Nguyễn Duy Chính: Quang Trung thật, Quang Trung giả?

07 Tháng Sáu 20187:23 CH(Xem: 12815)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN VĂN HÓA  - THỨ SÁU 08 JUNE 2018


QUANG TRUNG THẬT, QUANG TRUNG GIẢ?


BÀN THÊM V PHÁI ĐOÀN ĐẠI VIỆT SANG TRUNG HOA


NĂM CANH TUẤT (1790)


Nguyễn Duy Chính


QUANG TRUNG THẬT, QUANG TRUNG GIẢ?


image018


Research Library, The Getty Research Institute,


Paul Getty Museum (March, 16 -2018)


(Hình THB)


image019


Bức hình vua Quang Trung do hoạ sĩ Thanh triều vẽ[1]

image020image021

Trong thời gian gần đây, các mạng xã hội và báo chí dấy lên nhiều cuộc tranh luận về người cầm đầu phái đoàn sang Trung Hoa năm Canh Tuất (1790). Việc đề cập đến một giả vương sang Trung Hoa đã tồn tại từ lâu, qua nhiều thời kỳ, nhiều giả thuyết. Có điều vì đây chỉ là một nghi án tương đối mù mờ mà theo thời gian, công bố sau thay thế những giả thuyết trước nên chúng ta khó nhận ra những biến chuyển tưởng chừng như từ trước đến sau không có gì thay đổi.


- Người thay vua Quang Trung là Ngô Văn Sở


Ngay từ thời gian chuyến công du đang tiến hành, trong dư luận quần chúng cũng đã dấy lên những tin đồn về việc triều đình Tây Sơn đánh tráo người đi qua và vua Quang Trung “thật” không phải là người sang Trung Hoa. Tin đồn đó được ghi lại trong nhiều văn bản, phần lớn dưới dạng ngoại sử được thực hiện dưới thời Tây Sơn, [hay chỉ một thời gian ngắn sau khi triều đại này bị tiêu diệt] do những tác giả sống ở miền bắc. Tuy nhân thân các tác giả không mấy rõ rệt nhưng theo nội dung và niên đại, chúng ta có thể biết rằng đây là công trình của những nhà nho không cộng tác với tân triều viết theo những gì họ quan sát ở địa phương kèm theo một số tin tức truyền tai thời tao loạn.


Chính vì những ghi nhận không kiểm chứng được nên chúng ta khó có thể đánh giá cho cặn kẽ toàn bộ tác phẩm mặc dù nội dung cũng phản ảnh phần nào xã hội thời đó thường sử dụng như một loại tài liệu phụ khi cầu miêu tả xã hội thời Tây Sơn.


Tây Sơn thuật lược viết người đi thay là đô đốc Nguyễn Hữu Chấn, Lê quí dật sử (Bùi Dương Lịch) viết là Tư Mã Chấn, Nghệ An Ký viết là Nguyễn Chấn, Lê Triều Dã Sử viết là Ngô Văn Tàng (một tên khác của Ngô Văn Sở) … Tựu trung, khi thấy đô đốc Chấn không có mặt ở Bắc Hà, sĩ phu Đàng Ngoài đã cho rằng ông chính là người đóng thay vua Quang Trung. Đô đốc Chấn hay Chấn quận công chính là một tên khác của đại tư mã Ngô Văn Sở, người nắm binh quyền ở miền Bắc, còn được biết dưới tên Ngô Hồng Chấn. Chúng ta cũng không loại bỏ giả thuyết chính triều đình Quang Trung cũng dùng cái tin “giả vương” như một màn khói để ngăn ngừa vọng động từ thành phần còn luyến tiếc nhà Lê. Cái tin đồn một võ quan đóng thay vua Quang Trung tương đối phổ biến, lan cả ra đến những người ngoại quốc đang sống ở nước ta.


- Người thay vua Quang Trung là Phạm Công Trị


Có lẽ khi viết về triều đại Tây Sơn, tài liệu cho thấy Ngô Văn Sở không thể đóng vai vua Quang Trung vì chính ông ta là một nhân vật quan trọng trong phái đoàn. Quốc Sử Quán nhà Nguyễn đã nêu tên người đóng vai vua Quang Trung bằng một cái tên khác. Đó là Phạm Công Trị, cháu gọi vua Quang Trung bằng cậu. Chi tiết này được ghi trong cả Đại Nam thực lục đệ nhất kỷ và Liệt Truyện (quyển XXX, Nguỵ Tây). Vì phát xuất từ sử triều đình nên cái tên Phạm Công Trị được hầu hết các sử gia chấp nhận không bàn cãi. Phạm Công Trị cũng không phải chỉ đóng giả vua Quang Trung một lần và cũng theo sử triều Nguyễn, chính ông này cũng đã đóng giả để ra Thăng Long nhận phong vương.


- Nghi vấn Phạm Công Trị


Năm 1967 Bộ Giáo Dục VNCH xuất bản Đại Việt Quốc Thư (dịch giả Đình Thụ Hoàng Văn Hoè) mà nguyên bản có lẽ đã dùng bản sao từ văn khố Viện Viễn Đông Bác Cổ để lại. Đại Việt Quốc Thư (DVQT) [大越國書], 6 quyển [410 trang] chủ yếu các văn thư giao thiệp hậu chiến, tiến trình phong vương cho Nguyễn Quang Bình và chuyến bắc du năm Canh Tuất.


Tập tài liệu này không thấy nhắc đến trong Tìm hiểu Kho Sách Hán Nôm: Nguồn tư liệu Văn Học, Sử Học Việt Nam (1 và 2) của Trần Văn Giáp[2] nhưng nay có một bản chép tay lưu trữ trong kho Viện Hán Nôm dưới số hiệu 0486, nhan đề Đại Nam Quốc Thư Tập, bản sao tại Paris số hiệu A.144 EFEO MF II.85 (A.144).[3]


Đây là lần đầu tiên, nhân vật mà người ta vẫn cho là người đã đóng giả vua Quang Trung để sang Trung Hoa được xuất hiện trong một văn bản đầu tay thời Tây Sơn dấy lên mối nghi ngờ về sự chính xác của chi tiết trong sử triều Nguyễn.[4] Chính dịch giả Đình Thụ, tuy không phải là sử gia, cũng cho rằng giả thuyết cũ nói rằng người thay vua Quang Trung tên là Phạm Công Trị không chính xác vì họ Phạm cũng là một nhân vật đi trong phái đoàn:


Có thuyết nói: Người đi thay Vua Quang-Trung là Phạm-Công-Trị (cháu gọi vua Quang-Trung bằng cậu) có thuyết nói một người trong tỉnh Nghệ-An giống Vua Quang-Trung.


Xem trong tập này, khi Nguyễn-quang- Thu là con Vua Quang-Trung cùng sang nhà Thanh với cha, đi đường bị yếu, quan nhà Thanh là Phúc-Khang-An cho Phạm-công-Trị là cháu gọi vua Quang-Trung bằng cậu, đem Nguyễn-quang-Thu v trước để điu trị, mà vua Càn-Long giáng chỉ-dụ cho việc làm như thế là phải.


Như vậy thuyết giả-vương là Phạm-công-Trị có lẽ không được đúng, vì không khi nào để Phạm-công-Trị đi thay mình mà lại chọn một người khác làm Phạm-công-Trị giả để đi theo. Đến như sứ Tầu đã sang ta hàng mấy tuần, tiếp xúc với Vua Quang-Trung, thời Giả-Vương đó người Tàu có nhận biết hay không? … (Lời Kết-Luận của Dịch-Giả, trang 356)


- Từ Đại Việt Quốc Thư đến Khâm Định An Nam Kỷ Lược[5]


Việc xác định ai là người dẫn đầu phái đoàn Tây Sơn sang Trung Hoa được mở lại khi một số các tài liệu gốc của nhà Thanh được công bố theo lối ảnh ấn từ Trung Hoa lục địa lẫn Đài Loan. Khi so sánh những chi tiết trong tài liệu gốc của Thanh triều với các văn thư của nước ta thì hai bên đều nêu lên một người có tên Phạm Công Trị cùng với Đặng Văn Chân là thân tộc của vua Quang Trung đi trong phái đoàn và sau đó hộ tống vương tử Nguyễn Quang Thuỳ về nước.


Theo diễn tiến khai mở các tài liệu, việc đề cập đến một người đóng vai vua Quang Trung sang Trung Hoa đã xuất hiện ngay từ khi phái đoàn đang công du chính là Ngô Văn Sở, đại tư mã trông coi quân sự trong triều đình. Lời đồn đãi này lan rộng và chỉ chấm dứt khi biết rõ Ngô Văn Sở chính là nhân vật đứng đầu hàng võ trong chuyến đi. Khi quốc sử quán triều Nguyễn được thành lập thì người đóng vai vua Quang Trung trong chuyến công du này đổi thành Phạm Công Trị và giả định đó tồn tại cho đến tận ngày nay. Tuy nhiên, khi đối chiếu tài liệu của nhà Thanh với những văn bản gốc ít ỏi còn sót đời Tây Sơn cho thấy trong sử triều Nguyễn nói rằng Phạm Công Trị đóng thay vua Quang Trung không còn hợp lý.


Đối chiếu các tài liệu sơ cấp [hay tiên nguyên, đầu tay …] như Đại Việt Quốc Thư, Thượng Dụ Đáng, Khâm Định An Nam Kỷ Lược … đều xác định Ngô Văn Sở là đại thần hàng võ trong phái đoàn, Phan Huy Ích là đại thần hàng văn trong phái đoàn còn Phạm Công Trị là cháu vua Quang Trung cùng với Đặng Văn Chân đi theo với danh nghĩa quốc thân (họ hàng nhà vua).[6]


Phạm Công Trị không phải chỉ xuất hiện trong Khâm Định An Nam Kỷ Lược mà cũng được nhắc tới trong nhiều tài liệu khác, bao gồm cả lời tâu của Phúc Khang An lẫn thượng dụ của vua Càn Long. [7] Có thể nói, vốn dĩ là một nhân vật không mấy nổi trội, Phạm Công Trị được nêu lên như một người đóng thay vua Quang Trung nhưng thực tế, ông không có thêm một công nghiệp nào khác trong suốt triều đại Tây Sơn.


Nói tóm lại, hai người được đưa ra như là nhân vật đóng thay vua Quang Trung là Ngô Văn Sở (của thành phần không cộng tác với Tây Sơn) hay Phạm Công Trị (của sử triu Nguyễn) đu không chính xác vì cả hai người này đã tồn tại trong các tài liệu đầu tay và nguyên bản gốc với những vai trò khác. Những đ cập đến một “vua Quang Trung giả” chỉ tồn tại trong những văn kiện thứ cấp[8] từ bên ngoài chứ không phải từ chính những người từng cộng tác trong triều đình Quang Trung giao thiệp với nhà Thanh.


Cũng vì phát xuất từ triều đình, trong cũng như ngoài nước đều chấp nhận một cách tự nhiên mà không để ý rằng không phải chỉ một chi tiết mà rất nhiều vấn đề khác triều Nguyễn viết về thời kỳ Tây Sơn đã không đúng sự thật. Viết về đối phương thì đã vậy, nhiều sự kiện trong Tiền biên, Chính biên viết về các đời chúa, đời vua nhà Nguyễn cũng so le khi đối chiếu với tài liệu bên ngoài hay nhân chứng đáng tin cậy hơn. Ngay cả hành trạng của vua Gia Long cũng không được ghi chép cho có qui tắc nên khi thành lập Quốc Sử Quán, vua Minh Mạng đã phải ra lệnh cho những người đã đi theo tiên vương cố gắng chép lại theo trí nhớ để dùng làm cơ sở viết sử.[9] Điều đó cho ta thấy, tài liệu của triều đình cũng rất tương đối và không thể hoàn toàn tin cậy được.


Từ kho tài liệu gốc của cả nước ta và Trung Hoa, tuy việc đề cập đến một Ngô Văn Sở hay Phạm Công Trị đóng thay vua Quang Trung không còn đứng vững nhưng nếu xét nét như thói thường “không có lửa sao có khói” người ta vẫn có thể đưa ra một giả thuyết rằng một người “nào đó” đóng vai Quang Trung và những người khác trong phái đoàn đều là những kịch sĩ trong một vở tuồng lớn.


 Nếu có một người nào không phải Ngô Văn Sở hay Phạm Công Trị được đưa ra để đóng vai vua Quang Trung thì người đó là ai? Tài liệu có đáng tin không? Trong suốt thời gian phái đoàn công du, vua Quang Trung “thật” ở đâu? Làm gì?


Theo hướng đó, chúng ta cần có những chứng cớ là bản thân vua Quang Trung đang còn ở trong nước. Không thể tin được một vua Quang Trung đưa người đi thay mình rồi chính ông thì che dấu hành tung, im hơi lặng tiếng trong suốt gần một năm. Cho nên, việc nêu lên những chứng cớ ngoại phạm cũng loại trừ những tài liệu thứ cấp [kể cả Liệt Truyện] và những nguỵ tạo vốn dĩ đầy rẫy sai lầm nhưng ít ai kiểm chứng.


TỪ TINH TRA KỶ HÀNH, HOA TRÌNH HẬU TẬP VÀ HẢI ÔNG THI TẬP ĐI TÌM THẬT GIẢ


Có lẽ tài liệu quan trọng nhất liên quan đến phái đoàn Quang Trung là di văn của ba văn thần được cử đi theo vua Quang Trung. Đó là Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn và Đoàn Nguyễn Tuấn.


Trong ba người này Phan Huy Ích có một vị thế thật đặc biệt. Ông là người được mệnh danh là nhân vật chính yếu để thay mặt đối đáp và làm cố vấn mỗi khi gặp những vấn đề liên quan đến văn tự. Hai người còn lại có thể coi như phụ tá cho họ Phan và cả ba ông tạo thành một ban tham mưu hàng văn kế cận với quốc vương. Trong thứ tự đó, chúng ta thấy Phan Huy Ích là người chính (chánh sứ), các ông kia coi như thành phần dự bị (giáp, ất phó sứ).


Quan trọng hơn nữa, cả ba người đều có di văn để lại. Sự đồng nhất về cách diễn tả của cả ba người cho thấy sự tự hào và vai trò trước đây chưa từng xảy ra đối với giới nho gia nước ta. Chuyến công du cũng mang một vị thế mới gọi là “hội áo xiêm” chưa từng có trong lịch sử giao thiệp giữa hai nước.


Phan Huy Ích (潘輝益) [1751-1822]


Người trong chuyến đi để lại nhiều thi văn nhất là Phan Huy Ích. Phan Huy Ích tự là Khiêm Thụ, hiệu là Dụ Am, người làng Thiên Lộc, huyện Thu Hoạch, tỉnh Sơn Tây đỗ hội nguyên khoa Ất Mùi (1775), năm Cảnh Hưng 36 làm hữu thị lang bộ Lại triều Lê. Đời Tây Sơn, ông làm thị trung ngự sử, thượng thư bộ Lễ và là người đóng góp rất lớn trong công tác tái lập bang giao với nhà Thanh để đàm phán trên cơ sở bình đẳng nên đã tự hào là “sáng thuỷ y thường hội” [hội y thường lần đầu].


Phan Huy Ích, ngoài các văn thư thay mặt quốc vương còn tồn tại trong Đại Việt quốc thư [cùng các văn thư còn lưu trữ trong văn khố nhà Thanh], ông để lại hai tác phẩm đến nay vẫn chưa được khai thác trọn vẹn. Đó là Dụ Am văn tập và Tinh Tra Kỷ Hành. Về văn thư trong Đại Việt Quốc Thư, những gì ông thay mặt quốc vương viết ra chúng ta có thể không xét đến [nếu vẫn cho rằng người dẫn đầu phái đoàn là một ông vua giả] nhưng Tinh Tra Kỷ Hành thì khác hơn. Tinh Tra Kỷ Hành là một tập hợp văn thơ theo thói quen ngâm vịnh của các nhà nho thuở trước - bên ngoài công tác chính là phụ tá vua Quang Trung để thù ứng với Thanh triều – mà Phan Huy Ích đã làm trong suốt chuyến đi này. Đây là một tập tài liệu cá nhân nhưng ít nhiều nhắc đến những sự việc phái đoàn đã gặp trên đường và dịp đại lễ ở Yên kinh.


Trước hết, về việc nguyên uỷ Phan Huy Ích được cử đi theo trong phái đoàn cho ta thấy đây là một công tác cực kỳ quan trọng và cao quí, không phải ai cũng có thể được giao phó. Tuy chính Phan Huy Ích không nói ra nhưng bài tựa quyển Tinh Tra Kỷ Hành của Trần Bá Lãm có đoạn như sau:


…既而通使議和。國體增重。代干戈以口舌。易兵車爲衣裳。厥功韙矣。


歲庚戌,恭備大清乾隆皇帝八旬慶壽。藩邦畢會,特先馳諭我國懇邀御臨祝嘏。多方推阻。而敦勸愈諄。公與二三大臣,奉請行權。


先皇帝俯准其議,特命公爲陪臣,便宜酬應。是行也。周歷萬里,所致歡迎。與中州紳弁相欵洽。迨進覲熱河,囘侍西苑 …


... Cho nên hai bên đã thông sứ, nghị hòa, quốc thể lên cao lấy miệng lưỡi thay cho giáo mác, đổi binh xa bằng áo xiêm, việc của ông quả là phải vậy. Năm Canh Tuất cung kính chuẩn bị lễ khánh thọ của vua Càn Long nhà Đại Thanh, tụ hội các nước phiên nên đặc biệt đưa dụ tới nước ta, khẩn khoản yêu cầu nước ta đến triều chúc thọ.


Bên ta nhiều phen thoái thác nhưng họ lại càng thêm thiết tha. Ông [tức Phan Huy Ích] cùng hai ba đại thần xin nhà vua nên tòng quyền. Tiên hoàng đế thuận theo lời nghị luận, đặc biệt ra lệnh cho ông làm bồi thần để lo việc đối đáp. Vì thế nên được đi.


Trên quãng đường vạn dặm đi đến đâu cũng được hoan nghênh, được các quan văn võ trung châu tiếp đãi. Sau khi chiêm cận ở Nhiệt Hà thì trở về Tây Uyển...[10]


Ngoài ra chúng ta không thể không nhắc đến Đoàn Nguyễn Tuấn trong bài Bạt viết ở cuối sách Tinh Tra Kỷ Hành.


吾友潘候之裕氏。才邁氣豪。睥睨一世。少年領鄕會。二元聲價藉甚。中間歷涉世故。稍收斂。粹如也。庚戌春。以才名扈覲。是行也。大皇帝特格督臣伴送。舟車旌旗。耀人耳目。所至奔走。官吏迎送。秋抵熱河行宮。復從駕囘燕京出西苑。連旬進謁。天寵優異。從來我國華使。未有如此之奇且榮者。侯於文書酬應之暇。時及之詩。探中州之風物。品大地之山川。與夫承恩于密勿。陪遊于麗邃。隨在吟詠。捃摭成集。顏之曰星槎紀行。夫以大得意人寫大得意事。譬之紅樓朱屋。畫客所難。惟侯往往有言外餘趣。故其豐艷奪目。而傾人之態。尤在悠揚婉轉間。是以能其所難者歟。余不才。備數下列。無翰墨公冗。又不預朝燕。七八月間甚多暇。無一事可錄。性獨懶。亦罕及題述。卽有之。概屬蕭瑟荒寒之氣。大與豐艷濃致不同。一日在侯舟中悶甚。適覩是錄。偶捉筆書之。侯遂要竟其集。旣完。因附數言于集之後。時乾隆五十五年中冬日也。盟弟段阮俊書于寧明江次。


Bạn tôi là Phan hầu có tài lớn khí hào vượt trội hơn hẳn người khác. Thuở còn trẻ đã thi hương thi hội hai lần đứng đầu, tiếng tăm lừng lẫy. Đến thuở trung niên từng trải sự đời nên thu liễm lại càng thêm chín chắn. Mùa xuân năm Canh Tuất chọn người tài danh theo hầu nhà vua đi triều cận, vì thế nên được đi.


Đại hoàng đế [vua Càn Long] đặc biệt cho tổng đốc [Phúc Khang An] bạn tống, thuyền xe cờ quạt khiến người ta xem loá mắt. Hễ đi đến chỗ nào, các quan lại đều đón đưa, mùa thu đến hành cung tại Nhiệt Hà, lại theo vua về Yên kinh ra Tây Uyển [Viên Minh Viên], suốt tuần ngày nào cũng vào yết kiến. Thiên tử ưu đãi lạ thường, từ trước đến nay người minh đi sứ Trung Hoa, chưa từng bao giờ lại lạ lùng và vinh hiển như thế.


Khi nhàn rỗi thì hầu đem văn chương qua lại với người ta. Khi có thì giờ được đưa đi thăm cảnh trung châu, bình phẩm núi sông nơi cõi lớn, hễ đi đâu cũng không rời, theo hầu tới những nơi đẹp đẽ, chỗ nào cũng ngâm vịnh, nên ông chọn ra để thành tập gọi là Tinh Tra Kỷ Hành.


Phàm người có được cái tài xứng đáng ắt gặp để viết ra sự thật đắc ý, ví như lầu hồng nhà đỏ, người vẽ khó khăn, riêng chỉ có hầu chỗ nào cũng còn những điều chưa nói hết, nên đẹp đẽ ưa nhìn, làm cho người phải nghiêng đổ. Còn như ở chỗ du dương uyển chuyển, thì ông lại càng tỏ lộ được những chỗ khó phô ra.


Tôi không có tài, nhiều lần phải đứng ở dưới thấp, không dám lấy chỗ hàn mặc để rườm lời, cũng không dám chen vào việc triều yến. Trong bảy, tám tháng biết bao thì giờ nhàn rỗi nhưng nào có ghi lại được gì đâu. Tính lại lười biếng nên cũng ít thuật lại chuyện gì, nếu có thì cũng chỉ có cái khí buồn bã lạnh lẽo, khác hẳn cái dồi dào đẹp đẽ nồng thắm của ông.


Một ngày ở trên thuyền cùng với ông đang lúc phiền muộn, bỗng thích chí mà cầm bút viết, hầu liền yêu cầu đọc tập thơ này. Đọc xong mới viết thêm vào cuối sách một vài câu.


Nay vào năm Càn Long 55, ngày giữa mùa đông. Em kết nghĩa là Đoàn Nguyễn Tuấn viết ở nhà trọ trên sông ở Ninh Minh.


Cũng nên thêm, vào đời Gia Long, nhà ông Phan Huy Ích bị cháy rụi nên bao nhiêu trước tác đều mất hết và công trình để lại ngày hôm nay không phải ghi tại chỗ mà là những gì ông nhớ lại và sưu tầm từ bạn bè, thân nhân nên mười phần chỉ được vài ba như ông tự thú. Lẽ dĩ nhiên, những công trình này được tổng hợp sau khi nhà Tây Sơn đã bị diệt.[11]


Một chi tiết hầu như không mấy ai nhắc đến. Sau khi nhà Tây Sơn sụp đổ, họ Phan vẫn làm việc cho triều Nguyễn cho tới tận đầu đời Minh Mạng. Tuy không được sử sách ghi nhận một cách chu đáo, vai trò của Phan Huy Ích trong công tác giao thiệp với nhà Thanh là một khuôn mặt quan trọng và chính nhờ theo dõi hành trạng ông mà chúng ta có thể giải mã được nhiều bí ẩn trong tiến trình cầu phong đời Gia Long. Sự đóng góp của những văn quan chuyên về ngoại giao có gốc từ đời Lê và Tây Sơn chưa bao giờ được công nhận một cách chính thức.


Với hai chi tiết đó, chúng ta không có lý do để nghi ngờ rằng khi chép lại văn thơ cũ, Phan Huy Ích vẫn ngại ngùng mà không xác định người đi cùng với ông là một người giả và vua Gia Long biết được nguỵ tạo này mà không truy cứu để lập công với nhà Thanh. Dẫu thời đại đã qua, những lời lẽ Phan Huy Ích viết về vua Quang Trung vẫn cực kỳ kính trọng, tên huý vẫn kiêng, tuyệt nhiên không có chút nào coi thường nếu như trước đây ông đã bị ép buộc phải đóng một vai trò mạo hiểm, sinh tử quan đầu.


Vũ Huy Tấn (武輝) [1749-?]


Người quan trọng đứng thứ hai trong hàng văn của phái đoàn là Vũ Huy Tấn. Vũ Huy Tấn tự Tự Chiêu, người làng Mộ Trạch, huyện Đường An, tỉnh Hải Dương, làm thị lang bộ Công đầu đời Tây Sơn, hàm thượng thư được phong tước Hạo Trạch Hầu và đi sứ nhà Thanh  lần đầu năm 1789, lần 2 năm 1790 cũng là chuyến đi cùng với vua Quang Trung trong vai phó sứ cho Phan Huy Ích. Trong lần đi này, ông để lại nhiều văn thơ tập trung thành tác phẩm có nhan đề Hoa Trình Hậu Tập (華程後集)[12]. Thơ văn của Vũ Huy Tấn để lại nhiều dấu ấn về việc ông phụng mệnh quốc vương, chẳng hạn trên đường đi  ông viết “Tại Thanh Viễn huyện ứng chế phụng đề chi tác" trong đó chữ phụng đề là do lệnh của quốc vương.


Trong bài hoạ thơ Phan Huy Ích “Cảm hoạ Lại bộ Phan huynh thi vận”, Vũ viết:


同榦原來是世交,共持忠信任波濤。


Đồng cán nguyên lai thị thế giao, Cộng trì trung tín nhiệm ba đào.


Cùng lo bởi vốn là quen biết nhau từ nhiều đời, Vì chung giữ hai chữ trung tín mà chúng ta phải chịu sóng gió.


Vũ tiên sinh nhắc đến “trung tín” vừa đề cập đến sự trung thành của mình với đất nước, với quân vương nhưng cũng nhấn mạnh vào chữ tín là việc mà hai ông Phan, Vũ đều cực lực khuyên vua Quang Trung giữ lời hứa đã nhận lời sang Trung Hoa.


Theo lời dẫn trong bài “Ứng chế đề Đằng Vương Các”, ông viết:


余隨駕進覲,得臨此古來星槎所未曾到之地。莫非烟景文章之有夙因者。適奉督憲要國王。命賦詩一章。將銘于石以記此遊。余喜因援筆立成以獻。


扈從萬里有斯遊 …


tuỳ giá tiến cận, đắc lâm thử cổ lai tinh tra sở vị tằng đáo chi địa. Mạc phi yên cảnh văn chương chi hữu túc nhân giả. Thích phụng đốc hiến yêu quốc vương, mệnh phú thi nhất chương. Tương minh vu thạch dĩ ký thử du. Dư hỉ nhân viện bút lập thành dĩ hiến.


Hỗ tòng vạn lý hữu tư du …


Tôi đi theo nhà vua [tuỳ giá] lên kinh đô triều cận, được đến nơi này là nơi mà xưa nay người đi sứ chưa từng được đến. Chẳng phải là nơi văn chương đã có người ngâm vịnh hay sao. Cho nên tổng đốc [Phúc Khang An] mới yêu cầu quốc vương ra lệnh làm một bài thơ để khắc lên đá ghi nhớ chuyến đi này. Tôi vui mừng nhân đó viết thành đưa lên:


Theo vua đi vạn dặm nên có chuyến viếng thăm này …


Khi vua Càn Long ban cho vua Quang Trung mũ áo, Vũ Huy Tấn hoạ lại bài thơ “ngự chế” của vua Thanh ông viết:


應制奉代和特賜朝服御製詩韻。


Ứng chế phụng đại đặc tứ triều phục ngự chế thi vận.


Nhận lệnh thay mặt hoạ lại bài thơ ngự chế khi được đặc biệt ban cho triều phục


Nhận lệnh thay mặt [phụng đại] là chữ dùng để chứng tỏ ông được vua Quang Trung ra lệnh cho làm thơ hoạ lại bài ngự thi chứ không phải tác giả tự tiện làm, nhất là hoạ thơ của hoàng đế.


Ngày hôm sau, vua Càn Long lại ban cho mũ áo tam phẩm cho các bồi thần hàng văn, Vũ Huy Tấn cũng được dự phần nên ông lại phụng mệnh vua Quang Trung mà làm thơ tạ ơn, dùng lại vần hôm trước.


次日奉賜三品冠服。因奉依前韻進謝。扈從覲轡再瞻依。似此遭逢千載希。…


Thứ nhật phụng tứ tam phẩm quan phục. Nhân phụng y tiền vận tiến tạ.


Hỗ tòng cận bí tái chiêm y, Tự thử tao phùng thiên tải hy …


Hôm sau, được ban cho quan phục tam phẩm. Vì thế theo đúng vần trước hoạ tiến lên để tạ ơn.


Theo vua đến chiêm cận lại được thấy long nhan,


Từ xưa đến nay gặp gỡ như thế thật là chuyện hiếm có nghìn năm …


Đoàn Nguyễn Tuấn (段阮浚)


Đoàn Nguyễn Tuấn cũng đi cùng trong phái đoàn, nhưng với vai trò bồi sứ, vị thế của ông tương đối ít tỏ lộ hơn. Đoàn Nguyễn Tuấn người xã Hải An, huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình, năm sinh, năm mất không rõ rệt, chỉ biết ông sống vào cuối đời Lê, qua đời Tây Sơn đến đầu đời Nguyễn.


Tuy nhiên trong chuyến đi năm Canh Tuất sang Yên Kinh, ông để lại nhiều thơ văn, tập hợp thành Hải Yên thi tập (海烟詩集)[13] và Hải Ông thi tập (海翁詩集)[14] đặc biệt bài ký “Tòng hạnh Vạn Thọ Sơn ký” là một áng văn miêu tả chuyến đi thăm Vạn Thọ Sơn rất sống động.


Ngoài một số bài thơ miêu tả đường đi, phần lớn thơ văn của Đoàn Nguyễn Tuấn thuộc loại đề vịnh danh lam thắng cảnh và nhất là trao đổi với quan lại nhà Thanh, nhất là đối đáp với sứ thần Triều Tiên. Một đặc điểm đáng ghi nhớ là thơ văn sứ thần nước ta lần này ít nhiều trịch thượng, khác hẳn những lần đi sứ khác trong lịch sử thường kém vế nên dễ tỏ vẻ nhún nhường.


Cũng như Vũ Huy Tấn, các sứ thần nước ta đi theo vua Quang Trung lên thăm Đằng Vương Các đều được lệnh làm thơ [do yêu cầu của Phúc Khang An] nên trong bài thơ thất ngôn ông trình lên có viết:


…扈蹕此邊臨者會,鳴鸞故衹在江邊。


Hỗ tất thử biên lâm giả hội, Minh loan cố chỉ tại giang biên.


Theo chân vua nên mới gặp gỡ ở nơi này,


Nghe tiếng chim loan hót ở nơi bờ sông cũ.


Những chi tiết mà chúng tôi nhắc đến nhằm đưa ra những “chứng cớ phụ” [corroborative evidence] để bổ sung cho luận đề chính vì thực tế các tài liệu đầu tay của cả Trung Hoa và Việt Nam đã đủ mạnh, nếu muốn bác bỏ chúng ta cần tìm ra những tài liệu sơ cấp [tiên nguyên] khác có sức thuyết phục hơn Đại Việt Quốc Thư và tài liệu trong cung nhà Thanh.


QUANG TRUNG GIẢ THEO SỬ TRUNG HOA


Việc nhắc đến một vua Quang Trung giả không phải chỉ tồn tại trong sử nước ta mà nhiều tác giả nổi tiếng của Trung Hoa cũng tin vào ức thuyết này, đáng kể nhất có Trang Cát Phát (莊吉發) ở Đài Loan và Cát Triệu Quang (葛兆光) ở lục địa. Tuy nhiên, cả hai đều căn cứ vào bộ Thanh Sử Cảo vốn được coi như thông sử qui mô nhất viết về nhà Thanh. Có điều, những chi tiết đó không phải từ chính tài liệu của Thanh triều mà lại dựa trên tài liệu Việt Nam, được chép lại trong mục thuộc quốc là phần viết về các nước thần phục nhà Thanh. Thực ra, sử triều đình Trung Hoa chỉ ghi lại theo lối biên niên tập trung trong các bộ Thực Lục. Các bộ sử triều đại viết về nhà Thanh cũng phần lớn dùng Thanh Thực Lục làm tài liệu chính yếu.


Riêng về nước ta, sử Trung Hoa sớm nhất chép về chiến tranh thời Quang Trung là bộ Thánh Vũ Ký của Nguỵ Nguyên 魏源 (đời Đạo Quang) trong đó quyển số VI có một phần là Càn Long chinh phủ An Nam ký (Việc chinh phạt và vỗ về An Nam thời Càn Long). Trong tài liệu này, việc vua Quang Trung sang chúc thọ được chép như sau:


… 五十五年,阮光平來朝祝釐。宴熱河山莊。班親王下,郡王上。賜官帶受封歸


Năm Càn Long 55, Nguyễn Quang Bình đến triu đình chúc thọ, được đãi yến ở Nhiệt Hà sơn trang (tức Tị Thử Sơn Trang), xếp vào hàng dưới thân vương, trên quận vương lại ban cho mũ và đai nhận tước phong trở v.


Khoảng 50 năm sau Nguỵ Nguyên, cuối đời Thanh, Từ Diên Húc soạn Việt Nam Tập LượcViệt Nam Thế Hệ Diên Cách Lược chép thêm một câu như sau:


…五十五年,阮光平來朝祝釐。宴熱河山莊。班親王下,郡王上。賜官帶受封歸。其實阮光平遣其弟冐名前來,光平未敢親到也。


Năm Càn Long 55, Nguyễn Quang Bình đến triu đình chúc thọ, được đãi yến ở Nhiệt Hà sơn trang (tức Tị Thử Sơn Trang), ở vào hàng dưới thân vương, trên quận vương lại ban cho mũ và đai nhận tước phong trở v. Thực ra Quang Bình sai em mạo danh đi qua chứ bản thân Quang Bình không dám tới[15]


Sang đời Dân Quốc, Triệu Nhĩ Tốn làm tổng tài soạn bộ Thanh Sử Cảo, chép về việc triều cận có thêm phê bình:


…五十五年,阮光平來朝祝釐,途次封其長子阮光纘為世子。七月,入覲熱河山莊,班次班親王下,郡王上。賜御製詩章,受官帶歸。其實阮光平遣其弟冐名前來,光平未敢親到也,其譎詐如此


Năm Càn Long 55, Nguyễn Quang Bình đến triu chúc thọ. Trên đường đi [hoàng đế] phong cho con trưởng của y là Nguyễn Quang Toản làm thế tử. Tháng bảy, nhập cận ở Nhiệt Hà sơn trang. Xếp hàng ở dưới thân vương, trên quận vương. Lại ban cho thơ ngự chế, nhận mũ đai đem v. Thực ra Quang Bình sai em mạo danh đến mà thôi chứ bản thân Quang Bình không dám tới. Ấy là xảo quyệt trí trá thế đấy.[16]


Về cơ bản ba tài liệu này từng phần chép lại của nhau. Hai tác phẩm của Nguỵ Nguyên và Từ Diên Húc chủ yếu không phải là một bộ sử theo quan điểm chúng ta thường biết mà là một “báo cáo” đưa ra những chuẩn bị một khi phải đem quân sang Việt Nam căn cứ vào kinh nghiệm những lần xâm lăng trước. Việc Nguyễn Huệ sai em sang thay cũng đã bị nhiều nhà nghiên cứu Trung Hoa bác bỏ, lý do là Nguyễn Huệ chỉ có một người em là Nguyễn Lữ mà khi đó tung tích rất mơ hồ. Những chi tiết khác mà Từ Diên Húc đưa ra gần như toàn bộ trích từ tài liệu Việt Nam, chủ yếu từ Đại Nam Thực Lục và Liệt Truyện.


Sơ xuất quan trọng nhất mà Nguỵ Nguyên và Từ Diên Húc nêu ra là việc “Nguyễn Quang Bình … thụ phong trở v”. Vua Quang Trung sang Trung Hoa với tư cách quốc khách, không phải qua để nhận tước phong vì khi đó ông đã là An Nam quốc vương. Khi sử dụng tài liệu của Nguỵ Nguyên, Từ Diên Húc, Triệu Nhĩ Tốn … nhiều tác giả ngoại quốc không phân biệt được đúng sai nên vẫn trích dẫn trong các nghiên cứu của họ, coi như trước đây nước ta phải cống người vàng thay mặt khi cầu phong thì lần này đích thân sang nhận tước vị. Chi tiết đó đã làm thay đổi hoàn toàn bản chất của sự việc.


Càn Long Chinh Phủ An Nam Ký, Việt Nam Tập Lược, Thanh Sử Cảo tuy có nhiều điểm tài liệu Việt Nam chưa đề cập đến nhưng khi viết về nước ta cũng đầy những sai lầm nghiêm trọng, một phần vì tài liệu này chép lại tài liệu kia, một phần vì dựa trên những nguồn không xác thực. Cho nên một khi tài liệu đầu tiên sai lầm thì những tác giả đi sau cũng lại bước vào vết chân cũ, kể cả nhiều tác giả ngoại quốc cũng chép lại mà không ai đính chính.


Nguỵ Nguyên (thời Đạo Quang 1820-50) trong Càn Long Chinh Phủ An Nam Ký:


… 暹羅既與廣南積怨。會黎氏甥農耐王阮福映者[本名種此其改名]奔暹羅。暹羅妻以女弟。助之兵。克復農耐。勢日強。號舊阮。數與新阮戰。奪其富春舊都 …


… Xiêm La cũng đã tích oán với An Nam. Nay cháu [ngoại] của họ Lê là Đồng Nai Vương Nguyễn Phúc Ánh [nguyên chú: tên gốc là Chủng nay đổi] chạy sang Xiêm La. Vua Xiêm La gả em gái và giúp quân lấy lại đất Đồng Nai nên thế càng lúc càng mạnh, gọi là cựu Nguyễn, đánh nhau với tân Nguyễn mấy bận đoạt lại kinh đô cũ là Phú Xuân …[17]


Từ Diên Húc (thời Quang Tự 1875-1908) trong Việt Nam Tập Lược:


…當維潭時,左輔政阮某之孫名福映者,本名種,其父某爲黎王壻,嗣廣南王位。右輔政鄭氏欺其年幼,出於順化,後復暗使阮惠攻滅之。黎氏有娠逃於農耐。農耐本水真臘舊都即今之嘉定省也。生福映匿於民間及長奔暹羅。暹羅國王妻以女弟,助之兵攻克農耐居之,勢漸强,號舊阮,而稱阮光平父子爲新阮,亦曰西阮 …


… Thời Lê Duy Đàm, cháu nội của tả phụ chính Nguyễn mỗ là Phúc Ánh, tên gốc là Chủng, cha y là rể của vua Lê, nối ngôi làm Quảng Nam vương. Hữu phụ chính họ Trịnh thấy y tuổi nhỏ coi thường nên đuổi ra Thuận Hoá, sau lại bí mật sai Nguyễn Huệ đánh diệt đi. Khi đó [người vợ] họ Lê đang có mang chạy trốn đến Đồng Nai [Đồng Nai vốn là kinh đô cũ của Thuỷ Chân Lạp, nay là Gia Định] sinh ra Phúc Ánh, trốn vào trong dân chúng mà sống. Khi lớn lên chạy sang Xiêm La, quốc vương Xiêm La gả em gái cho, giúp binh lính đánh chiếm lại Đồng Nai nên thế lực dần dần mạnh lên, gọi là cựu Nguyễn, còn cha con Nguyễn Quang Bình gọi là tân Nguyễn, còn gọi là Tây Nguyễn …[18]


Thanh Sử Cảo (thời Dân Quốc 1912-1949) chép:


… 初,阮光平既攻滅廣南王阮某,阮某為黎王婿,妻黎氏有娠,逃於農耐,農耐為水眞臘舊都,卽嘉定省,今之西貢也。


黎氏生子曰阮福映,本名種,潛匿民間。及長,奔暹羅。暹羅王故與阮光平夙仇,乃以女弟歸福映,助之兵,攻克農耐,據之,勢漸强,號舊阮,而稱阮光平父子為新阮,亦曰西阮 …


… Khi trước, Nguyễn Quang Bình công diệt Quảng Nam vương Nguyễn mỗ [tức chúa Nguyễn], Nguyễn mỗ là con rể vua Lê, lấy con gái họ Lê khi có thai, chạy trốn vào Đồng Nai. Đồng Nai là cựu đô của Thuỷ Chân Lạp, tức tỉnh Gia Định, nay là Saigon vậy.


Họ Lê sinh con tên là Nguyễn Phúc Ánh, tên gốc là Chủng, trốn vào trong dân chúng. Khi lớn lên, chạy sang Xiêm La. Xiêm La vương vốn dĩ có thù với Nguyễn Quang Bình nên gả em gái cho Nguyễn Phúc Ánh, giúp binh lính, đánh lấy được Đồng Nai, giữ lấy, thế lực dần dần mạnh lên, gọi là “Cựu Nguyễn”, còn cha con Nguyễn Quang Bình gọi là “Tân Nguyễn”, cũng còn gọi là “Tây Nguyễn” [19]


Theo thứ tự thời gian xuất hiện, khi so sánh văn bản, đoạn này không phải do Triệu Nhĩ Tốn nghiên cứu viết ra mà chép lại từ Nguỵ Nguyên hoặc Từ Diên Húc. Dù chỉ với kiến thức sơ đẳng, chúng ta ai cũng biết Nguyễn Phúc Ánh [vua Gia Long] không phải là cháu ngoại vua Lê, cũng không lấy em gái vua Xiêm. Những chi tiết sai lầm như trên đầy rẫy trong thông sử của Trung Hoa nên không phải chỉ một vấn đề phái đoàn Quang Trung sang Trung Hoa mà nhiều chi tiết khác cũng cần nhìn lại cho chính xác.


VIỆC NÊU LÊN MỘT VUA QUANG TRUNG GIẢ SANG TRUNG HOA NHẰM MỤC ĐÍCH GÌ?


Phần lớn chúng ta không mấy ai nhận chân được chuyến đi sang Trung Hoa của phái đoàn Tây Sơn là một sự kiện nổi bật trong suốt chiều dài lịch sử và giao thiệp giữa nước ta với phương bắc. Tuy vẫn nhận vị thế một tiểu quốc phiên thuộc, kể từ đầu thế kỷ thứ X Đại Việt là một cơ cấu hành chánh độc lập, không hề bị chi phối bởi nước lớn nhưng cũng tuỳ thời kỳ, tuỳ vai trò của người cầm đầu mà nước ta được xếp vào một thứ tự khác nhau.


Trong những năm đầu tiên khi mới tách ra để thành một lãnh thổ đứng riêng, các vua Đinh, Lê, Lý chỉ được phong làm Giao Chỉ quận vương, mãi đến đời Lý Anh Tông – nghĩa là sau hơn 150 năm tính từ Lý Thái Tổ - vua nước ta mới được phong làm An Nam quốc vương. Tuy nhiên, không phải nước ta luôn luôn giữ được vị thế đó. Vua Lê Thái Tổ không được phong vương mà chỉ được giữ quyền tạm cai trị nước [quyền thự quốc sự] cho tới mấy đời sau mới lại được nhà Minh phong làm quốc vương. Qua đời Mạc, cả vua Lê lẫn họ Mạc đều chỉ được phong An Nam đô thống sứ, tòng nhị phẩm và mãi đến đời Lê … mới lại được phong làm quốc vương.


Đến đời Tây Sơn, vua Quang Trung không những được phong làm An Nam quốc vương trong một thời gian kỷ lục mà ông còn được nâng cấp lên đến bậc thân vương, ngang với những hoàng tử cao cấp nhất đời Càn Long, một hiện tượng bất thường trong chính sách thiên triều-phiên thuộc và là một trường hợp ngoại lệ kể cả nhà Thanh nói riêng và các triều đại Trung Hoa nói chung.


Đi tìm sự “chính danh” luôn luôn quan trọng khi thay đổi triều đại. Triều đình Gia Khánh từ bỏ Tây Sơn bằng lý do để mất sắc ấn, sử dụng hải phỉ cướp bóc vùng duyên hải Trung Hoa … còn triều Nguyễn thì “nguỵ hoá” đối phương bằng cách đưa ra một vua Quang Trung giả, tạo ấn tượng Nguyễn Huệ là kẻ trí trá, lật lọng nhấn mạnh vào sự bất tín, thiếu thuỷ chung.


Khởi đầu từ một trá nguỵ, những diễn biến tiếp theo chỉ nhằm để đánh lừa đối phương nên những vận động chính đáng trở thành những gây hấn thấp kém. Việc đòi nhà Thanh trả lại đất bảy châu Hưng Hoá [thực tế là một tranh chấp có từ đời Lê, vua Quang Trung nhân thế được ưu đãi đã xin được giải quyết theo cách thức của vua Ung Chính trả lại cho nước ta đất vùng mỏ đồng, mỏ thiếc Tụ Long khi trước] nay thành đòi đất Lưỡng Quảng, việc cầu hôn công chúa nhà Thanh nay thành khiêu khích để hưng binh [thực tế vua Quang Trung muốn xác định một vị thế quan trọng hơn trong khu vực], việc mở cửa ải thông thương [giải toả cấm vận nhằm khôi phục kinh tế] hay những sự việc gần như không ai lưu ý đến như việc chuyển cống kỳ từ ba năm lên hai năm [nhằm xác định vị thế với lân bang], việc xin mua miễn thuế hàng hoá của nhà Thanh lên đến mười vạn lạng bạc [để gia tăng thương mại làm đầu cầu bán ra ngoài], việc trao đổi để đưa thân quyến nhà Lê sang Trung Hoa [trong kế hoạch thúc đẩy cho nhanh tiến trình trị an] … là những sự kiện lớn trong những năm trị vì của vua Quang Trung. Những công tác mang qui mô quốc gia nay đã hoàn toàn bị hiểu một cách sai lệch.[20]


Việc đồng tình xoá đi một biến cố mà cả hai triều đình đều không muốn nhắc tới cho tới nay đã thành công, ít ra cũng khiến cho nhiều người tin rằng đó là một sự thật nhưng lại hoàn toàn không có cơ sở nào để khẳng định rằng người dẫn đầu phái đoàn là một người giả. Sử nhà Thanh cho đến gần đây cũng chỉ quan tâm đến chuyến đi của phái đoàn Anh năm 1793 do hoàng thân Macartney dẫn đầu mặc dù xét trên phương diện nghi lễ bên ngoài hay bản chất sự việ, chuyến đi cũng chỉ là một phái đoàn đàm phán thương mại, khác hẳn với đón tiếp một quốc khách là vua Quang Trung ba năm trước đó.


Trên qui mô khu vực, phái đoàn sang Trung Hoa là một vấn đề quốc thể đóng góp lớn trong việc thúc đẩy hình thành một trật tự mới của vùng Đông Á. Thành quả thu đạt được trong bốn năm đời Quang Trung cần được nghiên cứu cặn kẽ hơn.


Nguyễn Duy Chính


3/2018


[1] Bức hình này được tìm thấy trong Catalogue của Công ty đấu giá Sotheby’s (Catalogue of Chinese Decorative Arts) trưng bày những món hàng bán trong ngày mồng 5 tháng 6 năm 1981 tại London (Anh quốc), số mục 169, được mua với giá 1300 bảng Anh. Theo ghi chú trong số mục này thì vua Quang Trung mặc áo bào đỏ, thêu rồng bằng chỉ vàng và bức tranh có khổ 99x56 cm.

[2] Tập I (in lần thứ 2) [Hà Nội : Văn Hoá, 1984], Tập II [Hà Nội : KHXH, 1990]. Theo lời nhà xuất bản ở tập II thì tập I in lần đầu do Thư Viện Quốc Gia năm 1970 và tập II in lần đầu năm 1990.

[3] Việt Nam Hán Nôm Văn Hiến Mục Lục Đ Yếu (Lưu Xuân Ngân, Vương Tiểu Thuẫn, Trần Nghĩa chủ biên) (Đài Bắc : Trung Quốc Văn Triết Nghiên Cứu Sở, 2002) tr. 98. Tuy hai nhan đề có khác nhau nhưng nội dung là một.

[4] Tên Phạm Công Trị xuất hiện trong Đại Việt Quốc Thư. Xem bản dịch Nguyễn Duy Chính, nxb VH-VN (2016) tr. 228

[5] Xin tham khảo Đại Việt Quốc Thư (Nguyễn Duy Chính dịch) Tp HCM : VH-VN, 2016 và Khâm Định An Nam Kỷ Lược (Nguyễn Duy Chính dịch) Hà Nội : Hà Nội, 2016

[6] Khâm Định An Nam Kỷ Lược, bản dịch Nguyễn Duy Chính. Nxb Hà Nội (2016) tr. 545

[7] Càn Long Triều: Thượng Dụ Đáng, quyển XV. Trung Quốc Đệ Nhất Lịch Sử Đáng Án Quán (1991) tr. 641

[8] Giáo sư Nguyễn Phương trong tác phẩm giáo khoa cơ bản dùng cho sinh viên đại học ban Sử Địa là Phương Pháp Sử Học (Phòng Nghiên Cứu Sử, Viện Đại Học Huế, 1964) đã nêu ra định nghĩa của việc phân biệt sử liệu đầu tay [hay tiên nguyên tức primary sources] và sử liệu thứ cấp [mà ông gọi là tu soạn tức secondary sources] nguyên văn như sau:


Sự [sử] liệu trực tiếp còn được gọi là sử liệu tiên nguyên hay là đầu tay, và sử liệu gián tiếp cũng còn có tên là sử liệu tu soạn. Cách phân loại này hết sức thực tế, vì lý tưởng của sử gia bao giờ dự bị viết một bài sử cũng là tìm sao để về được đến những sử liệu trực tiếp, tiên nguyên như vừa nói…


Có thể xếp vào loại các sử liệu tiên nguyên các bản tường thuật của các nhân chứng về các vụ ám sát, các trận chiến tranh, các tai nạn, các cuộc bàn cãi, các bản khẩu cung, các hiệp ước, các công văn, hoặc các tập ký sự, nhật ký. Các bộ sử chép v các thời đại, dầu là cổ điển hay danh tiếng đến đâu cũng chỉ là những sử liệu gián tiếp hay tu soạn. [NDC nhấn mạnh] Thuộc về loại nầy phải kể các công trình của Herodotus, của Titus Livius, hay các bộ sách như Sử ký của Tư mã Thiên, Tiền hán thư của Ban Cố, Hậu hán thư của Phạm Việp hoặc Tư trị Thông giám của Tư mã Quang… (tr. 69-70)


Trong công việc nghiên cứu, sưu tầm tài liệu là công tác gian nan và nhiều công phu nhất nhưng trong số hàng nghìn, hàng vạn tư liệu, văn bản mà chúng ta có được, việc phân chia, nhận định, đánh giá và chọn lựa để sử dụng lại càng khó khăn hơn vì phần lớn chúng ta chỉ tiếp cận được với loại tài liệu thứ cấp, nếu có may mắn hơn, cũng chỉ đạt tới loại tài liệu gần với tài liệu đầu tay chứ chưa hẳn đã là tài liệu nguyên thuỷ theo lối định nghĩa minh bạch của giáo sư Nguyễn Phương.

[9] Sách chép rằng năm Minh Mạng thứ 3 (1822), vua ra lệnh “cho các quan từng giữ trọng trách trong triểu, viết lý lịch sự vụ nạp tại Sử quán để làm tài liệu viết sử” [Tạp chí Nghiên Cứu và Phát Triển số 6 (123). 2015. Chuyên đề Sử liệu Việt Nam : Lý Lịch Sự Vụ (nguyên tác Nguyễn Đức Xuyên, Trần Đại Vinh dịch) tr. 8]. Nếu tính theo thời điểm này, các ghi chép về thời chúa Nguyễn còn đang bôn ba cũng đã cách hơn 30 năm, số người theo ông cũng đã chết gần hết nên tài liệu gốc không được bao nhiêu, đến nay trong kho sách cũng hầu như mất cả. Thành ra chúng ta cũng khó biết sử triều Nguyễn viết từ đời Gia Long trở về trước dựa trên những tài liệu nào, đáng tin đến đâu?

[10] Lời tựa quyển Tinh Tra Kỷ Hành do Trần Bá Lãm soạn ở đầu sách. Đoàn Nguyễn Tuấn viết bài Bạt ở sau cùng. Bài Tựa trên cũng nhắc đến những người sau đây ký tên hiệp duyệt [đọc để cùng góp ý]:


- Thị trung đại học sĩ Tinh Phái hầu Hi Doãn Ngô Thì Nhậm,


- Thị trung đãi chiếu thượng thư Trực Lượng hầu Khang Lộc Trần Viết Trực,


- Đô sát thự đô ngự sử Hoằng đạo hầu Hương Gia (Trà) Nguyễn Đăng Tuấn,


- Đô sát thự đô ngự sử đạo Thành hầu Hải Lăng Lê Bá Đương,


- Hộ bộ tả thị lang Thanh Phong hầu Tả Thanh Oai Ngô Vi Quí.

[11] Riêng tài liệu lưu trữ của Viện Hán Nôm, ta thấy kiêng huý chữ Thì [tên vua Tự Đức] (chữ nhật viết ở bên phải thay vì bên trái) nên bản sao này còn sau hơn nữa.

[12] Tài liệu Viện Hán Nôm, số hiệu A700. Việt Nam Hán văn yên hành văn hiến tập thành, đệ Lục sách (Phục Đán đại học, 2010)

[13] Tài liệu Viện Hán Nôm, số hiệu A1167. Việt Nam Hán văn yên hành văn hiến tập thành, đệ Thất sách (Phục Đán đại học, 2010)

[14] Tài liệu Viện Hán Nôm, số hiệu A2603. Việt Nam Hán văn yên hành văn hiến tập thành, đệ Thất sách (Phục Đán đại học, 2010)

[15] Từ Diên Húc : Việt Nam Tập Lược (Quang Tự Đinh Sửu)

[16] Triệu Nhĩ Tốn : Thanh Sử Cảo (Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục, 1996) đệ tứ bát sách (quyển 527) Liệt Truyện 314: Thuộc Quốc Nhị, Việt Nam tr. 14640

[17] Nguyên bản Thanh Nguỵ Nguyên [魏源] (soạn): Thánh Vũ Ký [聖武記] (Đài Bắc: Thế Giới thư cục, 1980) “Càn Long Chinh Phủ An Nam Ký” [乾隆征撫安南記] tr. 189.

[18] Từ Diên Húc (徐延旭). Việt Nam Tập Lược (越南輯略), (Ngô Châu: Quang Tự 3) (không đề trang)

[19] Triệu Nhĩ Tốn [趙爾巽]: Thanh Sử Cảo [清史稿] (Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục, 1996) tập 48 (quyển 527) Liệt Truyện 314: Thuộc Quốc Nhị, Việt Nam tr. 14642

[20] Những đề tài này được mở rộng đầy đủ hơn trong « Từ An Nam đến Việt Nam » của cùng tác giả sẽ xuất bản.