Nguyễn Thị Việt Nga :VĂN HỌC MIỀN NAM 1954-1975

16 Tháng Ba 201711:40 CH(Xem: 10516)

"VĂN HÓA ONLINE-CALIFORNIA"  THỨ  SÁU  17  MAR  2017


VĂN HỌC MIỀN NAM 1954-1975 (23): Sự hiện diện của triết học và văn học hiện sinh ở đô thị miền Nam 1954- 1975


image021


Nguyễn Thị Việt Nga


  Triết học hiện sinh và văn học hiện sinh có ảnh hưởng lớn đến sáng tác của các nhà văn đô thị miền Nam 1954 – 1975, đặc biệt là thể loại tiểu thuyết, thể loại thuận lợi nhất trong việc chuyển tải những vấn đề về thân phận con người qua những hình tượng nhân vật sinh động. Sự ảnh hưởng này đã mang lại cho văn học đô thị miền Nam một diện mạo riêng, trong đó có những bước tiến đáng được ghi nhận và cũng có không ít hạn chế. Bởi vậy, tiếp cận văn học đô thị miền Nam 1954 – 1975 cần có tinh thần “gạn đục khơi trong” một cách thực sự khoa học, công bằng


1. Bối cảnh lịch sử xã hội, văn hóa của đô thị miền Nam 1954- 1975


1.1. Bối cảnh lịch sử, xã hội


Xã hội đô thị miền Nam 1954 – 1975 vô cùng rối ren về chính trị. Trong khi miền Bắc xây dựng xã hội chủ nghĩa, miền Nam vẫn phải sống trong bom đạn chiến tranh, dưới sự cai trị của chính quyền Sài Gòn và chủ nghĩa thực dân kiểu mới của Mỹ. Có sự giành giật gay gắt giữa chủ nghĩa thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ với chủ nghĩa thực dân kiểu cũ của thực dân Pháp. Tình hình chính trị xã hội luôn luôn bất ổn. Không khí căng thẳng bao trùm. Mỹ – Diệm vừa mua chuộc vừa dùng bạo lực thủ tiêu các thế lực trong các giáo phái, phe phái chống đối chúng. Những mâu thuẫn trong nội bộ chính quyền Sài Gòn ngấm ngầm phát triển. Những phong trào đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính trị nổ ra liên tiếp làm chế độ Ngô Đình Diệm ngày càng khủng hoảng sâu sắc. Chính quyền Sài Gòn lâm vào bị động, lúng túng. Các tướng lĩnh đầu sỏ đứng ra vận động chống Ngô Đình Diệm, bàn mưu kế lật đổ anh em Diệm, Nhu. Mỹ ủng hộ nhóm tướng lĩnh do Dương Văn Minh cầm đầu đảo chính lật đổ chế độ, giết chết anh em Ngô Đình Diệm (1/1963). Sau đó nhiều cuộc đảo chính khác liên tiếp xảy ra. Sự bất ổn về chính trị kéo theo sự bất ổn về nhiều mặt trong cuộc sống.


Bên cạnh sự rối ren về chính trị là tình hình chiến tranh ngày càng khốc liệt hơn. Nhằm chia cắt lâu dài đất nước ta, thực hiện chủ nghĩa thực dân kiểu mới, Mỹ ồ ạt cho đổ quân vào miền Nam. Không khí đàn áp, khủng bố bao trùm.


Trong bối cảnh phức tạp ấy, tâm trạng chung của con người là căng thẳng, lo âu, luôn cảm thấy bất an. Nhiều cuộc đấu tranh đòi tự do, dân chủ, dân sinh, dân quyền, đấu tranh bảo vệ văn hóa dân tộc, chống sự xâm lăng của văn hóa nước ngoài, đòi Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam… liên tiếp nổ ra.


1.2 . Bối cảnh văn hoá


Cùng với sự đổ quân ồ ạt của Mỹ vào miền Nam là những tư tưởng văn hóa phương Tây, văn hóa Mỹ, lối sống Tây – Mỹ cũng được du nhập nhanh chóng, tác động rõ rệt đến đời sống tư tưởng, văn học ở đô thị miền Nam 1954 – 1975. Xã hội đô thị miền Nam giai đoạn 1954- 1975 pha trộn nhiều nền văn hoá, cả phương Đông lẫn phương Tây, nhưng rõ rệt nhất, đậm nhất là văn hoá phương Tây và văn hoá Mỹ. Nhiều trường phái triết học, mỹ học, lý luận phê bình văn học cùng tràn vào đô thị miền Nam, cùng tồn tại, tạo nên một diện mạo văn hoá hết sức đa dạng, đời sống văn hoá vô cùng sôi động.


Về xuất bản: đây là thời kỳ “trăm hoa đua nở” của các nhà xuất bản. Theo thống kê của Võ Phiến trong cuốn “Văn học miền Nam” thì riêng ở đô thành Sài Gòn thời kỳ này đã có cả nghìn nhà in, 150 nhà xuất bản. Việc phổ biến tác phẩm văn học nghệ thuật trở nên vô cùng thuận lợi. Đời sống văn học sôi động, nhu cầu thưởng thức văn học rất lớn. Có những tác phẩm, chỉ trong vòng mấy năm đã được in đến 9 lần, với số lượng hơn 100.000 bản mà vẫn không đủ cho nhu cầu bạn đọc như tiểu thuyết “Bên dòng sông Trẹm” của Dương Hà (bản in lần thứ 9 xuất bản năm 1971). Các tác phẩm văn học được xuất bản, bên cạnh những sáng tác của các tác giả đương thời có một khối lượng lớn tác phẩm của các tác giả đông, tây, kim cổ được giới thiệu, từ các nhà thơ cổ điển Việt Nam như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương đến các tác giả tiền chiến miền Bắc như Xuân Diệu, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan… Từ các tác phẩm văn học cổ điển Trung Quốc đến tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung… Từ văn học Nga đến văn học Mỹ, Pháp, Anh…


Bên cạnh việc xuất bản sách, báo chí cũng “nở rộ” không kém. Theo thống kê của Đoàn Thêm, ngay năm 1959 đã “có 15 tuần báo, 31 nguyệt san và bán nguyệt san, 32 đặc san xuất bản khá đều trong thực tế, hàng tuần hay hàng tháng, tổng cộng 78 tạp chí Việt ngữ” [34]. Đội ngũ báo chí hùng hậu ấy đã đóng góp khá đáng kể cho sự phát triển đa dạng của văn hóa, văn nghệ….


Trong lĩnh vực triết học: nhiều nền triết học, trào lưu, trường phái được giới thiệu, từ triết học phương Đông đến triết học phương Tây, từ triết học cổ điển đến triết học hiện đại thế kỷ XX…vv. Tuy nhiên, triết học phương tây hiện đại, đặc biệt là triết học hiện sinh được quan tâm và ưa chuộng nhất.


Về lý luận phê bình văn học: có nhiều trường phái LLPB phương Tây được giới thiệu như chủ nghĩa hiện sinh, phân tâm học, mỹ học tiếp nhận, cấu trúc luận, hiện tượng luận… Có sự tồn tại song song nhiều khuynh hướng LLPB: LLPB chịu ảnh hưởng phương Tây, LLPB chịu ảnh hưởng quan điểm Mác – xít, LLPB chịu ảnh hưởng tư tưởng tôn giáo… Sinh hoạt văn hoá vô cùng sôi động. Nhiều cuộc tranh luận, hội thảo, thảo luận về các vấn đề văn hoá được mở ra trên báo chí, được tổ chức trong các trường đại học, các tổ chức văn hoá xã hội… Những cuộc triển lãm sách báo, văn chương, hội họa, nhiếp ảnh… được tổ chức đều đặn, trong đó có triển lãm sách do các tổ chức trong nước tiến hành, có cả những triển lãm sách do các tổ chức nước ngoài đảm nhiệm.


Dịch thuật cũng phát triển rất mạnh mẽ trong giai đoạn này. Ngay từ năm 1957, Nguyễn Hiến Lê đã xác định “Dịch văn ngoại quốc là một việc vô cùng bổ ích. Ta có thể nhờ nó mà kiếm được cách áp dụng văn phạm của người một cách thông minh, khéo léo vào văn phạm của ta mà làm cho Việt ngữ phong phú thêm, tế nhị thêm (…) Dịch văn ngoại quốc là một cách luyện văn rất có hiệu quả: nó tập cho ta tìm tòi, cân nhắc từng chữ để diễn đúng ý của tác giả; nó lại cho ta cơ hội học được bút pháp của các văn hào trên thế giới” [12]. Nhận thức được tầm quan trọng của việc dịch sách, Nguyễn Hiến Lê còn đề nghị xây dựng chương trình dịch sách ngoại quốc một cách bài bản, công phu để có thể giới thiệu được những kiệt tác thế giới cho độc giả trong nước. [13]. Tác phẩm dịch không chỉ gói gọn trong những cuốn được xuất bản, mà còn một phần sôi động hơn rất nhiều nằm trên các báo, tạp chí. Hầu như tờ tạp chí nào cũng giới thiệu tác phẩm dịch, gồm cả truyện, thơ, kịch, những bài nghiên cứu, trao đổi, phỏng vấn các tác giả nước ngoài, triết học, lý luận, phê bình văn học…vv. Những tác giả nổi tiếng trên thế giới được lần lượt giới thiệu khiến đời sống văn học thêm phần phong phú. Sang giai đoạn 1961 – 1975, sách dịch phát triển rất mạnh, đặc biệt là sách triết học và tiểu thuyết. Nhiều tác phẩm, công trình đồ sộ được dịch sang tiếng Việt. “Thị phần sách dịch theo Võ Phiến đã có một thời vào năm 1970 chiếm đến 60% và đến năm 1972 đã lên đến 80% toàn bộ đầu sách xuất bản ở miền Nam. Theo kết quả điều tra tiến hành vào tháng 7/1976, số sách dịch của miền Nam trong 20 năm bao gồm: Đức 57 đầu sách, Ý 58, Nhật 71, Anh 97, Mỹ 273, Pháp 499, Đài Loan và Hương Cảng 358, Nga 120, còn lại những nước khác 381″ [17]. Những tác giả được dịch nhiều nhất là J.P. Sartre, A. Camus, F. Sagan, P. Buck, St Exupery, E. Hemingway, Hermann Hesse, Kim Dung, Quỳnh Giao… Các dịch giả quen thuộc với bạn đọc trên các báo và tạp chí là Cô Liêu, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Châu, Vũ Anh Tuấn, Vi Huyền Đắc,Quốc Dũng, Vũ Ký, Đặng Trần Huân, Phong Nhã, Hà Hữu Nguiên, Nguyễn Minh Hoàng, Trần Phong, Lương Ngọc, Nguyễn Văn Trung, Trần Hương Tử (bút danh của Trần Thái Đỉnh)…Với sách dịch, những dịch giả quen thuộc là: Bùi Giáng, Phùng Thăng, Trần Phong Giao, Hoàng Thiện Nguyễn, Mai Vi Phúc, Phạm Bích Thủy, Trần Thiện Đạo, Võ Văn Dung, Lê Thanh Hoàng, Thụ Nhân, Nguyễn Hữu Hiệu, Bửu Nghi, Từ An Tùng, Từ Huệ, Trần Công Tiến, Phạm Công Thiện, Trần Thái Đỉnh…vv


Bên cạnh đó, các văn nhóm xuất hiện nhiều. Có thể kể đến nhóm người Việt (sau là Sáng Tạo), nhóm Quan Điểm, nhóm Văn Hóa Ngày Nay, nhóm Nhân Loại, nhóm Khởi Hành, nhóm Thời Tập, nhóm Tuổi Ngọc, nhóm Văn… Mỗi nhóm lại có riêng một tờ báo, tạp chí và thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động văn học nghệ thuật như hội thảo, diễn thuyết, triển lãm…


Trong bối cảnh văn hoá đa dạng và sôi động ấy, nổi bật lên sự ảnh hưởng của văn hoá phương Tây và văn hoá Mỹ vào xã hội đô thị miền Nam, đặc biệt là ảnh hưởng của triết học hiện sinh trên tất cả mọi mặt của đời sống, từ lối sống đến học thuật, từ sáng tác đến lý luận phê bình…


2. Triết học hiện sinh ở đô thị miền Nam 1954 – 1975


Triết học hiện sinh du nhập vào đô thị miền Nam khá sớm. Ngay từ những năm 1955, khi triết học hiện sinh ra đời trên quê hương nó mới được vài thập kỷ thì ở đô thị miền Nam, trào lưu triết học mới mẻ này đã bắt đầu được giới thiệu. Nhìn tổng thể, có thể tạm thời phân chia làm 2 giai đoạn hiện diện của triết học hiện sinh ở đô thị miền Nam 1954 – 1975.


- Giai đoạn 1954- 1960: Từ năm 1955, chủ nghĩa hiện sinh đã có mặt ở đô thị miền Nam, trong chương trình hệ thống giáo dục tiếng Pháp, tiếng Việt ở bộ môn Siêu hình học, Đạo đức học, trong các trường đại học: Văn khoa Sài Gòn, Văn khoa Huế, Đại học Vạn Hạnh, Đại học Đà Lạt… Trong giai đoạn này, đã có nhiều học viên cao học, nghiên cứu sinh chọn chủ nghĩa hiện sinh làm đề tài nghiên cứu. Nhiều tổ chức văn hoá xã hội đã tổ chức diễn thuyết về chủ nghĩa hiện sinh như Viện Văn hoá Pháp, Hội Thân hữu Văn khoa, Cơ sở Văn hoá Á Châu… Triết học hiện sinh dần dần trở thành trào lưu tư tưởng có sức hấp dẫn, lôi cuốn với đông đảo trí thức, thanh niên. Tuy nhiên, giai đoạn đầu tiên này, triết học hiện sinh vẫn khiên tốn hiện diện trong các nhà trường là chủ yếu. Hệ tư tưởng chính thống bao trùm đô thị miền Nam giai đoạn này là chủ nghĩa duy linh nhân vị của Ngô Đình Diệm. Có rải rác một số bài viết về hiện sinh trên sách báo như “Văn chương và siêu hình học” của Nguyễn Văn Trung [37]; “Nhận định đại cương về triết học hiện hữu” của Nguyên Sa [26] ; “Phật giáo và chủ nghĩa hiện sinh J.P. Sartre” [18] và “Khái niệm về chủ nghĩa hiện sinh” của Quang Minh [19]; “Trình bày và phê bình hai quan điểm nổi loạn của Camus” của Thạch Chương [5]; “Vị trí của trào lưu hiện sinh trong lịch sử triết lý” của Trần Văn Toàn [31];“Albert Camus và triết lý chống đối” [15; và “Lập trường văn nghệ của Albert Camus” [16] của Cô Liêu; Nietzsche (1844 – 1940) con người siêu việt của Nguyễn Anh Linh [14] … Tuy các bài viết về triết học hiện sinh mới xuất hiện ở mức độ “khiêm tốn” ban đầu trên báo chí, nhưng cũng đã cung cấp cho bạn đọc những vấn đề cơ bản nhất của triết lý này. Triết học hiện sinh đã được giới thiệu từ khái quát cho đến những tác giả cụ thể, để chỉ trong một thời gian ngắn, người đọc đã không còn bỡ ngỡ, xa lạ với nó nữa. Hơn nữa, thái độ của các tác giả trong những bài viết trên tỏ ra rất tán đồng những quan điểm của triết học hiện sinh. Họ coi đây là một triết lý mới mẻ, cần cổ vũ bởi nó bênh vực con người, thông cảm với những nỗi đau khổ của con người trần thế và cổ vũ con người không ngừng tiến lên để thực hiện sứ mệnh cao cả của mình. Trong bài viết “Lập trường văn nghệ của Albert Camus”, tác giả Cô Liêu chỉ rõ “Camus lấy văn nghệ làm phương tiện diễn đạt tư tưởng triết lý . Đối với ông, nghệ sỹ phải phủ nhận đời vô lý đồng thời lãnh lấy trách nhiệm nâng đời sống lên một trình độ cao hơn”. Tác giả cũng khẳng định rằng triết lý hiện sinh của Camus được thể hiện trong văn chương khi được phổ biến rộng rãi sẽ có tác dụng lớn đối với các nhà văn trong nước: “Những nguyên tắc trên đây có thể gợi cho ta nhiều ý tứ về sự sáng tác văn nghệ như đối với các vấn đề văn nghệ gia nhập và vô gia nhập, thế nào là yếu tố xây dựng trong văn nghệ, thế nào là nhân chứng của thời đại, thế nào là một tác phẩm hay” [16]. Triết lý hiện sinh ấy được Cô Liêu khai thác khá sâu và đề cao, coi triết lý ấy là “một phương pháp thức tỉnh lương tâm để tạo lập những giá trị mới cho đời sống” [15].


- Giai đoạn 1961 – 1975: Đến khi chủ nghĩa hiện sinh được giới thiệu nhiều trên sách báo thì ảnh hưởng của nó thực sự sâu rộng và mạnh mẽ. Sự sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm cùng hệ tư tưởng của nó, sự ngột ngạt, bế tắc đến cùng quẫn trong cuộc sống người dân, sự khốc liệt của chiến tranh… khiến chủ nghĩa hiện sinh có điều kiện bám rễ sâu hơn, phát triển mạnh mẽ hơn trong xã hội. Hơn nữa, khi chủ nghĩa duy linh nhân vị không còn vị trí vững chắc trong đời sống tinh thần xã hội thì chính quyền Sài Gòn đã nhắm đến chủ nghĩa hiện sinh, coi đó là thứ công cụ tư tưởng mới để thực hiện việc xây dựng nền văn hóa thực dân kiểu mới. Từ 1961 trở đi, triết học hiện sinh được giới thiệu một cách rộng rãi và có hệ thống trên báo chí. Nhiều tác phẩm, công trình về triết học hiện sinh được xuất bản, làm sôi động, phong phú đời sống văn hoá. Từ tháng 1/1961 đến tháng 11/ 1962, tạp chí Bách Khoa đăng tải loạt bài giới thiệu về chủ nghĩa hiện sinh của tác giả Trần Hương Tử (bút danh của Trần Thái Đỉnh). Với văn phong khúc chiết, cách trình bày giản dị, dễ hiểu, những bài viết ấy nhanh chóng đi sâu vào lòng đông đảo bạn đọc. Trần Hương Tử lần lượt giới thiệu từ khái quát về triết hiện sinh đến những triết gia tiêu biểu. Ở mỗi triết gia, tác giả cố gắng nêu được những vấn đề nổi bật nhất như: Kieerkegaard-, ông tổ hiện sinh trung thực; Nietzsche, ông tổ hiện sinh vô thần; Jaspers, hiện sinh và siêu việt… Tác giả đã nhấn mạnh về sự khác biệt lớn giữa hai ngành hiện sinh hữu thần và vô thần, giữa các triết gia hiện sinh. Loạt bài viết này thể hiện sự nghiên cứu rất công phu, nghiêm túc. Năm 1967, loạt bài này được in thành cuốn “Triết học hiện sinh”. Tiếp sau đó, nhiều bài báo, nhiều công trình về triết học hiện sinh liên tiếp được giới thiệu, xuất bản. Nhiều bài báo sau này được tập hợp in thành sách. Hầu hết các tác giả triết học hiện sinh tiêu biểu như Kierkegaard, Heidegger, Nietzsche, Sartre… đều lần lượt được giới thiệu.


Không chỉ đơn thuần giới thiệu nội dung chính của triết học hiện sinh hay tinh thần chung của mỗi triết gia mà triết học hiện sinh còn được nghiên cứu sâu, soi chiếu dưới nhiều lăng kính, đối chiếu với các tư tưởng triết học khác để tìm ra sự độc đáo hay những nét tương đồng, đặc biệt triết hiện sinh hay được các tác giả đặt trong cái nhìn đối sánh với tư tưởng Phật giáo. (Điều này cũng có nguyên do, trước khi triết học hiện sinh cắm rễ sâu trong lòng xã hội đô thị miền Nam thì đạo Phật đã có ảnh hưởng rất rộng rãi tại đây). Người ta nhận thấy tư tưởng của Phật giáo và tư tưởng hiện sinh có nhiều nét gần gũi nhau, như quan niệm về cuộc đời bể khổ, thân phận con người bé nhỏ, bơ vơ… Những bài viết nhìn triết học hiện sinh trong cái nhìn đối sánh với Phật giáo có thể kể đến: “Vào đạo Phật qua lối ngõ của J.P. Sartre” của Thích Đức Nhuận [20];”Nietzsche và Mật Tông” của Ngô Trọng Anh [4]; “Đức Phật và Nietzsche” [7]; và “Trầm tư về cái chết trong tư tưởng Heidegger và Phật giáo” của Chơn Hạnh [8]… Những vấn đề của triết học hiện sinh được lật đi lật lại, soi chiếu từ triết gia này sang triết gia khác, như: “Thời gian qua Kant, Hegel và Huserl” của Ngô Trọng Anh [3]; “Từ dự phóng triết học Husserl đến dự phóng triết học Heidegger” của Trần Công Tiến [30]..


Nếu như giai đoạn trước, triết học hiện sinh mới chỉ được giới thiệu qua các bài báo thì đến giai đoạn này có nhiều công trình “dài hơi” nghiên cứu về nó, tiêu biểu như: Lê Tôn Nghiêm với các cuốn Heidegger trước sự phá sản của tư tưởng Tây phương [22]; Đâu là căn nguyên tư tưởng hay con đường triết lý từ Kant đến Heidegger [21]; Những vấn đề triết học hiện đại [23]; Lê Thành Trị với chuyên khảo Hiện tượng luận về hiện sinh [36] , Triết học tổng quát [38]; Nghiêm Xuân Hồng với Nguyên tử, hiện sinh và hư vô [10], Bùi Giáng với Tư tưởng hiện đại [9] … Rồi các nhà nghiên cứu Tam Ích, Vũ Đình Lưu, Thế Phong, Nguyễn Trọng văn, Đặng Phùng Quân, Huỳnh Phan Anh, Trần Xuân Kiêm, Trần Công Tiến, Nguyễn Quốc Trụ… cũng đóng góp nhiều công trình, bài viết về triết học hiện sinh, khiến cho triết học hiện sinh trở thành trào lưu tư tưởng được quan tâm nhất trong giai đoạn này.


Thái độ của các nhà nghiên cứu trước triết học hiện sinh là sự cổ vũ, trân trọng, đồng tình và cả những cố gắng để “minh oan” cho nó, khi trong xã hội, nhiều người lên án hiện sinh bởi phần “bọt bèo” của nó. Trong “Lời nói đầu” của cuốn “Triết học hiện sinh” xuất bản năm 1967, Trần Thái Đỉnh đã chỉ ra hai thái độ đối với triết hiện sinh: “Giới bảo thủ không biết rõ bộ mặt triết hiện sinh ra sao, nhưng nơm nớp coi nó như một thứ dịch tả, một thứ vi trùng gieo rắc ngông cuồng và phá phách. Giới thanh thiếu niên phần nhiều cũng chưa hiểu thế nào là triết hiện sinh, nhưng hăng nồng chào đón nó như một tin vui đang về, một tin còn hoang mang mơ hồ, nhưng chính vì thế mà dễ làm thỏa mãn ước mơ của họ” [6,10]. Quan điểm của Trần Thái Đỉnh là: “Triết học hiện sinh có thể nguy hiểm và xấu nữa. Nhưng nguy hiểm ở chỗ nào và xấu ở chỗ nào? Bao lâu chúng ta chưa nói một cách đứng đắn và đích xác, thanh thiếu niên vẫn chưa nghe lời chúng ta, và mối nguy hiểm vẫn cứ còn mãi. (…) thuyết hiện sinh có chứa đựng rất nhiều mầm mống tốt trộn lẫn với mầm mống xấu: chính vì những vẻ tốt đẹp kia đã quyến rũ thanh thiếu niên, nhưng vì họ chưa đủ tinh tường để phân biệt, cho nên họ nuốt luôn cả những chất độc pha trộn nơi đó” [6,15- 16]. Bởi vậy, Trần Thái Đỉnh chủ trương “phân biệt rõ ràng” trong mọi sự khen chê, để triết hiện sinh được hiểu đúng, đánh giá đúng. Trong “Lời nói đầu” của cuốn “Hiện tượng luận về hiện sinh”, tác giả Lê Thành Trị cũng bày tỏ ý kiến tương tự: “Không riêng gì ở Việt Nam mà hầu như khắp nơi trên thế giới hai chữ hiện sinh thường được hiểu như là một lối sống kỳ dị, đam mê, buông trôi, thác loạn, bất chấp dư luận và đạo đức (…) Và dưới những bộ mặt ấy hiện sinh đang bị Đạo đức và Truyền thống dân tộc ngó nhìn với những cặp mắt nghi ngờ, khinh miệt (…) Nhưng nếu hiện sinh chỉ có thế thôi thì dư luận quả đã không mấy bất công đối với những tên tuổi đã trực tiếp hay gián tiếp khai sinh ra phong trào hiện sinh và chúng tôi cũng đã không mấy được khuyến khích cố gắng để có thể gửi đến quý liệt vị cuốn lược khảo này”. Ông đánh giá triết học hiện sinh là “triết lý của những cá nhân lỗi lạc ở thế kỷ hai mươi” [36,6] và bày tỏ “Viết cuốn sách này chúng tôi không có hoài vọng nào khác hơn là giúp một số người muốn tìm hiểu ý nghĩa đích thực của triết thuyết hiện sinh”. [36,6]


Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm của các triết gia hiện sinh được dịch và giới thiệu rộng rãi như Heidegger với các tác phẩm: Siêu hình học là gì [59]; Triết lý là gì [60]; Hữu thể và thời gian [58]; Về thể tính của chân lý[57]; Thư về nhân bản chủ nghĩa [61]; A. Camus với Con người phản kháng [55]; Sương tỳ hải [45]; Bạo chúa Caligula [54]; Bề trái và bề mặt [46]; Dịch hạch [48]; Giao cảm [47]; Sa đọa [49]; Ngộ nhận [50]; Sứ mệnh văn nghệ hiện đại [53]; J.P. Sartre với: Buồn nôn [71]; Bức tường [70]; Sự đã rồi [67]; Những bàn tay bẩn [66]; Schopenhauer với Siêu hình tình yêu, siêu hình sự chết [72]… Những tác phẩm ấy được dịch và xuất bản rộng rãi đã đưa triết học hiện sinh đến với công chúng độc giả đô thị miền Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về triết học hiện sinh.


Những công trình nghiên cứu về triết học hiện sinh của các tác giả nước ngoài cũng được xuất bản, giới thiệu rộng rãi như: Chủ nghĩa hiện sinh của Foulquie (Thụ Nhân biên soạn, Nhị Nùng xuất bản, SG, 1965), Các trào lưu lớn của tư tưởng hiện đại của Môroa Ăngđrê (Tràng Thiện dịch, Thời Mới xb, SG, 1964), Những chủ đề triết hiện sinh của Mounier (Thụ Nhân dịch, Nhị Nùng xb, SG, 1970)…v v


Từ 1960 trở đi, chủ nghĩa hiện sinh là trào lưu triết học được nhắc tới nhiều nhất, có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong xã hội. Tuy nhiên, có sự đa dạng trong cách tiếp nhận, đánh giá và lý giải chủ nghĩa hiện sinh thời kỳ này. Có những người ủng hộ hiện sinh hữu thần, nhưng lại có người theo hiện sinh vô thần. Cùng trong hiện sinh vô thần, có người thích Sartre, người lại say mê Camus. Người đề cao khía cạnh này, người chú trọng khía cạnh kia của chủ nghĩa hiện sinh… Điều đó không có gì lạ lùng, bởi bản thân chủ nghĩa hiện sinh cũng đã “có ba bề bốn mối hiện sinh”[6,65]. Ngay Trần Thái Đỉnh, một trong những tác giả đầu tiên dành nhiều thời gian, tâm huyết để nghiên cứu, giới thiệu triết học hiện sinh cũng thừa nhận sự nhìn nhận của mình đối với các triết gia hiện sinh đôi khi vẫn còn lầm lẫn. Khi tập hợp những bài báo về triết hiện sinh in thành sách, ông đã thừa nhận sự thiếu sót của mình khi đánh giá triết gia Heidegger: “Hôm nay, xem lại các bài đó để in thành sách, tôi cảm thấy đã quá thiếu sót đối với triết Heidegger. Thú thật hồi đó tôi còn chịu ảnh hưởng một số giáo sư của tôi ở Ba Lê, nhất là R.Verneaux: các ngài gọi triết Heidegger có khuynh hướng vô thần và tiêu cực. (…) Riêng tôi rất tiếc đã chỉ dành cho triết Heidegger một chỗ quá hẹp hòi trong khuôn khổ những bài này. Giá có thể viết lại những phần này, chắc tôi phải dành phần xứng đáng nhất cho Heidegger”[6,12-13]. Sự lật đi lật lại vấn đề này chứng tỏ rằng triết học hiện sinh được nghiên cứu hết sức tỉ mỉ, công phu và nghiên túc.


Chủ nghĩa hiện sinh ảnh hưởng lớn lao đến mọi mặt đời sống xã hội: lý thuyết triết học và văn học; sáng tác văn học; thái độ sống của con người … Đặc biệt là trong sáng tác văn học, ảnh hưởng của triết học hiện sinh rõ hơn bao giờ hết. Trong sự ảnh hưởng đó, kể cả trên lĩnh vực đời sống xã hội lẫn sáng tác văn học nghệ thuật, có những ảnh hưởng tích cực và có không ít ảnh hưởng tiêu cực. Thậm chí, có những lúc, có những tác giả, sự ảnh hưởng tiêu cực lại là chủ yếu. Trong nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật, ảnh hưởng tiêu cực của triết học hiện sinh, kết hợp với ảnh hưởng mặt trái của phân tâm học khiến cho nhiều lúc sự nhìn nhận về văn học đô thị miền Nam 1954 – 1975 không tránh khỏi những thành kiến nhất định.


3. Văn học hiện sinh ở đô thị miền Nam 1954 – 1975


Cùng với triết học hiện sinh, văn học hiện sinh cũng được giới thiệu khá nhiều ở đô thị miền Nam 1954 – 1975 và có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống văn học giai đoạn này. Có thể nói, sự du nhập của văn học hiện sinh vào đô thị miền Nam song song với triết học hiện sinh. Ngay từ những năm 1955 – 1960, cùng với việc các triết gia hiện sinh tiêu biểu được giới thiệu trên báo chí thì những tác phẩm văn học chuyển tải tư tưởng triết học của họ cũng xuất hiện tại đô thị miền Nam (phần lớn các triết gia hiện sinh tiêu biểu đều là những nhà văn xuất sắc). Thời gian đầu, các tác phẩm văn học hiện sinh chủ yếu được giới thiệu trên báo, tạp chí, và thể loại truyện ngắn được “ưu tiên” hơn cả, do dung lượng phù hợp với khuôn khổ báo chí. Đây cũng là bước “dọn đường” ban đầu, bước “thăm dò” bạn đọc để rồi sau văn học hiện sinh có chỗ đứng khá chắc chắn trong đời sống văn học đô thị miền Nam.


Sang giai đoạn 1961 – 1975, các tác phẩm văn học hiện sinh “dài hơi” hơn được dịch và xuất bản. Nhiều bài viết giới thiệu khái quát về sự nghiệp sáng tác của các nhà văn hiện sinh được đăng tải trên báo chí. Tập san Văn ra những số chuyên đề về những nhà văn hiện sinh: tập san 2 (ngày 15/1/1964) là số đặc biệt về A. Camus; tập san 17 (ngày 1/9/1964) là số đặc biệt về J.P. Sartre; tập san 19 (1/10/1964) là số đặc biệt về A. Maurois; tập san 20 (15/10/1964) là số đặc biệt về A. Malraux…v v. Những số đặc biệt ấy bao giờ cũng dành 2/3 số trang để nói về các tác giả hiện sinh được giới thiệu, từ tiểu sử, văn chương đến các tác phẩm dịch sang tiếng Việt… giúp người đọc có cái nhìn sâu sắc và đầy đủ về văn nghiệp của họ. Nếu các tạp chí: Sáng Tạo, Bách Khoa, Đại Học Huế có công giới thiệu triết học hiện sinh sớm nhất, nhiều nhất thì tập san Văn lại có công giới thiệu văn học hiện sinh khác kỹ càng.


Các nhà văn hiện sinh được dịch nhiều nhất ở đô thị miền Nam 1954 – 1975 là: J.P Sartre, A. Camus, F. Sagan, S. Beckett… Không chỉ được dịch, được giới thiệu với đông đảo bạn đọc, những tác phẩm văn học hiện sinh còn thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu phê bình ở đô thị miền Nam giai đoạn 1954 – 1975. Năm 1960, sau khi nhà văn Camus từ trần, tác giả Thạch Chương đã “trình bày và phê phán hai quan niệm nổi loạn của Albert Camus” trên Tạp chí Sáng Tạo [5]. Ông đề cao vị trí, vai trò của Camus trong bối cảnh chung của văn chương châu Âu: “Giữa hoàn cảnh xã hội lạc loài của nước Pháp hậu chiến, giữa khí hậu trí thức bi quan mà phát hiện sinh ngự trị, giữa những tiếng đe dọa phá hủy của trường siêu thực, và trong viễn ảnh của một mùa đông dài tăm tối của Đệ Tam Quốc Tế, Albert Camus, một hình bóng trơ trọi hiện lên như một tia nắng ấm hy vọng của Âu châu”[5]. Thạch Chương một mặt nhất trí với quan niệm nổi loạn của Camus, mặt khác lại không đồng tình với thái độ ôn hòa của nhà văn, vì “nó là một cái cớ để mọi người khoanh tay, nhất là hàng ngũ bảo thủ”. Vẫn viết về Camus, cuốn “Văn chương và lưu đày” của Đặng Phùng Quân nhấn mạnh tâm cảm lưu đày trong các tác phẩm của ông, đặc biệt là cuốn “Người nổi loạn”. Tác giả Cô Liêu có bài “Lập trường văn nghệ của Albert Camus” [16]. Tác giả Đặng Tiến có bài “Gặp gỡ giữa Ôn Như Hầu và Albert Camus”[28]… Các tác giả văn học hiện sinh khác và tư tưởng văn chương của họ cũng được nghiên cứu, giới thiệu nhiều qua các công trình, bài viết: “Lịch sử của cảm giác buồn nôn trong văn chương phương Tây” của Trần Thiện Đạo (Văn, số 17/ 1964); “Cuộc phiêu lưu tư tưởng của văn học Âu châu thế kỷ XX” của R.M. Albérè (Vũ Đình Lưu dịch, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản, SG, 1971); “Tuyển tập các nhà văn Pháp hiện đại” của Hoàng Ngọc Biên (Trình Bầy xuất bản, SG, 1969); “Mổ xẻ nhà văn hiện sinh Jean Paul Sartre” của Nguyễn Quang Lục (Hoa Muôn Phương xuất bản, SG, 1970); “Văn học thế giới hiện đại” của Bửu Ý (An Tiêm xuất bản, SG, 1973); các bài viết về Samuel Backett, J.P. Sartre của Huỳnh Phan Anh trong cuốn “Đi tìm tác phẩm văn chương” (Đồng Tháp xuất bản, SG, 1972… vv. Những công trình, bài viết này đã góp phần “cổ vũ” cho văn học hiện sinh, khiến văn học hiện sinh được truyền bá rộng rãi hơn.


Xã hội đô thị miền Nam 1954- 1975 đã là mảnh đất màu mỡ cho triết học và văn học hiện sinh cắm rễ.


4. Ảnh hưởng của triết học và văn học hiện sinh đối với văn học đô thị miền Nam 1954- 1975


Triết học hiện sinh và văn học hiện sinh cùng có mặt tại đô thị miền Nam 1954 – 1975 và cùng có ảnh hưởng sâu sắc đến văn học giai đoạn này. Tuy nhiên, khó có thể tách bạch đâu là ảnh hưởng của triết học hiện sinh, đâu là ảnh hưởng của văn học hiện sinh bởi đây không đơn thuần là sự ảnh hưởng một cách máy móc, sao chép. Ngay trong các tác gia hiện sinh nổi tiếng thế giới cũng không thể tách rời văn chương và triết học trong sự nghiệp của họ. Các triết gia viết văn để truyền tải tư tưởng triết học, và các tác phẩm văn chương hiện sinh ấy cũng là một bộ phận hữu cơ của triết học hiện sinh. Các nhà văn đô thị miền Nam 1954 – 1975 đã thấm nhuần tư tưởng hiện sinh và tinh thần hiện sinh cũng thấm đẫm trong sáng tác, trong phê bình văn học nghệ thuật và trên nhiều phương diện.


4.1. Ảnh hưởng tới phê bình văn học


Do ảnh hưởng sâu sắc chủ nghĩa hiện sinh nên đã có một khuynh hướng phê bình văn học hiện sinh ra đời ở đô thị miền Nam 1954 – 1975, tuy rằng “chưa có nhiều công trình đặc sắc” như nhận định, đánh giá của TS Huỳnh Như Phương. (Huỳnh Như Phương- Chủ nghĩa hiện sinh ở miền Nam Việt Nam 1954 – 1975 (trên bình diện lý thuyết). Các nhà phê bình văn học dùng triết học hiện sinh làm cơ sở mỹ học để đánh giá, thẩm bình tác phẩm văn học. Có thể nói, mọi tác phẩm từ văn học dân gian đến trung đại, cận đại, đương đại, văn học nước ngoài… đều được soi chiếu dưới lăng kính hiện sinh. Hầu hết các phạm trù của triết học hiện sinh (vong thân, tha hoá, buồn nôn, phi lý, dấn thân, gia nhập, tha nhân, nổi loạn, cô đơn, hư vô…) đều được ứng dụng thành hệ quy chiếu để xem xét các tác phẩm văn học. Tác giả Trần Nhật Tân trong bài viết “Đi tìm tâm thức ca dao trên trục tọa độ không thời” (Dư vang nghệ thuật, Hạnh xuất bản, SG, 1971) đã dùng “tọa độ hiện sinh” để tìm hiểu các mô thức trong ca dao Việt Nam. Nhiều tác giả, tác phẩm văn học trung đại được thẩm bình bằng “con mắt hiện sinh”, trong đó nổi bật nhất có thể kể đến những công trình, bài viết: Thời gian hiện sinh trong Đoạn trường tân thanh [32]; Chinh phụ ngâm và tâm thức lãng mạn của kẻ lưu đày [33] của Lê Tuyên ; Tính chất bi đát trong thi ca Tản Đà của Nguyễn Thiên Thụ [35]; Nguyễn Du trên những nẻo đường tự do của Nguyên Sa [27]…vv. Trong chuyên luận “Vũ trụ thơ” [29], tác giả Đặng Tiến đã cảm nhận về cái phi lý của cuộc đời qua số phận bi thảm của nàng Kiều. Sự phi lý không bắt đầu từ khi Kiều gặp gia biến, mà sự phi lý hiện hữu ngay khi con người tình cờ, ngẫu nhiên bị ném vào giữa cuộc đời này. Đó là cảm nhận đầy màu sắc hiện sinh: “Không phải khi gặp gia biến Thúy Kiều mới sống bi thảm; trước đó lầm đầu tiên chọn phím đàn, nàng đã chọn cung bạc mệnh, vì cuộc đời một cách tiên thiên, là một thảm kịch. Sự hiện hữu đã phi lý từ khi hai tinh trùng gặp nhau, và nếu chúng không gặp nhau, thì lại càng phi lý hơn nữa. Nỗi đoạn trường thật sự không chấm dứt sau mười lăm năm lưu lạc, Thúy Kiều ý thức sâu sắc điều đó nên không tái hợp với chàng Kim, vì đổi một phi lý cô đơn lấy một phi lý lứa đôi chỉ làm việc chồng một thảm kịch này lên thảm kịch khác. Cuộc đời khi chấm dứt vẫn không chấm dứt được được thảm kịch ý thức: sự phi lý vẫn còn trương phình ra đấy” [29,20- 21]. Cuộc đời đầy nước mắt của Thúy Kiều với những nổi chìm đau đớn được nhìn nhận là “sự vận chuyển biện chứng giữa hiện hữu và hư vô tạo tâm trạng lưu đày như một hợp đề” [29,23]. Tác giả Lê Tuyên lại đi sâu khai thác “thời gian hiện sinh” của Truyện Kiều. Thời gian ấy cũng chỉ là hư vô và phi lý. Cả quá khứ, hiện tại và tương lai không có gì khác ngoài hư vô. Đợi chờ con người ở cuối hành trình chỉ là cái chết. Cái chết là nỗi ám ảnh ghê gớm của con người: “Đi về tương lai từ quá khứ và qua hiện hữu, nghĩa là đi về phi lý của nấm mồ (…) Con người sống luôn ao ước ngày mai, luôn nghĩ đến ngày mai, một ngày mai mà có lẽ con người không nên nghĩ đến, có lẽ nên phải từ khước, vì ngày mai là cái chết, vì ngày mai là tiếng đoạn trường” [29,52]. Tác giả Nguyên Sa lại tìm hiểu truyện Kiều từ phạm trù “tự do lựa chọn” “tự do dấn thân” của triết học hiện sinh. Theo ông, không có cái gọi là định mệnh ở trong truyện Kiều. Mọi nổi chìm, lưu lạc của Thúy Kiều không do một “đấng cao xanh” nào hết, không do cuốn “sổ đoạn trường” đầy bí hiểm, mà do sự lựa chọn tự do của Thúy Kiều: tự ý bán mình chuộc cha để dấn thân vào cõi lênh đênh. Bất cứ biến cố nào xảy ra trong cuộc đời nàng cũng đều là kết quả của sự lựa chọn cá nhân.


Ngoài Truyện Kiều, còn nhiều tác phẩm của các tác gia cổ điển cũng được đánh giá bằng lập trường của chủ nghĩa hiện sinh, như tác phẩm của Đặng Trần Côn, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Bà Huyện Thanh Quan… Đặc biệt, trong chuyên luận Chinh phụ ngâm và tâm thức lãng mạn của kẻ lưu đày[33], hầu hết những phạm trù cơ bản của triết học hiện sinh như: thân phận lưu đày, hiện hữu cô đơn, cái chết bi đát, tha nhân… được tác giả Lê Tuyên vận dụng để đánh giá, phẩm bình tác phẩm xoay quanh trục trính là người chinh phụ đã phải sống “một kiếp lưu đày tình cảm”. Phê bình hiện sinh mang lại cách tiếp cận và cái nhìn mới mẻ đối với các tác phẩm văn học trung đại vốn rất quen thuộc với bạn đọc.


Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm văn học đương thời của các tác giả như Nguyễn Thị Hoàng, Túy Hồng, Dương Nghiễm Mậu, Nhã Ca, Duyên Anh, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Đinh Trầm Ca, Thanh Tâm Tuyền, Lệ Hằng, Trùng Dương…cũng được nhìn nhận, đánh giá trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa hiện sinh. Cuốn “Đi tìm tác phẩm văn chương”[2] của Huỳnh Phan Anh viết về nhiều tác giả bằng khuynh hướng phê bình hiện sinh, từ các tác gia nổi tiếng thế giới như Samuel Beckett, Jean Paul Sartre, Simone De Beauvoir đến các tác gia trong nước như Tản Đà, Hàn Mặc Tử, Nhất Linh, Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo… Viết về tiểu thuyết “Bướm trắng” của Nhất Linh, Huỳnh Phan Anh đã dùng tư tưởng triết học hiện sinh để giải mã tác phẩm. Ông nhận ra “Bướm trắng” là giấc mơ của một tâm hồn đang chới với giữa lòng cuộc đời với những ám ảnh không rời của bệnh tật và cái chết, một giấc mơ điên cuồng, đẹp tuyệt được tạo thành để lấp đầy những khoảng trống vắng hãi hùng của cuộc hiện hữu ngẫu nhiên không trường tồn” [2,146]. Trương, nhân vật chính của tác phẩm là “kẻ lạc loài, tuyệt vọng và tù chung thân của cô đơn và bóng tối” [2,147] “một kẻ đang sống chính cái chết của đời mình”. Bên cạnh sự đau khổ, cô đơn, muộn phiền, Trương còn là hình ảnh con người dám sống, con người dám chịu trách nhiệm về mình, con người dấn thân của triết học hiện sinh: ” Trương là điển hình của mẫu người người sống trong sự đốt cháy của ý thức. Sống và ý thức về đời sống, về chính mình. Nhưng ý thức về đời sống ở Trương đồng thời cũng là ý thức về cái chết. Trương trước tiên là một cái nhìn thấu suốt căn phần: sống là chạm mặt thường xuyên với chính thân phận đầy giới hạn và ngẫu nhiên của chính mình: sống tức là đang đi lần tới, đã tới chỗ tận cùng của đời sống mình” [2,153-154]. Thơ Hàn Mặc Tử được đánh giá là “thơ vẽ nên dung nhan hư hoại của kiếp người. Thơ đào sâu kinh nghiệm thiếu sót, tình cảm bại vong trong hành trình bát ngát của thân phận người”[2,322]. “Cái chết ám ảnh, dọa nạt, cái chết âm ỉ trong tâm hồn. Thi sỹ sống cái chết của mình. Hư vô chính là kinh nghiệm của thi sỹ” [2,324].


Khuynh hướng phê bình hiện sinh góp thêm vào đời sống LLPB văn học đô thị miền Nam một luồng gió mới, làm cho nó thêm phong phú, bên cạnh những khuynh hướng khác như khuynh hướng phê bình giáo khoa, khuynh hướng phê bình phân tâm học, khuynh hướng phê bình chịu ảnh hưởng quan điểm Mác xít, khuynh phướng phê bình chịu ảnh hưởng tư tưởng các tôn giáo (Phật giáo, Thiên Chúa giáo)… Nó cho thấy sự sôi nổi trong đời sống văn học đô thị miền Nam giai đoạn này, góp phần hiện đại hoá phê bình văn học, đổi mới tư duy lý luận phê bình, làm cho văn học Việt Nam tiếp cận với tư tưởng và văn học hiện đại của thế giới.


Tuy nhiên, cũng do ảnh hưởng sâu đậm của chủ nghĩa hiện sinh mà khuynh hướng phê bình hiện sinh có lúc dẫn đến sự gượng ép, khiên cưỡng trong việc nhìn nhận, đánh giá tác phẩm, khi người phê bình cố gắng “gò” tác phẩm vào những phạm trù của triết học hiện sinh. Vận dụng tư tưởng hiện sinh trong phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954 – 1975 còn có hiện tượng nói lấy được theo trào lưu, vì hiện sinh lúc đó trở thành một thứ “mốt thời thượng” nên khiên cưỡng, không thuyết phục. Quá nhiều danh từ của triết học hiện sinh bị lạm dụng đưa vào phê bình văn học khiến cho bài viết trở nên lủng củng, rắc rối, khó hiểu. Ví dụ đây là một đoạn viết về thơ Đinh Hùng của Đặng Tiến trong cuốn “Vũ trụ thơ” với rất nhiều từ ngữ của triết học hiện sinh làm người đọc không khỏi nhức đầu: “Đặc tính của thế giới Đinh Hùng là một thành tố đều được hòa giải; khí hậu tình tự giải tỏa những mâu thuẫn biện chứng, không còn sự khác biệt giữa người – nhìn – vũ – trụ và vũ – trụ – được – nhìn, giữa tâm giới và ngoại giới, giữa bản ngã và vô ngã, giữa thực thể và vô thể, giữa tôi và tha nhân (…) chữ tôi đã bao hàm cái không phải là tôi, nhưng chủ thể không mâu thuẫn với khách thể vì tất cả chưa đạt tới những hữu thể đủ cứng rắn để va chạm” [29,135] .


Hơn nữa, khi nhìn nhận, đánh giá một tác phẩm văn học, nếu không xem xét, đánh giá trên nhiều chiều, nhiều hướng, nhiều bình diện, chỉ đứng trên lập trường tư tưởng hiện sinh sẽ dẫn đến tình trạng cực đoan.. .Tất cả những thành tựu và hạn chế đó đều hiện diện trong khuynh hướng phê bình văn học hiện sinh ở đô thị miền Nam 1954 – 1975.


4.2. Ảnh hưởng tới sáng tác văn học


Chủ nghĩa hiện sinh có ảnh hưởng rất sâu đậm đến sáng tác văn học đô thị miền Nam 1954- 1975 trên tất cả mọi thể loại, nhưng sâu đậm nhất vẫn là thơ ca và tiểu thuyết. Đây cũng là hai thể loại kết tinh thành tựu của văn học đô thị miền Nam giai đoạn này.


Thơ ca đô thị miền Nam viết nhiều về sự vô định, mong manh, hư vô của kiếp người; về cái chết, nỗi buồn đau trĩu nặng, sự xa lạ của thế nhân, sự đổ vỡ của niềm tin và mơ ước. Những tác giả tiêu biểu cho thơ ca mang khuynh hướng hiện sinh là Bùi Giáng, Nguyên Sa, Đinh Hùng, Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Du Tử Lê, Nhã Ca, Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Đức Sơn… Thơ Bùi Giáng “đau đáu về thân phận dâu bể của con người, nỗi hoài nghi về số kiếp, ta từ đâu lại? Ta là ai? Những trầm luân biến đổi làm sao đo, đếm, đặt tên được” [11]:


Trần gian lạnh con từng không chịu nổi


Người với người cứ làm khổ nhau luôn


……………..


Con vẫn biết đời người nhỏ bé


Đau vô cùng dù có cũng nên thôi


Nhưng bắt gặp những mấy lần nhỏ lệ


Hỏi vì sao lá rụng cánh hoa rơi


……………….


Thân là máu, thịt và xương chia biệt


Quả tim mềm sao quá dễ tổn thương


Tình cao quý vẫn là dây oan nghiệt


Ngắn vô cùng! lần phùng ngộ với vô biên


………………..


Hỡi Thượng đế! Cúi đầu con thưa lại


Ở trần gian ai cũng khổ liên miên


Người đã dựng cảnh tù đầy đọa mãi


Để làm gì! Cho sáng nghĩa vô biên”…


(Dâng – Bùi Giáng)


Thơ Thanh Tâm Tuyền cũng như tiểu thuyết của ông, luôn chìm đắm trong nỗi đau cô đơn, luôn vang lên lời khẩn cầu tha thiết của kẻ đi tìm lại bản thể và nhân vị của mình: “Tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ” “Tôi gào tên tôi thảm thiết”. Đối với Thanh Tâm Tuyền, thơ “không còn là cứu cánh của đời sống, thơ chỉ còn là phương tiện để họ (tức người làm thơ) vào sâu trong ý thức gặp mình, gặp được đời sống và may ra gặp được hồn người” [24]. Trong thơ Trần Dạ Từ, nỗi suy tư về kiếp người bọt bèo, cuộc đời vô định hiện lên thật rõ:


Chiều đò ngang bến sông


Câu hát buồn thơ dại


Dong trôi về mấy hàng


Đời chia về mấy phương


Người dạt về mấy ngả


(Một bến sông – Trần Dạ Từ)


Kiếp người bọt bèo, cuộc đời vô định, và chờ đợi mỗi chúng ta phía trước là cái chết. Sắc màu hiện sinh đẫm trong mỗi vần thơ.


Ở cuối con đường này


Là dĩ vãng khủng khiếp


Quẹo về bên trái


Những chuyến tàu tám giờ


Tiếng còi trầm réo gọi


Thôi tôi dừng lại đây


Hai vỉa hè tăm tối


(Phạm Ngũ Lão Sài Gòn – Trần Dạ Từ)


Con đường Phạm Ngũ Lão cụ thể ấy cũng là biểu tượng của con đường đời nhọc nhằn, khổ ải. Phía cuối đường luôn là những tối tăm, đau đớn. Sự đợi chờ của kiếp người là hư vô. Dĩ vãng đã “khủng khiếp”, tương lai cũng chẳng sáng tươi. Và cái chết luôn luôn là ám ảnh hãi hùng trong thơ ca đô thị miền Nam 1954 – 1975. Các nhà thơ viết nhiều về cái chết, về sự hiu quạnh thê lương của cõi đời. Trần Dạ Từ đau đớn nghĩ về sự hữu hạn của kiếp người:


Thần chết, em ơi, ngồi ngay trên đầu giường


Thần chết, em ơi, đứng ngay trên trần mùng


………………………………………………………….


Chính thần chết đã cho ta vay ngày thôi nôi


Với bao nhiêu năm sống


Bao nhiêu ngọn nến đủ màu tươi cười trên chiếc bánh sinh nhật


Như anh đã từng vay thần chết


Bao nhiêu ngày đêm phấn đấu và yêu em


(Làm thơ không biết mệt -Trần Dạ Từ)


Cái ý nghĩ “ta lâm chung ngay tự thủa chào lòng” của Du Tử Lê trong “Bài cuối năm” cũng là lời khẳng định của triết học hiện sinh: con người ta ngay từ khi sinh ra đã đủ tuổi già để chết:


Người chớ khóc than chi, đời đã thế


Ta lâm chung ngay tự thủa chào lòng


Môi đã chết ngay khi hồn đã nhận


Thân đã buồn khi ngực đẫm hơi quen


(Bài cuối năm – Du Tử Lê)


Giữa cuộc sống thương đau ấy, tình yêu cũng không đủ sức nâng con người khỏi những hoang mang. Tình yêu không ngọt ngào mà cay đắng. Người yêu không thấu hiểu, sẻ chia mà chỉ là “tha nhân” xa lạ:


Em đến hôm nào như hoa bay


Tình không độc dược mà đắng cay


Mùa thu tàn nhẫn từ đôi mắt


Mùi hương sát nhân từ ngón tay


Em đến hôm nào như mây bay


Gió mưa triền miên chìm nét mày


Đường vào lòng nhau toàn sạn đạo


Bước chân tha hương từ dấu này


(Đường vào tình sử – Đinh Hùng)


“Thơ miền Nam 54 – 75 là thơ của một thời dằn vặt, suy tư, đau khổ” [24]. Những dằn vặt, suy tư, đau khổ ấy chịu ảnh hưởng rõ rệt của tư tưởng triết học hiện sinh: dằn vặt suy tư về cái chết, về thân phận bé nhỏ của con người, về sự hư vô của cuộc sống, về nỗi tàn phai, sự cô đơn… Nỗi buồn đau “sống trong nỗi chết” được nhắc lại nhiều lần. Kiếp người chỉ là “chân bé nhỏ đi trong sầu bão lớn”. Thơ ca đô thị miền Nam 1954 – 1975 nhiều chết chóc, thương đau, chia lìa, tăm tối, nước mắt và địa ngục.


Bên cạnh thơ ca, tiểu thuyết cũng mang màu sắc hiện sinh rất rõ rệt. Tiểu thuyết là thể loại “bùng nổ” của văn học đô thị miền Nam, tạo thành một hiện tượng trong đời sống văn học thời kỳ đó. Văn học đô thị miền Nam 1954 – 1975 đã tập hợp được một đội ngũ tác giả tiểu thuyết hùng hậu với số lượng tác phẩm đồ sộ, với nhiều khuynh hướng sáng tác khác nhau. Với ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh, sáng tác văn học đô thị miền Nam nói chung và thể loại tiểu thuyết nói riêng có sự chuyển mình lớn: sự cảm nhận sâu sắc và đau đớn về thân phận bi đát của con người trong thế giới đầy phi lý. Chủ nghĩa hiện sinh ám ảnh trong tiểu thuyết từ nhan đề cho đến nội dung tác phẩm. Ngay nhan đề các tác phẩm cũng đã thấy được sự buồn thảm, hư vô trong cuộc sống con người : Bóng tối, tiếng cười, môi hôn và nghĩa trang; Chết không nhắm mắt, Lửa mù; Sau cơn mộng dữ; Xâu chuỗi bọt nước; Thềm địa ngục; Thương tích,; Tiếng khóc vào đời; Uyên buồn… của Nguyên Vũ. Bóng tối thời con gái; Cô Hippy lạc loài; Sống một ngày.. của Nhã Ca. Bao giờ hết thương đau; Bóng tối cuộc đời; Cành đào trong bão xoáy; Chân son đường lầy; Chuỗi sầu em đeo; Đôi chim trong bão tố; Hoa môi tàn nụ; Một mình; Mùa đông cô đơn; Nửa gối cô đơn… của Nghiêm Lệ Quân. Cát lầy; Mù khơi… của Thanh Tâm Tuyền. Khung rêu; Lao vào lửa; Cho trận gió kinh thiên; Nhang tàn thắp khuya; Thú hoang.. của Thuỵ Vũ. Biển điên, Mỗi thù rực rỡ; Tôi nhìn tôi trên vách … của Tuý Hồng. Đừng hỏi tại sao; Bóng ai qua ngoài song cửa, Nửa đêm trăng sụp; Xô ngã bức tường rêu… của Bình Nguyên Lộc. Điệu ru nước mắt; Nước mắt lưng tròng; Sa mạc tuổi trẻ; Ảo vọng tuổi trẻ … của Duyên Anh. Bóng tối cuối cùng; Buồn như đời người; Vực nước mắt; Một ngày rồi thôi; Năm tháng đìu hiu; Ngày qua bóng tối; Cho những mùa xuân phai; Tình yêu địa ngục; Dưới vực sâu này.. của Nguyễn Thị Hoàng …v v. Đời sống luôn được miêu tả như thảm kịch, là hư vô, phi lý. Con người bé bỏng, kiếp người mong manh, chới với trong ngập tràn đau khổ, cô đơn, chia lìa.. Những cái chết xuất hiện rất nhiều trong tiểu thuyết đô thị miền Nam 1954 – 1975. Trong sự vô nghĩa, chán chường của cuộc đời, các nhân vật tiểu thuyết đã vùng vẫy, nổi loạn để chống trả, cho dù đó chỉ là sự vùng vẫy, chống trả trong tuyệt vọng. Họ muốn chống lại sự phi lý, muốn tìm ý nghĩa đích thực của cuộc đời, để đừng sống buồn nôn, đừng bị cuốn theo cái vũng “cát lầy” kinh khủng của cuộc đời. Thế nhưng, họ lại rơi vào bi kịch của tuyệt vọng. Ta thấy thấp thoáng bóng dáng Sagan trong tiểu thuyết của các cây bút nữ đô thị miền Nam với lối viết thản nhiên đến lạnh lùng, thản nhiên cả trong những chuyện hệ trọng và thiêng liêng nhất của con người, của cuộc đời, như thể trên đời này không có gì là nghiêm túc và thiêng liêng nữa; với những mẫu nhân vật “sống nay không biết mai”, không bị ràng buộc bởi bất cứ sợi dây luân lý hay lễ giáo nào; với âm hưởng u buồn chán ngán đến rã rời…. Ta gặp sự ảnh hưởng tư tưởng về cuộc sống phi lý của Camus, về chiến tranh tàn nhẫn của Hemingway.. trong các tiểu thuyết đô thị miền Nam giai đoạn này. Lối văn theo tư duy hiện tượng học cũng đặc biệt được các tác giả đô thị miền Nam yêu thích.


Triết học hiện sinh và văn học hiện sinh có ảnh hưởng lớn đến sáng tác của các nhà văn đô thị miền Nam 1954 – 1975, đặc biệt là thể loại tiểu thuyết, thể loại thuận lợi nhất trong việc chuyển tải những vấn đề về thân phận con người qua những hình tượng nhân vật sinh động. Sự ảnh hưởng này đã mang lại cho văn học đô thị miền Nam một diện mạo riêng, trong đó có những bước tiến đáng được ghi nhận và cũng có không ít hạn chế. Bởi vậy, tiếp cận văn học đô thị miền Nam 1954 – 1975 cần có tinh thần “gạn đục khơi trong” một cách thực sự khoa học, công bằng


—-


N.T.V.N


1.Hồ Tường An – giới thiệu tiểu thuyết “Tuổi nước độc” của Dương Nghiễm Mậu Tin Sách, 4/1965


2.Huỳnh Phan Anh (1972), Đi tìm tác phẩm văn chương, Đồng Tháp xuất bản.


3. Ngô Trọng Anh, Thời gian qua Kant, Hegel và Huserl, Tư Tưởng số 4,5/ 1968.


4.Ngô Trọng Anh, Nietzsche và Mật Tông, Tư Tưởng số 5/1970.


5.Thạch Chương, Trình bày và phê bình hai quan điểm nổi loạn của Camus, Sáng Tạo số 48 tháng 9/1960.


6.Trần Thái Đỉnh (1968), Triết học hiện sinh, Nxb Thời Mới


7.Chơn Hạnh, Đức Phật và Nietzsche, Tư Tưởng số 5/1970.


8. Chơn Hạnh, Trầm tư về cái chết trong tư tưởng Heidegger và Phật giáo, Tư Tưởng số 1/1971.


9.Bùi Giáng (1974), Tư tưởng hiện đại, Nxb Tân An.


10. Nghiêm Xuân Hồng (1969), Nguyên tử, hiện sinh và hư vô, Nxb Hoàng Đông Phương.


11. Thụy Khuê, Hiện tượng Bùi Giáng- http://quangduc.com/tho/159buigiang4.html.hientuongbuigiang


12. Nguyễn Hiến Lê, Vấn đề dịch văn, Bách Khoa số 7, ngày 15/4/1957.


13. Nguyễn Hiến Lê, Một chương trình dịch sách ngoại quốc, Bách Khoa số 75, ngày 15/2/1960.


14. Nguyễn Anh Linh, Nietzsche (1844 – 1940) con người siêu việt, Bách Khoa số 92, ngày 1/11/19


15. Cô Liêu, Albert Camus và triết lý chống đối, Bách Khoa số 76/1960.


16. Cô Liêu, Lập trường văn nghệ của Albert Camus, Bách Khoa số 77/ 1960


17. Nguyễn Văn Lục, Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955 – 1975 http://lyluanvanhoc.com/?p=2504.


18. Quang Minh, Phật giáo và chủ nghĩa hiện sinh J.P. Sartre, Văn hóa Á châu số 9/1958.


19. Quang Minh, Khái niệm về chủ nghĩa hiện sinh, Sáng Tạo số 28, 29, tháng 1 và 2/ 1959.


20. Thích Đức Nhuận, Vào đạo Phật qua lối ngõ của J.P. Sartre, Văn, số 10/1964


21. Lê Tôn Nghiêm (1970), Đâu là căn nguyên tư tưởng hay con đường triết lý từ Kant đến Heidegger, Nxb Trình Bầy.


22. Lê Tôn Nghiêm (1970), Heidegger trước sự phá sản của tư tưởng Tây phương, Nxb Lá Bối.


23. Lê Tôn Nghiêm (1971), Những vấn đề triết học hiện đại, Nxb Ra Khơi.


24. Võ Phiến (1987) – Hai mươi năm Văn học miền Nam (1954 -1975), Nxb Văn Nghệ, CA –USA.


25. Huỳnh Như Phương, Chủ nghĩa hiện sinh ở miền Nam Việt Nam 1954 – 1975 (trên bình diện lý thuyết)


26. Nguyên Sa, Nhận định đại cương về triết học hiện hữu, Sáng Tạo số 14, tháng 11/ 1957.


27. Nguyên Sa, Nguyễn Du trên những nẻo đường tự do, Sáng Tạo, 12/1957.


28. Đặng Tiến, Gặp gỡ giữa Ôn Như Hầu và Albert Camus, Văn, số 2/ 1964.


29. Đặng Tiến (1972), Vũ trụ thơ, Giao Điểm xuất bản.


30. Trần Công Tiến, Từ dự phóng triết học Husserl đến dự phóng triết học Heidegger, Tư Tưởng số 10/1971.


31. Trần Văn Toàn, Vị trí của trào lưu hiện sinh trong lịch sử triết lý, Đại Học số 18/1960.


32. Lê Tuyên, Thời gian hiện sinh trong Đoạn trường tân thanh, Đại Học số 9/1959.


33. Lê Tuyên (1961), Chinh phụ ngâm và tâm thức lãng mạn của kẻ lưu đày, Đại học Huế xuất bản.


34. Đoàn Thêm, Một vài nguyện vọng của người đọc tạp chí, Bách Khoa số 70, ngày 1/12/1959.


35. Nguyễn Thiên Thụ, Tính chất bi đát trong thi ca Tản Đà, Thời Tập số x + 6, số đặc biệt Giáng sinh 1974.


36. Lê Thành Trị (1969), Hiện tượng luận về hiện sinh, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hoá xuất bản.


37. Nguyễn Văn Trung, Văn chương và siêu hình học, Sáng Tạo, số 10, tháng 7/1957.


38. Nguyễn Văn Trung (1967), Triết học tổng quát, Nxb Nam Sơn.


39. Dư vang nghệ thuật, Hạnh xuất bản, SG, 1971)


40. Trần Nhật Tân (1971), Đi tìm tâm thức ca dao trên trục tọa độ không thời, Dư vang nghệ thuật, Nxb Hạnh.


41. Chinh phụ ngâm và tâm thức lãng mạn của kẻ lưu đày (Đại Học Huế xuất bản, 1961)


Phụ lục


Một số tác phẩm triết học, văn học hiện sinh phương Tây được dịch ở đô thị miền Nam giai đoạn 1954 – 1975


42. R.M. Albérè (1971), Cuộc phiêu lưu tư tưởng của văn học Âu châu thế kỷ XX – Vũ Đình Lưu dịch, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản.


43. A. Camus (1965), Người xa lạ – Võ Lang dịch, Nxb Thời Mới.


44. A. Camus (1965), Kẻ xa lạ – Dương Kiền và Bùi Ngọc Dung dịch, Nxb Ngày Nay.


45. A. Camus (1966), Sương tỳ hải – Bùi Giáng dịch, Nxb Phú Vang


46. A. Camus (1967), Bề trái và bề mặt – Trần Thiện Đạo dịch và giới thiệu, Nxb Giao Điểm.


47. A. Camus (1967), Giao cảm – Bùi Giáng dịch, Nxb Võ Tánh.


48. A. Camus (1971), Dịch hạch – Võ Văn Dung dịch, Nxb Dịch Giả.


49. A. Camus (1972), Sa đoạ – Trần Thiện Đạo dịch, Nxb Giao Điểm


50. A. Camus (1972), Ngộ nhận – Bùi Giáng dịch, Nxb An Tiêm.


51.


52. A. Camus (1973), Kẻ xa lạ – Lê Thanh Hoàng Dân và Mai Vi Phúc dịch, Nxb Trẻ.


53. A. Camus (1974), Sứ mệnh văn nghệ hiện đại – Trần Phong Giao dịch, Nxb An Tiêm.


54. A. Camus (19…), Bạo chúa Caligula – Bùi Giáng dịch, Nxb Võ Tánh.


55. A. Camus (197…), Con người phản kháng – Bùi Giáng dịch và luận giải, Nxb Võ Tánh.


56. A. Camus (197…), Bạo chúa Caligula – Bùi Giáng dịch, Nxb Võ Tánh.


57. M.Heidegger (1968), Về thể tính của chân lý – Phạm Công Thiện dịch và giới thiệu, Nxb Hoàng Phương Đông.


58. M.Heidegger (1973), Hữu thể và thời gian – Trần Công Tiến dịch, Lê Tôn Nghiêm giới thiệu, Nxb Quê Hương.


59. M.Heidegger (1974), Siêu hình học là gì – Trần Công Tiến dịch, Nxb Ca Dao.


60. M.Heidegger (1974), Triết lý là gì – Phạm Công Thiện dịch, Nxb Ca Dao.


61. M.Heidegger (1974), Thư về nhân bản chủ nghĩa – Trần Xuân Kiêm dịch và giới thiệu, Nxb Tân An.


62. E. Mounier (1970), Những chủ đề triết hiện sinh – Thụ Nhân dịch, Nxb Nhị Nùng.


63. F.Sagan (1969), Một chút mặt trời trong giá lạnh – Kiều Diễm Hồng dịch, Nxb Vĩnh Sơn.


64. J.P. Sartre (1963), Guồng máy – Trần Phong Giao dịch, Nxb Thời Mới.


65. J.P. Sartre(1964), Không một nấm mồ – Trần Phong Giao dịch, Nxb Giao Điểm.


66. J.P. Sartre (1965), Những bàn tay bẩn – Phạm Hưng dịch, Nxb Ngày Nay.


67. J.P. Sartre (1966), Sự đã rồi – Trần Phong Giao và Nguyễn Xuân Hoàng dịch, Nxb Giao Điểm.


68. J.P. Sartre (1967), Những ruồi – Phùng Thăng dịch, Nxb Thanh Hiên.


69. J.P. Sartre (1968), Văn chương là gì – Nguyễn Văn Tạo dịch, Nxb Chi Lăng.


70. J.P. Sartre (1973), Bức tường – Lê Thanh Hoàng Dân và Mai Vi Phúc dịch, Nxb Trẻ.


71. J.P. Sartre (19…), Buồn nôn – Phùng Thăng dịch, Nxb An Tiêm.


72. A.Schopenhauer (1971), Siêu hình tình yêu, siêu hình sự chết – Hoàng Thiện Nguyễn dịch, Nxb Kinh Thi.


  Nguồn: http://vietvan.vn/vi/bvct/id3197/Su-hien-dien-cua-triet-hoc-va-van-hoc-hien-sinh-o-do-thi-mien-Nam-1954–1975/

20 Tháng Giêng 2023(Xem: 2085)
13 Tháng Mười 2022(Xem: 2835)
15 Tháng Chín 2022(Xem: 2448)
08 Tháng Sáu 2022(Xem: 3181)
(Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh)