Vân Đồn: Thế mạnh hay thế yếu?

02 Tháng Tám 20187:46 CH(Xem: 7562)

VĂN HÓA ONLINE - TỪ CALIFORNIA - THỨ SÁU 03 AUG 2018


Vân Đồn: Thế mạnh hay thế yếu? (*)


Ts. Lê Đăng Doanh: 'Tôi hoan nghênh chỉ đạo của Thủ tướng về ba đặc khu'.


Ts. Vũ Quang Việt: Vân Đồn sẽ chỉ có thể là khu du lịch, đánh bạc, đầu tư địa ốc của đại gia Việt và Trung Quốc.

image044

Bản quyền hình ảnh AFP/Getty Images Image caption Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nói sẽ lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người dân, lão thành cách mạng, các giới chuyên gia về dự luật Ba Đặc Khu, theo truyền thông Việt Nam.


Một chuyên gia kinh tế và chính sách, cựu thành viên Tổ tư vấn của Chính phủ Việt Nam các nhiệm kỳ từ trước nói với BBC ông hoan nghênh phát biểu của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc rằng sẽ 'đối thoại', 'lắng nghe' và 'tiếp thu' ý kiến của quần chúng và các giới về Dự luật Ba đặc khu.


Trao đổi với BBC Tiếng Việt bên lề một Hội thảo tư tại thủ đô Warsaw của Ba Lan trung tuần tháng Bảy 2018, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nêu quan điểm cho rằng trong tình hình hiện nay, luật về các đặc khu phải 'phát huy thế mạnh', bảo vệ chủ quyền và lợi ích của đất nước và dân tộc Việt Nam.


Khi được đề nghị đưa ra lời khuyên có tính chất tư vấn cho chính quyền, nhà nước, Quốc hội Việt Nam về luật các đặc khu, trong đó liên quan tới ba đặc khu Vân Phong, Phú Quốc, Vân Đồn mà chính quyền Việt Nam dự định đưa ra bàn thảo trở lại vào tháng Tám, Tiến sỹ Doanh, người cũng là nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nói:


"Tôi rất hoan nghênh ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc sẽ đối thoại, sẽ lắng nghe và tiếp thu ý kiến của quần chúng, của các nhà cách mạng lão thành, của các tầng lớp tri thức trong nước và ngoài nước về luật Ba Đặc khu.


Các nhà đầu tư Trung Quốc đã quan tâm rất nhiều đến các dự án đầu tư ở ven biển, ở miền trung, ở Phú Quốc, cũng như là ở Vân Đồn. Vì vậy luật về ba đặc khu này phải là một luật để phát huy thế mạnh, bảo vệ chủ quyền, lợi ích của đất nước và dân tộc Việt NamTS. Lê Đăng Doanh


"Bởi vì luật Ba Đặc khu này nó có những vấn đề rất tế nhị, một là nó diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập rất sâu vào kinh tế quốc tế và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, cho nên Việt Nam đã mở cửa rất nhiều để thu hút đầu tư nước ngoài.


"Điều thứ hai là ba đặc khu này ở trong bối cảnh chúng ta có nước láng giềng là Trung Quốc và Trung Quốc hiện nay đang cho một số tập đoàn của Việt Nam vay tiền và qua các tập đoàn đó có thể triển khai một số dự án.


"Và thông tin trên báo chí cho thấy là các nhà đầu tư Trung Quốc đã quan tâm rất nhiều đến các dự án đầu tư ở ven biển, ở miền trung, ở Phú Quốc, cũng như là ở Vân Đồn. Vì vậy luật về ba đặc khu này phải là một luật để phát huy thế mạnh của Việt Nam, bảo vệ chủ quyền của đất nước Việt Nam, bảo vệ lợi ích của dân tộc Việt Nam."


Bản quyền hình ảnh BBC News Tiếng Việt Image caption Tiến sỹ Lê Đăng Doanh (phải) bình luận dự án luật Ba Đặc khu của Việt Nam và lưu ý cần bảo vệ an ninh, lợi ích của Việt Nam qua các đặc khu này


Cần trưng cầu dân ý không?


Có ý kiến trong dư luận cho rằng vì tầm mức hệ trọng của ba đặc khu Vân Phong, Phú Quốc, Vân Đồn, sau khi thực hiện việc lấy ý kiến tham vấn cán bộ lão thành và các giới nếu có, dự luật vẫn cần phải được đưa ra trưng cầu dân ý.


Tôi rất mong rằng toàn bộ quá trình chỉnh sửa và tiếp thu ý kiến này sẽ được diễn ra công khai, minh bạch, sẽ có vai trò của báo chí thông tin đầy đủ đến cho người dân, để cho người dân am hiểu, có thể tham gia thảo luận trên tất cả các khía cạnhTS Lê Đăng Doanh


Khi được đề nghị nêu quan điểm về vấn đề này, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói:


"Về việc trưng cầu dân ý, hiện nay chưa có một luật về trưng cầu dân ý. Thứ hai nữa là lãnh đạo và Quốc hội cũng như Chính phủ đã bày tỏ sự sẵn sàng, đã lùi lại luật này và bây giờ tiếp thu ý kiến.


"Tôi rất mong rằng toàn bộ quá trình chỉnh sửa và tiếp thu ý kiến này sẽ được diễn ra công khai, minh bạch, sẽ có vai trò của báo chí thông tin đầy đủ đến cho người dân, để cho người dân am hiểu, có thể tham gia thảo luận trên tất cả các khía cạnh.


Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Quốc hội Việt Nam đã thông báo có quyết định tạm lui thông qua luật đặc khu trong một cuộc họp hôm 07/6/2018.


"Trên cơ sở đó, sẽ tập hợp lại các ý kiến để trình ra Quốc hội xem xét," chuyên gia chính sách và kinh tế này nói với BBC.


Hôm 07/6/2018, các Đại biểu Quốc hội của Việt Nam đã đề nghị lùi thời gian, không thông qua Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với ba đặc khu Văn Phong, Phú Quốc, Vân Đồn tại kỳ họp được dự kiến sẽ thông qua dự luật vào thượng tuần tháng trước, theo truyền thông Việt Nam.


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng ngày được truyền thông Việt Nam dẫn lời nói: "Chính phủ lắng nghe ý kiến nhân dân, sẽ trình Quốc hội điều chỉnh lại thời gian cho thuê đất trong dự án Luật Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt".


Trước đó, đã diễn ra các tranh cãi tại Quốc hội Việt Nam về việc có nên thông qua dự luật này hay không, chỉnh sửa thế nào. Dự luật cũng gây ra quan ngại to lớn trong cộng đồng và các giới ở Việt Nam.


Đọc website quảng cáo địa ốc này, ta có thể thấy đất đai khu Vân Đồn, dù luật chưa ra đời, đã được phân chia cho các đại gia địa ốcTiến sỹ Vũ Quang Việt


Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam đã lên tiếng trong một thư ngỏ gửi trực tiếp cho ban lãnh đạo Đảng, nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, bên cạnh nhiều kênh lên tiếng khác của cộng đồng, đực biệt đã xuất hiện một cuộc biểu tình có quy mô lớn trong cả nước trong một dịp cuối tuần với hàng vạn người tham gia trong khắp cả ba miền của Việt Nam, điều được cho là một nhân tố ảnh hưởng đến quyết định 'tạm lùi' thông qua dự luật tại Quốc hội.


Phân đất trước khi có luật?


Gần đây, dư luận và các giới tại Việt Nam và hải ngoại vẫn tiếp tục quan tâm đến dự án ba đặc khu và dự luật với riêng ba đặc khu này, trong một trao đổi với BBC Tiếng Việt hôm 30/7/2018 từ Mỹ, Tiến sỹ Vũ Quang Việt, cựu quan chức Vụ trưởng Vụ Thống kê của Liên Hợp Quốc tại New York chia sẻ:


Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption TS. Vũ Quang Việt cho rằng Vân Đồn khó có thể trở thành một 'cú hích' cho kinh tế Việt Nam với việc cho khai thác đánh bạc, du lịch và kinh doanh địa ốc.


"Đọc các website quảng cáo địa ốc, ta có thể thấy đất đai khu Vân Đồn, dù luật chưa ra đời, đã được phân chia cho các đại gia địa ốc (dựa theo bản đồ qui hoạch phân khu Vân Đồn đăng trên website): Cảng và khu phía đông bắc đảo Cái Bầu: Công ty MBL Holdings, Khu phúc hợp nghĩ dưỡng giải trí: Sun Group, Khu tổ hợp nghĩ dưỡng Sonasa Dragon Bay: Công ty CEO Vandon.JSC;


"Dự án Đường Di sản: Công ty Crystal Bay Nha Trang, Furama Vân hải: Công ty Viglacera, Khu Ngọc Vừng Vạn cảnh: Công ty FLC, Sân bay Vân Đồn: Công ty Sun Group xây sắp xong; và đã quảng cáo bán địa ốc như trên trang premierland.com.vn cho biết.


"Cũng có thể thấy cảng Vân Đồn nằm ở phía đông bắc là nhỏ, cao nhất là có thể nhận tầu 50 ngàn tấn (dựa vào các thông tin đã đưa như ở các trang mạng kêu gọi, thông báo đầu tư, mua bán ở trên), so với tầu lớn ở cảng nước sâu lên tới 400-500 ngàn tấn.


"Như vậy theo tôi, Vân Đồn sẽ chỉ có thể là khu du lịch, đánh bạc, đầu tư địa ốc của đại gia Việt và Trung Quốc (tất nhiên đất của nhân dân sẽ được giao vào tay đại gia với giá rẻ mạt).


"Và như thế làm sao nó có thể là cú hích nhằm phát triển kinh tế Việt Nam?" Tiến sỹ Vũ Quang Việt bình luận./(theo BBC 31/ 7/2018)


(*) tựa của Văn Hóa.
06 Tháng Mười Hai 2016(Xem: 7293)
06 Tháng Mười Một 2016(Xem: 6944)
03 Tháng Mười Một 2016(Xem: 6865)