Hà Văn Thùy: Bàn lại vai trò chính thống của nhà Triệu

17 Tháng Năm 20217:55 SA(Xem: 4518)

VĂN HÓA ONLINE – DIỄN ĐÀN VĂN HÓA - THỨ HAI 17 MAY 2021

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com

 

Bàn lại vai trò chính thống của nhà Triệu

 image012

Hà Văn Thùy

 

Lời người viết: Trong bài Suy ngẫm xuyên qua hơn hai thiên niên kỷ trong số ra ngày 23. 2. 2010 của BoxitViệt nam, luật sư Lê Mai Anh nhắc lại sự kiện Triệu Đà chiếm Âu Lạc. Cho đến nay, đó vẫn là cách nhìn của nhiều người do tác động sai lạc của sử học chính thống. Tuy nhiên thực tế lịch sử không phải như vậy. Bài viết của luật sư lão thành có ý tốt thức tỉnh sự cảnh giác của người Việt trong thời điểm nhậy cảm này nhưng vô hình trung khoét sâu thêm nhận thức sai lầm về lịch sử, khiến chúng ta mắc thêm tội bất kính với tổ tiên. Tôi xin có đôi điều nói lại.

 

Lịch sử là sự kiện xảy ra trong quá khứ nhưng nhận thức về lịch sử là một quá trình dựa trên những tư liệu mới khám phá, dựa trên tâm thức xã hội từng thời kỳ, trên sự trưởng thành văn hóa của cộng đồng… Giải mã chuẩn mực mỗi hiện tượng lịch sử không chỉ là khát vọng của nhà sử học mà còn là nhu cầu bức thiết của xã hội. Qua nhiều thăng trầm, lịch sử Việt còn tồn tại nhiều vấn đề cần minh định, trong đó có vai trò nhà Triệu. Với bài viết này, chúng tôi muốn đưa ra một kiến giải.

 

I. Nhận định về nhà Triệu trong lịch sử.

Từ khi giành lại quyền tự chủ, các triều đại Việt đều đề cao vai trò lịch sử của Triệu Đà. Nhà Trần phong ông là Khai thiên thế đạo thánh vũ thần triết hoàng đế. Đại Việt sử ký toàn thư ghi: "Họ Triệu nhân lúc nhà Tần suy loạn, giết trưởng lại nhà Tần, chiếm giữ đất Lĩnh Nam xưng đế, đòi ngang với nhà Hán, hưởng nước truyền ngôi 100 năm mới mất, cũng là bậc vua anh hùng". Sử gia Lê Văn Hưu viết: "Thế mới biết, người giỏi trị nước không cứ đất rộng hay hẹp, người Hoa hay Di, chỉ xem ở đức mà thôi. Triệu Vũ đế khai thác đất Việt ta mà tự làm đế trong nước, đối ngang với nhà Hán, gửi thư xưng là "lão phu", mở đầu cơ nghiệp đế vương cho nước ta, công ấy có thể nói là to lắm vậy". Trong An Nam chí lược, Lê Tắc ghi: "Triệu Đà làm vua Nam Việt, mới lấy thi lễ giáo hóa nhân dân một ít". Điều này chứng tỏ Triệu Đà là người mang sự học đến nước ta từ trước chứ không phải Sĩ Nhiếp. Đến nhà Lê, trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi viết: “Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước.” Như vậy, Nguyễn Trãi thừa nhận Triệu Đà là ông vua đầu tiên của nước ta từ thời có sử. Cuối thời Nguyễn, trong Việt Nam sử lược, học giả Trần Trọng Kim vẫn chép nhà Triệu là chính thống.

 

Người đầu tiên đánh giá lại vai trò của nhà Triệu là Ngô Thì Sĩ, cuối đời Hậu Lê. Trong Việt sử tiêu án, ông khẳng định nước Nam Việt là ngoại bang, Triệu Đà là kẻ ngoại tộc:

“Đất Việt Nam Hải, Quế Lâm không phải là đất Việt Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam. Triệu Đà khởi phát ở Long Xuyên, lập quốc ở Phiên Ngung, muốn cắt đứt bờ cõi, gồm cả nước ta vào làm thuộc quận, đặt ra giám chủ để cơ mi lấy dân, chứ chưa từng đến ở nước ta. Nếu coi là đã làm vua nước Việt, mà đến ở cai trị nước ta, thì sau đó có Lâm Sĩ Hoằng khởi ở đất Bàn Dương, Hưu Nghiễm khởi ở Quảng Châu, đều xưng là Nam Việt Vương, cũng cho theo Quốc kỷ được ư? Triệu Đà kiêm tính Giao Châu, cũng như Ngụy kiêm tính nước Thục, nếu sử nước Thục có thể đưa Ngụy tiếp theo Lưu Thiện, thì quốc sử ta cũng có thể đưa Triệu tiếp theo An Dương. Không thế, thì xin theo lệ ngoại thuộc để phân biệt với nội thuộc vậy.” Và ông kết luận: “Nước ta bị nội thuộc vào nước Tàu từ đời Hán đến Đường, truy nguyên thủ họa chả Triệu Đà thì còn ai nữa? Huống chi Triệu Đà chia nước ta làm quận huyện, duy chỉ biết biên số thổ địa, thu thuế má, cung cấp ngọc bích cho nhà Hán, đầy túi tham của Lục Giả thôi. Đến như việc xướng ra cơ nghiệp đế vương trước tiên, tán tụng Triệu Đà có công to, Lê Văn Hưu sáng lập ra sử chép như thế, Ngô Sĩ Liên theo cách chép hẹp hòi ấy, không biết thay đổi, đến như bài Tổng luận sử của Lê Tung, thơ vịnh sử của Đặng Minh Khiêm thay nhau mà tán tụng, cho Triệu Đà là bậc thánh đế của nước ta. Qua hàng nghìn năm mà không ai cải chính lại vì thế mà tôi phải biện bạch kỹ càng.”

 

Học giả Đào Duy Anh, trong cuốn Lịch sử cổ đại Việt Nam, cũng phê phán sử cũ và coi nhà Triệu là mở đầu thời kỳ Bắc thuộc. Đào Duy Anh là học giả lớn, là một trong những người khai sinh nến sử học macxit ở Việt Nam. Học trò của ông trở thành những cán bộ rường cột ngành sử học Việt Nam hiện đại nên ảnh hưởng của ông rất lớn. Ý kiến của ông thành quan điểm chính thống hiện nay.

 

II. Quan niệm của chúng tôi

Là lớp người sinh cùng Cách mạng tháng Tám, ngay sau hòa bình 1954 được học Sử Việt Nam với nhà Triệu giữ vai trò mở đầu lịch sử dân tộc. Sau này thấy sách giáo khoa thay đổi, coi Triệu Đà là kẻ xâm lược, thậm chí, Nguyễn Trãi bị sửa chữa: “Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước” được thay bằng “Trải Đinh, Lê, Lý, Trần…” chúng tôi không khỏi bức xúc. Chính nỗi bức xúc này buộc chúng tôi tự tìm câu trả lời cho thắc mắc của mình.

 

1. Dựa trên tài liệu truyền thống

Trong Sử ký, Tư Mã Thiên viết: "Vua Nam Việt họ Triệu tên là Đà, người huyện Chân Định, trước làm quan úy. Bấy giờ nhà Tần đã chiếm cả thiên hạ, cướp lấy đất Dương Việt, đặt ra các quận Quế Lâm, Nam Hải và Tượng Quận để đưa những người bị đày đến ở lẫn với người Việt. Như thế đã mười ba năm. Khi nhà Tần bị tiêu diệt, Đà lập tức đánh chiếm lấy cả Quế Lâm, Tượng Quận, tự lập làm Nam Việt Vũ vương. Đà bèn tự tôn làm "Nam Việt Vũ đế", đem quân đánh các ấp ở biên giới quận Trường Sa. Đà nhân đó dùng uy lực uy hiếp biên giới, đem của cải đút lót các nước Mân Việt, Tây Âu Lạc để bắt họ lệ thuộc mình. Đất đai của Đà chiều ngang có hơn vạn đặm, Đà bèn đi xe mui lụa màu vàng, cắm cờ tả đạo, mệnh gọi là "chế", chẳng kém gì Trung Quốc". "Đến thời Hiếu Cảnh, Đà vẫn xưng thần, sai người vào chầu. Nhưng trong nước Nam Việt thì vẫn trộm xưng danh hiệu "đế" như cũ; còn khi sai sứ sang thiên tử thì xưng "vương", triều kiến thỉnh mệnh như các chư hầu".

 

Như vậy, cuốn sử quan trọng nhất của Trung Quốc vẽ lên nhà Triệu lừng lững một cõi biên thùy, là quốc gia độc lập, ngang ngửa với nhà Hán. Triệu Đà làm vua 70 năm (từ 207 đến 137 TCN), tiếp đó cháu chắt ông truyền 4 đời trị vì 27 năm nữa, đến năm 111 TCN nước Nam Việt vào tay nhà Hán. Nhà Triệu kéo dài được 97 năm. Nói: “Nước ta bị nội thuộc vào nước Tàu từ đời Hán đến Đường, truy nguyên thủ họa chả Triệu Đà thì còn ai nữa?” là sự áp đặt, gán ghép vô căn cứ. Trong bối cảnh lịch sử lúc đó, một nước nhỏ như Âu Lạc khó mà trụ được trước sức tấn công của nhà Hán mạnh. Nếu không có Nam Việt của Triệu Đà, Âu Lạc bị xâm lăng sớm hơn là điều chắc chắn.

 

Phủ Biên tạp lục của Lê Quý Đôn ghi: "Đem số hộ khẩu chép ở sách Hán chí mà so thì nước ta được ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, hơn 20 huyện, đời Hán số hộ cộng là 143.743 nhà, số khẩu cộng là 981.827 người. Thông tính cả hai tỉnh ấy (Quảng Đông, Quảng Tây) ở đời Hán số hộ chỉ là 71.805 nhà, khẩu chỉ là 389.672 người. Như thế nước ta ở đời Hán thì số hộ gấp đôi mà số khẩu gần gấp ba". Như vậy, tuy xưng vương ở Phiên Ngung nhưng số dân của Triệu ít. Trong khi đó ở phía Nam, nước Âu Lạc của An Dương vương khá mạnh, số dân gần gấp 3 số dân của Triệu. Bên cạnh Âu Lạc còn có các nước Mân Việt, Tây Âu Lạc luôn tranh chấp. Nước Âu Lạc tuy lớn nhất trong khu vực nhưng cũng quá nhỏ so với nhà nước phương Bắc. Nếu nhà Tần không sụp đổ đúng thời điểm đó, có nhiều khả năng tằm ăn dâu, sẽ thôn tính đất Nam Việt. Một khả năng khác: trong cuộc chinh phạt Nam Việt trị tội Triệu Đà xưng đế, nếu tướng Lâm Lư hầu thắng, nhà Hán chiếm Nam Việt ngay lúc đó, có phần chắc Nam Việt cũng bị đồng hóa như các dòng Bách Việt khác. Khả năng thứ ba: nếu Triệu Đà theo nhà Hán, sau khi thôn tính Âu Lạc, sáp nhập Nam Việt vào Hán thì có phần chắc là Nam Việt bị xóa sổ trên bản đồ!

 

Đúng là Triệu Đà dùng thủ đoạn chiếm nước Âu Lạc nhưng ý nghĩa của sự kiện lịch sử này cần phải bàn. Thời đó, sự liên kết trong mỗi quốc gia còn lỏng lẻo và biên giới từng quốc gia chưa ổn định, đang trong xu hướng sáp nhập tập trung thành những quốc gia đủ mạnh để tồn tại. Việc thôn tính các nước Yên, Hàn, Tề, Triệu... để thành nước Tần không phải hành động xâm lược mà là thống nhất các tiểu quốc của nước Chu cũ. Tương tự vậy, việc Triệu Đà chiếm Âu Lạc cũng không thể coi là xâm lược mà là hành động thống nhất những nhóm, những tiểu quốc người Việt lại thành một nước Việt lớn hơn, ngăn chặn hành động thôn tính của kẻ mạnh ở phương Bắc. Điều quan trọng là họ Triệu đã duy trì được nước Nam Việt thống nhất trong một thế kỷ, vừa xây dựng trong hòa bình vừa kiên cường chống ngoại xâm. Chính điều này đã tạo nên và củng cố tinh thần quốc gia của người Việt. Đây là di sản quý báu nhất họ Triệu để lại cho người Việt. Chính gần một thế kỷ tồn tại của quốc gia Nam Việt giúp cho người Âu Lạc không bị người Hán đồng hóa và sau này có dịp lại vùng lên trong khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Năm 43, khi hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa, nhân dân Nam Việt cũ từ miền Trung, miền Bắc Việt Nam đến vùng Lưỡng Quảng sang tận Hải Nam đều hưởng ứng... Sau này, khi qua khảo sát ở vùng đất phía Nam Trung Quốc, bác sĩ Trần Đại Sĩ thống kê được hơn 200 địa điểm có đền thờ hai Bà Trưng. Không thể có việc này nếu không có thời kỳ Nam Việt.

 

Các sử gia như Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên... đã nhìn nhận công bằng và Nguyễn Trãi đánh giá họ Triệu một cách chuẩn mực. Sử gia Ngô Thì Sĩ tỏ ra bất cập khi viết: "Triệu Đà chia nước ta làm quận huyện, duy chỉ biết biên số thổ địa, thu thuế má, cung cấp ngọc bích cho nhà Hán, đầy túi tham của Lục Giả”. So với một quốc gia còn trong tình trạng sơ khai với những lạc hầu, lạc tướng cai quản từng bộ lạc thì một quốc gia có quận huyện, biên số thổ địa là bước nhảy vọt về tổ chức hành chính, về khoa học quản lý xã hội. Còn nói "thu thuế má cung cấp ngọc bích cho nhà Hán" cũng không đúng. Suốt 70 năm Triệu Đà làm vua, quan hệ Việt, Hán khá lỏng lẻo. Biết Triệu xưng đế mà nhà Hán đành chịu, không những thế còn phải lấy lòng bằng cách giữ gìn mồ mả tổ tiên của Triệu, cho thân nhân ông làm quan. Trong mối quan hệ như vậy, cống phẩm của Triệu Đà chỉ có nghĩa tượng trưng để xác nhận sự thần phục trên danh nghĩa nên không thể “làm đầy túi tham của Lục Giả”. Lục Giả không bằng cấp, chức vị nên thường gọi là Lục sinh, là người hiền, có câu nói nổi tiếng: “Thiên tử dĩ dân vi thiên, dân dĩ thực vi thiên.” (vua coi dân là trời, dân coi miếng ăn như trời). Một kẻ sĩ như thế không thể là người tham lam! Rõ ràng, chứng lý đưa ra để kết tội Triệu Đà là không thuyết phục. Nhưng vì sao Ngô Thì Sĩ lại có cái nhìn việc thiếu chuẩn mực như vậy? Chỉ có thể là, với tinh thần dân tộc hẹp hòi, cùng với hiểu biết lịch sử hạn chế, ông không chịu một người Hán làm vua nước Việt! Trong lịch sử thế giới, một người nước này làm vua nước khác không hiếm. Ngay bên chúng ta, cuối thế kỷ XVIII, Trịnh Quốc Anh, con một người nhà Minh tỵ nạn sang nước Xiêm, lãnh đạo người Xiêm đánh đuổi quân xâm lược Miến Điện, được tôn làm vua. Họ Trịnh (Taksin) sau thành họ lớn của người Thái. Người Thái không bao giờ nghi ngờ vai trò chính thống của dòng họ này!

 

2. Dựa vào tư liệu lịch sử mới

Cho đến nay, khi thảo luận về giai đoạn mở đầu của dân tộc Việt, các sử gia chỉ có những tài liệu trong cổ thư Trung Hoa, sách của một số học giả Pháp thời thuộc địa cùng những tư liệu khảo cổ, cố nhân chủng học chưa đầy đủ. Một nghịch lý mang tính duy tâm chủ quan và không thiếu khôi hài là trong khi phán xét những “hành động lịch sử” của tộc người hay một nhân vật nào đó mà người ta chưa hiểu họ là ai, được hình thành như thế nào?! Rất mừng là, sang thế kỷ này, với công trình di truyền học lập bản đồ gen người, khoa học nhân loại cho chúng ta những tư liệu để có cái nhìn thấu đáo hơn đối với lịch sử Đông Á.

Đựa trên truyền thuyết Lạc Long Quân, đựa trên sự phân bố trống đồng ở Bắc Việt Nam và Nam Trung Quốc, dựa vào xác định gen dân cư Văn Lang, ta có cơ sở để tin rằng, trước cuộc xâm lăng của Thục Phán, Văn Lang của các Vua Hùng là quốc gia rộng lớn. Biên giới phía tây giáp Ba Thục, phía bắc tới hồ Động Đình, phía nam tới miền Trung Việt Nam, với bốn chủng người Việt cổ, trong đó người Mongoloid phương Nam đa số. Khi Thục Phán chiếm ngôi Vua Hùng, nước Văn Lang tan rã. Ở phía nam Dương Tử, các bộ lạc trở nên tự trị đưới quyền các thủ lĩnh khu vực, có một số nơi các thủ lĩnh xưng vương, thành lập quốc gia riêng.

 

Tần Thủy Hoàng chiếm vùng Kinh, Dương của Văn Lang và đưa dân tới ở xen với người Việt. Trong đội quân của nhà Tần, có Triệu Đà. Triệu Đà người Chân Định nước Triệu. Nhưng như trình bày trên, nước Triệu nguyên là dân cư Bách Việt, bị nhà Tần chiếm ít năm trước. Là quan chức nhà Tần nhưng Triệu Đà là người Việt chính gốc, nếu nói theo ngôn ngữ hôm nay thì ông là “người Tần gốc Việt”. Vì vậy, khi nhà Tần không còn, mặc nhiên ông trở lại làm dân Việt tự do. Việc ông làm vua của người Nam Việt là hoàn toàn chính thống.

 

Khi viết: “Đất Việt Nam Hải, Quế Lâm không phải là đất Việt Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam,” “Triệu Đà kiêm tính Giao Châu, cũng như Ngụy kiêm tính nước Thục, nếu sử nước Thục có thể đưa Ngụy tiếp theo Lưu Thiện, thì quốc sử ta cũng có thể đưa Triệu tiếp theo An Dương,” Ngô Thì Sĩ tỏ ra bất cập. Ông bỏ qua tính lịch đại của địa danh. Những địa danh trên do nhà Tần đặt. Tuy chưa từng chiếm được Âu Lạc nhưng nhà Tần cũng chia nước ta thành những quận huyện. Ở đây, sử gia cuối triều Lê quá nệ vào tư liệu Trung Hoa nên sai lầm khi phủ nhận Nam Hải, Quế Lâm là đất Việt. Trước khi bị xâm lăng chia thành quận huyện thì đó thuộc Văn Lang của Vua Hùng, hoàn toàn do người Việt cư trú và quản trị. Vì vậy, khi sáp nhập Âu Lạc vào Nam Việt, Triệu Đà khôi phục nước cũ của các Vua Hùng. Sử gia này cũng tỏ ra khập khiễng khi so sánh việc Ngụy chiếm Thục với Triệu Đà sáp nhập Ấu Lạc. Suốt trong lịch sử dài, Thục là quốc gia độc lập với nhà Chu, nhà Tần. Vì vậy việc nhà Ngụy thôn tính Thục là xâm lăng. Trong khi đó Âu Lạc và Nam Việt là những bộ phận của một quốc gia thống nhất. Do hoàn cảnh lịch sử bị chia cắt, nay xóa bỏ cát cứ, khôi phục quốc gia cũ sao lại gọi là xâm lăng?

 

3. Dựa trên lịch sử so sánh

Một quan niệm về lịch sử muốn khoa học và thuyết phục, trước hết phải đạt được sự nhất quán. Một câu hỏi đặt ra cho các nhà sử học Việt Nam: Nếu Triệu Đà là xâm lược thì An Dương vương là ai? Ý kiến cho rằng Thục Phán là thủ lĩnh bộ lạc Đông Âu ở vùng núi Tây Bắc, chỉ là sản phẩm của sự tưởng tượng vô sở cứ. Hoàn toàn không có chứng cớ gì về việc này. Trong khi đó, rất nhiều tài liệu nói tới một vương quốc Thục lớn và văn minh ở vùng Tứ Xuyên(3). Ngày nay ta biết, Thục nằm trên đường thiên di của người Hòa Bình lên Tây Bắc Trung Hoa, do vậy sớm nhận được văn hóa Hòa Bình, trở nên một nền văn minh rực rỡ. Ngay từ rất sớm, khoảng 2500 năm TCN, Thục đã là quốc gia riêng của người Bách Việt, độc lập với người Hoa Hạ ở Trung Nguyên cũng như Văn Lang ở phía Đông. Việc khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa, dân Quảng Đông, Quảng Tây hưởng ứng mà không có sự tham gia của dân Vân Nam cho thấy điều này. Việc nhà Tần diệt Thục là thực và việc di duệ của Thục di cư đến tá túc trên đất Văn Lang cũng thực. Và chính chàng trai trẻ Tục Pắn đã chiến thắng vua Hùng Duệ Vương. Với tất cả mọi ý nghĩa, đây hoàn toàn là cuộc xâm lăng: một bộ lạc từ bên ngoài đến ở nhờ rồi cướp ngôi của chủ nhà! Vấn đề đặt ra là, tại sao nền sử học Việt Nam không xác nhận sự thật này? Có thể lý giải như sau: rất ít tài liệu của Trung Quốc viết về sự kiện này. Do vậy, có người như tiến sĩ Lê Mạnh Thát còn cho rằng không hề có thời đại An Dương vương! Mặt khác, đây chủ yếu là cuộc thay đổi vương triều. Số dân của Thục Phán quá ít nên không gây tranh chấp, xáo động lớn, không hằn dấu ấn trong truyền thuyết. Nhưng nếu tìm hiểu kỹ hơn, ta thấy không phải không có dấu hiệu chống trả của dân Lạc Việt: việc con gà thần gáy làm thành Cổ Loa vừa xây lại đổ là dấu hiệu việc người dân nổi lên phá thành. Từ những khảo sát điền dã như ngôi miếu thờ thầy giáo thời Hùng Vương cùng ngôi đền thờ những vị tướng hy sinh chống lại quân Thục trên vùng Phú Thọ cho thấy thực tế này. Trong khi đó, suy xét tới cùng về Triệu Đà, ta thấy ông là người gốc Việt, diệt An Dương vương là triều đại ngoại bang tiếm đoạt ngôi vị để thống nhất lãnh thổ Việt, xây dựng quốc gia tự chủ gần 100 năm thì lại bị coi là xâm lăng? Chính sự mâu thuẫn, bất nhất này cho thấy có chuyện chưa ổn của ngành sử khi đánh giá nhà Triệu.

 

III Kết luận

Lịch sử là những điều xảy ra trong quá khứ nhưng lại luôn sống với hiện tại. Tuy vô tri nhưng mỗi sự kiện lịch sử có linh hồn riêng của nó, đòi được người đời nhìn nhận công bằng. “Bất bình tắc minh” câu nói của Hàn Dũ, nhà thơ thời Đường cũng hoàn toàn đúng trong việc này. Trong những vấn đề lịch sừ còn chưa được đồng thuận tới hôm nay, “vấn đề chính thống của nhà Triệu” là “vụ việc” nổi cộm. Nó như cái dằm luôn nhức nhói tâm can hàng triệu người. Người dân Việt, nhất là dân Đồng Xâm Thái Bình chưa thể yên lòng khi Triệu Vũ đế bị biến tướng thành ông tổ nghề thợ bạc trong chính ngôi đền của mình. Chúng tôi nghĩ, chẳng cần tới những điều biện bạch trên thì vấn đề từ lâu cũng quá rõ. Người xưa đã gửi gắm ý mình trong đoạn kết truyện Mị Châu: “Những con trai ăn phải máu nàng Mị Châu đã sinh ngọc. Những viên ngọc lấy từ biển Đông đem rửa trong nước giếng chàng Trọng Thủy trẫm mình sẽ trở nên vô cùng trong sáng.” Sao ta không tự hỏi: kỳ lạ vậy? Nếu Mị Châu là kẻ “phản bội” thì loài trai ăn phải dòng máu xấu xa ấy không thể sinh ngọc! Và ngọc nếu có, khi đem rửa vào nước giếng tên “gián điệp” trầm mình hẳn sẽ tan ra hay đen lại như cây kim bạc gặp chất độc! Sao từ cái sự xấu xa ấy lại sinh ra ngọc sáng?! Nếu trầm tĩnh suy ngẫm, ta thấy người xưa vô cùng minh triết, không chỉ thương cảm cái chết oan khuất của đôi trẻ trong sáng mà còn xác nhận họ không có tội vì vô tình giúp vào việc xóa bỏ vương triều đến hồi suy tận để mở ra cho dân tộc vận hội mới!

 

Khi chưa thanh toán món nợ này, chúng ta chưa thể là dân tộc trưởng thành về văn hóa và luôn mang nỗi đau, nỗi nhục của những kẻ bỏ mồ cha khóc đống mối. Chúng tôi đề nghị, nên mở cuộc thảo luận về đề tài này để rút ra kiến giải thỏa đáng nhất. Hội Khoa học lịch sử cùng với Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình nên mời các nhà khoa học hội thảo về vấn đề này để sửa lại sai lầm một thời tả khuynh của nền sử học.

Cuối năm Tân Sửu

 

Tài liệu tham khảo:

1&2.Hà Văn Thùy. Hành trình tìm lại cội nguồn. NXB Văn học, 2008

3. Nguyễn Đăng Thục. 4000 năm văn hiến. Hoadam.net

Được đăng bởi Hà Văn Thùy

PHÊ BÌNH HỌC GIẢ PHAN KHÔI TRONG VIỆC NHẬN ĐỊNH VỀ NHÀ TRIỆU

 

82 năm trước, trên Tuần báo Sông Hương do mình chủ trương, học giả Phan Khôi đăng bài HÃY BỎ TRIỆU ĐÀ VÀ DÒNG DÕI Y RA NGOÀI VIỆT SỬ (1). Trước đây không biết tới bài này nên chúng tôi đinh ninh Đào Duy Anh là người thứ hai phạm tội lớn báng bổ Tổ tiên sau Ngô Thì Sỹ. Nhưng mới đây, nhờ ông Phan Nam Sinh, con trai tác giả chỉ dẫn, chúng tôi mới biết phạm nhân thứ hai của vụ án văn tự này chính là Phan Khôi. Đọc 1616 chữ của bài báo, chúng tôi thấy tác giả mắc những sai lầm nghiêm trọng sau:

 

1.         Phê bình lịch sử theo quan niệm phi lịch sử.

Ông Phan Khôi viết: “Mở sử Tàu ra mà coi, ở đó có chép rõ ràng Triệu Đà là người huyện Chân Định (đất Tàu), không hề có dính líu một tí nào với con cháu Rồng Tiên cả.  Đà vốn làm quan lệnh ở Long Xuyên, là quan của nhà Tần, nhân nhà Tần có loạn dấy lên cướp lấy nước ta mà độc lập. Như thế, đối với nhà Tần Đà đã là phản thần, mà đối với nước ta, Đà cũng là cừu nhân mới phải; cớ sao lại tôn là vua của bản quốc  và cho nối lấy nghiệp cả của mười tám Hùng Vương?”

Đoạn trích cho thấy, theo tác giả, lý do quan trọng nhất dẫn đến việc trục xuất nhà Triệu khỏi Sử Việt vì Triệu Đà không phải người Việt. Quan niệm như thế là phi lịch sử, trái ngược với phương pháp luận của khoa học lịch sử. Khoa học lịch sử cho rằng, lịch sử là sản phẩm hoạt động xã hội của cộng đồng người trong quá khứ. Như vậy, lịch sử không phải là việc của một cá nhân mà là sự nghiệp của cả một đất nước. Khi làm vua, giữ quyền lãnh đạo đất nước thì ông vua ấy – bất kể là ai vì “được làm vua thua làm giặc”- không còn là một con người cá thể mà gắn chung vận mệnh với đất nước, với thần dân dưới quyền cai trị của ông ta. Mặc nhiên người đó cùng triều đại của mình được ghi trong chính sử. Không thừa nhận ông vua ấy, tức là không công nhận triều đại của ông vua ấy cũng có nghĩa là phải xóa bỏ một giai đoạn trong lịch sử của đất nước. Đấy là chuyện vô lý nên không bao giờ diễn ra trong lịch sử nhân loại (Ngoại trừ Việt Nam). Do sự hiển nhiên như thế nên chúng ta từng chứng kiến Nữ hoàng được tôn vinh là vĩ đại của nước Nga Ekaterina II (1729 – 1796) là một người Phổ. Trịnh Quốc Anh ( 1734 –  1782), một người nhà Minh tỵ nạn có công giải phóng Xiêm La khỏi quân xâm lăng Miến Điện, trở thành vua Xiêm với họ Taksin. Trần Hữu Lượng (1320-1363) là con của hàng thần người Việt Trần Ích Tắc nổi lên chống quân  Nguyên rồi làm Hoàng đế Đại Hán trong ba năm (1360 – 1363). Biết rằng, bên Trung Hoa, hai triều đại ngoại bang là Nguyên, Thanh thống trị nhưng khi giải thích chuyện này, ông Phan Khôi biện bạch khá ngộ: “Tuy vậy, Hồ Nguyên và Mãn Thanh biên tập lịch sử của mình ngay từ lúc họ còn cường thịnh, họ có thần thiếp của họ, sai bảo làm gì mà chẳng làm. Điều ấy nghĩ cho kĩ cũng không đáng trách”! Đấy quả là cách nói lấy được: việc đã rồi nên phải chấp nhận! Còn nếu đúng theo quan điểm dân tộc thuần khiết của ông thì phải đẽo bỏ hai triều đại này khỏi lịch sử Trung Hoa!

 

2.           Một quan niệm lịch sử ấu trĩ méo mó.

Đánh giá một nhân vật lịch sử, khi nhân vật đó là bậc đế vương dựng nước là chuyện hệ trọng bởi nó quyết định xu hướng lịch sử của một dân tộc, liên quan tới vận mệnh của dân tộc. Nhớ câu ca: Có công có đức dân thờ/ bất nhân dân đái trôi mồ thối xương! Đái hay thờ là tiêu chí cao nhất để đánh giá một nhân vật lịch sử. Sử gia thận trọng sẽ xét xem nhân vật lịch sử mình đang khảo sát được thờ hay bị đái? Không chỉ dựa vào thư tịch mà chính là nhìn vào những đền miếu không ngớt khói hương của những dân ấp dân lân vô danh kính ngưỡng mà Lê Văn Hưu, Ngô Sỹ Liên đánh giá Triệu Đà. Cũng cái nhìn tinh tế ấy, các vị dành cho Sỹ Nhiếp. Tại sao lại gọi là Sỹ Vương dù ông chưa một ngày làm vua? Vượt qua cái sự thực cụ thể mà ai cũng nhìn thấy đó, những sử gia có tâm và có tầm của chúng ta hiểu rằng, trong hoàn cảnh của mình, Sỹ Nhiếp muốn xưng vương dễ như lấy món đồ trong túi. Nhưng ông đã không làm bởi biết rằng, sau sự thỏa mãn danh vị hư ảo, sẽ là chiến tranh, là đổ máu. Không chỉ sinh mạng mình cùng gia đình khó toàn mà chúng dân bị sa vào cảnh lầm than! Không xưng vương chứng tỏ cái tâm cái chí cái khí lớn lao của Sỹ Nhiếp. Dân mang ơn ông vì lẽ đó. Do vậy, tôn xưng Sỹ Vương là sự đánh giá tuyệt vời chính xác, bởi sử gia đã đạt tới cái hồn của Sử mà người tầm thường không thể hiểu được! Khi phê phán các sử gia Trần, Lê trong việc đánh giá Triệu Đà chính là ông Phan Khôi đã đo vũ trụ bằng cái ni tấc hạn hẹp của mình.

 

Khi viết: “Nói cho ráo lẽ thì nước Văn Lang kể là đã mất từ đời Hùng Vương XVIII, vào tay Thục Phán.  Vì ông này chẳng rõ hương quán ở đâu, hoặc giả là một người dân ngoại tộc cũng nên. Nhưng được cái đóng đô tại Loa Thành, đất Bắc Ninh ngày nay, An Dương Vương dấy lên giữa chúng ta, thì nhận đi là vua của nước ta cũng còn được. Chớ còn họ Triệu đã dấy lên giữa giống khác, lại đóng đô ở đất khác, tọa trấn tại thành Phiên Ngung, coi nước ta như một miếng thuộc địa, thì sao ta lại nhìn là vua trên quốc sử cho cam,” ông Phan Khôi thể hiện cách nhìn lịch sử nông cạn và méo mó. Khi nói “An Dương vương dấy lên giữa chúng ta” còn “họ Triệu đã dấy lên giữa giống khác, lại đóng đô ở đất khác” chứng tỏ ở vị học giả này tri thức về lịch sử quá lệch lạc. Xin hỏi: “giống khác” là giống nào? Từ xa xưa đất ấy là Lưỡng Việt, nơi sinh sống của một bộ phận Bách Việt, cùng đồng bào máu đỏ da vàng sao lại khác giống? Mặt khác, ông chỉ hiểu “nước ta” trong biên giới hiện tại, sau Hiệp ước Pháp Thanh. Ông quên rằng, trước đó, nước ta là Xích Quỷ “phía Bắc đến hồ Động Đình, Tây giáp Ba Thục, Đông giáp Biển Đông...”Nước ta cũng là Văn Lang mênh mông phía Nam Dương Tử để đến khi Hai Bà Trưng phất cờ thì 65 thành trì đồng tâm hưởng ứng. Trong đất nước của Tổ tiên rộng lớn như vậy, thì việc đóng đô ở Phiên Ngung, nơi trung tâm đất nước là phải lẽ. Khi viết: “Còn hai tỉnh Quảng Đông Quảng Tây bây giờ, lúc đó là đất của mọi rợ…” ông Phan Khôi càng tỏ ra bất cập trong sự kỳ thị chủng tộc vô lối. Đất đó là một phần máu thịt của dân tộc Việt còn ghi dấu trong câu ca “Gió Động Đình mẹ ru con ngủ/ Trăng Tiền Đường sáng đủ năm canh…” Đó cũng chính là nơi có Thiên Đài, Đế Minh lên tế cáo Trời đất, nơi có cánh Đồng Tương để những người con của cha Lạc Long Quân, mẹ Âu Cơ gặp nhau… những nơi thiêng liêng trong tâm khảm người Việt, sao lại nỡ coi là “đất của mọi rợ”?

 

3.      Sự thực Triệu Đà là người Việt!

Trước đây, dựa vào thư tịch Trung Quốc, ta chỉ biết Triệu Đà người Hán huyện Chân Định. Nhưng nay, từ những khám phá mới về sự hình thành dân cư phương Đông, ta được biết, hàng vạn năm trước, người Lạc Việt từ Việt Nam đi lên khai phá Hoa lục. Một nhánh lên phía Tây Trung Quốc thành những bộ tộc Tày Thái. Một dòng Tày Thái đi lên vùng đồng cỏ, chuyển sang lối sống du mục, trở thành những bộ tộc Tần (2), cội nguồn của họ Triệu. Theo truyền thuyết, thủy tổ các đời quân chủ nước Triệu là Bá Ích, từng làm quan ở nước Ngu, được phong ấp Doanh, từ đó hậu duệ Bá Ích lấy họ Doanh. Đến cuối đời Thương, hậu duệ Bá Ích là Phi Liêm cùng với con trai trưởng là Ác Lai phò tá Thương Trụ chống lại Chu Vũ vương nên đều bị giết. Con cháu Phi Liêm ly tán, phân thành hai dòng chính. Một nhánh lưu lạc đến Khuyển Khâu, tới đời Phi Tử thì được nhà Chu phong cho ấp Tần làm phụ dung, hình thành thủy tổ nước Tần. Người con thứ của Phi Liêm là Quý Thắng di chuyển đến Hoàng Hà định cư. Con Quý Thắng là Mạnh Tăng hiệu Trạch Cao Lang sống vào thời Chu Thành Vương. Mạnh Tăng sinh Hành Phụ, Hành Phụ sinh Tạo Phụ. Tạo Phụ do lập không ít công trạng nên được Chu Mục Vương phong làm đại phu, lấy Triệu Thành làm thực ấp, từ đó mang họ Triệu, hình thành thủy tổ nước Triệu. Hậu duệ 6 đời Tạo Phụ là Yêm Phụ có danh hiệu là Công Trọng sống vào thời Chu Tuyên Vương, Yêm Phụ sinh Thúc Đới.

Thời kỳ Tấn Văn hầu, Thúc Đới di cư tới nước Tấn. Cháu 5 đời của Thúc Đới là Triệu Túc lập công lớn được Tấn Hiến Công thưởng cho đất Cảnh. Triệu Túc sinh Cộng Mạnh, Cộng Mạnh sinh Triệu Thôi. Năm 656 TCN, Triệu Thôi từng theo công tử Trùng Nhĩ lưu vong ra khỏi Tấn. Sau này Trùng Nhĩ trở thành Tấn Văn công của Tấn thì Triệu Thôi trở thành trọng thần. Con cháu Triệu Thuẫn các đời đều nắm trọng quyền, dần phát triển thế lực của gia tộc họ Triệu thành một trong Lục khanh.

 

Tới thời Tấn Xuất công thì quyền lực thực tế nằm trong tay các trọng thần như Trí Bá, Triệu Tương tử, Hàn Khang tử và Ngụy Hoàn tử. Sử gọi là Tứ khanh. Năm 456 TCN, Tứ khanh đuổi Tấn Xuất công đi để lập Cơ Kiêu, tức Tấn Ai công. Năm 454 TCN, Trí Bá hợp cùng hai nhà Hàn, Ngụy tấn công Tấn Dương (nay ở phía nam quận Tấn Nguyên, Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây). Triệu Tương tử giữ vững thành trì. Sau đó liên hợp với chính hai nhà Hàn, Ngụy diệt Trí Bá. Năm 453 TCN, ba nhà Hàn, Triệu, Ngụy chia nhau vùng đất của họ Trí. Năm 437 TCN, Tấn Ai công chết. Con là Cơ Liễu (Tấn U công) kế nghiệp. Nước Tấn khi đó thực chất đã bị phân chia giữa 3 thế gia là Hàn, Triệu và Ngụy. U công không có quyền lực gì đối với 3 nhà này. Năm 403 TCN, vua Chu Uy Liệt vương phải chính thức công nhận sự tồn tại của nước Triệu cùng với Hàn, Ngụy bên cạnh nước Tấn như là các nước chư hầu của nhà Chu, đánh dấu sự khởi đầu của thời kỳ Chiến Quốc.[3]    

                      

  Do người Triệu là một dòng của bộ tộc Tần nên nước Triệu cũng là một quốc gia của người Việt. Cố nhiên, Triệu Đà là người Việt. Khi Tần diệt nước Triệu, Triệu Đà lúc này khoảng 20 tuổi, xung lính nhà Tần, đi xuống miền Giang Nam. Tại đây dần dà ông làm tới huyện lệnh huyện Long Xuyên. Khi nhà Tần sụp đổ, ông lập nước Nam Việt. Là quan chức nhà Tần nhưng Triệu Đà là người Việt chính gốc, nếu nói theo ngôn ngữ hôm nay thì ông là “người Tần gốc Việt”. Vì vậy, khi nhà Tần không còn, mặc nhiên ông trở lại làm dân Việt tự do. Việc ông làm vua của người Nam Việt là hoàn toàn chính thống. Trước khi bị xâm lăng chia thành quận huyện thì Nam Việt thuộc Văn Lang của Vua Hùng, hoàn toàn do người Việt cư trú và quản trị. Vì vậy, khi sáp nhập Âu Lạc vào Nam Việt, Triệu Đà khôi phục nước cũ của các Vua Hùng. Đương nhiên nhà Triệu tiếp nối thể thống các triều đại của tộc Việt từ Xích Quỷ qua Văn Lang, Âu Lạc…(4)Từ tri thức di truyền học, nhân chủng học và khảo cổ học mới nhất cho thấy quá trình hình thành dân cư trên đất Việt Nam như sau:

 

70.000 năm trước, người Việt cổ mã di truyền Australoid được sinh ra trên đất Việt Nam. 40.000 năm trước, người Việt đi lên khai phá Hoa lục. 7000 năm trước, tại Nam Hoàng Hà, người Việt Australoid gặp gỡ, hòa huyết với người Mông Cổ phương Bắc (North Mongoloid, cũng từ Việt Nam đi lên) sinh ra chủng người Việt mới Mongoloid phương Nam (South Mongoloid). Người Mongoloid phương Nam tăng nhân số, trở thành chủ thể dân cư lưu vực Hoàng Hà. Khoảng năm 2698 TCN, người Mông Cổ phương Bắc chiếm Nam Hoàng Hà, lập nhà nước Hoàng Đế. Người Việt chủng Mongoloid phương Nam chạy về phương Nam, đem nguồn gen Mongoloid chuyển hóa dân cư Việt Nam và Đông Nam Á từ Australoid sang chủng Mongoloid phương Nam. Từ 2000 năm TCN toàn bộ dân cư Việt Nam thuộc chủng Mongoloid phương Nam, được gọi là người Việt hiện đại, chính là chúng ta hôm nay. Khoảng 300 năm TCN, đồng bằng sông Hồng hình thành, người Việt từ Đông Dương và Nam Dương Tử tập trung về khai phá. Những dòng người cùng chủng tộc, tiếng nói và văn hóa gặp gỡ nhau, tạo thành sắc dân mới, được gọi là người Kinh. Khi nhà Tần diệt nước Thục, con cháu vua Thục là Thục Chế, Thục Phán vốn là người Việt, chạy về Việt Nam ở nhờ đất vua Hùng. Sau đó lãnh đạo dân chúng đánh thắng quân Tần, diệt vua Hùng, lập nước Âu Lạc. Đến lượt mình, Triệu Đà diệt An Dương Vương, sáp nhập Âu Lạc vào Nam Việt. Tiếp sau, dòng tộc của Lý Bôn, Đinh Bộ Lĩnh, nhà Lý, nhà Trần… cũng là người Việt từ phương Bắc trở về cùng đồng bào của mình xây dựng đất nước Việt Nam.

 

Kết luận: Một con người chưa biết nguồn cội là con người chưa trưởng thành. Một dân tộc chưa xác định được nguồn cội cũng là dân tộc chưa trưởng thành. Dù vì bất cứ lý do nào, việc biến tổ tiên vĩ đại thành kẻ thù rồi trục xuất khỏi lịch sử là một tội ác và là nỗi sỷ nhục của một dân tộc vô minh. Phải chăng mọi tai họa của dân tộc trong hơn nửa thế kỷ qua bắt đầu từ sự đảo lộn luân thường đạo lý này? Do vậy, công việc khẩn thiết của người Việt hôm nay là đấu tranh đòi trả lại công bằng cho vua Triệu và xác lập vai trò chính thống của nhà Triệu trong lịch sử dân tộc.

                                                                                                                 Sài Gòn, 23 tháng 8 năm 2018

Tài liệu tham khảo

1.       http://bulukhin.blogspot.com/2014/08/thieu-vua-thua-vua.html

2.       Nhiều tác giả. Nhà Triệu mấy vấn đề lịch sử. NXB Hội nhà văn, H. 2017

3.        趙國 http://zh.wikipedia.org/zh/%E8%B5%B5%E5%9B%BD                                                                

4.       Hà Văn Thùy. Góp phần nhận thức lại lịch sử văn hóa Việt. NXB Hội nhà văn, H. 2016.

 

 

Hà Văn Thùy

Trả Lại Giá Trị Chân Chính Cho Truyền Thuyết Mỵ Châu – Trọng Thủy!

 

Truyền thuyết không phải câu chuyện hư cấu mà là ánh xạ những sự kiện và con người có thật trong quá khứ. Từ hành trạng của nhân vật Nguyễn Quỳnh thế kỷ XVIII, người nghệ sĩ vô danh sáng tạo ra hình tượng Trạng Quỳnh dân gian bất tử. Từ câu chuyện xây Loa Thành, cuộc chiến của Triệu Đà dẫn đến xóa bỏ nhà Thục… dân gian sáng tạo ra thuyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy. Truyền thuyết là hình ảnh khúc xạ của lịch sử, mang thông điệp mỹ học từ sự kiện lịch sử gửi tới muôn sau. Trạng Quỳnh không phải là Nguyễn Quỳnh. Truyện Mỵ Châu - Trọng Thủy là ánh xạ của lịch sử thời An Dương vương.

 

Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết nguyên lý mỹ học, nhiều người đồng nhất Trạng Quỳnh với Nguyển Quỳnh cũng như tin rằng Mỵ Châu - Trọng Thủy là lịch sử thời An Dương vương. Từ đó dẫn tới những sai lầm đáng tiếc.

 

Bài viết đưa ra cách hiểu chân thực về truyền thuyết này.

 

I.  Gii thích lch s theo truyn thuyết:

 

Một thời gian quá dài, vì chưa có tài liệu thẩm định thời tiền sử nên không chỉ dân gian mà cả nhiều sử gia đã đựa vào truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy để diễn giải lịch sử giai đoạn An Dương vương như sau:

 

-    Nhà Thục là vương triều chính thống, được nhân dân ủng hộ.

-   Triệu Đà là kẻ xâm lược ngoại tộc, chiếm nước Âu Lạc và cướp ngôi của An Dương vương.

-    Trọng Thủy là tên gian tế, Mỵ Châu là cô gái nhẹ dạ cả tin, vô tình phản bội đất nước.

-    Truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy là bài học về cảnh giác.

 

Khi lý giải truyền thuyết theo sơ đồ như vậy, không chỉ sử gia mà cả nhà văn cố tình bỏ qua chi tiết quan trọng: những con trai ăn phải máu Mỵ Châu thì sinh ngọc và ngọc ấy nếu được rửa bằng nước giếng Trọng Thủy trầm mình sẽ trở nên tuyệt vời trong sáng! Nhẹ dạ, nông nổi và định kiến, có lẽ chưa bao giờ họ tự hỏi: Vì sao con sò ăn phải máu kẻ phản bội lại sinh ngọc? Vì sao ngọc rửa bằng nước giếng tên gian tế trầm mình lại sáng lên? Nếu để tâm suy ngẫm về chi tiết có vẻ “trái khoáy” này, có thể họ sẽ tìm ra thông điệp mà người xưa giấu kín!

 

Vì vậy, một thời gian dài, ít nhất là từ nửa sau thế kỷ XX, là thời kỳ dân tộc đối mặt với những cuộc xâm lăng tàn bạo, nhiệm vụ giải phóng đất nước được đặt lên hàng đầu nên cách nhìn như vậy trở thành chủ đạo, quán xuyến dư luận xã hội. Kết quả không lạ là những nhà sử học macxit đẩy Triệu Đà từ vị vua khai sáng nước Việt trở thành tội đồ xâm lược!

 

II. Lịch sử soi sáng truyền thuyết

 

Ngày nay, nhờ những phát hiện mới về khảo cổ, cổ nhân học, văn hóa học, đặc biệt là di truyền học, chúng ta nhận ra sự thật lịch sử bị vùi lấp:

 

1. Thục Phán là người bộ tộc Âu Việt, hậu duệ dòng họ Khai Minh nước Thục, thuộc địa bàn Tứ Xuyên ngày nay, một quốc gia của người Việt, độc lập với Văn Lang. Khi nhà Tần diệt nước Thục, hậu duệ của vua Thục chạy đến vùng Tây Bắc Việt Nam, ở nhờ đất vua Hùng. Sau đó Thục Phán mạnh lên, diệt Hùng Duệ vương, làm vua nước Việt. Do cùng là người Việt và cai trị khôn khéo, An Dương vương được người Lạc Việt chấp nhận như vương triều chính thống.

 

2. Triệu Đà là người Việt nước Triệu. Khi Triệu bị Tần chiếm, ông gia nhập quân Tần đánh Văn Lang. Nhà Tần sụp đổ, ông đã lập nước Nam Việt, dùng quan lại người Việt, cai trị dân Việt. Dùng võ hoặc dùng mưu, ông thu phục, gồm thâu những tiểu quốc Việt khác vào Nam Việt, trong đó có Âu Lạc. Về bản chất, việc chiếm Âu Lạc là hành động của thủ lĩnh một cộng đồng Việt, sáp nhập một cộng đồng Việt khác thành nước Việt mạnh, chống lại thế lực xâm lược phương Bắc, nhằm bảo toàn non sông và nòi giống Việt.

 

3. Từ thực tế lịch sử này soi vào truyện Mỵ Châu - Trọng Thủy thì thấy: khi đánh Âu Lạc không xong, Triệu Đà đã dùng mưu kết thông gia để diệt nhà Thục. Đúng là Mỵ Châu và Trọng Thủy dù vô tình, dù hữu ý đã góp phần làm sụp đổ nhà Thục. Như vậy là có tội với vua cha An Dương vương. Nhưng trong bối cảnh rộng lớn hơn thì, trên thực tế, nhà Thục cũng đang trên đường suy tàn vì không người nối dõi. Sau cái chết của An Dương vương, lúc đó đã 70 tuổi, rất có thể là cảnh tranh giành ngai vàng, nồi da xáo thịt, Âu Lạc trở thành mồi ngon cho sói hùm phương Bắc. Hơn bao giờ hết, Âu Lạc cần một minh quân đảm lược, cố kết lòng dân, xây dựng quốc gia mạnh. Dù vô tình, dù hữu ý tiếp sức cho thắng lợi của Triệu Đà, Mỵ Châu và Trọng Thủy có công lớn với dân Việt và nước Việt: giúp tránh được cuộc chiến tương tàn, xây dựng nước Nam Việt rộng lớn và hùng mạnh! Đó là thông điệp quán xuyến xuyên suốt 2000 năm của câu chuyện.

Từ thập niên 1960, khi học giả Đào Duy Anh áp dụng sử quan mácxít, cho Triệu Đà là kẻ xâm lược ngoại tộc, loại bỏ kỷ nhà Triệu trong sử Việt đã áp đặt cách nhìn sai lạc về thời kỳ lịch sử quan trọng này. Với bài thơ “Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu, trái tim lầm chỗ để trên đầu…”  người ta không chỉ xuyên tạc lịch sử mà còn tầm thường hóa, phá hoại một truyền thuyết đẹp nhất của dân tộc Việt.

 

III. Ý nghĩa đích thực của truyền thuyết.

   

Trong truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy có những yếu tố siêu nhiên là thần Kim Quy giúp xây thành, cho nỏ thần giữ nước rồi những con trai ngậm phải máu Mỵ Châu thì sinh ngọc và ngọc đem rửa bằng nước giếng Trọng Thủy trầm mình thì sáng ra...

 

Nhờ khám phá hàng vạn mũi tên đồng tại di chỉ Cổ Loa, chúng ta biết rằng, nơi đây đã từng là chiến trường ác liệt. Mũi tên đồng với nỏ liên châu là ưu thế quân sự của Âu Lạc. Nhưng đó không phải là nỏ thần, bắn một phát giết ngàn vạn người. Hình tượng nỏ thần là biểu trưng cho sức mạnh đoàn kết của Âu Lạc. Chính kế “kết thông gia” đã gây bất hòa trong triều đình vua Thục và làm người Âu Lạc phân tâm, thiếu cảnh giác, mất sức chiến đấu, dẫn tới thất bại trước cuộc tấn công bất ngờ của Nam Việt, là nước nhỏ và yếu hơn. Người kể chuyện đã khôn khéo giấu đi lý do thực sự của thất bại như đã khôn khéo giấu việc người Lạc Việt chống trả cuộc xâm lăng của Thục Phán bằng cách chuyển thành hình tượng yêu quái cản phá việc xây thành. Ngay hình tượng yêu quái ở đây cũng có ý nghĩa biểu trưng: ban đầu, việc chống lại cuộc xâm lăng của Thục Phán là đúng. Những người hy sinh trong cuộc chiến đấu này đã được phong thần. Nhưng sau khi An Dương vương ổn định vương vị, dẫn dắt đất nước đi lên mà những người bảo thủ vẫn chống trả, thì họ đã cản đường tiến hóa, biến thành ma quỷ phản động,

 

Bằng hình tượng trai sinh ngọc và ngọc sáng lên nhở rửa bằng nước giếng Trọng Thủy, người nghệ sĩ dân gian đánh giá công bằng giữa công và tội của đôi trái gái. Lương tri Việt vô cùng minh triết và nhân hậu đã chiêu tuyết cho đôi tình nhân. Với ý nghĩa như vậy, Mỵ Châu - Trọng Thủy là truyền thuyết nhân bản nhất, đẹp nhất, trong sáng nhất, lãng mạn nhất trong kho tàng văn hóa Việt.

 

Trong nhiều tầng ý nghĩa, truyền thuyết này cũng có cả bài học về cảnh giác. Nhưng nếu chỉ nhấn mạnh hoặc thậm chí coi đó là nội dung duy nhất của truyền thuyết, không chỉ mắc tội làm nghèo đi gia tài văn hóa lớn mà còn thể hiện sự nông cạn, thiếu chiều sâu nhân bản. Đã đến lúc trả lại nguyên giá trị nhân văn của truyền thuyết đẹp nhất của văn hóa Việt đồng thời trả lại sự trong sáng cho cặp tình nhân đầu tiên và là ân nhân muôn đời của tộc Việt.

 

Vu Lan năm 2011.

 

 

Được đăng bởi Hà Văn Thùy

TRAO ĐỔI TIẾP VỚI G.S PHAN HUY LÊ VỀ SỬ VIỆT

 

TRAO ĐỔI TIẾP VỚI G.S PHAN HUY LÊ  VỀ SỬ VIỆT

 

Trong bài trước tôi đã trao đổi với GS Phan Huy Lê về ba vấn đề:  1. Ghi nhận công lao nhà Nguyễn; 2. Những khoảng trống lịch sử và 3. Xác lập quan điểm lịch sử mới. Nay xin thảo luận tiếp với ông về hai điều vô cùng hệ trọng khác.

Trang Thông tin của Ban Tuyên giáo Trung ương ngày 22.2 năm 2017* viết:

1.“GS. Phan Huy Lê cho biết: Các nhà khoa học đã tìm được những di chỉ của thời cổ đại, những công cụ của giai đoạn sơ kỳ trong thời đại đồ đá cũ xác định thời tiền sử của Việt Nam không phải 30 vạn năm như trước đây vẫn khẳng định mà có thể từ 60-80 vạn năm. GS. Phan Huy Lê nhấn mạnh, đây là một đột phá lớn, làm thay đổi sâu sắc những hiểu biết về lịch sử thời cổ đại của người Việt Nam và từ đó, lịch sử đã được nâng lên một tầm vóc mới.” Cần hiểu thế nào về phát biểu này?

Rõ ràng là Giáo sư cho rằng: “Thời tiền sử của Việt Nam không phải 30 vạn năm như trước đây vẫn khẳng định mà có thể từ 60-80 vạn năm.” và “đây là một đột phá lớn, làm thay đổi sâu sắc những hiểu biết về lịch sử thời cổ đại của người Việt Nam.”

Người đọc hiểu rằng, Giáo sư nói về việc các nhà khảo cổ Việt-Nga phát hiện di chỉ khảo cổ An Khê tỉnh Kon Tum, với dấu vết của con người khoảng 800.000 năm trước. Trước hết, cần làm rõ ý nghĩa của di chỉ khảo cổ này.

Những người từng nghiên cứu lịch sử văn hóa phương Đông đều biết rằng, năm 1921, kỹ sư mỏ người Thụy Điển Andersson khai quật di chỉ Chu Khẩu Điếm ở phía bắc thành Bắc Kinh, phát hiện di cốt người Đứng thẳng Homo erectus 600.000 năm tuổi, được gọi là người Bắc Kinh Homo pekinensis. Ở tầng trên cùng của hang (New cave) tìm thấy di cốt người hiện đại Homo sapiens có tuổi 27.000 năm. Kết hợp với việc khám phá di cốt người Ngưỡng Thiều trước đó rất gần với người Trung Quốc hiện đại, giới khoa học cho rằng, người Homo sapiens được tiến hóa từ loài người Đứng thẳng Homo erectus. Phát hiện Chu Khẩu Điếm ủng hộ cho thuyết nhiều vùng của nguồn gốc con người (Multiregional hypothesis) cho rằng: con người được sinh ra từ nhiều nơi khác nhau: châu Phi sinh ra người da đen, châu Âu sinh ra người da trắng, còn châu Á sinh ra người da vàng. Người Bắc Kinh là tổ tiên của người Trung Quốc cũng như dân cư châu Á.

Năm 1960, khi phát hiện dấu vết của người Homo erectus 500.000 năm trước ở di chỉ Núi Đọ, cũng đã nhen nhóm ý tưởng: người Núi Đọ là tổ tiên của người Việt Nam. Tuy nhiên, những phát hiện khảo cổ tiếp theo cho thấy, 200.000 năm cách nay, người Đứng thẳng hoàn toàn biến mất khỏi châu Á. Thập kỷ 1970 phát hiện di cốt người Đứng thẳng Neanderthal ở Levant (Israel) có tuổi 34.000 năm, với đặc điểm rất gần người châu Âu. Giới khoa học cho rằng: người Neanderthal là tổ tiên người châu Âu.

Nhưng những khảo cứu di truyền học phân tử gần đây xác nhận: trong thời gian sống chung nhiều ngàn năm ở Trung Đông, có diễn ra sự giao phối giữa người Khôn ngoan Home sapiens và người Đứng thẳng Homo erectus nhưng tỷ lệ máu của người H. erectus trong bộ gen người hiện đại quá nhỏ, chỉ chiếm 1-2%. Do vậy đưa tới kết luận: người Đứng thẳng là họ hàng xa của loài người hiện nay mà không phải là tổ tiên của loài chúng ta! [1]  Sau 200.000 năm cách nay, trên đất châu Á cũng như Việt Nam vắng bóng người! Một thời gian dài trong nửa cuối thế kỷ XX, khoa học cố công tìm địa điểm và thời gian xuất hiện của loài chúng ta Homo sapiens nhưng chưa có kết luận cuối cùng.

Sang kỷ nguyên mới, bằng nhiều khám phá di truyền nhân học, khoa học thế giới khẳng định, loài chúng ta chỉ xuất hiện 195.000 năm trước tại châu Phi và 70.000 năm cách nay di cư tới Việt Nam. Khám phá này của khoa học nhân loại đã cung cấp cho chúng ta thông tin xác định: Thời tiền sử của người Việt Nam bắt đầu từ 70.000 năm trước. [2]

Đối chiếu khám phá của khoa học thế giới với nhận định của Giáo sư Phan Huy Lê khi cho rằng: “Thời tiền sử của Việt Nam không phải 30 vạn năm như trước đây vẫn khẳng định mà có thể từ 60-80 vạn năm,” ta thấy những sai lầm sau:

- Người Núi Đọ, An Khê cũng như người Java, Nguyên Mưu, Chu Khẩu Điếm… là người Đứng thẳng, loài tiền nhiệm của chúng ta. Họ đã tuyệt diệt trên toàn châu Á cũng như trên đất Việt Nam 200.000 năm trước nên không hề có mối liên quan nào với chúng ta. Do họ không cùng loài với chúng ta nên việc cho rằng thời gian tồn tại của họ thuộc về lịch sử thời tiền sử của người Việt Nam là sự lầm lẫn tai hại. Điều đơn giản: họ không phải tổ tiên người Việt Nam thì thời gian tồn tại của họ không thể thuộc tiền sử người Việt Nam!

- Cho rằng Lịch sử thời cổ đại của người Việt Nam kéo dài tới 80 vạn năm chứng tỏ Giáo sư Phan Huy Lê đồng nhất Loài người Đứng thẳng Homo erectus với người Khôn ngoan Homo sapiens. Điều này không đúng với thực tế.

2. Giáo sư Phan Huy Lê cho rằng: “Lịch sử Việt Nam có 3 lần thất bại trong chống ngoại xâm đó là thời An Dương Vương chống Triệu Đà; thời nhà Hồ chống Minh và thời nhà Nguyễn chống Pháp.”

Hơn nửa thế kỷ, nhận định “Triệu Đà xâm lược Âu Lạc” từng gây tranh cãi. Trên báo chí xuất hiện nhiều bài viết phản bác quan niệm này. Chính trên tạp chí Xưa và Nay của Hội Sử học Việt Nam (số 253, 254, 2/2006) tôi đã có bài Triệu Đà, Ngài là ai? Đưa ra nhiều chứng cứ xác đáng phản bác quan niệm trên. Tiếp đó, trên Văn hóa Nghệ An ngày 24 Tháng 5. 2013 tôi cho đăng bài Nỗi bất an của lịch sử với cùng chủ đề. Những bài viết đó được sự hưởng ứng của nhiều tầng lớp người Việt trong và ngoài nước. Tôi rất mong Giáo sư Lê cùng học trò thành danh đông đảo của ông phản biện ý kiến tôi để tìm ra sự thật. Tiếc là không ai lên tiếng!

Những người kết tội Triệu Đà xâm lược dùng lý lẽ chủ đạo vì cho ông là người Hán. Nhưng từ khảo cứu cổ thư cùng những phát hiện nhân chủng học mới nhất cho thấy, Triệu Đà là người Việt. [3]

Việc Giáo sư Phan Huy Lê cùng trường phái của ông vẫn duy trì quan điểm cũ lạc hậu gây hại lớn cho dân tộc là điều không thể chấp nhận.

3. “Một số thành tựu mới trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam” là công bố quan trọng của người đứng đầu ngành Sử. Tuy nhiên, ta thấy trong đó những sai lầm nghiêm trọng.

- Do không hiểu người Việt Nam là ai nên lầm lẫn khi cho rằng hoạt động của loài người Đứng thẳng cũng là tiền sử của người Việt Nam. Sai lầm này dẫn tới những lầm lẫn khác.

- Cũng do không hiểu nguồn gốc và sự hình thành của người Việt Nam nên cho rằng chỉ người Kinh mới là người Việt còn các tộc thiểu số khác không phải là người Việt. Sai lầm này dẫn tới “những khoảng trống” giả tạo trong sử Việt và việc giải thích lịch sử một cách thiếu cơ sở.

- Cho đến nay vẫn cho rằng Triệu Đà xâm lược Âu Lạc là thể hiện quan điểm lịch sử bảo thủ lỗi thời, tác động tiêu cực, đưa việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam không chỉ lạc hậu mà còn lạc đường.

Cho tới khi chắp bút viết bộ Quốc Sử, Giáo sư Phan Huy Lê và cộng sự của ông chưa biết những phát hiện mới của khoa học thế giới về nguồn gốc thực sự của người Việt Nam. Lịch sử là hoạt động xã hội của cộng đồng người trong quá khứ. Khi chưa hiểu cộng đồng đó là ai, từng kinh qua hoạt động ra sao trong quá khứ để có diện mạo như hôm nay thì mọi chuyện nói về họ không đáng tin cậy.

                                                               

                                                         Sài Gòn, 24.5.17

 

*(http://www.tuyengiao.vn/Home/khoahoc/97096/Giao-su-Phan-Huy-Le-Nhan-thuc-ve-lich-su-can-toan-bo-va-toan-dien)

1. Bryan Sykes. Bảy nàng ccon gái của Ê-va. NXB Trẻ năm 2008

2. 3. Hà Văn Thùy. Góp phần nhận thức lại lịch sử văn hóa

Việt. NXB Hội Nhà văn. H, 2016.

 

Hà Văn Thùy

TRÍ TUỆ VIỆT Ở ĐÂU?

 

 

Công bố “Người Kinh và người Thái có hệ gien tương đồng cao và quan hệ tiến hóa gần gũi, nhưng lại độc lập với người Hán” của Viện Nghiên cứu tế bào gốc - công nghệ gien Vinmec (VRISG) đã gây xôn xao công luận, khiến không ít người hoang mang. Để sáng tỏ vụ việc, ngày 17/8 tạp chí Tia sáng-diễn đàn của trí thức Việt Nam- tổ chức Tọa đàm Khoa học “Nguồn gốc người Việt: Từ khảo cổ học đến khảo cổ học tri thức” với hai diễn giả là Tiến sỹ Khảo cổ học Nguyễn Việt và Tiến sỹ Hán Nôm, nhà nghiên cứu cổ sử Trần Trọng Dương. Hai khuôn mặt sáng của học giới Việt Nam.

Theo báo Thanh Niên, TS Trần Trọng Dương không nói ai đúng ai sai, mà để ngỏ câu trả lời. Ông nói: “Chúng ta đang trượt giữa những khung khổ tư duy khác nhau. Những tri thức lịch sử đã “găm” vào đầu chúng ta là những sản phẩm đã được kiến tạo qua các thời kỳ khác nhau.” Và “Ông Dương ví dụ, trong cuốn Dư địa chí viết năm 1435, Nguyễn Trãi đã để Triệu Đà là người mở ra triều đại đầu tiên ở VN. Nhưng chỉ khoảng hơn 40 năm sau, năm 1479, Ngô Sĩ Liên vâng mệnh vua Lê Thánh Tông nhằm kéo dài và củng cố tính chính thống trong lịch sử của nhà Lê dưới hệ tư tưởng Nho giáo đã mở rộng chiều dài lịch sử vượt qua của triều đại Triệu Đà, Hùng Vương, Kinh Dương Vương tới Thần Nông. Điều này cho thấy việc nhìn nhận “sự thật lịch sử” còn cần đặt trong bối cảnh thời kỳ lịch sử với những hệ tư tưởng, quyền lực... khác nhau. TS Trần Trọng Dương cũng lấy ví dụ về việc nhìn nhân vật lịch sử Triệu Đà: “Qua các thời kỳ khác nhau, dưới các ý thức hệ khác nhau, dưới các quyền lực khác nhau, diễn ngôn khác nhau, dưới các hoàn cảnh, Triệu Đà luôn được kiến tạo, nhận thức, tái nhận thức nhằm cho các khuôn khổ ý thức hệ từng thời kỳ”.

 

Còn theo tạp chí Tia sáng, dưới góc độ nhà khảo cổ, Tiến sỹ Nguyễn Việt phát biếu: “Không lạm dụng khái niệm người Việt và để tránh “tự làm khó mình” – vướng vào cái nhìn thiển cận, trước tiên cần làm rõ một số khái niệm. Chẳng hạn khái niệm “Việt”, hiện nay được dùng rất “dễ dãi” để chỉ chung cho rất nhiều nền văn hóa khảo cổ là chưa chính xác: đào được di vật của Homo erectus (người đứng thẳng ) hoặc văn hóa Hòa Bình (khoảng 15000 năm trước) đều khẳng định là “người Việt” trong khi họ chưa hình thành các cộng đồng tộc người mà chỉ mới hình thành nhóm cư trú.”

TS Nguyễn Việt khẳng định rằng, “Bình tuyến Phùng Nguyên (bắt đầu khoảng 4000 năm trước) với những cư dân trồng lúa đã phát triển theo một “tuyến đường thẳng và rất đẹp” đến văn hóa Đông Sơn và đến Đại Việt sau này (từ Phùng Nguyên cho đến nay, đặc điểm xương cốt khai quật được không thay đổi) - điều này giúp khẳng định tính bản địa của cộng đồng cư dân trồng lúa ở nước ta từ sớm. Nhưng không thể gán người Việt – là chủ nhân duy nhất cho ngay cả văn hóa Đông Sơn, bởi trong nhận thức của các nhà khảo cổ học thế giới, “trong thời kỳ Đông Sơn và tiền Đông Sơn, thì Thái và Việt là một, tất cả khối Lạc Việt, Tây Âu, hay Tày Thái cổ… đều là ‘Yue’”. Các khái niệm tộc người cụ thể, gắn với một quốc gia cụ thể đều xuất hiện muộn sau này. Nên hơn cả là gọi tên chủ nhân của các nền văn hóa khảo cổ theo tên của nền văn hóa khảo cổ đó. Ví dụ trong phạm vi văn hóa Đông Sơn thì gọi người Đông Sơn, trong phạm vi Âu Lạc thì gọi là người Âu Lạc, bởi vì khái niệm đó có tính bao trùm.”

“Vấn đề nhà nước đầu tiên của người Việt cổ cũng thường bị hiểu nhầm, khi nhiều người băn khoăn rằng - liệu dưới thời Hùng Vương đã có một nhà nước – với đầy đủ các ban bệ của một triều đình hay chưa. “Đừng nhầm 4000 năm lịch sử với 4000 năm văn hiến, thời điểm có bộ máy, thể chế, thu thuế… phải đến Âu Lạc”, TS Nguyễn Việt lưu ý. “Thời kỳ chúng ta gọi là Hùng vương là một thời kỳ có thật, nhưng không phải là một triều đình có vua như cách ta nghĩ, mà chỉ là có ông thủ lĩnh đáng kính thu hút được cư dân trong một nhóm mà thôi”.

 

Như vậy là qua ý kiến của hai vị tiến sỹ, câu hỏi của ban tổ chức chưa được giải đáp!

Vì sao vậy? Phải chăng như lời PGS.TS Nông Văn Hải, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hệ gene: “đây là một vấn đề cực kỳ phức tạp”, và ngành gene hay các ngành khác cũng “chỉ như thầy bói xem voi”?

Theo chúng tôi, đây là vấn đề phức tạp nhưng không phải không giải quyết được! Nguyên nhân là do những nhà chuyên môn nhìn theo góc độ hẹp mà thiếu cách nhìn toàn diện, tổng thể để thấy được vấn đề.

Trước hết là Tiến sỹ Trần Trọng Dương. Ngay từ đầu ta thấy ông đã hỏng về phương pháp luận khi “khảo cổ học tri thức.” Ông nói: “Chỉ khi nào ta hệ thống hóa được các nguồn sử liệu nguyên ngữ với những niên đại tuyệt đối, thì khi ấy ta mới có thể tiến hành nghiên cứu một cách cẩn thận về một lịch sử tư tưởng về những cộng đồng người mà nay gọi là “người Việt.”” Vâng, dù cuộc “khảo cổ” của ông thành công mỹ mãn, lôi được toàn bộ văn bản cổ đặt trên bàn thì những tư liệu đó cũng không cho ông hiểu về “người Việt.”Bởi lẽ chữ là do con người viết ra. Sử gia Hoa Hạ của 1000 hay 2000 năm trước gọi những người sống ngoài cương vực của mình là Man, Miêu, Cửu Lê, là Yue… Nhưng họ làm sao biết “Yue”là ai, có nguồn gốc thế nào? Mặc dù có tới “nhị thập tứ sử”thì những đại công trình ấy cũng chẳng cho người Trung Quốc biết tổ tiên họ là ai, từ đâu ra? Với sử gia người Việt vốn sinh sau đẻ muộn càng không thể! Do vậy, việc “khảo cổ tri thức” để tìm ra nguồn gốc người Việt là điều hoang tưởng! Không, để có thể hiểu về người Việt phải cần toàn bộ tri thức nhân loại, không chỉ văn tự mà còn khảo cổ học, nhân chủng học, văn hóa học và tri thức hiện đại nhất là di truyền học. Không chỉ vậy, do thông tin thay đổi hàng ngày, hôm nay đã khác hôm qua nên tài liệu phải liên tục được cập nhật! Trong thế giới thông tin lưu chuyển đến chóng mặt mà ngồi đấy “khảo cổ học tri thức”từ hàng nghìn năm trước để tìm cội nguồn người Việt, khác nào leo cây tìm cá?

 

Tiến sỹ Nguyễn Việt là nhà khảo cổ có tiếng. Ý kiến trên không phải chỉ là mối bận tâm của riêng ông mà cũng là băn khoăn của nhiều trí thức quan tâm tới lịch sử. Tuy nhiên do khu cứ trong chuyên môn hẹp của mình, ông chưa bao quát được thành tựu của nhân học và văn hóa học. Sự thật là vấn đề ông quan tâm từ lâu đã được giải quyết. Sau một thời cho rằng người Đứng thẳng tiến hóa thành người Khôn ngoan, khoa học đã sửa sai khi xác định, người Đứng thẳng chỉ là họ hàng xa của loài chúng ta. Họ đã hoàn toàn biến mất khỏi châu Á 250.000 năm trước. Vì vậy, việc nhét họ vào chung cái bị “người Việt” là phản khoa hoc, đi ngược với trí tuệ nhân loại. Từ năm 1983, trong cuốn Nhân chủng học Đông Nam Á, Giáo sư Nguyễn Đình Khoa đã viết: “Thoạt kỳ thủy trên đất Việt Nam xuất hiện hai đại chủng Australoid và Mongoloid. Họ lai giống với nhau và con cháu họ lai giống tiếp sinh ra bốn chủng người Việt cổ Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritoid. Sang thời Kim khí, người Mongoloid phương Nam xuất hiện, là người Việt hiện đại, trở thành chủ thể dân cư, người Australoid biến mất khỏi đất này không hiểu do di cư hay đồng hóa?”(1)Với những dòng trên, nhà nhân học hàng đầu Việt Nam chỉ ra: người Hòa Bình, Bắc Sơn, Đa Bút cùng một chủng người Việt cổ  Australoid. Người từ văn hóa Phùng Nguyên đến chúng ta cùng chủng người Việt hiện đại Mongoloid phương Nam. Điều này có nghĩa, dân cư trên đất Việt Nam từ xưa đến nay là một dòng liên tục, từ người Việt cổ sang người Việt hiện đại. Do vậy, gọi dân cư sống từ xa xưa tới nay trên đất Việt Nam là người Việt hoàn toàn chính xác.

 

Tộc danh Việt cũng từ lâu được xác định. Nửa thế kỷ trước, học giả Kim Định khám phá, sau khi sáng tạo ra những cái búa, cái rìu, cái việt đá mới đầu tiên trên trái đất, người Việt gọi mình là người có búa, người mang búa, mang việt rồi định danh thành người Việt (). Khoảng 10.000 năm trước, khi làm chủ cây lúa nước, người Việt bên bờ Dương Tử gọi mình là người Việt chủ nhân cây lúa (粵). Và khi làm ra những cây búa đồng, người Việt viết tên mình bằng Việt bộ Tẩu (). Khi hiểu nguồn gốc người Việt cùng tộc danh Việt như vậy, mọi chuyện sẽ trở nên rõ ràng.

Trong Tọa đàm, hai diễn giả chưa tìm ra nguồn gốc người Việt, chưa chỉ ra công bố của Vinmec đúng hay sai. Không thể trách hai vị tiến sỹ vì chuyên môn của họ chỉ cho họ thấy cây mà không thấy rừng. Trong khi đó, chuyện này từ lâu đã được thế giới giải quyết.

 

Năm 1992, S.W. Ballinger và cộng sự thuộc Hiệp hội Di truyền học Hoa Kỳ, sau khi giải mã DNA 143 bộ gen của bảy cộng đồng dân cư châu Á, đã công bố: “Tất cả các quần thể châu Á đã được tìm thấy để chia sẻ hai đa hình AluI / DdeI cổ đại ở nps 10394 và 10397 và giống nhau về mặt di truyền chỉ ra rằng chúng có chung một tổ tiên. Sự đa dạng mtDNA lớn nhất và tần số mtDNA cao nhất với HpaI / HincII morph 1 đã được quan sát thấy ở người Việt Nam cho thấy nguồn gốc Mongoloid của người châu Á.”( All Asian populations were found to share two ancient AluI/DdeI polymorphisms at nps 10394 and 10397 and to be genetically similar indicating that they share a common ancestry. The greatest mtDNA diversity and the highest frequency of mtDNAs with HpaI/HincII morph 1 were observed in the Vietnamese suggesting a Southern Mongoloid origin of Asians.) (2). Một khi người châu Á cùng có nguồn gốc Mongoloid thì không thể di truyền người Việt khác người Hán

 

Năm 2009, công trình Genetic 'map' of Asia's diversity (Bản đồ gen về sự đa dạng sinh học dân cư châu Á), của Liên minh SNP Pan-Asian thuộc Tổ chức bộ gen người (HUGO), tập hợp 90 nhà di truyền hàng đầu châu Á, giải trình tự 2000 bộ gen châu Á (hơn sáu lần quy mô khảo cứu của Vinmec) đã khẳng định:

"Có vẻ như từ dữ liệu của chúng tôi nói rằng họ đã vào Đông Nam Á trước tiên - làm cho các quần thể nơi này già hơn [và do đó đa dạng hơn]," ông nói tiếp "Sau đó có lẽ họ đi chậm hơn về phía bắc, với sự đa dạng bị mất trên đường đi trong những dân cư 'trẻ hơn' này. "Vì vậy, mặc dù dân Trung Quốc rất đông, nhưng nó có ít sự đa dạng hơn so với số người sống ở Đông Nam Á nhỏ hơn, bởi vì sự mở rộng của Trung Quốc xảy ra rất gần đây, theo sự phát triển của nông nghiệp lúa gạo - chỉ trong vòng 10.000 năm qua."

(It seems likely from our data that they entered South East Asia first - making these populations older [and therefore more diverse]," he said. "[It continued] later and probably more slowly to the north, with diversity being lost along the way in these 'younger' populations. So although the Chinese population is very large, it has less variation than the smaller number of individuals living in South East Asia, because the Chinese expansion occurred very recently, following the development of rice agriculture - within only the last 10,000 years.)

 

Và:

“Dân cư khắp châu Á giống nhau về mặt di truyền. Kiến thức này sẽ hỗ trợ các nghiên cứu di truyền trong tương lai ở lục địa và giúp thiết kế các loại thuốc để điều trị các bệnh mà dân cư châu Á có thể có nguy cơ cao hơn. Và việc phát hiện ra di sản di truyền chung này, ông nói thêm, là một "thông điệp trấn an xã hội ", rằng "đã xóa bỏ sự phân biệt chủng tộc từ những hỗ trợ sinh học"”.

(Dr. Liu said that it was "good news" that populations throughout Asia are genetically similar. This knowledge will aid future genetic studies in the continent and help in the design of medicines to treat diseases that Asian populations might be at a higher risk of. And the discovery of this common genetic heritage, he added, was a "reassuring social message", that "robbed racism of much biological support".) 3

Công bố của HUGO có ý nghĩa lớn, nó "đã xóa bỏ sự phân biệt chủng tộc từ những hỗ trợ sinh học." Không những chỉ ra dân cư châu Á cùng một chủng tộc, được phát tích từ đất Việt Nam, nó cũng bác bỏ quan niệm mà các vương triều Trung Hoa áp đặt từ 2000 năm trước: người Trung Hoa là thiên tử, con giời, còn người Việt và các dân tộc châu Á khác là man, mọi. Trong khi đó, công bố của Vinmec “gen người Việt độc lập với người Hán” không chỉ trái ngược với khoa học thế giới mà có thể tạo điều kiện cho những cái đầu bá quyền Đại Hán lợi dụng để tiếp tục coi người Việt là giống hạ đẳng man, mọi?

Dựa vào một số công bố khoa học cho rằng, người châu Phi theo con đường phương Bắc tới làm nên dân cư phương Đông, một số học giả Trung Quốc đưa ra chủ trương: “Người từ châu Phi tới Trung Quốc làm nên cộng đồng Bách Việt mà người Hán là trung tâm còn Việt Nam là đám ly khai,”Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngay giữa Hà Nội dạy người Việt “lãng tử hồi đầu!”Người Việt nín khe không biết cách đáp trả!

Một đất nước có hàng chục viện hàn lâm với hàng nghìn giáo sư, tiến sỹ. Nhưng khi có việc thì tất cả bối rối “chỉ như thầy bói xem voi”?  Vậy trí tuệ Việt ở đâu?

                                                                                                                   Sài Gòn, Thu 2019

Tài liệu tham khảo:

1.Nguyễn Đình Khoa. Di truyền học Đông Nam Á. (NXB DH&THCN. H. 1983)

2.S.W. Ballinger et al. Southeast Asian Mitochondrial DNA Analysis Reveals Genetic Continuity of Ancient Mongoloid Migrations. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1204787/pdf/ge1301139.pdf

3. Genetic 'map' of Asia's diversity. http://news.bbc.co.uk/2/hi/8406506.stm

 

Hà Văn Thùy

NHỮNG VẤN ĐỀ NỀN TẢNG CỦA LỊCH SỬ VIỆT NAM

 

             Cho đến cuối thế kỷ trước, do quá hiếm tư liệu nên hầu hết các cuốn sử đều viết rất sơ lược về thời Tiền sử. Vì thế, mặc nhiên hình thành quan niệm “thời Tiền sử không quan trọng đối với lịch sử các quốc gia”. Sách sử Việt Nam không là ngoại lệ. Trong cuốn Lịch sử Việt Nam từ khởi thủy tới thế kỷ X (LSVN I) của Viện Sử học in năm 2015, tái bản năm 2017, thời Tiền sử người Việt tuy kéo dài tới 800.000 năm nhưng con người chỉ được biết tới từ người Đứng thẳng sang người Khôn ngoan với các bộ lạc Hòa Bình, Bắc Sơn… mà tất cả thành tựu văn hóa chỉ là những hòn đá.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng thời Tiền sử có ý nghĩa quyết định tới lịch sử mỗi dân tộc. Trong cuốn Nhiệt đới buồn, Claude-Lévi-Strauss nhà nhân học lớn của thế giới viết: “Con người chỉ thực sự sáng tạo những công trình vĩ đại vào buổi đầu. Trong bất cứ lĩnh vực nào, chỉ có bước đầu hoàn toàn có giá trị, những giai đoạn kế tiếp chỉ là sự lặp lại những giai đoạn đã qua.”  “Một trong những giai đoạn nhiều sáng tạo nhất của lịch sử nhân loại xảy ra vào thời đại đá mới với sự phát minh ra trồng trọt, chăn nuôi…” [1]. Xuất hiện từ giữa thế kỷ trước, phát biểu của C. Strauss chỉ như lời tiên tri vì chưa nhiều sự kiện minh chứng cho nhận định của ông. Nhưng sang thế kỷ mới, nhờ công nghệ di truyền tìm ra nguồn gốc loài người cùng các chủng tộc, thời tiền sử của nhiều dân tộc trở nên sáng tỏ.

Sau hơn 10 năm (2004-2017) tập trung toàn bộ thời gian và tâm lực tìm về cội nguồn dân tộc, chúng tôi đã công bố hàng trăm bài viết và sáu cuốn sách: Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt (NXB Văn học, 2006), Hành trình tìm lại cội nguồn (NXB Văn học, 2008), Tìm cội nguồn qua di truyền học (NXB Văn học, 2011), Khám phá lịch sử Trung Hoa (NXB Hội Nhà văn, 2016), Góp phần nhận thức lại lịch sử văn hóa Việt (NXB Hội Nhà văn, 2016) và Nhà nước Xích Quỷ từ huyền thoại đến hiện thực (NXB Hội nhà văn, 2017).

So sánh khảo cứu của mình với cuốn Lịch sử Việt Nam tập I, chúng tôi thấy có sự khác biệt rất quan trọng, có thể nói là dẫn tới sự phá sản của những quan niệm lịch sử cũ. Xin trình bày những vấn đề nổi cộm như sau:

 

1.      Về người Đứng thẳng:

Sách LSVN I cho rằng: “Những dấu tích về Người vượn ở Núi Đọ, Xuân Lộc, Sa Thầy, Yaly tuy còn thiếu những chứng cứ về địa tầng và cổ sinh, không có tầng văn hóa rõ rệt; ở Thẩm Khuyên, Thẩm Hai chưa tìm thấy công cụ lao động nhưng được coi là xưa nhất, mở đầu cho lịch sử nguyên thủy ở Việt Nam.” (T.28)

            Tuy nhiên, những tài liệu khảo cổ học mới nhất của thế giới cho thấy: Người Đứng thẳng (Homo erectus) và người Khôn ngoan (Homo sapiens) là hai loài người khác nhau. Người Đứng thẳng hoàn toàn biến mất khỏi lục địa châu Á từ 250.000 năm trước. Dấu vết cuối cùng của họ là tại di chỉ Ngandong Indonesia 200.000 năm cách nay.  Trong khi đó, nhân học thế giới khẳng định, người Hiện đại Homo sapiens có mặt ở Việt Nam 70.000 năm trước. Trên đất Việt Nam, hai loài người này sống cách nhau 180.000 năm. Do đó, không có chuyện người Đứng thẳng chuyển hóa thành người Khôn ngoan tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới.  Cho rằng “Người đi thẳng muộn, thuộc Người tinh khôn” là phản khoa học! Không xác định được quan hệ giữa hai loài người mà đã cho rằng lịch sử thời tiền sử của Việt Nam kém dài tới 800.000 năm là sự khẳng định sai lầm khiến lịch sử Việt Nam lạc lõng với tri thức nhân loại.

 

2.      Sự xuất hiện người Khôn ngoan trên đất Việt Nam.

LSVN I cho rằng: “Người Thẩm Ôm là dạng Người đi thẳng muộn, thuộc Người tinh khôn hay Người hiện đại (Homo sapiens) ở Việt Nam. Niên đại cho các hóa thạch này từ 140.000 năm đến 250.000 năm BP.” (T.28)

Trong khi đó, tài liệu mới nhất của thế giới xác nhận: Người Hiện đại Homo sapiens xuất hiện ở châu Phi 195.000 năm trước, men theo bờ biển Ấn Độ Dương, tới Việt Nam 70.000 năm trước.

Như vậy, sách LSVN I do không cập nhật tài liệu thế giới nên không hiểu người Việt là ai. Lịch sử là tài liệu ghi chép hoạt động của con người trong quá khứ. Một khi không biết con người đó là ai thì những gì nói về họ đều không có cơ sở!

 

3.      Người Việt chiếm lĩnh thế giới.

Trên đất Việt Nam, người Việt cổ tăng nhân số. 50.000 năm trước, người từ Việt Nam di cư ra các đảo Đông Nam Á và chiếm lĩnh đất Ấn Độ. 40.000 năm cách nay, đi lên chinh phục Hoa lục. Sau khi chiến Hoa lục, một bộ phận người Việt đi về phía Tây, qua Trung Á tới châu Âu. Ở đây họ gặp người Europid từ Trung Đông lên. Hai dòng người hòa huyết sinh ra tổ tiên người châu Âu. Khoảng 30.000 năm trước, từ Siberia, người Việt vượt eo Bering sang chinh phục châu Mỹ. Cũng khoảng 40.000 năm trước, những nhóm người Mongoloid cư trú riêng biệt ở phía Tây Bắc Việt Nam đi lên Tây Bắc Trung Quốc và đất Mông Cổ. Do giữ được nguồn gen nguyên chủng, sau này họ trở thành người Mông Cổ phương Bắc (North Mongoloid).

Cuốn LSVN I hoàn  toàn không biết tới quá trình quan trọng này trong sự hình thành dân tộc Việt. Vì thế không thể hiểu lịch sử của tộc Việt.

 

4.      Sự hình thành dân cư Trung Quốc.

Từ 40.000 năm trước, người Lạc Việt (Indonesian) mang mã di truyền Australoid đi lên Hoa lục. 7.000 năm trước, tại vùng Ngưỡng Thiều trung du Hoàng Hà, người Lạc Việt tiếp xúc với người Mông Cổ du mục ở bờ Bắc, dẫn tới hòa huyết sinh ra chủng người Việt mới mang mã di truyền Mongoloid phương Nam (South Mongoloid). Người Mongoloid phương Nam tăng nhân số, trở thành chủ thể của văn hóa Ngưỡng Thiều rồi cả lưu vực Hoàng Hà.

Năm 2698 TCN, người du mục Mông Cổ do họ Hiên Viên dẫn đầu đánh chiếm đất của người Lạc Việt ở Nam Hoàng Hà, lập vương quốc Hoàng Đế. Do chung sống, người Việt Mongoloid phương Nam hòa huyết với người Mông Cổ phương Bắc, sinh ra lớp con lai Mông-Việt, tự gọi là Hoa Hạ. Người Hoa Hạ dần thay cha ông Mông Cổ lãnh đạo xã hội. Do người Việt quá đông trong khi người Mông Cổ quá ít nên thời gian ngắn sau (không tới 100 năm), toàn bộ người Hoa Hạ chuyển thành người Việt. Các triều đại từ Nghiêu, Thuấn, Vũ tới Thương, Chu đều là người Việt và phần lớn không có quan hệ máu huyết với Hoàng Đế.  Nhưng do vinh quang của Hoa Hạ trong quá khứ nên đều nhận là Hoa Hạ!

Trong khi đó, bên ngoài vương quốc của Hoàng Đế, không chỉ ở lưu vực Dương Tử mà ngay tại lưu vực Hoàng Hà, nhiều quốc gia hay bộ tộc độc lập của người Việt liên tục kháng chiến chống lại triều đình Hoàng Đế. Thí dụ như nước Ư Việt hay Dương Việt ở vùng Hà Nam, tồn tại dai dẳng, sau này thành nước Sở. Bộ tộc Tần ở phía Tây sau này bành trướng thành nhà Tần diệt Lục quốc, lập đế chế Tần. Diệt nhà Tần, Lưu Bang người Việt nước Sở lập nhà Hán, xưng là Hoa Hạ, một sự trớ trêu của lịch sử!

Do không cập nhật tài liệu, cuốn LSVN I vẫn theo những quan niệm sai lầm của thế kỷ XX, cho người Hán từ phía Tây xâm nhập Nam Hoàng Hà, làm nên dân tộc Hán, dẫn tới việc cho rằng người Việt bị Hán hóa trong quá trình lịch sử.

 

5.      Sự hình thành dân cư Việt Nam.

Từ 70.000 năm trước, hai đai chủng người tiền sử Australoid và Mongoloid từ châu Phi tới Việt Nam, hòa huyết sinh ra bốn chủng Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritoid. Trong quá trình chung sống, hai chủng da đen Vedoid và Negritoid gần như biến mất. Hai chủng Indonesian và Melanesian còn lại do người đa số Indonesian (được gọi là Lạc Việt) giữ vai trò lãnh đạo về ngôn ngữ và xã hội. 40.000 năm trước, người từ Việt Nam đi lên khai phá Hoa lục. 7.000 năm trước,  do tiếp xúc với người Mông Cổ phương Bắc, tại Nam Hoàng Hà, người lai Mông-Việt mang mã di truyền Mongoloid phương Nam (South Mongoloid) ra đời. Được sinh ra trên đất Việt, bú sữa mẹ Việt và sống trong văn hóa Việt, người Mongoloid phương Nam trở thành chủng người Việt mới, là chủ nhân của văn hóa Ngưỡng Thiều và lưu vực Hoàng Hà. Do cuộc xâm lăng của người Mông Cổ năm 2698 TCN, người Lạc Việt Mongoloid phương Nam di cư xuống phía Nam, tới Việt Nam và Đông Nam Á, mang nguồn gen Mông Cổ về chuyển hóa dân cư Việt Nam và Đông Nam Á sang chủng Mongoloid phương Nam [2]. Như vậy là, có hai giai đoạn hình thành người Việt: ban đầu là người Việt cổ, mã di truyền Australoid. Tới 7000 năm trước bắt đầu chuyển hóa sang chủng Mongoloid phương Nam, được gọi là người Việt hiện đại. Khoảng 2000 năm TCN, sự chuyển hóa hoàn tất. Người Mongoloid phương Nam (sau này gọi là Nam Á) trở thành chủ thể dân cư Việt Nam cũng như Đông Nam Á. Như vậy, từ 2000 năm TCN, người Việt Nam và người Trung Quốc cùng một chủng tộc Mongoloid phương Nam. Người Việt Nam có chỉ số đa dạng sinh học cao nhất trong dân cư châu Á, có nghĩa người Việt Nam là dân cư cổ xưa nhất ở châu Á.

Cuốn LSV N I không có những tri thức này nên không xác định được quá trình hình thành của người Việt.

 

6.      Sự hình thành người Kinh.

Quan niệm phổ cập hiện nay cho rằng, từ cộng đồng Tiền Việt Mường khi tiếp xúc với nhóm Thái cổ hình thành hai dân tộc Việt (Kinh) và Mường.  “Việt Nam có 54 dân tộc”. Trong đó dân tộc Việt (Kinh) là đa số, còn lại là các dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng dân cư trên đất Việt Nam như sau: từ 2000 năm TCN, dân cư trên đất Việt Nam là chủng người duy nhất Mongoloid phương Nam, gồm hai thành phần: người Mongoloid phương Nam điển hình, chủ yếu sống ở Bắc Bộ và dạng Indonesian hiện đại của chủng Mongoloid phương Nam, sống ở phía Nam Trung Bộ trở xuống.

Khoảng 300 năm TCN, đồng bằng sông Hồng hình thành, những người năng động nhất, giỏi giang nhất trong các bộ tộc Việt từ Đông Dương và Nam Dương Tử kéo về khai phá đất mới. Do cùng huyết thống, ngôn ngữ và văn hóa nên giữa các nhóm người không có mâu thuẫn sắc tộc. Trong những người từ Nam Dương Tử trở về có người Tày-Thái, Hakka, người nước Sở, người nước Việt, người Hán… là di duệ của người Việt đi khai phá Trung Hoa từ xa xưa nên khi về Việt Nam là trở về đất tổ của mình. Do sống lâu dài ở Trung Nguyên, trong vương triều Chu, Hán nên ngôn ngữ của họ chuyển sang đơn âm và hữu thanh. Tiếng nói này dần lan tỏa ra trở thành ngôn ngữ chung của cả đồng bằng. Cùng với tiếng nói là những yếu tố tiến bộ về xã hội và sản xuất tiếp thu được ở vùng đất mở giao lưu với bên ngoài khiến cho người đồng bằng sông Hồng trở thành sắc tộc mới, được gọi là người Kinh. Trong khi đó những cộng đồng người Việt vẫn sống ở rừng núi dần trở thành những sắc dân thiểu số. Do được hình thành như vậy nên người Kinh trở thành cộng đồng chủ thể của dân tộc Việt. Quan niệm phổ cập cho rằng chỉ người Kinh mới là người Việt còn các sắc dân khác không phải người Việt mà là “các dân tộc thiểu số” là sai lầm.

 

7.      Về văn hóa Việt Nam

Sách LSVN I cho rằng, Việt Nam nằm trên ngã tư đường giao thông của khu vực nên có sự giao lưu tiếp biến văn hóa của các dân cư khác mà đặc biết là Ấn Độ và Trung Hoa. Trong khi đó thực tế văn hóa Việt được hình thành như sau: Trong 70.000 năm sống ở phương Đông, người Việt đã sáng tạo nền văn hóa nông nghiệp rực rỡ: chế tác công cụ đá mới, thuần hóa giống kê, giống lúa, các giống khoai và rau đậu, gà, chó và lợn… đồng thời sáng tạo công cụ sản xuất và sinh hoạt. Từ 20.000 năm trước, sau khi sáng tạo công cụ đá mới Hòa Bình, người Việt mang tộc danh Người Việt bộ Qua. Sau khi làm chủ nông nghiệp lúa nước, người Việt có tộc danh Việt bộ Mễ. Khi sáng tạo công cụ bằng đồng, người Việt mang tộc danh Việt bộ Tẩu. Tại văn hóa Giả Hồ 9000 năm trước, người Việt sáng tạo chữ tượng hình đầu tiên. Từ 5300 năm trước người Việt thành lập nhà nước lớn và sớm nhất ở phương Đông. Có đủ cơ sở để khẳng định, đó là nhà nước Xích Quỷ trong truyền thuyết. Về văn hóa phi vật thể, tiếng Việt là chủ thể làm nên tiếng nói Trung Hoa. Người Việt sáng tạo chữ tượng hình, về sau là chủ thể của chữ viết Trung Hoa. Người Việt cũng sáng tạo kinh Thi, kinh Nhạc, kinh Lễ, kinh Dịch... Những thành tựu văn hóa rực rỡ trên đất Trung Hoa đều được khởi nguồn sừ sự sáng tạo của người Việt.

Do có quá trình người Việt đi lên khai phá Hoa lục rồi sau đó trở về xây dựng Việt Nam nên văn hóa Việt Nam kế thừa toàn bộ nền văn hóa do người Việt sáng tạo ở Hoa lục cũng như tại đất Việt Nam.

 

8.      Quan niệm về lịch sử Việt Nam

a.       Do người từ Việt Nam đi lên khai phá Hoa lục rồi sau đó trở về xây dựng nước Việt Nam nên lịch sử Việt Nam bao gồm cả lịch sử người Việt từ khi đi lên khai phá Hoa lục đến khi trở về Việt Nam. Như vậy, có thể khẳng định, thời Tiền sử của Việt Nam bắt đầu 70.000 năm trước, khi tổ tiên từ châu Phi đặt chân tới đất nước ta. Đồng thời khẳng định lịch sử đất nước ta bắt đầu từ 5.300 năm trước, khi nhà nước của họ Hồng Bàng được thành lập tại kinh đô Lương Chử.

b.      Lịch sử một dân tộc là lịch sử của cộng đồng chủ thể làm nên dân tộc đó. Do người Kinh với số lượng đông nhất, có nền văn hóa tiến bộ nhất, trở thành chủ thể của dân tộc Việt Nam nên cũng là chủ thể của lịch sử Việt Nam.

 

9.      Quan niệm về Bách Việt

Sách LSVN I cho rằng Bách Việt là trăm tộc Việt từng sống ở phía Nam dương Tử và là nguồn cội của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, từ cố thư và những khám phá di truyền học mới nhất, chúng tôi phát hiện: Năm 333 TCN, nước Sở diệt nước Việt. Con cháu của vua nước Việt theo lãnh địa của mình đứng lên lập những tiểu quốc, cùng tuân phục nước Sở, được Lã thị Xuân Thu lần đầu tiên gọi là Bách Việt với ý nghĩa nhiều nước Việt ở Nam Dương Tử. Bách Việt chỉ tồn tại hơn 200 năm, từ năm 333 tới năm 111 TCN là năm nước Nam Việt bị tiêu diệt. Từ sự xuất hiện và suy tàn như vậy, nên Bách Việt không phải là trăm tộc Việt và cũng không phải là cội nguồn của dân tộc Việt Nam. Tới nay, điều này càng rõ: cội nguồn của dân tộc Việt là người Lạc Việt xuất hiện trên đất Việt Nam từ 70.000 năm trước

 

10.   Về nguồn gốc của Thục Phán

Trong sách LSVN I, các tác giả cho rằng, Thục Phán là một tộc trưởng người Tày Cao Bằng. Tuy nhiên ý tưởng như vậy thiếu thuyết phục vì lẽ nó bỏ qua những tư liệu thành văn giá trị như Hoa dương quốc chí, Hoài Nam Tử… cho rằng Thục Phán thuộc dòng họ Khai Minh nước Thục. Một số tác giả khác như Bình Nguyên Lộc cho rằng, người Thục là một bộ phận của tộc Lạc Việt sống từ xưa ở phía Tây Nam Trung Quốc. Từ giải mã tài liệu di truyền cho thấy, người Thục là nhánh Tày-Thái của tộc Lạc Việt, mang mã di truyền Haplogroup O1 (Y-DNA) sống từ xa xưa ở Tây Nam Trung Quốc. Trên địa phận Ba Thục, những bộ tộc Tày-Thái đã xây dựng vương quốc cổ cùng thời với nhà nước Xích Quỷ. Sau thời gian dài tan rã, khoảng thế kỷ 16 TCN, họ Khai Minh dựng nhà nước Thục rất văn minh, do Tàm Tùng đứng đầu. Năm 316 TCN nhà Tần diệt nước Thục, con cháu vua Thục chạy xuống ở nhờ đất Văn Lang. Vốn cùng huyết thống, tiếng nói và văn hóa nên tập đoàn vương thất nhà Thục thu phục được các tù trưởng địa phương, lập nước Nam Cương. Sau khi đánh thắng quân xâm lược Tần, Thục Phán chiếm ngôi vua Hùng, lập nước Âu Lạc. Đây là những tranh chấp trong nội bộ người Việt để tiến tới lập nhà nước lớn mạnh hơn.

Như vậy Thục Phán là hậu duệ của tộc Lạc Việt từ Việt Nam đi lên khai phá đất Trung Hoa, lập nước Thục. Khi nước Thục bị hại, ông dẫn vương triều lưu vong chạy về đất Văn Lang. Do tài năng, ông lãnh đạo các bộ tộc người Việt ở phía Bắc Việt Nam đánh thắng quân Tần sau đó sáp nhập Văn Lang thành Âu Lạc. Âu lạc là quốc gia đầu tiên của người Việt thời có sử.

 

11.   Triệu Đà và nước Nam Việt.

Cuốn LSVN I cho rằng Triệu Đà là người Hán, được nhà Tần cử xuống đánh Lĩnh Nam. Nhân cơ hội nhà Tần suy bại, Triệu Đà lập nhà nước cát cứ rồi xâm lược Âu Lạc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Triệu Đà thuộc bộ tộc Tần, là nhánh Tày Thái người Lạc Việt. Thời Xuân Thu, tổ tiên Triệu Đà họ Doanh đi lên Nam Hoàng Hà, nhập nước Tấn. Có công phụ giúp các công tử nước Tấn, được phong Triệu Thành nên mang họ Triệu. Cuối thời Xuân Thu, họ Triệu bành trướng thế lực, cùng Hàn và Ngụy chia nước Tấn làm ba, lập nước Triệu. Khi nhà Tần diệt nước Triệu, Triệu Đà 20 tuổi xung lính đi dánh Lĩnh Nam. Khi nhà Tần diệt vong, ông lập nước Nam Việt.  Như vậy, cũng như Thục Phán, Triệu Đà là người Việt khi xuống Lĩnh Nam, ông trở về quê hương xa xưa của mình. Khi điều kiện cho phép, ông lãnh đạo đồng bào người Việt lập quốc, chống lại nhà Hán. Việc ông chiếm Âu Lạc lập nước Nam Việt cũng giống như Thục Phán lập nước Âu Lạc, hoàn toàn không phải là xâm lược. Chính quyền do ông thành lập là nhà nước của người Lạc Việt, hoàn toàn không phải là chính quyền cát cứ.

Cho rằng Triệu Đà lâp vương quốc cát cứ, xâm lăng Âu Lạc rồi trục xuất nhà Triệu khỏi Sử Việt là cách nhìn sai lầm, phản dân tộc.

 

12.   Về các vương quốc cổ ở phía Nam Việt Nam.

Cuốn LSVN I bao gồm lịch sử các quốc gia cổ Lâm Ấp-Chiêm Thành, Phù Nam vào lịch sử Việt Nam. Đó là việc làm đúng. Tuy nhiên các tác giả chưa lý giải rõ về nguồn gốc dân cư và văn hóa các quốc gia này. Trên thực tế, dân cư trên toàn bộ Đông Dương bao gồm cả Thái Lan, Myanmar, cùng với Mã Lai, Indonesia là người Việt. Cho đến vài thế kỷ trước Công nguyên, do chung cội nguồn, huyết thống, tiếng nói và văn hóa, họ quy thuộc về Văn Lang của các Vua Hùng. Bằng chứng là các vua Hùng đã trao cho họ trống Đông Sơn như một thứ quyền trượng. Nhưng một hai thế kỷ trước Công nguyên, sau khi Văn Lang diệt vong và nhất là sau khi Việt Nam bị phương Bắc chiếm đóng, mối liên kết truyền thống của Việt Nam với phía Nam bị đứt đoạn. Lực hướng tâm không còn, các thủ lĩnh khu vực theo chiều hướng chung đứng lên lập nhà nước riêng. Những quốc gia cổ ra đời. Do hấp lực của văn hóa Ấn Độ, các nhà nước này theo chính trị Ấn Độ và đem văn hóa Ấn phủ lên nền tảng văn hóa Lạc Việt. Trong quá trình lịch sử, giữa các quốc gia của người Việt trong vùng liên tục có tranh chấp lãnh thổ. Biên giới như hiện nay là kết quả của những sự tương nhượng và được xác lập bởi công pháp quốc tế. Mọi ý tưởng về “quyền sở hữu lịch sử” là phi lịch sử và không có cơ sở thực tế. Từ lịch sử như vậy, các quốc gia cổ phía Nam cần được bao gồm trong lịch sử Việt Nam trong quan hệ cùng chủng tộc và văn hóa.

 

13.   Lịch sử Việt Nam có chế độ phong kiến không?

Trong LSVN tập I, các tác giả nhiều lần nói tới thuật ngữ “chế độ phong kiến” ở Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy cần có sự đánh giá lại quan niệm này. Trên báo Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 268 (29 Novembre 1934) học giả Phan Khôi khẳng định “Lịch sử nước ta không có chế độ phong kiến.” Trong cuốn Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX, sử gia Lê Thành Khôi cũng biện bác rất có lý rằng Việt Nam cũng như Trung Quốc thời Trung đại không hề có chế độ phong kiến với đặc trưng bản chất của nó là “phong hầu kiến địa.” Chúng tôi cho rằng nhận định của những học giả trên hoàn toàn chính xác. Do vậy, cần xóa bỏ quan niệm “chế độ phong kiến” trong lịch sử Việt Nam để nhìn nhận lịch sử đúng với sự thực.

 

14.   Những “người Trung Quốc tới làm vua Việt Nam” là ai?

Có một số người từ Trung Quốc sang cư trú tại Việt Nam rồi sau đó con cháu họ làm vua đất Việt. Tuy ghi nhận điều này nhưng trong tâm trạng người Việt Nam là sự phân vân của mặc cảm tự ty: người Trung Quốc lại làm vua nước mình! Tuy nhiên nay ta biết rằng, từ Thục An dương Vương, Triệu Vũ Đế đến Lý Bí, rồi nhà Lý, nhà Trần… đều là người Việt mà tổ tiên xưa từ Việt Nam đi lên khai phá Hoa lục. Trong điều kiện lịch sử nhất định đã trở về đất tổ. Nhờ tài năng và đức độ đã trở thành những vị vua của Việt Nam. Khi nhận ra sự thực này, chúng ta xóa đi mặc cảm tự ty, trở nên yên tâm và tự hào về dòng giống cùng lịch sử của mình.

 

15.   Hoa Việt đồng văn đồng chủng.

Từ thơ ấu, nghe các cụ ở quê nói “Hoa Việt đồng văn đồng chủng,” quả tình tôi không hiểu nổi. Nay, từ khám phá tới tận cùng lịch sử phương Đông, thì điều này được khẳng định. Tuy nhiên, khác với cách hiểu trước đây cho rằng người Hán đồng hóa người Việt, người Việt bắt chước người Hán từ tiếng nói tới chữ viết. Nay là sự thật trái ngược: Người Việt và người Hoa cùng một nguồn gốc và văn hóa. Người Hán là con cháu từ xa xưa của người Việt. Tiếng Việt là nguồn gốc của tiếng nói Trung Hoa. Chữ Việt là chủ thể tạo nên chữ Trung Hoa. Những thành tựu văn hóa rực rỡ trên đất Trung Hoa đều do người Việt sáng tạo.

Nhìn chung, sách LSVN I phần nhiều chép lại những tư liệu từ những cuốn sử hình thành trong thế kỷ XX. Dựa vào cổ thư Trung Hoa và khảo cứu của Viễn Đông Bác cổ, chiều hướng của lịch sử phương Đông được xác định là: Từ Tây Tạng, người Hán vào Nam Hoàng Hà xây dựng văn minh Hoa Hạ sau đó mang văn minh Hoa Hạ khai hóa các sắc dân man di phương Nam. Dân tộc Việt Nam bị Hán hóa cả về nòi giống và văn hóa. Nhưng sang thế kỷ XXI, khoa học khám phá sự thực ngược lại: người Khôn ngoan từ Châu Phi di cư tới Việt Nam sinh ra người Việt rồi từ Việt Nam, người Việt đi lên khai phá Hoa lục. Vài năm trước, những học giả Trung Quốc kiên định nhất cũng buộc phải chấp nhận sự thực này: Người Trung Quốc không phải do người Bắc Kinh (Homo beikinensis) sinh ra mà từ phương Nam lên. Đồng bằng miền Trung Hoàng Hà không còn là cội nguồn của văn minh Trung Hoa mà thay bằng “văn hóa Lương Chử là cội nguồn của văn minh Trung Quốc!”Dù có “nhị thập tứ sử” thì tới nay lịch sử Trung Quốc buộc phải viết lại. Và như sự tất yếu của số phận, lịch sử Việt Nam cũng phải viết lại. Từ khảo cứu của mình, chúng tôi phát hiện, 15 vấn đề nêu trên là những vấn đề nền tảng của lịch sử Việt Nam trước đây bị hiểu lầm nay nhờ ánh sáng mới của khoa học đã được làm rõ.

 Do những vấn đề nền tảng trên chưa được giải quyết thấu đáo trong cuốn LSVN I nên tất yếu, cuốn sách này cần được viết lại. Điều này cũng có nghĩa là cuốn Lịch sử Việt Nam 15 tập của Viện Sử học cần được viết lại. Khi những vấn đề mang tính nền tảng nêu trên chưa được xác lập thì mọi cuốn sử viết trên cơ sở đó chỉ là lâu đài xây trên cát.

                                                                                             Sài Gòn, tháng 12. 2017

 

  1. Claude-Lévi – Strauss. Tristes tropiques, Paris Plon, 1955, tr.269 và 264-265 (dẫn theo Trần Quốc Vượng- Suy nghĩ đôi điều về văn hóa Việt Nam.)

  2. Nguyễn Đình Khoa. Nhân chủng học Đông Nam Á. NXB DH&THCN. H, 1983

07 Tháng Giêng 2018(Xem: 7891)