.
LKT: Cái duyên và cái kiếp du ca đến với anh vào lúc nào vậy?
NTC: Là một sinh viên trọ học tại Sài Gòn tôi có rất ít bạn bè, tôi luôn cảm thấy lạc lõng buồn tẻ. Sau biến cố Tết Mậu Thân 1968, tôi thấy chiến tranh đã đến sát bên cạnh nhà, tôi phải dự khoá học Quân Sự Học Đường và làm nhiệm vụ canh gác các khu phố. Mùa hè năm đó thấy Phong Trào Du Ca Việt Nam ra thông cáo tổ chức Khoá Thanh Ca Tác Động tại Sài Gòn, tôi ghi danh học và cảm thấy sinh hoạt Du Ca phù hợp với mình nên đã xin gia nhập và được làm một du ca viên của Toán Du Ca Mùa Xuân. Khi về tỉnh An Giang để dạy học, tôi lập tức nhận làm Huynh Trưởng Hướng Dẫn cho Đoàn Du Ca Phù Sa An Giang, lúc đó đang rất yếu ớt vì thiếu nhân sự.
LKT: Dường như Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang là nhân vật khởi động lên phong trào du ca ở miền nam Việt Nam trước năm 1975, anh biết những gì về đời sống và hoạt động Du ca Nguyễn Đức Quang qua cái nhìn của anh?
NTC: Từ năm 1965 đến năm 1972, anh Nguyễn Đức Quang sáng tác một loạt ca khúc trong tuyển tập “Những Bài Ca Khai Phá”, “Trầm Ca” và “Ruồi và Kên Kên”. Những ca khúc anh sáng tác có giai điệu dễ hát dễ nhớ và lời ca mộc mạc nói lên tâm tư và ước vọng của giới trẻ, và anh đã đến nhiều nơi, sân trường đại học, sân trường trung học, trong các buổi trại công tác để cùng hát với đám đông. Sau mỗi buổi hát anh được các bạn trẻ nơi đó xin bài hát, xin gia nhập, xin thành lập toán du ca, đoàn du ca để tiếp tay anh Quang trong công việc phổ biến. Đó là lý do thành lập Phong Trào Du Ca vào năm 1969.
Ngày đó, tôi coi anh Nguyễn Đức Quang là “thần tượng”. Qua nhiều năm tháng làm việc chung và sinh hoạt Du Ca cho mãi đến năm 2011, tôi vẫn coi anh Quang là một người anh khả kính. Buổi ban đầu, toán Du Ca Mùa Xuân họp mặt hằng tuần ở garage nhà anh Hoàng Ngọc Tuệ nên tôi thường được gặp anh Quang đi ngang qua chào hỏi. Anh có tính dễ dãi, ít khi dạy bảo hoặc xen vào việc chúng tôi đang làm. Sang đến Hoa Kỳ, tôi lại có nhiều năm làm việc chung với anh và thỉnh thoảng được anh rủ đi hát ở xa.
LKT: Nhiều người ca tụng Nguyễn Đức Quang như một “tài năng xuất phát từ trong tim óc”, theo anh như thế nào?
NTC: Nhìn lại số lượng ca khúc anh đã sáng tác trong giai đoạn 1964-1970, với lời ca dồi dào và phong phú, kể cả những bản tình ca trong sáng, tôi tán thành lời ca tụng đó.
LKT: Anh có nghĩ rằng chính hoàn cảnh chia ly tan tác của gia đình Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang kể từ năm 1954, tiêu biểu cho dân tộc Việt Nam đã tác động tâm tư tình cảm vào sáng tác của nhạc sĩ Quang nói riêng và các nhạc sĩ du ca nói chung thường gói trong chủ đề: “Tuổi trẻ, Quê hương, Dân tộc”
NTC: Hoàn cảnh chia ly của gia đình có ảnh hưởng đến sáng tác. Riêng những nhạc sĩ dấn thân và khai phá như anh Quang còn có thêm những tác động khác, đó là suy tư về cuộc chiến phi nghĩa giữa 2 miền. Anh đã viết bài “Lìa Nhau” trong tập nhạc Trầm Ca nói lên nỗi ngậm ngùi về sự chia cách ngày càng tận tuyệt của hai nhóm người cùng một nước phân tranh. Khi viết những bài trong tập nhạc “Ruồi và Kên Kên” (năm 1970) thì anh không còn kềm nổi sự bất bình nữa và anh thẳng thắn lên án sự tha hoá của xã hội do cuộc chiến và những người trách nhiệm gây ra cho dân tộc.
LKT: Dường như Phong trào Du ca chỉ hát và sinh hoạt trong giới học sinh sinh viên, thế còn đối tượng đám đông quần chúng và các tầng lớp khác, du ca có tạo ảnh hưởng gì không?
NTC: Phong Trào Du Ca là một tổ chức thanh niên nên các thành viên thường ở lớp tuổi học sinh trung học và sinh viên đại học. Đó là tầng lớp có suy nghĩ trước khi nhận thức và rồi chuyển sang hành động. Các đoàn viên du ca có nghĩa vụ làm công tác xã hội như giúp đỡ đồng bào nạn nhân thiên tai hay nạn nhân chiến cuộc. Họ đến uỷ lạo đồng bào bằng những nhu yếu phẩm, giúp sửa chữa, xây dựng lại những căn nhà đổ nát… Ngoài việc giúp đỡ vật chất, giúp sức lao động, họ còn tổ chức ca hát với các em nhỏ và đồng bào để an ủi và nâng cao tinh thần của đồng bào.
LKT: Anh nghĩ thế nào về từng lớp thanh niên lớp lớp ra mặt trận và từng lớp thanh niên ở hậu phương mượn tiếng hát tiếng đàn nói lên nỗi lòng thời đại? Ví dụ như ca khúc “Nỗi Buồn Nhược Tiểu” thơ Nguyễn Văn Hoàn, nhạc Nguyễn Đức Quang?
NTC: Du Ca cũng có những buổi hát cho các binh sĩ đặc biệt là hát cộng đồng. Du ca đến với các chiến sĩ ngoài tiền tuyến không son phấn loè loẹt, họ đến với bộ quần áo học sinh như anh em con cháu của các chiến sĩ. Họ đến với các chiến sĩ như người thân đến thăm và tỏ lòng biết ơn với những món quà là lời ca tiếng hát tô đẹp quê hương. Ca khúc “Nỗi Buồn Nhược Tiểu” có thể sẽ không hát ở một trại lính vừa mới qua một trận chiến. Nhưng những bài dân ca, hùng ca có thể phù hợp. Các du ca viên có đủ trình độ để biết bài nào phù hợp với khán thính giả nào.
LKT: Anh có nghĩ rằng “Nỗi Buồn Nhược Tiểu” là phản ánh những thao thức của tuổi trẻ và thanh niên nói chung của một nước Việt Nam bị chia cắt từ năm 1954? Bên cạnh “Nỗi Buồn Nhược Tiểu” là vô số những tình ca xuất hiện, theo anh đó là hiện tượng gì?
NTC: Người du ca có lý trí và cũng có con tim. Có lý trí là biết phân biệt đúng sai, trái phải. Có con tim là biết yêu thương và tình yêu của họ có thể nhỏ bé như đối với từng con người và có thể to lớn như cả quê hương, nhân loại. Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang thỉnh thoảng vẫn có cảm hứng viết tình ca, nhưng không nhiều và không uỷ mị, đó là chuyện tôi coi là bình thường.
LKT: Tất nhiên Du ca không chỉ là “Nỗi Buồn Nhược Tiểu” mà là một kho tàng âm nhạc rất riêng trong kho tàng âm nhạc phong phú của đời sống văn nghệ miền nam Việt Nam. Anh nghĩ sao về vấn đề này?
NTC: Tôi cũng nhìn nhận ca khúc du ca là một mảng những sáng tác nói đến tình yêu quê hương, dân tộc, nói lên những ưu tư trong cuộc sống, lên án những cái xấu trong xã hội, và kêu gọi chung tay xây dựng đất nước. Ca khúc du ca đóng góp một phần vào nền văn nghệ phong phú của miền Nam Việt Nam.
LKT: Tôi có đọc một bài viết về Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang của tác giả Nguyễn Thị Nhuận, trong đó có câu dường như ông Quang “than thở” là: Nói tới nhạc du ca, người ra chỉ thấy dòng nhạc đầy cảm khái, hùng mạnh, không có không khí ẻo lả buồn thảm. Vì thế mình đã vuột mất những tay như Vũ Hữu Định, Trần Quang Lộc... Khi họ bước vào dòng nhạc tình thì họ đều vỗ cánh bay đi. Có phải những sáng tác của Du ca vào thời ấy “đối lập” với cơn giông tố tình ca của các nhạc sĩ cùng lứa thời ấy?
NTC: Tôi không phải là nhạc sĩ sáng tác và không để ý đến hiện tượng ấy. Có thể là vì nhạc tình có nhiều sức hấp dẫn hơn, có môi trường rộng lớn hơn.
LKT: Nếu Du ca trước năm 1975 ở miền nam Việt Nam xướng lên khá rầm rộ thì sau 1975, Du ca có vẫn tiếp tục là một phong trào văn nghệ trong giới thanh niên hiện nay trong nước và hải ngoại hay không?
NTC: Theo suy nghĩ của tôi thì Du Ca rất khó phát triển ở trong nước vì sáng tác và hát cũng như lời nói của người dân đều bị kiểm duyệt. Ở ngoài nước nhất là tại các xứ sở có nhiều người tỵ nạn hoặc di dân, Du Ca cũng khó phát triển vì xã hội ổn định, luật pháp công minh, nhân quyền được tôn trọng, nên người dân không có nhu cầu kêu đòi.
LKT: Theo anh, một du ca đã sống cả đời du ca, đã chiêm nghiệm thực tế xã hội trong nước và cộng đồng xã hội Việt lưu vong, cái nhìn của anh về hướng đi tới của Du ca sẽ như thế nào, nó có còn thuần túy đúng nghĩa là “du ca”, hoặc nó sẽ biến thể, hoặc nó sẽ chỉ là dòng suối nhạc kỷ niệm, hay nó sẽ chấm hết?
NTC: Thời gian tôi thật sự sống với Du Ca chỉ có 5 năm, đó là từ năm 1970 đến 1975. từ năm 1975 đến nay tôi vẫn hoài niệm quãng thời gian đó và thỉnh thoảng tham gia vào một vài buổi họp mặt Du Ca. Nếu tôi còn thở tôi vẫn còn Du Ca. Tôi không thể biết được Du Ca sẽ biến thể hay chấm hết. Tương lai hãy để cho tương lai quyết định.
LKT: Trước năm 1975, trong bầu không khí chiến tranh, Chính phủ Saigon và dư luận có phần nào lên án một số nhạc sĩ trong phong trào Du ca sáng tác các ca khúc có hơi hướng “phản chiến” và “thiên tả”, điều đó có đúng không? ví dụ như bài “Bên Kia Sông” của Nguyễn Đức Quang có câu “Này người yêu, người yêu anh ơi, bên kia sông là ánh mặt trời”, phải chăng tác giả hàm ý ngợi ca ánh mặt trời bên kia sông Bến Hải là ánh mặt trời hồng tức là cờ đỏ?
NTC: Tôi được biết bài “Bên Kia Sông” là tác phẩm phổ nhạc một bài thơ của anh Nguyễn Ngọc Thạch. Tôi được các đàn anh nói rằng bài thơ được viết khi các anh đang làm công tác xây dựng nhà cho dân trong Chương Trình Phát Triển Quận 8 nằm bên kia con kinh ngăn cách vùng hoang sơ với thành phố Sài Gòn. Nhà thơ nhìn về phía thành phố sáng rực đèn và ví von đó sẽ là tương lai cho vùng quận 8. Câu chuyện chỉ có thế, nhưng những người có ác ý đã người gán ý đồ đó cho anh Nguyễn Đức Quang.
LKT: Một cách rõ ràng, trong bầu không khí chiến tranh 20 năm, miền nam VN có hai tầng lớp thanh niên: Tuổi trẻ nhập ngũ ra mặt trận chiến đấu bảo vệ nền tự do của mảnh đất miền nam và tuổi trẻ “thao thức đi tìm điều gì đó cho dân tộc” ở hậu phương; Anh nghĩ sao?
NTC: Riêng tôi, tôi nghĩ rằng ở miền Nam có nhiều hơn 2 tầng lớp thanh niên như ông Lý Kiến Trúc nói. Đúng là có rất nhiều người trẻ miền Nam nhập ngũ, hoặc bị động viên ra chiến trường để bảo vệ quê hương miền Nam. Tầng lớp thứ nhì là những người hồi hộp đợi chờ khi nào đến phiên mình cầm súng, trong lúc đó họ miên man suy nghĩ về giải pháp cho cuộc chiến hoặc họ buông xuôi. Một số không nhỏ trong tầng lớp thứ nhì này là những người chưa cầm súng nhưng vẫn là một hậu phương luôn hỗ trợ tinh thần các anh quân nhân đang cầm súng. Họ là tầng lớp thứ ba, chính là đoàn viên của nhiều đoàn thể dân sự trong đó có Du Ca vì họ quan niệm “Thà thắp lên một ngọn nến còn hơn là ngồi đó nguyền rủa bóng tối”. Anh nên nhớ còn có một tầng lớp thanh niên thứ tư nữa, đó là những người thanh niên, tham gia nhiều cuộc biểu tình xuống đường, đốt xe Mỹ để làm suy yếu miền Nam.
LKT: Đã có dư luận cho rằng, tất cả những sinh hoạt du ca “vinh danh” nhạc sĩ Du ca Nguyễn Đức Quang là “lãnh tụ số một” của phong trào du ca không nhằm mục đích “chạy tội”, thậm chí “đổ tội” lên đầu Nguyễn Đức Quang “phản bội” lại lịch sử tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền của đồng bào miền nam VN và nay hầu như của cả nước?
NTC: Tôi chưa hề nghe được một “dư luận” nào như thế. Ai mà nghĩ ra được “thuyết âm mưu” như thế thì quả thật cao siêu. Chúng tôi bày tỏ sự biết ơn với một người thân yêu trong đoàn thể của chúng tôi vậy mà cũng nghĩ ra được đó là một chiêu trò!
LKT: Hiện nay trong nước đã có dấu hiệu nhà cầm quyền “lưu ý” tới phong trào du ca, theo anh đó là chiều hướng tiêu cực hay tích cực?
NTC: Chuyện theo dõi thì đoàn thể nào cũng bị theo dõi. Theo tôi, đó là điều tích cực. Họ càng biết nhiều về Du Ca thì họ càng hiểu dân hơn. Nhà nước và nhân dân cùng làm chắc sẽ tốt hơn. Chứ nếu một bên làm, một bên phá thì làm sao có thể đi tới kết quả tốt.
LKT: Theo anh, đứng về quy luật dòng chảy của lịch sử, tuy Phong trào Du ca xuất hiện và hoạt động tương đối ngắn ngủi ở miền nam VN, và như lời anh nói “không biết nó biến thể hay chấm hết”; nhưng những khuôn mặt nhạc sĩ du ca và những sáng tác du ca năm xưa dường như vẫn còn lẫn lộn, mâu thuẫn, sống động giữa quá khứ và hiện tại, giữa đời sống quần chúng và đời sống tâm thức cá nhân; điều đó có khiến cho Phong trào Du ca có trở thành một công án văn hóa văn nghệ cần phải “xét lại” từ nhiều lăng kính khác nhau hay không?
NTC: Tôi cố gắng hiểu câu hỏi của anh Lý Kiến Trúc và thú thật câu hỏi của anh khá phức tạp. Để tôi trả lời một cách đơn giản theo cách hiểu của tôi.
Thứ nhất, nếu trong tương lai Phong Trào Du Ca Việt Nam chấm hết thì có nghĩa nó là một tập thể đã đóng xong vai trò lịch sử khiêm tốn của nó. Sử sách viết về giai đoạn lịch sử này sẽ dành rất nhiều trang cho các sự kiện quân sự và chính trị. Có thể nhà sử học không nhắc tới hoặc chỉ dành không tới nửa trang sách nói về Phong Trào Du Ca Việt Nam. Cũng tương tự như ngày xưa có Tự Lực Văn Đoàn là nhóm nhà văn khởi đầu sáng tác tiểu tuyết và truyện ngắn bằng chữ Quốc Ngữ thì ngày nay Phong Trào Du Ca cũng giống như vậy thôi, Du Ca ra đời trong bối cảnh xã hội loạn lạc phân ly do sự sắp bày của những kẻ xa lạ từ bên ngoài nên chúng ta mới có những ca khúc bi tráng của một thời. Chúng ta đã bước sang một kỷ nguyên khác, rất khó cho một thế hệ thanh niên khác hiểu và cảm nhận được những bài hát Du Ca.
Thứ nhì, nếu nó biến thể thì nó không còn là Du Ca nữa. Hình thức hoạt động và tổ chức sẽ cần thay đổi. Du Ca ngày trước phù hợp với một xã hội xóm làng và thôn dã, thiếu thốn phương tiện giải trí. Bây giờ, văn nghệ ở ngoài xã hội đã tiến rất xa về mọi mặt từ nhạc cụ, âm thanh đến ánh sáng và Du Ca đang bị lấn lướt bởi trào lưu karaoke. Đứng giữa khúc quanh này, Du Ca cần nghiền ngẫm để tìm con đường đi tiếp trong tương lai. Du Ca cần phải có nhiều thời gian thảo luận của nhiều người mới có thể làm được.
Anh Trúc nêu ra “Có cần một công án văn hoá để ‘xét lại’ về Phong Trào Du Ca”? Theo tôi hiểu là anh muốn nói “công chúng có nên đánh giá lại và kết luận như thế nào về Phong Trào Du Ca”. Nói giản dị là Du Ca có đáng được coi là một trào lưu văn nghệ ở miền Nam Việt Nam thời bấy giờ hay không. Nếu lấy ý kiến từ nhiều “lăng kính khác nhau” thì đương nhiên sẽ có nhiều nhận xét đối chọi nhau. Có người sẽ nói: “Du Ca hả? Mấy cô cậu trẻ mặc áo nâu, áo xanh gì đó lên sân khấu hát hò lắp bắp với cây đàn thùng ấy à?” Người khác lại nói: “Ôi, một nhóm tuổi trẻ thật dễ thương đến bây giờ mà vẫn còn quan tâm tới đồng bào.” Cùng xem một màn trình diễn, những người thuộc những tầng lớp khác nhau có cảm nhận khác nhau, điều đó là chuyện bình thường. Tôi cho rằng người Việt chúng ta còn nhiều chuyện phải bận tâm, sao lại phải bận tâm về một đoàn thể đã ngưng hoạt động gần 50 năm.
LKT: Cám ơn Du ca Nguyễn Thiện Cơ.
NTC: Cám ơn anh Lý Kiến Trúc đã cho tôi một cuộc trao đổi tâm tình cởi mở.
Lý Kiến Trúc
Thực hiện đầu tháng Tư 2021 tại nam California trong dịp tham dự lễ tưởng niệm 10 năm ngày Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang mất (27/3/2011 – 27/3/2021) tại quán Hội Ngộ, Garden Grove, California.
PHỤ LỤC:
Mời quý thân hữu xem tiếp các bài viết dưới đây:
Phát biểu của Trưởng Hoàng Ngọc Tuệ trong Lễ Tưởng Niệm nhân Ngày Giỗ thứ 10 của Trưởng Nguyễn Đức Quang 27 tháng 3, 2021 (tại Nam California)
Ông Hoàng Ngọc Tuệ, cựu Chủ tịch Phong trào Du ca Việt Nam trước năm 1975 tại Sàigon; đứng bên cạnh là Corey Cao Nguyễn (phải), cháu ngoại nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang. Ảnh LKT
Thưa Quí Anh Chị Du Ca thân mến
Thân chào Anh Tuấn và Cháu Tường
Cám ơn sự có mặt của Anh Tuấn, Cháu Tường, cùng các bạn Du Ca đã có mặt trong Lễ giỗ của anh Nguyễn Đức Quang chiều nay.
Cách nay đúng 10 năm, ngày 27 tháng 3 năm 2011 anh đã vĩnh viễn rời bỏ chúng ta để lại thương tiếc cho người thân, bạn bè, người hâm mộ và toàn thể đoàn viên Du Ca.
Nói về đóng góp của anh Quang cho xã hội, giới trẻ miền Nam và cho Phong Trào Du Ca, chúng ta nghĩ đến ảnh hưởng của nhiều ca khúc do anh sáng tác trong mười năm từ 1965 đến tháng 4-1975 thật là lớn lao và sâu rộng tại các tỉnh thành, trong lớp học cũng như ngoài sân cỏ tại các trường trung học.
Miền Nam lúc bấy giờ
Tất cả chúng ta phải đồng ý một điều là nếu không có anh Nguyễn Đức Quang thì đã không có Du Ca. Và phải công bình mà nói nhạc Du Ca do anh Quang và các trưởng Du Ca khác sáng tác đã đem đến cho xã hội miền Nam một làn gió văn nghệ mới lạ, trong sáng, đầy nhân bản không ai chối cãi.
Chúng ta thử tìm hiểu các bài hát Du ca, của anh Quang và các Trưởng khác sáng tác đã tác động đến tâm tư người hát cũng như người nghe, từ ngày đó đến nay lớn lao đến mức nào.
Rất sớm, khi nhận biết sự chia cắt đất nước Việt nam thành hai phần với cầu Bến Hải, bài “Lìa Nhau” (Sáng tác năm 1964) với câu mở đầu “Lìa nhau cho tim bốc cháy thù sâu…” báo hiệu sự thù hận giữa hai miền Bắc Nam, không hàn gắn được, báo hiệu sự xâm lăng của miền Bắc vào chiếm miền Nam 11 năm sau đó... Đây là một bài hát có nội dung tiên tri.
Nhưng quan trọng hơn cả, đối với anh Quang là vấn đề Con Người, con người Việt Nam và lịch sử dã nung đúc lòng dũng cảm để bảo vệ quê hương đất nước do tổ tiên để lại.
Thưa Quí Anh Chị, trở lại với người Huynh Trưởng Du Ca của chúng ta, tôi xin mượn
lối phân tích của nhà báo Nguyễn Xuân Hoàng phải nói về cả hai mặt nhân cách và tài năng của Nguyễn Đức Quang.
Nhân Cách: Anh Nguyễn Đức Quang là một Huynh Trưởng Hướng Đạo, một Huynh Trưởng Du Ca đầy nhân cách. Còn lập trường chính-trị thì anh là một người ôn hòa, khiêm tốn rất đáng mến.
Nói về Tài Năng thì cứ nhìn vào hàng trăm sáng tác, đủ thể loại mà anh đã để lại cho chúng ta đủ biết anh Quang là một nhạc sĩ đầy tài năng. Muốn phân loại các bài do anh sáng tác phải cần nhiều thời gian để phân tích và tìm hiểu.
Nhạc phẩm anh Nguyễn Đức Quang sáng tác rất đa dạng. Tạm chia thành 6 thể loại dưới đây:
1./ Nghi Thức Ca: Đoàn Ta Ra Đi (Đoàn ca); Từ Nay Gánh Vác (Bài ca Tuyên hứa); Lời Nguyện Cầu Hạnh Phúc (Mừng Đám cưới): Là phút vui đôi bạn hiền. Chúng tôi xin góp ít lời vui duyên…
2./ Nhi Đồng Ca: Đầu Bếp Kỳ Tài, (Trời, mùi gì khen khét chị (ông, anh) đầu bếp của tôi ơi /. Sao chị cho chúng tôi xực món chi lạ đời…)
3./ Dân Ca:
Dân Ca Việt Nam, ví dụ: Lý Con Sáo: Ai đem con sáo sang sông cho sáo sổ lồng…
Dân Ca quốc tế lời Việt: Bầu Trời Quê Hương Ta (tộc Di, Trung Hoa, thế kỷ 13). Ta đi lang thang trên bờ ruộng nghèo. Lời nguyền trong tim vẫn còn khắc sâu. Lời nguyền đưa nhau đến bờ tươi sáng. Những bước chân đầu chưa hề nhạt màu. Một ngày nào ta sẽ quay về Đem theo vinh quang bốn bề… Về Miền Gian Nan: Ngàn bước chân tiến trên đường xa triền miên, ta cùng tìm về miền đất gian nan. Vượt thác nguy biến chui luồn qua rừng thiêng ta cùng tìm về miền đất gian nan... Nào cùng nhau vun xới chấm dứt cơn đói dài…
4./ Sinh Hoạt Ca: Hy Vọng Đã Vươn Lên, Dưới Ánh Mặt Trời…
5./ Tình Ca
a/ Tình Ca Quê Hương: Chiều Qua Tuy Hòa, Người Yêu Tôi Bệnh
b/ Tình Ca Làm Người: Như Mây Trên Cao: Anh sẽ lên trên ngọn Hồng Lĩnh, hái cho em một cánh hoa rừng…
6./ Nhận Thức ca (Tác động ca khác với Động tác ca, chưa có)
Những Bài Ca Khai Phá, những bài Trầm Ca với giá trị tác động cao độ mà chúng ta thường gọi chung là Nhận Thức Ca.
Nhận Thức Ca của anh Quang thúc đẩy người nghe cũng như người hát này sinh lòng yêu thương quê hương, xóm làng, yêu thương người đau yếu già nua. Nhạc của anh đi vào tim hay qua khối óc để đưa đến những hành động đầy tình yêu thương và sự can trường. Ví dụ bài Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ: Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn. Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang… Nhạc Nhận thức đã có giá trị và ảnh hưởng lớn lao vào một giai đoạn lịch sử đầy biến động của VNCH, thời kỳ 1965-1975, và cho đến nay vẫn còn có giá trị và ảnh hưởng tại hải ngoại. Nhạc của anh đã vang dậy khắp các tỉnh thành miền Nam, trong lớp học và trên sân cỏ ở các trường Trung Học thời bấy giờ.
a/ Đặc tính Khai Phá ấy là gì trong giai đoạn các ca khúc này ra đời? Đó là lời ca cùng âm điệu mới lạ, vui tươi, rất dễ hát, dễ nhớ.
b/ Đặc tính Nhận Thức đã làm cho người Du Ca trở thành con người sống với trách nhiệm và đầy lòng nhân ái.
Ngày nay chúng ta đã xa lìa quê cũ và đang sống trong xã hội Hoa Kỳ. Các tệ trạng và hoàn cảnh không còn giống ngày xưa, cả về mặt xã-hội, chính trị và văn hóa nhưng xin đừng quên: Xóm làng ngày xưa vẫn còn ở nơi đây vì chúng ta có láng giềng là những gia-đình bên cạnh nhà, là cộng đồng, là những người vô gia cư, đang khổ đau và đang cần sự giúp đỡ của chúng ta...
Để kết luận: Mỗi chúng ta sẽ tiếp tục say sưa hát các bài Du Ca do anh Quang để lại và xin hứa cùng anh Quang là mỗi chúng ta sẽ nỗ lực gánh vác, không từ nan khổ nhọc để thực hiện tốt nhiệm vụ của mỗi người trong xã-hội này và cũng không bao giờ quên nghĩ và tưởng nhớ về Quê Hương cũ. Xin Vong Linh anh Nguyễn Đức Quang phù hộ cho chúng tôi hôm nay và mãi mãi.
Tôi xin cám ơn các bạn đã chú ý lắng nghe.
Hoàng Ngọc Tuệ
Những Du ca viên hát lại những ca khúc du ca vang bóng một thời. Trong buổi lễ tưởng niệm nhận thấy có đại diện các nhóm Du ca như: Toán Mùa Xuân trước năm 1975; Toán Mùa Xuân tại nam Cali; Đoàn Du ca nam California do KTS Nguyễn Cửu Lâm trưởng nhóm dẫn đầu; Trưởng đoàn Du ca nam Cali hiện nay là Bác sĩ Nhãn khoa Phạm Đỗ Thiên Hương. Ảnh LKT
Thắp hương tưởng niệm trước di ảnh Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang. Từ trái: Du ca Minh Phú, thành viên trong Đoàn Du ca nam Clifornia; Dược sĩ Hoàng Ngọc Tuệ, cựu Chủ tịch Phong trào Du ca Việt Nam tại Sàigon trước 1975. Ảnh LKT
Thân hữu thắp hương tưởng niệm. Ảnh LKT
+++++++++++++++++++++++++++++++
Trích từ bài CHUYỆN NHỚ… CHUYỆN QUÊN
Trần Trọng Thảo
Nhận thấy hình thái sinh hoạt và ca hát theo phương pháp “Trầm Ca” đã phát triển nhiều nơi và con số các bạn trẻ tham gia ngày càng đông nên chúng tôi đã ngồi lại cùng với các thân hữu, đặc biệt là những huynh trưởng đã từng giúp đỡ và khuyến khích chúng tôi ngay từ đầu những ngày chúng tôi mới bắt đầu “Trầm Ca” như các anh Hồ Ngọc Nhuận, Hoàng Ngọc Tuệ, Trần Văn Ngô, Đỗ Quý Toàn, Đỗ Ngọc Yến…
Sáu anh em chúng tôi (Châu-Quang-Lập-Lĩnh-Văn-Thảo) gốc dân Đà Lạt và đã từng sinh hoạt Hướng Đạo nên ngoài việc ca hát, làm công tác xã hội, chúng tôi cũng không quên đời sống Hướng Đạo. Vậy nên chúng tôi thành lập một Toán Tráng Sinh lấy tên là “Toán Sóng Việt” lúc ban đầu sinh hoạt biệt lập nhưng sau đó gia nhập vào tráng đoàn Nguyễn Trung Trực thuộc đạo Cửu Long, châu Gia Định. Toán Sóng Việt cũng được hâm mộ nên một số các anh không phải thành viên Trầm Ca cũng xin gia nhập gồm Nguyễn Thạc, Đinh Quang Trấn, Phún Tắc Ón, Cao Duy Tuấn, Đặng Hưng Vượng và Lê Tấn Đạt. Toán Sóng Việt cũng cho phát hành một tập san văn nghệ lấy tên Phù Sa và chỉ ra mắt được 7 số thì chấm dứt. Lý do: hết tiền.
Công cuộc phục vụ giúp ích thường xuyên của Toán Sóng Việt là tham gia Chương Trình Phát Triển Quận 6 và quận 8 – bên kia sông Sài gòn. Ca khúc “Bên Kia Sông” của Nguyễn Đức Quang ra đời vào thời điểm này theo lời thơ của Nguyễn Ngọc Thạch. Chúng tôi cũng lập đội bóng rổ và thường xuyên tập tại sân vận động Phan Đình Phùng, nhiều lần giao đấu với sinh viên các phân khoa trong các khuôn viên đại học Sàigòn. Việc cắm trại, thám du cũng là chuyện thường xuyên của toán Sóng Việt. Chúng tôi thực sự là thành viên của một gia đình với nếp sống giản dị, thân ái mặc dù rất thiếu thốn về phương diện vật chất.
++++++++++++++++++++++++++++
CHUYỆN CỦA QUANG...
Hoàng Kim Châu
Ngày bước chân vào ngưỡng cửa đại học, Quang đã bỏ lại sau lưng nhiều bạn bè. Chuyện đó bình thường. Đời người có nhiều lần đi đến một khúc quanh, một ngõ rẽ, đến ngã ba, ngã tư… thì đường ai nấy đi. Mỗi người một con đường. Mỗi người một số phận. Ai cũng chọn cho mình con đường phải đi. Cũng có khi là tình cờ run rủi. Có khi là sự an bài. Quang đã chọn cho mình một con đường để đi và hướng nhắm tới do lý trí chứ không bằng cảm tính đẩy đưa. Nhưng dù sao đi nữa… cũng nằm trong phạm trù “an bài” của một tài năng phát xuất từ trong tim óc của Quang.
Quang có những năm ở đại học thật sinh động và có một số bạn bè đi chung với Quang thêm một đoạn đường dài của Tuổi Trẻ mà Quang là một tài năng vượt trội, bản lãnh và nhạy cảm với những vấn đề của xã hội, vượt ra ngoài không gian của các giảng đường hay những khu phố loanh quanh lên xuống của của núi đồi Đà Lạt mù sương.
Ngoài vài người bạn cùng thời trung học thành lập và sinh hoạt trong Ban Trầm Ca và Phong Trào Du Ca, Quang ít có cơ hội găp lại những bạn cũ thời trung học cũ. Lúc đã định cư ở Mỹ cũng vậy, bạn bè cũ của Quang thường gặp đếm chưa hết mười đầu ngón tay, ngay cả những người cùng ở chung phố, chung đường. Lý do dễ hiểu. Ai ai cũng bận bịu làm ăn, chạy theo cho kịp với nhịp sống của xã hội Mỹ, rồi gia đình con cái với trách nhiệm nặng nề của các bậc cha mẹ. Do nghề nghiệp, Quang thường hay gặp gỡ những người trong giới truyền thông báo chí, văn nghệ sĩ và các bạn cùng khóa cùng trường của đại học Đà Lạt ngày xưa hơn.
Tôi không ở chung thành phố hay tiểu bang cùng với Quang nhưng có lẽ tôi là người gặp Quang khá nhiều so với một số bạn bè ở cùng thành phố, ngay cả chung zipcode. Tôi sang Mỹ năm 1992. Năm 1993 tôi sang California thăm Quang và hầu hết bạn bè Đà Lạt đã định cư ở Mỹ đã lâu. Đến thăm Quang và Minh Thông trong ngôi nhà nằm trên đường Hazard để hàn huyên không biết bao nhiêu là chuyện cũ người cũ. Khi đó Quang vừa rời báo Người Việt để lập tờ Viễn Đông Kinh Tế Thời Báo. Quang đưa tôi đến thăm cơ sở Viễn Đông lúc đó chỉ có vỏn vẹn một tấm banner treo phía trước. Hai đứa chụp một tấm ảnh rồi kéo nhau về tòa báo Người Việt trên đường Moran để gặp một số anh em quen xưa của thời công tác xã hội và Du ca như các anh Hoàng Ngọc Tuệ, Lê Đình Điểu, Hà Tường Cát, Trần Đại Lộc, Đỗ Ngọc Yến, Phạm Phú Minh… Những lần gặp gỡ kế tiếp là những lần gặp các bạn của Đà Lạt do tôi gọi mời.
Lần đầu tiên Quang qua Houston để cùng tôi tham dự trại vào mùa hè 1996 do một nhóm sinh viên Việt Nam tổ chức tại Huntsville. Cả nhà tôi đi đón Quang về và ngày hôm sau lên đất trại. Quang được giới thiệu để hát những ca khúc nổi tiếng do anh sáng tác trước năm 1975. Những năm sau đó tôi cũng thường đón Quang qua Houston trình diễn trong những dịp lễ kỷ niệm của Việt Nam Cộng Hòa. Có đôi lần, hội đoàn hoặc bạn bè phỗng tay trên bắt cóc Quang ngay ở phi trường. Điều đó chứng tỏ rằng rất nhiều người mến mộ tài năng của Quang và nhất là yêu thích những bài ca “dậy sóng” của Quang đã sáng tác trong thời gian còn chiến chinh khói lửa trên quê hương Việt Nam. Có một lần, sau khi hát cho đồng bào Việt Nam nghe trước khu siêu thị Hồng Kông, sau buổi trình diễn, tôi đã đưa Quang đến thẳng nhà một anh cựu sinh viên đại học Đà Lạt theo lời yêu cầu của nhóm Thụ Nhân Houston để được riêng nghe Quang hát cho anh chị em đồng môn. Hôm đó, Quang được yêu cầu là chỉ hát nhạc tình mà thôi. Quang chiều ý anh em và mãi đến gần hai giờ sáng chúng tôi mới chia tay ra về.
Quang đến đâu cũng có anh em đón tiếp và tổ chức cho Quang hát, Quang không thích hai chữ “trình diễn”. Từ Orange County, San Jose, Washington DC, Seattle đến Houston… nơi nào cũng có bạn bè và anh chị em thiện nguyện hoặc các hội đoàn đứng ra tổ chức mời đón. Ở Pháp có anh Trần Văn Ngô và chị Đỗ Phương Oanh, đến Hòa Lan có Nguyễn Quyết Thắng, sang Úc đã có anh Nguyễn Văn Thuất – một Trưởng Hướng Đạo rất mến mộ tài năng Nguyễn Đức Quang… Trong lúc trông coi tờ Viễn Đông và một số cơ sở báo chí khác, Quang vẫn vác đàn đi hát khắp nơi mà nhiều khi sức khỏe không cho phép. Quang có vấn đề ở phổi, đã phải lấy nước từ phổi ra một lần. Tính Quang ưa cả nể bạn bè, sợ anh em buồn lòng nên vẫn vui vẻ lên đường khi có lời yêu cầu và thu xếp được công việc. Trong những lúc đi “Du ca” như thế, Quang thường quên mang theo thuốc men và quên cả những lời dặn của vợ con về vấn đề giữ gìn sức khỏe. Quang vẫn con hút thuốc! Mãi rồi Minh Thông cũng chỉ biết lắc đầu chịu thua “ông tướng” – Thông thường gọi như thế. Nhiều lần Minh Thông cũng chẳng biết Quang đi đâu cho đến lúc chàng ta “vác mặt” trở về với nụ cười “cầu tài” là xong mọi chuyện. Trong buổi lễ phát tang cho Quang hôm 2 tháng tư (2011) một Trưởng Hướng Đạo có hỏi người con trai của Quang là cháu Nguyễn Đức Tường về chuyện Du Ca của Quang thì cháu Tường trả lời rằng: “con không biết ba của con làm gì!...”
Minh Thông là người vợ đảm đương, lanh lợi, có cơ sở làm ăn và một tay thu xếp mọi sinh hoạt trong gia đình. Đến khi về hưu Quang mới bắt đầu đưa vợ đi du lịch nhiều nơi, kể cả về Việt Nam để thăm anh chị em. Trước đó Quang cũng đã có chuyến về sau hơn 30 năm xa xứ. Về để mở toang ký ức, nhìn vào tận dĩ vãng sâu thẳm của mình. Về thăm lại căn gác nhỏ của những ngày tháng xa xưa với tà áo trắng thanh xuân đã cùng nhau trăm lần nghìn lần bước chung trên Con Dốc Nhỏ - chứng nhân của mối tình đầu tưởng chừng hạnh phúc đã mãi mãi trong tầm tay. Nhưng người nghệ sĩ tài ba đó đó không khuất phục định mệnh khắc nghiệt bủa vây. Có lần tưởng chừng “gương vỡ lại lành” nhưng rồi gương lại vỡ toang – từng mảnh từng mảnh. Cũng rất lạ, khi một thanh niên vừa bước vào đời bị con sốc tình với cường độ của sóng “tsunami” mà Quang vẫn đứng vững! Chẳng những thế, Quang còn lao vào con đường khai phá trong lãnh vực âm nhạc với bản lãnh và tài năng cá biệt của mình để cùng bạn bè tạo dựng một phong trào đã có chiều dài gần nửa thế kỷ.
Minh Thông đã ra đi vĩnh viễn vào mùa xuân 2009 và chỉ sau vài tháng Quang ngả bệnh, phải khẩn cấp đưa vào bệnh viện để điều trị tim. Sức khỏe hao hụt thấy rõ cùng với nỗi cô đơn dằn vặt trong ngôi nhà rộng vừa mới sửa lại khang trang.
Cho đến nay, tôi vẫn còn nghe rõ âm thanh và hình ảnh Quang ôm đàn đứng hát trên sân khấu, hội trường, sân cỏ, đất trại hay trong những căn phòng ấm cúng của thân hữu. Không màu mè, không khẩu hiệu, không đèn xanh đèn đỏ. Những đôi mắt mở to để nhìn, tai lắng nghe từng chữ từng lời của Quang nói và hát. Quang hát không cần MC, không hoa hòe hoa sói vẽ vời giả tưởng về những bài hát do mình sáng tác. Không một ai có đủ thẩm quyền giải thích về nội dung những bài hát của Quang, ngay cả những bản nhạc viết cho tình yêu. Quang không dùng thứ ngôn ngữ ẩn dụ để vuốt ve thính giác người nghe. Nhưng khi nghe Quang hát, thính giả phải động não và đôi khin phải xử dụng đến cả trực giác mới bắt kịp từng lời từng chữ của bài hát. Khi Quang buông phím, thính giả thấy cả khung cảnh và tình huống mà Quang đã nói đến trong các bài hát của mình. Nó có sức tác động vào tâm thức người nghe, bắt người nghe phải suy nghĩ. Lối trình bày các bài hát của Quang rất giản dị nhưng thể hiện được hết cảm xúc qua từng chữ từng câu. Quang không dùng những từ ngữ phù phiếm kiểu “nước chảy hoa trôi” để khi bài hát kết thúc, như con nước cuốn lá cuốn hoa trôi phăng ra biển cả. Ngược lại, khi Quang chấm dứt bài hát thì những lời đã biến thành những con suối nhỏ chảy vào trong tim trong óc của mọi người. Tôi đã nhiều lần nghe những đám đông hát bài “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ”, đây là một bài ca thuộc loại “hát cộng đồng” nhưng “hát cộng đồng” không có nghĩa là muốn hát sao thì hát, họ hát theo chữ chứ không hát theo ý của bài hát, họ hát thật to thật lớn, nếu Quang nghe chắc cũng không mấy vừa lòng. Thỉnh thoảng tôi mở bài “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” để nghe do ban hợp xướng Ngàn Khơi trình bày. Đây là một trong những bài mà Ban Trầm Ca đã tập dợt lần đầu tiên trong garage của dược sĩ Hoàng Ngọc Tuệ khi Quang vừa mới viết và lời ca chưa được hoàn chỉnh.
Không phải người Đà Lạt nào cũng biết Quang là một nhạc sĩ Du Ca. Không phải những học sinh ngày xưa của trường Bồ Đề hay Trần Hưng Đạo cũng biết Quang là một nhạc sĩ Du Ca. Trái lại những cựu sinh viên đại học Đà Lạt, đặc biệt là sinh viên trường Chính Trị Kinh Doanh khóa I,II đều biết Quang. Rất dễ hiểu. Quang hát cho anh chị em Chính Trị Kinh Doanh nghe chứ chưa bao giờ hát riêng cho người Đà Lạt hay bạn bè từ hai trường trung học mà Quang đã trải qua những năm tháng đã theo học ở đó nghe. Họa hoằn đâu đó trong những buổi sinh hoạt ở hải ngoại, dăm ba người Đà Lạt có tham dự nhưng họ không biết Quang vốn xuất thân từ Đà Lạt. Quang là người nổi tiếng, nhiều hội đoàn thường mời Quang đến hát cho họ nghe và cũng có vài hội đoàn ái hữu hay tổ chức nhận Quang là “người nhà” của mình. Quang là người của đám đông nên chuyện xảy ra như thế cũng là chuyện thường tình do sự mến mộ tài năng. Nhớ hôm Quang đang còn nằm trong bệnh viện để chạy chữa thì có một hội cựu học sinh đang tổ chức họp mặt và MC của buổi đó dõng dạc tuyên bố: “Nguyễn Đức Quang là học sinh trường ABC… gốc gác cùng chúng tôi… đã từ trần lúc 4 giờ chiều ngày 21 tháng 3!...” (Quang mất ngày 27 tháng 3!). Có tờ báo và đài truyền hình ở California cũng đưa tin Nguyễn Đức Quang đã chết trong khi còn đang chạy chữa, lý do dễ hiểu là họ muốn đưa tin thật nhanh đến cho độc giả, thính giả, đơn giản là như vậy.
Quang có kể cho tôi nghe mẩu chuyện này: Có một anh Du Ca ở hải ngoại (không phải ở Mỹ) khi có dịp nhắc tới Nguyễn Đức Quang lại thường tự đánh bóng mình nhiều hơn. Anh ta đã lấy một số tác phẩm của Quang in thành tập nhạc khi Quang còn ở Việt Nam. Khi Quang định cư ở Mỹ, anh ta đưa cho Quang $ 70.00. Tôi biết anh Du Ca này đã theo học khóa I Thanh Ca Tác Động tại sân vận động Cộng Hòa Sài Gòn 1966, anh ta cũng có sáng tác nhạc. Quang là người xuề xòa dễ tính, không bao giờ đôi co với bất cứ ai.
Một số ít người Đà Lạt xuất thân từ hai trường Bùi Thị Xuân và Trần Hưng Đào Đà Lạt biết “rất rõ” mối tình của Quang với một người con gái học sau Quang một lớp mà Quang mô tả rất thực trong hai bài “Tình Tôi Con Dốc Nhỏ” và “Tôi Có Một Mối Tình” nhưng chưa bao giờ hát hai bài này cho đám đông cùng nghe. Nếu có ai đó yêu cầu Quang hát nhạc tình thì Quang chỉ hát những bài như Cần Nhau, Mùa Thu lại Đi, Về Con Phố Xưa, Đứng Bên Tôi…Một cách nào đó, Quang là người của quần chúng, của đám đông với gần nửa thế kỷ tiếp nối vui buồn như những hòn sỏi cứ lăn và lăn mãi trên con dốc đời. Quang được đám đông tung - hê cổ - võ vinh – danh. Nhưng khi chiếc đàn đã nằm in trong chiếc hộp bịt bùng thì Quang lại lủi thủi trở về với tâm trạng cô đơn và luôn phải vẫy vùng với những tảng băng ký ức mà trong đó mối tình đầu vẫn là con sóng ngầm cứ xoáy mãi vào mạch tim của Quang. Cũng nhức nhôi!
Mùa hè 2010 tôi rủ Quang sang Houston dự đại hội cựu học sinh trung học Bùi Thị Xuân – Trần Hưng Đạo Đà Lạt lần thứ ba nhưng Quang không sang được. Đến tháng 10 tôi sang California cùng Quang tiễn đưa Nguyễn Mùi, một đồng môn ở trung và đại học về nơi an nghỉ cuối cùng. Dịp này Quang nhận lời mời đến dự buổi họp tại nhà giáo sư Nguyễn Đình Cường và Đỗ Thị Tiến (giáo sư Tiến là bạn chí thân của Minh Thông, đã vĩnh viễn ra đi trước Quang hai tuần lễ) để thành lập ban tổ chức đại hội lần thứ tư cựu học sinh hai trường công lập tại Đà Lạt vào mùa hè năm 2012. Chiều hôm đó Quang mang theo đàn và hát cho toàn những người Đà Lạt nghe. Trừ tôi và hai vợ chồng giáo sư Nguyễn Đình Cường – Đỗ Thị Tiến, thính giả hôm đó là những người lần đầu tiên được nghe Quang hát trực tiếp. Chỉ vài bài như Chiều Qua Tuy Hòa, Bên Kia Sông, Mùa Thu Lại Đi… Quang không hát “Tình Tôi Con Dốc Nhỏ” hay “Tôi Có Một Mối Tình”. Ngoài ra Quang còn nhận giúp tôi layout và in tờ đặc san đại hội. Ban tổ chức cũng dự trù dành cho Quang một buổi để trình bày các tác phẩm của mình trên du thuyền với khoảng trên hai trăm thính giả đồng môn. Quang và tôi hẹn nhau trong lần họp tháng 7 – 2011 cũng tại California.
Cuối đông 2010 và đầu xuân 2011 đám cựu học sinh Đà Lạt chúng tôi thương tiếc tiễn đưa mấy người bạn cũ lìa xa gia đình và bạn bè. Sáng sớm ngày 11 tháng ba, tôi nhìn thấy trên màn ảnh cơn sóng thần “tsunami” khủng khiếp đánh vào miền Bắc nước Nhật. Liền sau đó nhận được tin Quang được các con đưa vào bệnh viện, nằm phòng ICU. Tin loan ra nhanh khắp thế giới. Tin từ báo chí, truyền thanh, truyền hình. Các cú điện thoại cũng làm công việc thông báo, nhiều người thăm hỏi và hồi hộp đợi chờ. Kẻ ở gần đến thăm, người ở xa nghe ngóng. Lúc tỉnh lúc mê rồi vĩnh viễn ra đi vào ngày 27 tháng 3 – 2011 tại bệnh viện Fountain Valley.
Bàng hoàng và thương tiếc! Đám tang mấy ngày sau trời không có nắng, cũng chẳng có mưa. Người tiễn đưa đông như đến để nghe Quang hát. Bài ca buồn không lời. Không ai khóc. Đầu đen đầu bạc nhấp nhô. Mắt thoáng ngậm ngùi…
Hoàng Kim Châu Giỗ 100 ngày Nguyễn Đức Quang
++++++++++++++++++++++++++++++++
Cuối Tháng Ba Nhớ Nguyễn Đức Quang
Nguyễn Đức Quang, Trưởng Hướng Đạo là nhạc sĩ Du ca đã vĩnh viễn rời xa gia đình và bạn bè ngày 27 tháng 3 – 2011, đã để lại một kho tàng âm nhạc với rất nhiều ca khúc chất chứa tình yêu quê hương, ý thức dân tộc… đã ghi đậm nét vào lòng các thế hệ tuổi trẻ Việt Nam kể từ giữa thập niên 1960. Một nhóm thân hữu của Nguyễn Đức Quang thực hiện tuyển tập tựa đề “Tưởng Niệm Người Du Ca Muôn Thuở”. Trong số rất nhiều bài viết thấy có một số tác giả là cựu Tráng sinh HĐVN. Nhân ngày nhớ Nguyễn Đức Quang, chúng tôi xin gửi đến anh chị em Tráng sinh bài viết của các anh Hoàng Thái Lĩnh, Trần Trọng Thảo và Hoàng Kim Châu đều là những người cùng với Nguyễn Đức Quang thành lập Ban Trầm Ca và Phong Trào Du Ca Việt Nam.
NGƯỜI NHẠC SĨ DU CA ĐÃ RA ĐI MÃI MÃI
Hoàng Thái Lĩnh
Nguyễn Đức Quang sinh ngày 11 tháng 2 năm 1944 tại Sơn Tây, là con trai thứ trong một gia đình có 6 anh chị em – ba trai, ba gái. Tháng 4 năm 1954, cha anh - một viên chức trong ngành giáo dục được điều động vào Sài Gòn. Nguyễn Đức Quang lúc đó mới 10 tuổi theo cha mẹ vào Nam. Sau hiệp định Genève (tháng 7 – 1954), đất nước bị chia đôi, gia đình Quang cũng bị chia cắt: người anh cả cùng ba người chị gái ở lại miền Bắc, chỉ có Quang và đứa em út sống ở miền Nam cùng với cha mẹ cho đến tháng 4 – 1975.
Năm 1959, cha anh được điều động công tác lên Ty Tiểu Học Đà Lạt. Yêu mến cảnh vật và con người nơi đây, mẹ anh quyết định chọn nơi này làm quê hương và mua lại căn nhà ở số 33 đường Calmette (nay là đường Phạm Ngọc Thạch) làm nơi cư ngụ lâu dài của gia đình. Thành phố Đà Lạt chính là nơi Nguyễn Đức Quang đã sống một đời tuổi trẻ và cũng là nơi để lại những kỷ niệm sâu đậm nhất, in dấu ấn vào nhiều bản tình ca của anh sau này.
Từ tuổi thiếu niên, Quang đã ham mê các sinh hoạt đoàn thể, nhất là Phong Trào Hướng Đạo. Những người bạn thân thiết đầu tiên của anh như các anh Hoàng Kim Châu, Đoàn Chiêm v.v… về sau đều trở thành những huynh trưởng Hướng Đạo nổi tiếng. Là một thiếu sinh, anh trở thành đội trưởng Đội Voi, sau đó là Đội Trưởng Nhất thuộc thiếu đoàn Lê Lợi. Năm 1964 anh đảm nhiệm chức bầy trưởng Bầy Ngàn Thông của Đạo Lâm Viên. Tinh thần Hướng Đạo ấy, Nguyễn Đức Quang đã giữ mãi trong suốt cuộc đời, thể hiện trong nhiều sáng tác âm nhạc cũng như hoạt động nhiều mặt của anh.
Vốn có năng khiếu về âm nhạc, Nguyễn Đức Quang đã ham mê sáng tác các ca khúc ngay từ thời còn trẻ. Nhưng khác với các nhạc sĩ khác – thường bắt đầu quá trình sáng tác của mình bằng các bản tình ca, ca khúc đầu tay của anh là một bài hát dành cho Hướng Đạo có tên là “Gươm Thiêng Hào Kiệt” (1961).
Trong những năm 1963-1964, những biến cố chính trị dồn dập xảy ra ở Miền Nam đã khiến Nguyễn Đức Quang bắt đầu quan tâm đến vấn đề chung của đất nước. Không những chỉ dừng lại ở những bài hát tập thể dành cho các sinh hoạt thanh thiếu niên, Quang bắt đầu chuyển hướng sang các ca khúc có chủ đề “Tuổi trẻ, Quê hương, Dân tộc”. Những suy tư của cả một thế hệ thanh niên sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, những ưu tư đối với vận mệnh của dân tộc, sứ mệnh của những người thanh niên yêu nước được chất chứa trong một loạt bài hát về sau được gọi tên là Trầm Ca (những bài hát trầm tư). Bài hát tiêu biểu cho thế hệ này là bài “Nỗi Buồn Nhược Tiểu”.
Trong những năm 1964-1965, khi phong trào công tác xã hội bùng lên ở Miền Nam, Quang cùng các bạn tham gia các hoạt động như làm công tác xã hội, cứu trợ nạn nhân bão lụt, nạn nhân chiến tranh…Những bài hát của anh bắt đầu được phổ biến trong các trại công tác xã hội, trong các đoàn thể thanh thiếu niên như Hướng Đạo, Gia Đình Phật Tử, Thanh Sinh Công… đặc biệt là trong Chương Trình Công Tác Hè 1965.
Sau mùa hè năm 1965, cùng với một số bạn đồng môn cựu học sinh Trần Hưng Đạo là Hoàng Kim Châu, Trần Trọng Thảo, Nguyễn Quốc Văn, Hoàng Thái Lĩnh, Nguyễn Đức Quang thành lập một “ban nhạc”. Đây là một “ban nhạc” cực kỳ gọn nhẹ: chỉ với một cây đàn ghi ta thùng và những giọng hát không chuyên của những sinh viên gốc Đà Lạt. Ban nhạc này đã nhanh chóng chinh phục được nhiều người hâm mộ. Phong cách biểu diễn hoàn toàn mới mẻ: người đến tham dự không chỉ để nghe hát và vỗ tay hoan hô mà cùng hát với những người trên sân khấu theo tinh thần “hát hay không bằng hay hát”, “hát với nhau”, “cùng nhau hát”. Trong nửa cuối năm 1965, ban nhạc này vẫn chưa có tên chính thức mặc dầu đã đi hát ở nhiều nơi và được hoan nghênh nhiệt liệt. Tháng 12 – 1965, ban nhạc trở về thành phố quê nhà. Đến ngày 19 tháng 12- 1965 ban nhạc đã chính thức ra mắt tại giảng đường Spellman – Viện Đại Học Đà Lạt, cùng tham gia chương trình có nhạc sĩ Phạm Duy với những bài “Tâm Ca” vừa mới sáng tác… Đêm kế tiếp (20 tháng 12) ban nhạc lại trình diễn một buổi thứ hai tại giảng đường Thụ Nhân và lần này có sự tham gia của Phương Oanh – ca sĩ hát dân ca tài năng nhất của Miền Nam thời đó. Phương Oanh gia nhập ban và trở thành giọng ca nữ duy nhất của ban nhạc hình thành từ ngẫu hứng này. Sau thời điểm lịch sử đó ban nhạc lấy tên là Trầm Ca. Ngày 19 tháng 12 – 1965 có thể được xem là ngày ra đời của Ban Trầm Ca và cũng là sự khởi đầu của Phong Trào Du Ca sau này.
Bước qua năm 1966 ban Trầm Ca đã cùng với nhạc sĩ Phạm Duy đi lưu diễn ở một số tỉnh thành ở Miền Nam. Được sự yểm trợ của một số huynh trưởng hoạt động thanh niên tại Sài Gòn, Nguyễn Đức Quang và ban Trầm Ca đã tổ chức 8 khóa “Thanh Ca Tác Động” nhằm đào tạo hạt nhân để phát triển phong trào. Cuối năm 1966 Phong Trào Du Ca được chính thức thành lập như một Tổ Chức Thanh Niên Tự Nguyện với mục đích giáo dục thế hệ trẻ thông qua các hoạt động văn nghệ và sinh hoạt cộng đồng. Đinh Gia Lập – một Hướng Đạo Sinh, cựu học sinh Trần Hưng Đạo, cũng là một thành viên ban Trầm Ca mặc dù không tham gia trình diễn đã trở thành chủ tịch lâm thời của Phong Trào Du Ca.
Năm 1967, Phong Trào Du Ca tổ chức đại hội lần đầu tiên tại Sài Gòn. Dược sĩ Hoàng Ngọc Tuệ được bầu làm chủ tịch và giữ chức vụ này cho đến khi được thay thế bởi nhà báo Đỗ Ngọc Yến (1972). Tổ chức thanh niên mới mẻ này đã phát triển rộng khắp trên các tỉnh ở Miền Nam Việt Nam cho đến tháng 4 – 1975 mới ngưng hoạt động tại quốc nội.
Có một chi tiết thú vị cần được nhắc đến: nhà để xe (garage) và nhà bếp của ngôi biệt thự số 114 đường Sương Nguyệt Ánh – Sài Gòn – tư gia của anh Hoàng Ngọc Tuệ chính là “tổ ấm” của ban Trầm Ca ngay từ lúc ban nhạc chưa có tên. Nói cách khác, huynh trưởng Hoàng Ngọc Tuệ chính là vị “Mạnh Thường Quân” đã cưu mang ban Trầm Ca và Phong Trào Du Ca ngay từ thời còn trứng nước
Là một tổ chức thanh niên, Phong Trào Du Ca Việt Nam gồm nhiều bộ phận, trong đó phần sáng tác âm nhạc được giao cho “Xưởng Du Ca”, Nguyễn Đức Quang là trưởng xưởng đầu tiên cho đến khi giao trách nhiệm cho nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu tức Trần Tú vào năm 1972.
Biến cố 30 – 4 – 1975, mặc dù chiến tranh chấm dứt nhưng gia đình Nguyễn Đức Quang vẫn không có cơ hội đoàn tụ. Do thời gian phục vụ trong quân đội VNCH, mặc dù đã được biệt phái ngành ngân hàng, Quang phải trải qua thời gian “học tập cải tạo” khoảng 3 năm. Năm 1979, sau khi từ trại “học tập cải tạo” trở về, Nguyễn Đức Quang cùng vợ con vượt biên đến tị nạn tại Hoa Kỳ. Đó là lý do chúng ta thấy Nguyễn Đức Quang cho đến trước khi lìa đời vẫn mang một tâm sự buồn và vẫn hoài vọng một sự đoàn tụ thật sự của cả dân tộc trong tương lai.
Kể từ khi định cư tại Little Sàigòn – California, Nguyễn Đức Quang hoạt động liên tục trong ngành truyền thông. Trong những năm 1984-1988, anh đã từng là giám đốc trị sự, chủ bút và tổng giám đốc của báo Người Việt – tờ nhật báo nổi tiếng của người Việt hải ngoại. Từ năm 1993 anh lần lượt lập tờ báo Viễn Đông, rồi công ty truyền thông và một số các tờ báo khác. Trong thập niên cuối của đời mình, anh tìm cách nối lại vòng tay thân ái giữa những thanh niên Mỹ gốc Việt với thanh niên trong nước qua trại hè do Project Vietnam Foundation tổ chức.
Nhưng cho dù hoạt động trong bất cứ ngành nghề nào, dòng máu âm nhạc vẫn còn chảy mạnh trong con người Quang. Vì thế, trong khoảng một thập niên cuối đời, anh trở lại với sáng tác ca khúc và gắn bó với hoạt động của Phong Trào Du Ca Việt Nam – được hồi sinh tại hải ngoại từ hơn một thập niên trở lại đây. Anh đi lưu diễn nhiều nơi trên thế giới, từ Bắc Mỹ cho đến châu Úc, châu Âu, đồng thời tiếp tục sáng tác ca khúc mới.
Sau khi người vợ thân yêu của anh qua đời (tháng 3 – 2009) và sau hai lần vượt qua bệnh tật, vào tháng 2 năm 2010, Quang đã về ăn tết tại quê nhà. Anh đã có dịp thăm lại gia đình các anh chị ở miền Bắc, có dịp thăm lại căn nhà cũ, nơi gia đình của người em trai là Nguyễn Đức Vinh đang cư trú. Đêm 19-2-2010 trên căn gác thân thương, anh đã hát cho các em, các cháu và những người bạn thân thiết ngày xưa nghe một số bài hát mới do anh sáng tác trong những năm cuối đời. Đó cũng chính là lần cuối cùng anh trở về thăm Đà Lạt để rồi ra đi vĩnh viễn không bao giờ trở lại với thành phố thân thương – nơi có “con phố xưa”, có “con dốc nhỏ”, đã ghi lại dấu tích của tình yêu và những cảm xúc đầu đời.
Sau chuyến đi Âu Châu (tháng 9 – 2010), Nguyễn Đức Quang trở lại Hoa Kỳ để chuẩn bị cho những buổi trình diễn nhạc Du Ca. Chính trong quá trình tích cực chuẩn bị cho một buổi sinh hoạt âm nhạc dự định tổ chức vào hạ tuần tháng 2 – 2011, Quang bị đột quỵ vì tai biến mạch máu não. Ngày 11-2-2011 Quang được đưa vào bệnh viện và một tháng rưỡi sau đó anh ra đi vĩnh viễn vào 4 giờ sáng ngày 27 tháng 3 – 2011 (giờ California) nhằm 23 tháng 2 năm Tân Mão, hưởng thọ 68 tuổi. Anh được Hội Đồng Trung Ương Hướng Đạo Việt Nam ở hải ngoại truy tặng Bắc Đẩu Huân Chương dành cho Trưởng có công giữ gìn và xây dựng phương pháp giáo dục cho thanh thiếu niên.
Là con chim đầu đàn của Phong Trào Du Ca, Nguyễn Đức Quang đã để lại cho chúng ta một di sản âm nhạc phong phú thuộc nhiều thể loại, từ tình ca cho đến các bài hát sinh hoạt cộng đồng, nhưng đáng chú ý nhất là những bài hát “nhận thức” - chất chứa tình tự dân tộc, lòng yêu quê hương, những suy tư của người dân một nước nhược tiểu muốn vươn lên để làm thay đổi số phận của dân tộc mình. Trong số các bài hát do anh sáng tác, nhiều bài hát đã được phổ biến rộng rãi trong nhiều thế hệ thanh niên, đến mức ngay cả những người yêu thích cũng không hề biết rõ xuất xứ của bài hát. Cuối năm 2007 bài “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” đã được các thanh niên sinh viên yêu nước hát lên trong dịp biểu tình phản đối Trung quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa nhưng mãi về sau, người ta mới biết đó là một bài hát do Nguyễn Đức Quang sáng tác vào giữa thập niên 1960.
Trong những ngày này, tưởng niệm Nguyễn Đức Quang, chúng ta – những thân quyến và bằng hữu của anh và cả những người ái mộ anh nhiều thế hệ, trong đó có những người đã sát cánh cùng anh từ gần nửa thế kỷ qua không khỏi bùi ngùi xúc động nhớ đến anh với dáng người cao nghều, với giọng hát dũng mãnh không cần đến micro, chỉ với cây đàn và tiếng hát đã đi đến khắp nơi, từ những nơi đầy khói lửa chiến tranh đến tận những xóm nghèo trong các đô thị, từ các sân khấu ngoài trời, trong khuôn viên các trường đại học cho đến tận các vùng quê cằn cỗi để dùng tiếng hát, lời ca nói lên những tâm tình của một thế hệ thanh niên sinh ra và lớn lên cùng chiến tranh trong tận đáy lòng vẫn mong ước đến hòa bình.
Trong một đất nước mà dân tộc bị phân ly, trải qua một cuộc nội chiến kéo dài, nguyện vọng sau cùng của Quang vẫn là hàn gắn vết thương lòng của dân tộc như lời hát của bài “Trên Đồi Arlington” – một trong những sáng tác sau cùng của anh. Xin trích dẫn một số đoạn
“…Làm sao tin thế được? Làm sao gọi là vinh quang? Cuộc chiến vùi sâu dân tộc, Khơi dậy những hờn căm Thắng ngoáy dài mũi kiếm Thua xuống cuối biển đông Sao gọi anh hùng được Hồn lệ sử thấu chăng? Đã bảo vết thương không nhắc nữa Vì ai khoe sẹo khiến bâng khuâng Ừ nhỉ xưa kia thành quách đổ
Thắng bại anh hùng có xứng chăng?”
Nhưng Nguyễn Đức Quang không dừng lại ở cái nhìn bi quan với tâm trạng yếm thế. Bước ra khỏi cuộc nội chiến, anh vẫn hy vọng vào tương lai, mong ước đến sự hàn gắn vết thương vô cùng lớn, vô cùng sâu mà chiến tranh đã để lại trong lòng mỗi gia đình cũng như trong lòng dân tộc. Nhìn vào những nấm mộ chiến sĩ vô danh trong nghĩa trang Arlington – tượng trưng cho những người lính Mỹ của cả hai phía trong cuộc nội chiến Nam-Bắc, anh vẫn nuôi hy vọng đến một lúc nào đó, những người lính Việt Nam đã hy sinh trong chiến tranh dù là ở Nam hay ở Bắc cũng đều có thể nằm cạnh nhau. Đó là lúc khép lại quá khứ, khép lại một giai đoạn lịch sử để mở đường cho một tương lai mới, như lời kêu gọi của những tử sĩ muốn nhắn gửi qua lời ca của người nhạc sĩ Du Ca:
…Nay bạn, cùng chiến đấu,
cùng gục ngả viên đạn ngược đường bay
Về đây, cùng tới đây, chia nhau nghĩa trang này
không lời oán đắng cay
…Bắc Nam cùng mạch sống!
Thắng thua đều anh hùng!
Bốn mùa hoa nở rộ, dưới mộ đài hùng tráng
chung dòng “Tổ Quốc Ghi Công”
Mặc dầu Nguyễn Đức Quang ra đi giữa lúc vết thương do nội chiến gây ra vẫn chưa được hàn gắn, chúng ta có thể tin tưởng rằng nguyện vọng của anh – cũng là nguyện vọng chung của cả một dân tộc đã trải qua chiến tranh đau thương, ly tán, nhất định sẽ trở thành hiện thực. Nếu thế hệ của Nguyễn Đức Quang không làm được điều đó thì chúng ta cũng có thể tin chắc một điều: các thế hệ mai sau của người Việt Nam sẽ làm được điều đó!
Xin hãy cùng nhau tưởng nhớ đến một người đã cùng chia sẻ với chúng ta những kỷ niệm của một thời chiến tranh, một thời ly tán – thời của những hy vọng và thất vọng, thời của sự đan xen giữa lý tưởng trong sáng và thực tế khắc nghiệt. Nhưng đó cũng là một thời của những thanh niên sôi nổi, thời của những tình cảm đầm ấm, những mối liên hệ thân thiện đã nảy sinh từ trong khói lửa chiến tranh và từ những nỗi buồn ly biệt. Cũng từ trong đau thương và mất mát, đã nảy ra tình thương yêu giữa những người hoạt động thanh niên, những người yêu âm nhạc và những người yêu sinh hoạt cộng đồng, yêu lời ca và tiếng hát, yêu đời và yêu người, những ngươi tin vào chính mình, đồng thời luôn nuôi dưỡng những niềm “Hy Vọng Đã Vươn Lên”, đang vươn lên và mãi mãi sẽ vươn lên như những lời ca, tiếng nhạc mà Nguyễn Đức Quang đã để lại cho đời, cho người và cho cả dân tộc…
Đà Lạt ngày 3-4-2011
Ban Trầm Ca
Đỗ Phương Oanh (trước)
Hoàng Thái Lĩnh (trái – hàng nhì)
Nguyễn Quốc Văn (phải – hàng nhì)
Trần Trọng Thảo (Trái – hàng ba)
Nguyễn Đức Quang (Phải – hàng ba)
Hoàng Kim Châu (sau cùng)
+++++++++++++++++++++++++++++++
Nhà báo Lý Kiến Trúc, khách mời trong buổi Lễ tưởng niệm Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang giúp vui chương trình “Vài nốt Lục huyền cầm”, trong đó có bài “Vì tôi là Linh mục” của Nguyễn Đức Quang. Ảnh: Nguyễn Cửu Lâm.