Vĩnh biệt anh Ngô Vĩnh Long

13 Tháng Mười 20228:39 SA(Xem: 2834)

VĂN HÓA ONLINE – CỘNG ĐỒNG 1 – THỨ NĂM 13 OCT 2022

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Vĩnh biệt anh Ngô Vĩnh Long


image026Nguồn hình ảnh, Giáo sư Ngô Vĩnh Long


13/10/2022


Joaquin Nguyễn Hòa, gửi từ San Jose, California


Tôi biết tin anh Long qua đời qua trang Facebook của anh Nguyễn Hữu Liêm ở San Jose. Giáo sư Trần Hữu Dũng ở Ohio xác nhận với tôi rằng anh Long qua đời vì bệnh ung thư gan lúc 5:30 sáng ngày 12/10/2022, thọ 78 tuổi. 


Anh Ngô Vĩnh Long là giáo sư sử học, trường đại học Maine, anh tốt nghiệp đại học lừng danh Harvard, anh là bình luận gia nhiều vấn đề quan hệ quốc tế và Việt Nam, anh là thủ lĩnh phong trào phản chiến trong chiến tranh Việt Nam, anh từng chiếm đóng tòa lãnh sự Việt Nam Cộng hòa tại San Francisco, …  


Tất cả những điều ấy, mọi người đều biết, và cũng có nhiều người chỉ trích, mắng chửi, …  


Tôi không muốn lặp lại những điều ấy, chỉ xin kể lại đây những kỷ niệm cá nhân với anh Long. 


Tôi biết anh Long khi còn làm phóng viên cho trang RFA Việt ngữ, khi cần những bình luận về tình hình Việt Nam, cũng như quan hệ của Việt Nam với Hoa Kỳ và Trung Quốc. Điều tôi ấn tượng nhất khi phỏng vấn anh Long, hoặc khi chuyện vãn bên lề, là anh có hai nét bề ngoài có vẻ rất mâu thuẫn với nhau, một giọng nói khá yếu, đến mức có khi như thều thào, và một giọng cười rất sảng khoái và mạnh mẽ. 


Chỉ sau vài lần trò chuyện, có lẽ anh Long cũng có cảm tình với tôi, anh mời tôi đến chơi với anh ở Bangor, Maine. 


Anh đón tôi vào một ngày cuối đông. Từ trong sân bay, tôi thấy anh xăm xăm bước qua đống tuyết còn bề bộn, đi vào sảnh, dáng đi hồn nhiên như một đứa trẻ. Anh chở tôi đến ngay một tiệm bán … tôm hùm. Và buổi trưa hôm đó câu chuyện dài dằng dặt của chúng tôi, đúng hơn là câu chuyện của anh, bắt đầu, kéo dài đến gần một tuần, bên ly rượu Sauternes, một loại vang cất từ nho mốc trên cành, mà anh cho tôi biết là rất “bắt” với tôm hùm và… lẫu mắm. 


Tên của anh được đặt theo tên cái thị xã mà anh sinh ra, thị xã Vĩnh Long, nơi cha anh theo kháng chiến chống Pháp trong mặt trận Việt Minh. Ông cụ không phải là một đảng viên cộng sản, mà còn xa hơn nữa, sau năm 1954, cụ trở thành một tín hữu Tin Lành. Chính ông cụ là người bày cho anh cách học thuộc lòng các cuốn tiểu thuyết bằng Anh ngữ để học tiếng Anh. Và bằng cách đó anh đã đủ tiếng Anh để đại học Harvard lừng danh của Mỹ chấp nhận. 


Ngoài chuyện có bố là người theo đạo Tin Lành, cũng không có nhiều người biết rằng trong gia đình anh Long còn có một nữ sĩ quan công binh, Danielle Ngô, vị chỉ huy một lữ đoàn công binh là nữ giới đầu tiên của quân đội Hoa Kỳ. Bà Danielle Ngô gọi anh Long là cậu ruột. Gia đình bà bỏ chạy khỏi Sài Gòn đúng ngày 30/4/1975, và được anh Long bảo trợ đến Mỹ. Đó là những năm rất vất vả với người tị nạn Danielle Ngô mới được vài tuổi, mà cũng là những năm rất vất vả với người phản chiến Ngô Vĩnh Long, hết bị dính tới vụ án Trương Đình Hùng (con trai bác sĩ Trương Đình Dzu từng là ứng viên tổng thống Việt Nam Cộng hòa), rồi lại bị ám sát hụt trong khuôn viên đại học Harvard. 


Sau đó, Hà Nội lại cấm cửa không cho Ngô Vĩnh Long về nước, mà cũng không rõ lý do gì (những chuyện như thế thường không có lý do!). Anh Long kể với tôi rằng anh thoát bàn tay công an Việt Nam trong gang tấc nhờ một người bạn che chở trong một lần về Việt Nam. 


Chuyện nước là thế, chuyện nhà cũng không suông sẻ gì với cuộc hôn nhân đầu tiên gãy đổ. Nhưng có lẽ trời cũng bù lại cho tính cách hồn nhiên của anh bằng những đứa con rất giỏi giang, hai người con lớn rất thành đạt, còn cậu út, cũng tài hoa như cha, một tay guitar cự phách, và tốt nghiệp đại học chỉ sau hơn hai năm. 


Dĩ nhiên đối với kẻ hậu sinh như tôi, thì những câu chuyện về các nhân vật phản chiến luôn là một sự hấp dẫn. Câu chuyện anh Long kể về nhân vật Nguyễn Thái Bình (bị an ninh Mỹ bắn chết vì cáo buộc cướp máy bay), làm tôi ngạc nhiên với lời bình luận của anh, “Bình tốt lắm, nhưng giao du với các nhóm quá tả”. Dần về sau, giữa những biến động xã hội, chính trị Mỹ, tôi thậm chí thấy rằng Ngô Vĩnh Long chưa chắc đã tả bằng nhiều thanh thiếu niên người Mỹ gốc Việt hiện nay.


Câu chuyện thứ hai làm tôi rõ hơn tính cách Ngô Vĩnh Long đến từ giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng ở Virginia. Lần đó giáo sư Hùng cho tôi xem những thư từ qua lại giữa chính quyền Mỹ với một số nhân sĩ trí thức người Mỹ gốc Việt, để chuẩn bị lộ trình bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Tôi thấy có một bức thư ủng hộ kế hoạch H.O. (Humanitarian Operation) của người Mỹ nhằm đưa những người tù “cải tạo” sang Mỹ, trong số những chữ ký tôi thấy có Ngô Vĩnh Long. Kể chuyện này với anh Long, anh cười rất hồn nhiên như mọi khi, “các ông H.O. cứ réo tên tôi mà mắng chửi suốt ngày”. 


Cách đây hơn một tháng, anh Long có sang San Francisco dự một cuộc hội thảo. Tôi có gọi cho anh để càm ràm là bạn bè gì tệ quá, sang mà không gặp. Anh cười hì hì giữa một cơn đau lạ đang hành hạ, anh kể với tôi là cô con gái lớn hoạt động xã hội ở Oakland, vẫn còn giận anh gì đó nên hai cha con không gặp nhau được. Hai anh em lại hẹn nhau lần sau với chai Sauternes, mà phải là lẫu mắm, chứ không phải tôm hùm. 


Và sáng nay anh ra đi. 


Anh Long không chính thức theo một tôn giáo nào, nhưng có lần chúng tôi đồng ý với nhau về tính hiện sinh của triết học Phật giáo. Anh có nhắc với tôi một số kỷ niệm với các nhà sư Việt Nam, như thiền sư Thích Nhất Hạnh. Anh không nổi tiếng như thiền sư, nhưng cũng có một số phận giữa hai làn nước từa tựa như thiền sư. 


Có lần tôi hỏi ông T., một nhân vật nổi tiếng chống cộng tại Mỹ, nghĩ thế nào về Ngô Vĩnh Long? Ông T. nói: “Anh Long là một người yêu nước”.


Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.


++++++++++++++++++++++++++++++++++


Ảnh và tài liệu của Giáo sư Ngô Vĩnh Long gởi cho Văn Hóa Online lần cuối


LỜI TÒA SOẠN: Trước hết, xin cám ơn ông Joaquin Nguyễn Hòa, gửi từ San Jose cho BBC ngày 13/10/2022 cho biết Giáo sư Ngô Vĩnh Long đã từ trần ngày vì bệnh ung thư gan lúc 5:30 sáng ngày 12/10/2022, TẠI tại Bangor, Maine, thọ 78 tuổi. 


Đọc tin này trong sự bàng hoàng và sửng sốt. Tôi mới nói chuyện qua điện thoại với Gs Long chỉ cách đây độ nửa tháng. Gs Long tỏ ra rất vui nói với tôi rằng ông vừa được cậu con trai út lái chiếc Cessna bay một vòng thăm Maine và nhất là thăm cảnh quan chung quanh căn nhà ông đang trú ngụ. Căn nhà có cây hoa tím nở giữa đống tuyết mùa đông.


Tôi cũng đùa vui với ông là đề nghị ông bảo cậu út lái chiếc Cessna qua nam Cali chơi, nhà tôi có đủ phòng cho ông ở và tất nhiên mời ông đi ăn hết thãy những món ăn ngon nhất ở Little Saigon.


Nghe tin Gs Long mất tôi đau đớn quá. Ông là người anh tri kỷ của tôi từ năm 2016 khi chúng tôi gặp nhau ở Hội nghị Quốc tế Biển Đông ở Nha Trang. Ông nói với tôi khá nhiều về thời niên thiếu của ông, về người Cha, về người vợ, về những câu chuyện bi thảm, về cây đàn guitar cổ điển, ông đã chỉ giúp cho tôi mua cây guitar cổ điển vừa túi tiền và tương đối đối khá, về hai cậu con trai, về sự chăm sóc của ông với người con trai lớn, đặc biệt ông rất yêu thương và tin tưởng vào cậu út, sở thích từ năm 18 tuổi là lái máy bay và đã trở thành viên phi công giỏi. Ông gởi nhiều hình ảnh gia đình cho tôi và một số tài liệu.


Không những ông và tôi như tình tình huynh đệ trong nghiệp vụ nghiên cứu về Biển Đông, ông gần như người thân thiết đối với tôi trong những câu chuyện về đời thường. Từ những câu chuyện nhỏ này tôi khám phá Giáo Sư Ngô Vĩnh Long là một người có tâm từ bi hỷ xả vô lượng. Ông yêu người, yêu dân tộc, yêu nước Mỹ và … yêu âm nhạc rất thích chụp ảnh hoa lá. Dạo sau này, hình ông không có thì giờ cầm guitar nữa, tôi nghĩ ông dành hết sức lực còn lại cho công việc giáo dục thế hệ trẻ.    


Bây giờ anh ra đi về nơi xa thẳm, bỏ lại trong tôi và những bạn bè bao nhiêu ân tình. (LKT)


image028Giáo sư Ngô Vĩnh Long, mùa đông 2022. Ảnh tác giả gởi cho Văn Hóa Online.


image030Giáo sư Ngô Vĩnh Long, năm 2019.


image032Ngô Vĩnh Long, Guitarist


image034Quang cảnh cuộc họp báo về tình hình Biển Đông ngày 16/8/2016 tại Nha Trang. Ngồi góc phải áo sơ mi vàng nhạt là Giáo sư Ngô Vĩnh Long đến từ Đại học Maine, Hoa Kỳ. Ảnh Lý Kiến Trúc.


image036Món quà ân tình từ Việt Nam mang sang tới Maine.


image038Bức ảnh kỷ niệm; từ trái, Lý Kiến Trúc, Gs Ngô Vĩnh Long, Gs Nguyễn Mạnh Hùng trên chuyến xe bus từ Cam Ranh về Nha trang năm 2016.


Gs Ngô Vĩnh Long phân tích báo cáo mới nhất của Hoa Kỳ về Biển Đông


Gs Ngô Vĩnh Long: “Về vị trí địa chính trị của Đà Nẵng trong việc Pháp chiếm cửa Hàn năm 1858-1860 và trong bối cảnh hiện nay”


++++++++++++++++++++++++++++++


XEM THÊM:


Thương tiếc GS Ngô Vĩnh Long: Nhớ một người Sài Gòn giỏi giang và nặng tình quê hương


13/10/2022 20:57 GMT+7


TTO - Sự ra đi của giáo sư Ngô Vĩnh Long để lại niềm thương tiếc khôn nguôi. Không chỉ là một tấm gương tận tụy cống hiến của một nhà giáo, một sử gia, ông còn là một trí thức dấn thân cho quê hương từ thuở sinh viên cho đến lúc thành đạt.


image036Giáo sư Ngô Vĩnh Long (1944 - 2022) - Ảnh: Facebook Ngô Vĩnh Long


Tin giáo sư Ngô Vĩnh Long qua đời ở Mỹ vào ngày 12-10 vì bạo bệnh đến với thân hữu và học trò của ông vào tối qua, thật bàng hoàng. 


Mấy hôm trước qua email gởi cho nhóm trí thức bạn bè, giáo sư Long báo sức khỏe ông kém đi làm mọi người rất lo lắng. Bạn bè động viên ông, khuyên ông giảm bớt công việc. Vậy mà, tin buồn đã đến quá nhanh. 


Người bạn thân thiết của ông - tiến sĩ Vũ Quang Việt (New York) - đau xót nói với thân hữu: Xin báo anh Long vừa mới mất đêm qua. Như vậy, tôi đoán là anh đi rất nhẹ nhàng, vì sáng tôi còn nói chuyện với anh và thấy giọng còn mạnh mẽ. 


Giáo sư Trần Văn Thọ (Tokyo) chia sẻ qua email: Sáng nay nghe anh nói bệnh tình đã trầm trọng, không cứu được nữa, ai cũng mong bác sĩ chẩn đoán sai. Nhưng cuối cùng chúng ta đã mất anh. Thương tiếc vô cùng! 


Bà Phạm Chi Lan (Hà Nội) nhận xét: Vậy là anh ấy đã làm việc đến những ngày cuối cùng, dù đang rất mệt, và đã ra đi rất nhanh, quá nhanh, quá đột ngột! Anh Long ơi, cầu mong anh yên nghỉ nơi Vĩnh hằng. Thương tiếc anh lắm lắm. 


Giáo sư Cao Huy Thuần (Paris) hồi tưởng: Ai đã một lần gặp anh Ngô Vĩnh Long không quên được phong thái hòa nhã, hiền hậu và những câu nói cùng nụ cười hóm hỉnh, ý nhị của anh.


image038GS Ngô Vĩnh Long (thứ ba từ trái sang) tại Hội thảo về Biển Đông ở Đại học Yale, tháng 5-2016 - Ảnh: P.T.


Qua những lần gặp giáo sư, tôi được biết bản thân ông là người Sài Gòn, lớn lên ở khu Bàn Cờ từ những năm 1950. Ngay gia đình ông cũng là một điển hình dòng máu pha trộn ba miền phản ánh nhiều đặc điểm lịch sử truân chuyên của đất nước. 


Cha ông là người Bắc Ninh, mẹ ông là người Huế, gia đình vào Nam sinh sống từ sớm. Bốn anh em ông sống trong xóm nghèo, nhà tranh vách đất, đều cố gắng học hành. 


Theo một cuộc phỏng vấn của báo Lao Động vào năm 2022, giáo sư Ngô Vĩnh Long thổ lộ từ nhỏ ông đã học giỏi tiếng Anh, đi phụ việc cho người Mỹ làm bản đồ khắp miền Nam và một phần Campuchia, Lào vào những năm 1959 - 1963. 


Sau khi đỗ tú tài xuất sắc, năm 1964, ông giành được học bổng đi học tại Đại học Harvard và mặc dù tham gia phong trào sinh viên chống độc tài Nguyễn Khánh nhưng ông đã được những người Mỹ quen biết trợ giúp để được phép xuất cảnh đi học.


Song ngay khi đặt chân lên đất Mỹ, ông vừa học, vừa tham gia phong trào chống chiến tranh. Tiến sĩ Vũ Quang Việt - du học sinh ở Mỹ từ năm 1968 và cùng tham gia phong trào với ông - cho biết: 


Dù yêu thích nghiên cứu, nhưng anh Long vẫn không quên bổn phận đối với Tổ quốc! Đó là làm sao chấm dứt chiến tranh, mang lại hòa bình và hòa giải giữa người Việt Nam. Tờ báo mang tên "Thời báo Gà" ở Harvard ra đời sau những năm 1968 là nhằm vận động anh chị em sinh viên Việt Nam tham gia phong trào ngăn chặn chiến tranh, với châm ngôn rất rõ "gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau". 


Ông Việt nói giáo sư Long là một trong số rất ít người có sách xuất bản ngay từ thời còn là sinh viên, chỉ bốn năm sau khi tới Mỹ. Đó là cuốn Before the Revolution: The Vietnamese Peasants under the French (Trước Cách mạng: Người nông dân Việt Nam trong chế độ Pháp thuộc) do Đại học MIT xuất bản năm 1968.


Năm 1978, giáo sư Ngô Vĩnh Long hoàn thành luận án tiến sĩ chuyên ngành Lịch sử Đông Á và các ngôn ngữ vùng Viễn Đông. Ông tham gia nghiên cứu và giảng dạy về Đông Á và Việt Nam, là một chuyên gia uy tín trên nhiều giảng đường và diễn đàn khoa học và quốc tế. 


image040Giáo sư Ngô Vĩnh Long (hàng ngồi, thứ ba từ trái sang) chụp hình kỷ niệm với một số đại biểu tại Hội thảo về Biển Đông, tháng 5-2016 - Ảnh: PHÚC TIẾN


Sau chiến tranh, ông về Việt Nam nhiều lần, thực hiện nhiều chuyến điền dã và đóng góp nhiều ý kiến cho đất nước. Ông còn tham gia giảng dạy tại Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội. 


Từ năm 1985, ông là giáo sư giảng dạy tại khoa lịch sử Trường đại học Maine (tiểu bang Maine, Mỹ).


Trong mười năm trở lại đây, giáo sư Ngô Vĩnh Long cùng các thân hữu là trí thức ở nhiều nước tham gia sáng lập các cuộc "Hội thảo hè" làm tại Việt Nam và nước ngoài để tạo thêm cơ hội cho trí thức trong và ngoài nước trao đổi cởi mở về các vấn đề kiến thiết đất nước với tinh thần xây dựng và "gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau". 


Qua Facebook, ông chia sẻ nhiều bài viết, tâm sự nặng tình quê hương, những bức ảnh chụp rất đẹp về thiên nhiên và con người cho thấy không chỉ tài năng nghệ thuật mà hơn cả là tấm lòng nhân văn của tác giả.


image042Ảnh từ sách Sài Gòn không phải ngày hôm qua của tác giả Phúc Tiến


Lần cuối, tôi được hân hạnh gặp giáo sư Ngô Vĩnh Long tại một cuộc Hội thảo về Biển Đông ở Đại học Yale (Mỹ) năm 2016. Giáo sư Long cùng với nhiều trí thức ở hải ngoại đã kiên trì tham gia tìm kiếm nhiều tư liệu lịch sử quý báu và lên tiếng bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế.


Tôi rất tâm đắc lời ông chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với báo chí: Người thầy không có tiền bạc, nhưng có cái lớn hơn là bỏ cả cuộc đời mình để đầu tư cho thế hệ tương lai của một dân tộc, một đất nước, thậm chí là cả thế giới. Đó là niềm vinh quang và hạnh phúc của người thầy mà không phải nghề nào cũng có được. Giáo dục không chỉ đào tạo những người lao động mà còn đào tạo công dân và những con người có trách nhiệm cao với dân tộc, quốc gia và cả thế giới. 


Chia tay giáo sư Ngô Vĩnh Long, tôi còn món nợ lớn chưa kịp hỏi ông nhiều về chuyện lịch sử Sài Gòn, trong đó có xóm Bàn Cờ mà nhiều người là "đồng hương" với ông...


Giáo sư Ngô Vĩnh Long sinh ngày 10-4-1944 tại tỉnh Vĩnh Long. Theo thông tin từ bà Ngô Thị Tường Vân - em gái của giáo sư, ông qua đời sáng ngày 12-10 (giờ New York) tại Bangor, Maine, Mỹ.


Hôm 1-10 vừa rồi, giáo sư Ngô Vĩnh Long còn viết trên Facebook "trấn an bà con" trên mạng: "Xin báo cáo với bà con, bạn bè, là tại sao lâu rồi mà tôi không vào Facebook. Tôi không muốn bà con lo giùm, nhưng nghĩ lại không biết lý do lại càng lo".


Giáo sư cho biết từ đầu tháng 9 mắt trái của ông tự nhiên không thấy được, tuy mệt và ho nhiều, ông vẫn cố gắng đi dạy và hướng dẫn sinh viên cao học. Và mặc dù bệnh, ông chỉ than vãn: Cái khổ là mùa thu này lá cây sẽ rất rực rỡ, nhưng tôi không biết tôi có thể đi chụp ảnh hay không...


TTCT - Giáo sư Ngô Vĩnh Long, một học giả lâu năm về các lĩnh vực lịch sử Đông Nam Á, Đông Á và quan hệ châu Á - Mỹ, chia sẻ với TTCT một cái nhìn tổng quan về mối quan hệ chính trị Việt - Mỹ hiện nay. PHÚC TIẾN