VĂN HÓA ONLINE – DIỄN ĐÀN 3 - THỨ SÁU 17 SEP 2021
Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về: lykientrucvh@gmail.com
Vương Nghị gặp Nguyễn Phú Trọng hôm 12/9/2021 tại Hà Nội.
Vương Nghị sang Hà Nội: ‘Cuộc đua tam mã’
13/09/2021
Vương Nghị tại một sự kiện ở Bắc Kinh. Hình minh họa.
Hoàng Trường
Cuộc đua giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ nhằm giành giật ảnh hưởng ở Đông Nam Á và trên toàn cầu đang vào hồi quyết liệt. Cuộc đua này được quy định bởi mục tiêu, phương thức tiến hành chiến lược của mỗi nước và phần quan trọng nữa là ở sự xoay chuyển ứng xử của Việt Nam. Nếu các quốc gia tự do/dân chủ vượt trội lên được so với các nhà nước độc tài/toàn trị thì “mẫu số chung” của hoà bình, an ninh và thịnh vượng trên thế giới, trong đó có Việt Nam, mới được bảo đảm và bền vững.
Hình ảnh một quốc gia muốn nô dịch thế giới, biến các lân bang thành chư hầu, bắt nạt và cưỡng bức hầu hết các nước có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, đối nghịch với tầm nhìn của tập thể các nhà lãnh đạo thế giới trên cơ sở luật pháp quốc tế, đáng tin cậy đối với phần lớn các nước... Đó là thực chất cuộc cạnh tranh gay gắt hiện nay giữa Trung Quốc và Mỹ, Nhật, mà Đông Nam Á, trong đó hàng đầu là Việt Nam, nơi có thể cảm nhận điều này rõ nhất.
Công khai nhận thức cấp cao
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thăm chính thức Việt Nam từ 10 – 12/9/2021 và dự Phiên họp lần thứ 13 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt – Trung, theo lời mời của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn. Vương Nghị sang Việt Nam được dư luận quốc tế cho là để đối trọng lại các hoạt động :ngoại giao con thoi của Mỹ vừa qua. Chuyến thăm của Vương Nghị nhắc công luận nhớ đến xì-căng-đan nhân vụ đại sứ Hùng Ba đề nghị gặp gấp Thủ tướng Phạm Minh Chính ngay trước giờ chuyên cơ của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris hạ cánh xuống Nội Bài.
Vương Nghị có mặt ở Hà Nội trùng khít với thời gian Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản thăm Việt Nam, cũng từ ngày 10 – 12/9. Trung Quốc là vậy, đại quốc nhưng rất chú ý đến các tiểu tiết, nếu như không muốn nói là tiểu nhân. Lệnh cho đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội phải gặp bằng được Thủ tướng chủ nhà trước khi chuyên cơ của quốc khách đáp xuống sân bay chỉ vài tiếng đồng hồ (24/8). Uỷ viên Quốc vụ Viện phải sang tận nơi (10/9), để chứng kiến xem Hà nội và Tokyo bàn bạc những gì liên quan đến vấn nạn chung của hai nước là Biển Đông và Biển Hoa Đông. Với hàng trăm Hán gian ngay trong lòng “các đồng chí” CSVN , cùng với hệ thống “cộng tác viên” của Cục Tình báo Hoa Nam chui sâu trèo cao tại Ba Đình, Trung Quốc chẳng thiếu thông tin. Thế mà vẫn phải sang tận nơi, “thóc mách” ngay tại hiện trường như thế càng chuộc lấy sự phản cảm của người Việt. Trung Quốc dùng cái “uy” ấy để ra oai với ai?
Mà ra “uy” thế chưa đủ. Đúng vào ngày họ Vương đến Hà Nội, Trung Quốc cho phong tỏa khu vực phía tây bán đảo Lôi Châu trong hai ngày 9 và 10/9 để phục vụ cho các cuộc tập trận bắn đạn thật, đồng thời trước đó đã tiến hành một cuộc tập trận đổ bộ chiếm đảo ở Biển Đông. Báo quốc doanh Việt Nam đưa tin mà không dám bình luận, dẫn nguồn từ thông báo của Cục Hàng hải Trung Quốc và video Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV. Tờ South China Morning Post (SCMP) tiết lộ rằng, Trung Quốc công bố video tập trận ở Biển Đông nhằm đáp trả việc tàu chiến USS Benfold của Mỹ hôm 8/9 đi vào vùng biển gần đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa. Số liệu từ SCMP đăng tải cho thấy Trung Quốc đã tiến hành 20 cuộc tập trận hải quân có yếu tố liên quan đến chiếm đảo trong nửa đầu năm 2021, vượt xa 13 cuộc tập trận tương tự được thực hiện trong năm 2020.
Còn cái “ân” thì Vương Nghị cũng công khai hoá ngay khi đến Hà Nội. Ủy viên Quốc vụ Vương Nghị công bố Trung Quốc sẽ viện trợ thêm 3 triệu liều vaccine cho Việt Nam trong năm nay, nâng tổng số vaccine viện trợ của Trung Quốc lên 5,7 triệu liều. Tuy nhiên, hiện tại đã có cơ sở để tin rằng Hayat-Vax chính là vắc xin Trung Quốc, từ Sinopharm Bắc Kinh. Vắc xin này đã có trong danh sách EUL của WHO. Vấn đề ở đây là: nếu đúng vaccine Trung Quốc thì phải gọi sự vật đúng tên, chứ không nên biến hóa thành “bản địa” của Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Ít nhất hai bài viết to đùng trên hai tờ báo chính thống mà không có một chữ “Trung Quốc” nào, trong khi lại nhấn nhá “bản địa”. Cách đưa tin này quả đán ngờ về động cơ. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu, tiếng nói phản biện hàng đầu của xã hội dân sự trong nước, thẳng thắn đặt vấn đề, tại sao lại PR cho vaccine Hayat-Vax, là vaccine của Công ty TNHH Viện Sinh phẩm Bắc Kinh thuộc Tập đoàn Biotec Quốc gia Trung Quốc (CNBG) sản xuất, chuyển cho UAE đóng gói và xuất xưởng?
Từ an toàn sức khoẻ đến an ninh quốc gia cũng thế. Tập hợp “mờ” là nội dung bao trùm của quan hệ. Thủ tướng Phạm Minh Chính phải thề thốt trước đại sứ Trung Quốc: “Việt Nam không liên kết với nước này để chống nước kia”, hay hai bên cam kết xử lý ổn thỏa bất đồng trên biển theo tinh thần “nhận thức chung cấp cao”, thỏa thuận về “những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển và tuân thủ luật pháp quốc tế”. Ý kiến các chuyên gia đều cho rằng, cần phải sớm công khai hoá “chiến lược cân bằng” và “các thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản” trong quan hệ. Mỗi khi có tranh chấp trên biển, truyền thông chỉ đưa là hai bên nhất trí tiếp tục thân thủ nghiêm túc “nhận thức chung cấp cao”. Có điều, “nhận thức chung cấp cao” có nội hàm như thế nào thì người dân Việt Nam, ngay cả nhiều quan chức được phỏng vấn cũng không có khái niệm gì cả.
Trung, Nhật và Mỹ
Vương Nghị còn mang gì khác đến Hà Nội? Ba triệu liều vaccine “Kim cháu” trả lại không thèm nhận, chỉ là món quà “lót tay” cho chủ nhà. Thực chất, Vương Nghị đã mang “nồi cơm thiu” sang đãi các đồng chí Việt Nam! Tạ Duy Anh, một nhà văn thành danh ở trong nước, người có hàng chục năm nghiên cứu về văn hoá và văn học Trung Quốc, dám công khai bộc bạch như thế!
Dưới sự kềm kẹp và khủng bố gắt gao của Ban Văn hoá tư tưởng của ĐCSVN, Tạ Duy Anh dám ngẩng cao đầu nói lên tình cảm “tận đáy lòng” của người dân Việt đối với lãnh đạo dưới “triều Tập”, các chính khách dám coi Việt Nam là đứa con ngỗ ngược… Cần hiểu như thế nào ý trong thông cáo báo chí: “Chúng ta (Trung Quốc và Việt Nam) là cộng đồng có chung tương lai, luôn trung thành với nguyện vọng ban đầu của tình hữu nghị truyền thống, mang trong mình lý tưởng và niềm tin chung, chung tay bảo vệ hệ thống xã hội chủ nghĩa, cùng nhau phát triển sự nghiệp xã hội chủ nghĩa”. Tạ Duy Anh trả lời: “Chính Vương Nghị biết rõ đó là món cơm đã thiu từ lâu. Nói như đại thi hào Gớt: “Ngay cả chó cũng không màng”. Thế mà ông ta vẫn đủ sự trơ trẽn để đem ra tỉ tê dụ dỗ chủ nhà!
Trong khi đó thì Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo phát biểu tại Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng Việt Nam ngày 12/9: “Giúp đỡ lẫn nhau khi khó khăn”. Đây là một đức tính mà người Nhật đã ấp ủ từ lâu. Bạn bè giúp đỡ nhau lúc khó khăn. Trong thử thách chưa từng có của đại dịch và để cùng nhau đương đầu với khó khăn này như một người bạn, Nhật Bản đã cung cấp khoảng 3 triệu liều vắc xin cho nhân dân Việt Nam, những người mà chúng tôi có một tình bạn lâu đời và sâu sắc”. Ông còn nói tiếp: “Gian nan mới biết bạn hiền”, người Nhật chúng tôi thấy cảm phục và được khích lệ biết bao bởi những đức tính được thể hiện trong câu nói tiếng Việt này. Tôi xin cảm ơn một lần nữa! Và đây cũng là cơ hội để Nhật Bản và Việt Nam một lần nữa nhận ra chúng ta cùng chia sẻ đức tính giúp đỡ bạn bè khi gặp khó khăn và mối quan hệ của chúng ta bền chặt như thế nào”.
Chuyến thăm này có ý nghĩa và rất thực tiễn, thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác quốc phòng và an ninh Nhật – Việt trong tình hình an ninh khu vực đang có nhiều biến động phức tạp trên Biển Đông, biển Hoa Đông. Hai bên cụ thể hóa hợp tác quốc phòng trong các lĩnh vực khoa học – công nghệ – công nghiệp quốc phòng, phát triển năng lực thực thi pháp luật trên biển và ở vùng trời trên biển cho Việt Nam và các hợp tác đặc thù khác. Cần nhấn mạnh là Việt Nam và Nhật Bản đã có quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng, Nhật Bản đóng vai trò ngày càng quan trọng trong cấu trúc Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP). Trên thực tế, Nhật Bản đang trở thành “cầu nối về an ninh” giữa Việt Nam với Mỹ và phương Tây, đóng góp trực tiếp vào việc đảm bảo an ninh cho Đông Nam Á. Việt Nam hoan nghênh mọi nỗ lực của Nhật Bản giúp đảm bảo an ninh Đông Nam Á phù hợp với luật pháp quốc tế. Việt nam coi Nhật Bản là đối tác hàng đầu về an ninh.
Quan hệ Mỹ – Việt giờ đây không còn đơn thuần là đối tác thương mại. Hai quốc gia cựu thù đã tìm thấy ở nhau tiềm năng, nhu cầu an ninh lớn hơn thế. Bởi đồng minh truyền thống của Mỹ trong khu vực là Philippines không thực sự mạnh về tiềm lực quân sự như Việt Nam. Và Philippines cũng chưa có nhiều kinh nghiệm với Trung Quốc như người Việt Nam. Việt Nam và Mỹ đang giao thoa ở chủ quyền quốc gia và tự do hàng hải trước sự tham lam của Trung Quốc nên dễ dàng xích lại gần nhau. Mỹ rõ ràng còn nhìn thấy sức mạnh bên trong ở Việt Nam, qua thái độ ngờ vực của đa số người dân Việt trước láng giềng phương Bắc với quá nhiều kinh nghiệm đau thương suốt chiều dài lịch sử. Tuy nhiên, Việt Nam cũng có những quan hệ không đồng nhất với Trung Quốc giữa đa số lòng dân và các “đồng chí” trong đảng. Dù khó nói ra, nhưng nhiều người đang cảm nhận, ĐCSVN muốn đảm bảo ách cai trị của mình ở Việt Nam, thì ít nhiều đều phải trông chờ vào các đồng chí phương Bắc..
Chính quyền Biden đã tạo được thiện chí và kỳ vọng cao giữa các nước ASEAN. Trong bối cảnh Đông Nam Á ngày càng thiếu tin tưởng Trung Quốc, vì sự hiện diện kinh tế và chính sách đối ngoại ngày càng quyết đoán của nước này, đặc biệt là ở Biển Đông. Các nước ASEAN hăng hái chào đón một chính sách can dự mạnh hơn của Mỹ trong khu vực. Nay đã đến lúc Việt Nam phải công khai cho Trung Quốc, chính sách cân bằng của Việt Nam là thiết lập quan hệ với các siêu cường như nhau, cụ thể là quan hệ Việt – Mỹ, Việt – Nga, Việt – Trung là ngang bằng như nhau. Và quan hệ Việt – Mỹ ở mức đối tác chiến lược toàn diện là điều hiển nhiên. Minh bạch chính sách quan hệ cân bằng với các cường quốc chỉ có lợi cho Việt Nam. Minh bạch để các bên biết mà đối xử..
Việt Nam đã nhiều lần bỏ lỡ cơ hội. Không bình thường hoá quan hệ với Hoa Kỳ ngay sau năm 1975 đã mang đến cho Việt Nam nhiều tổn thất không thể đo lường. Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt – Trung được thiết lập năm 2008 trong khi chiến tranh xâm lược biên giới Việt Nam của Trung Quốc kéo dài ròng rã suốt 10 năm, kết thúc vào năm 1989. Tại sao quan hệ Việt – Mỹ chưa phải là đối tác chiến lược toàn diện, dù chiến tranh giữ hai bên đã kết thúc từ năm 1973? Hỏi không phải mong muốn nhận câu trả lời (bởi ai cũng biết). Hỏi để đòi hỏi hành động! Hành động để xoay chuyển ứng xử của Việt Nam. Góp phần vào sự vượt trội của các quốc gia tự do/dân chủ đối với các nhà nước độc tài/toàn trị. “Mẫu số chung” của hoà bình, an ninh và thịnh vượng trên thế giới, trong đó có Việt Nam, nhờ đó sẽ được bảo đảm bền vững.