Bàn Lại Với Giáo Sư Liam Kelley Về “Sử Học Bên Lề”

12 Tháng Tư 20209:26 SA(Xem: 6188)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN THẢO LUẬN - THỨ HAI 13 APRIL 2020

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  vaamacali@gmail.com (VănHóa Online-California)


BÀN LẠI VỚI GIÁO SƯ LIAM KELLEY VỀ “SỬ HỌC BÊN LỀ”


image006

Hà Văn Thùy


Đúng như tác giả khẳng định, bài viết “sử học bên lề” thể hiện cách nhìn rất tích cực về một hiện tượng của sử học Việt Nam đương đại. Trong đó, một số cá nhân đưa ra quan điểm chưa từng có về thời tiền sử của người Việt. Là người nhiều năm nghiên cứu lịch sử Việt Nam và thường viết tiêu cực về sử Việt, chuyên luận của Liam Kelley chắc chắn sẽ nhận được quan tâm của học giả quốc tế và gây tiếng vang đối với người đọc Việt Nam. Tuy nhiên, bài viết của tác giả cũng thể hiện sự hiểu biết chưa thấu đáo về hiện tượng độc đáo này. Vì vậy xin bàn lại đôi điều.


1.      Về Hoabinhian.

Đúng như tác giả nhắc lại, học giả quốc tế nhận định về Hoabinhian như sau: “Vào năm 1932, một cuộc họp của những nhà tiền sử được tổ chức tại Hà Nội, đề xuất thuật ngữ Hoabinhian được dùng để chỉ những khu định cư đầu tiên của con người được phân biệt bằng cách sử dụng các dụng cụ bằng đá đẽo trên toàn hòn cuội (Matthews 1966: 86). Một đặc điểm xác định khác của địa điểm Hòa Bình là không có bằng chứng về nông nghiệp, và do đó, thuật ngữ Hoabinhian sau đó được sử dụng để chỉ các địa điểm Mesolithic. Thời kỳ Mesolithic là giai đoạn trung gian giữa thời đại Cổ sinh và Đá mới và kéo dài từ khoảng 15.000 đến 5.000 BCE, thời điểm mọi người vẫn tham gia săn bắn và hái lượm hơn là nông nghiệp.” Điều này có nghĩa, hoabinhian chỉ là một “phức hệ kỹ thuật” sản sinh những hòn cuội được đẽo trên toàn chu vi, vào thời Mesolithic, phổ biến từ Nam Trung Quốc qua Đông Dương, Thái Lan đến các đảo Đông Nam Á.


Quan niệm như vậy là của 90 năm trước, khi khoa học chưa biết người Hòa Bình là ai, người Vân Nam là ai, người Indonesia là ai? Và cũng chưa hiểu vì sao những hòn cuội “giống như ở Hòa Bình” lại có mặt tại những nơi đó? Nhưng nay, sau gần thế kỷ, khoa học đã xác nhận, 70.000 năm trước, trong Kỷ Băng hà, mực nước biển thấp hơn hôm nay 130 mét, Đông Nam Á là lục địa Sundaland rộng lớn. Người từ châu Phi theo con đường phương Nam di cư tới Việt Nam. Tại đây họ hỗn hòa với nhau sinh ra người Việt cổ. 50.000 năm trước, người từ Việt Nam di cư ra các đảo Đông Nam Á. 40.000 năm trước đi lên chiếm lĩnh Hoa lục để rồi sau đó vượt eo Bering chinh phục châu Mỹ… Như vậy, chỉ có thể là, theo chân người di cư, công cụ đá từ Hòa Bình được đưa tới những nơi mà hôm nay ta tìm thấy. Một điều nữa cũng được khẳng định, các công cụ đó phải được phân tán trước khi nước biển dâng, có nghĩa là trước 15000 năm trước! Không chỉ vậy, năm 2012 khám phá khảo cổ cho thấy, đồ gốm đầu tiên ra đời ở Tiên Nhân Động tỉnh Giang Tây 20.000 năm trước và hạt lúa trồng đầu tiên cũng xuất hiện ở đó 12.400 năm trước. Tiên Nhân Động cách sông Dương Tử hơn 100 km về phía nam, thuộc vùng Đông Nam Á. Khảo cổ học và di truyền học cùng xác nhận, chủ nhân Tiên Nhân Động là người Lạc Việt, chủng Indonesian, là con cháu người Hòa Bình Việt Nam đi lên…(1)


Một câu hỏi nảy sinh: với những khám phá như vậy ở đầu thế kỷ XXI thì quan niệm của 90 năm trước còn phù hợp? Có sự thật là, trong khi sử gia Liam Kelly tầm chương trích cú dẫn ra một Hoabinhian “chết” trên sách vở thì những “sử gia bên lề” như Cung Đình Thanh, Nguyễn Thị Thanh… sinh ra trên đất Hòa Bình hiểu về một văn hóa Hòa Bình sống động. Đó là nơi phát tịch của dân cư châu Á, là nơi đầu tiên trên thế giới, người Việt làm ra công cụ đá mới, đồ gốm và thuần hóa lúa nước! Thời gian và sự thật chứng tỏ họ đã đúng! Và cũng rõ ràng, họ vượt qua tri thức của nhà sử học kinh viện.


2.      Đâu là nơi trồng lúa đầu tiên?

Trong bài viết, bằng cách đưa ra những chứng cứ xác thực, Liam Kelley chứng minh rằng, Solheim đã xây dựng thuyết “Đông Nam Á là trung tâm nông nghiệp sớm nhất” dựa trên những tư liệu khảo cổ học sai lầm: “Thật vậy, vào cuối những năm 1970, các học giả khác nhau đã xác định rằng các mẫu lúa mà Gorman và Bayard tìm thấy là lúa hoang, chứ không phải là lúa trồng, (Yen 1980; 1982). Ngày nay, sự đồng thuận về mặt học thuật giữa những người tiền sử trái ngược với những gì Solheim đề xuất, khi các chuyên gia cho rằng các công nghệ như trồng lúa và luyện kim đều di chuyển xuống phía Nam vào Đông Nam Á (Castillo 2011; Higham et al. 2015).” Với học giới quốc tế và hầu hết người đọc, đó thực sự là đòn Knock out đối với Solheim! Tuy nhiên, buồn thay, việc làm của Phó giáo sư Đại học Brunei Darussalam lại hoàn toàn vô nghĩa! Cũng lại do sự thiếu cập nhật tài liệu. Những dẫn chứng khảo cổ mà ông đưa ra đều thuộc thập kỷ 1970s, nghĩa là của nửa thế kỷ trước! Ôi, 50 năm biết bao vật đổi sao dời! Khoa học của thế kỷ mới không chỉ khám phá cây lúa đầu tiên được người Việt thuần hóa từ 12.400 năm trước tại Tiên Nhân Động mà theo dấu vết cuộc hành trình vạn dặm, tìm thấy tại văn hóa Giả Hồ Nam Hoàng Hà 9000 năm trước, người Lạc Việt chế đồ gốm đen tinh xảo, trồng lúa, trồng kê, thưởng thức rượu vang làm bằng cách ngâm rượu gạo với táo gai dầm mật ong, nghe âm thanh du dương từ sáo chế bằng xương chim hạc rồi chiêm nghiệm chữ Mục, chữ Nhật, chữ Bát, chữ Hỏa… – những con chữ đầu tiên của nhân loại khắc trên yếm rùa… Buồn cho người chậm chân, tám năm trước, ngay sau khi khai quật Tiên Nhân Động được công bố, những “sử gia tay ngang” của sử học bên lề Việt Nam đã khẳng định, người Việt trồng lúa đầu tiên và Đông Nam Á là nôi của nông nghiệp!


Tuy vậy, tôi rất thông cảm với Liam Kelley bởi ông là sử gia, cái nghề buộc phải “ăn theo” khoa học khảo cổ. Không ít nhà khảo cổ còn tệ hơn ông, như Marc Oxenham của Đại học Quốc gia Úc chẳng hạn. Mới đây trong công bố khai quật di chỉ Cồn Cổ Ngựa vẫn tiếp tục sự ngộ nhận đáng tiếc từ 2005, cho rằng, 4000 năm trước, nông dân phía Bắc di cư xuống, trở thành người trồng lúa đầu tiên phía Nam Dương Tử! (2) Vị học giả gắn bó thâm niên với khảo cổ Việt Nam không hề biết rằng, 12.400 năm trước, dân Việt ở Nam Dương Tử thuần hóa thành công cây lúa rồi truyền bá khắp đồng bằng Dương Tử, Hoàng Hà. Người nông dân phía Bắc di cư xuống 4000 năm trước không phải người trồng lúa đầu tiên ở Nam Dương Tử mà là cháu chắt của tổ tiên sống ở Nam Dương Tử mang cây lúa lên Nam Hoàng Hà 9000 năm trước, khi chạy giặc trở về, khai phá những vùng đất còn hoang sơ để trồng lúa! (3)


Như vậy, thực tế cho thấy, dù dựa vào một số chứng cứ khảo cổ sai lầm nhưng trên tổng thể, thuyết của Solheim hoàn toàn chính xác. Do viễn kiến thiên tài mà C. Sauer rồi Solheim nhìn xa thấy rộng trong thời điểm trí tuệ nhân loại còn mù mờ. Công bằng phải nói rằng, công bố của Solheim cực kỳ quan trọng, nó là chỗ dựa tinh thần, là niềm hứng khởi đột phá để những con chim gọi đàn cùng nhau tìm về nguồn cội, làm nên đội ngũ mà hôm nay Liam Kelley gọi là sử học bên lề. Dân tộc Việt cảm ơn ông vì việc đó.


3.      Về cuốn địa đàng ở phương Đông

Phải nói rằng, ban đầu cuốn sách của Oppenheimer tạo nơi chúng tôi ấn tượng sâu sắc. Cùng với tác giả, chúng tôi tin và tiếc nuối cho nền văn minh rực rỡ của Đông Nam Á bị đắm chìm. Nhưng rồi những khám phá mới của di truyền và khảo cổ học giúp chúng tôi nhận ra:


i. Người di cư châu Phi không có mặt trên các hòn đảo Đông Nam Á 70.000 năm trước. Dân cư của các đảo này chỉ từ Việt Nam tới cách nay 50.000 năm.


ii.Ngoài dụng cụ đá mới Hòa Bình từ Việt Nam đưa ra, trên các đảo này trước khi bị nước nhấn chìm 15.000 trước, chỉ có thể có cây kê và một số loại rau củ bán thuần hóa mà chưa phải nền nông nghiệp phát triển.


iii.Không có chuyện người từ Sundaland đi ra làm nên dân cư châu Á. Thay vào đó là người từ Việt Nam đi ra chiếm lĩnh thế giới. Chúng tôi đã trình bày điều này trong chuyên luận Ra khỏi Việt Nam chiếm lĩnh thế giới.(4)


Như vậy là, cuốn sách của Oppenheimer là nhiều khả năng là một sản phẩm hư cấu.


4.      Thế nào là bằng chứng?

Điểm nổi cộm trong bài viết là Liam Kelley cho rằng “tiền sử mới của người Việt” thiếu bằng chứng:


 “Trong khi lập luận rằng tổ tiên của người Việt Nam là những người sáng lập các khía cạnh khác nhau của nền văn minh Đông Á thực sự vượt xa quan điểm thời thuộc địa khi thấy Việt Nam là một Tiểu Trung Quốc, thì bằng chứng cho lập luận này là vô cùng có vấn đề. Không dựa trên bằng chứng đáng tin.” “không phải là một phần của khóa đào tạo học thuật mà tôi đã nhận được,” “không có trong tài liệu của sử gia nhà nước Việt Nam.”“Hoặc các tác phẩm của nhà sử học người Mỹ Keith Taylor, người có ý tưởng đã chuyển đổi từ quan điểm dân tộc chủ nghĩa Việt Nam sang cho rằng có quá ít bằng chứng để khẳng định chắc chắn về quá khứ xa xôi, trong đó không có tác phẩm nào được đưa ra rằng tổ tiên của người Việt đã chiếm lĩnh khu vực của Trung Quốc ngày nay và thiết lập nền tảng của những gì cho chúng ta một suy nghĩ như truyền thống văn hóa Đông Á”



“Đối với bất kỳ ai ở ngoài Việt Nam đã nghiên cứu lịch sử Việt Nam thông qua các kênh học thuật chính thống, các ý tưởng bày tỏ ở đây rằng tổ tiên của người Việt chiếm lĩnh khu vực ngày nay là Trung Quốc và thiết lập một nền tảng văn hóa mà giờ đây có thể là kim chỉ nam cho loài người, sẽ là không quen.”


Loại bằng chứng mà Liam Kelley đòi hỏi thuộc về thế kỷ XX, những tri thức sản sinh quan niệm “Việt Nam là một tiểu Trung Hoa” hay “người Việt Nam là do Homo erectus tiến hóa thành”… Tất cả những thứ đó đã bị thế kỷ XXI bỏ lại sau lưng. Như Carl Sagan từng nói: “Yêu sách phi thường đòi hỏi phải có bằng chứng phi thường.” Chính là nhờ kết nối và giải mã một cách tuyệt vời hàng tấn bằng chứng phi thường từ khảo cổ học, di truyền học xuất hiện trong hai thập kỷ đầu của kỷ nguyên mới, chúng tôi khám phá ra sự phi thường của tiền sử người Việt, đưa khoa học nhân văn Việt Nam đứng vào hàng tiên tiến của nhân loại, như đánh giá của Tiến sỹ Nguyễn Đức Hiệp trong lời giới thiệu cuốn Viết lại lịch sử Trung Hoa. Thật buồn là phó giáo sư Liam Kelley đã không hiểu điều đó?!


5.      Về tiền sử người Việt

Hiện có ba quan niệm khác nhau về tiền sử người Việt:  1. Người từ Nam Trung Quốc bị dồn xuống đồng bằng sông Hồng thành người Việt. 2. Một dòng di cư từ châu Phi tới Bắc Đông Á làm nên người nông dân trồng lúa Trung Quốc. Sau đó người trồng lúa phía Bắc đi xuống hỗn hòa với dòng di cư phương Nam tới Việt Nam làm nên dân cư Việt Nam. 3. Người từ châu Phi di cư theo duy nhất con đường phương Nam đến Việt Nam rồi từ đây người Việt đi ra làm nên dân cư châu Á và nhân loại ngoài châu Phi. Điều này cho thấy, tiền sử người Việt là chuyện đang gây tranh cãi.


Thuyết thứ nhất phổ biến trong các cuốn chính sử phương Đông cho đến thế kỷ XX, xuất phát từ quan niệm Người đứng thẳng Bắc Kinh (Homo pekinensis) là tổ tiên của dân cư châu Á. Nhưng sang thế kỷ XXI, khám phá loài người Homo sapiens xuất hiện ở châu Phi 200.000 năm trước nên thuyết này bị bác bỏ.


Thuyết thứ hai ra đời vào những năm đầu thế kỷ XXI, khi trung tâm di truyền lớn là Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ công bố: 45.000 năm trước, một dòng di cư từ châu Phi qua Trung Đông sang Trung Á. Từ đây người tiền sử xâm nhập Đông Á (5). Từ Con đường phương Bắc này ra đời quan niệm: người Trung Quốc phát minh nông nghiệp sau đó mang nông nghiệp xuống phía Nam, hòa huyêt với dân bản địa, làm nên dân cư Việt Nam.


Ngay từ năm 2005 khi bắt đầu hành trình tìm lại cội nguồn, tôi đã phải chọn lựa kỹ giữa các tài liệu có quan niệm khác nhau rồi khẳng định không có con đường phương Bắc đưa người vào Đông Á. Đây là sai lầm tai hại của Spencer Wells thuộc Hội Địa lý quốc gia Hoa Kỳ. Các nghiên cứu di truyền học sau này cũng cho thấy chỉ duy nhất con đường phương Nam đưa người tới Đông Nam Á mà cụ thể là Việt Nam. (6) Tuy nhiên, một số tác giả do thiếu cập nhật tài liệu, vẫn theo thuyết con đường phương Bắc, dẫn tới sai lầm nghiêm trọng. Trong bài Phản biện kết luận về nguồn gốc người Việt của Dự án “1000 bộ gen người Việt Nam,” chúng tôi đã chỉ rõ sai lầm của quan niệm này.(7)


Chúng tôi, tác giả của sử học bên lề kiên trì quan điểm: Theo ven biển Ấn Độ Dương, người châu Phi tới Việt Nam 70.000 năm trước. Tại đây, hai đại chủng Australoid và Mongoloid hòa huyết sinh ra người Việt cổ thuộc nhóm loại hình Australoid. 50.000 năm trước, người từ Việt Nam lan tỏa ra các đảo Đông Nam Á và chiếm lĩnh tiểu lục địa Ấn Độ. 40.000 năm trước, nhờ khí hậu ấm hơn, người Việt đi lên khai phá Hoa lục. Ban đầu hoạt động săn bắn hái lượm, người Việt mang theo rìu đá nên gọi mình là người Việt. Sau khi thuần hóa lúa nước, người Việt mang cây kê, cây lúa, giống gà, giống chó lên xây dựng văn hóa nông nghiệp tại Giả Hồ Hà Nam 9000 năm trước, Hà Mẫu Độ, Ngưỡng Thiều 7000 năm trước. Tại Giả Hồ, người Việt chế chữ viết tượng hình đầu tiên khắc trên mai rùa và xương thú. Tại khu mộ ở Dốc Tây Thủy, trấn Bộc Dương Hà Nam 6500 năm trước, nhiều khả năng là mộ Phục Hy, có bằng chứng cho thấy Kinh Dịch đã trưởng thành.


Chúng tôi cũng lần đầu tiên xác định, 7000 năm trước, tại văn hóa Ngưỡng Thiều miền Trung Hoàng Hà, người Việt cổ Australoid hòa huyết với người Mongoloid sống trên bờ Bắc, sinh ra chủng người Mongoloid phương Nam (South Mongoloid), được gọi là người Việt hiện đại. Người Việt hiện đại tăng nhân số, trở thành chủ thể dân cư lưu vực Hoàng Hà. Năm 2698 TCN, người Mông Cổ do Hiên Viên dẫn đầu đánh vào Nam Hoàng Hà chiếm đất của người Việt, lập nhà nước Hoàng Đế.


Chiến tranh liên miên dẫn tới cuộc di cư của người Việt chủng Mongoloid phương Nam xuống Nam Dương Tử và Đông Nam Á, chuyển hóa di truyền dân cư phía Nam từ Australoid sang Mongoloid phương Nam. Đây là quá trình chuyển hóa di truyền lâu dài mà không phải cuộc xâm lăng thay thế dân cư. Những người Việt ở lại đồng bằng Hán Thủy, sau này được gọi là người Hán.


Như vậy, người Hán là cộng đồng do người Việt cổ sinh ra 7000 năm trước và ở lại lưu vực Hoàng Hà.


Do lịch sử hình thành như vậy nên tiếng Việt là chủ thể của ngôn ngữ Trung Hoa. Chữ giáp cốt do người Việt sáng tạo là chủ thể của chữ viết Trung Hoa. Người Việt là chủ thể làm nên văn hóa Trung Quốc.


Đó là khẳng định của chủng tôi từ kết nối và giải mã những tài liệu khảo cổ học, di truyền học mới nhất, đáng tin cậy nhất của thế giới. Kết luận như vậy trên thực tế, vượt qua sự mò mẫm của học giả quốc tế.


Ngày 14 tháng 7 năm 2012, trong Lễ tưởng niệm 15 năm ngày mất triết gia Kim Định, tại Nhà Thái học, Văn miếu Quốc tử giám Hà Nội, tôi có nói: “Những ai nắm vững thuyết Việt Nho và An vi của Kim Định sẽ có ngày đàng hoàng bước tới dạy tại những đại học danh giá nhất thế giới.” Hôm nay cũng xin nói với phó giáo sư Liam Kelly rằng, là người gắn bó sâu với lịch sử Việt Nam, ở tuổi tri thiên mệnh, năng lực làm việc còn dồi dào. Nếu ông thấm nhuần ý tưởng Kim Định và nắm vững tiền sử người Việt theo khám phá của “sử học bên lề” Việt Nam, ông có khả năng trở thành học giả hàng đầu Đông phương học của học giới phương Tây.


Hà Văn Thùy


Sài Gòn, Tháng Tư, 2020


Tài liệu tham khảo:


1. Xianrendong http://archaeology.about.com/od/xterms/qt/Xianrendong.htm

2.Marc Oxenham et al. Between foraging and farming: strategicresponses to the Holocene Thermal Maximum in Southeast Asia.

3. Hà Văn Thùy. DI CHỈ CỒN CỔ NGỰA VÀ VẤN ĐỀ TIỀN SỬ NGƯỜI VIỆT (THẢO LUẬN VỚI TIẾN SỸ MARC OXENHAM)

https://thuyhavan.blogspot.com/search?q=Di+ch%E1%BB%89+C%E1%BB%93n+C%E1%BB%95+Ng%E1%BB%B1a

4. Hà Văn Thùy. Ra khỏi Việt Nam chiếm lĩnh thế giới.

https://thuyhavan.blogspot.com/search?q=Ra+kh%E1%BB%8Fi+Vi%E1%BB%87t+Nam

5. Spencer Wells. The Journey of Man: A Genetic Odyssey.

https://www.amazon.com/Journey-Man-Genetic.../dp/069111532X

6. Hà Văn Thùy. NGƯỜI TIỀN SỬ RỜI CHÂU PHI THEO CON ĐƯỜNG NÀO? http://thuyhavan.blogspot.com/search?updated-max=2019-04-11T02:11:00-07:00&max-results=1&start=19&by-date=false

7. Hà Văn Thùy. PHẢN BIỆN KẾT LUẬN VỀ NGUỒN GỐC NGƯỜI VIỆT CỦA DỰ ÁN “1000 BỘ GEN NGƯỜI VIỆT NAM.”

http://thuyhavan.blogspot.com/search?updated-max=2018-11-22T05:51:00-08:00&max-results=1&start=26&by-date=false
11 Tháng Mười 2018(Xem: 9105)
06 Tháng Chín 2018(Xem: 8697)
03 Tháng Chín 2018(Xem: 8375)