Hà Văn Thùy: Tìm hiểu nguồn gốc của quan niệm Đồng Bào

28 Tháng Sáu 201711:56 CH(Xem: 9062)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN VĂN HÓA - THỨ  NĂM 29 JUNE  2017


TÌM NGUỒN GỐC CỦA QUAN NIỆM ĐỒNG BÀO


Hà Văn Thùy


Người bạn gửi cho tôi bài báo trên tờ Sài Gòn Giải Phóng nhan đề Đồng bào là gì* và yêu cầu cho nhận xét.


Tác giả bài viết có biệt danh NGHÊ DŨ LAN tỏ ra là người hiểu biết, dẫn từ điển Thiều Chửu:


“ Bào là: (cái) bọc, anh em cùng một cha mẹ gọi là đồng bào (anh em ruột). Nói rộng ra, anh bố gọi là bào bá (bác ruột), em bố gọi là bào thúc (chú ruột). Người trong một nước cũng gọi là đồng bào, nghĩa là cùng là con cháu một ông tổ sinh ra vậy.” Rồi bình:


Cách giảng như Thiều Chửu (đồng bào: cùng là con cháu một ông tổ sinh ra) có lẽ dễ làm “vừa bụng” không ít người quen nghĩ rằng “đồng bào” là một từ do người Việt sáng tạo ra. Đơn cử là Bách khoa toàn thư mở Wikipedia (bản sửa đổi lần cuối lúc 08:43, ngày 25-1-2007) viết như sau (http://vi.wikipedia.org/...): “Đồng bào là một cách gọi giữa những người Việt Nam, có ý coi nhau như con cháu của cùng tổ tiên sinh ra. Từ đồng bào được sử dụng dựa trên truyền thuyết Trăm trứng nở trăm con. [sic] Truyền thuyết kể rằng Lạc Long Quân lấy Âu Cơ và sinh ra một bọc trứng và nở ra một trăm người con là dân tộc Việt Nam ngày nay.”


Nếu hiểu lầm chỉ dân tộc nào vốn cùng từ một “bọc” của Âu Cơ đẻ ra mới được gọi “đồng bào” thì đương nhiên hai dân tộc Hoa và Khmer không thể gọi là “đồng bào”. Quan niệm này vừa sai, vừa nguy hiểm vì nó dễ đưa tới tinh thần phân biệt, kỳ thị (discrimination) làm phân hóa sự đoàn kết các dân tộc trong cùng một lãnh thổ quốc gia!


“Sự thật, người Việt đã vay mượn hai chữ “đồng bào” từ Hán ngữ, cho nên “đồng bào” không phải là một sáng tạo của người Việt dựa theo huyền sử một bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ như Wikipedia đã “tưởng tượng”! Ta dễ dàng thấy mục từ “đồng bào” trong các từ điển chữ Hán không do người Việt soạn, chẳng hạn:


1. Mathews’Chinese-English Dictionary (Shanghai: China Inland Mission and Presbyterian Mission Press, 1931), mục từ 6615-118 giảng là “uterine brothers; compatriots” (đồng bào huynh đệ là anh em một mẹ; người cùng một nước).


2. Từ điển Hán-Việt do Hầu Hàn Giang và Mạch Vĩ Lương cùng chủ biên (Bắc Kinh: Thương Vụ ấn thư quán, 1994, tr. 663)


giảng đồng bào là: “anh chị em ruột”.


3. Chinese-English Dictionary Online (www.chinese-learner.com/dictionary) giảng là “fellow citizen or countryman”, tức đồng bào là người dân cùng một nước.


Tóm lại, đồng bào đơn giản chỉ có nghĩa là người dân có cùng quốc tịch, là công dân của cùng một nước. Vậy thì nói đồng bào người Hoa, đồng bào người Khmer là hoàn toàn đúng, là xác định hai thành phần anh em trong đại gia đình Việt Nam gồm 54 thành phần mà ta thường gọi là 54 dân tộc.”


Tuy nhiên, từ khảo cứu của mình, tôi thấy như sau:


Từ hàng vạn năm trước, người Việt chủng Australoid đã sống khắp nơi trên lưu vực Hoàng Hà và Dương Tử. Khoảng 5000 năm TCN, tại cao nguyên Hoàng Thổ miền trung Hoàng Hà, do người Việt tiếp xúc với người Mongoloid phương Bắc (những người cũng từ Việt Nam lên 40.000 năm trước nhưng do di cư riêng rẽ, giữ được nguồn gen thuần chủng, sau này sống tập trung trên đất Mông Cổ) sinh ra chủng Mongoloid phương Nam. Người Mongoloid phương Nam tăng nhân số, trở thành chủ thể của văn hóa trồng kê Ngưỡng Thiều, sau đó làm nên văn hóa Long Sơn nổi tiếng ở lưu vực Hoàng Hà. Vào thời điểm 4000 năm TCN, những thủ lĩnh người Việt là Phục Hy, rồi Thần Nông xuất hiện. Khoảng năm 2879 TCN xảy ra việc Đế Minh chia đất,  phong vương cho con là Đế Nghi và Kinh Dương Vương. Nước Xích Quỷ ra đời. Dân cư Xích Quỷ là người Việt gồm hai chủng Indonesian và Melanesian. Là những người đánh cá và đi biển thành thạo, dân cư Xích Quỷ đã giao thương bằng thuyền tới Đài Loan, Indonesia, Philippine, Việt Nam và hiểu các vùng đất này. Thời điểm này câu chuyện Lạc Long Quân-Âu Cơ sinh một bọc trăm trứng xuất hiện.


Trước đây ta chỉ biết nước Xích Quỷ qua huyền thoại. Năm 1936, các nhà khảo cổ Trung Quốc phát hiện văn hóa Lương Chử vùng Thái Hồ. Sau 80 năm nghiên cứu, từ nguồn tư liệu phong phú, họ đưa ra kết luận: có nhà nước Lương Chử cổ đại, với kinh đô Lương Chử rộng 3.000.000 m2 còn ranh giới trùng khớp với địa bàn nước Xích Quỷ truyền thyết. Đó là nhà nước sớm nhất trong lịch sử phương Đông mà chủ nhân là người Việt, trước nhà Hạ hàng nghìn năm. Từ những vật khắc bằng ngọc cho thấy người Lương Chử được gọi là Vũ nhân hay Vũ dân, liên hệ với vật tổ chim- Hồng Bàng. Từ những khám phá này, có thể tin, nhà nước Lương Chử chính là  Xích Quỷ trong truyền thuyết


 Khoảng năm 2698 TCN, xảy ra cuộc xâm lăng của người Mông Cổ phương Bắc vào Trác Lộc ở bờ nam Hoàng Hà. Trong trận này, Đế Lai (văn bản Trung Hoa ghi là Si Vưu) tử trận. Do sự xâm lấn của người Mông Cổ, người Việt vùng Núi Thái-Trong Nguồn di cư về Nam, qua sông Dương Tử, tới Việt Nam.


Theo xác nhận của nhân chủng học, trước thời Phùng Nguyên, dân cư Việt Nam gồm hai chủng Indonesian và Melanesian, cùng thuộc loại hình Australoid, được gọi là người Việt cổ. Người Mongoloid từ Núi Thái-Trong Nguồn trở về lai giống với người Việt, sinh ra người Việt chủng Mongoloid phương Nam, được gọi là người Việt hiện đại. Cụ thể hơn, lai với người Indonesian, cho ra người Mongoloid phương Nam điển hình (người Mường, Mán, Dao, Nùng, Tày, Thái…)  Lai với người Melanesian sinh ra nhóm loại hình Indonesian hiện đại của chủng Mongoloid phương Nam (người Chăm, Khmer, các sắc tộc Tây Nguyên…)


Như vậy, dân cư trên đất Việt Nam có chung tổ tiên là người di cư về nên cùng là con cháu Lạc Long Quân. Tất cả cùng suy tôn Lạc Long Quân là tổ, còn các sắc tộc (ethnicity) đều là con trong dân tộc Việt.


            Quân Mông Cổ chiếm Nam Hoàng Hà, lập nhà nước Hoàng Đế. Các vương triều Hoàng Đế lấn đất mở rộng lãnh thổ, dân Việt vùng lưu vực Hoàng Hà tiếp tục di cư về phía Nam. Khoảng 2.300 năm TCN, nước biển dâng, kinh đô Lương Chử bị chìm, nhà nước Xích Quỷ tan rã. Người Việt từ nước Xích Quỷ di tản tới Ba Thục, Thái Lan, Miến Điện, Việt Nam, Đài Loan… Người di tản mang theo truyền thuyết một bọc trăm trứng tới nơi ở mới. Trên đất Ấn, truyền thuyết của người Việt đi vào kinh Phật.


Truy nguyên nguồn gốc như vậy, ta thấy, truyền thuyết Một bọc trăm trứng xuất hiện thời Xích Quỷ. Khi Xích Quỷ tan rã, bộ phận người Việt sống trên đất Trung Hoa vẫn giữ truyền thuyết nguồn gốc của mình. Các nhà nước Trung Quốc về sau tiếp thu truyền thuyết này. Nhưng do một phần không hiểu ý nghĩa sâu xa của nó, một phần phục vụ mưu đồ chính trị nên đã diễn giảng đồng bào là người cùng trong một nước. Dù Trung Quốc có tới 5 chủng tộc khác nhau là Hán, Hồi, Mông, Mãn, Tạng thì họ vẫn dùng từ “đồng bào”.


Khái niệm “đồng bào” của người Việt vốn chỉ mối quan hệ nội bào, đồng tộc, cùng tổ tiên, dòng giống, trên đất Trung Hoa trở thành khái niệm quốc gia: mọi chủng người trong một quốc gia đều được gọi là đồng bào! Nghĩa mở rộng này được ghi vào từ điển.


Các nhà soạn từ điển phương Tây thế kỷ XIX, XX, là những học trò về văn hóa hánHa1 Hán, hoàn toàn tin rằng, chữ vuông do người Trung Quốc sáng tạo, ghi chép những sự kiện lịch sử văn hóa Trung Hoa nên đã căn cứ vào tự điển Trung Quốc để soạn thảo từ điển của mình, như tác giả bài viết đã dẫn.


Cho tới cuối thế kỷ XX chưa ai khám phá ra thực tế bi hài là, nhiều khái niệm hay tiếng của người Việt cổ để lại trên đất Trung Hoa sau này bị hiểu sai. Một chứng cứ tiêu biểu là câu Lang bạt kỳ hồ, tái trí kỳ vĩ  trong kinh Thi. Hơn 800 năm nay, các đại nho Hoa-Việt học theo Chu Hy, cho chữ “hồ” là cái yếm ở cổ con sói nên giảng: sói bước tới dẵm phải yếm, bước lui thì đạp phải đuôi. Do vậy câu thơ mang nghĩa là tiến thoái lưỡng nan. Bạn đã bao giờ thấy con sói có yếm thòng xuống ở cổ chưa? Thực tế con sói không bao giờ có yếm ở cổ cả. Ngay cả bò là loài có yếm nhưng cũng chẳng bao giờ yếm chùng xuống khiến nó dẵm phải khi bước đi! Sự thực, “hồ” vốn là chữ “hố” của người Việt, còn bạt do chữ “tạt”, “tụt” biến âm. Câu ca của người Việt vốn là: Sói tạt (tụt, ẩn nấp) vào hố, vẫn lòi cái đuôi. Nghĩa là dấu đầu hở đuôi! Mông Cổ là gì? Ít người biết rằng, từ xa xưa, người Việt ở Nam Hoàng Hà gọi vùng thảo nguyên phía bắc là Đồng Cỏ. Đồng cũng có nghĩa là Mông (đồng không mông quạnh) nên cũng gọi là Mông cỏ rồi sau chuyển thành Mông Cổ theo Đường âm! Trung Nguyên là gì? Vốn là tên người Việt gọi đồng bằng miền Trung của Hoàng Hà, thuộc châu thổ sông Nguồn của mình là Trong Nguồn. Sau nhiều biến đổi, tới thời Đường thì Trong -> Trung,  Nguồn -> Nguyên. Mất đất và mất cả tên nên sau này con cháu Việt không hiểu câu Nghĩa mẹ như nước Trong Nguồn chảy ra! Cũng như vậy, đồng bào vốn là tên gọi ban đầu của người Việt: cùng một bọc hay cùng bọc. Tới thời Đường được chuyển thành Đường âm: cùng -> đồng; bọc -> bào. Sau nữa, qua thời Thanh, quan thoại Bắc Kinh nói tủng pao. Trong khi người Quảng Đông nói tồng pào! Riêng tại đất gốc Việt Nam, người Việt vừa dùng đồng bào nhưng cũng nói một bọc!


Điều bi hài cười ra nước mắt ở đây là: chữ hay khái niệm vốn của người Việt, bị người Trung Quốc hiểu sai rồi ghi thành kinh điển. Kinh điển Tàu được chuyển thành kinh sách Tây! Ông cha ta xưa học Hán tự nên hiểu sai, bái phục các thầy Tàu: chữ thánh hiền uyên thâm! Con cháu bây giờ thông thái hơn, đọc được cả chữ Tàu chữ Tây nên càng tin sái cổ những cái… sai rồi vênh vang đem về dạy (dọa) đồng bào mình. Lý lẽ chắc nịch hàng tấn: sách Tàu nói, sách Tây nói?!


Chỉ có Cụ Lạc Long Quân, Cụ Hùng Vương từ trên cao xanh nghe mà cười ra nước mắt: cháu con vô minh tôn lũ dốt làm thầy rồi cúc cung học cái dốt!


Người Việt gọi người Hoa, Khmer, Chăm, E đê, Gia rai… là đồng bào theo quan niệm truyền thống, đó là những sắc tộc (ethnicities) cùng một huyết thống, cùng một bọc trong chủng tộc Mongoloid phương Nam của dân tộc Việt Nam.


Tháng Năm 2016


*http://www.sggp.org.vn/saigonthubay/2007/4/94382/

23 Tháng Bảy 2017(Xem: 8000)