Gs. Nguyễn Minh Thuyết: Tổng số tiền đổi mới sách giáo khoa chỉ bằng 600m ...

16 Tháng Chín 20186:42 CH(Xem: 6711)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN VĂN HÓA  - THỨ HAI 17 SEP 2018


Gs. Nguyễn Minh Thuyết: Tổng số tiền đổi mới sách giáo khoa chỉ bằng 600m đường cao tốc Bắc Nam


LĐO | 16/09/2018


image010

GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ về chương trình Giáo dục phổ thông mới.


 “Tổng số tiền cho chương trình đổi mới sách giáo khoa (SGK) tính ra là 144 tỉ đồng, chỉ bằng 180m đường Kim Liên – Ô Chợ Dừa và 600m đường cao tốc Bắc Nam mà thôi…", GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới nhấn mạnh


 “Có phải 80 triệu USD chui vào túi mấy ông làm chương trình đâu”


Ngày 15.9, GS Nguyễn Minh Thuyết đã có buổi thuyết trình, trao đổi với báo chí về những vấn đề liên quan đến chương trình GDPT mới trong buổi tọa đàm do Câu lạc bộ Café Số tổ chức.


Tại đây, GS Thuyết đề cập đến những điểm mới trong chương trình GDPT, cơ sở pháp lý của việc xây dựng chương trình SGK mới. Phần tài chính làm toàn bộ chương trình và thù lao của các chuyên gia khi làm chương trình cũng được ông nhắc đến để giải thích cho những dư luận khi cho rằng “những người tham gia vẽ dự án để chia tiền”.


Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho biết, toàn bộ chương trình đổi mới GDPT có nguồn kinh phí là 80 triệu USD, trong đó phần lớn là vốn vay của Ngân hàng Thế giới và được quản lý theo quy trình chặt chẽ.


"Có ý kiến cho rằng các ông chỉ nghĩ dự án để ăn tiền. Tôi phải tâm sự thật có phải 80 triệu USD chui vào túi mấy ông làm chương trình đâu. Ngân hàng Thế giới làm chặt lắm. Họ đề nghị trả lương cho người làm chương trình, ông muốn làm như thế nào để ra chương trình tốt thì làm.


Vì thế mới có chuyện có những anh em từ miền Nam, từ Cần Thơ bay ra Hà Nội để làm và triệu tập là phải ra, có những đợt tuần nào cũng ra họp… thì coi như chẳng có đồng nào" - GS Thuyết nói.


Chủ biên của chương trình GDPT mới cũng tiết lộ tổng số tiền cho chương trình đổi mới SGK là 144 tỉ, tưởng nhiều nhưng thực ra chỉ bằng 180m đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa, Hà Nội và bằng 600 m đường cao tốc Bắc - Nam.


Không giáo dục một cách cào bằng, tôn trọng sự khác biệt


Tại buổi tọa đàm, GS Nguyễn Minh Thuyết cũng phác thảo những điểm mới của chương trình GDPT tổng thể.


Theo GS Thuyết, nếu trước đây nền giáo dục nặng về trang bị kiến thức, coi trọng vấn đề học sinh biết gì, thì chương trình giáo dục phổ thông mới đích đến là phát triển năng lực học sinh, coi trọng việc các em học xong sẽ làm được gì.


Với trọng tâm hình thành, bồi dưỡng phẩm chất và năng lực dạy học, chương trình GDPT mới cũng sẽ không thực hiện “giáo dục cào bằng”.


GS Thuyết lấy ví dụ về GS Ngô Bảo Châu và nhà thơ Trần Đăng Khoa để nói đến mục tiêu mà chương trình GDPT mới hướng đến: “Chúng ta không thể bắt Trần Đăng Khoa làm toán từ bé để giống như GS Ngô Bảo Châu. Ngược lại, chúng ta bắt GS Ngô Bảo Châu làm thơ để nổi tiếng từ bé như Trần Đăng Khoa thì sẽ làm thui chột tài năng toán học của Ngô Bảo Châu và chắc sẽ không có một GS Ngô Bảo Châu như hiện tại”.


image011

GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới.


Sự không cào bằng trong chương trình GDPT mới còn thể hiện ở việc UBND các địa phương sẽ có quyền tự quyết định, lựa chọn các nội dung cụ thể theo đặc thù của địa phương mình. Ví dụ, TPHCM có chương trình dạy về đô thị thông minh, hoặc ở Hà Nội thì giáo dục về luật an toàn giao thông, văn hóa Tràng An...


GS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh, trước nay trong ngành giáo dục vẫn còn có tâm lý: Ở trên lo ở dưới làm không đúng; ở dưới lại sợ ở dưới nữa làm không đúng nên nhiều khi “cầm tay chỉ việc” dẫn đến hạn chế sức sáng tạo của nhau.


Nhưng khi chương trình GDPT mới áp dụng, bắt buộc giáo viên phải đổi mới phương pháp dạy học, SGK không còn là pháp lệnh. Thầy cô được tự do, linh hoạt trong việc chọn lựa nội dung trong các bộ sách khau nhau vào giảng dạy dựa trên khung chương trình/kiến thức.


Tổng chủ biên chương trình GDPT khẳng định rằng Nghị quyết 88 của Quốc hội đã được ban hành có giá trị ngang Luật, với quy định thực hiện một chương trình có thể có nhiều bộ sách giáo khoa. Ông cho rằng việc này là hợp xu thế chung của thế giới, phá bỏ thế độc quyền, phát huy nguồn lực xã hội trong việc làm SGK.


Chưa chắc kịp thay sách giáo khoa vào năm 2019


Nói về tiến độ thực hiện chương trình GDPT, SGK mới, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết hiện nay đã có 20/25 hội đồng thẩm định của các môn học thông qua.


Hiện Ban soạn thảo đang tổ chức khâu cuối cùng là biên tập kỹ thuật, sau đó sẽ chuyển sang bộ phận pháp chế của Bộ GDĐT để xem xét.


“Hy vọng tháng 9, 10 sẽ chính thức ban hành được chương trình môn học” – GS Thuyết nói.


Trả lời câu hỏi của báo chí về việc hiện nay chưa ban hành chương trình môn học, liệu có kịp đưa SGK mới vào áp dụng từ năm 2019 theo lộ trình đã đề ra, GS Thuyết cho biết: "Có chắc làm được vào năm 2019 hay không thì tôi cũng chưa dám khẳng định, vì phải phụ thuộc vào quyết định của Bộ GDĐT".


Tuy nhiên, GS Thuyết cũng tiết lộ, từ 19.1.2018, khi Bộ GDĐT công bố dự thảo môn học lên cổng thông tin của Bộ, các nhà xuất bản đã rất nhạy bén, bắt tay vào viết SGK. Giờ chỉ chờ Bộ trưởng Bộ GDĐT ký ban hành chương trình chính thức, họ sẽ đối chiếu và sửa theo chương trình chuẩn. Đặng Chung


+++++++++++++++++++++++++++++++++


XEM THÊM:


- Gs Phạm Cao Dương: Giáo dục miền nam Việt Nam.
18 Tháng Mười Một 2018(Xem: 7970)