Hy vọng của người Di Dân

17 Tháng Giêng 201910:13 CH(Xem: 7559)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN Ý KIẾN / THẢO LUẬN - THỨ SÁU 11 JAN 2019


Hy vọng của người Di Dân


image011

Hình ảnh người di dân. Ảnh minh họa


Trên bình diện quốc gia, nhiều người vẫn đánh giá tiểu bang Texas thuộc về mầu đỏ đậm, tức là thành trì của phe bảo thủ và đảng Cộng Hoà, một trong những tiểu bang lớn và đông dân trong hơn bốn thập niên qua luôn bỏ phiếu đa số ủng hộ cho các ứng cử viên tổng thống bên đảng Cộng Hoà. (Lần sau cùng một ứng viên đảng Dân Chủ thắng phiếu đa số tại Texas là ông Jimmy Carter trong kỳ bầu cử năm 1976, với đa số chỉ hơn khít khao so với ứng viên yếu kém lúc đó là Gerald Ford.)


Vì lẽ đó nên tất cả các ứng viên phe Dân Chủ gần như khoán trắng tiểu bang Texas cho đối phương và không thèm bỏ tiền hoặc phí công đi vận động tại vùng này trong những kỳ tranh cử tổng thống, tương tự như các ứng viên tổng thống phe Cộng Hoà cũng chẳng dại gì tốn kém tiền bạc, công sức và thì giờ đi vận động tại hai tiểu bang lớn và đông dân khác là California và New York, hai nơi này từ nhiều thập niên qua cũng đã trở nên thành trì của phe cấp tiến và đảng Dân Chủ.


Cuộc bầu cử năm 2020 còn gần 2 năm nữa mới diễn ra, nhưng có lẽ nhiều chuyên gia giờ đây hết còn muốn tuyên bố chắc nịch rằng Texas vẫn còn nằm trong số những tiểu bang đỏ đậm, cũng gần tương tự như tiểu bang bảo thủ Georgia, xuyên qua kết quả cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào đầu tháng 11 vừa rồi.


Tại Georgia, một ứng viên, vừa là phụ nữ lại là người da đen, đại diện cho phe Dân Chủ là Stacey Abrams suýt đánh bại đối thủ là ông Brian Kemp dù rằng ông này được TT Trump ủng hộ mạnh mẽ, do bởi làn sóng xanh (blue wave) được tiên đoán từ trước đã thổi bay nhiều vị dân cử đương quyền của phe Cộng Hoà, đặc biệt là tại những vùng đô thị đông dân như thành phố Atlanta.


Còn tại Texas, làn sóng xanh cũng mạnh không kém và khiến cho đương kim nghị sĩ liên bang Ted Cruz và nhiều giới chức bảo thủ kỳ cựu cũng phải hồi hộp lo sợ một kết quả bất ngờ chấn động, dù rằng cuối cùng họ cũng thở phào nhẹ nhõm và chính ông Cruz cũng phải khen ngợi đối thủ trong đêm đếm phiếu thắng cử.


Mới thoạt nhìn qua, nhiều người không am tường thời sự có thể cho rằng ứng viên Beto O’Rourke của phe Dân Chủ đã thất bại dù đã quyên góp được sự ủng hộ tài chính đến hơn 80 triệu Mỹ-kim, lớn nhất từ trước tới nay trong một cuộc bầu cử tại Texas và hơn gấp đôi số tiền quyên góp được từ phía ông Cruz.


Nhưng những cuộc nghiên cứu các dữ liệu và kết quả chi tiết tại nhiều địa phương khác nhau ở Texas đã xác định tiềm năng lớn mạnh của làn sóng xanh này, bởi vì hơn ai hết, ông Beto trước đó một năm còn là một tên tuổi xa lạ với đa số cư dân Texas (vì ông chỉ là dân biểu liên bang cho một đơn vị tại El Paso). Trong khi đó, ông Cruz là đương kim nghị sĩ, có nhiều ưu thế và tiếng tăm hơn, với thành tích bảo thủ cực hữu và chỉ nổi tiếng sau TT Trump trong kỳ bầu cử năm 2016.


Ấy vậy mà ông Beto đã quyên góp được số tiền ủng hộ khổng lồ kể trên từ đa số người dân chứ không phải từ những tổ chức vận động chính trị (PAC) hoặc những nhà tài phiệt lớn như hầu hết các ứng cử viên khác. Nói chung, những người dân tầm thường chịu bỏ tiền ra để yểm trợ cho một ứng cử viên nào thì sẽ là những người tích cực đi bầu để ủng hộ thêm qua lá phiếu; và chính điều này là dấu hiệu báo trước cuộc bầu cử lần đó rất gay cấn. Cũng nên nói thêm là trước đó một năm, vì nghĩ rằng ông Cruz sẽ tái đắc cử dễ dàng nên không có một nhân vật nổi tiếng nào bên phe Dân Chủ dám nhảy ra tranh cử với hy vọng thực sự có thể làm nên chuyện.


Và kết quả sau cùng đã xác minh điều này khi ông Cruz chỉ thắng đối phương với tỉ lệ khoảng 2.7% (trong khi đa số các cuộc thăm dò hơn một năm trước đều nghĩ rằng ông Cruz sẽ đè bẹp bất cứ đối thủ nào của phe Dân Chủ với ít nhất trên 15% số cử tri!) Trong số khoảng hơn 8 triệu cử tri đã bỏ phiếu tại Texas, ông Cruz cũng chỉ hơn đối thủ Beto có khoảng 215,000 phiếu. (Ngay cả tại thành phố Houston và Harris County được coi như là “quê nhà” của ông Cruz, ông cũng thua đối thủ Beto đến hơn 200,000 phiếu!) Trong bốn kỳ bầu cử nghị sĩ liên bang tại Texas trước đó, tất cả các ứng viên phe Cộng Hoà đều đè bẹp các đối thủ phe Dân Chủ với ít nhất là trên 1 triệu lá phiếu.


LÀN SÓNG XANH DỌC XƯƠNG SỐNG MẦU ĐỎ


Nhưng điều đáng chú ý hơn nữa, theo như nhà báo Jeremy Wallace trong một bài phân tích trên tờ nhật báo Houston Chronicle cho thấy, cuộc tranh cử của ông Beto đã để lộ ra cái xương sống màu xanh (blue spine) ngay giữa lòng cái thân màu đỏ của Texas: đó là một vùng các đô thị lớn nhỏ thuộc 21 tỉnh hạt đông dân nằm dọc hai bên của Xa lộ I-35 xuyên qua tiểu bang, chạy từ thành phố Laredo ở miền nam lên thẳng đến miền bắc tiếp giáp với tiểu bang Oklahoma.


Dọc theo cái xương sống này, người ta thấy có rất nhiều những thành phố lớn và đông dân khác như Austin, San Antonio, Arlington, Fort Worth và Dallas. Đây cũng là nơi mà số cư dân từ nhiều nơi đổ về lập nghiệp gia tăng mạnh mẽ nhất trong những năm gần đây, và số lớn lần này lại bỏ phiếu cho phe Dân Chủ. Trong khi đó, hai vùng rộng lớn là Tây Texas và Đông Texas, vốn là thành trì lâu năm của phe bảo thủ, lại mỗi ngày bớt đi dân số. Đây là một dấu hiệu báo động không tốt cho viễn ảnh của đảng Cộng Hoà, theo như nhận định của ông Jay Aiyer là giáo sư về chính-trị-học tại Đại học TSU.


Để minh chứng điều này, người ta chỉ cần nhìn con số thay đổi về lá phiếu của cử tri trong thời gian qua. Trong kỳ bầu cử nghị sĩ liên bang trước đó vào năm 2014, người đương quyền là nghị sĩ John Cornyn phe Cộng Hoà đã thắng đối thủ của phe Dân Chủ ở các nơi nằm dọc theo Xa lộ I-35 khoảng 355,000 phiếu. Đến kỳ bầu cử năm 2016, bà Hillary chiến thắng vùng với khoảng 115,000 phiếu. Nhưng đến kỳ bầu cử năm 2018 vừa qua, ông Beto đã đè bẹp đương kim nghị sĩ Ted Cruz đến hơn 440,000 phiếu. Nói một cách khác, chỉ trong vòng có 4 năm qua, số lượng cử tri tại các đô thị nằm dọc theo Xa Lộ I-35 đã thay đổi lá phiếu lựa chọn lên đến hơn 800,000 người!


Một điều đáng nói khác là trong cuộc bầu cử vừa qua, số lượng cử tri giới trẻ và các thành phần thiểu số khác như phụ nữ và những người gốc di dân thuộc đủ thành phần đã hăng hái hơn bao giờ hết đến thùng phiếu để bầy tỏ sự chống đối của họ đối với những lời lẽ và chính sách của TT Trump mang nặng tinh thần kỳ thị sắc tộc và mị dân đối với khối dân da trắng được che đậy khéo léo dưới chiêu bài “Make America Great Again”, tạm dịch là “Giúp Cho Nước Mỹ Vĩ Đại Trở Lại”, nhưng phải được, hoặc nên được, hiểu ngầm rằng đó là “Nước Mỹ của Dân Da Trắng” chứ không phải là nước Mỹ hợp chủng kiểu “melting pot” đã hình thành từ hơn cả trăm năm qua.


PHỤ NỮ GỐC MỄ LÀM TÂN TỈNH TRƯỞNG HARRIS COUNTY


Cũng vì thế nên trong kỳ bầu cử vừa qua, con số các ứng viên gốc di dân, thiểu số da mầu và phụ nữ cũng tăng cao kỷ lục và cũng thắng cử nhờ vào số lượng cử tri đồng lòng ủng hộ cũng siêng năng đi bầu hơn. Và nhiều chuyên gia cho rằng viễn ảnh sắp tới cũng tiếp tục khả quan cho phe Dân Chủ và những khối cử tri không thuộc loại Mỹ trắng bảo thủ cực đoan.


Để chứng minh rằng kết quả thành công vừa qua tại tiểu bang Texas nói riêng cũng như trên toàn quốc nói chung không phải là một bất ngờ may mắn kiểu “chó ngáp phải ruồi” (a fluke) mà là một sự vận động mạnh mẽ, ông Oscar Silva, giám đốc của cơ quan Battleground Texas chuyên vận động ghi danh thẻ cử tri cho biết là cứ mỗi năm thì tại tiểu bang Texas sẽ có thêm khoảng 800,000 học sinh đến tuổi 18 và được quyền đi bầu. Và đa số giới cử tri trẻ này nghiêng nhiều hơn về phe Dân Chủ do bởi họ dễ có tinh thần bao dung hơn, cũng như ít có những định kiến lâu đời mang tính kỳ thị của giới cao niên thường khe khắt đối với những ai không đồng quan điểm với mình.


Một trong những thành quả to lớn bất ngờ của làn sóng xanh do Beto O’Rourke đem lại tại tiểu bang Texas được thể hiện rõ nét nhất là tại vùng Houston với hai tỉnh hạt Harris County và Fort Bend County đã quét sạch nhiều vị dân cử đương quyền lâu năm của phe Cộng Hoà để thay thế bằng những người mới của phe Dân Chủ, dù rằng đó là những ứng cử viên mà trước đó hầu như ít ai biết đến.


image013

Lina Hidalgo gốc Mễ, tân tỉnh trưởng Harris County


Chẳng hạn như tại tỉnh hạt Harris County nhân vật đứng đầu lâu năm trong cương vị Tỉnh trưởng (County Judge) là ông Ed Emmett đã bị thất cử trước đối thủ là cô Lina Hidalgo, 27 tuổi, trước đó vài tháng còn là một sinh viên bậc cao học, chưa bao giờ đảm nhiệm một chức vụ nào và cũng chỉ mới lần đầu nhập cuộc vào chính trường qua cuộc bầu cử lần này.


Ấy vậy mà giờ đây, cô Hidalgo cùng với 4 thành viên khác trong Hội đồng Tỉnh hạt (Commissioners Court) là những người có quyền hành lớn nhất, về cả hai mặt hành pháp và lập pháp, để điều khiển bộ máy chính quyền của một tỉnh hạt đông dân đứng hàng thứ ba trên nước Mỹ (hơn 4 triệu rưởi người), với khoảng 16,000 công chức và một ngân sách hàng năm lên đến hơn 5 tỷ Mỹ-kim. Ngoài ra, trong 4 năm sắp tới, cô Lina Hidalgo cũng là khuôn mặt quan trọng nhất đại diện cho chính quyền địa phương để giải quyết mọi vấn đề mỗi khi xảy ra những cơn biến động lớn như các vụ thiên tai, bão lụt nguy cấp to lớn.


Cũng nhờ làn sóng xanh cấp tiến của phe Dân Chủ do ứng viên Beto thổi vào mà một loạt hơn 50 vị thẩm phán các toà án dân sự và hình sự tại Harris County của phe Cộng Hoà đều đồng loạt rớt đài, trong đó có nhiều vị quan toà kỳ cựu, và được thay thế bằng tất cả những vị thẩm phán theo phe Dân Chủ. Nhờ vậy mà cộng đồng người Việt tại đây mới được “nở mặt nở mày” với hai nhân vật Jason Lương và Christine Weems lần đầu tiên nhận được số phiếu to lớn của khoảng 650,00 cử tri Mỹ (lớn nhất từ trước nay giành cho một ứng viên gốc Việt) để trở thành các vị tân thẩm phán do dân bầu (chứ không cần phải nhờ được bổ nhiệm bởi các thống đốc hay thị trưởng như nhiều quan toà khác).


image014

Tân thẩm phán Christine Weems gốc Việt nhận được khoảng 650,000 lá phiếu của cử tri Mỹ


[Cũng xin mở ngoặc ở đây để nói thêm về những thuật ngữ liên quan đến cơ cấu chính quyền đặc thù ở Hoa Kỳ mà nhiều nước khác không có, và do đó những cách dịch thuật đôi khi không được chính xác cho lắm. Chữ “county” thường được dịch là quận hạt, chẳng hạn như Orange County ở miền nam California, nơi có đông người Việt nhất tại hải ngoại, thường được quen gọi là Quận Cam.


Thật ra, nó phải được gọi là tỉnh hạt mới đúng. Bởi vì “county” chính là một đơn vị hành chánh của mỗi tiểu bang. Hãy tạm coi mỗi tiểu bang (state) như là một quốc gia nhỏ trong liên hiệp 50 quốc gia để cấu tạo thành liên bang Hoa Kỳ. Mỗi quốc gia đó được chia thành nhiều tỉnh (county) rồi đến thành phố (municipality) với những cuộc bầu cử ở 3 cấp khác nhau trong từng nơi.


Ở mỗi tỉnh hạt, cơ quan chính quyền là Commissioners Court, tạm gọi là Hội Đồng Tỉnh, hay Tòa hành chính tỉnh, chứ không có nghĩa là một toà án nào cả, gồm có 4 thành viên và người đứng đầu gọi là County Judge, tương đương gần như là một tỉnh trưởng, chứ cũng không có nghĩa là một quan toà nào của quận hạt như cách dịch khá ngô nghê của nhiều người trong giới truyền thông nhưng không hiểu rõ.


Bốn uỷ viên Hội đồng Tỉnh này cùng với ông tỉnh trưởng là những người do dân bầu lên, và có toàn quyền về cả hai mặt hành pháp và lập pháp để điều hành bộ máy chính quyền trong tỉnh hạt để giúp ổn định đời sống của cư dân trong vùng được tốt đẹp, an toàn và phát triển trong lâu dài xuyên qua nhiều khía cạnh như việc lưu giữ hồ sơ hộ tịch, giám định trị giá nhà cửa để thu thuế, tổ chức bầu cử, duy trì hoặc sửa sang đường xá và cầu cống, giữ gìn an ninh và bảo vệ công lý cho mọi người và tổ chức, điều hành các nhà tù và trại giam và có thể phát hành trái phiếu để có thêm ngân sách phát triển cho những nhu cầu đa dạng v.v.


Trong một chừng mực nào đó, đây là hệ thống chính quyền quan trọng nhất ảnh hưởng đến đời sống của người dân, dù rằng có nhiều người không biết rõ, thậm chí cũng không biết tên của tỉnh hạt mình cư ngụ là gì, vì đa số chỉ biết đến tên của thành phố và tiểu bang cư ngụ.


Tại một số ít tiểu bang khác, hệ thống “Commissioners Court” này được gọi bằng một tên gọi khác là “Board of Supervisors” như tại California nhưng cách điều hành và chức năng giống nhau. Vì thế nên nhiều người quen gọi đó là “Hội đồng Giám Sát” cũng là một sai lầm lớn vì không hiểu rõ. Còn tại tiểu bang Louisiana, chữ “commissioner” này còn được gọi là “parishioner”, vì một “county” được so sánh như là một “parish”, nhưng không thể dịch là một “giáo xứ”.]


Tại một tỉnh hạt kế cận là Fort Bend County, thường được biết đến với những thành phố như Richmond, Sugarland (vốn là ngoại ô ưa thích của dân trung lưu trở lên thường dọn ra ngoài Houston để mua nhà), làn sóng xanh cũng tràn đến để giúp cho hai người gốc thiểu số lần đầu tiên đắc cử vào các chức vụ cao cấp nhất của chính quyền địa phương.


Đó là ông K.P. George, di dân gốc Ấn Độ được đắc cử tỉnh trưởng của Fort Bend sau khi đã chiến thắng người đương quyền là ông Robert Hebert của phe Cộng Hoà đã nắm giữ chức vụ này trong suốt 16 năm dài vừa qua. Ngoài ra, cũng có ông Brian Middleton trở thành người da đen đầu tiên đắc cử chức vụ Biện Lý của Fort Bend County.


Chiến thắng to lớn của phe Dân Chủ tại Harris County khiến nhiều người ít để ý đến thành quả to lớn tương tự tại Fort Bend County, dù rằng trong một chừng mực nào đó, chiến thắng tại Fort Bend County bất ngờ và đáng nể hơn.


Lý do là vì Harris County bao gồm phần lớn là thành phố Houston, vốn có nhiều cư dân thuộc lớp trung lưu trở xuống và do đó có khuynh hướng ủng hộ phe Dân Chủ, một tình trạng rất phổ thông tại hầu hết các thành phố lớn tại Hoa Kỳ. Trong khi đó, đa số cư dân thuộc giới trung lưu trở lên, thường có thiện cảm hơn với đường lối của phe Cộng Hoà, lại luôn dọn nhà đến ở các khu ngoại ô khang trang và sạch sẽ hơn, cũng như để tránh xa những khu thị tứ có đông dân thuộc tầng lớp bình dân sống chen chúc trong thành phố.


Vì thế nên trong nhiều năm qua, vùng Sugarland nói riêng và Fort Bend County nói chung thường được xem như là thành trì của phe Cộng Hoà nằm sát bên cạnh thành phố Houston luôn bỏ phiếu theo phe Dân Chủ. Giờ đây, sự kiện một di dân gốc Ấn độ, chỉ mới nhập cư vào nước Mỹ từ năm 1993, nói tiếng Anh còn có giọng phát âm rất nặng khó nghe của người Ấn Độ, lại không phải là một chính trị gia hay vị dân cử nổi tiếng lâu năm, bỗng dưng lại được đa số cử tri bỏ phiếu ủng hộ để hất cẳng một vị đương quyền kỳ cựu, ắt hẳn phải là một biến cố đáng chú ý.


Nhưng thật ra điều này cũng không có gì khó hiểu khi người ta bắt đầu tìm hiểu thêm chi tiết để thấy rõ những chuyển biến trong dân số tại những nơi này. Trong một bài phân tích mới đây trên tờ Houston Chronicle, nhà báo Lisa Gray đã đưa ra những con số để cho thấy là Fort Bend đã trở thành một trong những tỉnh hạt đa dạng nhất tại Texas cũng như trên toàn quốc. Thật vậy, dân số tại đây được chia ra gồm có dân Mỹ trắng (35%), gốc Mễ (24%), gốc Á và các sắc dân khác (21%) và 20% còn lại là dân Mỹ đen.


TÂN TỈNH TRƯỞNG FORD BEND GỐC ẤN ĐỘ


Năm nay 53 tuổi, ông George từ lúc nhỏ đã phải sống trong một căn lều bằng lá ở ngôi làng Kakkodu thuộc miền nam Ấn Độ trong một gia đình đông con và nói thổ ngữ Malayalam. Đến lúc lên lớp 5 thì ông mới được bố mẹ mua cho đôi giầy để đi học. Khi lên 15 tuổi, gia đình dọn đến một thành phố lớn và nhờ vậy ông mới được theo học lên đến đại học để từ đó mới bắt đầu học tiếng Anh sau khi ra trường và có được công việc tại thành phố Mumbai.


Ông tiếp tục cố gắng làm việc trong nhiều năm tại vùng Trung Đông và đến năm 1993 thì bắt đầu nhập cư đến New York để làm việc cho một công ty quản trị tài chính. Tại đây ông làm quen được với cô Sheeba và hai người kết hôn và có được 3 đứa con được sinh ra tại Mỹ. Do duyên may đưa đẩy, ông tình cờ được mời tới làm việc tại một công ty ở Texas và quyết định dọn đến lập nghiệp tại Sugarland vào năm 1999.


Sau khi làm ăn tốt đẹp để có cuộc sống trung lưu và khá giả nhờ vào công việc một chuyên gia cố vấn tài chính (certified financial planner), chứ không phải là một bác sĩ, kỹ sư hay một chuyên viên về IT (kỹ thuật điện toán) như đa số những người Ấn độ thành công khác tại Hoa Kỳ, ông Georgia quyết định ra tranh cử lần đầu vào năm 2010 cho chức vụ thủ quỹ của tỉnh hạt. Lúc đó nhiều người đã hỏi ông rằng tại sao ông dám ra tranh cử, một người da nâu, nói tiếng Anh không giỏi, không nổi tiếng và cũng không có thế lực chính trị nào. Ông chỉ biết trả lời rằng tôi ra tranh cử là tại vì tôi có quyền ra ứng cử, tôi là công dân của Hoa Kỳ.


Nhưng năm 2010 là năm trỗi dậy của làn sóng Tea Party, đem lại thất bại cho phe Dân Chủ trong các chức vụ dân biểu liên bang cũng như ở cấp tiểu bang và địa phương. Trong đêm đếm phiếu bầu cử, đứa con gái út của ông đã khóc khi biết tin bố mình bị thất cử.


Tuy vậy, ông George vẫn không nản chí, ra ứng cử lần nữa vào năm 2014, trong chức vụ ủy viên Hội đồng Quản trị Khu học chính Fort Bend. Và ông bất ngờ thắng cử, có thể vì chức vụ này ít có người muốn ra tranh cử vì không được trả lương? Tuy nhiên, đến năm 2017 ông lại được tái đắc cử với 63.8% số phiếu ủng hộ. Ông tự nói với mình rằng giờ đây có lẽ cư dân tại Fort Bend bắt đầu quen biết với cái tên của ông.


Lúc đó ông mới nghĩ đến việc ra tranh cử chức vụ tỉnh trưởng Fort Bend. Ông bắt đầu tìm hiểu và nhận thấy rằng một số khá lớn cử tri gốc Á tại đây đã bỏ phiếu ủng hộ cho bà Hillary Clinton, tuy rằng họ chưa ủng hộ hết mình cho các ứng viên phe Dân Chủ vào các chức vụ nhỏ khác. Ông nghĩ rằng mình có cơ may giành được sự ủng hộ từ khối cử tri này.


Đối thủ của ông, Robert Hebert, đã nắm quyền tỉnh trưởng tại đây trong suốt 16 năm qua. Tuy nhiên, ông George lại chịu khó đi vận động tại những nơi mà cử tri ít khi nào thấy các ứng cử viên chịu ghé đến. Ông đã đến vận động tại nhiều nơi khác nhau như các ngôi đền Hồi giáo, các nhà thờ, các khu phát triển tại Sugarland cũng như ở thành phố Katy.


Tại những nơi này, ông đã có dịp giải thích nhiều lần về vai trò và nhiệm vụ của một vị tỉnh trưởng để cho nhiều người được hiểu, vì cũng có nhiều người còn tưởng rằng đó là một vị quan tòa. Ông nói đến nhu cầu của một toà hành chính tỉnh cần phải có những kế hoạch chu đáo hơn để đối phó với những tình trạng khẩn cấp như thiên tai bão lụt, đến nhu cầu cần phải có sự trong sáng trong hệ thống chính quyền để người dân có thể tin tưởng hơn.


Trong đêm đếm phiếu, chỉ có khoảng 250 người đến dự buổi tập họp và ăn mừng sau đó (phải chăng vì không ai nghĩ rằng ông có thể thắng cử?) Và cũng giống như kỳ bầu cử năm 2010, lần này đứa con gái út của ông cũng đã bật khóc khi thấy kết quả sau cùng. Nhưng kỳ này, cô bé nói với bố của mình rằng cô khóc vì một lý do khác, vui sướng chứ không còn sầu não như lần trước.


image015

Tân tỉnh trưởng Fort Bend K.P. George là di dân gốc Ấn Độ


Câu chuyện về chặng đường đã qua của ông K.P. George, di dân gốc Ấn Độ, cũng như của cô Lina Hidalgo, di dân gốc Mễ, sau cùng đã đạt được vinh quang trên chính trường Hoa Kỳ, dù chỉ mới ở cấp địa phương là hai tỉnh hạt Harris và Fort Bend, có lẽ cũng là những mẩu chuyện vui mừng cho đa số người Việt chúng ta, vốn cũng là gốc di dân và mong đạt được sự thành công tại vùng đất mới này.


Có điều hơi đáng buồn là một số lớn những người Việt tại Mỹ vẫn còn có thành kiến quá nặng nề và một thói quen không tốt khi nói đến cựu tổng thống Barack Obama bằng những ngôn từ miệt thị như “thằng mọi” hoặc “thằng lọ nồi” v.v. mà không ý thức rằng chính mình mới là kẻ thiếu hiểu biết và suy nghĩ, bởi vì chẳng lẽ cả mấy trăm triệu người dân Mỹ đã đồng ý chấp nhận ông Obama trong cương vị tổng thống Hoa Kỳ trong suốt 8 năm liền trong khi chỉ có một nhóm thiểu số như mình vẫn còn có đầu óc kỳ thị sai lầm và hoang tưởng, để từ đó cứ mở miệng ra là chê bai?


Nhưng có lẽ mọi người khó phủ nhận một niềm tin lạc quan rằng nếu không có những Barack Obama mở đường như vậy ở cấp quốc gia, rồi đến những Lina Hidalgo và K.P. George tiếp tục mở đường ở cấp địa phương như Harris County và Fort Bend County thì biết đến bao giờ mới có những con em gốc Việt mang các tên họ Nguyễn, Trần, Lê, Lý v.v. có thể ngoi lên để nắm giữ những chức vụ quan trọng trong chính trường và xã hội nước Mỹ nhờ vào kiến thức và tài năng của chính họ.


Đáng mừng và hy vọng là vậy!


MAI LOAN


Houston, TX ngày 8 tháng Giêng/2019


anhtuantaberd74@gmail.com