Khẩu nghiệp

26 Tháng Ba 201911:43 CH(Xem: 9402)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN Ý KIẾN / THẢO LUẬN - THỨ TƯ 27 MAR 2019


Khẩu nghiệp


26/03/2019


Mặc Lâm

image011

Nguyên thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn. (Hình trích từ trang YouTube Nguyen Tuan Anh)


Sau khi gỡ bỏ nhiều bài viết trong chuyên mục “thỉnh oan gia trái chủ”, website chùa Ba Vàng không vào được vì “đang trong quá trình nâng cấp”, tuy nhiên cũng trong cùng một ngày, một video clip trên trang Youtube xuất hiện một người đăng đàn bênh vực cho Chùa Ba Vàng. (https://youtu.be/sZ5ZzJ_K-bE)


Nếu là một Phật tử hay một tu sĩ thì đây là một việc hay, đáng suy gẫm nhưng người lên tiếng là một nguyên lãnh đạo cao cấp của hệ thống quyền lực Việt Nam: Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, từng nổi tiếng khi Việt kiều chống lại chuyến thăm của Chủ tịch Trương Tấn Sang tới Mỹ ông Sơn đã tuyên bố “họ đi biểu tình vì vẫn còn hận thù và muốn có tiền thù lao”.


Hiếm khi có một cán bộ cấp cao như ông Sơn đăng đàn bênh vực cho một scandal như Chùa Ba Vàng mà các bài báo, hình ảnh, video clip cùng nhiều nhân chứng đã chống lại ngôi chùa này một cách quyết liệt, chưa từng xảy ra tại Việt Nam.


Mở đầu bài nói chuyện, ông Nguyễn Thanh Sơn đi thẳng vào vấn đề, ông cho rằng báo Lao Động khi đăng tải loạt bài Chùa Ba Vàng là “vội vàng khi vụ việc chưa chín muồi”. Tuy nhiên ông Sơn không cho biết khi nào thì vụ này mới được gọi là chín muồi trong khi phóng viên tờ báo đã âm thầm làm việc trong hơn hai tháng, những ghi nhận tại chỗ có hình ảnh, âm thanh, phỏng vấn… tất cả những việc làm này đối với giới báo chí là theo đúng những đòi hỏi của ngành. Nhóm phóng viên đã cẩn thận trong từng chi tiết, người đọc không tìm ra bất cứ một chứng cớ ngụy tạo nào để câu view hay đánh phá cá nhân của vị sư trụ trì là Đại đức Thích Trúc Thái Minh, vì vậy phê bình tờ báo “vội vàng khi vụ việc chưa chín muồi” mà không đưa ra luận chứng cho thấy thái độ thiên lệch của ông cựu đại sứ đối với Chùa Ba Vàng.


Ông Nguyễn Thanh Sơn khẳng định rằng “Chùa Ba vàng rất hiệu quả trong việc hội tụ được hàng ngàn người trong đó có những trí thức, kỹ sư, bác sĩ nếu mà nói thầy (Thích Trúc Thái Minh) lừa là vô lý”.


Tín hữu của chùa Ba Vàng lên tới vài ngàn người là có thật, giống như mọi ngôi chùa hoành tráng khác tại Miền Bắc như Bái Đính, hay Phúc Khánh, Yên Tử… lúc nào số thiện nam tín nữ cũng đến tham quan, cầu nguyện hay cúng bái rất đông. Tuy nhiên lấy số đông phật tử hành hương, tham quan để nói rằng họ ủng hộ việc làm của sư sãi trong chùa Ba Vàng là ngụy biện.


Ba Vàng đang bị dư luận cả nước lên án vì đã “treo đầu dê bán thịt chó”. Nhân danh cửa Phật để kinh doanh lòng tin của tín hữu khi công khai thuyết giảng và tổ chức lễ "oan gia trái chủ", thỉnh vong về, giải oán hận từ kiếp trước với con người. Mà mỗi lần xin thỉnh vong giải oán người xin phải trả một số tiến lớn.


Trong cái đám đông mà ông Sơn nêu lên ấy có một bác sĩ từng làm chứng cho việc chữa bệnh của trụ trì chùa Ba Vàng về thuyết "oan gia trái chủ". Đó là bác sĩ Nguyễn Hồng Phong, làm việc tại Khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai. Mới đây Bác sĩ Phong đã nhận lỗi và nói: "Tôi chân thành xin lỗi người dân, Ban Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, thầy dạy, đồng nghiệp trong ngành y vì phát ngôn của tôi đã gây hiểu nhầm, làm ảnh hưởng đến uy tín toàn ngành".


Ông Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh tới việc có nhiều nhà tu lên tiếng chống lại việc làm sai trái của trụ trì chùa Ba Vàng và ông cho rằng “Thời kỳ mạt pháp là thời kỳ mà tăng nói xấu tăng”. Ông Sơn cũng đưa ra hình ảnh của Đại hội Vesak, kỷ niệm Phật đản sinh, Phật thành đạo và Phật Niết bàn, hàng năm đã làm hãnh diện cho Phật giáo Việt Nam không nên vì một việc nhỏ như vụ Ba Vàng mà làm mất cảm tình của Phật giáo quốc tế.


Trong lời nói của ông Sơn, người ta thấy có thể ông muốn ám chỉ tới một cao tăng là Thượng tọa Thích Nhật Từ vì vị này là người lên tiếng sớm nhất, mạnh mẽ, thuyết phục và đầy đủ biện luận nhằm tố giác trụ trì chùa Ba Vàng trên các kênh thông tin đại chúng.


Nếu cho rằng tăng nói xấu tăng là mạt pháp thì có lẽ ông Sơn đã lệch lạc khi áp dụng kiến thức Phật học, mà ông tự cho là sơ đẳng của mình, vào câu chuyện này. Là một lãnh đạo cấp trung ương, tự nhận là một Phật tử thuần thành nếu ông không biết các hoạt động của Thượng tọa Thích Nhật Từ đối với Phật giáo Việt Nam thì thật đáng tiếc cho ông, một nhà ngoại giao tầm cỡ của Việt Nam đối với văn hóa nước nhà.


Thượng tọa Thích Nhật Từ là Trưởng khoa Triết học Phật giáo, Phó viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh. Thành viên Ban biên tập Đại Tạng kinh Việt Nam, Giám đốc hội Đạo Phật Ngày Nay. Bằng ấy chức vụ, Thượng tọa không thể hồ đồ khi cho rằng thuyết “Oan gia trái chủ” là tà thuyết, và vì vậy, ngược lại với cáo buộc của ông Sơn, thái độ can đảm vạch trần âm mưu xảo quyệt của những người đội lốt tu hành là thái độ hoằng pháp cần biểu dương trong tình hình Phật giáo sa sút hiện nay.


Ông Sơn kêu gọi “ém” những điều không tốt đẹp vì sắp tới là đại hội Vesak được tổ chức tại Việt Nam. Ông quên mất chính Thượng tọa Thích Nhật Từ là linh hồn của Vesak khi mang về Việt Nam. Thượng tọa từng nhận danh hiệu "Lãnh đạo xuất sắc Phật giáo thế giới", The World Buddhist Outstanding Leader Award, do chủ tịch Hội đồng Tăng vương Thái Lan trao tặng do những đóng góp to lớn cho sự bang giao Phật giáo quốc tế qua các Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc từ năm 2006, 2008, 2014 đến nay.


Trong tư cách đó, nếu im lặng trước những cái xấu, cái mạt pháp của Phật giáo Việt Nam như ông Sơn đề nghị thì không xứng đáng là một chân tu. Nhà tu không thể như người Cộng sản, che giấu mọi lỗi lầm để dư luận vỗ tay rồi sau đó lỗi lầm tiếp tục phát sinh, tiếp tục cộng hưởng.


Ông cựu đại sứ còn nói “Chính phủ đã quan tâm tới các tôn giáo và Chùa Ba Vàng rất lớn rất tráng lệ có công của người trụ trì vì vậy chúng ta không thể đánh mất cái uy tín của Chùa Ba Vàng nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung. Công lao của những người xây dựng lên nó chúng ta không vội quy chụp vì nó có chuyện này chuyện khác..”


Bản thân một ngôi chủa nổi tiếng hay không hình thành từ nhiều yếu tố. Yếu tố lịch sử, kiến trúc cộng với danh tiếng của người trụ trì làm cho sự nổi tiếng của nó trường tồn. Nổi tiếng vì to lớn, hoành tráng sẽ không thể tồn tại khi mà người trụ trì trong đó thiếu sự thành tâm nhưng dư lòng dối trá.


Những việc làm trái giáo lý nhà Phật lẫn pháp luật mà Đại đức Thích Trúc Thái Minh đã làm khiến người ta lên án và nhiều cơ quan nhà nước đã vào cuộc điều tra, trong đó UBND tỉnh Quảng Ninh, Bộ Văn hóa, Ủy ban Tôn giáo chính phủ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam… là câu trả lời hay nhất mà ông Sơn cố tình bỏ qua. Ông chỉ thấy cái “tráng lệ” và kêu gọi người phật tử hãy ôm cái tráng lệ ấy để hãnh diện với thế giới, còn lòng thiện tâm trước cái xấu cái ác thì hãy im lặng vì… “đại cuộc”.

image012

Mặc Lâm


Nhà báo Mặc Lâm, nguyên Editor ban Việt Ngữ đài Á Châu Tự Do. Ông được nhiều người biết qua các phóng sự như Trại giam Cổng trời, Vụ án xét lại chống Đảng… Bên cạnh những bài phóng sự chính trị, xã hội, văn hóa nhà báo Mặc Lâm còn thực hiện nhiều chương trình phỏng vấn các nhân vật lãnh đạo cao cấp, các khuôn mặt bất đồng chính kiến trong và ngoài nước được người nghe, đọc tán thưởng. Ông cũng phụ trách chuyên mục Văn Hóa Nghệ Thuật cho RFA trong hơn 10 năm. Về hưu năm 2017 sau khi tác phẩm Bàng Bạc Gấm Hoa của ông ra đời tại Hoa Kỳ. Hiện cộng tác cho VOA, RFA, Người Việt, và BBC trong nhiều mục khác nhau.

15 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 6065)