Chi hơn 200 tỉ bảo tồn trang phục truyền thống, hiệu quả quá mơ hồ!

05 Tháng Ba 20196:50 CH(Xem: 8668)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN Ý KIẾN - THỨ TƯ 06 MAR 2019


Chi hơn 200 tỉ bảo tồn trang phục truyền thống, hiệu quả quá mơ hồ!


05/03/2019


TTO - Gần 223 tỉ đồng vừa được bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký chi cho đề án Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam.


image006

Đồng bào dân tộc Mông trong trang phục truyền thống chơi ném PaPao nhân dịp tết ở xã Sìn Hồ, huyện Mường Chà, Điện Biên - Ảnh: T.T.D.


Nhưng trước xu thế biến mất nhanh chóng của trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số hiện nay, nhiều người đặt câu hỏi liệu hàng trăm tỉ đồng kia có cần thiết?


Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành quyết định về việc phê duyệt đề án Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, với tổng kinh phí thực hiện đề án là 222,9 tỉ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 51,2 tỉ đồng và ngân sách đối ứng từ địa phương là 171,7 tỉ đồng.


Không ai phủ nhận trang phục truyền thống của các dân tộc đã góp phần làm phong phú hơn bức tranh văn hóa đa sắc của Việt Nam và nỗ lực giữ gìn sự đa dạng văn hóa của ngành văn hóa là rất tốt đẹp. Nhưng liệu trang phục truyền thống có dễ "sống lại"?


image007

Đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên mặc trang phục truyền thống biểu diễn nghệ thuật ở Làng Văn hóa- du lịch các dân tộc VN năm 2018 - Ảnh: T.ĐIỂU


Người dân tộc nhiều nơi không còn mặc trang phục truyền thống


Theo Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, việc không sử dụng trang phục truyền thống của dân tộc đã trở thành hiện tượng phổ biến ở một số dân tộc. 


Ở nhiều nơi, đồng bào dân tộc chỉ mặc trang phục truyền thống trong các ngày lễ, tết, khiến trang phục này gần như trở thành một thứ lễ phục không còn thân thuộc với đời sống sinh hoạt của người dân. 


Thậm chí trang phục truyền thống hoàn toàn biến mất ở nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số. Hiện nhiều thanh niên dân tộc thiểu số còn ngại khi mặc trang phục của mình trước đám đông.


Sầm Thị Dung ở huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn cho biết trong 31 năm tuổi đời của mình, cô chưa bao giờ mặc trang phục truyền thống của dân tộc Nùng, cũng chưa từng nhìn thấy cha mẹ mình mặc trang phục truyền thống và ngay cả người bà gần 90 tuổi của cô cũng vậy. 


Trong ký ức của cô, chỉ chập chờn hình ảnh chiếc váy truyền thống "đen đen, xấu xấu, vướng víu" trong một đôi lần dự lễ hội. Nay thì ngay trong cả các lễ hội truyền thống Dung cũng không còn thấy ai mặc trang phục truyền thống nữa.


Theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, văn hóa truyền thống suy thoái từ từ trong các bản làng của người dân tộc thiểu số. Từ nhiều năm nay, phần lớn người dân không còn sản xuất đồ thủ công, không tự may thêu váy áo nữa, mà mua từ dưới xuôi lên hoặc mua hàng Trung Quốc. 


Một số làng vẫn còn giữ vài khung dệt vải mộc và thổ cẩm nhưng chỉ có tính chất trưng bày tượng trưng. 


Ông cho rằng xu hướng biến mất của trang phục truyền thống được sản xuất thủ công của người dân tộc thiểu số là khó thể tránh khỏi khi người dân quan niệm mặc gì cũng được, trong khi trang phục truyền thống vốn rất tốn công, tốn của để làm ra, lại vướng víu, không phù hợp với đời sống sinh hoạt hiện đại.


image008

Trang phục truyền thống của nhiều dân tộc hầu như chỉ còn xuất hiện trong các dịp lễ, tết - Ảnh: T.ĐIỂU


Phát triển công nghệ sản xuất trang phục truyền thống?


Lạc quan hơn nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam - hoan nghênh tinh thần cố gắng giữ gìn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số của đề án này. 


Ông cũng ủng hộ mục tiêu đưa trang phục truyền thống thành đồng phục trong các trường dân tộc nội trú, cho đây là một giải pháp tốt để nuôi dưỡng tình yêu và sự gắn kết với trang phục truyền thống cho người dân tộc thiểu số ngay từ nhỏ.


Tuy nhiên, ông cũng cho rằng một việc cần thiết để bảo tồn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số là phải phát triển công nghệ để có thể sản xuất trang phục truyền thống dễ dàng, nhiều và rẻ hơn thì đề án lại bỏ qua. Ông Huy cho biết việc này Trung Quốc làm rất tốt và hiện họ đã chiếm lĩnh luôn cả thị trường trang phục truyền thống các dân tộc ở Việt Nam.


image009

Đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên mặc trang phục truyền thống biểu diễn nghệ thuật ở Làng Văn hóa- du lịch các dân tộc VN năm 2018 - Ảnh: T.ĐIỂU


Trong khi đó, có ý kiến cho rằng đề án nên chỉ tập trung vào một mục tiêu là kiểm kê và lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số để đưa vào bảo tàng. 


Về gợi ý này, bà Nguyễn Thị Hải Nhung - vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), đơn vị thực hiện đề án - cho biết đề án hướng tới mục tiêu tham vọng hơn: "Chúng tôi muốn trang phục truyền thống phải được bảo tồn và giữ gìn trong chính cộng đồng, trong chính chủ thể văn hóa". 


Bà Nhung cũng thừa nhận mục tiêu này là khó khăn, rất cần thời gian nhưng hi vọng sẽ giúp xây dựng được một số mô hình bảo tồn tốt để từ đó nhân rộng ra các dân tộc thiểu số khác.


Trước những hoài nghi về hiệu quả của đề án, bà Nhung khẳng định đề án là rất cần thiết để bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số. 


Bà tin rằng đề án sẽ giúp cán bộ các cấp và đồng bào thấy được cái đẹp của trang phục truyền thống dân tộc mình, từ đó có ý thức hơn trong việc bảo tồn trang phục truyền thống của mình trong đời sống.


image010

Những khung dệt truyền thống của nhiều dân tộc thiểu số hầu như chỉ còn được trưng bày như một biểu tượng. Trong ảnh là người dân tộc thiểu số trình diễn nghề dệt vải tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc VN - T.ĐIỂU


30.000 đồng một bộ váy Mông


Hiện nay, trên thị trường có nhiều trang phục dân tộc bán sẵn, tuy không phải trang phục gốc nhưng lại được chính người dân tộc thiểu số lựa chọn bởi chất liệu nhẹ, tiện dụng, dễ giặt và phơi khô, giá thành rẻ (chỉ khoảng 30.000 đồng/bộ váy Mông may sẵn).


Để đầu tư cho một bộ trang phục La Hủ là khoảng 5 triệu đồng, vải phải tự dệt rồi nhuộm chàm, hoa văn được thêu tay rồi may lại, thời gian thực hiện hơn 3 tháng.


Trang phục của người Mông dành cho nam giới được đan bằng tay với nhiều hoa văn tinh tế, tốn 500.000-700.000 đồng, trang phục nữ còn cầu kỳ và tốn kém hơn.


Học sinh trường dân tộc nội trú sẽ mặc trang phục truyền thống


Đề án thực hiện từ năm 2019-2030, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2021: hoàn thành 100% việc kiểm kê và lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số...


Đến năm 2022, đề án phấn đấu: 100% học sinh trường dân tộc nội trú các tỉnh, TP mặc trang phục truyền thống 2 buổi/tuần và các dịp lễ, tết, hội.


Giai đoạn 2026-2030 sẽ bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của 3 dân tộc đã mai một; tổ chức 2 cuộc liên hoan trình diễn trang phục các dân tộc thiểu số; tổ chức lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam gắn với Ngày đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, Ngày di sản Việt Nam.... THIÊN ĐIỂU