Hà Văn Thùy: Thư gởi GS. Nguyễn Minh Thuyết hai chữ "tích hợp"

25 Tháng Tư 20187:14 CH(Xem: 7867)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN VĂN HÓA  - THỨ TƯ 25 APRIL 2018


Thư gởi GS. Nguyễn Minh Thuyết hai chữ "tích hợp"


image013

Kính gửi GS Nguyễn Minh Thuyết,


Tôi, nhà văn Hà Văn Thùy kính gửi tới Ông thư sau.


Thưa Giáo sư, lâu nay nghe tin Bộ Giáo dục chủ trương tích hợp môn Sử học, tôi không biết ai là người chịu trách nhiệm chính trong vụ này. Do vậy vào năm 2015 đã công bố bài viết Bộ Giáo dục không hiểu chức năng của môn Sử * để trình bày ý kiến của mình (1) (https://boxitvn.blogspot.com/2018/01/bo-giao-duc-khong-hieu-chuc-nang-cua.html). Nay được biết chủ trương phản giáo dục đó vẫn được thực hiện và ông là Tổng chủ biên, tôi viết thư này thưa với ông như sau:


Mục đích của giáo dục không chỉ trang bị kiến thức mà là dạy phương pháp suy nghĩ – cái mà các nhà marxit gọi một cách kinh viện là phương pháp tư tưởng. Để tạo ra Phương pháp suy nghĩ cho người học, khoa học giáo dục của nhân loại chia ra bảy môn khoa học cơ bản: Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Sử, Địa. Mỗi môn có phương pháp luận (Methology) cùng vốn kiến thức cơ bản của nó. Trong nhà trường phổ thông, tùy theo lứa tuổi, các môn khoa học cơ bản được chia ra theo từng cấp, từng lớp trên nguyên lý đảm bảo tính hệ thống nhất quán của phương pháp luận cùng kiến thức cơ bản. Tùy theo thời kỳ, kiến thức cơ bản có sự thay đổi nhưng phương pháp luận phải được quán xuyến xuyên suốt. Đó chính là linh hồn của môn học. Chính nhờ có phương pháp luận mà người học kết nối những mảnh kiến thức riêng lẻ học ở từng lớp thành hệ thống. Từ đó nắm được trên cả kiến thức là cái hồn của môn học. Chính việc này làm nảy sinh phương pháp suy nghĩ của học trò. Thí dụ ở môn Sử, nhờ nằm được phương pháp luận Sử học một cách hể thống, từ lớp thấp lên lớp cao, học sinh có khả năng đánh giá từng giai đoạn lịch sử rồi cả quá trình lịch sử của dân tộc và nhân loại. Sau này, từ kiến thức phổ thông, họ có khả năng bình xét những sự kiện xảy ra trong quá khứ cũng như những vấn đề đương thời. Nhờ vậy con người trưởng thành về nhân cách, có thể vững vàng trước sóng gió của thời cuộc và sánh vai cùng nhân loại.


Ngày nay, với mạng thông tin toàn cầu, kiến thức là cái kho vô tận và hầu như miễn phí. Do vậy, không phải trang bị kiến thức mà việc kiến tạo phương pháp tư duy mới là nhiệm vụ chính yếu của giáo dục. Trên nền tảng kiến thức cơ bản, nếu có phương pháp tư duy tốt, con người sẽ tìm ra trong kho tàng tri thức mênh mông những điều cần thiết rồi kết nối với những tri thức đã có, giải quyết những vấn đề cụ thể đang được đặt ra.


Trong xu hướng chung của giáo dục thế giới như vậy thì “tích hợp” môn Sử học là việc làm phản giáo dục. Do bị “tích hợp” nên phương pháp luận của bộ môn bị cắt vụn, mất tính hệ thống, bị vô hiệu hóa. Kiến thức được cung cấp rời rạc, gián đoạn. Đáng lý là người có khả năng tổng hợp toàn bộ kiến thức thành trí tuệ thì người học chỉ còn là cái bị thụ động chứa đựng những trí thức vụn mảnh vô hồn. Điều này không tạo nên phương pháp tư duy của người học và giết chết tính chủ động sáng tạo của họ.


Thưa Giáo sư, chúng ta thường nghe nói: “Việt Nam rừng vàng biển bạc.” Nay thì rừng đã cạn kiệt còn biển một phần bị ô nhiễm chết dần, phần bị cưỡng chiếm, ngư dân không được hành nghề trên lãnh hải của mình. Cái mà chúng ta còn là con người. Nhưng dân số đang già đi trong tình trạng thu nhập trung bình. Điều có thể cứu dân tộc là trí tuệ của lớp trẻ. Nhưng rõ ràng bằng cách “tích hợp” phản khoa học, phản giáo dục này, chúng ta đang làm suy đồi trí tuệ của lớp trẻ, gây mối nguy vô cùng lớn cho dân tộc.


Thưa ông Nguyễn Minh Thuyết, từng biết tiếng ông là Giáo sư và giữ vai trò thành viên Ủy ban Giáo dục của Quốc hội tôi xin cảnh báo ông, việc ông đang làm là vô cùng tai hại.


Tôi khẩn thiết xin ông dừng lại ngay, đừng để trở thành tội đồ của dân tộc.


Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 25.1.2018


Nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử


Hà Văn Thùy


(1) Hà Văn Thùy: "Bộ Giáo dục không hiểu chức năng của môn Sử". Báo Văn Hóa Online- California số ra ngày 26 tháng Giêng 2018.
29 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 6973)
05 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 6382)
02 Tháng Mười Một 2019(Xem: 6400)
23 Tháng Mười 2019(Xem: 7275)