VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN VĂN HÓA - THỨ SÁU 03 NOV 2017
Từ Chính Sách Hòa Thân của Các Vua Nhà Lý đến Hoàng Triều Cương Thổ Thời Quốc Trưởng Bảo Đại:
MỘT VÀI NHẬN ĐỊNH VỀ VẤN ĐỀ BIÊN GIỚI THỜI CÁC CHẾ ĐỘ QUÂN CHỦ VIỆT NAM
Phạm Cao Dương
Nam quốc sơn hà Nam Đế cư
Thơ cổ đời Lý, thời Lý Thường Kiệt
chống quân Nhà Tống (1076)
Sau khi tác phẩm Bảo Đại - Trần Trọng Kim và Đế Quốc Việt Nam được xuất bản vào đầu năm 2017, nhiều độc giả đã liên lạc với tác giả bầy tỏ sự thắc mắc về danh xưng “Đế Quốc Việt Nam”, danh xưng đã được Vua Bảo Đại và Chính Phủ Trần Trọng Kim lựa chọn làm quốc hiệu chính thức của nước Việt Nam đầu tiên độc lập sau 80 năm dài thuộc Pháp. Đây là một thắc mắc không phải là không có lý do vì hai chữ “đế quốc” trong ngôn ngữ Việt Nam hiện tại thường được hiểu theo nghĩa xấu của nó và được dùng cho các đại cường quốc thuộc địa thời Thế Kỷ 19 và 20, còn Việt Nam thì chỉ là một nước nhỏ còn đang phải tự mình tranh đấu giành độc lập và tiến bộ cho chính mình mà chưa xong, nói chi đến chuyện làm đế quốc. Tự nhận như vậy là không biết phận mình, là lộng ngôn. Đế quốc theo các vị này hiểu là đồng nghĩa với bạo lực, với nước lớn bắt ép nước nhỏ, là xâm lăng, đô hộ, là chiếm đóng nhằm khai thác tài nguyên thiên nhiên, nhân lực và thị trường để làm giàu cho mình. Nói tới đế quốc là người ta nghĩ tới Trung Hoa dưới các Triều Đại Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh…và luôn cả hiện tại ở Đông Á, Đế Quốc La Mã thời xưa ở Âu Châu, rồi Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha thời Cận Đại, sau đó là Đế Quốc Anh, Đế Quốc Pháp, rồi Đế Quốc Nhật, sau chót, đúng hay không đúng, Đế Quốc Mỹ…mà người ta phải chống lại như chống tội ác. Thực sự danh xưng đế quốc trong quốc hiệu Đế Quốc Việt Nam hoàn toàn không mang ý nghĩa này mà chỉ là “nước có hoàng đế” theo nghĩa đầu tiên Đào Duy Anh ghi trong Hán Việt Từ Điển của ông, là nơi Hoàng Đế nước Nam cư ngụ, nơi Nam Đế cư, theo bài thơ cổ tương truyền là của Lý Thường Kiệt dẫn trên. Vua Bảo Đại vì mang danh vị là hoàng đế nên nước của ông gọi là đế quốc. Jules Silvestre qua tác phẩm về lịch sử Việt Nam xuất bản ở Paris năm 1889 đã lấy nhan đề là L’Empire d’Annam et le Peuple Annamite, kế đến Charles Gosselin với tác phẩm L’Empire d’Annam, xuấn bản năm 1904, rồi Yoshiharu Tsuboi với tác phẩm L’Empire Vietnamien Face à la Chine et la France, 1847-1885 [i], xuất bản năm 1987. Đơn giản chỉ có thế. Đế Quốc Việt Nam chỉ có nghĩa là núi sông, là đất nước Vua Việt Nam (và các thần dân của ông) ở, là “sơn hà Nam Đế cư” theo như sách Trời đã định rõ ràng, thời xưa, là “Tiệt nhiên định phận tại Thiên Thư” và là “có sách Trời định phận”[ii] thời Bảo Đại-Trần Trọng Kim, để phân biệt với nước Tầu ở phương Bắc. Thế thôi.
Hiểu như trên tuy nhiên chỉ là đơn giản theo nghĩa của từ điển. Muốn có một nhận định đầy đủ hơn người ta phải trở về với lịch sử Việt Nam ngay từ những buổi đầu với Lý Bôn, người được biết nhiều hơn qua đế hiệu Tiền Lý Nam Đế, Thế Kỷ Thứ 6, liên tục đến thời Hoàng Đế rồi sau này là Quốc Trưởng Bảo Đại với chính sách Hoàng Triều Cương Thổ của ông với tất cả những vấn đề phức tạp cho một bài viết. Ở đây tác giả chỉ ghi lại hai điểm cơ bản, rõ hơn hai vấn đề chính yếu, liên hệ đến quốc hiệu này mà thôi. Đó là vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc dưới thời các triều đại quân chủ Việt Nam và vấn đề an ninh lãnh thổ và khai thác các miền đất mới trên Cao Nguyên Miền Nam hay Cao Nguyên Miền Trung hay Tây Nguyên ở thời hiện đại.
I. Biên Giới Việt-Trung qua Các Triều Đại Quân Chủ Việt Nam và Chính Sách của Các Hoàng Đế Việt Nam Đối Với Các Sắc Dân Miền Núi
“Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ?
Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần.
Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương bắc
trình bày cho rõ điều ngay, lẽ gian. Nếu ngươi dám đem
một thước, một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc thì tội
phải tru di”.
Vua Lê Thánh Tông
dụ Thái Bảo Kiến Dương Bá Lê Cảnh Huy (1473) [iii]
Do thực tại địa lý, do hoàn cảnh nhân văn và lịch sử và do những quan niệm về chính trị, vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc là một vấn đề vô cùng phức tạp và tế nhị. Vấn đề này đã được đặt ra ngay từ những ngày đầu của lịch sử dân tộc Việt Nam và tồn tại cho đến tận ngày nay. Trong phần này người viết trình bày một cách tổng quát vấn đề biên giới Việt - Trung qua các triều đại quân chủ trong lịch sử Việt Nam, với nội dung gồm có ba phần: phần thứ nhất nói về tính cách phức tạp của biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc phần thứ hai nói về chủ trương và sách lược bảo vệ lãnh thổ của các triều đại Việt Nam ở miền biên giới này và phần thứ ba dành cho một số những cuộc tranh chấp điển hình.
1. Tính cách phức tạp của vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc
Khi tìm hiểu vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, đặc tính đầu tiên người ta phải ghi nhận là đây là miền cư trú của các sắc dân được coi là thiểu số, khác vời các miền đồng bằng là nơi cư trú của người Việt hay người Kinh. Ở đây các sắc dân này đã không sống lẫn lộn với nhau mà riêng biệt, mỗi sắc dân một khu riêng thành từng khu vực dưới sự lãnh đạo của các thổ tù trưởng riêng của họ. Đặc tính thứ hai là cho đến thời kỳ Pháp thuộc, giữa Việt Nam và Trung Quốc không có đường biên giới rõ ràng như người ta quan niệm ngày nay mà chỉ có những vùng biên giới mà thôi. Đặc tính này bắt nguồn không những từ thực tại địa lý ở nơi tiếp giáp giữa hai quốc gia mà còn do những yếu tố nhân văn, lịch sử và quan niệm về chính trị của các triều đại trị vì nữa. Có nhiều lý do ta có thể kể sau đây:
Trước hết là về địa lý: Giữa hai nước Việt Nam và Trung Hoa không có núi cao hay sông lớn có thể dùng làm ranh giới thiên nhiên. Những sông hay những núi được viện dẫn như những đường phân thủy chỉ là những đồi hay sông nhỏ, có khi chỉ được biết tới một cách mơ hồ và đã trở thành đầu mối của những tranh chấp. Điển hình là sự lẫn lộn hay cố tình lẫn lộn giữa sông Đổ Chú và một sông nhỏ khác ở thượng nguồn của sông Chảy trong vụ tranh chấp về biên giới giữa hai châu Vị Xuyên và Thủy Vĩ thuộc trấn Tuyên Quang của Việt Nam và phủ Khai Hóa thuộc tỉnh Vân Nam của Trung Hoa vào năm 1728. Cũng vậy, với các núi Xưởng Chì hay Diên Xưởng, núi Tụ Long mà người viết dám chắc là các giáo sư sử địa hiếm người biết đến ngay cả nghe đến các địa danh này. Các rặng núi lớn có hình cánh cung ở phía đông của sông Hồng thay vì nằm ngang theo hướng tây - đông để làm ranh giới giữa hai nước lại xòe ra theo hình nan quạt và mở rộng về phía bắc khiến cho sự xâm nhập từ phương bắc xuống trở thành dễ dàng. Nhiều sông của Trung Quốc lại có nguồn từ trên đất Việt Nam hay ngược lại. Tính cách núi liền núi, sông liền sông của địa lý chính trị ở biên giới Hoa Việt này không những đã làm cho việc ngăn chặn các cuộc xâm lăng qui mô của người Tàu từ phương bắc xuống trở thành vô cùng khó khăn cho người Việt, mà còn làm cho ranh giới giữa hai nước không bao giờ ổn định.
Về phương diện nhân văn, miền biên giới Việt - Trung không phải là nơi cư trú của người Việt hay người Tàu mà là của nhiều sắc dân thiểu số của các miền núi như Tày, Nùng, Thổ, Mán... - Những dân này đã ở cả hai phía, ranh giới cư trú thường không rõ ràng. Nhiều nhóm đã từ Trung Quốc di cư xuống Việt Nam qua nhiều giai đoan lịch sử khác nhau. Những con số được ghi trong tác phẩm Địa Dư Các Tỉnh Bắc Kỳ của các soạn giả Đỗ Đình Nghiêm, Ngô Vi Liễn và Phạm Văn Thư, xuất bản năm 1930 ở Hà Nội, dưới thời Pháp thuộc, có thể cho ta một khái niệm về tính cách thiểu số của người Việt cư ngụ ở miền này so với các dân quen gọi là thiều số. Trước hết là ở tỉnh Lạng Sơn. Trong số 85.300 cư dân của tỉnh này, người Kinh hay người Việt chỉ có 3.120 người tức 3.7%, trong khi con số người Thổ là 38.900 người hay 46%, người Nùng là 37.500 người hay 44%, và người Hoa là 3.800 hay 4%.[iv] Ở Cao Bằng, trên tổng số dân là 87.000 người, số người Kinh chỉ có 1.200 người hay 1,4%, còn người Thổ là 39.930 người hay 46%, người Nùng 38.750 người hay 44.5%, còn lại là người Tàu. Còn ở Hà Giang thì trong tổng số dân là 69.600 người, người Kinh chỉ có 1.000 người, tức 1,4%, so với 20.600 người Thổ hay 29.6%, còn lại là người Lô Lô, 30%, người Mán, 14%... Các miền giáp ranh giữa các tỉnh này và các tỉnh miền Nam Trung Quốc do đó đã trở thành những vùng biên giới giữa hai nước. Sự tùy thuộc vào nước này hay nước kia một phần nằm trong tay các thổ tù trưởng tức các lãnh tụ của các dân địa phương và sự trung thành của họ từ đó tùy theo chính sách của chính quyền trung ương đối với họ.
Về quan niệm chính trị của các triều đình liên hệ, vì là những miền đất ở xa kinh đô của cả hai nước Hoa, Việt, các vùng biên giới này được coi như những miền đất “cơ mi” hay “ky mi” là những miền đất làm phên giậu cho triều đình trung ương.- Đây là một hình thức cai trị lỏng lẻo nhằm liên kết những miền đất xa xôi thay vì cai trị trực tiếp trong chế độ hành chánh thời cổ, ít nhất từ thời nhà Đường của Trung Quốc mà Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca đã tả rõ trong câu “Cơ mi các bộ man hoang ở ngoài.” Các thổ tù trưởng do đó được cha truyền con nối cai trị lãnh thổ riêng của mình với điều kiện tuân phục triều đình trung ương, một điều kiện tượng trưng cho quyền lực tối cao của quốc gia của người Việt hay các Hoàng Đế Nước Nam. Vượt lên trên các địa phương, quan hệ giữa các triều đình Trung Quốc và các triều đình Việt Nam cũng mang phần nào tính cách phong kiến của Á Đông theo đó Việt Nam chỉ là một chư hầu của Trung Quốc, lãnh thổ Việt Nam cũng là lãnh thổ Trung Quốc. Điều này thường được thể hiện qua lời nói hay các thơ văn của các sứ giả Trung Quốc khi được các vua Việt Nam hỏi thăm về sức khỏe sau những cuộc hành trình tới kinh đô Việt Nam. Việt Nam thường được người Tàu gọi là Giao Chỉ, hiểu ngầm là Giao Chỉ Quận, là một quận của nước Tàu qua tước phong các vua Tàu phong cho các vua Việt Nam là Giao Chỉ Quận Vương kể từ thời Vương Liễn nhà Đinh, kèm theo với danh vị Tiết Độ Sứ là một chức quan của người Tàu, kể cả sau khi tước vị An Nam quốc vương đã được phong cho vua Lý vào năm 1174 và Việt Nam chính thức trở thành An Nam Quốc và kéo dài rất lâu về sau này. Thái độ phong kiến luôn luôn coi Việt Nam là Giao Chỉ quận này đã giúp cho các hoàng đế Trung Quốc giữ được thể diện mỗi khi phải nhượng bộ và trao trả lại những đất mà họ đã chiếm của Việt Nam, vì theo họ, trong thiên hạ đất nào chẳng là đất của thiên tử, dân nào chẳng là dân của thiên tử. Rõ rệt nhất và gần với ta nhất là trong sắc văn của vua nhà Thanh viết vào năm Ung Chính thứ sáu, năm Bảo Thái thời Vua Dụ Tông nhà Lê (1728), gửi cho vua Việt Nam về việc trả lại vùng mỏ đồng Tụ Long cho Việt Nam, đoạn chính có viết: “Mới đây Ngạc Nhĩ Thái (Tổng Đốc Vân Nam và Quý Châu thời đó) đem bản tâu của quốc vương (vua Việt Nam thời đó) tiến trình, lời lẽ ý tứ trong bản tâu tỏ lòng cung kính, trẫm (vua Thanh) rất vui lòng khen ngợi. Vả lại, 40 dặm ấy nếu thuộc vào Vân Nam thì là nội địa của trẫm, nếu thuộc vào An Nam thì vẫn là ngoại vi của trẫm, không có chút gì phân biệt cả. Vậy chuẩn cho đem đất ấy ban thưởng cho quốc vương (vua Việt Nam) được đời đời giữ lấy.” [v] Nói cách khác sự phân chia biên giới giữa hai nước Hoa, Việt mang nặng tính cách lịch sử và quan niệm chính trị cổ thời. Đó là những giới hạn có tính cách hành chánh nhiều hơn là phân ranh quốc tế.
2. Chủ trương và sách lược bảo vệ lãnh thổ ở các miền biên giới của các triều đại quân chủ Việt Nam
Chủ trương này được xác định rất rõ ngay từ thời nhà Lý qua bài thơ Nam Quốc Sơn Hà được truyền tụng là của Lý Thường Kiệt và được khẳng định bởi các triều đại kế tiếp sau này.- Trong bài Nam Quốc Sơn Hà tác giả đã khẳng định sự cương quyết của triều đình nhà Lý là sẽ không dung tha bất cứ kẻ nào dám xâm phạm vào lãnh thổ nước mình. Nhưng đó là một thứ tuyên ngôn nói với người ngoài, với kẻ địch, một kẻ địch lớn hơn và mạnh hơn gấp bội nước Việt Nam thời đó. Lê Thánh Tông, bốn thế kỷ sau, năm Hồng Đức thứ tư (1473), khi dụ Thái Bảo Kiến Dương Bá Lê Cảnh Huy đã nghiêm khắc khẳng định: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương bắc trình bày cho rõ điều ngay, lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước, một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc thì tội phải tru di.” [vi] Lời dụ này vừa là một nghiêm lệnh, vừa là một sách lược điều đình. Đó là không được nhượng bộ dù là nhượng một thước núi, một tấc sông, vì đó là của cha ông để lại, phải cương quyết tranh biện bảo vệ đến cùng không cho kẻ địch lấn dần ngay tự bước đầu ở mức độ địa phương. Nếu kẻ địch không nghe thì triều đình sẽ sai sứ sang biện bạch phải trái theo phương thức ngoại giao. Còn kẻ nào dám đem dù là một tấc đất dâng cho giặc thì không phải chỉ là bị tử hình mà thôi, mà còn bị tru di nghĩa là giết ba họ nữa. Đây là hình phạt nặng nhất của thời quân chủ, một tội dành cho những kẻ khi quân, phản quốc.
Thực thi chủ trương và đường lối kể trên, các nhà cầm quyền quân chủ Việt Nam đã phải đương đầu vừa với các thổ châu mục của mình, vừa với các quan lại địa phương Trung Quốc ở miền giáp ranh với những địa điểm tranh chấp và với triều đình Trung Quốc.
Đối với các thổ mục địa phương, các chính sách được dùng là vừa uyển chuyển, vừa khoan dung, phủ dụ, vừa kết thân, vừa cứng dắn, nghiêm khắc trừng phạt với mục tiêu trước sau không đổi là giữ vững biên cương. Đối với các quan lại và triều đình Trung Quốc thì nhún nhường, khéo léo, lựa những danh sĩ thông minh, lanh lẹ, có tài biện luận, đồng thời kiên trì tranh đấu, không bỏ cuộc, cố gắng duy trì sự tranh chấp, không nhượng bộ để thiệt thòi cho nước mình hầu có thể đặt vấn đề lại sau này.
Để bảo đảm sự trung thành của các thổ mục địa phương, ngoài chính sách cai trị lỏng lẻo, để cho các châu mục cha truyền, con nối như các họ Hoàng, họ Vi, họ Nùng, họ Chu, họ Giáp, họ Thân, họ Hà, họ Đèo... tự trị trong các lãnh thổ của họ, các vua nhà Lý còn dùng hôn nhân để ràng buộc họ chặt chẽ hơn với triều đình trung ương, không phân biệt kinh thượng. Việc các vua nhà Lý gả các công chúa cho các châu mục miền núi đã được ghi nhận trong chính sử Việt Nam khá nhiều như năm 1029 Lý Thái Tông gả Công Chúa Bình Dương cho châu mục Lạng châu là Thân Thiện Thái, năm 1082, dưới thời Lý Nhân Tông, Công Chúa Khâm Thánh được gả cho châu mục Vị Long là Hà Di Khánh, năm 1142, dưới thời Lý Anh Tông, Công Chúa Thiều Dung được gả cho Dương Tự Minh là thủ lãnh châu Phú Lương, năm 1167, cũng dưới triều Lý Anh Tông, Công Chúa Thiên Cực được gả cho châu mục Lạng Châu là Hoài Trung Hầu... Trước đó Tống Sử hay một sách khác thời nhà Tống cũng chép là tổ tiên của họ Thân, trước mang họ Giáp, là Giáp Thừa Quí lấy con gái của Lý Công Uẩn, tức Lý Thái Tổ, con Thừa Quí là Thiệu Thái, lại lấy con gái của Đức Chính, tức Lý Thái Tông, rồi con Thiệu Thái là Cảnh Long, lại lấy con Nhật Tôn, tức Lý Thánh Tông... Ngược lại, Lý Thái Tông lại chọn con gái Đào Đại Di ở châu Chân Đăng đưa về làm hoàng phi.
Đối với những lãnh tụ đã làm phản như trường hợp cha con Nùng Tồn Phúc, Nùng Trí Cao, các vua Nhà Lý cũng tỏ ra rất khoan dung. Mở đầu, năm 1038, khi Nùng Tồn Phúc xưng đế chống lại triều đình, Lý Thái Tông thân chinh đi đánh bắt được Tồn Phúc đem về kinh xử trảm, con là Trí Cao và vợ là A Nùng chạy thoát được và trở về lập ra nước Đại Lịch, tiếp tục chống lại vào năm 1041. Lý Thái Tông lại thân chinh đi đánh, bắt được Trí Cao nhưng thương tình cha và anh đã bị giết nên không những tha cho về lại còn sai sứ đến tận nơi phong hàm thái bảo. Sau đó mẹ con Trí Cao lại xưng đế, làm phản, chống lại cả hai triều Tống và Việt nhưng cuối cùng bị đánh thua phải bỏ chạy sang nước Đại Lý rồi chết ở đó. Hai lần làm đại nghịch nhưng các triều đình Việt Nam đương thời và sau này vẫn tỏ ra rất khoan nhượng với họ Nùng và những người liên hệ, bằng cớ là ở Cao Bằng các vua Việt Nam vẫn để cho người địa phương lập đền thờ cả hai mẹ con Nùng Trí Cao. Hai đền này nằm trên hai ngọn núi trong số bốn ngọn bao bọc chung quanh tỉnh Cao Bằng là núi Kỳ Cầm ở phía bắc (đền thờ Nùng Trí Cao), và núi Kim Phả ở phía đông (đền thờ A Nùng, gọi là đền Bà Hoàng), cho đến năm 1930 hãy còn. Chính sách được gọi là hòa thân này cộng thêm với vị trí gần gũi với kinh đô Thăng Long của người Việt hơn là kinh đô của người Tàu và chắc chắn các đường tiếp tế các sản phẩm của miền đồng bằng và miền biển, nhất là muối từ châu thổ Sông Hồng chắc chắn đã là những tác tố vô cùng trọng yếu của sự trung thành của các châu mục với các triều đình Việt Nam hơn là với triều đình Trung Quốc.
Trong cách tranh biện để bảo vệ lãnh thổ quốc gia, người ta thấy công tác đã được thực hiện ở hai cấp địa phương và trung ương. Ở địa phương các thổ mục đóng vai trò chính yếu. Vì là người địa phương, những người này nắm vững tình hình từ địa lý thiên nhiên qua từng con sông, từng ngọn suối, từng trái đồi, từng cột mốc... đến tình hình dân cư với những ruộng nương, nhà cửa, đền thờ của họ, biết rành rẽ hơn những quan lại được cử từ miền xuôi lên. Không những thế, vì được tự trị, những lãnh thổ được trao cho họ đã được họ coi là phải cẩn trọng giữ gìn. Chỉ đến khi cần phải tranh luận phải trái giữa hai triều đình trung ương, vai trò của các nhà trí thức, các sứ thần do triều đình trung ương chỉ định mới được đặt ra.
3. Một số những cuộc tranh chấp điển hình
Với chủ trương bảo vệ “từng thước núi, từng tấc sông”, các triều đại quân chủ Việt Nam một mặt đã cương quyết đấu tranh để bảo vệ những phần đất đã có, mặt khác đã kiên trì đòi lại những lãnh thổ đã bị Trung Quốc cưỡng chiếm, ngoại trừ hai trường hợp nhượng đất quá nhiều dưới thời Hồ Quí Ly hay dâng đất dưới thời Mạc Đăng Dung. Cả hai trường hợp này, đặc biệt là trường hợp Mạc Đăng Dung, những người chủ trương đã bị hậu thế lên án nặng nề. Cả hai triều đại này đều bị gọi là ngụy, không phải chỉ vì có nguồn gốc là do sự thoán nghịch mà ra mà còn là vì những hành động bị coi như là phản quốc nữa. Sử gia Trần Trọng Kim trong Việt Nam Sử Lược, đã viết về Mạc Đăng Dung như sau:
"Mạc Đăng Dung đã làm tôi nhà Lê mà lại giết vua để cướp lấy ngôi, ấy là một người nghịch thần; đã làm chủ một nước mà không giữ lấy bờ cõi, lại đem cắt đất mà dâng cho người, ấy là một người phản quốc. Làm ông vua mà không giữ được cái danh giá cho trọn vẹn, đến nỗi phải cởi trần ra trói mình lại, đi đến quì lạy ở trước cửa một người tướng của quân nghịch để cầu lấy cái phú quí cho một thân mình và một nhà mình, ấy là một người không biết liêm sỉ.... Cho nên dẫu có lấy được giang sơn nhà Lê, dẫu có mượn được thế nhà Minh bênh vực mặc lòng, một cái cơ nghiệp dựng bởi sự gian ác hèn hạ như thế thì không bao giờ bền chặt được. Cũng vì cớ ấy cho nên con cháu họ Lê lại trung hưng lên được.”[vii]
Trên bình diện tích cực, trong phần cuối của phần này, ta nhìn lại ba trường hợp điển hình trong đó các vua quan Việt Nam nói riêng, và người Việt Nam nói chung, đã tỏ ra hết sức kiên nhẫn và cương quyết trong công cuộc bảo vệ biên cương của nước mình. Đó là là các cuộc đấu tranh để đòi lại châu Quảng Nguyên, các châu Vật Dương, Vật Ác thời nhà Lý và vùng mỏ đồng Tụ Long trong những giai đoạn sau này.
Quảng Nguyên là tên cũ của một châu thuộc tỉnh Cao Bằng, từ thời nhà Lê được đổi thành Quảng Uyên. Dưới nhà Lý, để trả đũa việc Lý Thường Kiệt và Tôn Đản sang đánh các châu Khâm, châu Liêm và châu Ung thuộc các tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Quốc vào năm 1075, năm 1076 nhà Tống sai Quách Quì sang đánh Đại Việt. Bị quân Đại Việt chống trả kịch liệt lại không hợp thủy thổ, quân Tống bị thiệt hại nặng nề phải rút lui, nhưng vẫn giữ các châu Quảng Nguyên, Tư Lang, Tô, Mậu và huyện Quang Lang. Trong số các châu huyện này Quang Lang và Quảng Nguyên là quan trọng hơn cả vì Quang Lang, sau này được nhà Lê đổi là Ôn Châu là cổ họng của châu Ung, còn Quảng Nguyên là nơi có nhiều mỏ vàng và mỏ bạc. Để thu hồi lại hai châu này, nhà Lý đã dùng cả quân sự lẫn ngoại giao. Huyện Quan Lang đã được Lý Thường Kiệt chiếm lại không lâu sau đó, có lẽ cùng lúc với các châu Tô Mậu và Môn. Riêng châu Quảng Nguyên, việc đòi lại phức tạp hơn vì khả năng sản xuất vàng bạc của địa phương này. Ở đây đường lối ngoại giao đã được sử dụng. Hai lần nhà Lý đã sai sứ bộ sang thương nghị. Lần thứ nhất không thành công vì các quan địa phương nhà Tống viện cớ lời biểu của vua Lý có dùng chữ húy của triều Tống nên không nhận. Lần thứ hai, sứ bộ do Đào Tông Nguyên cầm đầu, đem theo năm con voi làm đồ cống với lời yêu cầu nhà Tống trả lại các đất quân Tống đã chiếm. Nhà Tống ưng thuận với điều kiện nhà Lý trả lại tất cả những dân các châu Khiêm, Liêm và Ung đã bị quân của Lý Thường Kiệt và Tôn Đản bắt về Đại Việt trước đó. Nhà Lý ưng thuận và Quảng Nguyên đã trở về với Đại Việt. Sự hoàn trả Quảng Nguyên cho Đại Việt đã làm cho nhiều người bên nhà Tống bất mãn. Hai câu thơ châm biếm: “Nhân tham Giao Chỉ tượng, khước thất Quảng Nguyên kim” có nghĩa là vì tham voi Giao Chỉ nên mất vàng Quảng Nguyên mà các tác giả Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca dịch sang thơ là “Tham voi Giao Chỉ, mất vàng Quảng Nguyên” đã được họ làm để kể lại trường hợp này. Thắng lợi này xảy ra vào năm 1079 dưới thời Lý Nhân Tông.
Thành công trong việc đòi lại châu Quảng Nguyên và một số đất khác ít năm sau, Việt nam đã không thành công trong việc đòi lại các động Vật Dương, Vật Ác từ trước đã bị các thổ mục họ Nùng dâng cho nhà Tống, mặc dầu sứ bộ nhà Lý do Lê Văn Thịnh, vị thủ khoa của khoa thi đầu tiên của người Việt cầm đầu đã tranh luận gay gắt. Phản bác lại chủ trương của các quan nhà Tống cho rằng các đất này là của Tống vì do các thổ mục địa phương dâng cho nhà Tống vì họ qui phục nhà Tống, Lê văn Thịnh lý luận rằng “Đất thì có chủ; bọn thuộc lại giữ đất đem dâng nộp và trốn đi, thì đất ấy thành vật ăn trộm của chủ. Coi giữ đất cho chủ lại tự ý lấy trộm tất không tha thứ được, mà ăn hối lộ và tàng trữ của ăn trộm pháp luật cũng không dung. Huống chi, bọn chúng lại có thể làm nhơ bẩn cả sổ sách của quí vị hay sao?”
Không những quyết tâm bảo vệ lập trường, các vua quan Đại Việt còn tỏ ra rất kiên trì. Các cuộc thương nghị đã diễn ra cả thảy sáu lần những đều bị nhà Tống khước từ, cuối cùng đã bị bỏ dở.
Thắng lợi trong việc đòi lại được mỏ đồng Tụ Long xảy ra vào năm 1728, năm Bảo Thái thứ 9, thời Vua Trần Dụ Tông. Thắng lợi này có thể coi là điển hình nhất trong nỗ lực bảo vệ lãnh thổ của các triều đại quân chủ Việt Nam.
Để kết luận ta có thể nói là trong suốt mười thế kỷ tồn tại, các triều đại gọi là quân chủ Việt Nam đã luôn luôn quan tâm đến sứ mạng vô cùng thiêng liêng của họ là bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền lãnh thổ của dân tộc. Đây là một việc làm vô cùng khó khăn, trường kỳ và tế nhị, đôi khi nguy hiểm, trong đó từ vua quan, nho sĩ trí thức, hoàng phi, công chúa… đến các dân thiểu số ở các vùng biên giới xa xăm đều đã cùng nhau đóng góp những phần không nhỏ cho nỗ lực chung. Điều đáng chú ý ở đây là trong chính sách hoà thân của các triều đình thời đó, các vua đã hy sinh luôn cả hạnh phúc cá nhân và gia đình của chính mình, đem các công chúa gả cho các thổ tù trưởng ở những vùng biên cương hẻo lánh, xa xôi vào lúc giao thông liên lạc còn vô cùng khó khăn, hiểm trở. Nỗi nhớ thương, đau đớn, xót xa khó có thể tưởng tượng là lớn lao và sâu xa đến chừng nào. Nói như vậy nhưng ta cũng không nên quên tình cảm và sự can đảm của các thổ tù trưởng miền biên giới dành cho Triều Đình Việt Nam. Giữa triều đình Trung Quốc, mạnh hơn, các thổ tù trưởng này đã lựa chọn triều đình Việt Nam và từ đó họ đã gặp phải không ít khó khăn. Cuối cùng là các nhà trí thức. Vai trò của những nho sĩ được trao cho trách nhiệm đi sứ để biện minh cho chủ quyền của nước mình cũng không phải là một việc làm đơn giản, dễ dàng, không vất vả và không nguy hiểm. Lời dặn dò gần như là cảnh cáo của Lê Thánh Tông dành cho Thái Bảo Kiến Dương Bá Lê Cảnh Huy năm Hồng Đức thứ tư (1473) được dẫn trên đây, đã nói lên điều đó. Nhưng cuối cùng thì, ngoại trừ một vài trường hợp hiếm hoi, họ đã thành công trong sứ mạng thiêng liêng, cao cả của mình khiến người sau khi đọc đến những đoạn này không chỉ kính phục mà thôi mà còn ngậm ngùi, thương xót nữa.
II. Từ Vị Trí Chiến Lược của Các Cao Nguyên Miền Nam đến Danh Xưng Hoàng Triều Cương Thổ Thời Cựu Hoàng Bảo Đại (1949-1955)
Thời năm 1945, qua quốc hiệu Đế Quốc Việt Nam, lãnh thổ và chính sách chỉ được dùng chứ chưa được định rõ. Phải đợi đến thời Hậu Đế Quốc Việt Nam, đúng hơn thời Quốc Gia Việt Nam với Cựu Hoàng Bảo Đại làm Quốc trưởng và với sự thành lập Hoàng Triều Cương Thố, vấn đề mới thật sự trở nên rõ ràng.
Hoàng Triều Cương Thổ là một địa danh mới, tiếng Pháp là Domaine de la Couronne, đơn giản được hiểu là miền đất biên cương của triều đại đang trị vì hay xa hơn về lịch sử là miền đất bao gồm các châu gọi là cơ mi, là phên giậu của triều đình. Hiểu theo nghĩa hẹp, địa danh này chỉ các Cao Nguyên Miền Nam trải rộng từ phía tây của tỉnh Quảng Bình cho đến thượng nguồn của Sông Đồng Nai, còn hiểu theo nghĩa rộng thì bao gồm luôn cả các khu vực cư trú của các dân thiểu số thượng du miền Bắc, Thái, Thổ, Nùng, Mán, Mèo, Lô Lô, Mường… Tất cả đều trực thuộc Quốc Trưởng chứ không thuộc hệ thống hành chánh miền suôi. Đây là vùng đất còn hoàng vu, là nơi cư trú của các sắc dân thiểu số, chưa mấy tiến bộ mà người Việt cho đến tận sau này vẫn gọi là Mọi. Đây cũng là một miền đất mới rất phong phú về đất đai, giàu về tài nguyên thiên nhiên và là vùng đất cao, có vị thế chiến lược, được ví như mái nhà của cả ba xứ Đông Dương với vùng ba biên giới của ba nước Việt, Mên, Lào, là nơi con Đường Mòn Hồ Chí Minh đã đi xuyên qua và các thế lực quốc tế luôn tìm cách xâm nhập trong suốt cuộc chiến 30 năm của Thế Kỷ 20. Đ1ung hay không đúng, ai làm chủ được vùng này là làm chủ được cả ba xứ Đông Pháp là nhận định của nhiều người. Đây là vùng đất mới, chưa được người Việt chú ý tới và lên khai thác, nhưng lại được Vua Bảo Đại quan tâm đặc biệt và yêu thích, một phần có thể là do ông được Khâm Sứ Charles, người đã dỡ đầu ông trong suốt thời gian ông du học bên Pháp và vì là nơi ông thường đến để săn bắn và ẩn mình, tránh sự dòm ngó, nghi ngờ của người Pháp sau khi ông bị thất bại trong nỗ lực cải tổ thời đầu thập niên 1930. Hai thành phố quen thuộc của thời này, sau trở thành những nơi nghỉ mát nổi tiếng của Miền Nam là Đà Lạt và Ban Mê Thuột. Riêng Đà Lạt một thời đã trở nên nơi cư trú thường trực và làm việc của Cựu Hoàng thay cho Huế không còn là kinh đô nữa. Nên biết là sự thành lập Hoàng Triều Cương Thố trên lý thuyết phần nào là dựa trên Hiệp Định Élysée, ngày 8 tháng 3 năm 1949 vì theo khoản I về “Vấn Đề Thống Nhứt Việt Nam” của hiệp định này, nguyên văn như sau:
“Đối với các dân-tộc không thuộc về giống người Việt-Nam, mà khu vực cư trú lịch-sử vẫn ở trên lãnh-thổ Việt-Nam và theo truyền-thống vẫn quy thuận Hoàng-Triều, thì Hoàng-Đế Việt-Nam sẽ ban bố những quy-chế riêng biệt cho đại biểu các dân-tộc đó. Các quy-chế nầy sẽ ấn định với sự thỏa-thuận của Chánh-phủ Pháp, vì Chánh-phủ Pháp có bổn-phân riêng biệt đối với các dân-tộc thiểu-số. Những quy-chế ấy đồng thời phải đảm bảo quyền-lợi tối-cao của nước Việt-Nam, và sự tiến hoá của các dân-tộc trong sự tôn trọng tục lệ cổ-truyền của họ” [viii]
Nên để ý là trái với cái nhìn của nhiều người, vấn đề được đặt ra, theo đúng nguyên văn trong bản hiệp định, rõ ràng không phải là quyền lợi, là tài nguyên thiên nhiên và các quyền lợi về kinh tế vật chất, chính trị hay quân sự của người Pháp, mà là con người, là “các dân tộc không thuộc giống người Việt-Nam” và “sự tiến hóa của các dân-tộc trong sự tôn trọng tục lệ cổ-truyền của họ”, coi như “bổn phận riêng biệt đối với các dân-tộc thiểu số” của nước Pháp, một vấn đề mang bản chất nhân bản phù hợp với truyền thống giữ tinh thần hòa hiếu với các dân tộc thiểu số từ nhiều thế kỷ của các vua chúa Việt Nam và hợp với ý muốn của Cựu Hoàng Bảo Đại, người thường ưa thích lui tới và cư ngụ ở hai thành phố Đà lạt và Ban Mê Thuột trong những năm cuối của thời làm Hoàng Đế và sau này, và có nhiều cảm tình với các sắc dân Thượng như đã nói ở trên.
Cho tới khi Việt Nam bị chia đôi, Hoàng Triều Cương Thổ bao gồm hai phần. Phần thứ nhất là các khu tự trị Mường (ở Hoà Bình), Thái (ở Phong Thổ, Lai Châu, Sơn La), Mèo (ở Lào Kay, Hà Giang), Thổ (ở Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn), Nùng ở Hải Ninh, Móng Cái. Phần thứ hai gồm 5 tỉnh Đồng Nai Thượng, Lang Biang, Pleiku, Darlac, Kontum. Tất cả được thành lập dựa theo Dụ Số 6, ngày 15 tháng 4 năm 1950 và Quy Chế 16 ngày 21 tháng 5 năm 1951 của Quốc trưởng Bảo Đại với 9 nguyên tắc căn bản dựa trên quyền lợi tối cao của nước Việt Nam và sự tiến hóa chung của các dân tộc thiểu số trong sự tôn trọng các tục lệ cổ truyền của các dân tộc này. 9 nguyên tắc này là:
1. Quyền lợi tối cao của Quốc Gia Việt Nam được bảo đảm cùng với quyền lợi của các sắc tộc thiểu số.
2. Cao nguyên thuộc Quốc trưởng.
3. Người Thượng cần tham gia vào việc phát triển cao nguyên.
4. Tôn trọng hệ thống bộ lạc và và chức sắc kế truyền của người Thượng.
5. Thành lập Hội Đồng Kinh Tế.
6. Thành lập Toàn Án Phong Tục Thượng.
7. Bảo đảm quyền sở hữu đất đai của người Thươọng.
8. Phát triển cơ cấu dịch vụ xã hội ở Cao Nguyên như y tế, giáo dục.
9. Thành lập đơn vị quân sự riêng biệt cho người Thượng với ưu tiên phục vụ ở cao nguyên.
Những nguyên tắc phải nói là tiến bộ cho một chính sách đối với các sắc dân Thượng mà là chung cho tất cả các dân thiểu số trong một quốc gia đa chủng như ở Việt Nam. Tiếc thay nó đã bị bãi bỏ bởi Thủ Tướng, sau này là Tổng Thống Ngô Đình Diệm, trong các năm 1955 và 1958 với chính sách Việt hóa nhằm thống nhất lãnh thổ và hành chánh, khai thác và phát triển miền cao nguyên, đã đưa tới những bất mãn và chống lại trong các sắc dân miền Thượng với sự hỗ trợ của người Chàm và nhiều thế lực quốc tế với những mục tiêu và âm mưu khác nhau mà các dân Thượng chỉ là nạn nhân. Cụ thể là các Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc Thượng (Front de Liberation des Montagnards – FLM), Phong Trào BAJARAKA (tên viết tắt của tên của 4 sắc tộc lớn là Bahnar, Jarai, Rhadé và Kaho), cuộc nổi loạn của 5 trại Lực Lượng Đặc Biệt và Mặt Trận Thống Nhất Đấu Tranh của Các Dân Tộc Bị Áp Bức FULRO (Front Unifié de Lutte des Races Opprimées) thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa ở miền Nam. Sau năm 1975, trái với mọi hứa hẹn trong thời chiến, tình trạng của các dân Thượng ở Các Cao Nguyên Miền Nam cũng không khá hơn, nếu không nói là càng ngày càng tệ đến độ nhiều người Thượng phải bỏ hẳn rừng núi thân yêu của họ, chạy sang Miên và được Hoa Kỳ thu nhận, trong Phong Trào Di Cư Vĩ Đại của người Việt cuối Thế Kỷ 20. [ix]
Để kết luận, ta có thể nói việc lựa chọn quốc hiệu cho quốc gia là một việc làm trọng đại, không thể chỉ do một cá nhân thực hiện một cách vội vã, nông nổi một cách vô ý thức nhằm thỏa mãn tự ái dân tộc mà là một sự lựa chọn chính trị ở tầm mức quốc gia, quốc tế, bao trùm mọi sinh hoạt từ lịch sử đến văn minh, văn hóa, xã hội, chủng tộc… có tính cách chiến lược lâu dài. Sự lựa chọn phải được thực hiện có suy tư, có ý thức, có cân nhắc bởi nhiều người với kinh nghiệm của nhiều thế hệ. Riêng ở Việt Nam, vấn đề các sắc dân thiểu số ở các vùng biên giới là một vấn đề vô cùng quan trọng ít ai để ý tới. Hoàng Đế Bảo Đại và Thủ Tướng Trần Trọng Kim với những căn bản học vấn, hiểu biết và kinh nghiệm mà hai ông có được chắc chắn đã phải khổ công suy nghĩ nhiều trước khi khi lựa chọn danh xưng Đế Quốc Việt Nam làm quốc hiệu cho nước mình, vì ngoài danh xưng “đế quốc” người ta còn có danh xưng “vương quốc”, tiếng Pháp là royaume, tiếng Anh là kingdom mà nhiều nước đã dùng và dùng cho đến tận ngày nay. Chưa hết, thay vì Việt Nam người ta còn có Đại Nam, Đại Việt, Đại Việt Nam, An Nam vân vân… Nên để ý tên Việt Nam đã có từ thời Gia Long là tên của nước Nam thống nhất trải dài từ Ải Nam Quan cho đến mỏm Cà Mau và cũng là quốc hiệu được nhiều người đương thời dùng trong đó có cả Trần Trọng Kim qua nhan đề của cuốn sử của ông. Việc dùng danh xưng Việt Nam làm quốc hiệu của hai ông chắc chắn phải nhằm biểu lộ chủ trương thống nhất đất nước, thâu hồi các miền đất đã mất trong đó có xứ Nam Kỳ và các thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng. Điều hai ông đã làm và đã thành công. Có điều vấn đề các Cao Nguyên Miền Nam lại được đặt ra sau đó với những mưu toan của các thế lực quốc tế phức tạp và hiểm độc hơn và một sự “xẻ dọc Trường Sơn” nhằm tách rời vùng này ra khỏi lãnh thổ Việt Nam bằng cách này hay bằng cách khác là một nguy cơ chiến lược lâu dài người ta cần phải để ý, giống như sự bành trướng của Trung Hoa ngoài Biển Đông mà việc khai thác các quặng bauxite là một thí dụ điển hình./
Phạm Cao Dương
Những ngày cuối năm 2015,
sửa lại và bổ khuyết đầu Thu 2017
Trích từ (Trước Khi Bão Lụt Tràn Tới Bảo Đại - Trần Trọng Kim và ĐẾ QUỐC VIỆT NAM)
Amazon tái bản và phát hành.
Chú Thích
[1] L’Harmattan xuất bản và được Nguyễn Đình Đầu dịch sang tiếng Việt, Trần Văn Giàu giới thiệu, Ban Khoa Học Xã Hội Thành Phố Hồ Chí Minh xuất bản, 1990. Qua bản dịch này danh xưng “l’Empire Vietnamien” được dịch là “Nước Việt Nam”.
[1] Lời trong bài Đăng Đàn Cung, quốc ca chính thức cũng được lựa chọn trong thời này.
[1] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Tập II, Hoàng Văn Lâu dịch và chú thích. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã hội, 1993, tr. 462.
[1] Đỗ Đình Nghiêm, Ngô Vi Liễn và Phạm Văn Thư, Địa Dư Các Tỉnh Bắc Kỳ. Hà Nội, Lê Văn Tân, 1930, in lần thứ tư, tr 61.
[1] Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, tập hai. Hà Nội: Trung Tâm Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Quốc Gia, Viện Sử Học, Nhà Xuất Bản Giáo Dục 1998, tr. 468-469.
[1] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Tập II, Hoàng Văn Lâu dịch và chú thích. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã hội, 1993, tr. 462.
[1] Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, quyển II. Saigon: Bộ Giáo Dục, Trung Tâm Học Liệu, 1971, tr.17.
[1] “Công-Điệp của Tổng-Thống Cộng-Hòa Pháp-Quốc gởi Cựu Hoàng-Đế Việt-Nam”, trong Kỷ Niệm Thống Nhứt Việt Nam. Saigon, Tháng 6, 1949, tr. 22.- “Échange de Lettres du Mars 1949, Le Président de la République, Président de l’Union Francaise, à S.M. Bao Dai, trong Georges Taboulet, La Geste Francaise en Indochine. Paris: Adrien-Maisonneuve, 1956, tr. 920.
[1] Riêng về hoạt động của Đảng Cộng Sản, tác giả Phan An, trong bài viết nhan đề “Cộng Đồng Người Việt ở Tây Nguyên” đăng trong Tạp Chí Xưa & Nay, sồ 457, tháng 3 năm 2015, trang 6, cho biết:
“Từ sau năm 1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, một số cán bộ của Đảng được phân công lên hoạt động tuyên truyền cách mạng cho các cộng đồng Việt và các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Những làng Việt ở Tây Nguyên đã sớm trở nên cơ sở cách mạng, nơi nuôi dưỡng, tá túc của các cán bộ Đảng trên vùng đất Tây Nguyên. Làng Lạc Giao, và một số làng Việt của phu đồn điền cao su ở Bình Phước, là những làng có cơ sở cách mạng và các hoạt động cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam từ trước năm 1945.”
Ngoài các tài liệu dẫn trên, để hiểu rõ thêm về các sắc dân miền Thượng Cao Nguyên Miền Nam, nhất là về văn hóa và cuộc sống của họ, quý vị độc giả có thể tìm đọc thêm các tác phẩm sau đây:
Les Frontières du Vietnam, Histoire des Frontières de la Péninsule Indochinoise, Ouvrage publié avec le Concours du Centre National de la Recherche Scientifique. Travaux du Centre d’Histoire et Civilisations de la Péninsule Indochinois publié sous la direction de P.B. Lafont. Paris, L’Harmattan, 1989 với nhiều tác giả: Pierre-Bernard Lafont, Nguyễn Thế Anh, Philippe Langlet, Quách Thanh Tâm, Charles Fourniau, Po Dharma…
Condominas, Georges, Nous Avons Mangé la Forêt de la Pierre-Gémie Gôo. Paris, Mercure de France, 1957.
Hiskey, Gerald C. Window on the War, An Anthropologist in the Vietnam Conflict. Lombock, Texas Texas Tech University Press, 2002.
Po Dharma, Từ Mặt Trận FLM đến Phong Trào Fulro, Cuộc Đấu Tranh của Dân Tộc Thiểu Số Miền Nam Đông Dương (1955-1975). Paris-San Jose, International Office of Champa (IOC), 2007
Viện Dân Tộc Học, Sổ Tay về Các Dân Tộc ở Việt Nam. Hà Nội, Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, 1983.
Cuối cùng là những bài viết của Tiến Sĩ Nguyễn Văn Huy từ Đại Học Paris VII được phổ biến trên nhiều trang mạng điện tử. Riêng tác giả của bài viết này, Phạm cao Dương, cũng có hai bài viết ngắn, nhan đề “Les Proto Indochinois” in trong Introduction à la Connaissance de la Péninsule Indochinoise, Travaux du Centre d’Histoire et Civilisations de la Péninsule Indochinoise. Paris, 1983, tr. 141-145 và bài “Notes sur la Pénétration des Vietnamiens en Pays Mois au Début de la Période Coloniale d’après Quelques Rapports des Inspecteurs des Affaires Indigènes” in trong Asie du Sud-Est Continentale, Actes du XXXIX Congrès International des Orientalistes, Section Organisée par Pierre-Bernard Lafont. Vol.2. Paris: L’Asiathèque, 1976. Bài này nói về sự xâm nhập của người Việt vào cac xứ Thượng vào buổi đầu của Thời Thuộc Địa, vào lúc người Thượng còn xuất hiện ngay cả ở Thủ Dầu Một chứ chưa đến nỗi bị co cụm trong xứ của họ như sau này.