Hà Văn Thùy: Kiến nghị nghiên cứu và viết lại lịch sử Việt Nam

30 Tháng Bảy 20176:48 CH(Xem: 7640)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN VĂN HÓA  - THỨ  HAI 31 JULY  2017


KIẾN NGHỊ NGHIÊN CỨU VÀ VIẾT LẠI LỊCH SỬ VIỆT NAM


CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
ĐỘC LẬP TỰ DO HẠNH PHÚC


KÍNH GỬI:


- BAN BÍ THƯ TW ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM.
- ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
- BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG


Thưa quý vị,


Tôi là nhà văn Hà Văn Thùy, sinh năm 1944 tại Thái Bình. Năm 1967 tốt nghiệp Cử nhân Sinh học Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau khi ra trường, làm chuyên môn bảo quản lương thực năm năm, tôi chuyển sang viết văn. Tôi đã công tác ở Hội Văn nghệ Thái Bình, Hội Văn nghệ Kiên Giang và báo Văn nghệ Hội nhà văn Việt Nam. Từ khi cầm bút viết văn, tìm hiểu nhiều hơn về lịch sử Việt Nam nhưng thấy rằng chưa cuốn sử nào thỏa mãn được hiểu biết của mình. Phần nhiều các cuốn sử cho rằng, người Hoa Hạ từ phía Tây vào Trung Hoa xây dựng nhà nước Hoàng Đế, sinh ra người Hán rồi người Hán mang văn minh Hoa Hạ khai hóa các dân tộc phương Nam. Hệ quả tất yếu: người Việt Nam là con lai của người Hán và văn hóa Việt là sự vay mượn chưa đầy đủ của người Hán…


Nhưng vào tháng 8 năm 2004, một tờ báo của người Việt ở Mỹ có bài viết trích dẫn một nghiên cứu của các học giả gốc Hoa tại Mỹ, từ khảo sát di truyền dân cư châu Á đã phát hiện: “Loài người chúng ta xuất hiện 180.000 năm cách nay ở châu Phi. 70.000 năm trước, người tiền sử theo ven biển Ấn Độ di cư tới Việt Nam. Nghỉ lại đây 20.000 năm để các dòng người hòa huyết với nhau, tăng nhân số, rồi 50.000 năm trước, người từ Việt Nam di cư ra các hải đảo Đông Nam Á, chiếm lĩnh Ấn Độ. 40.000 năm trước, đi lên khai phá Trung Hoa.” Vốn là Cử nhân Sinh học với kiến thức di truyền học sẵn có, tôi nhận ra ý nghĩa quan trọng của thông tin này. Nếu đúng, nó sẽ không chỉ làm thay đổi lịch sử mà cả số phân dân tộc Việt Nam. Vì vậy, tôi tìm mọi cách truy cập thông tin. Khi nắm đầy đủ tài liệu, tôi đã dành toàn bộ thời gian và tâm trí tìm lại cội nguồn dân tộc.


Kết quả là trong khoảng 13 năm (2004 tới 2017) ngoài việc công bố hàng trăm bài viết trên các phương tiện truyền thông, tôi đã cho in 5 cuốn sách: Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt (NXB Văn học, 2006), Hành trình tìm lại cội nguồn (NXB Văn học, 2008); Tìm cội nguồn qua di truyền học (NXB Văn học, 2011); Khám phá lịch sử Trung Hoa (NXB Hội Nhà văn, 2016) và Nhận thức lại lịch sử văn hóa Việt (NXB Hội Nhà văn, 2016) và cuốn Nhà nước Xích Quỷ từ huyền thoại đến hiện thực đang in.


Toàn bộ khảo cứu cho thấy: Việt Nam là nơi phát tích của con người và văn hóa phương Đông. Người Việt từ vùng Thanh-Nghệ-Tĩnh đi lên Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến, rồi lan tỏa ra, làm nên dân cư Trung Hoa. Do vậy, tiếng Việt là chủ thể của ngôn ngữ Trung Hoa. Trên đất Trung Hoa, người Lạc Việt xây dựng nền văn hóa nông nghiệp rực rỡ: Triết lý Âm Dương ngũ hành, kinh Dịch, kinh Thi, kinh Nhạc, kinh Lễ. Kể cả chữ Nho cũng là sáng tạo của người Việt. Trong khi đó, người Hoa Hạ chỉ ra đời từ 2700 năm TCN, là con lai của người Việt và người Mông Cổ. Tuy nhiên lớp người Hoa Hạ chỉ tồn tại thời gian ngắn sau đó bị đồng hóa trong cộng đồng người Việt đông đảo. Người Hán chính là người Việt vùng Trong Nguồn thuộc nước Sở… Một sự kiện quan trọng là sau 80 năm khám phá và nghiên cứu di chỉ văn hóa Lương Chử 5300-4300 năm trước ở vùng Thái Hồ tỉnh Chiết Giang, các học giả Trung Hoa xác nhận chủ nhân văn hóa Lương Chử là người Lạc Việt, là vũ nhân hay vũ dân, thờ vật tổ là chim và thú. Đó chính là tổ Hồng Bàng của dân tộc ta… Từ đó có đủ sự tin cậy để khẳng định: Lương Chử là kinh đô nhà nước Xích Quỷ trong truyền thuyết của tổ tiên chúng ta.


Như vậy, lịch sử của tộc Việt dưới ánh sáng mới của khoa học hoàn toàn khác với những điều do các học giả người Pháp đưa ra trước đây và là nội dung chủ đạo của sách giáo khoa lịch sử hiện nay.


Tuy nhiên, có một sự lạ là những khám phá của tôi và nhiều học giả người Việt ở nước ngoài không hề được giới làm sử của nhà nước tiếp thu hay phản bác. Mấy năm trước, biết giới Sử học chuẩn bị xuất bản bộ Quốc sử 25 tập, tôi thắc mắc: cuốn Sử sẽ ra sao? Tuy nhiên do sách chưa in nên chưa thể biết nội dung của nó.


Ngày 22.2 vừa qua, Giáo sư Phan Huy Lê họp báo công bố “Những quan điểm mới về lịch sử” tôi nhận ra, đấy vẫn là những tri thức cũ của thế kỷ XX, đã bị thế kỷ mới phủ định. Do vậy, tôi đã viết và công bố rộng rãi hai bài trao đổi với Giáo sư Lê.


Tuy nhiên, nhận thấy đây là vấn đề lớn, quan hệ đến vận mệnh của cả dân tộc nên tôi buộc phải viết kiến nghị này trình lên cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước, đề nghị có chủ trương phải nghiên cứu và viết lại lịch sử Việt Nam theo những khám phá mới của khoa học.


Thưa quý vị, dân tộc ta từng chịu ngàn năm nô lệ rồi tự giải phóng về lãnh thổ, về chính trị nhưng chưa bao giờ được giải phóng về văn hóa và lịch sử. Không chỉ thế giới mà ngay người Việt chúng ta cũng đang coi mình là đám Tàu lai, tiếng Việt mượn 70% từ tiếng Hán… Dưới cái bóng khổng lồ đè nặng của văn hóa Trung Hoa, dân tộc ta dường như không ngóc đầu lên được.


Nay sự thật được khám phá: người Lạc Việt là tổ tiên của người Trung Hoa, tiếng Việt là chủ thể làm nên ngôn ngữ Trung Hoa, chữ Việt là chủ thể của chữ Viết Trung Hoa... Những thành tựu vĩ đại nhất của văn minh phương Đông đều do tổ tiên chúng ta sáng tạo. Khi một lịch sử rực rỡ như thế được công bố với toàn dân sẽ khiến 90 triệu người Việt Nam ngửng đầu, tạo nên sức mạnh vĩ đại.


Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về những công bố của mình, sẵn sàng trình bày và thảo luận nếu quý vị thấy cần.


Rất mong nhận được trả lời của quý vị.


Xin chân thành cảm tạ


Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 26.5.2017


Kính


Nhà văn Hà Văn Thùy


Thưa Đồng bào,


Từ thập kỷ 1940, các sử gia tiên phong người Việt đã dựa trên khảo cứu của học giả Pháp để viết cuốn sử Việt Nam. Tuy nhiên, do sự hạn chế của tri thức nhân loại thế kỷ XX nên những tư tưởng chính yếu về lịch sử phương Đông của trường phái Viễn Đông Bác cổ là sai lầm. Do vậy, những cuốn sử hiện có của nước ta không phản ánh đúng sự thật.


Sang thế kỷ mới, nhờ những thành tựu của công nghệ di truyền, các nhà khoa học khám phá chính xác nguồn gốc loài người và cuộc thiên di của người tiền sử rời châu Phi chiếm lĩnh thế giới. Điều vô cùng may mắn là nơi con người đặt chân đầu tiên trên lục địa châu Á là Việt Nam. Rồi từ Việt Nam, tổ tiên chúng ta lan tỏa, làm ra phần lớn dân cư thế giới…


Hơn 10 năm tập trung toàn tâm lực nghiên cứu đề này, tới nay thấy kết quả khảo cứu đã chín muồi, tôi viết kiến nghị này gửi tới các cơ quan có trách nhiệm, đề nghị NGHIÊN CỨU VÀ VIẾT LẠI LỊCH SỬ VIỆT NAM.


Để rộng đường công luận, tôi xin công bố Kiến nghị tới toàn thể đồng bào.  


Thành phố Hồ Chí Minh, 29.7.2017


Nhà văn Hà Văn Thùy
18 Tháng Mười Một 2018(Xem: 7972)