Vì sao ông Duterte đổi giọng về Biển Đông?

15 Tháng Tư 20196:49 CH(Xem: 6864)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN THẢO LUẬN Ý KIẾN - THỨ BA 16 APRIL 2019


Vì sao ông Duterte đổi giọng về Biển Đông?


14/04/2019


TTO - Những tuyên bố 'nóng bỏng' của ông Duterte về Biển Đông được đưa ra ngay trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ gây ngạc nhiên cho nhiều người.


image018

Đảo Pag-asa (Thị Tứ) là đảo lớn nhất ở Biển Đông mà Philippines đang kiểm soát - Ảnh: Rappler


Gần 3 năm qua, kết quả cuộc bầu cử năm 2016 ở Philippines rõ ràng đã làm thay đổi tình hình các quan hệ quanh Biển Đông. Nhưng khi một kỳ bầu cử nữa sắp tới ở quốc gia này, bầu lại toàn bộ Hạ viện và 12 ghế Thượng viện vào ngày 13-5 tới, có vẻ như Manila lại đang đổi giọng.


Hôm 5-4, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thề sẽ ra lệnh cho tiến hành những chiến dịch cảm tử để đáp trả các hành động quân sự của Trung Quốc nhằm vào đảo Pag-asa (tức đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).


Những tuyên bố "nóng bỏng" của ông Duterte, được đưa ra ngay trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, gây ngạc nhiên do chúng khác hẳn thái độ còn hơn là "hữu nghị" của ông trong 3 năm qua về những tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc.


Lời nói là thần Janus hai mặt


'Lời nói là thần Janus hai mặt, một mặt hướng về tôi, mặt kia hướng tới người khác" - nhà thơ Pháp Paul Valéry từng nhận xét như thế cách đây gần một thế kỷ.


Thế cho nên, ông Duterte nói, phải có người nghe. Người nghe ở đây là ai? Bắc Kinh, Washington, còn các thủ đô nào khác, và cử tri Philippines nữa? Xem ra, lời nói không chỉ hai mặt, mà rất nhiều mặt. Cũng thông điệp "cảm tử" này, liều lượng thực - hư, cũng còn tùy bên nghe.


Cần phải đặt tuyên bố mới đây của ông Duterte bên cạnh những gì ông nói trong một cuộc họp báo gần một năm trước, 4-6-2018, mới thấy rõ sự đối lập.


"Nếu tôi là tướng quân đội và anh bảo tôi cùng binh lính của tôi đến đó (đảo Pag-asa) để tự sát, thì tôi sẽ chửi vào mặt anh. Tại sao tôi phải làm như vậy? Tại sao tôi phải ngu ngốc làm theo yêu cầu đó. Đây là quân đội chứ không phải một nhóm người thích tự vẫn".


Như mọi khi, ông Duterte nhắc lại tam đoạn luận đã quen (cho tới giờ) của ông từ khi lên nắm quyền: (1) Philippines không đủ khả năng đối đầu, nên (2) đối đầu là tự sát, suy ra (3) nếu tìm kiếm đối đầu thì tự mình chuốc lấy rắc rối mà thôi.


Vậy tại sao giờ ông lại đòi cho lính "cảm tử"?


Nhật báo Daily Inquirer của Philippines ngày 21-3 loan tin ông Albert del Rosario, cựu ngoại trưởng, và bà Conchita Carpio Morales, nguyên lãnh đạo cơ quan chống tham nhũng CPIB của Philippines, đã đệ đơn kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ra Tòa án hình sự quốc tế (ICC), nhân danh người dân Philippines và hàng trăm ngàn ngư dân Philippines bị bách hại bởi việc Trung Quốc xây các đảo nhân tạo, chiếm đóng và quân sự hóa vùng biển Tây Philippines (tức Biển Đông).


Trong đơn kiện, ông Del Rosario và bà Morales viết: "Với việc thực hiện kế hoạch chiếm biển Tây Philippines một cách có hệ thống... Trung Quốc đã phạm các tội ác nằm trong thẩm quyền xét xử của quý tòa, gây tác hại nặng nề, thường xuyên và hàng loạt đối với môi trường của các quốc gia trong khu vực, không chỉ gây tổn hại cho ngư dân mà còn cho cả thế hệ hiện nay và thế hệ tương lai của các nước".


Cũng như đơn kiện trước của Chính phủ Philippines dưới trào tổng thống Benigno Aquino III, đơn kiện lần này đính kèm đầy đủ lời khai của ngư dân Philippines, bị mất phương tiện sinh sống do các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, làm bằng chứng.


Ở đây phải nói thêm rằng Philippines ít nhiều vẫn là một nước pháp trị, nơi dân chúng và cả giới lãnh đạo đã quen "làm việc với pháp luật" - một di sản của đế quốc thực dân chưa từng ngắt quãng, cả về đào tạo, học thuật và vận dụng, đủ cả tài lực lẫn nhân lực để không chỉ nộp đơn kiện ra tòa quốc tế các loại, mà còn ra tranh tụng sòng phẳng.


Tin tức về đơn kiện loan đi hôm 21-3, đến 1-4 đã có trên 33.000 người ký tên ủng hộ tuyên bố được lập ra trên trang Change.org 10 ngày trước, trong đó viết: "Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ Ngoại trưởng del Rosario và Chánh thanh tra Morales trong các bước đi cần thiết nào để thúc đẩy vụ này và kêu gọi mọi người dân Philippines, những người quan tâm tới việc mất quyền kiểm soát lãnh thổ thuộc chủ quyền của Philippines, tới nguồn sống của hàng ngàn ngư dân, tới an ninh thực phẩm, sự tàn phá nghiêm trọng môi trường biển, cũng như tới sự mất kiểm soát với tuyến giao thông đường thủy chiến lược, hãy đứng lên và bày tỏ thái độ trước khi quá muộn...".


Ý dân


Để đánh giá chính sách "xích lại gần" Trung Quốc của ông Duterte, được thể hiện cụ thể qua chuyến thăm Philippines của ông Tập Cận Bình tháng 11-2018 cùng một gói 29 văn kiện hợp tác được ký kết, "Trạm thời tiết xã hội" (SWS), một viện nghiên cứu xã hội học Philippines, đã mở một cuộc thăm dò dư luận vào tháng 12-2018.


Trong bảng câu hỏi có câu: "Hãy cho ý kiến về nhận định: Hầu hết những gì Chính phủ Trung Quốc muốn xảy ra ở Philippines là tốt cho người dân Philippines". Kết quả khá rõ ràng: 44% không nhất trí, so với 27% nhất trí và 29% không có ý kiến dứt khoát.


Kết quả khảo sát này, mới được SWS công bố hôm 5-4, đã bị Phủ tổng thống Philippines đả kích ngay: "Những kẻ chỉ trích và gièm pha tổng thống kịch liệt đã trở nên tuyệt vọng trong việc sử dụng lá bài chống Trung Quốc của họ để chống chính quyền Duterte".


Theo Phủ tổng thống, "44% đâu có phải là đại diện cho đa số. Mặc dù chúng tôi ghi nhận 27% ý kiến trả lời tin rằng hầu hết những gì Chính phủ Trung Quốc muốn xảy ra ở Philippines là tốt cho người Philippines, chúng tôi cũng hiểu rằng có một tỉ lệ cao hơn, 29%, vẫn còn ngần ngừ về việc này...


Sẽ có sự thay đổi trong trái tim và tâm trí của những người còn chưa dứt khoát này, và ở cả những người không nhất trí - những người mà chúng tôi tin rằng đã quá quen với việc Hoa Kỳ là đồng minh lâu đời của chúng ta - một khi mối quan hệ được tăng cường của chúng ta với Trung Quốc bắt đầu mang lại kết quả kinh tế tích cực".


Phủ tổng thống giải thích thêm: "Người dân Philippines cũng nên được thông tin rõ hơn về sự cần thiết phải mở rộng quan hệ của chúng ta ra bên ngoài các nước đồng minh truyền thống, tỉ như Hoa Kỳ và Nhật Bản.


Người dân Philippines cần hiểu sâu hơn về lý do tổng thống chọn tin tưởng vào sự chân thành của Trung Quốc. Với tư duy như vậy, họ sẽ nhận ra rằng tất cả các chính sách này của chính phủ không phải để phục vụ bất kỳ nước nào khác, mà vì lợi ích duy nhất của người dân Philippines".


Để có thêm bối cảnh, cần biết rằng SWS đã thực hiện những khảo sát tương tự thường xuyên, định kỳ hằng quý, với câu hỏi tương tự cho các đối tượng khác nữa, bao gồm Mỹ, Nhật Bản..., chứ không phải nhắm riêng vào một mình Trung Quốc để cố tình chọc tức ông Duterte.


Ông Duterte NGHĨ LẠI?


Trong bối cảnh đó, ông Duterte nay có đổi ý đòi ban lệnh "cảm tử" cũng không khó hiểu. Sự đời vốn như bức tranh vân cẩu, nhất là với giới chính trị gia sắp đến ngày bầu cử. Tuy nhiên, còn một chi tiết nữa có thể góp phần giải thích cho những giả đoán về động cơ của ông Duterte.


Được biết đơn kiện của ông Rosario và bà Morales đã được gửi đến ICC hôm 15-3, tức ngay trước khi Manila chính thức rút khỏi ICC vào ngày 17-3-2019.


Ông Duterte quyết định rút Philippines khỏi hiệp ước thành lập ICC sau khi tòa án này, vào tháng 2-2018, đã tiến hành "xem xét sơ bộ" những cáo buộc Tổng thống Duterte về tội ác chống nhân loại, liên quan tới những người bị hành quyết không qua xét xử ở Philippines trong chiến dịch bài trừ ma túy của ông.


Các nhà hoạt động nhân quyền nói hơn 4.000 người đã bị giết mà chưa qua quy trình tố tụng, tính đến lúc ông Duterte tuyên bố ra khỏi ICC vào tháng 3-2018. Theo quy định của ICC, 12 tháng sau ngày tuyên bố rút khỏi hiệp ước, chính quyền Philippines mới chính thức chấm dứt tư cách thành viên.


Thành ra, chuyện ông Duterte "đổi giọng" với Trung Quốc có thể là một đòn đánh lạc hướng: vừa để né tránh nêu ý kiến về vụ ICC, vừa để không bị trách cứ là quá thân Bắc Kinh vào lúc đảo Pag-asa sắp rơi vào tay "bạn bè" của ông.


Vào lúc "dầu sôi lửa bỏng" thế này, tối thiểu ông cũng phải hòa giọng với đa số dư luận nào đó, cho dù trong bụng thế nào chỉ mình ông biết. Sự "đổi giọng" này càng đúng lúc khi quân đội Philippines đang tưởng nhớ các chiến sĩ bỏ mình hồi Thế chiến II trong lễ chiến sĩ trận vong của họ (lễ Araw ng Kagitingan, khoảng trung tuần tháng 4 hằng năm).


Cuộc tập trận thường niên Mỹ - Philippines Balikatan (Vai kề vai) năm nay đã diễn ra từ ngày 1 tới 12-4 với sự tham gia của khoảng 4.000 lính Philippines và 3.500 lính Mỹ. Anh, Úc, Canada, New Zealand, Nhật Bản, Thái Lan và Việt Nam năm nay đóng vai trò quan sát viên.


Tháng 3 vừa rồi, hai bộ trưởng ngoại giao Việt Nam và Philippines gặp nhau tại Manila. Một tuần sau nữa, bộ trưởng quốc phòng hai nước gặp nhau tại Hà Nội. Từ 8-4, hai tàu khu trục Đô đốc Tributs và Vinogradov và một tàu chở dầu, đều của Nga, đã cập cảng Manila trong "chuyến thăm thiện chí". Các tàu chiến Nga sẽ diễn tập tuần tra và liên lạc với các lực lượng phản ứng nhanh của Philippines.


Từ đầu năm nay, một đội các tàu bán quân sự Trung Quốc đã 657 lần xuất hiện ở đảo Pag-asa (Thị Tứ), theo thống kê từ phía Philippines. Những diễn biến đó ngày càng giống một cuộc bao vây toàn diện và có chủ đích.


Đây chính là chiến lược "vùng xám" cổ điển của Trung Quốc thông qua việc triển khai các tàu có vẻ ngoài là tàu cá, thay vì sử dụng tàu chiến. "Theo nhiều cách, các diễn biến đang ngày càng giống một phiên bản khác cuộc khủng hoảng bãi cạn Scarborough của riêng ông Duterte, ngoại trừ việc nó diễn ra ở quy mô tồi tệ hơn nhiều" - The Inquirer ngày 9-4 bình luận, ý chỉ cuộc đối đầu Trung Quốc - Philippines với phần áp đảo hoàn toàn thuộc về Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough nổ ra đúng 7 năm về trước, từ ngày 8-4-2012.  DU LONG
06 Tháng Tám 2017(Xem: 8244)