VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN Ý KIẾN / THẢO LUẬN - THỨ HAI 22 APRIL 2019
CHIẾN TRANH MẬU DỊCH MỸ-HOA: MEXICO HƯỞNG LỢI
Từ ngữ “unintended consequences” cũng là một trong số những thuật ngữ khá phổ thông trong giới truyền thông tại Hoa Kỳ nhưng dường như chưa có một từ ngữ tiếng Việt tương ứng, dù rằng mọi người đều hiểu rõ nghĩa.
Nó không hẳn là “những hậu quả không lường được” khi người ta muốn nói đến việc nhiều người không lường được mức độ nặng nhẹ của những hành động hay việc làm của mình trước đó. Nó muốn nói đến những hậu quả xảy ra đối với những đối tượng mà có lẽ mọi người trong cuộc cũng chưa bao giờ nghĩ ra có thể sẽ bị ảnh hưởng tới.
Vậy nếu muốn dịch chính xác, có lẽ phải gọi đó là “những hậu quả mà mình không hề có ý muốn xảy ra”, hơi dài dòng và lại không văn hoa đầy đủ bằng chữ gốc Anh-ngữ. Tuy nhiên, trong tiếng Việt, chúng ta cũng có một thành ngữ khác để diễn tả điều này rất đúng: “ngao cò tranh nhau, ngư ông đắc lợi”.
Mục đích của câu tục ngữ này, hay thuật ngữ tiếng Anh kể trên, là muốn khuyên răn nhiều người cần nên cẩn thận suy xét thiệt hơn một cách kỹ lưỡng chứ đừng nên quyết định vội vàng vì chỉ nhìn đến những quyền lợi nhỏ mọn một cách thiển cận mà quên đi những bất lợi to lớn hơn trong lâu dài.
Thí dụ điển hình để giải thích hiện tượng “unintended consequences” là chuyện đấu đá giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng trong việc áp thuế trên các món hàng nhập cảng giữa hai nước sau quyết định của TT Trump hồi năm ngoái. Cuộc chiến mậu dịch Mỹ-Hoa, có lúc tưởng chừng như căng thẳng, có thể dẫn đến chiến tranh lạnh giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu trên thế giới và kéo theo sự bất ổn về kinh tế trên toàn cầu, cho đến nay chưa cho thấy người thắng kẻ thua một cách rõ ràng.
[Phải gọi là Mỹ-Hoa thay vì Mỹ-Trung tuy rằng gần đây, nhiều người hay dùng chữ “Trung” để nói về Trung Hoa hay Trung Cộng, chẳng hạn như nói đến “thoát Trung” v.v. Trong hai chữ Trung Hoa để nói về người dân hay quốc gia này, chữ Hoa mới là chữ viết tắt quan trọng hơn. Xưa nay, chúng ta chỉ nói “người Việt gốc Hoa”, chứ không ai nói “người Việt gốc Trung”, vì sẽ lầm lẫn với Trung, Bắc, Nam.]
Phải chăng vì vậy mà trong những ngày gần đây, giới lãnh đạo của cả đôi bên đều đã xuống giọng trong những lời lẽ gay gắt chỉ trích đối phương để nói đến một sự tương nhượng và đàm phán tiếp hầu mong đi đến một thoả hiệp chung có lợi cho cả hai. Nhưng trớ trêu thay, mọi người đều có thể thấy rõ kẻ thứ ba được hưởng chiến thắng từ trời rơi xuống (windfall benefit) lại là Mễ Tây Cơ, một quốc gia mà TT Trump thường xuyên đả kích với những lời lẽ công kích nặng nề đến gần như miệt thị.
Trong một bài viết mới đây trên tờ Washington Post, hai nhà báo Matthew Townsend and Eric Martin đã đưa ra một thí dụ để giải thích hiện tượng này một cách rõ ràng và dễ hiểu. Đó là trường hợp của công ty Fuling Global, một hãng xưởng của Trung Cộng về các loại dao muỗng nĩa bằng nhựa đặt trụ sở tại thành phố Wenling ven biển thuộc tỉnh Zhejiang (Chiết Giang).
Công ty này có những giao kèo khấm khá để cung cấp các loại ly dĩa nhựa cho các nhà hàng bên Mỹ. Nhưng TT Trump đã làm đảo lộn tất cả khi quyết định áp đặt thuế quan trên tất cả hàng nhập cảng từ Trung Cộng tổng cộng lên đến 250 tỷ Mỹ-kim, trong đó dĩ nhiên cũng có những hàng hoá làm bằng giấy và nhựa. Vì thế nên công ty Fuling phải tìm cách xoay xở, bằng cách mở ra một hãng xưởng mới ở thành phố Monterrey của Mễ Tây Cơ để có thể sản xuất và cung cấp sang nước Mỹ, giúp cho Fuling tránh phải đóng thuế quan để bù vào việc trả lương cho nhân công bên Mễ tương đối mắc hơn so với bên Tầu, theo như lời nhận định của ông Gilbert Lee là một viên chức cao cấp của hãng: “Chúng tôi bắt buộc phải tìm những cách khác để làm ăn. Mễ Tây Cơ là địa điểm thích hợp và thuận lợi nhất cho chúng tôi.”
Fuling dĩ nhiên không phải là công ty duy nhất lựa chọn con đường này để tiếp tục hưởng lợi cho dù là TT Trump tiếp tục khoe với cử tri về những chính sách mà ông gọi là mạnh mẽ để giúp cho nước Mỹ hùng mạnh trở lại, và không còn bị các nước khác tiếp tục lợi dụng như từ bấy lâu nay.
Vào cuối năm 2018, một bài báo trên tạp chí Bloomberg chuyên về kinh tế tài chính của hai nhà báo Niclas Rolander và Niklas Magnusson cũng đưa ra một thí dụ cụ thể khác. Đó là công ty Domestic AB của Thuỵ Điển (Sweden) chuyên sản xuất các hệ thống máy lạnh để dùng trong các loại xe thùng để chở hàng hoặc để làm nhà ở khi di chuyển RV (Recreational Vehicles).
Công ty Domestic có tổng cộng 28 hãng xưởng trên toàn cầu, trong đó có một số tại các tiểu bang miền bắc nước Mỹ và bán ra hơn phân nửa hàng hoá (57%) cho giới tiêu thụ tại Hoa Kỳ. Vị tân tổng giám đốc là ông Juan Vargues cho biết họ đã có chính sách duyệt lại toàn bộ kế hoạch để có thể đóng cửa bớt những nơi sản xuất có chi phí cao và chuyển sang những nơi ít tốn kém hơn, trong đó dĩ nhiên có những hãng xưởng tại Trung Cộng với giá nhân công rẻ.
Khi TT Trump tuyên bố tăng thuế quan lên hàng hoá nhập cảng từ Trung Cộng vào ngày 24 tháng 9/2018, quyết định mở một hãng xưởng mới tại Mễ Tây Cơ để chuyển việc sản xuất các máy lạnh từ Trung Cộng sang Mễ để tránh đóng thuế quan bỗng nhiên trở thành ưu tiên hàng đầu, dẫn đến việc khánh thành nó hồi tháng Ba vừa qua. Tuy nhiên, công ty vẫn tiếp tục duy trì hãng xưởng bên Trung Cộng để chuyển việc sản xuất một số hàng hoá khác từ bên Mỹ sang, vốn không nằm trong danh sách bị bắt đóng thuế quan.
Trong trường hợp này, rõ ràng là ngành sản xuất ở nội địa Hoa Kỳ đã chẳng hưởng lợi được chút nào từ chính sách tăng thuế quan, trong khi những hãng xưởng ở Mễ Tây Cơ bỗng dưng lại được hưởng lợi bất ngờ từ trời rơi xuống, hay đúng hơn là nhờ vào những chính sách của TT Trump, đã không tiên liệu những hệ quả đó!
Nhận định của ông Vargues có lẽ cũng giống như của các vị tổng giám đốc các đại công ty khác: “Chúng tôi bắt buộc phải tìm những nơi sản xuất với giá thành rẻ và gần gũi với nơi cung cấp cho khách hàng. Trong kỹ nghệ này, việc phải thích ứng với những đòi hỏi của khách hàng và tình thế mới là điều quan trọng.”
Chuyện Mễ Tây Cơ bỗng dưng được hưởng lợi trong vụ này có lẽ không là một mối ưu tư lớn vì đối với ban giám đốc của những công ty lớn nhỏ khắp nơi trên toàn cầu như Fuling hoặc Domestic AB, nhiệm vụ chính của họ là phải mang lại quyền lợi và tăng cao lợi nhuận cho công ty của mình trong lâu dài.
Trong thời gian gần đây, quả tình là Mễ Tây Cơ bỗng dưng được hưởng lợi rất nhiều với sự gia tăng mạnh mẽ của việc sản xuất sang Hoa Kỳ trên những hàng hoá mà Trung Cộng cũng có cạnh tranh nhưng đã bị tụt giảm vì chính sách áp đặt thuế quan mới của TT Trump.
Các thống kê cho thấy là tổng cộng lại, số hàng Hoa Kỳ đã nhập cảng vào từ Mễ Tây Cơ đã tăng vọt hơn 10% để lên đến gần 350 tỷ Mỹ-kim trong năm ngoái, một tỉ lệ tăng trưởng nhanh nhất trong vòng 7 năm qua. Điều này càng khiến cho mức thâm thủng mậu dịch tiếp tục nghiêng thêm về phía Mễ, tức là số hàng Hoa Kỳ nhập cảng vào nhiều hơn số xuất cảng sang Mễ, gia tăng lên 15% với khoảng 80 tỷ Mỹ-kim. Trong khi đó, mức gia tăng về số lượng hàng hoá nhập cảng vào từ Trung Cộng đã tụt giảm khoảng 1/3.
Sự hưởng lợi bất ngờ của Mễ Tây Cơ cho thấy cái khó khăn mà nhiều chuyên gia đã lên tiếng báo động trước đây với chính quyền Trump rằng việc chiến thắng trong một trận chiến mậu dịch rất khó khăn, chứ không đơn giản như suy nghĩ của TT Trump và nhiều người khi cho rằng chỉ việc áp đặt thêm thuế quan là Hoa Kỳ sẽ được hưởng lợi ngay. Lý do đơn giản là các hãng xưởng khắp nơi, chứ không cần là các chính quyền của từng quốc gia một, không phải chỉ ngồi thụ động để chịu đựng những biện pháp bất lợi cho mình. Các ban giám đốc công ty đều có thể tìm cách chuyển các hệ thống sản xuất đi nhiều nơi khác, cũng như tìm ra những nguồn sản xuất mới để có thể tránh né các chính sách áp đặt thuế quan.
TT Trump có một cái nhìn khá đơn giản nhưng sai lầm về chuyện trao đổi mậu dịch giữa hai nước: bên nào có thâm thủng mậu dịch, tức là nhập cảng nhiều hơn xuất cảng, được xem như là nước thua, hoặc yếu thế. Ông chê rằng thành tích thâm thủng mậu dịch đó là hệ quả của những chính sách và thoả ước về mậu dịch mà các vị tổng thống tiền nhiệm đã ký kết nhưng rất tệ hại cho Hoa Kỳ. Để giảnh lại chiến thắng, ông cho rằng làm sao phải thay đổi cán cân mậu dịch này để Hoa Kỳ xuất cảng nhiều hơn là nhập cảng thì sẽ trở thành quốc gia thắng thế.
Trong những lần tập họp đông đảo cử tri ủng hộ mình, TT Trump thường luôn đưa ra những con số của các quốc gia có số hàng xuất cảng sang Mỹ nhiều hơn số hàng nhập cảng từ Mỹ về. Trong đó, dĩ nhiên quốc gia “có tội” nặng nhất không ai khác hơn là Trung Cộng.
Nhưng nếu áp dụng những tiêu chí đó, thì rõ ràng là chính quyền Trump coi như đã thất bại nặng vì mức thâm thủng mậu dịch của Hoa Kỳ đã tăng thêm 100 tỷ Mỹ-kim chỉ trong hai năm đầu của nhiệm kỳ. Những thống kê đưa ra từ Bộ Thương Mại Hoa Kỳ vào đầu tháng Ba vừa qua, chứ không phải là Fake News của các cơ quan truyền thông, cho thấy mức thâm thủng mậu dịch của Hoa Kỳ trong năm 2018 đã lên đến 621 tỷ Mỹ-kim, tức là đã tăng hơn mức thâm thủng trong năm 2016 chỉ có khoảng 502 tỷ Mỹ-kim dưới thời TT Obama. Nếu nói một cách tóm gọn, coi như mức thâm thủng mậu dịch của Hoa Kỳ, theo tiêu chuẩn đánh giá bởi TT Trump, đã tệ hại hơn 20% so với thời của người tiền nhiệm.
Biểu đồ của Bộ Thương Mại Hoa Kỳ cho thấy mức thâm thủng mậu dịch đã gia tăng hơn 100 tỷ trong 2 năm của TT Trump
[Khách quan mà nói, đa số các chuyên gia kinh tế đều không chú trọng nhiều vào cán cân mậu dịch của Hoa Kỳ. Bởi vì thật ra nó chỉ là các con số trên hệ thống kế toán, và lại đi ngược chiều với sức mạnh của nền kinh tế trong nước.
Mức thâm thủng mậu dịch của Hoa Kỳ tụt giảm mạnh nhất là vào năm 2009 khi nó bị rút ngắn xuống hơn 300 tỷ Mỹ-kim chỉ trong vòng có một năm, do hậu quả của nạn suy thoái kinh tế lớn lao vào lúc đó đang lan rộng khắp toàn cầu. Vì thế nên mức tiêu thụ hàng hoá tại Hoa Kỳ cũng đã tụt dốc mạnh trong năm 2009.
Ông Phil Levy, một cựu kinh tế gia kỳ cựu đặc trách về mậu dịch trong Hội đồng Cố Vấn Kinh Tế dưới thời TT Bush con, đã nhận định: “Đó là lý do chính vì sao các kinh tế gia đều khuyên các vị tổng thống rằng đừng có nên nói về con số thâm thủng mậu dịch dưới thời điều hành của mình. Đơn giản thôi, khi mà mọi chuyện bùng nổ tốt đẹp (về kinh tế), người dân cả nước Mỹ tiêu thụ hàng hoá nhập cảng vào nhiều hơn nữa.”]
Cho dù TT Trump cứ luôn miệng đưa ra lời hứa là sẽ tìm cách để rút giảm mức thâm thủng mậu dịch, nhưng kết quả lại hoàn toàn trái ngược. Đó là do hai hậu quả song hành: trước tiên là chính sách cắt giảm thuế to lớn được thông qua vào cuối năm 2017 giúp cho giới nhà giầu và các hãng xưởng có thêm tiền để tiêu xài, khiến họ sẵn sàng tiêu thụ thêm nhiều, trong đó có hàng nhập cảng. Kế đến là các biện pháp tăng thuế của các quốc gia khác để trả đũa chính sách tăng thuế của TT Trump đã khiến cho hàng hoá của Mỹ xuất cảng sang các nước khác bị tụt giảm xuống vì trở nên quá mắc hơn so với trước đó. Hậu quả là tổng số lượng thâm thủng mậu dịch về hàng hoá và dịch vụ của Hoa Kỳ đã tăng lên đến mức kỷ lục là 891 tỷ Mỹ-kim trong năm ngoái.
Nhưng điều trớ trêu là khi TT Trump đã luôn miệng đả kích Mễ Tây Cơ, kể cả từ khi mới vận động tranh cử, giờ đây ông lại phải đón nhận một kết quả hoàn toàn bất ngờ như vậy. Đó cũng là lời nhận định của ông Alan Russell, tổng giám đốc công ty Techma Group tại El Paso, Texas, một công ty chuyên cố vấn việc mở mang các hãng xưởng bên Mễ: “Đây rõ ràng là một thí dụ về chuyện ‘unintended consequences’. Chưa bao giờ chuyện lo thiết lập các hãng xưởng mới ở bên Mễ Tây Cơ lại được chú ý cao nhất kể từ 35 năm qua. Bất cứ công ty chế biến nào ở bên Trung Cộng cũng đều tỉnh giấc sau vụ này.” (Khi nói đến các hãng xưởng ở Trung Cộng, có lẽ TT Trump và nhiều người thường nghĩ đơn giản rằng đó là của người dân và chính quyền của Tầu, nhưng trong thực tế đó cũng là của rất nhiều các hãng xưởng lớn nhỏ của các nước khác, trong đó nhiều nhất có lẽ là của Hoa Kỳ!)
Theo nhận định của ông Jorge Guajardo, cựu đại sứ Mễ tại Trung Cộng, phần lớn các việc chuyển đổi hệ thống sản xuất từ Trung Cộng sang Mễ Tây Cơ nằm trong các loại hàng hoá có trị giá thấp mà việc chuyển đổi này tương đối dễ dàng. Thí dụ điển hình là trường hợp của công ty Taskmaster Components, đặt trụ sở tại Mount Pleasant ở vùng đông bắc tiểu bang Texas. Trong gần 20 năm qua, công ty này đã chuyên nhập cảng các niềng và vỏ bánh xe sản xuất bên Trung Cộng, đem về lắp ráp và cung cấp cho các hãng sản xuất xe vận tải và xe RV.
Nhưng chính sách áp đặt thuế quan lên hàng hoá nhập cảng từ Trung Cộng sang đã khiến cho ban giám đốc của Taskmaster phải lo đi tìm những nguồn sản xuất mới, trong đó Mễ Tây Cơ chiếm ưu tiên lớn. Câu hỏi đặt ra là tại sao công ty này không tìm mở một hãng xưởng ngay tại nội địa nước Mỹ: lý do đơn giản là họ không tìm ra được những công ty nào của Mỹ chịu đầu tư vào vì không kiếm lời được. Giám đốc điều hành của Taskmaster là Amanda Walker nói rằng chi phí tại Hoa Kỳ quá cao, trong khi đó chi phí tại bên Mễ lại thấp hơn nhiều. Hơn nữa, nó cũng không quá xa với Texas, lại có một lực lượng nhân công có trình độ kỹ thuật tương đối khá, giúp cho Mễ Tây Cơ trở thành một điểm rất thuận lợi.
Sự thừa hưởng lợi lộc này về phía Mễ Tây Cơ được thấy rõ nét nhất trên nhiều lãnh vực đa dạng. Sau khi chính quyền Trump áp đặt thuế quan lên các thứ quặng kim loại, mức xuất cảng các loại hàng này từ Mễ sang Hoa Kỳ đã tăng vọt lên hơn gấp đôi, trong khi mức xuất cảng của Trung Cộng sang Hoa Kỳ bị tụt giảm khoảng ¼. Tương tự như vậy, biện pháp áp đặt thuế quan lên hàng hoá bằng nhôm của TT Trump coi như dẹp bỏ được số lượng hàng nhôm nhập cảng vào từ Trung Cộng lên đến 500 triệu Mỹ-kim, trong khi số lượng hàng này từ Mễ bán sang Hoa Kỳ tăng lên khoảng 20%.
Cuộc chiến mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng cũng vô tình biến nước Mỹ càng lệ thuộc nhiều hơn về nhu cầu cung cấp trái cây và rau củ từ bên Mễ Tây Cơ sang. Quốc gia láng giềng ở phía nam này, vốn từ lâu đã bị đánh giá rất thấp trong mắt của nhiều người dân và các chính trị gia Mỹ nặng đầu óc kỳ thị, lại là nguồn xuất cảng lớn nhất cho người dân Mỹ về các loại rau củ như bông cải, cà-rốt và củ hành.
Ngay cả nhiều giới tiểu thương ở Mễ cũng vô tình được hưởng lợi từ cuộc chiến mậu dịch Mỹ-Hoa. Sau khi chính quyền Trump áp đặt thuế quan 10% trên hàng lụa, vốn là một trong những hàng xuất cảng có tiếng của Trung Cộng, số lượng hàng lụa từ bên Mễ xuất cảng sang Hoa Kỳ cũng tăng vọt ngay. Từ con số $5,500 trong năm 2017, nó bỗng nhảy vọt lên mức 1 triệu 600 ngàn Mỹ-kim trong năm sau. Cùng lúc đó, số lượng hàng lụa nhập cảng từ Trung Cộng sang cũng tụt giảm khoảng 3 triệu Mỹ-kim.
Đáng kể nhất có lẽ là hệ thống giây chuyển trong kỹ nghệ sản xuất xe hơi và đồ phụ tùng. Từ nhiều năm qua, ngành này đã liên tục phát triển bên Mễ, nhưng lại càng tăng trưởng mạnh hơn nữa nhờ các chính sách áp đặt thuế quan do TT Trump chủ động. Bằng chứng điển hình là số lượng các xe du lịch chạy bằng máy xăng được nhập cảng từ bên Mễ sang Hoa Kỳ đã gia tăng 17%, lên đến mức hơn 32 tỷ Mỹ-kim, trong khi các đợt xuất cảng xe hơi từ các nước khác như Trung Cộng, Đức và Gia Nã Đại đều tụt giảm xuống.
KẺ THẮNG NGƯỜI THUA TRONG CHIẾN TRANH MẬU DỊCH
Trong một bài viết trên diễn đàn The Diplomat vào tháng 7 năm ngoái, một chuyên gia về các vấn đề trao đổi mậu dịch giữa Hoa Kỳ và các nước Á Châu là Mercy Kuo bàn luận cùng một chuyên gia khác là Gary Hufbauer đã đưa ra những nhận định tóm gọn như sau để thẩm định cái gọi là “kẻ thắng, người thua” trong một cuộc chiến mậu dịch bùng nổ giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu là Hoa Kỳ và Trung Cộng.
Trước hết, cả hai quốc gia này đều bị thiệt hại trong cuộc chiến mậu dịch, nhưng sự thiệt hại sẽ khác biệt về mức độ cũng như tùy thể loại. Cuộc chiến này nếu được phát động toàn phần sẽ khiến cho mức xuất cảng của Trung Cộng sang Hoa Kỳ tụt giảm khoảng 1/3, tức là giảm bớt khoảng 200 tỷ Mỹ-kim mỗi năm. Dĩ nhiên, sau đó các hãng xưởng của Tầu sẽ phải tìm những thị trường mới, cũng như tạo ra những món hàng mới để bù đắp vào lỗ hổng này. Nhưng trong vòng 2 hay 3 năm sau đó, những công nhân và các hãng xưởng trong nước sẽ bị xáo trộn lớn. Hàng ngàn công ty sẽ phải dẹp tiệm, và có thể 4 triệu công nhân sẽ bị sa thải. Tuy nhiên lãnh tụ Xi Jinping (Tập Cận Bình) của họ có thể kêu gọi người dân trong nước hãy chịu khó hy sinh vì đó là “nhiệm vụ ái quốc” để chống lại áp lực của Mỹ, và hậu quả về mặt chính trị cho chế độ độc tài này có lẽ cũng sẽ không đủ mạnh để làm lung lay chế độ.
Về phía Hoa Kỳ, một cuộc chiến mậu dịch toàn bộ với Trung Cộng sẽ dẫn đến việc bị tụt giảm khoảng 50 tỷ Mỹ-kim hàng hoá xuất cảng sang nước này. Đây là một con số không đáng kể đối với một nền kinh tế rất to lớn và đa dạng như của Mỹ. Tuy nhiên cũng có thể có khoảng 250,000 người sẽ bị mất việc trong nhiều ngành nghề tại Hoa Kỳ liên hệ đến vụ này. Nhưng điều đáng kể hơn là hậu quả về mặt chính trị sẽ to lớn hơn nhiều để khiến cho các vị dân cử và chính quyền phải lưu tâm đến nếu không muốn bị cử tri bỏ phiếu đuổi việc trong kỳ bầu cử cuối năm 2020.
Giới truyền thông tại Hoa Kỳ đương nhiên sẽ phải chú ý nhiều đến việc nhiều công ty, hãng xưởng tại Mỹ phải dẹp tiệm vì hậu quả của chiến tranh mậu dịch, dẫn đến việc nhiều nhân công bị thất nghiệp, kéo theo sự suy sụp về kinh tế tại nhiều địa phương. Các vị dân biểu, nghị sĩ cũng như các thống đốc, nhất là ở những tiểu bang không đông dân, chắc chắn không thể nào ngồi yên để mạnh miệng ủng hộ cho cuộc chiến mậu dịch nếu như có vài ngàn hay vài chục ngàn cử tri tại địa phương của mình bị mất việc do hậu quả đấu đá về mậu dịch, dẫn theo việc mất cả nhiều quyền lợi khác như bảo hiểm y tế và nhà cửa v.v.
Trong hệ thống bầu cử tại Mỹ, có hơn một chục tiểu bang thường được gọi là chiến trường quyết định (battleground states), với số lượng cử tri ngang ngửa giữa hai phe Dân Chủ và Cộng Hoà. Kết quả bầu cử tại những nơi này thường là rất khít khao, dễ thay đổi tuỳ theo ưu tiên hàng đầu của cử tri vào lúc đi bỏ phiếu. Chỉ cần vài ngàn hay vài chục ngàn cử tri bị sa thải hay mất quyền lợi cũng khiến họ đổi ý và bỏ phiếu chống lại chính sách đương thời.
Đến lúc đó, TT Trump sẽ không thể dễ dàng lên tiếng yêu cầu người dân Mỹ kiên trì hy sinh, chịu đựng khó khăn và thể hiện nhiệm vụ ái quốc của họ, nhất là khi những giới nhà giầu như cá nhân TT Trump và các con cái của ông vẫn tiếp tục làm ăn khấm khá trong suốt thời gian đó.
Điều đáng nói hơn nữa là các hãng xưởng tại Hoa Kỳ, nếu như phải đối diện với một cuộc chiến mậu dịch mở rộng, họ sẽ phải lo tái cấu trúc hệ thống sản xuất của mình, đồng thời đi tìm những nguồn sản xuất với giá rẻ tại những nước được xem là “an toàn” ở Á Châu như Việt Nam, Mã Lai Á, Nam Dương hoặc là ở Nam Mỹ như Mễ Tây Cơ, Peru v.v. Chắc chắn là họ sẽ không tìm cách chuyển hệ thống sản xuất trở về lại nước Mỹ như TT Trump và nhiều người mơ ước, bởi vì nếu làm được thì họ đã không di chuyển công việc sản xuất sang các nước khác từ mấy chục năm qua.
MAI LOAN
Houston, Texas, ngày 16 tháng 4/201