Thân phận người di dân

13 Tháng Giêng 201911:25 CH(Xem: 7215)

VĂN HÓA ONLINE - Ý KIẾN  - THỨ HAI 14 JAN 2019


Thân phận người di dân


image006


 Trái với luận điệu tuyên truyền của TT Trump đối với đa số các cơ quan truyền thông giòng chính mà ông thường chụp mũ rằng họ chỉ loan tin tức kiểu “fake news” vì có nội dung bất lợi cho đương kim tổng thống và chính quyền đương thời, (và lập luận này cũng thường được khối cử tri ủng hộ ông cuồng nhiệt lập đi lập lại), nhưng tất cả những diễn đàn truyền thông này vẫn tiếp tục làm công việc tường thuật một cách trung thực để giúp cho người dân có được cái nhìn đầy đủ và xác đáng để từ đó có thể nhìn ra những sự thật không lấy gì làm tốt đẹp như những lời TT Trump khoe khoang.


Một trong những việc làm tiêu biểu cho chức năng truyền thông trung thực của giới báo chí là cuộc phỏng vấn mới nhất mà tờ báo Los Angeles Times đã thực hiện với ông cựu đại tướng John Kelly, phụ tá cao cấp nhất của TT Trump nhưng sẽ rời khỏi chức vụ Bộ trưởng Phủ Tổng Thống (White House Chief of staff) vào ngày đầu năm 2019. Cuộc phỏng vấn được thực hiện trong vòng 2 tiếng đồng hồ và được tường thuật đầy đủ trong ấn bản độc quyền của tờ nhật báo này vào ngày Chủ Nhật cuối năm 2018.


[Chức vụ này thường được dịch là Chánh văn phòng Bạch Cung, hoặc Đổng Lý văn phòng Bạch Cung v.v. theo kiểu dịch từng chữ một. Vì thế nên nó không phản ảnh đúng nghĩa đích thực của nó. Người nắm giữ chức vụ này không chỉ đơn thuần là người sếp lớn đối với tất cả nhân viên đang làm việc trong Toà Bạch Ốc như từ ngữ “chief of staff” được hiểu theo cách thông thường.


Trong thực tế, tất cả những ai làm việc trong chính phủ của TT Trump, từ tổng trưởng trở xuống, đều được xem là “nhân sự” (staff) phục vụ dưới quyền của TT Trump.  Và người sếp lớn của tất cả các nhân sự đó chính là vị “chief of staff”. Tuy không phải là một nhân vật phải được chuẩn thuận bởi Thượng Viện như tất cả những nhân sự cao cấp khác như các vị tổng, bộ trưởng v.v. nhưng người này là người sếp cao nhất, chỉ đứng sau vị tổng thống mà thôi.


Có thể nói tất cả mọi hành động và quyết định ở cấp cao nhất trong chính quyền Hoa Kỳ đều phải được duyệt qua bởi nhân vật đầy uy quyền và quan trọng này. Trong cơ cấu hành chính dưới thời VNCH trước đây, từ ngữ tương đương về chức vụ này là Bộ trưởng Phủ Tổng Thống, vì đương sự cũng là một thành viên trong nội các.]


Trong cuộc phỏng vấn đặc biệt giành riêng cho tờ Los Angeles Times, người ta có thể đọc nhiều điều khá lý thú từ cửa miệng ông John Kelly thú nhận trước khi từ giã chính trường đầy sóng gió của hai năm qua kể từ khi TT Trump lên nắm quyền. Ông Kelly là một trong 3 vị tướng hồi hưu được TT Trump mời vào nội các, vì theo ông Trump, ông “rất ưa thích các ông tướng” (I love the generals!)


Hai nhân vật kia là Michael Flynn, cựu trung tướng và được trao giữ chức vụ Cố Vấn An Ninh Quốc Gia, nhưng ngồi nắm quyền chưa nóng đít (chỉ có 23 ngày) thì đã bị cách chức về tội nói dối chuyện đã bí mật trò chuyện với đại sứ Nga tại Hoa Kỳ. Người thứ ba là cựu đại tướng James Mattis, được cử làm Tổng Trưởng Quốc Phòng, nhưng cũng đã mới từ chức vì không đồng ý với quyết định rút quân Mỹ ra khỏi Syria, và lá thư từ chức của ông nêu lên sự khác biệt về đường lối với sếp lớn nên đã khiến TT Trump bực mình, bèn đổi sang thành cách chức khi đột ngột ra lệnh cho ông Mattis phải rời khỏi văn phòng ngay một tuần lễ sau đó.


Riêng số phận ông Kelly có lẽ được coi là không đến nỗi ê chề nhục nhã như những nhân vật cao cấp của TT Trump sau khi đã làm phật ý ông nên đã bị “trừng trị” xứng đáng để chứng tỏ uy quyền của “sếp lớn”, một người nổi tiếng là không bao giờ bỏ qua những lỗi lầm của kẻ dưới quyền dám coi thường mình, hoặc là quá nổi tiếng hơn mình vì ông Trump có tự ái cá nhân rất cao.


Vị tiền nhiệm của ông Kelly là Reince Priebus thì bị cách chức bằng một mẩu tin nhắn trên mạng Twitter mà chính đương sự lại không biết. Khi chuyến bay Air Force One chở TT Trump và đoàn tuỳ tùng trở về thủ đô sau một chuyến kinh lý, tất cả mọi nhân viên đều lần lượt leo lên xe để được chở về Toà Bạch Ốc, chỉ riêng mình ông Priebus bị bỏ lại đứng một mình trên phi đạo để cảm nhận rằng mình không còn được đón nhận trở về Toà Bạch Ốc nữa.


Sau đó, ông Kelly đang nắm giữ Bộ Nội An được mời sang Toà Bạch Ốc để đảm nhiệm chức vụ mới, vì TT Trump và nhiều chuyên gia cho rằng ông Kelly có thể là một nhân vật cứng rắn, với thành tích đã phục vụ trong quân đội đến 46 năm để leo lên đến chức đại tướng, và có thể giúp đem lại kỷ luật nội bộ trong Toà Bạch Ốc vào lúc đó đang rơi vào tình trạng rối ren bất nhất, không ai phục ai.


Một viên chức phụ tá cao cấp khác cũng bị cách chức ê chề nhục nhã không kém là ông Rex Tillerson, ngoại trưởng Hoa Kỳ, cũng chỉ biết tin mình bị đuổi việc bằng một mẩu “tweet” do TT Trump bắn ra để cho mọi người biết, thay vì một lời trực tiếp đến đương sự theo như phép lịch sự tối thiểu. Phải chăng vì trước đó không lâu, ông Tillerson cũng đã làm cho TT Trump khó hài lòng được khi dám buột miệng chê người đứng đầu Toà Bạch Ốc là một “anh ngu đần” (a moron) trong một phiên họp với các tướng lãnh cao cấp ở Ngũ Giác Đài. Không cứ gì ông Tillerson mà ngay cả ông tướng Mattis cũng từng chê bai vị đương kim tổng thống khi ví von ông Trump không khác gì một học sinh có trình độ lớp 5 hay lớp 6!


Những điều ông Kelly thuật lại với các nhà báo của tờ Los Angeles Times thật ra cũng không có gì ngạc nhiên để gây chấn động cho nhiều người, vì nó cũng chỉ xác nhận lại những gì đã được tường thuật khá chi tiết trên các cơ quan truyền thông trước đó do lời tiết lộ của nhiều nhân vật trong hậu trường. Và nó cũng đã được tường thuật khá đầy đủ trong cuốn sách có tựa đề “Fear” của nhà báo Bob Woodward, ghi lại tất cả những lời lẽ, hành động, suy nghĩ và diễn tiến trong nội bộ của chính quyền Trump.


Dĩ nhiên, những người ủng hộ cuồng nhiệt cho TT Trump như bà phát ngôn viên Sarah Huckabee Sanders có nhiệm vụ biện minh theo kiểu “bưng bô” hơn là tường thuật chính xác thì cho rằng sau đó tất cả các nhân vật được trích dẫn trong cuốn sách của ông Woodward đều phủ nhận. Nhưng hầu hết những viên chức và chính trị gia kỳ cựu ở Mỹ đều phải công nhận ông Woodward là một nhà báo rất uy tín, luôn cẩn trọng khi dám đưa ra những thông tin rất chính xác, chưa bao giờ bị tố cáo là sai trái hoặc có thể bị thưa kiện tội vu khống v.v.


Có những lời thú nhận của ông Kelly không khiến ai ngạc nhiên khi ông nhắc lại rằng: “Những người di dân lậu, đại đa số họ, đều không phải là những người xấu.” Và cũng có những lời lẽ của ông đã bênh vực TT Trump không phải là một người quyết đoán mọi sự một cách nông nổi và thiếu hiểu biết như nhiều người thường chê bai: “Không bao giờ có chuyện ông tổng thống chỉ muốn lấy một quyết định nào đó mà chỉ dựa trên sự thiếu hiểu biết hoặc không biết gì cả.


Nhưng cũng có những lời xác nhận của ông chắc chắn làm TT Trump không hài lòng chút nào khi ông Kelly bình luận về cái gọi là bức tường biên giới để bảo vệ an ninh cho nước Mỹ: “Nói thật với quý vị, cái nhu cầu muốn có thật ra chẳng phải là một bức tường.” Lời thú nhận giúp nhiều người hiểu rõ hơn về chuyện thời sự tranh cãi hiện nay liên quan đến tình trạng ¼ các cơ quan chính phủ phải đóng cửa khi TT Trump cố thủ trong Toà Bạch Ốc vì không đồng ý với dự luật ngân sách không chịu chuẩn chi cho ông thêm 5 tỷ Mỹ-kim cho bức tường ở biên giới trong tài khoá năm tới.


Thay vì bàn thảo và điều đình với các nhà lập pháp, TT Trump chỉ lo bắn ra những mẩu “tweets” cho nhóm dân ủng hộ ông cuồng nhiệt nghe những lời ông đả kích các vị dân biểu và nghị sĩ phe Dân Chủ, trong khi trớ trêu thay cả hai cơ quan Hạ Viện lẫn Thượng Viện đều nằm dưới quyền đa số của phe Cộng Hoà nhưng lại không thông qua được một dự luật ngân sách làm vừa lòng vị tổng thống cùng phe đảng với họ.


Để giải thích về lời nhận định của mình rằng quả thật chẳng có nhu cầu thực sự của một bức tường ở biên giới với Mễ Tây Cơ, ông Kelly nhắc lại rằng vào đầu năm 2017 khi ông đang điều hành Bộ Nội An, một trong những bước đầu tiên ông đã xúc tiến là tìm hiểu ý kiến đóng góp của những thành phần và lực lượng có nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới: đó là những nhân viên của Tổng Nha Quan Thuế và Bảo Vệ Biên Phòng.


Ông Kelly kể lại rằng những nhân viên đó trả lời với ông rằng “Quả thật, chúng tôi cũng cần có một bức tường kiên cố tại một số địa điểm, nhưng chúng tôi rất cần nâng cấp mức độ kỹ thuật cao trên toàn diện, và chúng tôi cần có thêm nhiều nhân viên nữa. Giờ đây, ông tổng thống vẫn còn dùng đến chữ ‘bức tường’, nhưng nhiều khi ông lại dùng chữ ‘rào cản’ (barrier) hay ‘hàng rào’ (fencing), và bây giờ ông ta lại nghiêng về phía những bức tường thép. Nhưng khi chúng tôi hỏi những nhân viên đó cần những thứ gì và cần ở đâu thì họ không đặt yêu cầu về bức tường , vì thế nên giải pháp về bức tường kiên cố bê-tông cốt sắt đã bị dẹp sang bên.”  


Chi tiết này cho thấy cái gọi là “bức tường kiên cố” ở biên giới phía nam để bảo vệ an ninh cho Hoa Kỳ quả thật chưa bao giờ là nhu cầu thực sự và trọng tâm cần phải có của những nhân viên canh gác biên phòng cũng như của các giới chức chỉ huy của họ. Có chăng là nó do TT Trump dựng lên để khích động khối cử tri da trắng nặng tính kỳ thị sắc tộc đối với di dân nên dễ lầm tin theo những lời hứa hẹn của ứng cử viên Donald Trump trong những năm 2015 và 2016 và từ đó quay sang ủng hộ ông cuồng nhiệt.


Khi được các nhà báo của tờ Los Angeles Times hỏi rằng liệu có thực sự một cơn khủng hoảng về an ninh quốc phòng ở biên giới phía nam hay không, hay đó chỉ là chiến thuật do TT Trump khơi dậy nhằm khích động sự lo sợ của khối dân da trắng bảo thủ và nông nổi đối với cái gọi là “cuộc xâm lăng của đoàn di dân từ các nước ở Nam Mỹ” (migrant invasion) nhằm vào những hậu ý chính trị xảy ra trước ngày bầu cữ giữa mùa, ông Kelly đã từ chối trả lời trực tiếp, mà chỉ nói rằng “Chúng ta quả thật có một vấn đề về di dân.”


Các ký giả của tờ Los Angeles Times cũng đưa ra những con số theo thống kê để giúp người dân hiểu rõ vấn đề một cách chính xác hơn, trước khi đi tới những kết luận để chê bai hay chỉ trích về những khối di dân nói chung, thường được lập đi lập lại bởi những ngòi bút của phe bảo thủ.


Từ thập niên 1980 đến giữa thập niên 2000, mỗi năm lực lượng biên phòng của Hoa Kỳ chặn bắt khoảng hơn 1 triệu người di dân muốn vượt qua biên giới. Đây cũng là hình thức phổ thông nhất của đa số di dân lậu. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, con số những người bị chặn bắt ở biên giới đang ở mức thấp nhất, chỉ vào khoảng 521,090 người theo như thống kê ghi nhận được trong năm vừa qua. Đó không chỉ là một sự tụt giảm, mà là một sự tụt giảm đáng kể, chứng tỏ số di dân lậu bị chặn giữ ở biên giới chẳng phải nghiêm trọng cần phải báo động theo như TT Trump “nổ sảng”.


Chi tiết này cho thấy là từ mấy chục năm qua, trải qua nhiều đời tổng thống trước ông Trump, cho dù là theo Cộng Hoà hay Dân Chủ, các nhân viên biên phòng và các chính phủ tiền nhiệm vẫn làm việc đắc lực và hiệu quả trong việc ngăn chặn làn sóng di dân lậu đổ vào biên giới, chứ chẳng phải mở toang để cho bọn xấu tha hồ xâm nhập. Và dĩ nhiên cũng không phải đợi đến khi TT Trump lên nắm quyền thì mới để ý chăm lo đến sự an nguy ở biên giới như lời của ông thường huênh hoang với khối cử tri có kiến thức nông cạn nên mới dễ tin theo. 


Dĩ nhiên cũng có những yếu tố khác giải thích vì sao mà số lượng di dân lậu vượt biên giới ở phía Nam đã giảm xuống từ cả thập niên qua. Một trong những yếu tố đó là tình trạng kinh tế suy trầm xảy ra cách nay 10 năm khiến Hoa Kỳ không còn là “thiên đường” kiếm việc dễ dàng cho khối di dân gốc Hispanic. Kế đó là Hiệp ước trao đổi mậu dịch NAFTA giữa 3 nước Hoa Kỳ, Gia Nã Đại và Mễ Tây Cơ cũng đã giúp cho khối dân trong nước tại nhiều thành phố lớn ở Mễ Tây Cơ cũng kiếm được những công việc làm có đồng lương tốt hơn, khiến họ không còn thấy nhu cầu cấp bách cần phải vượt biên giới để lọt vào nước Mỹ.


Nhiều người cũng không biết rằng trong số lượng lớn trên 10 triệu người di dân lậu hiện nay tại Hoa Kỳ, có một số lớn khoảng 2/3 là những người đã nhập cư hợp pháp, với chiếu khán du lịch hoặc sinh viên, nhưng sau đó đã quyết định ở lại luôn thay vì trở về cố quốc sau thời hạn cho phép. (Cá nhân người viết bài này cũng đã từng nằm trong số này.) Vì thế nên đổ lỗi tất cả những khó khăn xảy ra trong nước lên đầu của khối di dân vượt biên giới ở phía nam là một cái nhìn và suy luận không chính xác, đầy sai lầm và thiếu nền tảng. 


Tuy nhiên cũng có một chi tiết khác mà các viên chức về di trú của Hoa Kỳ đều phải nhìn nhận: đó là con số các di dân vượt biên giới ở phía nam đi thành đoàn cả gia đình, hoặc trong nhiều trường hợp là những trẻ em nhỏ không có cha mẹ đi theo, cũng đã gia tăng nhiều hơn sau này. Phần lớn đó là những người di dân đến từ những nước lân bang với Mễ Tây Cơ như El Salvador, Honduras và Guatemala.


Do nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có bạo loạn và tham nhũng tại những quốc gia nghèo khổ đó khiến nhiều người dân phải tìm đường lánh nạn và nhiều gia đình quyết định hy sinh để trả tiền cho một bọn con buôn để tìm cách đưa những con em nhỏ của họ vượt biên giới, với hy vọng là chúng có thể tìm được một nơi chốn dung thân khá hơn là quê nhà.


Tình cảnh này, trong một chừng mực nào đó, cũng tương tự như trường hợp của nhiều gia đình người Việt trước đây cũng đã không ngần ngại bỏ nhiều “cây vàng” để mua những chỗ cho con em mình đi đơn lẻ trên các ghe tị nạn mong manh vượt biển để mong tìm một vùng đất mới khá hơn là dưới chế độ bạo tàn của cộng sản.


Trong cương vị đã từng là vị tướng tư lệnh của Quân khu Miền Nam (Southern Command) của quân đội Hoa Kỳ đặc trách vùng phía nam nước Mỹ, ông Kelly hơn ai hết đã biết rõ những nguyên nhân về tham nhũng và bạo loạn tại các quốc gia Nam Mỹ này đã dẫn đến tình trạng nhiều đoàn người từ các nơi này đã không ngần ngại vượt tất cả mọi trở ngại khắc nghiệt để làm chuyến hành trình dài cả ngàn cây số trước khi đến biên giới Hoa Kỳ với hy vọng được chấp thuận đơn xin tị nạn của họ.


Đến khi đảm nhiệm chức vụ Tổng Trưởng Bộ Nội An, ông Kelly cũng được dịp duyệt lại đầy đủ hồ sơ này để hiểu rõ hơn, và từ đó có một cái nhìn đầy đủ và bao quát hơn về vấn đề di trú và an ninh biên phòng, hoàn toàn khác biệt với cái thông điệp và chính sách của TT Trump có tính cách chống đối kịch liệt.


Vì thế nên ông Kelly cũng hiểu rõ là trong số những đám di dân đi cả ngàn cây số từ nước họ để đến biên giới nước Mỹ, nhiều người cũng đã là nạn nhân bị lừa gạt bởi những tay buôn người để đưa qua biên giới. Cho nên ông mới có câu phát biểu: “Những người di dân lậu, đại đa số họ không phải là những người xấu. Đối với họ, tôi chỉ có thể cảm thấy tội nghiệp và bao dung, nhất là những em nhỏ.”


Tuy không đổ lỗi cho Toà Bạch Ốc, ông Kelly lại đổ lỗi cho ông Jeff Sessions, Tổng trưởng Tư pháp, là người đã bất ngờ đưa ra chính sách cứng rắn tuyệt đối, không khoan nhượng (zero tolerance) để đối phó với khối di dân bị tạm giữ ở biên giới.


Ông Kelly nói rằng quyết định của Tổng Trưởng Jeff Sessions áp dụng chính sách cứng rắn không khoan nhượng vào tháng 5/2018 đã khiến cho Toà Bạch Ốc phải chưng hửng. Quyết định đột ngột này, mà không tham khảo hay thông báo với những cơ quan liên hệ trong chính phủ, dẫn đến hậu quả thê thảm là nhiều người bị bắt giam tại biên giới và con em của họ bị tách rời khỏi vòng tay của bố mẹ, khiến cho mọi người thuộc cả hai phe Cộng Hoà và Dân Chủ đều lên tiếng phản đối, và cuối cùng cũng khiến TT Trump phải miễn cưỡng nhượng bộ.


Điều đáng trách là quyết định bất ngờ của ông Sessions ở Bộ Tư Pháp lại dồn trách nhiệm to lớn để thi hành chính sách này cho nhân viên của hai bộ Y Tế và Nội An phải thi hành, khiến cho họ phải lúng túng và có lúc cũng trở thành ăn nói bất nhất như trường hợp của bà Tổng trưởng Kirstjen Nielsen của Bộ Nội An lên tiếng cho rằng không hề có chính sách chia rẽ con em rời khỏi vòng tay của bố mẹ các em.


Để kết luận, ông Kelly biện minh một cách yếu ớt về thành quả của ông trong việc điều hành bộ máy chính quyền, rằng có lẽ người ta cần nên xem là những gì mà TT Trump đã không làm trong thời gian qua để đánh giá về thành tích của ông Kelly. (Thông thường người ta chỉ muốn được phê bình về những gì đã đạt được, chứ không phải dựa trên những gì đã không thực hiện được.)


Phải chăng ông Kelly muốn ám chỉ là trong thời gian 2 năm ngắn ngủi vừa qua, ông và một số những nhân vật được xem là tương đối có uy tín như Rex Tillerson (ngoại trưởng), H.R. McMaster (Cố vấn An ninh Quốc gia), Gary Cohn (Cố vấn Trưởng về Kinh tế của Toà Bạch Ốc), Jim Mattis (Tổng Trưởng Quốc Phòng) là những “người lớn” đã cố gắng hết mình để giữ sao cho Toà Bạch Ốc không bị “một đám trẻ” thiếu trách nhiệm có thể tự tung tự tác đưa ra những quyết định nông nổi và nguy hiểm cho quyền lợi lâu dài của nước Mỹ? Và trong cương vị của những viên chức phụ tá phải phục tùng theo vị tổng thống theo đúng quy định của Hiến Pháp, họ cũng không thể làm gì khác hơn được?


Trong một bài viết về đề tài chính sách quá cứng rắn, không khoan nhượng đối với di dân do chính quyền Trump áp đặt vào tháng 5/2018 có tựa đề là “Sao Anh Nỡ Đành Quên”, kẻ viết bài này đã thuật lại chuyện đáng tiếc về ông John Kelly lúc đó đã có những lời lẽ và luận điệu bênh vực cho chính sách này, quả thật không lấy gì làm thiện cảm đối với thành phần di dân.


Đó là khi ông Kelly xuất hiện trong một cuộc phỏng vấn của chương trình Morning Edition của đài truyền thanh NPR bàn luận về chính sách gọi là “zero tolerance” rất gắt gao của chính quyền Trump vừa mới đưa ra để áp dụng về khối người nhập cư tại biên giới, trong đó có quy định mới là sẵn sàng lôi kéo tất cả các em nhỏ rời khỏi vòng tay của bố mẹ các em khi đang nhập cư lậu vào Hoa Kỳ, để sau đó đưa các em đến những nơi giam giữ riêng do chính phủ điều hành.


Chính sách này có thể được xem là khá tàn nhẫn vì từ trước tới nay, bao giờ các chính phủ sở tại cũng không nỡ nào nhẫn tâm chia rẽ các em nhỏ rời khỏi vòng tay của bố mẹ hay người thân trong gia đình trong những hoàn cảnh chạy tị nạn như vậy. Tuy nhiên, ông Kelly đã tìm cách biện minh cho chính sách mới rất gắt gao này khi cho rằng những người di dân không có giấy tờ hợp pháp đó không có khả năng để hội nhập vào xã hội tại Hoa Kỳ (và phải chăng vì thế mà chính quyền Trump không ngần ngại khi phải chia rẽ các gia đình này). Ông bộ trưởng phủ tổng thống Mỹ lúc đó đã phát biểu như sau:


Phần lớn đại đa số những người di chuyển bất hợp pháp vào Hoa Kỳ không phải là những người xấu. Họ không phải là những kẻ tội phạm. Họ cũng không phải là MS-13 (một loại băng đảng rất hung dữ và nguy hiểm) . . . nhưng họ cũng là những người không dễ dàng hội nhập vào nước Mỹ, vào cái xã hội tân tiến của chúng ta. Họ phần lớn là những người dân sống ở thôn quê. Tại những quốc gia gốc mà họ vừa mới rời bỏ, phần lớn họ chỉ mới có trình độ học vấn cỡ lớp 4, lớp 5 hay lớp 6 ở tiểu học. . . Họ không nói được tiếng Anh; dĩ nhiên, đó là một vấn đề lớn. . .


Họ cũng không hội nhập vào xã hội mới một cách tốt đẹp; họ không hề có những kinh nghiệm hay khả năng chuyên môn. Họ không phải là những người xấu. Họ đến đây vì có một lý do nào đó. Và tôi cũng rất thông cảm với cái lý do đó. Tuy nhiên, luật pháp vẫn là luật pháp . . . Vấn đề lớn ở đây là họ đã lựa chọn đến nước Mỹ một cách bất hợp pháp, và đó là một cách thức mà không ai muốn thấy là nó sẽ được áp dụng một cách rộng rãi và lâu dài mãi.


Nhiều chuyên gia trong ngành và một số các bình luận gia trong các diễn đàn truyền thông đã nhanh chóng lên tiếng cho rằng những lời bình phẩm của ông Kelly đã mang tính chất quá bao quát kiểu “vơ đũa cả nắm”, và cũng phần nào mang tính kỳ thị sắc tộc, nhận định quơ quào một cách quá phiến diện về cộng đồng những người di dân gốc Latino (đến từ vùng Nam Mỹ châu). Họ nói rằng khi ông Kelly cáo buộc rằng những người di dân này “không hội nhập” (don’t assimilate), nhưng thực tế với những bằng chứng cụ thể đã cho thấy là những người di dân không có giấy tờ hợp pháp đó luôn là những người dân hội nhập rất tốt vào đời sống mới tại một xã hội mới, với những thống kê cho thấy là mức độ phạm pháp trong cộng đồng của họ bao giờ cũng thấp hơn là tỉ lệ phạm pháp của người dân Mỹ tại bản xứ.


Điều trớ trêu là trường hợp của những di dân bị ông Kelly xem thường ấy cũng không khác gì như gia đình bà nội của ông ta. Trong một bài viết đăng trên tạp chí Politico, nhà báo Ben Strauss nhận định rằng những người thuộc thế hệ tổ tiên, như bà nội của ông Kelly, khi mới đặt chân đến nước Mỹ, đã không hề nói được một chữ tiếng Anh nào, và đã phải cật lực để sinh tồn bằng cách bán hàng rong về trái cây trên các đường phố ở một khu nghèo nàn ở phía đông thành phố Boston. Nhưng chắc chắn là họ đã hội nhập khá thành công vào nước Mỹ để rồi chỉ hai thế hệ sau đó, họ đã có những đứa cháu nội gốc Ý nhưng nay đã trở thành như những người Mỹ chính thống để có thể leo dần những cấp bậc sĩ quan trong quân đội Mỹ và lên đến bậc đại tướng như ông John Kelly.


 Giờ đây, đến khi rời khỏi chính quyền, ông Kelly mới dám nói lên những lời công đạo như thế đối với khối di dân. Đó là một điều đáng khen, dù có hơi muộn màng. Phải chi ông Kelly và những người khác như các ông phụ tá cao cấp kể trên như Rex Tillerson, James Mattis, H.R. McMaster, Gary Cohn v.v. dám có những lời lẽ bộc bạch và thẳng thừng như vậy ngay trong những buổi thảo luận quan trọng của chính phủ Trump trước khi đưa ra những quyết định lớn lao, có lẽ người dân và đất nước Hoa Kỳ cũng như cả thế giới này sẽ tri ân họ biết dường bao.


Bằng không thì có lẽ họ cũng giống như những ông tướng hay viên chức cao cấp của chính quyền Việt Cộng, đến khi về hưu hoặc đã thất sủng, thì mới dám có những lời lẽ để phê bình về những sai trái của chế độ mà họ đã cúc cung phục vụ trong suốt thời gian trước đó. Hoặc để viết sách kiểu “Hồi ký của một thằng hèn” như ông nhạc sĩ Tô Hải để mong được người đời thông cảm cho mình, nhưng thực chất là cũng chẳng có gì đáng nói.


Tiếc lắm thay là vậy!


MAI LOAN


Houston, TX ngày 1 tháng Giêng/2019


anhtuantaberd74@gmail.com

06 Tháng Sáu 2019(Xem: 6987)
Sử gia George Dutton tìm lại các nguồn sử liệu Việt Nam và nước ngoài để chứng minh rằng những nhà lãnh đạo Tây Sơn trên thực tế không có mục đích giải phóng nông dân.
19 Tháng Năm 2019(Xem: 6836)
26 Tháng Ba 2019(Xem: 9403)