VN phải có Đại học tầm quốc tế, đào tạo ra công dân toàn cầu

29 Tháng Sáu 20161:06 SA(Xem: 7880)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ  TƯ 29  JUNE 2016

Việt Nam phải có đại học tầm quốc tế, đào tạo ra công dân toàn cầu

TS.Nguyễn Tiến Luận

28/06/16

(GDVN) - TS.Nguyễn Tiến Luận đặt vấn đề: Việt Nam cần có một trường đại học mang đẳng cấp quốc tế, tạo điều kiện để sinh viên Việt Nam trở thành công dân toàn cầu.

LTS: Độc giả đang theo dõi bài viết của TS.Nguyễn Tiến Luận – Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Trãi. Ông cho biết, các nội dung được nhắc tới ở đây có trong báo cáo mà ông gửi Chủ tịch nước hôm 8/6/2016.

Cần phải giải quyết bài toán lãng phí nguồn nhân lực

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã xếp năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó đáng chú ý, thấp hơn Singapore 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và thấp hơn Hàn Quốc khoảng 10 lần.

So với các nước có thu nhập trung bình trong khối ASEAN, năng suất lao động của Malaysia cao gấp 5 lần năng suất lao động của Việt Nam. Năng suất lao động của Thái Lan gấp 2,5 lần năng suất lao động của Việt Nam.

Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho năng suất lao động của Việt Nam thấp là do thiếu nguồn nhân lực trình độ cao, trong khi đó lại có tới hơn 200 nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp – đó là sự lãng phí vô cùng lớn đối với xã hội.

Số cử nhân thất nghiệp ngày càng lớn là do đào tạo ở các trường không gắn kết với thị trường, dạy một cách tự phát mà không đo đếm được yêu cầu của các đơn vị sử dụng lao động thế nào.

Vì vậy, dù muộn còn hơn không - phải chú trọng về những chiến lược đầu tư đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam, đó là chiến lược hợp tác quốc tế với các quốc gia đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, giải quyết việc làm và định hướng theo nhu cầu của thị trường lao động với quốc gia là đối tác với Việt Nam như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ.


image146

TS.Nguyễn Tiến Luận báo cáo những điều tâm huyết về nền giáo dục với Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Chúng tôi luôn ý thức rằng, sinh viên tốt nghiệp mà không có việc làm ưng ý thì trong đó có một phần lỗi của chúng tôi.

Vì vậy mà cách đây mấy năm, cho dù còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng Trường Đại học Nguyễn Trãi đã quyết định cho phép sinh viên đề nghị đổi giảng viên, nếu các em chỉ ra được trước Ban giám hiệu, thầy cô nào năng lực giảng dạy không tốt. Chúng tôi kiên quyết áp dụng cách làm đó và thật may là sau hơn 2 năm chất lượng đào tạo đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Có những sinh viên học khóa I của Đại học Nguyễn Trãi đã đi du học, hiện nay đảm nhiệm những công việc thu nhập tới 4.000 USD/tháng. Và mới đây thôi, có nữ cử nhân của trường vượt qua tới 150 ứng viên để trở thành người duy nhất trúng tuyển vào một công ty sản xuất game của Nhật Bản.

Đó là niềm vui rất lớn với chúng tôi – những người ngày đêm luôn mong muốn cho các em sinh viên học tập tốt và sớm tìm tới thành công.

Trong những nỗ lực ấy, chúng tôi cũng cần được đối xử công bằng. Hãy thử nhìn ra thế giới, những trường đại học hàng đầu và tốt nhất đều là những trường tư thục, đó là Harvard, Cambridge, Princeton, Columbia...

Ở những nước phát triển, các trường đại học công lập do nhà nước quản lý chỉ tập trung vào một số ngành đào tạo khoa học cơ bản và những ngành đặc thù mà nhà nước phân công lao động.

Trong khi đó ở Việt Nam lại đang có tới 80% các trường đại học công lập và đều được hưởng những ưu đãi của nhà nước dưới các hình thức khác nhau. Trong số ấy, có những trường đào tạo tốt và đã thành danh, nhưng cũng có không ít trường rất kém, đào tạo dễ dãi nên dẫn tới nguyên nhân thất nghiệp.

Mặc dù Chính phủ đã cho thử nghiệm ở một số trường cơ chế tự chủ, tuy nhiên theo tôi, vấn đề này cần được triển khai rộng rãi hơn nữa, dứt khoát không thể để tình trạng “cha chung không ai khóc” – đào tạo tràn lan, thất nghiệp tràn lan, gây áp lực lên xã hội, nhưng tuyệt nhiên không có ai phải chịu trách nhiệm.

Việt Nam cần sớm có trường đại học đẳng cấp quốc tế

Trong buổi diện kiến Chủ tịch nước Trần Đại Quang, tôi đã báo cáo với Chủ tịch nước: Để đáp ứng được sự chuyển mình của thời kinh tế mở, Trường Đại học Nguyễn Trãi cũng chuyển mình với tầm nhìn và định hướng dài hạn, đưa mô hình đào tạo mới – đại học ứng dụng trên nền tảng công nghệ vào đào tạo.

Đây là bước đi quan trọng, hướng tới việc đào tạo sinh viên trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao, được trang bị đầy đủ các kỹ năng mềm, kỹ năng nghề, ngoại ngữ và trình độ chuyên môn, đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của doanh nghiệp.

Trong tầm nhìn phát triển đến năm 2020, Trường Đại học Nguyễn Trãi hướng tới đào tạo xuyên suốt các cấp học từ mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, đại học và sau đại học.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng đẩy mạnh hợp tác với các trường đại học nước ngoài như Mỹ, Nhật, Hàn… giúp các em học giỏi nhưng không đủ tài chính theo học ở nước ngoài có thể đi học, từ đó tăng số lượng sinh viên du học tại chỗ.

Chúng tôi cũng bắt đầu triển khai dự án khu giáo dục Nguyễn Trãi 39 héc-ta tại quận Hà Đông (Hà Nội), nếu được các cơ quan nhà nước tạo điều kiện thuận lợi, chúng tôi dự kiến khởi công vào năm 2017.

Đây sẽ là tổ hợp giáo dục mang đẳng cấp quốc tế, đi đầu cả nước trong lĩnh vực đào tạo nhân lực, đào tạo tay nghề… chất lượng cao, gắn liền với mô hình đào tạo thực tế. Tổ hợp giáo dục này cũng sẽ hướng tới mục tiêu thu hút tài nguyên chất xám ở nước ngoài tìm đến Việt Nam làm nghiên cứu khoa học.

image147

Theo TS.Nguyễn Tiến Luận, khi nào Việt Nam tổ chức thành công mô hình đại học quốc tế thì sẽ đào tạo được những công dân toàn cầu, đồng thời hạn chế "chảy máu chất xám".


Chúng ta muốn hội nhập nhanh nhất và muốn sớm đưa sinh viên Việt Nam trở thành công dân toàn cầu thì hãy học tập những gì các quốc gia phát triển đã làm được.

Việc liên kết đào tạo chuyển giao công nghệ đào tạo sử dụng chương trình cấp bằng theo tiêu chuẩn của họ là thông minh nhất, cách đi này sẽ giảm tốn kém hàng chục tỷ USD.

Được diện kiến và báo cáo Chủ tịch nước là một vinh dự lớn đối với cá nhân tôi nói riêng và Trường Đại học Nguyễn Trãi nói chung.

Với tâm huyết và sự quan tâm dành cho nền giáo dục, chúng tôi mong chờ Chủ tịch nước sẽ có những chỉ đạo cụ thể để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của nước nhà trong thời gian tới.

Tôi luôn tâm niệm: “Khát vọng lớn nhất của mình là sống để trả nợ, tri ân đồng đội. Phần thưởng lớn nhất dành cho mình là những sinh viên thành đạt. Mong muốn lớn nhất của mình là giúp sinh viên thành công hơn thầy”. 

Ngay sau khi diện kiến Chủ tịch nước Trần Đại Quang, tôi đã buổi gặp và báo cáo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về ý tưởng thành lập một trường đại học tư thục đẳng cấp quốc tế. Chúng tôi rất mừng vì sau khi nghe báo cáo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng hết sức ủng hộ ý tưởng này.

Mới đây nhất, ngày 20/6, trong buổi làm việc của lãnh đạo Hà Nội với các trường đại học trên địa bàn Thủ đô (có Bí thư Hoàng Trung Hải và Chủ tịch Nguyễn Đức Chung chủ trì), tôi đã đề nghị Hà Nội cần có lộ trình cụ thể để tập trung vào vấn đề thay đổi chất lượng nguồn nhân lực, với ba vấn đề cụ thể:

Thứ nhất, giảm lao động chân tay và đồng thời nâng cao số lượng lao động bằng chất xám.

Thứ hai, sinh viên Thủ đô phải được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng để hội nhập toàn cầu một cách nhanh nhất.

Thứ ba, phải tập hợp được các tài năng trẻ Hà Nội để cùng nhau phát triển những ý tưởng, những sáng kiến hay không chỉ vì Hà Nội mà còn phải nhân rộng ra cả nước.

Các đồng chí lãnh đạo thành phố cũng hết sức tán thành ý tưởng đó và tới đây nếu đề xuất này trở thành hiện thực, tôi sẵn sàng tài trợ 1 tỷ đồng tiền mặt và dành một phần cơ sở vật chất của Đại học Nguyễn Trãi để làm nơi cho các tài năng trẻ của Hà Nội hội tụ.

TS.Nguyễn Tiến Luận

 

+++++++++++++++++++++++++++++++++++

XEM THÊM:

Thế nào là mô hình "Giáo dục khai phóng?"

21 Tháng Sáu 20169:18 CH(Xem: 143)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ  TƯ 22  JUNE 2016

Phỏng vấn bà Đàm Bích Thủy, ông Bob Kerrey

ĐH Fulbright hướng tới mô hình giáo dục khai phóng

26/05/2016

Bà Đàm Bích Thủy, hiệu trưởng ĐH Fulbright Việt Nam, khẳng định giá trị của nền giáo dục khai phóng sẽ giúp sinh viên hoàn thiện bản thân và xin việc thành công sau khi tốt nghiệp.

Sau buổi lễ trao quyết định thành lập ĐH Fulbright Việt Nam (FUV) dưới sự chứng kiến của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, ông Bob Kerrey, chủ tịch HĐQT FUV, và bà Đàm Bích Thủy, hiệu trưởng FUV đã có cuộc trao đổi với báo chí. Hai ông bà đều khẳng định sự thành công của mô hình giáo dục khai phóng trên thế giới giúp người học hoàn thiện các kỹ năng, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

- Zing.vn: Khi nào ĐH Fulbright bắt đầu tuyển sinh hệ cử nhân, và mức học phí như thế nào để bảo đảm tính cạnh tranh và bền vững?

- Ông Bob Kerrey: Đây là 2 vấn đề rất quan trọng đối với hoạt động của ĐH Fulbright. Tuy nhiên, tại thời điểm này, chúng tôi vẫn đang bàn bạc và chưa đưa ra quyết định.

- Bà Đàm Bích Thủy: Để xác định học phí nên ở mức như thế nào, chúng tôi cần tính toán dựa trên nhiều yếu tố. Trong quá trình chuẩn bị xây dựng chương trình, cũng như quyết định những môn học bắt buộc trong thời gian đầu, và những môn học mà học sinh có cơ hội tập trung học nhiều hơn về chuyên ngành... Sau quá trình thiết kế toàn bộ chương trình với những yêu cầu như vậy, chúng tôi mới có cơ sở xác định học phí, để làm sao mức này vẫn bảo đảm tính cạnh tranh và sự tự chủ về mặt tài chính của trường.


image148

Ngày 25/5, dưới sự chứng kiến của Ngoại trưởng Mỹ Kerry và Bí thư Đinh La Thăng, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã trao giấy phép thành lập cho đại diện ĐH Fulbright Việt Nam (FUV) cựu thượng nghị sỹ Bob Kerrey, Chủ tịch FUV.

- Thời báo Kinh tế Sài Gòn: Xin trình bày cụ thể về kế hoạch đào tạo ngành khoa học xã hội & nhân văn, mở rộng so với hướng từ việc đào tạo kinh tế và chính sách công trước đây.

- Bà Đàm Bích Thủy: Tôi xin chia sẻ thêm về mô hình giáo dục, mô hình hoạt động của Đại học Fulbright Việt Nam, và các khác biệt trong nền giáo dục khai phóng (liberal arts). Điểm khác biệt đầu tiên ở các trường đại học Mỹ là các em sinh viên năm thứ 1 chưa cần biết rõ nên đi sâu vào chuyên ngành nào.

Tôi tin rằng ở lứa tuổi 17, 18, không nhiều em thực sự biết rõ mình muốn làm gì, hoặc điều gì khiến mình say mê nhất để theo đuổi cả cuộc đời. Mô hình giáo dục này cho phép các sinh viên tiếp xúc với những môn học khác nhau trong 18 đến 24 tháng đầu tiên, có thể từ toán, lý, hóa, văn, sử...

Một số phụ huynh từng nói với tôi rằng họ muốn hướng con em theo những ngành như tài chính, kế toán nhưng con của họ trả lời rằng chỉ thích học hát, hoặc học nhảy...

Nuôi những đam mê

Tại Đại học Fulbright Việt Nam, chúng tôi muốn những niềm đam mê này của sinh viên vẫn được nuôi dưỡng, bên cạnh việc giới thiệu những môn học mà các em có thể chưa biết sẽ thích hay không do chưa có cơ hội tiếp xúc trước đây. Đây là mô hình đại học theo hướng giáo dục khai phóng như đại học Mỹ.

- Zing.vn: Đại học Fulbright định hình mình khác biệt so với những đại học quốc tế khác ở Việt Nam, như RMIT, như thế nào?

- Bà Đàm Bích Thủy: Khác biệt cơ bản nhất chính là RMIT là đại học nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, trong khi ĐH Fulbright là đại học Việt Nam, hoạt động ở Việt Nam với những tiêu chuẩn chất lượng theo đẳng cấp giáo dục đại học nước ngoài, cụ thể là mô hình những đại học Mỹ.

- Ông Bob Kerrey: Quan điểm của tôi là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định chất lượng và sự thành công của Đại học Fulbright Việt Nam chính là chất lượng giảng viên của trường.

Tôi chắc chắn rằng trường sẽ không đủ kinh phí hoạt động nếu chỉ thu tiền học phí. Chỉ riêng việc thu hút giáo sư giỏi đã cần phải có chế độ lương bổng phù hợp.

Nhưng trường cũng không thể đưa ra học phí quá cao so với tình hình kinh tế, xã hội ở Việt Nam.

Do vậy Đại học Fulbright Việt Nam sẽ có các hình thức học bổng và hỗ trợ tài chính, để đảm bảo những học sinh tài năng đều đủ điều kiện theo đuổi việc học ở trường nếu được nhận.

Qua đó, tôi muốn nhấn mạnh rằng điều kiện kinh tế của mỗi gia đình sẽ không phải là yếu tố quyết định các em có được học tại Đại học Fulbright Việt Nam hay không.


image149

Bà Đàm Bích Thủy, hiệu trưởng Đại học Fulbright Việt Nam.

- Thời báo Kinh tế Sài Gòn: Thách thức nào cảm thấy khó thỏa hiệp nhất trong quá trình xây dựng trường? Kịch bản để kêu gọi được số vốn rất lớn như mục tiêu đặt ra trong 5 năm, trong khi không thể thu học phí quá cao? Ngoài ra, làm sao trường xây dựng được một đại học khai phóng thực sự trong môi trường Việt Nam?

- Bà Đàm Bích Thủy: Tất cả những gì đi ngược lại tầm nhìn và hệ giá trị mà chúng tôi xây dựng cho Đại học Fulbright Việt Nam đều là những điều không thể thỏa hiệp.

Về tìm kiếm nguồn tài chính để trường có thể hoạt động bền vững, chúng tôi đã từng thảo luận về con số này cách đây khoảng 7-8 tháng. Khi đó, chính bản thân tôi cũng gặp áp lực về việc tìm kiếm nguồn để bảo đảm đáp ứng mục tiêu. Tuy nhiên, càng ngày, chúng tôi càng gần tiến đến đích hơn. Những diễn biến trong khoảng 3 ngày qua, sự ủng hộ nồng nhiệt, sự quan tâm từ nhiều phía đã cho tôi niềm tin rằng chúng tôi có thể hoàn thành mục tiêu này, thậm chí là nhiều hơn.

Điều quan trọng không phải là huy động bao nhiêu tiền, mà là chúng tôi xây dựng cơ chế cho trường như thế nào. Một cơ chế tốt sẽ thu hút và mang lại những nguồn tiền đáng tin cậy.

Về câu hỏi thứ 3, điều này cần một quá trình để thực hiện. Đến nay, chúng tôi đã đạt được nhiều thỏa thuận về tự do học thuật, cũng như quyền tự chủ hoạt động và xây dựng chương trình.

Những điều này cần thử thách theo thời gian, và cần sự tin cậy từ 2 phía. Nhà trường cần phải chứng minh đây là một địa chỉ tin cậy với những đổi mới về phương pháp giảng dạy và cách tiếp cận kiến thức. Chính phủ Việt Nam cũng cần tin tưởng rằng nhà trường là nơi có thể biến những lý tưởng ấy thành sự thật.

Lợi thế mô hình đại học khai phóng 

- Ông Bob Kerrey: Nhiều khảo sát đã cho thấy tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp các trường giáo dục khai phóng có tỷ lệ xin việc thành công rất cao. Các sinh viên này thường được trang bị kỹ năng lãnh đạo, khả năng trở thành người dẫn dắt trong cộng đồng rất cao. Trong 10 năm tôi là hiệu trưởng đại học New School ở New York, tôi đã vận động được nguồn kinh phí đáng kể cho trường từ các nguồn cá nhân. Nguyên nhân là người dân Mỹ hàng năm đóng góp rất đáng kể cho các trường đại học, họ rất tin vào tầm quan trọng của giáo dục đại học.

Cần phải khẳng định xây dựng trường đại học hoàn toàn mới là điều vô cùng khó khăn. Thất bại là điều có thể xảy ra. Tuy nhiên, tôi tin tưởng vào khả năng thành công của Đại học Fulbright Việt Nam do chúng tôi nhận được sự ủng hộ từ cả chính phủ Mỹ lẫn chính phủ Việt Nam.


image150

Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trao đổi thân mật trong buổi trao quyết định hoạt động đối với Đại học Fulbright Việt Nam do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký.

- Zing.vn: Việc mở ngành đạo các ngành khoa học xã hội liệu có đáp ứng nhu cầu của thị trường Việt Nam? Quá trình tuyển sinh của trường sẽ độc lập với việc tuyển sinh của Bộ Giáo dục & Đào tạo ra sao? Trường cấp bằng Việt Nam, vậy việc công nhận tiêu chuẩn chất lượng sẽ thực hiện như thế nào?

- Bà Đàm Bích Thủy: Tôi xin nhắc lại về khái niệm giáo dục khai phóng, nó bao gồm khoa học - xã hội - nhân văn, tức có cả khoa học tự nhiên và xã hội. Ngành đào tạo của trường có đáp ứng nhu cầu thị trường Việt Nam hay không, có lẽ cần phải đợi khóa đầu tiên tốt nghiệp sẽ có câu trả lời thuyết phục hơn. Tuy nhiên, tôi muốn chỉ ra rằng tất cả những trường hàng đầu của Mỹ, như Harvard, Yale, Stanford, đều là những trường khai phóng.

Giáo dục khai phóng đã được chứng minh ở nhiều thị trường là hình thức giáo dục giúp con người tìm kiếm việc thuận lợi nhất. Vì nền giáo dục này tập trung đào tạo kỹ năng cứng (như cách suy luận, cách lập luận, tính toán, cách làm việc nhóm...), nhưng quan trọng hơn là giúp xây dựng tính cách con người. Đó cũng là điều mà phần lớn công ty khi tuyển nhân sự đều chú trọng.

Khi các công ty tuyển nhân viên, họ sẽ đều có những khóa đào tạo lại hoặc bồi dưỡng thêm về kỹ năng cứng này. Tuy nhiên, họ muốn tìm kiếm những ứng viên có khả năng suy nghĩ logic, khả năng thuyết phục người khác, khả năng trình bày ý tưởng một cách cô đọng và có tính thuyết phục.

Hướng tới kiểm định chất lượng quốc tế 

Về hình thức tuyển sinh, chúng tôi muốn tiếp cận cách tuyển sinh của những đại học bên Mỹ. Không phải chỉ nhìn vào điểm, không phải chỉ một kỳ thi mà có thể quyết định nhiều năm đèn sách của một thí sinh.

Ngoài điểm số, chúng tôi sẽ chú trọng cách các em trả lời phỏng vấn, cách các em bày tỏ ước mơ, nguyện vọng, cách các em nói về sự đam mê của bản thân đối với một ngành, nghề, các em có tham gia những hoạt động xã hội, cộng đồng hay không.

Đại học Fulbright Việt Nam muốn tìm kiếm những học viên có nhiều điểm khác biệt và thú vị, chứ không phải điểm số cao nhưng không quan tâm gì đến xã hội.

Về kiểm định chất lượng, chúng tôi hướng đến tìm kiếm những công ty đã kiểm định cho các trường như Harvard, Yale... Để được những cơ quan này kiểm định và chất lượng, điều kiện tối thiểu là chúng tôi phải có khóa đầu tiên tốt nghiệp xong. Trong suốt 4 năm học của khóa này, các cơ quan sẽ liên tục theo dõi trường xây dựng chương trình chất lượng như thế nào, trình độ giảng viên, các hoạt động khác như thế nào... Đại học Fulbright Việt Nam dự kiến cần 4 - 5 năm để nhận chứng nhận kiểm định chất lượng từ các cơ quan Mỹ.

- Người Đô Thị: Đại học Fulbright Việt Nam có đào tạo những môn học bắt buộc như các trường đại học ở Việt Nam khác hay không?

- Bà Đàm Bích Thủy: Chúng tôi đã trao đổi về điều này rất nhiều với các quan chức trong ngành giáo dục và chính phủ Việt Nam. Tôi nghĩ 2 phía đã đạt nhiều hiểu biết lẫn nhau về quan điểm. Chúng tôi không muốn thế hệ trẻ Việt Nam quên đi những sự kiện từng xảy ra ở Việt Nam. Những thông tin này có nhiều cách giới thiệu và cách dạy để giúp môn học trở nên hấp dẫn và thu hút nhiều sinh viên hơn.

Nếu chúng ta dạy Lịch sử Đảng đặt trong bối cảnh lịch sử phát triển của Việt Nam thì sẽ rất nhiều sinh viên quan tâm. Hoặc như môn Học thuyết Marx - Lenin tưởng chừng có vẻ khô khan. Nhưng nếu đặt tư tưởng Marx và Lenin bên cạnh những nhà tư tưởng bên cạnh những nhà tư tưởng lớn khác, hoặc tìm hiểu học thuyết của Marx và Lenin ảnh hưởng đến từng giai đoạn phát triển của xã hội như thế nào? Đại học Fulbright Việt Nam sẽ giúp sinh viên tiếp cận những môn học như thế này như một phần kiến thức trong toàn bộ nội dung giảng dạy.

Hợp tác về giáo dục, đặc biệt là việc thành lập FUV, cũng là trọng tâm trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Việt Nam dịp này.

Trong bài phát biểu trước thanh niên Việt Nam ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) hôm qua 24/5, Tổng thống Obama đã "hân hoan" thông báo về hoạt động của trường.

"Mùa thu này, một Đại học Fulbright Việt Nam mới sẽ hoạt động ở TP HCM. Đây là trường đại học độc lập và phi lợi nhuận đầu tiên của Việt Nam. Các sinh viên, học giả, nhà nghiên cứu sẽ tập trung vào những vấn đề như chính sách công, quản trị, kinh doanh, cơ khí, khoa học máy tính... trên nền tảng giáo dục khai phóng", Tổng thống Obama nói.

19 Tháng Mười 2018(Xem: 7470)
14 Tháng Mười 2018(Xem: 8864)