Gs. Trần Anh Tuấn: "Không có tài liệu, không có lịch sử"

11 Tháng Mười Một 201810:14 CH(Xem: 8160)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN VĂN HÓA  - THỨ HAI 12 NOV 2018


"Không có tài liệu, không có lịch sử"


image020

TRẦN ANH TUẤN


"Không có tài liệu, không có lịch sử" là câu đầu tiên tôi viết trong một dự án nghiên cứu hoàn tất năm 1972 tại Sài Gòn. Vì thế, tôi muốn giới thiệu một số sử phẩm rất có giá trị được xuất bản trong nước gần đây.


Trước hết là bộ sách của tác giả Trần Đình Sơn về đồ sứ ký kiểu, thường được giới sưu tầm cổ vật gọi là bleu de Hué.


Tác phẩm có tựa đề Đồ Sứ Kí Kiểu Việt Nam Thời Lê Trịnh (1533-1788) là những chi tiết về đồ sứ do người Việt vẽ kiểu và thợ gố̃m người Tàu sản xuất trong hơn hai thế kỷ XVI-XVIII trước triều đại nhà Nguyễn.


image022


Tủ sách TAT


Sách gồm hình ảnh của 12 bộ đồ sứ Nội Phủ Thị Trung (gồm tô, chén, đĩa, ang, tiềm, dầm dùng trong phủ Chúa Trịnh), 14 bKhánh Xuân Thị Tả (chóe, ấm. đĩa, tô, chén, dầm dùng trong Chính Miếu thờ các chúa đã qua đời), 10 bộ Nội Phủ Thị Hữu (đĩa, tô, ống bút, hộp phấn, chén, dùng trong Phủ Chính Thất của Chúa Trịnh)  7 bộ Nội Phủ Thị Nam (chậu, đĩa, tô, bình dùng trong khu Cung Phi của chúa Trịnh), 6 bộ Nội Phủ Thị Bắc (bình, đĩa, chén dùng trong khu Phi Tần của Chúa Trịnh), 9 bộ Nội Phủ Thị Đông (hộp bút, đĩa, tô, dầm dùng trong Đông Cung của thế tử Chúa Trịnh), 6 bộ Nội Phủ Thị Đoài (đĩa, tô, ấm, bình dùng trong Đoài Cung -tức Tây Cung, kiêng húy Tây Đô Vương Trịnh Tạc - Cung của Tuyên Phi Đặng Thị Huệ thời Chúa Trịnh Sâm).


Cũng cần nói thêm hiệu đề trong đồ sứ tương ứng với tên cung điện kể trên chỉ là kết luận của một số nhà sưu tầm và nghiên cứu bây giờ như Vương Hồng Sển, Philippe Trương, Trần Đình Sơn, Hy Bách, Trần Đức Anh Sơn, Loan de Fonbrune, Thomas Ulbrich... mà chưa có tính cách khoa học và chính xác. 


Chỉ là đoán định cá nhân có tính cách tài tử mà thôi.


Đồ Sứ Kí Kiểu Việt Nam Thời Lê Trịnh (1533-1788) không dài dòng về lý thuyết mà hoàn toàn là sách mô tả với ảnh chụp rất chi tiết và rất lớn, 26cmx30.5cm.


Đó chính là tài liệu đầu tay về nghiên cứu lịch sử, với hiện vật có xuất xứ mà danh tính chủ nhân bao gồm các nhà sưu tập Trần Đình Sơn, Nguyễn Trung Cang, Nguyễn Trung Quân, Nguyễn Trung Dũng, Nguyễn Thanh Tuyền, Ngô Sơn (tức Ngô Bảo Sơn ở Nam California?), Jean Francois Hubert, và Nick Scherres. 


Tác giả Trần Đình Sơn được xem là người có bộ sưu tập bleu de Hué phong phú nhất trong nước. Ông cũng là tác giả của nhiều tác phẩm căn cứ vào bộ sưu tập đó, như Những Nét Đan Thanh (2007), và Thưởng Ngoạn Đồ Sứ Kí Kiểu Thời Nguyễn 1802-1945 (2008)...


Thứ đến, là Kim Ngọc Bảo Tỷ Của Hoàng Đế và Vương Hậu Triều Nguyễn Việt Nam. Đây là tác phẩm do Bảo Tàng Lịch Sử Việt Nam tại Hà Nội xuất bản năm 2009, cũng là loại sách khổ lớn 22cmx30.5cm với ảnh mầu rực rỡ của hiện vật.


Tác phẩm gồm ba phần.


Phần đầu là thiên nghiên cứu ấn triện bằng vàng, bạc, và ngọc qua các đời vua chúa triều Nguyễn, từ Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu cho đến hoàng thái tử Bảo Long. Phần này kết thúc với Danh Mục 85 ấn triện hiện lưu trữ tại Bảo Tàng Lịch Sử Việt Nam tại Hà Nội.


Phần thứ hai là Bản Ảnh-Plates. Mỗi chiếc ấn lưu trữ trong Viện Bảo Tàng Lịch Sử tại Hà Nội được làm mẫu để chụp hai tấm ảnh mầu, là chuôi ấn và mặt ấn. Chú thích mỗi ấn là tên bằng Việt ngữ và tiếng Tàu, tiếp theo là kích thước ấn và thời điểm khắc.


Phần thứ ba là Bản Dập-Rubbings các ấn triện có mầu son tươi.


image023


Tủ sách TAT


Tác phẩm Kim Ngọc Bảo Tỷ Của Hoàng Đế và Vương Hậu Triều Nguyễn Việt Nam tuy chưa bao gồm toàn bộ sưu tập ấn triện hiện lưu trữ tại Viện Bảo Tàng Lịch Sử Hà Nội, nhưng cũng đã rất quan trọng về phương diện bảo vệ cổ vật quốc gia. Từ nay hiện vật đã có hồ sơ công khai nên không ai có thể táy máy, dù ở cương vị cao cấp như Tổng Bí Thư hay Chủ Tịch nước.


Tại hải ngoại, bác sĩ y khoa Lê Văn Lân đã viết về ấn triện nhà Nguyễn trước đó rất lâu, vì sách Chiếc Bảo Ấn Cuối Cùng của Hoàng Đế Việt Nam do ông là tác giả xuất bản lần đầu ngay từ năm 1998 và tái bản năm 2001. Nhưng tiếc thay, ông không có hiện vật. Ông chỉ tham khảo sách báo và thân hữu để viết "bút khảo," là cách viết phóng khoáng cho phép tác giả xen chuyện thật với chuyện nghe nói, in lại vài ba ảnh chụp hiện vật cùng với rất nhiều mẫu vẽ ấn triện. Cuối cùng, đề tài ấn triện chỉ là một trong nhiều đề tài của quyển sách mỏng này.


Kim Ngọc Bảo Tỷ... xuất hiện năm 2009 lại càng quý là vì thế.


image024


Tủ sách TAT


Nhưng quý hiếm hơn cả có lẽ là bộ sách về châu bản nhà Nguyễn. Châu bản là những văn bản hành chính do các cấp chính quyền đệ lên cho hoàng đế triều Nguyễn duyệt (tức ngự lãm) và quyết định (tức châu phê) từ năm 1802 đến năm 1945.


Châu bản có ngự bút của các vua Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, Kiến Phúc, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định, và Bảo Đại.


Kho báu châu bản này thực ra nằm trong miền Nam, từ thời Bảo Đại và Việt Nam Cộng Hoà. Trong thời gian này, toàn bộ châu bản nằm im lìm trong kho, từ Huế, rồi chuyển lên Đà Lạt.


Chỉ có ba nhà nghiên cứu khai thác châu bản thời VNCH.


Trước hết là giáo sư Trần Kinh Hoà thuộc Viện Đại Học Huế. Trong vai trò Tổng Thư Ký Ủy Ban Phiên Dịch Sử Liệu Viện Đại Học Huế, ông đã kiểm kê và thiết lập mục lục châu bản. Đó là bộ Mục Lục Châu Bản Triều Nguyễn. Tập Thứ I. Triều Gia Long xuất bản năm 1960 và  Mục Lục Châu Bản Triều Nguyễn. Tập Thứ II. Triều Minh Mạng xuất bản năm 1962.


Người thứ hai khai thác châu bản thời VNCH là giáo sư Hà Mai Phương trong tác phẩm Hoạt Động Của Bộ Công Dưới Triều Vua Tự Đức (?). Đây chính là tiểu luận Cao Học Sử đệ trình khoảng giữa thập niên 1960 tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn dưới sự bảo trợ của giáo sư Nguyễn Thế Anh


Người thứ ba là giáo sư Nguyễn Thế Anh. Ông đã khai thác bản dịch của châu bản để viết Phong Trào Kháng Thuế Ở Miền Trung Năm 1908 Qua Các Châu Bản Triều Duy Tân. Sách được Bộ Văn Hoá Giáo Dục và Thanh Niên xuất bản tại Sài Gòn năm 1973 và tái bản lần mới nhất năm 2008 bởi nhà xuất bản Văn Học ở Hà Nội.


Tôi từng đọc quyển này khi sách mới xuất bản và có phần ngạc nhiên về Lời Nhà Xuất Bản nơi trang 5 trong lần tái bản 2008, nguyên văn: "Cuốn sách này được dịch giả, tác giả giới thiệu trong năm 1972 tại Sài Gòn, nhưng sách chưa kịp phát hành thì chính phủ Sài Gòn ra lệnh cấm phổ biến." Ai đã cung cấp thông tin này cho "Nhà xuất bản"?


Thêm nữa, trong Phần Dẫn Nhập ký tên NTA từ trang 11 đến trang 20 có một đoạn dài nơi trang 15 trích dẫn sách Văn Thơ Cách Mạng Việt Nam Đầu Thế Kỉ XX của tác giả Đặng Thái (sic!) Mai xuất bản tại Hà Nội năm 1961 thì tôi có thể nói chắc chắn NTA, tức giáo sư Nguyễn Thế Anh, khó có thể hạ mình trích dẫn ngay trong thời VNCH một tác giả Cộng Sản ở Hà Nội vốn chỉ có khả năng viết sách thông tin tuyên truyền.


Rồi danh từ "quân đội nhà nước" nơi trang 18 mà là ngôn từ của giáo sư trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn dưới chính thể VNCH sao?


Phần Sách Báo Tham Khảo có hai tác phẩm xuất bản tại Hà Nội, là Văn Thơ Cách Mạng Việt Nam Đầu Thế Kỉ XX của Đăng Thái (?) Mai năm 1961 kể trên và Lược Truyện Các Tác Gia Việt Nam. Tập I của Trần Văn Giáp năm 1962 là đúng xuất phát từ ngòi bút của giáo sư Nguyễn Thế Anh?!


Rõ ràng khi Hà Nội tái bản sách Phong Trào Kháng Thuế Ở Miền Trung Năm 1908 Qua Các Châu Bản Triều Duy Tân của giáo sư Nguyễn Thế Anh, họ đã tự ý sửa hay đổi, thêm hay bớt... theo nhu cầu của họ.


Đó là cái giá phải trả cho những ai muốn có sách in hay tái bản trong nước!


Số người khai thác châu bản thời VNCH để viết lịch sử nhà Nguyễn vì thế đã không có bao nhiêu, mà hình ảnh minh họa châu bản trong các sách ấy lại vừa ít ỏi lờ mờ vừa nhỏ bé không thể đọc được. 


image025


Tủ sách TAT


Bộ sách hai tập về châu bản nhà Nguyễn xuất bản gần đây khác hẳn.


Tác nhân đứng ra xuất bản bộ sách rất quý -vì đó là tài liệu đầu tay và chính thức của một chính quyền trung ương- và hiếm -vì ấn bản chỉ có 500 số mỗi tập- này là Trung Tâm Lưu Trữ Quốc Gia I tại Hà Nội, nơi hiện lưu trữ kho tàng châu bản.


Đó là hai tập Ấn Chương Trên Châu Bản Triều Nguyễn (1802-1945) do nhà xuất bản Hà Nội xuất bản năm 2013, và Ngự Phê Trên Châu Bản Triều Nguyễn (1802-1945) do nhà xuất bản Đại Học Sư Phạm Hà Nội xuất bản năm 2016.


Tập Ấn Chương Trên Châu Bản Triều Nguyễn (1802-1945) là bảng đại tổng kết tất cả các loại dấu ấn trên châu bản suốt triều Nguyễn. Tôi thích thú theo dõi từng dấu ấn. Trước hết là dấu tích trên châu bản, gồm kim bảo và ấn tín của hoàng đế và hoàng tộc. Rồi dấu tích ấn chương thuộc hệ thống các cơ quan trung ương, và thuộc hệ thống quân sự. Cuối cùng là dấu tích ấn chương của chính quyền địa phương, từ cấp phủ huyện xuống đến tổng xã.


Sự giải thích từng ấn chương rất chi li và chính xác, vì nhân viên hữu trách của Trung Tâm Lưu Trữ ấn chương đã có hiện vật trước mặt để diễn tả và đo đạc.


Công chúng độc giả thì không thể nào có thì giờ và kiên nhẫn đi suốt toàn bộ kho tàng châu bản để rút ra những sự việc được cung cấp đầy đủ trong quyển sách này.


image026


Tủ sách TAT


Tập Ngự Phê Trên Châu Bản Triều Nguyễn (1802-1945) tập trung vào cách phê duyệt của các hoàng đế nhà Nguyễn trên văn bản do quan lại đệ trình. Có cả thẩy sáu hình thức ngự phê. Trang 14 ghi rõ sáu hình thức đó như sau.


Châu điểm, là một nét son do nhà vua chấm trên đầu văn bản hay một vấn đề thể hiện sự đồng ý. Châu khuyên, là vòng son do nhà vua khuyên lên chi tiết hay người được chấp thuận. Châu sổ, là nét son nhà vua gạch trên chỗ không được chấp thuận hay chấp thuận. Châu mạt, là nét son nhà vua phết lên chỗ không chấp thuận. Châu phê, là chữ, hay câu, hay cả một đoạn văn do nhà vua viết để cho ý kiến. Và châu cải, là chữ, câu, hay đoạn văn nhà vua viết bên cạnh những chỗ đã bị nhà vua sổ bỏ.


Sách gồm những bản chụp hình mầu rất rõ của 181 châu bản từ năm 1803 đến năm 1945, tức từ thời Gia Long cho đến thời Bảo Đại. Tuy hình mầu các châu bản không lớn, nhưng kỹ thuật chụp và in ấn tối tân nên chữ Hán trong các châu bản đều rõ, và đọc được.


Châu phê trong mỗi châu bản được giới thiệu đều có phần phiên âm, dịch nghĩa, và chi tiết là những phần giúp ích cho người sử dụng tài liệu. Nhưng nội dung chính của các châu bản không được phiên âm, còn dịch nghĩa chỉ là phần tóm tắt. Những bất cập này, vì thế, sẽ gây khó khăn cho giới nghiên cứu không rành chữ Hán. 


Dẫu sao, được đọc lời phê do chính các vua nhà Nguyễn viết tay trên văn bản là một hạnh phúc của người nghiên cứu ngày nay. Tài liệu trên kệ hay trong tủ, trong bọc hay phong phanh trong phòng, di chuyển bằng máy bay hay xe lửa, trong xe ca hay xe tải, mang vác nơi này sang nơi kia... im lìm hàng thế kỷ hay hơn nữa, bỗng chốc hiện ra trước mắt mỗi độc giả với mầu đen của mực Tâu, mầu đỏ của bút son, mầu ngà của thời gian, và trên hết là nét chữ của hoàng đế cùng những bậc túc Nho của một thời quá vãng. Cuối cùng, tất cả những châu bản được giới thiệu trong sách đều có kí hiệu tra tìm giúp người nghiên cứu không hề mất thời giờ phải vào danh mục mà tìm. Không mừng sao được?!


Lấy vài thí dụ cụ thể. Năm 1803 có bản tấu của Nguyễn Văn Tuẫn dài 3 trang thì ngự phê của Gia Long có tới 11 lần, gồm 8 châu phê và 3 châu điểm (trang 22-23). Hay năm 1820 có bản tấu của Chu Phúc Năng dài 188 chữ thì ngự phê của Minh Mệnh dài 37 chữ (trang 29). Cũng năm 1820, bản tấu của Đông Các Học Sĩ Đinh Nguyễn Phiên dài 5 trang thì ngự phê của Minh Mệnh có tới 32 lần, gồm 11 châu phê, 10 châu cải, và 11 châu mạt (trang 31-33). Đến năm 1849 có bản tấu của chủ khảo và phó chủ khảo kỳ thi Hội gồm 3 trang thì ngự phê của Tự Đức gồm 10 lần, phủ đầy cả 1 trang tiếp theo (trang 111-113). Rồi năm 1899 có thư tiếng Pháp của L. Héloury mởi gia hạn mua báo L'Opinion thì ngự phê chữ Hán của Thành Thái trên thư là "Giao Cơ Mật nghĩ cấp," tức Giao cho Viện Cơ Mật xét cấp (trang 206-207). Đến năm 1913 có bản tấu cùa Nội Các dài 2 trang thì ngự phê của Duy Tân có tới 20 lần, nhưng chỉ gồm 19 châu khuyên, tức khuyên một vòng, và 1 châu điểm, tức một nét son. Đây chính là một bằng chứng về khả năng chữ Hán của vị hoàng để còn quá trẻ (trang 229-231). Cuối cùng, năm 1933 có bản tấu của Cơ Mật Viện dài 8 hàng thì ngự phê của Bảo Đại dài 3 hàng chữ Hán (trang 257). Năm 1943 có bản tấu của Ngự Tiển Văn Phòng bằng chữ Pháp thì ngự phê của Bảo Đại cũng bằng Pháp ngữ (trang 263-264). Và năm 1945 có bản tấu bằng Việt ngữ của Bộ trưởng Bộ Kinh Tế Hồ Tá Khanh thì ngự phê của Bảo Đại cũng bằng Việt ngữ (trang 264-265). Những chi tiết vừa kể chứng tỏ vị hoàng đế cuối cùng của Việt Nam thông thạo ba ngôn ngữ, là Hán, Pháp, và Việt.


Những thí dụ vừa kể cho thấy cung cách làm việc nghiêm chính của các hoàng đế triểu Nguyễn. Ấy là chưa kể sự phân tích nội dung các châu phê sẽ đem lại những khám phá mới mẻ mà sự sao chép lẫn nhau khi nghiên cứu Sử không bao giờ đạt được.


Trung Tâm Lưu Trữ Quốc Gia I tại Hà Nội quả đã hiến tặng giới nghiên cứu lịch sử triều Nguyễn một món quà vô giá vậy.


X


XX


Trên đây là những tài liệu đầu tay mà người nghiên cứu cần có để tham khảo.


Dĩ nhiên, người nghiên cứu tại hải ngoại không thể có hay tham khảo được những tài liệu đầu tay hiện được lưu trữ trong các văn khố thư viện hay trong các viện bảo tàng trong nước.


Nhưng người nghiên cứu tại hải ngoại có lợi thế là còn nhiều tài liệu đầu tay khác về lịch sử Việt Nam hiện lưu trữ trong các văn khố, các thư viện quốc gia hay đại học, các viện bảo tàng, và các cuộc bán đấu giá cổ vật cùng các công ty buôn bán sách quý hiếm... ở Mỹ, Pháp, La Mã, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Canada, Tầu, Nga...


Mong sao người gốc Việt tại hải ngoại, nhất là tại Hoa Kỳ, biết bỏ công tìm đến tài liệu đầu tay khi muốn nghiên cứu sử, thay vì dễ dãi - cũng tức là thiếu chuyên nghiệp - vào mạng điện tử để sao chép hình ảnh và tài liệu như những gì hầu hết các tác giả đã trình dân làng hải ngoại trong mấy thập niên qua, từ một quyển sách mỏng 200-300 trang, thậm chí cả 1,000 trang cho đến một bộ sách hàng 5-10 quyển!  


TRẦN ANH TUẤN


Tháng 11.2018