Hồng Kông viết nên lịch sử : Biển người áo trắng phản kháng Bắc Kinh

11 Tháng Sáu 20199:27 CH(Xem: 6648)
VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN VĂN HÓA - THỨ TƯ  12 JUNE 2019

Hồng Kông viết nên lịch sử : Biển người áo trắng phản kháng Bắc Kinh

Thụy My 10-06-2019

Một triệu người Hồng Kông mặc áo trắng tượng trưng cho công lý đã xuống đường chống lại dự luật dẫn độ sang Trung Quốc, ngày 09/06/2019.REUTERS/Tyrone Siu
Một triệu người Hồng Kông mặc áo trắng tượng trưng cho công lý đã xuống đường chống lại dự luật dẫn độ sang Trung Quốc, ngày 09/06/2019.REUTERS/Tyrone Siu

Tập hợp mọi tầng lớp của xã hội Hồng Kông, một biển người biểu tình mặc toàn đồ màu trắng hôm qua 09/06/2019 bất chấp sức nóng kinh người, nối đuôi nhau đông đảo xuống đường tại trung tâm cựu thuộc địa Anh, với khẩu hiệu : bảo vệ bản sắc độc đáo của Hồng Kông trước sự can thiệp của Bắc Kinh.

AFP mô tả, có những gia đình với các em bé tay phất những lá cờ, những người cao tuổi đi xe lăn, người nước ngoài làm việc tại đặc khu, nhạc sĩ, nghệ sĩ, cán bộ quản lý, các nhà đấu tranh thuộc nhiều hiệp hội… Đa số mặc trang phục màu trắng tượng trưng cho công lý. Tất cả có mặt để nhất tề bác bỏ một dự luật của chính quyền đặc khu thân Bắc Kinh, cho phép dẫn độ sang Hoa lục.

Ryan Leung trong đoàn biểu tình nhận định : « Dự luật này nếu được thông qua sẽ xóa nhòa hoàn toàn biên giới giữa Hồng Kông và Hoa lục. Nó sẽ phá hủy toàn bộ các quyền tự do mà chúng tôi luôn có, và Nhà nước pháp quyền mà người dân Hồng Kông rất tự hào ».

Theo thỏa thuận năm 1984 giữa Luân Đôn và Bắc Kinh về việc trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc năm 1997, Hồng Kông được quyền bán tự trị và được hưởng những quyền tự do « không mơ thấy nổi » ở Hoa lục cho đến năm 2047 – trên lý thuyết.

« Chúng tôi không thể ngồi yên »

Tuy vậy từ hơn một chục năm qua, cựu thuộc địa Anh là nơi diễn ra nhiều xung đột chính trị mạnh mẽ, do người dân lo sợ sự can thiệp ngày càng lớn của Bắc Kinh vào việc nội bộ của Hồng Kông, và cảm giác thỏa thuận trao trả không còn được tôn trọng.

Nhưng nếu thành phố này thường diễn ra những cuộc biểu tình ngoạn mục trên bối cảnh một rừng các tòa nhà chọc trời, thì cuộc xuống đường đại quy mô hôm Chủ nhật 09/06/2019 đã đi vào lịch sử với số lượng người hiện diện.

Những người tổ chức cho biết có một triệu người biểu tình, còn cảnh sát nói rằng có 240.000 người. Đây là cuộc biểu tình lớn thứ hai kể từ khi Hồng Kông bị trao trả cho Trung Quốc.

Tuy vào giai đoạn kết thúc đã xảy ra những vụ đụng độ giữa các thanh niên mang khẩu trang với lực lượng cảnh sát chống bạo động, nhưng suốt cả ngày cuộc biểu tình đã diễn ra một cách ôn hòa. Ngọn triều dâng màu trắng kéo dài nhiều kilomet trên mặt đường trải nhựa, trong bầu không khí nóng ẩm khó chịu của miền nhiệt đới.

Cô bé Fiona Lau, 15 tuổi nói : « Ngay cả trước dự luật này, đã có vụ các nhà xuất bản bị bắt cóc rồi. Một khi nó được thông qua, tình hình chúng tôi sẽ trở nên bi kịch. Chúng tôi không thể ngồi yên ». Chan Sze Chai, thành viên một nghiệp đoàn sinh viên tố cáo : « Chính quyền Hồng Kông không hề bình đẳng với Trung Quốc ».

Bắt bớ vì mục đích chính trị

Đối với sinh viên này, nếu Bắc Kinh yêu cầu dẫn độ một nhà ly khai hay muốn dùng biện pháp truy tố để dập tắt những tiếng nói đối lập, « thì chính quyền Hồng Kông chỉ có việc thi hành. Người dân Hồng Kông không thể nào tin tưởng vào chính quyền Trung Quốc và các lãnh đạo đặc khu ».

Shaun Martin, một người Anh sống tại Hồng Kông từ 5 năm qua, nói rằng anh xuống đường biểu tình vì Trung Quốc bắt giữ hai công dân Canada ngay sau khi Vancouver bắt một nhà lãnh đạo công ty Hoa Vi (Huawei) của Trung Quốc. Theo anh, nếu dự luật dẫn độ được thông qua, không có gì ngăn cản Hồng Kông trở thành nơi diễn ra những vụ bắt bớ mang tính chính trị, trong bối cảnh quan hệ giữa Bắc Kinh và một số cường quốc phương Tây đang xấu đi. Martin giải thích : « Những người lao động nước ngoài như tôi thực sự lo ngại Trung Quốc sẽ bắt giữ công dân một số nước để trả đũa ».

Ngay cả khi màn đêm buông xuống, không khí trong đám đông vẫn mang vẻ lễ hội. Họ nồng nhiệt vỗ tay khi nghe loan báo con số người tham dự. Jimmy Shun, một trong những nhà tổ chức nói : « Hồng Kông đã viết nên lịch sử ».

Nhưng đến khuya, tình hình xấu dần đi với các vụ đụng độ giữa các nhà đấu tranh trẻ tuổi, khuôn mặt giấu sau những chiếc khẩu trang, và cảnh sát sử dụng hơi cay.

Thất bại của « Cách mạng Dù », phong trào đòi dân chủ quy mô đã làm tê liệt Hồng Kông trong nhiều tuần lễ hồi cuối năm 2014, đã mang lại hậu quả là một bộ phận giới trẻ trở nên cứng rắn hơn, họ không còn tin vào những cuộc biểu tình ôn hòa. Một số nay còn đòi độc lập, điều mà với Bắc Kinh tuyệt đối là lằn ranh đỏ.

Philip Leung, 23 tuổi, trước những cảnh tượng xô xát với cảnh sát vào buổi tối, đã đặt câu hỏi : « Nếu chính quyền tiếp tục làm ngơ trước ý kiến của hơn một triệu người, làm thế nào có thể nói rằng Hồng Kông là một lãnh thổ tự do ? »