“Đất lành chim đậu; Chim chưa đậu đã nhậu hết cả chim"

15 Tháng Giêng 201812:00 SA(Xem: 8159)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN VĂN HÓA  - THỨ HAI 15 JAN  2018


“Đất lành chim đậu; Chim chưa đậu đã nhậu hết cả chim"


image012


Người Việt mình tốt lắm, niềm tin đâu mất tiền mua


Xuân Dương


10/01/18


(*)


(GDVN) - Niềm tin vốn là một trong những thứ đắt giá nhất trên đời nhưng lại không mất tiền mua, phải mất cả cuộc đời để tìm được niềm tin...


Cựu Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh từng dõng dạc tuyên bố: “Ngay cả tôi cũng vậy, nếu làm không được thì tôi sẽ xin nghỉ”.


Xin nghỉ thì không thấy nhưng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật buộc thôi chức thì dân chúng đều biết.


Có bao nhiêu lãnh đạo hứa trước Quốc hội về việc này việc nọ nhưng sau đó bao nhiêu người viết đơn xin thôi chức vì không thực hiện được lời hứa?


Chưa có ai cả.


Thế nhưng ở Thành phố Hồ Chí Minh có một người vừa làm điều đó là ông Đoàn Ngọc Hải.


Lý do từ chức của ông thật đơn giản, ông không hoàn thành lời hứa xử lý hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè Quận 1, nơi ông làm Phó Chủ tịch.


Vì sao ông không hoàn thành lời hứa?


Vì hoạt động của ông “đã động chạm đến lợi ích rất to lớn - hàng ngàn tỉ đồng, của các bãi ô tô, xe gắn máy, nhà hàng, khách sạn, các hộ kinh doanh mặt tiền... và một bộ phận không nhỏ cán bộ cộng sinh trong đó” - như nội dung ông viết trong đơn.


image014

Ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. ( Ảnh: Vov.vn)


Vì ngày 14/10/2017, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Quận 1 Trần Thế Thuận ký quyết định lập tổ liên ngành trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông trên địa bàn quận.


Theo đó, ông Đoàn Ngọc Hải không được tự ý xuống đường giải quyết vi phạm nếu chưa có ý kiến của lãnh đạo.


Ở vào địa vị của ông Hải, viết đơn xin từ chức là giải pháp cuối cùng nhưng cũng là giải pháp đầu tiên mà những người có lòng tự trọng phải nghĩ tới.


Trước ông Đoàn Ngọc Hải, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự xin từ chức (trước 2 năm) vì ông cho rằng chức vụ không phải tài sản riêng của cán bộ, đó là nhiệm vụ mà nhân dân giao phó và cần được chuyển giao cho thế hệ trẻ.


Bên cạnh một bộ phận không nhỏ những người gọi là “Mo quan” thì vẫn còn nhiều người luôn giữ lòng tự trọng, không xem quan trường là cây khế để “trèo hái suốt ngày”.


Những người như ông Sự, ông Hải nếu có trở thành “phó thường dân” thì vẫn có thể cầm chung chiếc quạt, góp thêm luồng gió giúp cho chiếc “lò đốt củi” của Tổng Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương cháy rực hơn nữa.


Trong một cuộc phỏng vấn vừa diễn ra đầu năm 2018 này, đại gia điếu cày Lê Thanh Thản nói:


Giờ không thiếu những thứ trước kia thiếu, nhưng lại thiếu niềm tin”. [1]


Vì sao tại thời điểm “lò đã nóng và củi tươi đang cháy” ông lại thiếu niềm tin?


Phải chăng bây giờ ông làm ăn khó khăn hơn, phải chăng những “chiến hữu” đã giúp ông “không thiếu những thứ trước kia thiếu” đã không còn là trợ thủ đắc lực cho ông nữa?


Vậy để ông có lại niềm tin, có nên quay lại thời kỳ chừng chục năm trước, khi người ta sẵn sàng “băm nát quy hoạch thủ đô” để khu vực Linh Đàm trở nên rậm rịt toàn nhà là nhà?


Có nên trở lại thời kỳ mà những kẻ như Vũ “nhôm”, Út “trọc” có thể thâu tóm đất vàng tại các thành phố chỉ nhờ một cuộc điện thoại hay một công văn có đóng dấu “mật”?


Niềm tin vốn là một trong những thứ đắt giá nhất trên đời nhưng lại không mất tiền mua, phải mất cả cuộc đời để tìm được niềm tin nhưng để đánh mất nó có khi chỉ cần một phút giây nông nổi.


Có thể ông Thản đánh mất niềm tin vì lý do nào đó, đấy là chuyện của riêng ông nhưng xã hội hôm nay không thiếu người - dù bức xúc trước thực trạng tham nhũng, lãng phí đang diễn ra hàng này - vẫn có niềm tin vào đồng bào mình, vào tương lai dân tộc mình.


Người viết tâm niệm thế này: “Chỉ có người ngốc mới tin mọi người đều trung thực, không tin trên đời này còn có người trung thực thì không bằng người ngốc”.


Les Brown có một câu nói chí lý: “Đôi khi bạn phải tin vào niềm tin của người khác cho tới khi tìm được niềm tin của riêng mình”.


Ngày xưa, những người nông dân chân đất tham gia Vệ quốc đoàn, nhiều người chưa biết chữ, họ chưa biết đến những học thuyết cao siêu, những lý luận kinh điển, họ tin vào Cụ Hồ, tin vào Việt minh.


Nói như Les Brown, họ tin vào niềm tin của người khác bởi một chân lý đơn giản, niềm tin ấy phù hợp với suy nghĩ của họ.


Ngày nay, dù rất ít người mù chữ, đa số đều học hết phổ thông song có những điều người ta vẫn tin vào người khác dù đôi khi có thể đó là một niềm tin ngây thơ, dù có người vẫn chưa trả lời được câu hỏi “tại sao mình lại tin như vậy”?


Chỉ sau 3 ngày kêu gọi hiến máu nhân đạo, tỷ lệ nhóm máu O đã tăng 7,3%, ngày 4/1/2018 lượng máu nhóm O dự trữ chỉ đạt 18,7 % so với nhu cầu, đến ngày 7/1/2018 tỷ lệ này là 26%.


Nếu không có niềm tin yêu đồng bào mình, liệu hàng trăm người có sẵn sàng chờ đợi để được hiến máu?


Trên thế giới này, chẳng có quốc gia nào không có tham nhũng, phe nhóm, chẳng có chính khách nào đứng trên đỉnh cao quyền lực mà không cần đánh bại đối thủ.


Điều quan trọng là lực lượng lãnh đạo - được đại diện bởi một hoặc một số người - mang lại cái gì cho quần chúng lao động.


Nếu tham quan chắc chắn sẽ bị trừng trị, nếu không còn “luật cho dân, lệ cho quan”, nếu kẻ dốt chắc chắn không thể trở thành thày của người khôn, nếu dân thường có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, thì tại sao lại không tin, không theo?


Vấn đề nằm ở chữ “nếu”, nghĩa là thì tương lai, bởi thực ra sau mấy chục năm chống tham nhũng không hiệu quả, chỉ từ sau đại hội Đảng lần thứ 12, người dân mới thấy những hành động mạnh mẽ, quyết liệt, chưa có tiền lệ của Ban lãnh đạo Đảng, Quốc hội và Chính phủ.


Vấn đề cũng còn ở chỗ cần có cái nhìn biện chứng về sự tập trung quyền lực, bởi một khi quyền lực tập trung trong tay một hoặc một nhóm người luôn có nguy cơ dẫn tới “độc quyền”.


Nếu một thể chế chính trị có cơ chế hữu hiệu để kiểm soát quyền lực, pháp luật được thượng tôn thì sự độc quyền sẽ không dẫn đến độc đoán và dân chúng - trong những giai đoạn cụ thể và chừng mực nhất định - sẽ chấp nhận sự độc quyền đó.


Nói dân chúng chỉ chấp nhận “trong những giai đoạn cụ thể và chừng mực nhất định” bởi những gì hôm nay là đúng, ngày mai chưa chắc đã đúng, những gì hôm nay là sai, ngày mai chưa chắc đã sai.


Hôm nay dân chúng cần đến công bằng, ấm no, hạnh phúc, ngày mai có thể cao hơn, là niềm tự hào dân tộc, là sự hãnh diện được là người Việt Nam, là công dân một quốc gia mà chỉ có người nước ngoài xin nhập quốc tịch chứ không phải một bộ phận không nhỏ luôn thủ sẵn hộ chiếu nước ngoài trong túi,…


Trong khi niềm tin của người dân bắt đầu trở lại thì chuyện ai đó đánh mất niềm tin cũng không nên xem là điều không thể chấp nhận.


Điều nên chấp nhận, không phải chỉ từ phía cơ quan, tổ chức mà còn cả phía người dân, là cái giá phải trả cho cuộc chiến chống tham nhũng không hề rẻ, kể cả sinh mạng con người.


Nếu rồi đây có những án chung thân, tử hình được công bố thì đó chỉ là luật nhân quả, là sự báo ứng đối với những kẻ phạm tội mà gia đình và người thân của họ cùng phải gánh chịu.


Dưới bất kỳ góc độ nào, thiệt hại về đội ngũ không thể so sánh với sự đánh mất niềm tin nơi dân chúng.


Việc phải đưa những con người như hai ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh,…ra xét xử trước tòa dù chua xót đến mấy cũng là cần thiết để niềm tin trở lại.


Thế nhưng một khi dân bắt đầu tin thì cũng là lúc cần hết sức cảnh giác, bởi sự tự mãn về thành tích biết đâu có thể là sự khởi đầu cho quá trình “rút củi đáy nồi”?


Đặt câu hỏi này bởi cho đến nay, những lãnh đạo Bộ Nội vụ liên quan đến vụ việc tại Quảng Nam, việc xử lý cán bộ ở Thanh Hóa,… cho thấy liệu pháp “gãi từ vai trở xuống” hình như vẫn chưa phải đã lỗi thời?


Xã hội vẫn còn nhiều người trung thực đó mới là phúc ấm của dân tộc chứ không phải nhiều con cái các vị có công được đưa vào hàng ngũ kế cận rồi bị thi hành kỷ luật, bị khai trừ khỏi Đảng như Nguyễn Xuân Anh, Lê Phước Hoài Bảo,…


“Đất lành chim đậu, đất dữ chim bay” vốn là triết lý tổ tiên để lại, đất lành mà chim vẫn bay chẳng qua là bởi Chim chưa đậu đã nhậu hết cả chim - như câu nói của vị nữ đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội.


Niềm tin trong dân tuy bị giảm sút nhưng chưa mất, đó không phải là may mắn ngẫu nhiên bởi người Việt vốn giàu lòng vị tha.


Vun đắp cho niềm tin mong manh đó đâm chồi nảy lộc không khó nếu biết đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, tổ chức.


Niềm tin không mua được bằng tiền, cũng không mua được bằng rất nhiều tiền.


Niềm tin của dân vào thể chế chính trị chỉ có thể có nếu thể chế đó đáp ứng đúng tiêu chí “của dân, do dân và vì dân”.


Tài liệu tham khảo:


[1]http://danviet.vn/kinh-te/dai-gia-dieu-cay-le-thanh-than-gio-toi-thay-nan-roi-838103.html


Xuân Dương


(*) Tựa do Văn Hóa đặt