Nhân 30/4 nghĩ về Nghĩa trang Quân đội VNCH

16 Tháng Tư 20218:41 SA(Xem: 5188)

VĂN HÓA ONLINE – DIỄN ĐÀN CHÍNH TRỊ - THỨ SÁU 16 APRIL 2021

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)


image020Ảnh trái: Những cựu chiến hữu trong một buổi lễ truy điệu người Lính VNCH tại Quận Cam. Tượng “Tiếc Thương” dựng trước Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa bị giật sập ngày 30/4/1975. (Ảnh tài liệu của VHO)


image021Đại Sứ Daniel J. Kritenbrink, Tổng Lãnh sự Mary Tarnowka, Đại Tá Tôn Thất Tuấn, Giáo Sư Phạm Huy Khuê đang dâng hương tại Nghĩa Dũng Đài ngày 29/3/2018. (Ảnh tài liệu của VHO)


image022 Nguyên Đại Sứ Ted Osius, Đại Tá Hoa Kỳ Tôn Thất Tuấn, Tổng Lãnh Sự Mary Tarnowka,
cựu Thiếu Tá VNCH Nguyễn Đạc Thành thắp hương tưởng niệm người Lính VNCH chôn cất trong Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa. (hình năm 2017).
(Ảnh tài liệu của VHO)


Nhân 30/4 nghĩ về nghĩa trang quân nhân VNCH


  • Võ Ngọc Ánh
  • Gửi tới BBC từ Tacoma, Washington, Hoa Kỳ


15/4/2021


image023Nguồn hình ảnh, Đỗ Trung Dũng. Chụp lại hình ảnh. Mộ tử sĩ VNCH được cải táng ở Bình Thuận


Trong cuộc chiến ý thức hệ trên dải đất hình chữ S, Việt Nam Cộng Hòa chiến đấu trên lãnh thổ của mình, điều kiện hậu cần tốt nên đa phần người lính tử trận được đưa về quê nhà an táng.


Năm 2008, gần một tháng sau khi vào Sài Gòn làm việc, tôi đến Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa để tìm hiểu, thăm viếng.


Đây là nơi chôn chất những người lính của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa còn tồn tại duy nhất tôi biết được sau năm 1975.


Điểm đầu tiên tôi đến viếng là đền tử sĩ. Bên ngoài cổng tam quan nhìn vẫn còn cứng cáp. Bước lên khỏi nhiều bậc tam cấp là một khung cảnh hoang tàn như ngôi miếu hoang nhiều phần đã đổ sụp bày ra trước mắt. Rời nơi đây tôi đến khu chôn cất những người lính.


Lúc này nghĩa trang quân đội Biên Hòa đã có tên Nghĩa trang Nhân dân Bình An từ hai năm trước.


Để được vào được bên trong nghĩa trang, tôi phải xuất trình chứng minh nhân dân cho người gác cổng ghi lại thông tin và trả lời những câu hỏi, "vào làm gì?", "viếng ai?"…


Nơi an nghỉ bị kiểm soát


Đã có hơn 18 nghìn quân nhân bên phía Việt Nam Cộng Hòa được chôn cất nơi đây trước ngày 30/04/1975 trong các ngôi mộ giống nhau.


Giờ đây, trong tầm mắt theo bước chân tôi là một khung cảnh trông lộn xộn của bề ngoài của các ngôi mộ.


Nhiều ngôi mộ mới được trùng tu, xây thêm với gạch men, đá hoa cương, nước sơn mới xen lẫn những mộ trông hoang lạnh, rêu phong với chân nhang ít ỏi, bạc màu.


Rất dễ để thấy những bia mộ vẫn còn in dấu đập như búa gõ lên hình ảnh, tên của người lính đang nằm dưới. Dấu tích của sự căm thù bên thắng cuộc đã trút lên những ngôi mộ đang bị 'cầm tù' trong khu quân sự hơn 30 năm sau ngày 30/4/1975.


Những hố nông cùng xà bần vung vãi để phơi ra dấu vết của các mộ đã được thân nhân di dời.


image024Nguồn hình ảnh, Bình An. Chụp lại hình ảnh.


Những nấm mộ trong nghĩa trang hoang tàn đang được quy hoạch thành dự án bất động sản ở Bình Thuận.


Một số tài liệu cũ, nhân chứng cho biết, trước năm 1975, tại miền Nam đã có nhiều khu mai táng tử sĩ thuộc cấp tỉnh (tiểu khu), binh chủng. Tuy nhiên, tôi không trực tiếp thấy được các nơi này.


Dù có thêm các khu mai táng tập trung thì cũng chỉ có một phần nhỏ người lính tử trận được đưa vào đó chôn cất. Đa số người lính Việt Nam Cộng Hòa tử trận được đưa về quê nhà an táng trong nghĩa trang của gia đình, dòng tộc, hoặc của làng, xã, tôn giáo...


Trên bia mộ cho thấy, quân nhân bên phía Việt Nam Cộng Hòa quê tôi tử trận sớm nhất vào năm 1960. Các vị cao niên kể lại lúc đó có xe đưa về, quan tài phủ cờ nước, có tiểu đội cùng về bồng súng trang trọng chào đồng đội vào lòng đất mẹ.


Tất cả người lính Việt Nam Cộng Hòa tử trận sau này ở quê tôi cũng được đưa về nhà để chôn cất theo kiểu như thế.


Tôi chứng thực được điều này khi còn là một đứa trẻ đi chăn bò, lớn hơn đi tảo mộ vào đầu tháng 12 âm lịch hằng năm.


Tôi đã đọc rất nhiều bia xi phía chân mộ ghi tên quốc gia "Việt Nam Cộng Hòa", tên người lính, đơn vị, chức vụ, nơi tử trận…


Trong khi đó bộ đội miền Bắc vào Nam, hoặc du kích thuộc Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam phải chết đâu chôn đó. Số còn lại phải nhờ đối phương chôn cất.


Theo số liệu từ chính quyền Việt Nam, hiện còn khoảng 200 ngàn liệt sĩ bên bên thắng trận vẫn chưa tìm được hài cốt.


Con số này tương đương 2/3 tổng số (hơn 300 ngàn) quân nhân Việt Nam Cộng Hòa bỏ mạng trong chiến tranh Việt Nam.


Đưa người lính về quê an táng, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đáp ứng được nguyện vọng, giúp người thân thuận tiện trong việc chăm sóc mả mồ vốn là truyền thống rất quan trọng của người Việt.


image025Chụp lại hình ảnh. Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa với tên gọi mới là Nghĩa trang Nhân dân Bình An tọa lạc tại phường Bình An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, Việt Nam


Tuy nhiên, chính quyền Sài Gòn đã không nghĩ hết, sự nhân văn này đã không chiến thắng được nỗi sợ cái chết khi phải đi lính.


Điều này dẫn đến nhiều người bên phía Việt Nam Cộng Hòa thay đổi sắc lính để kéo dài thời gian huấn luyện, tránh việc trực tiếp đánh nhau với các lực lượng thuộc Cộng Sản.


Không ít gia đình có điều kiện chọn cách bỏ tiền để con cái có được một chân lính dễ thở, "lính kiểng" ít nguy hiểm hơn.


Họ làm tất cả điều này để tránh cái chết qua việc ít trực tiếp đối diện với đạn, pháo đối phương.


Các tài liệu nghiên cứu, báo cáo, báo chí thời đó cũ cho thấy đào ngũ trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa thường trên mức 10%, theo một bài trên New York Times (27/07/1970).


Con số này theo suy nghĩ của tôi, có lẽ bao gồm cả những quân nhân vắng mặt tại đơn vị không rõ lý do ngắn hạn, 'lính ma' hoặc lính thay đổi đơn vị, binh chủng.


Điều này là hoàn toàn khác biệt với ngoài Bắc. Người trốn lính, cùng gia đình không thể sống được trong cộng đồng bị chế độ tem phiếu, hộ khẩu, việc làm do chính quyền quyết định, chi phối toàn bộ cuộc sống một cá nhân.


Quê nhà giúp đa số tử sĩ an nghỉ


image026Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa bị đổi tên thành Nghĩa trang Nhân dân Bình An.


Thế nhưng nghĩ lại thì chính sách của VNCH từng làm suy yếu quân đội nhưng phần nào giúp cho tử sĩ 'mồ yên mả đẹp' ngày nay.


Năm 2018, trong dịp đến tiểu bang Minnesota, tôi đã gặp ông Khiêm. Một cựu quan chức tình báo của chính quyền Sài Gòn đã ở tuổi ngoài 80.


Ông nói, chính quyền lúc đó thừa biết có chuyện bỏ tiền chạy lính. Không ít người đã bỏ tiền để được vào địa phương quân, nghĩa quân để gần nhà và ít nguy hiểm. Có người còn chạy cả giấy miễn quân dịch.


Vì thế, không ít người trong độ tuổi quân dịch dù có tên trong lính nhưng không có mặt. Số này chính là 'lính ma'. Họ chấp nhận lương của mình do người khác lãnh, có người còn phải đóng thêm tiền hàng tháng.


Câu chuyện của cựu quan chức tình báo trên không lạ. Từ nhỏ tại quê nhà tôi đã nghe kể vô số những câu chuyện như thế. Nó sinh động hơn, khác biệt với những bài học lịch sử trong sách vốn chỉ toàn màu chiến thắng. Lịch sử bên thắng trận vốn không khác những bài PR của chế độ.


Cũng vị cựu quan chức tình báo này, chính quyền, quân đội Việt Nam Cộng Hòa lúc đó không thật sự làm nghiêm, hoặc đủ sức để chấn chỉnh các vấn nạn này.


Tuy nhiên ông không thừa nhận, đây là một thất bại của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa để dẫn đến quốc gia rơi vào tay miền Bắc trong năm 1975. Mà, lý do Việt Nam Cộng Hòa thua cuộc do bị Mỹ bỏ rơi.


image027Nguồn hình ảnh, Công Thuận. Chụp lại hình ảnh. Khu mộ tập thể quân nhân chết ở đồi Charlie vào năm 1971 được lập tại Chơn Thành, Bình Phước vào các năm 2014, 2015.


Cuộc chiến đã lùi xa hơn 46 năm, cùng người Việt nằm trong đất vẫn còn bị đối xử bên thắng - bên thua.


Bên thắng cuộc có chính quyền bỏ công, tiền của để tìm kiếm, quy tập. Bên thua cuộc chỉ biết nhờ người thân, hoặc đồng đội đủ can đảm đối mặt với thách thức từ chính quyền, hoặc bác ái trong các tôn giáo.


Nghĩ an ủi cho cho những người quá cố, nhờ đa số người lính bên phía Việt Nam Cộng Hòa được đưa về quê an táng đã giúp việc chăm sóc của thân nhân giờ được thuận tiện hơn.


Chính sách xưa hóa ra giúp các tử sĩ không phải chịu cảnh 'cầm tù' trong mộ hơn 30 năm như Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa.


Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả Võ Ngọc Ánh, quê Quảng Nam, hiện sinh sống tại thành phố Tacoma, tiểu bang Washington.