Các học giả Việt phê phán Lê Đức Thọ

21 Tháng Mười 20219:34 SA(Xem: 4144)

VĂN HÓA ONLINE – DIỄN ĐÀN 3 - THỨ NĂM 21 OCT 2021

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Các học giả Việt phê phán Lê Đức Thọ


Lê Đức Thọ và bài học sử dụng người tài cho Việt Nam


BBC 20/10/2021


image006Nguồn hình ảnh, Getty Images. Ông Lê Đức Thọ tại Hòa đàm Paris năm 1970


Di sản rõ nhất rất khó khắc phục từ thời ông Lê Đức Thọ để lại cho đến ngày nay là việc lựa chọn nhân sự cho Đảng Cộng sản Việt Nam không tuyển được người thực sự có tài để phục vụ, đó là nhận xét chung của các nhà nghiên cứu và học giả trong một hội luận chuyên đề của BBC.


Tại hội luận chuyên đề của BBC News Tiếng Việt hôm 14/10/2021 nhân lúc Việt Nam kỷ niệm 110 năm ngày sinh ông Lê Đức Thọ, đánh giá về con người của nhà đàm phán Bắc Việt, Giáo sư Nguyễn Đình Cống từ Hà Nội bình luận:


"Tôi đồng ý với nhận định rằng ông Lê Đức Thọ là chiến sỹ cộng sản trung kiên, có bản lĩnh, có ý chí với những lý tưởng cộng sản. Nhưng điều ấy cũng chỉ phục vụ cho đảng thôi chứ đối với dân tộc thì cũng chưa chắc."


"Cấp dưới đối với ông Lê Đức Thọ người ta sợ, nhưng mặt khác người ta cũng không yêu mến ông ấy. Thành ra không được cấp dưới, không được nhân dân kính trọng. Ông ta để lại trong lòng dân tộc Việt Nam những điều mà không phải người ta tôn sùng ông ấy như là nhà lãnh đạo xuất sắc đâu."


Ông Nguyễn Đình Cống cũng chỉ ra hai điều ông Lê Đức Thọ còn thiếu ở một nhà lãnh đạo.


"Một là ông ấy thiếu kiến thức hiểu biết về xã hội, về chính trị, về tất cả thì ông ấy tương đối yếu kiến thức chung. Vì thế, tầm nhìn của ông là không được xa lắm. Ông ấy chỉ thấy loanh quanh luẩn quẩn một ĐCS làm cách mạng chứ ông ấy không biết không hiểu được một đảng chính trị.


"Hai là ông được ca ngời là một người có đạo đức cách mạng tốt nhưng mà xét ra thì đạo đức cơ bản nhất là đạo đức nhân bản thì ông lại hơi thiếu. Đối với những người như vậy thì đáng lẽ ra chỉ nên dùng vào các việc cụ thể chứ không nên dùng vào những việc thượng tầng ở trên cao như thế.


"Đối với những người ở trên cao, thuộc lãnh đạo cao như ở trong bộ chính trị thì đòi hỏi những đức tính, năng lực cao hơn nhiều chứ còn chỉ có dựa vào nhiệt tình cách mạng, dựa vào ý chí kiên cường cách mạng thì sẽ làm hỏng sự nghiệp của đảng."


image007Nguồn hình ảnh, Getty Images. Ông Lê Đức Thọ bắt tay nhà đàm phán Henry Kissinger của Mỹ tại Hòa đàm Paris 1973


Ảnh hưởng của Lê Đức Thọ trong Đảng Cộng sản


Ông Lê Đức Thọ giữ chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương từ năm 1956 đến năm 1982, trước đó ông đã làm trưởng ban tổ chức của Trung ương cục Việt Nam từ năm 1949.


Với hơn 30 năm làm công tác tổ chức đảng, ông Lê Đức Thọ, được đánh giá là đã có ảnh hưởng rất lớn trong Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCS VN), GS. Nguyễn Đình Cống bình luận:


"Việc ảnh hưởng của ông Thọ ở trong đảng thì quan trọng nhất 30 năm ông làm trưởng ban tổ chức trung ương, một mình ông nắm quyền sinh sát về tổ chức ở trong đảng và ông ấy đã xây dựng nên một hệ thống tổ chức của đảng mà tồn tại cho đến bây giờ."


Việc giữ cùng một chức vụ trong thời gian 30 năm như vậy, dẫn đến hậu quả là "thao túng quyền lực", nhà nghiên cứu lịch sử Lê Văn Sinh, nguyên giảng viên Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) phân tích:


"Chúng ta biết là một người làm tổ chức đảng 30 năm liên tục thì toàn bộ hệ thống cán bộ, bộ máy của đảng và nhà nước nằm trong tay ông ta sắp xếp.


"Bằng chứng là các Đại hội Đảng III, IV, V, VI thì ông là trưởng, ông là người phụ trách soạn thảo các văn kiện đại hội đảng cũng là trưởng ban. Đại hội VI ông là trưởng tiểu ban nhân sự của đảng."


Ông Sinh đưa thêm dẫn chứng:


"Và chúng ta biết là có những câu chuyện được các nhà báo viết lại rằng là ông Đỗ Quốc Sam khi đến họp chính phủ thì Thủ tướng Phạm Văn Đồng còn không biết ông là ai và hỏi ông ấy là ai.


"Điều đó cho thấy là ông thủ tướng cũng không có quyền lực mà người sắp xếp nội các của chính phủ đó chính là ông Lê Đức Thọ, trưởng ban tổ chức trung ương."


"Ông Lê Đức Thọ là người có quyền uy đến mức như chúng ta đọc bài của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh vừa công bố gần đây trong dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông Lê Đức Thọ là một ông sỹ quan vừa ra trường muốn xin vào mặt trận Campuchia trình với ông tư lệnh sư đoàn, trình với ông tư lệnh mặt trận là ông Lê Đức Anh và trình với ông Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó là ông Văn Tiến Dũng, mà các ông đều nói là phải hỏi ý kiến ông Lê Đức Thọ.


"Thì chúng ta biết qua câu chuyện đấy quyền uy của ông Lê Đức Thọ lớn đến mức độ nào."


image008Nguồn hình ảnh, JACQUES HAILLOT/GETTY. Ông Lê Đức Thọ (giữa) phát biểu trong một cuộc họp báo quốc tế


Nhà sử học Lê Văn Sinh nêu thêm ví dụ về việc thao túng và bổ nhiệm nhân sự đảng của ông Lê Đức Thọ, dẫn chứng từ Tố Hữu là một nhà thơ nhưng được bổ nhiệm lên làm phó chủ tịch thường trực hội đồng bộ trưởng.


"Ông ấy đã từng đưa nhà thơ Tố Hữu, là người chỉ làm thơ thôi cũng có được phụ trách về nông nghiệp một thời gian, nhưng mà nông nghiệp chúng ta biết rồi, nó kém nát đến mức độ như thế nào như nông nghiệp hợp tác xã đó.


"Và chính ông Lê Đức Thọ tôi nghĩ là người đưa ông Tố Hữu lên làm phó chủ tịch thường trực hội đồng bộ trưởng lúc đó."


"Vì vậy ta thấy rằng một người mà nắm quyền lâu như vậy thì họ ban đầu có thể trong sáng, ban đầu có thể vô tư, ban đầu họ có thể là có đạo đức nhưng mà càng về sang thì họ sẽ càng bị tha hóa bởi vì quyền lực nắm quá lâu", ông Sinh kết luận.


Đồng quan điểm, Giáo sư Ngô Vĩnh Long từ Khoa Lịch sử, Đại học Maine, Hoa Kỳ cho rằng ông Lê Đức Thọ tuyển nhân sự cho đảng thường là những người ông ấy thích chứ không nhằm tuyển người tài giỏi:


"Ông không phải chỉ là lựa chọn người có tài có đức như là ông thường nói nhưng mà thường thường ông chọn người ông ấy thích."


image009Nguồn hình ảnh, Getty Images. Ông Lê Đức Thọ tại Hòa đàm Paris 1973


Di sản của ông Lê Đức Thọ


Đánh giá di sản ông Lê Đức Thọ để lại cho ĐCS VN, nhà nghiên cứu lịch sử Lê Văn Sinh cho rằng: "ông Lê Đức Thọ để lại một di sản rất khó khắc phục cho đảng và nhà nước Việt Nam."


"Cái di sản để lại cho đến nay mà tôi nghĩ ĐCS VN các nhà lãnh đạo ĐCS VN phải khắc phục đó là cách tuyển lựa nhân sự của ban tổ chức trung ương.


"Cách tuyển lựa nhân sự ấy có từ thời ông Lê Đức Thọ và cách tuyển lựa đó ở thời ông Lê Đức Thọ cũng có những vấp váp, khuyết tật nhưng nó không đáng kể vì thời điểm lịch sử lúc đó khác với bây giờ.


"Ngày đó không hề có câu truyền trong dân gian và cả trong giới lãnh đạo cao cấp của đảng là chạy chức, chạy quyền và chạy cơ cấu. Ngày đó không có chuyện đó. Và bây giờ nó có tình trạng như thế này.


"Chạy tức là mua, mà một khi đã mua thì người ta phải thu lợi và sẽ không có nói đến chuyện yêu nước. Yêu nước là một thứ nằm ở phía sau, nó không phải là cái mà người ta phấn đấu như thời các cán bộ tiền bối của cách mạng VN như là các ông Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ..."


"Đó là cách tuyển lựa mà nó không chọn ra được những người tài và cách tuyển lựa này tôi cho rằng nó không khác nhiều so với cách tuyển lựa các quan lại thời nhà Nguyễn bắt đầu từ năm 1802 cho đến 1945."


Hậu quả và khắc phục


Di sản mà ông Lê Đức Thọ để lại trong việc tuyển chọn nhân sự của đảng dẫn đến hậu quả với ĐCS và nhà nước Việt Nam là không lựa chọn được người có tài thực sự để phục vụ đất nước, như nhà nghiên cứu sử học Lê Văn Sinh nói:


"Cách tuyển lựa của chúng ta hiện nay là có từ thời ông Lê Đức Thọ và nó dẫn đến tình trạng là gì. Là người ta chạy chức mua chức và không chọn ra những người có thực tài năng."


"Tôi thấy rằng cách tuyển lựa cán bộ theo mô hình của ông trưởng ban tổ chức Lê Đức Thọ làm 30 năm mà chúng ta vẫn theo cái đó thì sẽ không chọn ra được cán bộ tài năng và có đức có tài phục vụ đất nước phục vụ nhân dân."


image010Nguồn hình ảnh, Getty Images. Di sản của ông lê Đức Thọ trong cách thức tuyển chọn nhân sự đảng còn đến ngày nay


Hậu quả để lại không tốt từ di sản của ông Lê Đức Thọ cũng là nhận định của GS. Nguyễn Đình Cống:


"Tôi cho rằng việc ông ấy đã xây dựng đảng, tổ chức đảng, hơn nữa ông ấy dùng quyền cá nhân của ông ấy trong việc bố trí cán bộ thì để lại nhiều hậu quả không tốt.


"Tại sao bây giờ ông Nguyễn Phú Trọng loay hoay về chuyện lo củng cố đảng. Tại vì đảng ấy càng ngày càng nát. Mà tại sao càng ngày càng nát là tại vì ngay từ thời ông Lê Đức Thọ thì đã có những đường lối xây dựng đảng mà tôi cho rằng có những điều phản dân chủ, phản tiến bộ, phản khoa học, phản đạo lý."


Đồng quan điểm với nhận định trên, GS. Ngô Vĩnh Long nêu ý kiến cá nhân của mình:


"Đảng càng ngày càng thoái hóa và bây giờ nó gây một gánh nặng rất lớn cho xã hội Việt Nam và cho tương lai phát triển của Việt Nam."


Ông Long nêu dẫn chứng từ những quan sát cá nhân của ông khi còn ở trong nước Việt Nam:


"Cho nên đến cuối năm 79, 80 khi tôi về nươc tôi đi nhiều nơi trong nước thì thấy các chi bộ đảng đều là những nhóm cường hào ác bá.


"Tôi nói như vậy thì ông Lê Đức Thọ bực, ông ấy đòi giam tôi. Danh Sáu Búa của ông ấy không phải sai, ông ấy đã bổ không biết bao nhiêu người."


Để khắc phục hậu quả từ những di sản để lại trong việc tuyển chọn nhân sự từ thời ông Lê Đức Thọ, nhà nghiên cứu Lê Văn Sinh nêu ra giải pháp ĐCS VN cần phải làm là thực hiện dân chủ trong đảng trước khi tiến hành dân chủ xã hội:


"Nếu như đảng chưa thực hiện được dân chủ trong toàn bộ xã hội thì đảng hãy làm cuộc cải cách dân chủ trong chính nội bộ đảng đó là từ các cấp cơ sở cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh, cấp trung ương, người đứng đầu đảng và chính quyền thì đảng phải tổ chức cho toàn đảng viên bầu ra họ, trước mắt là như vậy."


"Tôi cho rằng ĐCS VN muốn khắc phục di sản cách thức tuyển chọn các nhà lãnh đạo quản trị đảng và đất nước thì bằng cách là dân chủ hóa sinh hoạt chính trị trong nội bộ đảng, chức vụ lãnh đạo đảng từ cấp cơ sở đến cấp cao đều được bầu cử tự do trong nội bộ đảng thì đảng mới tìm ra được cán bộ có tài. Sau một nhiềm kỳ nếu anh hứa hẹn mà anh làm không được thì anh sẽ phải nhường chỗ cho người khác cũng trong đảng."


Tuy nhiên, việc thực hiện dân chủ hóa sẽ khó khăn do chính những di sản mà ông Lê Đức Thọ để lại, theo đánh giá của GS. Ngô Vĩnh Long:


"Bây giờ nhiều cán bộ cao cấp ở trong đảng và trong chính phủ là do ông Lê Đức Thọ tuyển lựa cha mẹ họ, thì bây giờ họ đã có quyền thì họ khó có thể mà dân chủ hóa được.


"Nếu họ muốn như vậy thì họ phải suy nghĩ là đã đủ quyền rồi đã đủ tiền rồi thì bây giờ làm sao để con cháu chúng ta hạnh phúc thêm và đất nước dân chủ thêm. Cái đó tôi nghĩ là một việc rất là khó."