Nhận định tổng quan về thành phần phản chiến và lực lượng thứ ba (p4a)

17 Tháng Chín 20176:26 CH(Xem: 7562)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN VĂN HÓA  - THỨ  HAI  18  SEP  2017


Nhận định tổng quan về thành phần phản chiến và lực lượng thứ ba (p4a)

image010

Nguyễn Văn Lục


image011

Trong các thành phần trí thức du học nổi bật của miền Nam được gọi là phản chiến hay sau này được gọi là lực lượng thứ ba thì hầu hết xuất thân từ bên Pháp hay các nước Âu Châu như Thụy Sĩ, Bỉ.


Những ảo tưởng và huyền thoại của thành phần thiên tả và lực lượng thứ ba


Có một số không nhỏ đã ở lại Pháp làm việc như trường hợp Nguyễn Ngọc Giao và rất nhiều thành viên khác quy tụ trong các nhóm “Việt Kiều yêu nước”.


Phần còn lại đa số đã về lại miền Nam sau 1954. Rất ít ai về Hà Nội, trừ trường hợp có họ hàng còn ở lại ngoài đó như trường hợp con gái dược sĩ Thẩm Hoàng Tín. Ngay cả những người đã gia nhập đảng Cộng sản Pháp như bà Dương Quỳnh Hoa hoặc cảm tình viên như Tôn Nữ Thị Ninh cũng về miền Nam.


Tuy nhiên, phần đông trí thức về miền Nam trong thời điểm sau 1954 cho thấy họ không có một liên hệ trực hay gián tiếp gì với đảng cộng sản Pháp, cũng như đảng cộng sản Hà Nội.


Đó là trường hợp của Nguyễn Ngọc Lan Chân Tín và nhiều người khác như Lý Chánh Trung, Trương Bửu Lâm, Nguyễn Văn Trung. Lý lịch chính trị của họ là tờ giấy trắng tinh không gia nhập bất cứ đảng phái chính trị dù tả, dù hữu ở bên Pháp.


Nhưng ở đây, tôi muốn nhắc tóm tắt đến những thế hệ đàn anh đã đi trước nhóm phản chiến thập niên 1960 trên.


Ngay từ năm 1914, những người Việt có mặt trên đất Pháp lúc ấy phần đông là lính thợ được tuyển dụng sang Pháp rồi. Nhưng kể từ 1930-1945, ngoài số lính thợ còn có một số sinh viên sang du học Pháp. Những người Việt này thường bị khinh bỉ, chà đạp ngay tại Pháp nên sớm ý thức được sự bóc lột của chế độ thuộc địa.


Và với lòng yêu nước, họ kết hợp lại để chống lại thực dân Pháp. Họ có thể chịu tù đầy và ngay cả bị trục xuất về Việt Nam. Những lớp trí thức du học này không có chọn lựa nào khác để hoạt động chính trị nên thường ngả theo đệ tứ quốc tế (Troskyst). Họ là những người như Tạ Thu Thâu, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh và nhiều người khác. Và họ đã bị cánh cộng sản đệ tam của Trần Văn Giàu thủ tiêu, triệt hại ngay khi về Việt Nam từ thập niên 1935-1940.


image012

Nguồn: www.marxists.org


Những người này dù theo cộng sản đệ tứ, họ vẫn là những người yêu nước đáng được kính trọng. Họ có mục tiêu tranh đấu, có tinh thần, ngay cả hy sinh tính mạng của họ.


Đó cũng là trường hợp ông Trần văn Thạch (1905-1945), một cây bút chống bạo quyền áp bức và cũng bị bọn cộng sản Đệ Tam giết. (“Trần văn Thạch (1905-1945)”, sách do con gái ông là Trần Mỹ Châu biên soạn cùng với Phan Thị Trọng Tuyến.)


Để hiểu rõ thêm về những người này, có thể đọc thêm những cuốn như Ngô Văn trong Việt Nam, 1920-1945, nxb Chuông rè, “Hồi ký Nguyễn Kỳ Nam, 1925-1964” và cuốn “Nhìn lại 60 năm tranh đấu cho Việt Nam”, Hồ sơ Đệ tứ, tập 3, Nhóm Đệ tứ Việt Nam tại Pháp, của tác giả Hoàng Hoa Khôi.


Họ chưa kịp làm gì đã bị thủ tiêu trắng nên không thể có phê phán tốt xấu gì về nhóm này. Và chắc hẳn, họ cũng chẳng có quan hệ theo nghĩa tổ chức, hành dộng đối với các thành phần trí thức thiên tả như Nguyễn Ngọc Giao.


Thế thì thành phần những người phản chiến hoặc lực lượng thứ ba như Lý Chánh Trung là một sản phẩm đặc thù phát sinh từ hoàn cảnh chính trị miền Nam.


Thành phần này thuộc bài rất nhanh vì đã có cơ hội sống bên Pháp, nên đã bị nhiễm độc từ giới thiên tả Pháp vốn có một “truyền thống” thiên tả từ thế kỷ 19, sau đó một số do tình hình chính trị thuận lợi đã theo Việt Minh cộng sản. Có thể tóm tắt những công việc của tất cả nhóm này – không trừ ai – những việc họ viết, họ làm cuối cùng cũng chỉ là những kẻ bên lề, ăn theo và bị lợi dụng danh nghĩa nhất thời kết thúc rơi vào tình trạng thất bại ê chề, không được dùng.


Vì thế, nó hoàn toàn trái ngược không phải như Lý Chánh Trung viết trong bài, “Socrate và bọn trí thức thiên tả” như sau:


“Kinh nghiệm 100 năm nay qua cho thấy lịch sử đang tiến về phía tả, và không một tổ chức nào của loài người có thể thoát khỏi quy luật đó.”


(Lý Chánh Trung. Những ngày buồn nôn, Đối Diện, trang 109)


Thứ nhất coi trí thức thiên tả như Socrate là một so sánh tự cao tự đại. Socrate là một hiền triết của thành Athènes, Hy Lạp. Cái nôi của văn minh nhân loại với một nền dân chủ cao. Thứ hai cho rằng kể từ 100 năm nay, thiên tả trở thành một quy luật tiến bộ của loài người là không đúng. Điều đó chỉ có thể đúng với một vài nước Bắc Âu như Thụy Điển hay Âu Châu như Pháp chẳng hạn.


Nhưng tả không có nghĩa là cộng sản.


Về điểm này, Nguyễn Ngọc Giao, trong một bài viết nhan đề, “Quan hệ về tổ chức giữa phong trào Việt Kiều và Đảng cộng sản Việt Nam (1945-1990)” đã dứt khoát xác định là Việt Kiều và Đảng cộng sản là hai thực thể khác biệt và không hề có chủ trương kết nạp những người gọi là Việt Kiều. Ông Nguyễn Ngọc Giao đã trích dẫn một nhận xét của ông Võ Văn Sung như sau, “Đảng lao động Việt Nam không chủ trương lập Đảng bộ ở nước ngoài.” (Nguyễn Ngọc Giao, Tạp chí Thời đại mới, tháng 9-2006)


Cho nên, sau 1975, nhiều thành phần của lực lượng thứ ba đã không hiểu điều đó vì đã không được dùng đã oán giận cộng sản. Cùng lắm họ được sắp xếp vào vị trí ngồi chơi xơi nước trong Mặt trận tổ Quốc với chức vị “Phó chủ tịch”. Có rất nhiều chức Phó chủ tịch như thế như Chân Tín, Phạm Hoàng Hộ, Phạm Biểu Tâm và nhiều người khác.


Họ không hiểu rằng không lâu sau 1975 ngay như Mặt trận Giải phóng miền Nam cũng bị xóa sổ, và những người như Dương Quỳnh Hoa (có thẻ đảng cộng sản Pháp) Trương Như Tảng, Lữ Phương kẻ trước người sau mang “nỗi nhục ê chề” bị hất ra bên lề.


Còn ở Việt Nam, chưa hề có một truyền thống thiên tả. Cùng lắm là một sự nhập cảng muộn màng từ thời điểm 1950 và vay mượn từ một vài nước như Pháp, Bỉ, Thụy Sỹ.


Thiên tả ở Việt Nam chỉ là một đám ăn theo dẫm đạp phải phân Mác Xít. Đó là  “The unwanted” – những kẻ dư thừa, những khối u trong thân thể miền Nam.


Người quốc gia đương nhiên không chấp nhận họ, coi họ như bọn phá thối. Người cộng sản lợi dụng dùng họ nhất thời, rồi vứt bỏ vì không phải người của Đảng.


Đó là số phận đương nhiên dành cho những người thuộc lực lượng thứ ba. Họ ngây thơ tin tưởng theo cộng sản; họ còn ngây thơ gấp bội, tưởng rằng góp công với Đảng thì đương nhiên được chia phần xôi thịt, hay một “cái ghế”.


Họ tự tạo cho mình một chỗ đứng. Họ xây dựng sự nghiệp của họ dựa trên một số “huyền thoại” với nhiều ảo tưởng về tả phái. Tả phái mà ở bên Pháp được hiểu như một hướng đi lịch sử đầy hấp dẫn.


Tả phái tại Pháp chống lại truyền thống cổ truyền mà tiêu biểu là chống lại nền Đệ Tam Cộng Hòa Pháp Quốc. Và vì sự chống đối ấy đã chia nước Pháp thành hai phe, hữu phái, tả phái. Họ kình chống nhau về các quan điểm lịch sử, về cách mạng và về giai cấp xã hội.


Biểu tượng của phái tả là J.P. Sartre, Merleau Ponty và nhóm Les Temps modernes.


Nhưng bài học về tả phái còn đó.


Nhà văn André Gide, người đã hết lòng ủng hộ những người Bôn sê Vích. Nhưng sau chuyến du lịch sang Liên Xô, năm 1935, ông nhìn thấy rõ thực trạng “rách rưới” của thiên Đàng XHCN, ông quay về Pháp viết cuốn sách nổi tiếng, năm 1936: “Retour de l’U.R.S.S.” như một kinh nghiệm thất bại về một ảo tưởng.


image013

Nguồn: Folio


Những gì ông quan sát thấy ở Liên Xô như một gáo nước lạnh làm ông tỉnh ngộ.


Ngay từ thời kỳ đầu của Xô Viết, A.Gide đã nhận ra đời sống dân chúng ở đây quá thấp kém, các sản phẩm tiêu dùng thiếu hụt, thiếu phẩm chất không đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Ông cũng nhận thấy năng xuất rất kém cỏi trong các Hợp tác xã so với các nước Âu Châu. Một công việc mà một người thợ lao động có thể hoàn thành trong 5 tiếng đồng hồ tại các nước Tây phương thì ở Liên Xô có thể phải mất 5 ngày.


Điều đó cũng vẫn còn đúng trong các xí nghiệp Quốc doanh và trong bộ máy công quyền của cộng sản Việt Nam hiện nay. Một người làm, 4 người ngồi chơi. Một sáng chế trong chế độ tư bản có thể biến thành sản phẩm trong thời hạn tối thiểu 6 tháng. Nhưng cũng sáng kiến ấy có thể mất 10 năm dưới chế độ cộng sản!


Ở Liên Xô, theo A. Gide, nơi đó là một cuộc sống buồn tẻ, không có sinh khí và cũng chẳng có tương lai, hay là một tương lai đen tối, mù mịt. Ông ví Liên Xô nó như một quả táo có chất độc. Phải bổ quả táo ra mới biết bên trong có những con sâu.


Nhưng khi về lại Pháp, A. Gide nói thì không mấy ai tin. Ngay bây giờ có viết ra đây, vị tất bọn tả phái hay cộng sản cũng bịt tai không muốn nghe. Nhiều người trong giới trí thức Pháp đọc ông cũng không tin. Họ còn phê bình chỉ trích ông.


Vì thế, xem ra tả phái ở Pháp có một lực hấp dẫn và được nhiều người trí thức Pháp chạy theo như một phong trào.


Đến độ nếu không phải là tả thì hình như chưa chính thức được gọi là “người trí thức”.


Sự đông đảo của giới trí thức thiên tả Pháp đã tạo ra những hiện trạng đầy rủi ro và mức xáo trộn xã hội trở thành một tình trạng bất an thường trực trong giới trí thức, giới sinh viên. Các báo chí như tờ Les temps modernes dẫn đầu trong việc hướng dẫn dư luận, tạo ra các cuộc bút chiến cũng như các cuộc biểu tình, xuống đường đòi tự do trở thành chuyện cơm bữa. Đến nỗi nước Pháp không có biểu tình, không có tranh luận, không có phe nhóm thì có thể không phải là nước Pháp.


Tình trạng đó có thể còn kéo dài đến bây giờ.


Cho nên, thật cũng không dễ dàng gì có thể nắm bắt được các chủ trương, hay một hướng đi rõ nét cho những phong trào chống đối tại Pháp?


Người ta có cảm tưởng sự đòi hỏi, sự bất mãn là lẽ sống của dân trí thức Pháp.


Vì thế, sinh viên Việt Nam du học tại Pháp khó mà tránh khỏi sự lây nhiễm của nhóm tả phái về một sự thức tỉnh trước các đòi hỏi về độc lập dân tộc, quyền tự do tư tưởng, về quyền tranh đấu cho những bất công xã hội phong kiến với rất nhiều tham vọng cải cách và ngay cả lật đổ.


Nhóm tả phái đã dựng nên nhiều huyền thoại và rêu rao đến làm mê hoặc với một số từ như: Tả phái, Cách Mạng và Giai cấp vô sản.


Đó là những từ ru ngủ, một thứ chính trị huyễn hoặc. Những Stalin, Lenin thực chứng cũng như Hồ Chí Minh chỉ là những thần tượng bằng đất sét. Ngoài những từ có tính huyễn tượng trên. Ở Việt Nam, Hồ Chí Minh còn bổ túc thêm từ Dân Tộc, Đất nước. Sau này, Lý Chánh Trung khai triển thêm trong cuốn “Tìm về Dân Tộc”.


Nhưng ngay từ thập niên 1950, đã có một người trí thức Pháp muốn giải hoặc các huyền thoại đó. Raymond Aron, tác giả cuốn “L’opium des intellectuels” (Thuốc phiện của giới trí thức) chống lại hệ tư tưởng Mác Xít của Sartre mà ông gọi chúng là thuốc phiện làm mê hoặc con người. Đồng thời cuốn sách cũng nhằm chống lại từng luận điểm và từng danh từ của cánh tả như J.P. Sartre và Merleau Ponty.


image014

Nguồn: Pluriel


Trong cuốn sách của Raymond Aron, xuất bản ngay từ năm 1955, ông coi trí thức thiên tả Pháp ngả theo chủ nghĩa Mác Xít như say nghiền một thứ thuốc phiện. Vì thế, ông viết cuốn sách này nhằm giải thích và cắt nghĩa tại sao giới trí thức tả phái lại đi theo trào lưu ngả theo Mác Xít như một cái mode của họ?


Thật không có gì đúng hơn khi gọi tả phái đó là một cái mode. Cái mode ấy nhanh chóng được phổ biến tại miền Nam Việt Nam.


Thật vậy, sau một thời cái mode hiện sinh đâm ra nhạt nhẽo. Mode tả phái có mùi phân thối Mác-Xít như cái loa truyền ở thành thị miền Nam.


Trí thức miền Nam, nhất là ở trường Văn Khoa đua nhau viết về chủ nghĩa Mác như các ông Lý Chánh Trung, Trương Bá Cần, Trần văn Toàn, Nguyễn Ngọc Lan, Nguyễn văn Trung và thế hệ đàn em như Nguyễn Trọng Văn, Lữ Phương.


Tất cả đám này chỉ biết một thứ Mác Xít sách vở, ngoài ra nhận thức được thế nào là người cộng sản thì chưa chắc đã bằng một anh nông dân miền Bắc di cư vào miền Nam. Có khi còn thua cả một cái cột đèn.


Có thể kể thêm Trần Tam Tỉnh ở ngoại quốc với cuốn “Dieu et César”, in tháng 10-1978. Đây là cuốn sách mà dưới mắt một người có đạo là một thứ Juda phản thầy.


Trong khi ở Việt Nam, trí thức thiên tả và lực lượng thứ ba say sưa ôm cái đuôi thiên tả nhập cảng từ Pháp Quốc. Nhưng họ không có nhận thức được đang có một cuộc khủng hoảng ý thức hệ rạn nứt ngay trong nội bộ các đảng cộng sản lớn.


Khi “đồng chí” Khruschev, trong Đại hội XX của đảng cộng sản Liên Xô tuyên bố chủ trương đường lối chung của đảng là: Chung sống hòa bình. Lời tuyên bố của lãnh tụ Liên Xô trở thành mối đe dọa đến cái bộ mặt độc quyền của một đảng cộng sản duy nhất (monpolitique) đã từng là niềm tự hào nối kết các đảng anh em với nhau thì đã có sự nứt rạn giữa Trung-Nga. Trung Quốc đã mạnh dạn lên tiêng tố cáo đường lối “xét lại của Liên Xô”.


[“Tại Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Liên Xô (CPSU) ngày 24-25 tháng 2 năm 1956, Khrushchev đã đưa ra một báo cáo trong đó ông tố cáo các tội ác của Stalin và đám “sùng bái cá nhân’ xung quanh Stalin. Khrushchev nói rằng Stalin là một kẻ giết người và là một bạo chúa. Khrushchev bắt đầu ‘hạ bệ Stalin’ ở Nga – trả tự do cho tù nhân chính trị và Beria (Trùm mật vụ của Stalin) đã bị xử tử.


“Trong thời kỳ lãnh đạo của Stalin, mối quan hệ hòa bình của chúng ta với các quốc gia khác thường bị đe doạ, bởi vì những quyết định của một người có thể gây ra, và thường gây ra nhiều rắc rối.”


Bài phát biểu này cuối cùng sẽ gây ra sự chia rẽ trên toàn thế giới cộng sản. (Nikita Khrushchev tài liệu Tham khảo Lưu trữ – Tài liệu lưu trữ Chính phủ của Liên Xô)


Trong chuyến viếng thăm nước Anh năm 1956, Khrushchev phát biểu


“Các bạn không thích chủ nghĩa cộng sản. Chúng tôi không thích chủ nghĩa tư bản. Chỉ có một con đường duy nhất – sống chúng hoà bình.” 


(Tài liệu lưu trữ Chính phủ của Liên Xô). – DCVOnline]


Từ đó, khối cộng sản tách ra làm hai.


Và Trung Hoa cho rằng tương lai thế giới không còn tùy thuộc vào sự ưu thế khoa học của siêu cường Liên Xô nữa.


Trong khi đó các nước vừa thoát khỏi chế độ thuộc địa cũng trỗi dậy và chủ trương không liên kết. Tiệp Khắc vào năm 1968 chủ trương một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa có khuôn mặt người.(socialisme à visage humain).


Và kể từ nay, không còn có một khuôn mẫu điển hình XHCN nữa mà là một tấm gương đã vỡ ra nhiều mảnh: nghĩa là có nhiều thứ chủ nghĩa xã hội.


Và nhất là vào năm 1989, khối cộng sản Đông Âu đã vỡ tan ra từng mảnh. Khởi đầu với cuộc cách mạng dân chủ ở Poland (Ba Lan), rồi Hunggary (Hung Gia Lợi), tại Đông Đức, tại Czecho-Slovakia (Tiệp Khắc), tại Bulgary, tiếp theo là Romania, Yugoslavia (Nam Tư).


Việt Nam, trước cơn bão dân chủ, họ đã làm gì? Viễn cảnh về một Việt Nam dân chủ nay càng xa vời.


Trong khi đó, ở Việt Nam, người ta vẫn bám víu vào con thuyền XHCN đã mục đáy mà cho đến nay không biết lúc nào nó chìm. Khi nó chìm thể nào người ta cũng tìm thấy xác Lý Chánh Trung và xác Lê Hiếu Đằng trên đó; đồng thời cạnh đó, ông Tương Lai đang quằn quại ngắc ngoải trước cái thây ma Hồ Chí Minh.


Trí thức thiên tả và thành phần thứ ba vẫn mù quáng, ảo tưởng về một tương lai XHCN mà sau này Dương Thu Hương, một cựu đảng viên cộng sản đã nhận ra một cách cay đắng gọi là “Thiên Đường mù”.


Đã nói như thế rồi mà nhiều người vẫn không chịu mở mắt ra.


Trở lại với cuốn sách của Raymond Aron để may ra rút ra được một hai bài học cho nhóm tả phái ở Việt Nam.


Theo R. Aron, từ tả phái có thể có nhiều nghĩa. Tả phái có nghĩa là tinh thần tự do chống lại cái cũ, chống lại bộ máy quyền hành độc đoán và ngả theo chủ nghĩa Mác Xit. Tả phái còn có nghĩa tranh đấu cho sự bình đẳng giai cấp chống lại giai cấp giàu có và những kẻ có quyền lực. Tất cả những từ mà phía tả phái xử dụng thì đều mang ấn tín của chủ nghĩa Mác-Lê Nin. Chẳng hạn, khi nói chống lại giai cấp giàu có và quyền lực thì chính là cuộc tranh đấu của giai cấp vô sản trên toàn thế giới, làm cuộc cách mạng.


Và cuộc cách mạng ấy dĩ nhiên phải cần xử dựng đến bạo lực.


Bạo lực đối với phía tả cũng như đối với chủ nghĩa Mác xít được biện minh như một điều kiện cần thiết, như một chân lý lịch sử đến không cần thiết phải bàn cãi đến nữa. Và biến bạo lực thành những giáo điều. Tội ác lúc ấy cũng được biện minh nhân danh cách mạng và điều thiện.


Trong cuộc cách mạng chống lại chủ nghĩa tư bản mà tiêu biểu là đế quốc Mỹ và các chủ thể tôn giáo. Nước Mỹ được coi như cội nguồn của mọi điều xấu như bóc lột, tha hóa và đè nén.


Thêm nữa, sự cứu rỗi trước đây chỉ có thể thực hiện được trong lòng giáo hội. “Hors de l’Église point de salut” (Không thể có sự cứu rỗi ngoài giáo hội). Nay phe tả không còn có thể tìm vào tôn giáo như một giải thoát. Thượng đế nếu có thì đã chết. Còn đối với người cộng sản, tôn giáo chỉ là thứ thuốc mê với những hứa hẹn.


Chủ nghĩa cộng sản là một thứ tôn giáo giải phóng con người. Amen!


Các trí thức thiên tả Việt Nam có những mục tiêu chống đối khác với trí thức thiên tả Pháp. Họ phần đông chống lại chính sách và đường lối của Pháp và sau này của Mỹ tại Việt Nam. Nguyễn Ngọc Lan cho xuất bản cuốn “Cho cây rừng còn xanh lá”. Trong đó 2/3 các bài viết của ông là chống Mỹ. Phần còn lại chửi Việt Nam Cộng hoà.


Trước chống Pháp, sau chống Mỹ, dù đường lối chính sách của hai nước hoàn toàn khác biệt. Sự có mặt của người Pháp ở Việt Nam là sự khai thác của chế độ thuộc địa. Sự có mặt của người Mỹ là bảo vệ Thế giới Tự do, chống cộng sản.


Giả dụ không có cộng sản miền Bắc thì sự có mặt của người Mỹ ở miền Nam trở nên không cần thiết nữa. Có đúng vậy không? Nếu miền Bắc là Bảo Đại thì không hề có chuyện người Mỹ đổ quân vào miền Nam! Đúng vậy chăng?


Người cộng sản đã lừa bịp thế giới và người dân Việt Nam khi đồng hóa Mỹ vào chế độ thực dân. Người Mỹ không chiếm đất mà cũng không khai thác thuộc địa.


Vì thế, danh xưng “Đế quốc Mỹ” mới là một chiêu bài bịp bợm đã đánh lừa được nhiều người, trong đó có thành phần thứ ba.


Nhưng vì quen thói bắt chước, bọn họ lại máy móc rập khuôn các khuynh hướng về xã hội, văn hóa, xu hướng chính trị của người Pháp. Đến độ họ là thứ người không hẳn là Pháp mà cũng không hẳn là người Việt Nam, nhưng là một thứ “Francétrangers”.


Chống Tây có thể chỉ ở mặt nổi, ở tình tự cá nhân hay cái bề mặt bên ngoài. Nhưng tự thâm tâm họ lại thỏa thuận ngầm, sống và suy nghĩ như Tây, lệ thuộc và nể phục Pháp.


Họ bắt chước một cách vô thức từ lối sống, lối suy nghĩ, lối hành xử của người Tây. Đôi khi họ Tây hơn Tây.Trần Đức Thảo là một trường hợp tiêu biểu.


Vì thế, khi về sống lại ở Việt Nam, họ có lối suy nghĩ khác với phần đông dân chúng trong nước. Họ có vẻ như “đi trước” thời cuộc so với sự chậm chạp, ù lì của phần dông dân chúng. Nhưng thực tế người dân, dù là nông dân ít học đã hiểu biết về cộng sản ít lắm trước bọn lực lượng thứ ba nửa thế kỷ. Thật vậy cho đến bây giờ, nhiều người đã gần 80 tuổi mới thấy họ sai lầm và mới phản tỉnh! Như ông Tương Lai hiện nay vẫn chưa tỉnh hẳn. Ông ấy vẫn còn mộng mị trương bảng trùm cộng sản Hồ Chí Minh và rao bán đảng Lao Động.


Xem ra đã quá trễ để lên chuyến tàu lịch sử.


Và không thực hiện được những điều mơ ước với mớ kiến thức có thể còn chưa tiêu, họ dễ trở thành bất mãn thường trực.


Nhiều người Việt Nam, sự suy nghĩ và hành động của họ khác đám trí thức thiên tả vì họ phải đối diện thường trực với các mối đe dọa hiểm nguy, cọ sát với thực tế mỗi ngày, chạm mặt với chiến tranh chết chóc gần kề. Đó là trường hợp phần đông các sĩ quan và binh sĩ của quân lực Việt Nam Cộng hoà. Con số của họ cộng chung là hơn một triệu người dưới lá cờ Quốc Gia của Việt Nam Cộng hoà. Họ cầm súng là để bảo vệ miền Nam, họ buộc phải giết cộng sản từ miền Bắc xâm nhập vào miền Nam. Họ không có chọn lựa nào khác và vì thế, rất đơn giản, họ không chấp nhận thành phần phản chiến.


Còn trí thức thiên tả, họ có thể chỉ là những người ngoài cuộc, sống trong tháp ngà.


Họ là thiểu số, lẻ loi giữa người dân miền Nam. Người ta có cảm tưởng họ có một sự ngây thơ chính trị đến khó hiểu và dễ ngả theo các trào lưu tả phái, chống chiến tranh, và ở cuối đường, trong ngõ cụt họ gặp người cộng sản.


Số phận của họ ra sao sau 1975 sẽ được trình bày trong phần 5 cũng là phần chót của loạt bài này.


Một người nông dân miền Bắc vào Nam, một người công giáo di cư nghèo khổ đi chân đất có thể hiểu cộng sản một cách kiên định và phân biệt rõ trắng đen ai là bạn, ai là thù. Tôi đã từng nhìn một bức hình một người đàn ông cụt cả hai chân, phải đi bằng hai tay đã tự mình bò lên tàu há mồm đi vào Nam.


Cho đến bây giờ, tôi vẫn tự hỏi nột người tàn tật như thế còn gì là tương lai. Vậy mà đã quyết định không ở lại với cộng sản. Sự bỏ nhà cửa ra đi của hàng triệu người nông dân miền Bắc, năm 1954, liều chết vào miền Nam nói rõ lên điều đó.


Trường hợp Lý Chánh Trung-trường hợp tiêu biểu, một trong những trí thức thuộc lực lượng thứ ba-trong một bài viết nhan đề “Làm Và Tin”, ông đã viết như một kẻ thuộc bài:


“Tình trạng phân chia đất nước sau Hiệp Định Genève, âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta là những sự kiện lịch sử rất phức tạp, đã kéo dài 20 năm, qua nhiều giai đoạn và phương thức khác nhau, giữa một thế giới cũng vô cùng phức tạp và luôn luôn biến dạng.”


(Lý Chánh Trung, Trui rèn trong lửa đỏ, tập II, trang 236. Người viết nhấn mạnh)


Ở một đoạn khác, ông đã viết một cách xác tín hơn như sau:


“Lúc còn ở bên Pháp, trong những năm 1950, tôi đã nghĩ rằng Chủ nghĩa cộng sản sẽ thắng trên toàn thế giới như nó đã thắng tại nước Nga, tại các nước Đông Âu và tại Trung Quốc, như nó đang thắng ở Việt Nam, không những vì đó là “hướng đi của lịch sử” mà còn vì đảng cộng sản là một tổ chức hữu hiệu nhất đã xuất hiện trong lịch sử từ trước đến nay.”


(Lý Chánh Trung, ibid., trang 239)


Lý Chánh Trung chống thực dân, nhưng chỉ trong 10 trang ở bài “Suy nghĩ về hai chữ “mất nước” – Về trí thức miền Nam trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước” trong cuốn “Chung một bóng cờ – Về Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam”, Trần Bạch Đằng Chủ biên, NXB Chính trị Quốc gia – Sự Thât xuất bản lần thứ ba, Hà Nội 2015, tác giả đã vài lần trích dẫn hiểu biết văn học châu Âu mà ông hấp thụ khi đi học bên Pháp.


“Trong quyển Hoàng tử (Le Prince), Machiavel đã nhận định rất xác đáng rằng đối với một nước Cộng hoà đã có truyền tống tự do, chiếm đoạt đã khó khăn rồi, mà giữ gìn sau khi chiếm đoạt lại càng khó khăn hơn nữa.” (trang159)


Ở trang khác, Lý Chánh Trung viết:


“Suốt thời Pháp thuộc, không còn nước Việt Nam, chỉ còn Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ trong một xứ gọi là Đông Dương thuộc Pháp. Riêng dân Nam Kỳ lại không được xem là Việt Nam mà được định nghĩa là “thuộc dân Pháp ở xứ Conchinchine” (sujets Francais de Conchinchine). Cho đến năm 1947 khi xuất dương du học, trên tờ giấy thông hành của tôi, vẫn còn ghi cái quốc tịch quái gở đó.” (trang160-161).


Ở trang 163, Lý Chánh Trung viết:


“Một văn hào Pháp, hình như là Giraudoux đã nói đại khái rằng một dân tộc bắt đầu chết bằng những cử chỉ vô lễ nhỏ nhặt, bằng đôi giầy không buộc chặt và những cái quần ủi không thẳng nếp. Tại sao? Vì rằng những thái độ buông thả ấy là một triệu chứng suy đồi của văn hoá.”


[Tác phẩm của tiểu thuyết gia Pháp Hippolyte Jean Giraudoux được biết đến vì văn phong thanh lịch, thi vị và nhiều tưởng tượng. Chủ đề nổi bật của Giraudoux là mối quan hệ giữa đàn ông và đàn bà, và đôi khi giữa con người và một số lý tưởng không thể đạt được. – DCVOnline]


Lý Chánh Trung còn rập theo đường lối của cộng sản nói tới cụm từ: Tìm về dân tộc. Đây là một cụm từ có tính tuyên truyền và mỵ dân. Tìm về dân tộc, nhưng dân tộc nào? Dân tộc phải chăng có cùng một tiếng nói, có chung một lịch sử, có chung cuộc sống trong một vùng địa lý, một mảnh đất? Dân tộc như thế phải được hiểu là nó được nằm ở phía Bắc hay cả phía Nam? Cuộc chiến tranh do Hà Nội khởi động xâm chiếm miền Nam thì còn có nghĩa tìm về dân tộc hay không?


Không ai phủ nhận họ là những trí thức có tầm vóc, học hành đến nơi đến chốn. Họ thông minh, có bằng cấp, khôn ngoan, thiện chí và cũng có thể có lý tưởng.


Nhưng hiểu biết chính trị thì không. Cùng lắm là một thứ trí thức với nhiều ảo tưởng, một thứ theo đuôi các trí thức thiên tả Pháp


Lý Chánh Trung nay đã không còn nữa. Và từ khi cộng sản chiếm miền Nam đến khi ông chết, nếu suy luận như ông nghĩ “theo Giraudoux” thì dân tộc Việt Nam có lẽ đã bắt đầu chết từ 1975; hay thành thật với mình hơn nữa thì ông phải nói là dân tộc Việt nam đang hấp hối dù chưa được chứng kiến hơi thở cuối cùng của chế độ cộng sản ở Việt Nam. Nếu còn sống ông phải nghĩ và viết như thế nào?


Trường hợp Lm Chân Tín cũng như gs Nguyễn Ngọc Lan cũng có thể xếp chung với Lý Chánh Trung. Cũng như nhiều người khác như Nguyễn Văn Trung, Lm Trương Đình Hòe, Thế Nguyên, Trần Trọng Phủ, Lm Cẩm Xuyên, Võ Hồng Ngự và rất nhiều người khác.


Và người ta tin tưởng rằng có một sự suy tàn của chủ nghĩa tư bản.


Kết luận


Khi viết những dòng này, tôi thấy tội nghiệp và đôi chút coi nhẹ các thành phần tả phái và lực lượng thứ ba của Việt Nam.


Tại sao tội nghiệp cho họ?


Tội nghiệp vì họ mê muội và tiếp tục mê muội. Vấn đề là họ không ra khỏi cơn mê muội đó. Họ theo đuôi cánh tả Pháp như những kiểu mẫu điển hình cho một thế giới tương lai với những hứa hẹn cách mạng và giải phóng con người.


Thực tế dã thay đổi và không còn phải như vậy nữa. Sartre đã tự lột xác. Nhưng cánh tả và lực lượng thứ ba ở Việt Nam đã không có khả năng thay đổi.


Đó là nỗi đau, nỗi nhục và nỗi khốn khố của các thành phần thứ ba. Trong đó, có trường hợp Thế Nguyên, sau 1975, trở thành thứ người dư thừa, bất đắc chí rồi nghiện ngập rồi chết một cách lãng sẹt trong một tai nạn.


Trong khi đó, sau 1975, người lãnh đạo cánh tả Pháp là J.P. Sartre, đã bắt tay với Raymond Aron, cùng lên tiếng ủng hộ dự án con tàu Ile de Lumière.


Họ đã cùng nhau kêu gọi dân Pháp đón tiếp thuyền Nhân Việt Nam chạy trốn cộng sản. Họ cũng đã cùng nhau vào điện Elysée để yêu cầu tổng thống Pháp đón nhận các thuyền nhân Việt Nam trốn chạy chế độ cộng sản tàn bạo.


Năm 1979, con tàu này đã ghé đậu ngoài khơi trại tỵ nạn Terempa mà người viết bài này lúc ấy cũng có mặt trên đảo. Trong trại tỵ nạn thường có những vụ đâm chém, thanh toán nhau để đòi nợ. Trong dịp này, có một thanh niên gốc Hoa đã bị kẻ khác chém lòi bụng. Cảnh sát Nam Dương đã kịp thời chở người thanh niên này ra con tàu Ile de Lumière nhờ cấp cứu. Rất may, trên tàu có nhà thương và họ đã cứu sống được người thanh niên này sau hai tháng nằm trên tàu bệnh viện. Và họ cũng đã cứu vớt được hàng vạn người trên biển cả như thế.


Thái độ và việc làm của hai trí thức trên không cần phải lên tiếng phản đối nhà cầm quyền Hà Nội và rất nhiều Boat People mãi mãi biết ơn họ. Không có họ, nhiều người đã làm mồi cho cá biển.


Điều đó đủ như một cái tát vào mặt chính thể cộng sản Hà Nội.


image015

Hải trình của con thuyền cho Việt Nam “Đảo Ánh sáng”. Nguồn: La Croix.


Phần bọn trí thức thiên tả họ đã làm được gì?


Họ đã làm, nhưng là làm ngược lại lương tri của một con người.


Họ đã cùng nhau viết một lá thư chung nhan đề Lettres aux amis d’Occident, ngày 28 tháng 6, 1979 trong đó có đoạn xin được trích dẫn ở đoạn 3 như sau nhằm biện hộ cho chế độ bạo tàn của Hà Nội đồng thời phủ nhận hiện trạng Boat People:


“Trong bất cứ thời nào, các cuộc cách mạng nào thì cũng đều kéo theo một phần dân chúng di tản, bởi vì, ngay cả những cuộc cách mạng có tính khoan dung, thì vẫn luôn luôn có một số người không thể nào có thể thích ứng vào chế dộ mới hoặc họ từ chối không muốn chịu thích ứng.


Ở miền Nam Việt Nam, cả một thế kỷ dưới thời thuộc địa, 20 năm dưới chế độ thực dân mới, 10 năm với sự có mặt đông đảo của quân đội Mỹ, một sự tuyên truyền liên tục và thường trực chống lại cộng sản bởi một bộ máy khổng lồ tuyên truyền tâm lý chiến (một sự phồn vinh giả tạo, một xã hội tiêu thụ vv..) Tất cả nhũng yếu tố đó góp phần tạo nên một tầng lớp người dày đặc một cách khách quan và chủ quan không thể nào thích ứng được với chủ nghĩa xã hội.Thêm vào đó, phải nói tới công việc làm vẩn đục của những người lãnh đạo Nhà Trắng trong những ngày hấp hối của chế độ Sài Gòn.Họ đã muốn lôi kéo càng nhiều càng tốt người Việt Nam theo vết chân của họ: Kế hoạch cuối cùng của viên đại sứ Hoa Kỳ đã trù liệu việc di tản hơn một triệu người.”


(Alain Ruscio, Vivre au Viet Nam, trang 232-233)


Cuối cùng thì người tả Pháp như J.P. Sartre trở thành những người ân nhân của thuyền nhân Việt Nam.


Còn các thành phần lực lượng thứ ba ở miền Nam trở thành kẻ thù của Boat People.


Người viết bài này không biết vì tình nguyện hay bị áp đặt phải ký, nhưng tôi cứ xin trích dẫn đầy đủ danh sách những trí thức thuộc lực lượng thứ ba đã ký tên trong Lá thư gửi các người bạn ở Âu Châu gồm:


Dược sĩ Hồ Đắc Ân. Lm Trương Bá Cần. Phật tử tranh đấu Võ Đình Cường. Thượng Tọa Thích Minh Châu. Nghệ sĩ sân khấu Kim Cương. Nhà báo Lý Quý Chung. Bác sĩ Trần Văn Du. Chủ nhiệm báo Tin Sáng Ngô Công Đức. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà. Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh. Nhà văn Vũ Hạnh. Nhà khoa học Trần Vinh Hiển.Tổng thư ký Mặt Trận Tổ Quốc Tôn Thất Dương Kỵ. Giáo sư Hải dương học Bùi Thị Lang. Luật sư Trần Ngọc Liễng. Thẩm phán Trần Thúc Linh. Luật sư Nguyễn Long. Giáo sư Phạm Hoàng Hộ. Giáo sư Châu Tâm Luân. Ni sư Huỳnh Liên. Lm Huỳnh Công Minh. Thẩm phán Trần Quốc Mạnh. Giáo sư Nguyễn Vinh My( Ở Pháp) Nhà báo Hồ Ngọc Nhuận. Kiến Trúc sư Nguyễn Quang Nhạc. Giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn. Giáo sư y khoa Phạm Biểu Tâm. Giáo sư địa chất Trần Kim Thạch. Giáo sư hóa học Lê Văn Thới. Thẩm phán, bà Ngô Bá Thành. Giáo sư Lý Chánh Trung. Lm Phan Khắc Từ. Kỹ sư Lâm Văn Vạng. Kỹ sư Đinh Xáng.


Tôi tự hỏi bao giờ thì họ hết ảo tưởng và giấc mơ về một chủ nghĩa xã hội cộng sản?


© 2017 DCVOnline


Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net



Nguồn: DCVOnline biên tập và minh hoạ.
23 Tháng Tư 2020(Xem: 6028)
05 Tháng Hai 2020(Xem: 6622)