Ý nghĩa của Thượng đỉnh Trump – Kim lần hai đối với Việt Nam

12 Tháng Hai 20197:43 CH(Xem: 7058)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN VĂN HÓA - THỨ TƯ 13 FEB 2019


Ý nghĩa của Thượng đỉnh Trump – Kim lần hai đối với Việt Nam


Posted on 09/02/2019 by The Observer


image012


Tác giả: Lê Hồng Hiệp


Trong Thông điệp Liên bang năm 2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jung-un lần thứ hai tại một hội nghị thượng đỉnh song phương được tổ chức tại Việt Nam vào ngày 27-28/02/2019. Dù nhiều chi tiết của Hội nghị chưa được tiết lộ, chính phủ và công chúng Việt Nam vẫn nhiệt liệt hoan nghênh quyết định này vì nhiều lý do.


Phát biểu với báo chí về quyết định này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói rằng “Việt Nam hoan nghênh việc Mỹ và Triều Tiên gặp thượng đỉnh lần hai. Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ đối thoại nhằm duy trì hoà bình, an ninh, ổn định trên bán đảo Triều Tiên”. Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg vào ngày 18 tháng 1 năm 2019, khi được hỏi về khả năng Việt Nam được chọn là nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nói rằng Việt Nam “sẽ rất vui mừng khi được tổ chức cuộc họp”.


Việc các phương tiện truyền thông quốc tế đưa tin sâu về hội nghị sẽ biến nó thành một cơ hội tuyệt vời giúp Việt Nam quảng bá câu chuyện thành công của mình ra thế giới, từ đó thu hút thêm nhiều khách du lịch và nhà đầu tư hơn. Sự kiện này cũng sẽ giúp nâng cao vị thế quốc tế và thể hiện chính sách đối ngoại tích cực của Việt Nam, qua đó giúp Việt Nam có một vai trò lớn hơn trong các vấn đề quốc tế, một mục tiêu mà các nhà hoạch định chính sách đối ngoại Việt Nam đã theo đuổi trong suốt thời gian qua.


Đầu năm 2018, khi có đồn đoán rằng Việt Nam có thể được chọn là nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh Trump – Kim lần thứ nhất, dường như Việt Nam ít nhiệt tình hơn, một phần do lo ngại về các chi phí và lợi ích chưa rõ ràng, cũng như các tác động về chính sách đối ngoại có thể xảy ra với mình. Do đó, việc Singapore tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất vào tháng 6 năm 2018 đã mang lại cho các quan chức Việt Nam những kinh nghiệm để tham khảo, và do đó giúp họ tự tin hơn khi đứng ra tổ chức cuộc họp sắp tới. Việc thực hiện một loạt các công việc hậu cần khác nhau trong một khoảng thời gian ngắn sẽ là một thách thức lớn, nhưng mối quan tâm lớn hơn đối với Việt Nam lúc này là làm sao đảm bảo an ninh cho sự kiện. Vì lý do này, thành phố ven biển miền Trung Đà Nẵng, nơi an ninh có thể được quản lý dễ dàng hơn, có thể được ưu tiên chọn làm nơi tổ chức hội nghị.


Đáng chú ý là không giống như hội nghị thượng đỉnh đầu tiên được gói gọn trong một ngày, hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai này sẽ được tổ chức trong hai ngày. Chương trình dài hơn cho thấy sẽ có nhiều hoạt động hơn. Vì vậy, một số nhà phân tích đã suy đoán rằng hội nghị lần này có thể ra tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, vốn về mặt kỹ thuật chưa kết thúc vì giao tranh tạm ngừng năm 1953 theo quy định của một thỏa thuận đình chiến chứ không phải một hiệp ước hòa bình.


Một số lý do khác cũng hỗ trợ cho dự đoán này. Do đây đã là hội nghị lần hai, hai bên sẽ muốn đạt được một kết quả thực chất hơn so với hội nghị đầu tiên. Trong khi vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên còn nhiều gai góc và khó có thể nhanh chóng  giải quyết, việc tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên dù mang tính biểu tượng nhưng vẫn là một kết quả ý nghĩa và dễ dàng đạt được hơn nhiều. Phía Triều Tiên có thể muốn đạt được một tuyên bố như vậy để thể hiện thiện chí và tạo thuận lợi cho đàm phán cải thiện quan hệ với Mỹ và Hàn Quốc. Trở ngại lớn nhất đối với Triều Tiên là việc Mỹ vẫn đóng quân ở Hàn Quốc, nhưng gần đây Triều Tiên dường như đã giảm nhẹ tầm quan trọng của vấn đề này. Hơn nữa vấn đề này có thể được đàm phán song song với việc phi hạt nhân hóa, thay vì vấn đề tuyên bố kết thúc chiến tranh. Về phía Mỹ, Tổng thống Trump sẽ mong muốn đạt được một tuyên bố như vậy để đóng góp vào di sản đối ngoại của mình, đồng thời giúp ông tăng uy tín với cử tri trong nước trước thềm cuộc bầu cử tổng thống năm tới.


Tuy nhiên, để đưa ra được một tuyên bố như vậy, Hội nghị sẽ cần có sự tham gia của các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong bối cảnh này, nếu cuộc gặp được dự kiến giữa Tổng thống Donald Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được tổ chức tại Việt Nam thay vì Hải Nam như đề xuất ban đầu thì rất có thể một tuyên bố như vậy đang được các bên đàm phán. Vào ngày 07/02, Tổng thống Trump tuyên bố rằng ông sẽ không gặp Chủ tịch Tập trước hạn chót 01/03/2019, là thời điểm kết thúc đợt “ngừng bắn” 90 ngày trong cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nước. Tuyên bố này làm suy yếu khả năng ông Trump sẽ gặp ông Tập tại Việt Nam, nhưng do ông Trump đang nói về thời điểm cuộc gặp trong bối cảnh đàm phán thương mại song phương, vẫn chưa rõ liệu hai bên có ý định gặp nhau ở Việt Nam để giải quyết vấn đề Chiến tranh Triều Tiên hay không.


Tuy nhiên, là một đất nước từng bị chia cắt và hồi sinh từ tro tàn chiến tranh, Việt Nam luôn hiểu rõ giá trị của hòa bình cũng như đánh giá cao cơ hội được đóng góp vào tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Vì vậy, hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim sắp tới, cho dù có hay không có tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, vẫn sẽ là một cơ hội phù hợp giúp Việt Nam đạt được mục tiêu đó. Với mong muốn này, cùng với các lợi ích chính trị, kinh tế và đối ngoại lớn đi kèm, có lý do chính đáng để thế giới kỳ vọng rằng Việt Nam sẽ nỗ lực hết mình nhằm tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều sắp tới.


Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên ISEAS Commentary.

23 Tháng Tư 2020(Xem: 6025)
05 Tháng Hai 2020(Xem: 6621)