Bóng dáng TQ phía sau vụ vỡ đập thủy điện ở Lào

07 Tháng Tám 20187:53 CH(Xem: 7060)

VĂN HÓA ONLINE - TỪ CALIFORNIA - THỨ TƯ 08 AUG 2018


Bóng dáng Trung Quốc phía sau vụ vỡ đập thủy điện ở Lào


image023Một bé gái dùng tấm nệm làm phao chống chọi với nước lũ sau khi đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy ở tỉnh Attapeu bị vỡ. Ảnh chụp ngày 26/07/2018.REUTERS/Soe Zeya Tun


Hôm 23/07/2018, vào khoảng 20 giờ (13 giờ GMT), đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy tại tỉnh Attapeu đã bị sụp đổ, khiến 500 triệu tấn nước đổ ụp xuống bảy ngôi làng. Một khu vực kéo dài hàng mấy chục cây số đã bị nước lũ tràn ngập, thậm chí tràn sang cả nước Cam Bốt láng giềng. Theo loan báo mới nhất vào hôm qua 06/08/2018 tức hai tuần sau thảm họa, chỉ mới tìm được 31 xác, và vẫn còn 130 người mất tích.


Tuy nhiên theo AFP con số chính xác về các nạn nhân khó thể ước tính được, do nhiều địa điểm hiểm trở không vào được trong mùa mưa, chính phủ Lào thiếu minh bạch, và thiếu vắng báo chí độc lập. Trước đó có viên chức địa phương nói rằng có đến 1.126 người mất tích.


Nếu nhìn sơ bề ngoài thì Trung Quốc, người láng giềng phương bắc của Lào chẳng liên quan gì đến tai nạn này. Các công ty Trung Quốc không dính vào dự án thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy, và ngoại trưởng Trung Quốc nói rằng nước mình không bị ảnh hưởng gì.


Nhưng theo The Diplomat, thái độ ứng xử của Bắc Kinh trong vụ này là quan trọng. Có thể ảnh hưởng không chỉ đến hình ảnh của Trung Quốc – tại Lào nói riêng và trong khu vực nói chung - mà cả về tác hại tiềm năng của thảm họa vỡ đập ở Attapeu lên các dự án khác của Trung Quốc.


Không chần chừ, Bắc Kinh đã hành động ngay. Trên thực tế, đội quân y của Giải phóng quân Trung Quốc đã có mặt ở Lào để « diễn tập chung về cứu trợ y tế nhân đạo » khi con đập bị vỡ.


Tân Hoa Xã loan tin quân đội Trung Quốc đã gởi một đội y bác sĩ 32 người đến hiện trường, là « đội cấp cứu quốc tế trang bị đầy đủ đầu tiên » có mặt tại nơi xảy ra thảm họa. Các bác sĩ trong đội này nói với Tân Hoa Xã là họ phải chữa trị khoảng 100 bệnh nhân một ngày. Quân đội Trung Quốc cũng tặng thiết bị y tế và « các xe y tế dự phòng, kiểm soát dịch bệnh » cho Lào sau khi kết thúc cuộc diễn tập.


Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho biết, chính quyền Bắc Kinh còn cung cấp « viện trợ nhân đạo thiết yếu cho Lào, trong đó có tàu vận tải, lều và thiết bị lọc nước ».


Tất nhiên đối với Bắc Kinh, việc hỗ trợ bằng những ngôn từ hoa mỹ chẳng bao giờ thiếu. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Cảnh Sảng hôm 27/7 tuyên bố : « Là láng giềng thân thiết và hữu hảo với Lào, Trung Quốc hết sức quan tâm đến các nỗ lực cấp cứu liên quan đến thảm họa vỡ đập tại Lào ».


Cả chủ tịch Tập Cận Bình lẫn thủ tướng Lý Khắc Cường, ngoại trưởng Vương Nghị đều gởi điện chia buồn đến đối tác Lào. Trung Quốc muốn được coi là một láng giềng tốt bụng, và sự đáp ứng nhanh chóng, có vẻ hào phóng trước tai họa vừa xảy ra là một khởi đầu tốt đẹp. Bắc Kinh đã từng bị tố cáo là bủn xỉn trong các hoạt động cứu trợ.


Đặc biệt là khi siêu bão Haiyan (Hải Yến) tàn phá Philippines làm hàng chục ngàn người thiệt mạng năm 2013; trong khi Mỹ, Nhật, Úc, Na Uy…đều hứa viện trợ hàng chục triệu đô la, Trung Quốc chỉ giúp có 100.000 đô la. Bằng đúng số tiền trợ giúp của một nước nghèo và cũng bị thiệt hại bởi trận bão này là Việt Nam ! Tờ Time của Mỹ đã phẫn nộ chạy tựa « Nền kinh tế thứ nhì thế giới tống bớt ít tiền lẻ cho đảo quốc bị bão tàn phá ». Các nhà quan sát lên án sự bần tiện này là để trả đũa việc Philippines kiện Bắc Kinh tại Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye.


Trong trường hợp Lào, Trung Quốc chẳng có lợi lộc gì để chơi đòn chính trị và bị quốc tế « ném đá » lần nữa. Vương quốc nhỏ bé này vẫn được coi là một trong những nước Đông Nam Á gần gũi nhất với Bắc Kinh. Cũng theo chế độ độc đảng, Nhà nước cộng sản Lào có mối liên hệ chính trị chặt chẽ, và sự thống trị về kinh tế của Trung Quốc tại nước này đã cung cấp thêm « lớp bảo vệ an ninh thứ hai » cho mối quan hệ.


Tuy nhiên, một bài viết trên tạp chí The Diplomat trước đây cho biết tình cảm chống Trung Quốc đang sôi sục tại Lào, do người dân cảm thấy việc Bắc Kinh đầu tư ồ ạt vào đã biến nhiều vùng của đất nước thành « tỉnh của Trung Quốc ». Thế nên một nỗ lực mạnh mẽ, dễ thấy để giúp đỡ Lào ngay sau khi xảy ra tai họa, và hỗ trợ tái thiết về lâu về dài, có thể giúp cho Bắc Kinh tô điểm lại hình ảnh.


Có điều trên thực tế, việc chính quyền Bắc Kinh hy vọng giảm thiểu được thiệt hại từ vụ vỡ đập có một lý do khác : các công ty Trung Quốc đã đổ rất nhiều tiền vào các dự án đập thủy điện ở Lào, nơi Trung Quốc đang là nhà đầu tư hàng đầu.


Như đã đề cập ở trên, các công ty Trung Quốc không tham dự vào dự án đập thủy điện vừa bị vỡ. Đập này do tổ hợp Xe-Pian Xe-Namnoy Power Company’s (PNPC) xây dựng, gồm các đối tác Hàn Quốc, Thái Lan, Lào. Nhưng Trung Quốc là một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào thủy điện tại Lào (bên cạnh Thái Lan, nước nhập khẩu điện từ những đập này).


Trung Quốc liên quan đến phân nửa tổng số dự án thủy điện tại Lào, cả từ dòng chính của sông Mêkông cho đến trên các phụ lưu của con sông lớn này. Theo số liệu của International Rivers (Tổ chức Sông ngòi Quốc tế), trong số các công trình đập thủy điện của Trung Quốc tại Lào có thể kể : đập Pak Beng trị giá 2,4 tỉ đô la do tập đoàn Đại Đường (China Datang Overseas Investment) đầu tư; một loạt bảy đập trên sông Nam Ou do tập đoàn Kiến thiết Thủy điện Trung Quốc (Sinohydro Corporation) xây dựng, ba dự án thủy điện trên sông Nam Khan cũng do Sinohydro phụ trách, và đập Nam Beng do China Electrical Equipment Corporation xây dựng.


Vụ vỡ đập Xe-Pian Xe-Namnoy có thể khiến chính phủ Lào phải đặt lại vấn đề về ý định muốn trở thành « nguồn điện của Đông Nam Á », và như vậy các dự án đầu tư kể trên của Trung Quốc sẽ tiêu tùng. Tác hại đối với Bắc Kinh sẽ còn lớn hơn rất nhiều, nếu thảm kịch vỡ đập tại Lào thúc đẩy các chính phủ khác ở Đông Nam Á phải suy nghĩ lại về chính sách phát triển thủy điện.


Trong tinh thần đó, số tiền để giúp đỡ các làng bị ảnh hưởng bởi vụ vỡ đập Xe-Pian Xe-Namnoy chỉ là « tiền lẻ », nếu không muốn nói là « của bố thí », nhằm duy trì các dự án thủy điện đã và đang đầu tư rất nhiều tỉ đô la của Trung Quốc tại Lào nói riêng, và trên toàn khu vực nói chung./(theo Thụy My RFI 07-08-2018)
28 Tháng Tư 2021(Xem: 4666)