TQ có dám liều lĩnh đánh chiếm các thực thể ở Trường Sa?

04 Tháng Sáu 201812:22 SA(Xem: 7291)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN VĂN HÓA  - THỨ HAI 04 JUNE 2018


TQ có dám liều lĩnh đánh chiếm các thực thể ở Trường Sa?


image030

Tiến sĩ Trần Công Trục


04/06/18


 (GDVN) - Khả năng Trung Quốc đánh chiếm các thực thể ở Trường Sa lúc này không cao, nhưng việc kéo vũ khí và binh lính ra đồn trú sẽ làm tăng sức ép lên các nước.


Việc Trung Quốc “thề thốt” không tiến hành “quân sự hoá Biển Đông” và Mỹ tăng cường tuần tra để bảo vệ “quyền tự do hàng hải” không phải là chuyện mới lạ. 


Người ta nghe không lọt tai, thậm chí để ngoài tai, những “ngôn từ” nói trên. Bởi vì, những diễn biến trên thực tế thì không đúng hoặc không hoàn toàn đúng như những gì mà họ đã nói.


Tuy nhiên, gần đây dư luận lại được nghe những “ngôn từ” mới, được phát ra từ những quan chức có thẩm quyền của cả Trung Quốc và Mỹ.  


Dư luận rất quan tâm đến những phát ngôn nói trên. Câu hỏi đặt ra là: 


Những phát biểu nói trên được được phát ra vào thời điểm hiện nay có hàm ý gì? Phải chăng hai “võ sỹ” đã bước lên “võ đài” và đang “vờn nhau”? Họ “vờn nhau” thật hay giả?


image031

Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.


Chúng tôi xin được chia sẻ cùng bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam một số nhận định sau đây:


Thứ nhất, bản chất căng thẳng trên Biển Đông ngoài yêu sách bành trướng của Bắc Kinh, còn là xung đột Trung - Mỹ


Yêu sách "đường lưỡi bò" bất hợp pháp và hành động leo thang quân sự hòng độc chiếm Biển Đông mà Trung Quốc theo đuổi là nguyên nhân chính dẫn đến căng thẳng.


Đã có nhiều phân tích về vấn đề này, nên chúng tôi xin không mổ xẻ sâu điều ai cũng thấy.


Ở đây, những phát ngôn nói trên vào thời điểm hiện nay đã bộc lộ rõ bản chất của tình hình Biển Đông căng thẳng, phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn và xung đột chính là xuất phát từ cuộc cạnh tranh địa- chính trị, địa- kinh –tế, địa - chiến lược giữa hai siêu cường Mỹ - Trung. 


2 yếu tố này là nguyên nhân của mọi nguyên nhân đã và đang làm vẩn đục mặt nước và bầu trời Biển Đông.


Tổng biên tập tạp chí quân sự Kanwa Asian Defense, Andrei Chang bình luận, Bắc Kinh đã nhận ra rằng không thể tiếp tục che đậy bản chất thực sự các ý đồ của họ ở Biển Đông. Ông nói: 


"Những hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Bắc Kinh đã đẩy mạnh tiến độ quân sự hóa các tiền đồn trên đảo, sẽ trở thành căn cứ hải quân và không quân của quân đội Trung Quốc trong tương lai.


Các cơ sở và các tòa nhà với hai bên là các thiết bị ra đa trên các hòn đảo này không phải sử dụng cho mục đích dân sự, mà là một khu phức hợp quân sự quy mô lớn." 


Theo Reuters ngày 3/6, Hoa Kỳ đang cân nhắc việc tăng cường tuần tra hàng hải trên Biển Đông nhằm thách thức việc leo thang quân sự của Trung Quốc.


Lầu Năm Góc đang cân nhắc kế hoạch quyết đoán hơn trong việc tuần tra tự do hàng hải quanh các rặng san hô tranh chấp mà Trung Quốc chiếm đóng. 


Các cuộc tuần tra tới đây của Hải quân Mỹ có thể dài hơn, số lượng tàu lớn hơn, giám sát chặt chẽ hơn các căn cứ của Trung Quốc trong khu vực, bao gồm các thiết bị gây nhiễu điện từ và ra đa quân sự.


Washington cũng đang thúc đẩy đồng minh và đối tác quốc tế tăng cường triển khai quân của mình trên tuyến hàng hải quan trọng trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường khả năng quân sự trên cả quần đảo Hoàng Sa lẫn quần đảo Trường Sa. 


Một nhà ngoại giao phương Tây giấu tên bình luận với Reuters:


"Những gì chúng ta đã thấy trong vài tuần qua chỉ là bước khởi đầu, hành động nhiều hơn đáng kể đang được lên kế hoạch. Những gì có ý nghĩa thực sự hơn cần phải được thực hiện.”


Tờ South China Morning Post ngày 2/6 dẫn lời He Lei, một viên Trung tướng - Phó giám đốc Học viện Khoa học quân sự Trung Quốc được cử làm trưởng đoàn Trung Quốc dự Đối thoại An ninh Shangri-la, đã trắng trợn tuyên bố trong cuộc họp báo chỉ 2 giờ sau bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis:


"Việc triển khai binh lính và vũ khí trên các đảo ở Biển Đông là nằm trong chủ quyền của Trung Quốc, được luật pháp quốc tế cho phép.Tất cả các nhận xét vô trách nhiệm về chủ đề này là xâm phạm vấn đề nội bộ của Trung Quốc".


Đây là lần đầu tiên 1 quan chức Trung Quốc công khai thừa nhận tại một sự kiện quốc tế rộng rãi về kế hoạch của Bắc Kinh  đưa quân và vũ khí xuống các căn cứ xây dựng  trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam). 


Nói một đằng, làm một nẻo đã trở thành bản chất của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông


Những động thái của Trung Quốc trong Biển Đông từ lâu đã cho thấy họ nói luôn nói một đằng, làm một nẻo. 


image032

Trung Quốc kéo máy bay ném bom H-6K ra Biển Đông, đe dọa an ninh các nước trong khu vực. Ảnh: tài khoản mạng xã hội weibo của Không quân Trung Quốc.


Việc Trung Quốc triển khai chủ trương quân sự hóa ở Biển Đông là nhất quán, ngày càng quyết liệt, bất chấp mọi cam kết, thỏa thuận và phớt lờ phản ứng của dư luận.


Trong bối cảnh hiện nay, khả năng Trung Quốc sử dụng vũ lực để cưỡng chiếm các thực thể địa lý trong Biển Đông như họ đã từng đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974, cưỡng chiếm các đảo thuộc quần đảo Trường Sa năm 1988... là không nhiều. 


Và chúng tôi tin các cơ quan nghiên cứu, hoạch định chiến lược của chúng ta luôn bám sát mọi diễn biến, đã chuẩn bị các lựa chọn sẵn sàng cho mọi tình huống để bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.


Nhưng nguy cơ Trung Quốc "đe dọa dùng vũ lực" để thực hiện ý đồ của họ thì nguy hiểm hơn nhiều, khả năng cũng lớn hơn nhiều việc dùng vũ lực.


Trung Quốc tăng cường tuần tra, tập trận, tăng cường đưa máy bay, tàu chiến, bố trí tên lửa...chủ yếu là nhằm tạo thế cân bằng trong tương quan lực lượng với Mỹ trên Biển Đông;


Đặc biệt là trong tình thế Mỹ đang bị phân tán sức mạnh bởi tình hình Trung Đông, vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.


Mục đích Bắc Kinh hướng tới là nhằm răn đe, gây sức ép đối với các nước có quyền và lợi ích ở Biển Đông, như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia... để buộc các nước nhỏ này phải chấp nhận yêu sách “đường lưỡi bò”. 


Với sự đe dọa bằng vũ lực, kết hợp với những thủ đoạn mua chuộc, phân hóa, chia rẽ…Trung Quốc cũng đã gây ra bất ổn cho môi trường đầu tư, khai thác năng lượng ở Biển Đông;


Bắc Kinh đã khiến cho nhiều công ty, nhất là với các công ty nước ngoài đang hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei… gặp phải những khó khăn, phải ở trạng thái chông chênh, thậm chí phải dừng các dự án hợp tác khai thác.


Để biện minh cho những hoạt động đó trên mặt trận pháp lý và tuyên truyền, Trung Quốc đã công khai thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động tuyên truyền rộng rãi rằng Trung Quốc có chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trong Biển Đông.


Họ cho rằng tất cả các hoạt động của các nước khác ở Biển Đông là vi phạm chủ quyền Trung Quốc. 


Trung Quốc lặp đi lặp lại nhiều lần họ có cơ sở pháp lý về “đường lưỡi bò” ở Biển Đông. 


Họ dùng tất cả phương tiện để tạo ra ấn tượng về tâm lý với dư luận trong nước và thế giới rằng, họ có chủ quyền trên Biển Đông được giới hạn bởi “đường lưỡi bò”. 


Trung Quốc sẽ tiếp tục dùng các nước đi này. Thậm chí Trung Quốc có thể toan tính công bố đường cơ sở ở quần đảo Trường Sa theo cách mà họ đã tuyên bố ở quàn đảo Hoàng Sa.


Nếu các nước vẫn không chấp nhận chủ tương “cùng khai thác” ở một số khu vực trong phạm vi đường “lưỡi bò”, mà thực tế thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp của các quốc gia ven Biển Đông và không có tranh chấp, thì có khả năng Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan đến khu vực đó và nói rằng đó là “vùng biển chồng lấn”. 


Nếu các nước phản ứng mạnh mẽ thì Trung Quốc có thể đe dọa dùng vũ lực quân sự. Nhưng nếu không phản ứng mạnh mẽ thì coi như chấp nhận yêu sách của Trung Quốc.


Vẫn còn băn khoăn Mỹ chỉ tìm cách nâng giá, mặc cả với Trung Quốc


Về phía Mỹ, cuối tháng trước, 2 chiến hạm Hoa Kỳ đã thực hiện một hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở trong phạm vi biển 12 hải lý cách một số đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa sau khi Trung Quốc kéo máy bay ném bom H-6K ra diễn tập cất hạ cánh trên đảo Phú Lâm. 


Động thái này diễn ra trong khi Tổng thống Donald Trump đang tìm kiếm sự hợp tác của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên. Nhưng nỗ lực của Donald Trump không thành. 


Vì vậy, Lầu Năm Góc đã rút lời mời hải quân Trung Quốc tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương ngoài khơi Hawaii năm nay.


image033

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tại Đối thoại An ninh Shangri-la, ảnh: CNBC


Và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cảnh báo tại Singapore hôm thứ Bảy 2/6 rằng, Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông hiện đã là một thực tế, nhưng Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với những hậu quả không lường trước được… 


Thiết nghĩ, những động thái và tuyên bố đó sẽ được dư luận ghi nhận và hoan nghênh. 


Tuy nhiên, trong thực tế cũng còn nhiều quan điểm rất hoài nghi về động cơ đích thực của nó. 


Người ta cho rằng, thực chất những động thái này của Mỹ có lẽ cũng chỉ nhằm “dọn đường” cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra theo kịch bản của Mỹ.


Phải chăng những động thái này chỉ là những động tác giả, chỉ để “vờn nhau” theo cách mà hai “võ sỹ” vừa bước lên “võ đài”?


Cuộc "xâm lược mềm" của Trung Quốc ngày càng nguy hiểm


Chúng ta thấy rõ gần đây, năm 2018, hoạt động của Trung Quốc trong Biển Đông hướng đến nhiều mũi tấn công rất quyết liệt và hiểm độc;


Những thực tế này trái ngược với nhận định của một số người cho rằng Trung Quốc đã có vẻ thiện chí hơn, xuống thang quân sự ở Biển Đông.


Tình hình này làm cho các nước trong khu vực Biển Đông đang đứng trước tình huống rất nguy hiểm và khó khăn. 


Hơn lúc nào hết, các nước trong khu vực cần có sự cân nhắc, tính toán rất kỹ về đối sách và các phương án xử lý thực tế, hiệu quả nhất có thể.


Trước hết, phải trên cơ sở tìm ra và làm rõ được gốc rễ vấn đề của tình hình tranh chấp Biển Đông hiện nay. 


Vì vậy, một mặt chúng ta phải có các phương thức ứng xử, đấu tranh làm sao để vừa bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ, vừa tránh được xung đột vũ trang. 


Điều quan trọng là chúng ta phải làm sao để tồn tại được, không để các nước lớn lôi cuốn vào cuộc đụng độ, trở thành những con bài trong tay các nước lớn.


Chúng ta phải có chủ trương chiến lược là giữ được trạng thái cân bằng giữa các siêu cường đó. Nếu không thận trọng, chúng ta dễ trở thành một quân cờ trên bàn cờ Biển Đông để phục vụ lợi ích cho các siêu cường. 


Trong cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường ở Biển Đông, chúng ta phải tận dụng mọi điều kiện có lợi cho cuộc đấu tranh của mình; 


Phải có một chiến lược với các cơ chế, phương án đấu tranh cụ thể cho từng tình huống cụ thể, trong ứng xử với Trung Quốc ở Biển Đông từ quân sự, tuyên truyền, kinh tế... có các tính toán hợp lý để các ngành, đơn vị chủ động phối hợp hành động, đừng để rơi vào tình thế bị động ứng phó.


Mặc khác, trong nội bộ nên phân tích, đánh giá về các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông và chiến lược, cách ứng xử của chúng ta ra sao cho trước mỗi hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, để người dân được biết và đồng lòng trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước./.


Nguồn:


[1]https://www.reuters.com/article/us-asia-security-southchinasea/u-s-weighs-more-south-china-sea-patrols-to-confront-new-reality-of-china-idUSKCN1IZ03B


[2]http://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2148979/china-putting-troops-weapons-south-china-sea-islands


[3]https://www.nytimes.com/aponline/2018/06/01/world/asia/ap-as-mattis-china.html


Tiến sĩ Trần Công Trục
06 Tháng Sáu 2019(Xem: 6974)
"Nam tiến", quá trình các nhóm người Việt tiến về phía nam, mở mang lãnh thổ từ Quảng Bình đến Hà Tiên giữa các thế kỷ XIV-XIX được coi là một trang sử lớn và quan trọng trong tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam.
09 Tháng Năm 2019(Xem: 7523)
15 Tháng Tư 2019(Xem: 8384)