Hà văn Thùy: Đã tới lúc khẳng định nguồn gốc của An Dương Vương

21 Tháng Sáu 201712:33 SA(Xem: 8926)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN VĂN HÓA - THỨ TƯ 21 JUNE 2017


ĐÃ TỚI LÚC KHẲNG ĐỊNH NGUỒN GỐC CỦA AN DƯƠNG VƯƠNG


image029

Đền thờ An Dương Vương tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội.


Hà Văn Thùy


Cho đến nay, giới nghiên cứu quan tâm tới Sử học nước nhà đồng thuận cho rằng, Âu Lạc là nhà nước đầu tiên của người Việt từ thời có sử. Tuy nhiên cũng cho đến nay, chúng ta chưa thống nhất về nguồn gốc của An dương Vương, người sáng lập nhà nước Âu Lạc. Hiện tồn tại hai quan điểm khác nhau:


I. An Dương Vương người nước Thục.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng An Dương Vương là người nước Thục. Sau đây là những ý kiến tiêu biểu.


1. Từ sách Trăm Việt trên vùng định mệnh (1):

Trăm Việt trên vùng định mệnh là khảo cứu công phu của tác giả Phạm Việt Châu. Nội dung sách nhiều điều còn phải bàn lại, nhưng về nguồn gốc An Dương Vương, có những điều đáng chú ý:


- Dân Ba và dân Thục đều thuộc chủng Thái (Sử Ký Tư Mã Thiên gọi là Nhung, Địch). Thái hay Tày là tên có từ thế kỷ 13 khi bị Hoa tộc lấn đất dữ dội, họ phải bỏ xứ mà Nam thiên xuống các vùng phía Nam như Miến Điện, Vân Nam, Lào, Xiêm, Bắc Việt. Trước đó họ tự gọi là Âu. Chi Âu cùng với chi Lạc trong huyền thoại cha Lạc Long, mẹ Âu Cơ đẻ Trăm Trứng.


- Chi Âu còn giữ được phần đất ở Vân Nam gọi là Nam Chiếu, lấy thành Đại Lý làm kinh đô nên cũng gọi là nước Đại Lý. Về nguồn gốc tập thể Thái của vương quốc Đại Lý, có người cho là “từ nhóm Bách Việt sinh tụ chủ yếu ở miền nam sông Dương Tử, thiên di theo hướng tây nam vào miền Vân Nam…” vào khoảng thiên kỷ thứ nhất trước Công nguyên. Thật ra thì từ trước, vùng Vân Nam cũng vốn đã có những bộ tộc Bách Việt sống rải rác nhưng chỉ sau khi đế quốc Nam Việt bị Hán thôn tính thì vùng này mới quy tụ đông đảo. Vì người Thái chẳng ai đâu xa lạ, chính là bộ tộc Lý thuộc nhóm Âu Việt ở Quảng Tây trong đế quốc Nam Việt cũ. Họ bỏ quê hương đi vì không chịu sống dưới sự đô hộ của người Hán và cũng bởi thế mới tự xưng là Thái, có nghĩa là tự do, là thoát khỏi.


- Tả Truyện chép sau khi bị Tư Mã Thác đem quân Tần chiếm nước Thục thì dân Thục bỏ xứ chạy sang nước Ba nhưng không ở lại đó vì nước Ba cũng đã bị Tần chiếm rồi. Họ nhờ đường nước Ba để sang nước Sở. Nước Sở là địa bàn của Việt tộc nhưng đã Hoa hóa nhiều rồi, bởi thế dân Thục không có ở lại đất Sở mà họ di cư xuống miền Nam, vượt Ngũ Lĩnh xuống Quý Châu. Đất Quý Châu là đất núi non, khí hậu xấu mà nghèo, nên họ không ở đó. Họ lại đi xuống nữa đến vùng Quảng Tây. Quảng Tây, Quảng Đông cũng là địa bàn của người Thái sinh sống. Đám người Thục di tản đó ở lại Quảng Tây, ngày xưa gọi là Tây Âu. Có một nơi gọi là Đông Âu, ngày nay là tỉnh Giang Tây cũng là địa bàn của chi Âu tức Thái.


2. Từ sách Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam (2):


Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam của Bình Nguyên Lộc là chuyên khảo sâu về lịch sử văn hóa Đông Nam Á. Bằng ngôn ngữ học so sánh, tác giả phát hiện mối quan hệ gần gũi giữa các sắc dân trong vùng, đưa ra những lý giải có giá trị.


- Người Ba Thục sống trên vùng cao nguyên có sông Dương Tử chảy qua tưới cho đất thêm màu mỡ. Họ đã tiến bộ, văn minh lắm. “Nước Thục rất văn minh, ít lắm cũng bằng Trung Hoa vào thuở đó và có vài nét, họ hơn hẳn Trung Hoa, vì thuở đó, họ đã biết nghề sơn mài, còn Trung Hoa thì chưa.”


- Vua Thục và một số quan lại triều đình cũng như hoàng gia bị Tư Mã Thác giết thì cũng có một số hoàng thân quốc thích, binh tướng cùng dân chúng chạy thoát xuống phương Nam, trong đó có thái tử con vua Thục, mới sanh hoặc một bà phi nào đó đang mang thai.


- Tả Truyện có chép đám di cư tỵ nạn này bị nước Sở đón đánh tại Hồ Nam là đất Nam Sở. Đó là tài liệu cổ nhất về con vua Thục di cư nhưng ít ai để ý tới. Họ chọn đường Hồ Nam cho dễ đi. Nhưng gặp người Tàu lai Việt ở đó là Sở, khác giống, họ bị đánh bật ra, mà dùng con đường khó đi hơn, là đường Quí Châu.


- Đám di cư Ba Thục này từ Quí Châu xuống Quảng Tây (Tây Âu), được ít lâu thì Tần Thủy Hoàng gồm thâu lục quốc rồi cho tướng Đồ Thư đem năm mươi vạn (500 ngàn) quân xuống chiếm đất Lĩnh Nam. Đồ Thư chiếm Quảng Đông (Nam Hải) dễ dàng và đặt bản doanh tại Phiên Ngung gần thành phố Quảng Châu ngày nay.


- Theo Hoài Nam Tử thì trong lúc tù trưởng Trạch Hu Tống bị hại, nhóm Tây Âu vô chủ thì người kiệt tuấn được dân Tây Âu cử ra lãnh đạo công cuộc chống Tần là Thục Phán vào khoảng năm 219 đến 207 trước Công Nguyên. Đám vong quốc Ba Thục bị quân Tần chiếm nước, mới xuống định cư ở Tây Âu chưa được bao lâu thì quân Tần lại theo bén gót đánh phá. Dân Ba Thục đang căm giận mất nước thì nay có dịp mặt đối mặt với kẻ thù, ắt hẳn mọi người đều liều chết cùng dân Tây Âu đánh giết quân Tần. Thục Phán, con của Thục vương vừa mới mất, được dân Ba Thục cử lên nối ngôi (vua lưu vong) và với tinh thần dũng cảm, nhiều mưu mô nên cũng được dân Tây Âu đồng lòng tôn xưng làm thủ lãnh.


- Thủy Kinh Chú viết : “Về sau, con vua nước Thục cầm đầu ba vạn quân, đến diệt Lạc Vương, Lạc Hầu và chế phục tất cả các Lạc Tướng rồi con vua nước Thục tự xưng An Dương Vương. Đó là đất Âu Lạc vậy”.


3. Giáo sư Nguyễn Đăng Thục:


Trong bài Bốn nghìn năm văn hiến (3), Giáo sư Nguyễn Đăng Thục đưa ra những nhận định khá thuyết phục.


Theo “Hoa dương quốc chí” q.3, Thục chí:


Nước Thục giao thông với bên ngoài rất phát đạt. Sự giao thông ấy lấy Điền (Vân Nam) và đất Kiềm làm chủ yếu, mà sự mở mang đất Vân Nam lại hướng vào nước Thục làm trọng tâm để buôn bán mậu dịch. Vân Nam với Bắc Việt liền tiếp với nhau, từ thời cổ xưa hai miền giao thông rất thịnh, cho nên thời cổ sự giao thông giữa Tứ Xuyên với Bắc Việt chắc hẳn là tấp nập. Bấy giờ miền hạ lưu sông Trường Giang chưa có ảnh hưởng khai hóa của Hán tộc, mãi đến thời Chiến quốc (dân mà người Hán gọi là man di phía Tây trong vùng Tứ Xuyên – Bắc Việt, và “Tây nam di ở Điền, Kiềm (Vân Nam, Quý Châu ngày nay), nước Tần, nước Sở đang đua tranh vũ lực để thôn tính, kết quả là vua nước Sở Trang Kiêu làm vua Điền (Vân Nam). Nước Tần chiếm lấy nước Ba, nước Thục, nước Kiềm tức Quý Châu.”


Lã Sĩ Bằng trong “Bắc thuộc thời kỳ đích Việt Nam” suy diễn sử kiện trên đây như sau:


“Xét về việc vua Thục bị ở đất Vũ Dương, ngày nay là Bái Sơn vị trí ở phía nam Thành đô, tên bờ sông Manh khoảng giữa đến như Bàng hương núi Bạch Lộc ngày nay ở đâu thì không thể tìm xét, chỉ nên hiểu là ở phía nam núi Bành, thế nhân vì quân Tần từ phía bắc xuống miền Nam, tập đoàn người Thục chống đối quân Tần bị thua mà hướng phương Nam để thoát lui vậy. Từ đấy về sau 59 năm có lịch sử đích thực là vua Thục Phán làm vua Việt. Chúng ta có thể suy định rằng vua Thục bị bại ở Vũ Dương, quan Tướng, Phó, Thái tử đều chết ở núi Bạch Lộc, sau đấy đảng vua Thục còn lại mới suy tôn con hay cháu nhà vua lên tiếp tục chạy về phương Nam, theo hạ lưu sông Manh tiến vào khu đất tiếp giáp giữa Qúy Châu và Vân Nam thuộc phạm vi thế lực người Sở… Nhưng khu đất giao tiếp giữa Quý Châu (Kiềm) và Vân Nam (Điền) thời Hán là Trường Kha là đất thuỷ lão nghèo nàn. Thục vốn là nước Thiên phủ, người Thục khó ở lâu tại đất ấy được, và thế lực quân Tần đang rất mạnh, dòng dõi vua Thục hết hy vọng khôi phục lại đất cũ mới tìm phát triển về phương Nam tiến vào đất bình nguyên Bắc Việt, khí hậu ôn hòa, nông sản phì nhiêu, cùng với Hùng Vương tranh chiến, nhiều phen thất bại đến đời Chu Bảo Vương năm 518 (tr.cn 257) mới chinh phục được Văn Lang.”


“Từ Chu Thuận Tĩnh làm vua 5 năm (316 tr. Tây nguyên) nước Thục mất về nước Tần, cho đến Chu Báo làm vua 58 năm (257 tr. Tây nguyên) An Dương Vương là Thục Phán xưng vua ở Việt Nam, thời gian cách nhau là 59 năm. Trong khoảng thời gian ấy, người dân nước Thục chịu sự áp bách của thế lực quân sự nhà Tần, tập đoàn chống đối quân Tần dần dần đi xuống phương Nam đi vào bắc bộ Việt nam, cùng với vua Hùng Vương nuớc Văn lang đánh nhau tranh dành. Lúc đầu vì thế lực còn yếu, luôn luôn bị thua, mãi sau mới chinh phục được Văn lang. Và việc An Dương Vương từ nước Thục đi vào nước Việt, thì sách sử xưa của Tầu và Việt đều không ghi chép lịch trình tiến triển, nhưng cuộc chiến tranh giữa nước Tần và nước Thục có thể tìm thấy dấu vết ở cuộc thiên di về phương Nam của tập đoàn vương thất nước Thục chống đối với nhà Tần.”


“Sự hiện diện của Bách bộc do Thục An Dương Vương với tập đoàn nhà Thục từ Tứ xuyên đi xuống qua Qúy Châu và Vân nam phía Tây Bắc việt ngày nay mà di tích là kiểu thành Cổ loa vốn của nước Ba thục.”


II. An Dương Vương là người Văn Lang, thuộc bộ tộc Tây Âu ở miền núi Bắc Bộ.


Chúng tôi xin dẫn ra đây khảo cứu của GS.TS Nguyễn Quang Ngọc đại diện cho khuynh hướng này:


Năm 1963, với việc Tạp chí Nghiên cứu lịch sử công bố truyền thuyết “Cẩu chủa cheng vùa” (Chín chúa tranh vua) của người Tày ở Cao Bằng, nhiều vấn đề về nguồn gốc Thục Phán - An Dương Vương đã dần dần được sáng tỏ. Theo truyền thuyết này thì Thục Phán là con Thục Chế, vua nước Nam Cương gồm 10 xứ mường, trong đó, một xứ mường trung tâm là nơi vua ở, còn 9 xứ mường xung quanh do chín chúa mường cai trị. Lãnh thổ của nước Nam Cương thuộc vào khoảng Cao Bằng và vùng nam Quảng Tây (Trung Quốc) ngày nay. Thục Chế mất, Thục Phán lên làm vua, tuy còn nhỏ tuổi nhưng đã dùng mưu trí quy phục được cả chín chúa mường, xây dựng nước Nam Cương hùng mạnh. Sau đó, Thục Phán đã lãnh đạo bộ tộc đánh thắng Văn Lang, hợp nhất lãnh thổ, lập ra nước Âu Lạc. Truyền thuyết về Chín chúa tranh vua còn được minh chứng bằng các di tích, di vật và địa danh cụ thể như Tổng Lằn (xã Thịnh Vượng, huyện Nguyên Bình), Tổng Chúp, Khau Lừa, cây đa cổ thụ ở Cao Bình, đôi guốc đá khổng lồ ở bản Thành… (các xã Hưng Đạo và Bế Triều, huyện Hoà An, Cao Bằng)


Sau khi truyền thuyết trên được công bố, nhiều nhà nghiên cứu đã hướng về Cao Bằng để tìm quê hương Thục Phán và hầu như cho đến nay đều tin rằng Thục Phán là thủ lĩnh một liên minh bộ lạc người Tây Âu (hay người Tày cổ) ở vùng núi phía bắc Bắc Bộ (Việt Nam) và nam Quảng Tây (Trung Quốc), mà trung tâm là Cao Bằng.


Năm 214 TrCN, quân Tần đã áp sát địa bàn Tây Âu và Lạc Việt. Cao Bằng- trung tâm của nước Nam Cương của Thục Phán đã trở thành tuyến đầu của cuộc kháng chiến chống Tần của cả hai bộ tộc Tây Âu, Lạc Việt. Theo sách Hoài Nam tử thì: “Trong ba năm [quân Tần] không cởi giáp dãn nỏ. Giám Lộc không có đường chở lương, lại lấy binh lính đào cừ cho thông đường lương để đánh nhau với người Việt. Giết được quân trưởng Tây Âu là Dịch Hu Tống”. Vẫn theo sách Hoài Nam tử, lúc đó trước thế mạnh của quân Tần “người Việt vào rừng ở với cầm thú, không chịu để cho quân Tần bắt. Họ cùng nhau đặt người kiệt tuấn lên làm tướng để ban đêm ra đánh nhau với quân Tần”. Người kiệt tuấn đó không phải ai khác mà chính là Thục Phán. Việc cả Âu Việt và Lạc Việt đều thống nhất cử Thục Phán làm người chỉ huy chung đã phản ánh sự trưởng thành của tinh thần yêu nước, của ý chí đoàn kết quyết tâm bảo vệ lãnh thổ. Người Việt tổ chức các trận đánh lớn liên tiếp tiêu diệt sinh lực địch, đại phá quân Tần, giết chết chủ tướng Tần là Đồ Thư, buộc nhà Tần phải bãi binh. Đây là thắng lợi oanh liệt đầu tiên của dân tộc Việt Nam ta chống lại hoạ xâm lược và nô dịch của kẻ thù phương Bắc. Sau khi kháng chiến kết thúc thắng lợi, trong điều kiện cộng đồng cư dân Lạc Việt - Tây Âu đã hình thành và uy tín của Thục Phán ngày càng cao, Thục Phán đã quyết định thay thế Hùng Vương, tự xưng là An Dương Vương, lập ra nước Âu Lạc. Tên nước Âu Lạc bao gồm hai thành tố là Âu (Tây Âu/ Âu Việt) và Lạc (Lạc Việt), phản ánh sự liên kết của hai nhóm người Lạc Việt và Tây Âu. Trong triều vua Thục vẫn có Lạc hầu và các địa phương vẫn do Lạc tướng cai quản - nghĩa là trên căn bản nhà nước Âu Lạc vẫn được tổ chức theo mô hình nhà nước Văn Lang của Hùng Vương. Lãnh thổ nước Âu Lạc cũng được mở rộng trên cơ sở sáp nhập hai vùng lãnh thổ Văn Lang và Nam Cương. Trong quá trình thành lập nước Âu Lạc chắc chắn không tránh khỏi những mâu thuẫn, thậm chí là cả những xung đột, chống đối như sách (Đại) Việt sử lược và một số thần tích, truyền thuyết dân gian phản ánh. Tuy nhiên phải thấy rõ một thực tế là nước Âu Lạc ra đời trong hào quang chiến thắng, sự thành lập nước Âu Lạc gắn liền với thắng lợi vang dội của cuộc kháng chiến chống Tần do Thục Phán lãnh đạo chứ hoàn toàn không phải là một cuộc chiến tranh thôn tính. Vì vậy, nước Âu Lạc là một bước phát triển mới, kế tục và cao hơn nước Văn Lang. Nước Âu Lạc chỉ tồn tại trong khoảng thời gian không đầy 30 năm (từ năm 208 đến năm 179 tr CN), nhưng cũng đã có những đóng góp đặc biệt to lớn vào trong tiến trình phát triển của lịch sử đất nước. (4)


III. Ý kiến chúng tôi.


Theo truyền thống, nhà nghiên cứu Việt Nam rất chắt chiu tôn trọng mỗi dòng mỗi chữ trong cổ thư Trung Hoa viết về đất nước mình. Nhưng không hiểu sao, trong trường hợp của An Dương Vương lại không như vậy? Như trên đã dẫn, những cuốn sử quan trọng của Trung Quốc cũng như Việt Nam như Sử ký, Hoài Nam tử, Tả truyện, Thủy kinh chú, Hoa Dương quốc chí… đều nói rằng: Thục Phán người nước Thục. Có sách còn nói rõ quá trình chạy trốn của triều đình Thục lưu vong và tính toán thời gian từ trận đánh cuối cùng ở Bách Lộc tới khi An Dương Vương lên ngôi, tưởng như không còn gì hợp lý hơn! Nhưng vì sao nguồn tư liệu quý giá này bị bỏ qua? Trong khi đó, tất cả những tác giả hàng đầu của Sử học Việt Nam đồng thuận đưa ra một kết luận đẹp nhưng mong manh, thiếu thuyết phục: An Dương Vương người Văn Lang!


Chúng tôi thấy rằng, từ các tư liệu thành văn hiện có, hoàn toàn đủ cơ sở xác nhận An Dương Vương là người nước Thục. Có người lấy cớ, cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều không có họ Thục để phản bác. Tuy nhiên, việc lấy họ theo tên đất vốn là tập tục phương Đông. Không quan tâm tới Chế và Phán họ gì. Nhưng biết là người Thục nên người Văn Lang lấy chữ Thục làm họ của những người này.


Vấn đề còn lại phải bàn tiếp: người Thục là ai? Nhiều người, trong đó có những học giả hàng đầu của chúng ta, theo định kiến từ xa xưa, cho rằng: Thục là đất Trung Quốc nên người Thục là người Trung Quốc! Có thể thấy ở đây ẩn hiện của bóng ma dân tộc chủ nghĩa: Thục Phán người Trung Quốc nên ông không thể là vua của Âu Lạc. Do vậy, cố bắt ông thành người Tày Cao Bằng!


Tuy nhiên, những tác giả như Bình Nguyên Lộc, Phạm Việt Châu, Nguyễn Đăng Thục… thì thực chứng hơn, dựa vào nơi phát tích, vào mối quan hệ thân tộc với những cộng đồng dân cư gần gũi cho rằng người Thục là một dòng Lạc Việt từ xa xưa sống ở Nam Trung Quốc. Tiếc rằng ý kiến này không được thừa nhận.


Rất mừng là sang thế kỷ mới, nhờ di truyền học đọc được cuốn thiên thư ADN ghi trong máu huyết dân cư châu Á, vấn đề được sáng tỏ:


- Khoảng 40.000 năm trước, người Lạc Việt chủng Indonesian [mã di truyền M122 thuộc Haplogroup O1 (Y-DNA)] (5) từ vùng núi Bắc Bộ đi lên khai phá Hoa lục theo con đường Ba Thục, tới tận Nam Hoàng Hà, trở thành chủ nhân đồng bằng Trong Nguồn (nay là Trung Nguyên). Cộng đồng Lạc Việt này về sau được gọi là Tày-Thái. Cùng thời gian Kinh Dương Vương lập nước Xích Quỷ thì nơi đây ra đời nước Ba Thục cổ. Người Ba Thục xây dựng nền văn minh đá mới rực rỡ: 25.000 năm trước có mặt ở Động Người Tiên (Quảng Tây). 20.000 năm trước, làm ra đồ gốm đầu tiên của nhân loại. Và 12.400 năm trước thuần hóa thành công lúa nước. 6.000 năm trước sáng tạo chữ tượng hình Cảm Tang khắc trên xương, trên đá.


- Năm 2.698 TCN, người Mông Cổ đánh vào Trác Lộc, chiếm một phần đồng bằng Trong Nguồn. Một bộ phận người Việt sống trong vương quốc Hoàng Đế. Có người con gái Thái làm nguyên phi của Đế Khốc, sinh ra tổ nhà Thương và nhà Chu. Ở vùng đất còn lại, người Việt kiên quyết kháng chiến, giữ gìn độc lập. Trong đó có nhà nước Ba Thục mà sử sách Trung Hoa gọi là Tây nhung. Khoảng 1600 năm TCN, nước Ba Thục của Tàm Tùng xuất hiện, với nền văn minh rực rỡ là tòa thành vững chãi, bức tượng đồng lớn nhất thế giới và những đồ thờ đồng thau tinh xảo. Nay là di chỉ văn hóa Gò Ba Sao nổi tiếng. Tại đây cũng phát hiện hàng chục xác voi châu Á, được đưa từ Việt Nam tới.(6)


Năm 316 TCN nhà Tần chiếm nước Thục, mở đầu cuộc trốn chạy của triều đình lưu vong nhà Thục. Có thể giải thích thời kỳ lịch sử này như sau: Trong lúc chạy trốn cuộc tàn sát, đoàn người lưu vong chạy về Nam, theo con đường xa xưa tổ tiên đã đi lên và cũng là con đường thương mại nối Bắc Việt Nam và Ba Thục. 500-700 km không phải không thể vượt qua với đoàn quan quân đi tìm đường sống. Tới Văn Lang, đoàn người lưu vong gặp lại đất gốc của tổ tiên từ xa xưa, gặp đồng bào cùng huyết thống, tiếng nói và văn hóa. Trước đồng bào tị nạn trở về, vua Hùng không thể đối xử nhẫn tâm. Trên thực tế, cũng không thể trục xuất một đoàn quan quân đã cùng đường nên đành chấp nhận cho ở nhờ. Những rắc rối phát sinh. Không chỉ với nhà vua mà còn với những tù trưởng khu vực. Đoàn người của Thục Chế bằng mọi cách tăng cường thế lực. Những tranh chấp nảy sinh. Cuối cùng Thục Phán thu phục được các bộ tộc khác ở vùng núi Bắc Bộ, Vân Nam, Quảng Tây, lập nhà nước Nam Cương. Đó là điều không có trong cổ thư Trung Hoa nhưng tồn tại nơi ký ức cộng đồng thành tryền thuyết “Chín chúa tranh vua.”


Rồi từ đây Thục Phán lãnh đạo nhà nước Nam Cương cùng dân Văn Lang đánh quân Tần, diệt Đồ Thư. Sau đó thôn tính Văn Lang thành lập Âu Lạc. Thục Phán người nước Thục nhưng đã trở thành thủ lĩnh nước Nam Cương nên việc chiếm Văn Lang không còn là xâm lăng mà trở thành cuộc sáp nhập hai tiểu quốc của người Việt thành nhà nước thống nhất.


Chúng tôi cho rằng, cách lý giải như vậy thỏa đáng hơn cả. Kết luận này cũng khám phá xu hướng phát triển của dân tộc Việt Nam:


- Thoạt kỳ thủy, người Lạc Việt chủng Indonesian (mã di truyền Australoid) từ Việt Nam đi lên khai phá Hoa lục. Tại văn hóa Ngưỡng Thiều ở Nam Hoàng Hà, khoảng 7.000 năm trước gặp gỡ người Mông Cổ phương Bắc (North Mongoloid), được chuyển hóa thành người Lạc Việt chủng Mongoloid phương Nam.


- Từ Núi Thái-Trong Nguồn, sau cuộc xâm lăng của Hoàng Đế, người Lạc Việt Mongoloid phương Nam trở về Việt Nam, chuyển hóa dân cư Việt Nam sang chủng Mongoloid phương Nam.


- Những nhân tài, người hiền Lạc Việt từ Hoa lục trở về góp trí tuệ và công sức phát triển đất nước Việt Nam. Mở đầu là Lạc Long Quân, Hùng Vương. Tiếp theo là An Dương Vương, Triệu Vũ Đế rồi Lý Bôn, nhà Lý, nhà Trần.


Khám phá trên cũng cho thấy thành quả của phương cách viết sử kết hợp giữa cổ thư với truyền thuyết và tài liệu điền dã. Do nước ta có chữ muộn, lại bị ngoại bang chiếm đóng thời gian dài nên ghi chép lịch sử rất hạn chế. Trong khi nhiều sự kiện lịch sử vẫn để lại dấu vết trên thực địa hoặc đi vào những câu truyện lan truyền trong dân gian. Từ thế kỷ trước, do ảnh hưởng của học giả phương Tây, quá coi trọng văn tự trong khi bài bác truyền thuyết, huyền thoại nên học giả người Việt ngại việc tìm hiểu thực địa cũng như sử dụng truyền thuyết. Việc dùng truyền thuyết Chín chúa tranh vua kết hợp cổ thư và khảo sát thực địa để khám phá nguồn gốc của An Dương Vương là kinh nghiệm hay để tiếp tục làm rõ nhiều sự kiện còn bí ẩn của lịch sử Việt Nam.


Sài Gòn 12.6.17


Tài liệu tham khảo


1.Phạm Việt Châu. Trăm Việt trên vùng định mệnh


https://phamthientho.wordpress.com/2015/09/03/tram-viet-tren-vung-dinh-menh-pham-viet-chau/


2. Bình Nguyên Lộc. Nguồn gốc Mã lai của dân tộc Việt Nam.


http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/thu-vien-so-sach-anh-video/tu-sach-van-hoa-hoc/787-binh-nguyen-loc-nguon-goc-ma-lai-cua-dan-toc-vn-1.html


3. Nguyễn Đăng Thục. Bốn nghìn năm văn hiến http://newvietart.com/index4.327.html


4. Nguyễn Quang Ngọc. Vấn đề nguồn gốc của Thục Phán và sự thành lập nước Âu Lạc : (http://repository.vnu.edu.vn/bitstream/VNU_123/237/1/Nguyen%20Quang%20Ngoc.pdf)


5. The free encyclopedia - Liangzhu culture: “Một phân tích năm 2007 của DNA phục hồi từ người vẫn còn ở địa điểm khảo cổ của người tiền sử trên sông Dương Tử cho thấy tần số cao của Haplogroup O1 (Y-DNA) trong văn hóa Lương Chử, liên kết chúng với dân cư văn hóa Austronesian và Tai-Kadai.” Dân cư Việt cổ thuộc Haplogroup O1 (Y-DNA). Người Tày-Thái thuộc Lạc Việt (chủng Indonesian), mang mã di truyền M122.


6. Hao Sun et al. Autosomal STRs Provide Genetic Evidence for the Hypothesis That Tai People Originate from Southern China.


http://journals.plos.org/plosone/article?id=10.1371/journal.pone.0060822


In the southern origin hypothesis, many Chinese ethnologists [5], [6], [13] believe that today’s Tai people migrated from southern China and that they share a recent common ancestor, which named “Yue” people, with other Tai-Kadai speakers who lived in southern China, such as the Zhuang and the Mulao.


“Trong giả thuyết nguồn gốc miền Nam, nhiều nhà nghiên cứu dân tộc học Trung Quốc [5], [6], [13] tin rằng người Thái hiện nay di cư từ miền Nam Trung Quốc và họ chia sẻ một tổ tiên gần đây, có tên "Yue" (Việt), cùng với những người nói tiếng Tày-Thái sống ở miền nam Trung Quốc, chẳng hạn như Zhuang và Mulao.”
06 Tháng Sáu 2019(Xem: 6972)
"Nam tiến", quá trình các nhóm người Việt tiến về phía nam, mở mang lãnh thổ từ Quảng Bình đến Hà Tiên giữa các thế kỷ XIV-XIX được coi là một trang sử lớn và quan trọng trong tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam.
09 Tháng Năm 2019(Xem: 7522)
15 Tháng Tư 2019(Xem: 8384)