Sinh viên học sinh và phong trào phản chiến ở nam VN trước 1975

30 Tháng Mười Hai 201810:37 CH(Xem: 14364)

VĂN HÓA ONLINE - Ý KIẾN   - THỨ HAI 31 DEC 2018


Sinh viên học sinh và phong trào phản chiến ở nam VN trước 1975


Posted on 30/04/2018 by The Observer


image035


Nguồn: Van Nguyen Marshall, “South Vietnam had an anti-war movement, too”, The New York Times, 15/09/2017.


Biên dịch: Trần Hoàng Nhị


Năm 1967 là một năm bước ngoặt trong phong trào chống chiến tranh ở Hoa Kỳ, từ những phát biểu mạnh mẽ như bài diễn văn của Mục sư Tiến sĩ Martin Luther King Jr. tại nhà thờ Riverside vào Tháng Tư, đến cuộc tuần hành đến Lầu Năm Góc vào tháng Mười. Cũng đáng chú ý như vậy, nhưng ít được biết đến hơn, là phong trào đấu tranh của học sinh sinh viên miền Nam Việt Nam.


Thanh niên Việt Nam, cho dù theo xu hướng chính trị nào, cũng đã đóng vai trò tích cực và quan trọng trong nền chính trị của Nam Việt Nam, nhiều khi như một lực lượng đối lập chính thức, có khả năng định hình các sự kiện trên sân khấu quốc gia. Và cũng như ở Hoa Kỳ, 1967 là một năm trọng đại của phong trào này.


Ngày 30 tháng 4 năm 1967, vài tuần sau bài diễn văn của Mục sư King, cuộc bầu cử của Tổng Hội Sinh viên Sài Gòn đã bầu ra một dàn lãnh đạo thiên tả chống chiến tranh. Dưới sự lãnh đạo của Hồ Hữu Nhựt, chủ tịch tổng hội mới, và ba chủ tịch tiếp sau đó (Nguyễn Đăng Trừng, Nguyễn Văn Quỳ và Huỳnh Tấn Mẫm), tổng hội sinh viên và trụ sở chính của hội đã trở thành nơi nuôi dưỡng các hoạt động phản chiến. Tổng hội Sinh viên Sài Gòn chỉ là một trong nhiều tổ chức ngày càng cấp tiến hóa tại các trường đại học, bao gồm Hội Sinh viên Huế, Hiệp hội Sinh Viên Đại học Phật Giáo Vạn Hạnh và Liên đoàn Học sinh Trung học Sài Gòn. Dưới ảnh hưởng của các nhà lãnh đạo phản chiến, học sinh sinh viên đã tổ chức các cuộc mít tinh, tuần hành, bãi khóa và tuyệt thực chống chiến tranh, chống sự can thiệp của Mỹ và các chính sách khác nhau của chính quyền Nam Việt Nam. Hàng trăm, và đôi khi hàng ngàn học sinh sinh viên đã tham gia vào các sự kiện này.


Nếu xét đến các tác động tàn bạo của chiến tranh, không có gì ngạc nhiên khi thanh niên, đặc biệt là những người ở độ tuổi đi lính, muốn thấy chiến tranh chấm dứt. Đồng thời, trong khi có thể phản đối chiến tranh, phần lớn thanh niên cũng không muốn thấy Nam Việt Nam bị tàn phá. Giống như hầu hết sinh viên ở Hoa Kỳ, phần lớn sinh viên học sinh miền Nam Việt Nam chỉ muốn bạo lực và chiến tranh chấm dứt.


Nhưng có một số nhỏ sinh viên Nam Việt Nam không chia sẻ quan điểm này. Một số lãnh tụ sinh viên thực ra đang bí mật hoạt động cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (còn gọi là Việt Cộng) và Đảng Lao động, tên chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam thời kỳ chiến tranh. Vì đảng này bị đặt ngoài vòng pháp luật ở Nam Việt Nam, các lãnh tụ sinh viên này phải hoạt động bí mật. Một số đã giữ bí mật được xu hướng thân cộng của mình cho đến khi chiến tranh kết thúc.


Huỳnh Tấn Mẫm, Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, bắt đầu tham gia nhóm thanh niên cộng sản bí mật, thường được gọi là Thành Đoàn, khi ông 15 tuổi. Năm 1966, ở tuổi 23, ông được kết nạp Đảng tại một buổi lễ đơn giản ở Sài Gòn. Ngược lại, Lê Văn Nuôi, chủ tịch của Liên đoàn Học sinh Trung học, thì có một buổi lễ kết nạp long trọng hơn. Cũng như ông Mẫm, ông Nuôi đã trở thành thành viên của Thành Đoàn khi còn là thiếu niên. Lễ kết nạp Đảng của ông năm 18 tuổi đã diễn ra tại một căn cứ bí mật của cộng sản nằm sâu trong rừng. (Chắc chắn số sinh viên có liên hệ với Cộng sản như ông Mẫm và ông Nuôi là rất ít so với phần còn lại của tổng hội sinh viên – một điểm mà ông Mẫm nhấn mạnh trong một lần trả lời phỏng vấn của tôi năm 2010.)


Không phải tất cả các hoạt động đều là chống chiến tranh; một số sinh viên tránh các cuộc biểu tình và chính trị. Thay vào đó, họ tập trung vào các công việc xã hội và trách nhiệm công dân. Lựa chọn của họ có lẽ bắt nguồn từ sở thích cá nhân hoặc xu hướng triết học. Với một số người, nỗi sợ hãi đối với sự tàn bạo của cảnh sát có lẽ cũng đóng một vai trò nào đó. Mặc dù không phải tất cả các cuộc biểu tình đều bị nhà nước đàn áp, đã có khá nhiều  trường hợp cảnh sát mạnh tay dùng bạo lực, như sử dụng dùi cui, xịt tiêu cay và vòi rồng, nhằm răn đe sinh viên không tham gia các hoạt động này. Các vụ bắt giữ hàng loạt người biểu tình cũng làm nhiều người nản lòng. Và đối với những người bị nghi là Cộng sản, cho dù còn ở tuổi thiếu niên, giới chức thường làm ngơ các quy định pháp luật trong việc xử lý họ. Tra tấn, tiếc thay, là một kỹ thuật thường được sử dụng trong các nhà tù ở Sài Gòn để khai thác thông tin.


Dù thế nào đi nữa, chiến tranh đã tạo ra nhu cầu lớn đối với công tác cứu trợ. Thanh niên thường được tuyển chọn thông qua các trường học, các nhóm tôn giáo và các câu lạc bộ xã hội như các hội nam nữ Hướng đạo sinh để làm thiện nguyện viên trong cứu trợ thiên tai, phát triển cộng đồng và giúp người tị nạn tái định cư.


Một chiến dịch cứu trợ đáng chú ý đã diễn ra vào tháng 11 năm 1964, sau khi cơn bão Iris ập vào miền Trung Việt Nam. Chính phủ Nam Việt Nam, cùng với các các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, đã hợp tác trong một nỗ lực cứu trợ lớn dựa vào sự nhiệt tình năng động của học sinh, sinh viên. Ủy ban Trung ương Sinh viên Cứu trợ Nạn nhân Lũ lụt đã điều phối người tham gia từ nhiều tổ chức sinh viên, hiệp hội sinh viên Công giáo, sinh viên Phật giáo, và nhiều nhóm thanh niên dân sự. Sinh viên đã giúp vận động đóng góp và tổ chức các sự kiện gây quỹ. Gần 500 sinh viên đã được gửi đến khu vực bị ảnh hưởng để phân phối viện trợ, xây dựng lại đường xá, sửa chữa nhà cửa và trợ giúp y tế cơ bản.


Kéo dài vài tháng, chiến dịch này đã để lại một ấn tượng sâu sắc và kích thích các hoạt động dân sự khác. Trong mùa hè sau đó, sinh viên đã tổ chức một trại hè toàn quốc đưa 8.000 thanh thiếu niên về phát triển nông thôn. Những người khác thì tham gia các dự án phát triển đô thị dài hạn trong các quận huyện nghèo của Sài Gòn hoặc trong các dự án nông thôn được tài trợ bởi Hội Thanh niên Tự nguyện hoặc Hội Tình nguyện Quốc gia.


Sinh viên còn giúp người tị nạn tái định cư. Chiến tranh Việt Nam đã tạo ra hàng triệu người tị nạn bên trong biên giới của mình. Trong cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân, 560.000 người dân cần được  tái định cư, và chỉ riêng cuộc tấn công Xuân Hè năm 1972 đã làm cho hơn 800.000 người phải di tản. Sinh viên đã xây dựng các nhà ở tạm, phân phối viện trợ, tổ chức các lớp dạy chữ và chăm sóc y tế cơ bản.


Chính phủ Hoa Kỳ và các cơ quan trực thuộc, như Quỹ Châu Á và Dịch vụ Tình nguyện Quốc tế, đã tài trợ khá nhiều cho các dự án nêu trên, nhằm giành được “trái tim và khối óc” của học sinh sinh viên. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu cho rằng thanh niên Việt Nam là những người thụ động nhận viện trợ và hệ tư tưởng của Mỹ. Ngược lại, các nhóm thiện nguyện của Việt Nam đã chủ động tìm kiếm nguồn tài trợ và thiết lập chương trình nghị sự của riêng mình. Giống như phần còn lại của xã hội Nam Việt Nam, các tình nguyện viên trẻ tuổi chấp nhận viện trợ của Mỹ, nhưng vẫn có thái độ nước đôi và ngờ vực đối với người tài trợ cho mình.


Về viện trợ, các nhà hoạt động thanh niên có lý do thực tế cho sự do dự của họ. Tại một miền Nam Việt Nam đang cực kỳ phân hóa, gắn bó quá chặt chẽ với Mỹ là nguy hiểm. Điều này có thể làm tổn hại uy tín của một tổ chức. Tệ hơn nữa, nó có thể mời gọi sự trả thù từ phía lực lượng cộng sản ở các mức độ từ đe dọa đến tấn công bạo lực và ám sát.


Đối với thanh thiếu niên Việt Nam cũng như Hoa Kỳ trong những năm 1960, cuộc chiến tranh Việt Nam là một gánh nặng khổng lồ giáng lên họ. Nó ảnh hưởng đến những năm tháng lẽ ra phải là vô tư của họ, và phá hoại tương lai của nhiều người. Chính vì vậy mà cả ở Hoa Kỳ và Nam Việt Nam, thanh niên trở nên tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội và chính trị.


Và cũng giống như ở Hoa Kỳ, sự đa dạng trong phản ứng của học sinh sinh viên phản ánh sự đa dạng của xã hội miền Nam Việt Nam, một sự đa dạng thường xuyên bị đánh giá thấp từ bên ngoài. Mặc dù có những người kiên định ủng hộ chế độ Sài Gòn và chính sách chiến tranh của nó, những người khác bác bỏ sự thống trị của cả Cộng sản và Mỹ. Một số sẵn sàng đàm phán với miền Bắc; những người khác khao khát sự thống nhất đất nước dưới sự lãnh đạo của Cộng sản. Sự đa dạng này cho thấy rõ mức độ phức tạp của xã hội Nam Việt Nam. Và chính sự phức tạp này cần phải được khảo sát để có thể hiểu đầy đủ về Chiến tranh Việt Nam và di sản của nó – cả ở Mỹ và ở Việt Nam.


Van Nguyen Marshall là Phó Giáo sư Lịch sử tại Đại học Trent. Tên một số tổ chức do được dịch ngược từ tiếng Anh nên có thể không chính xác.


* tựa của Văn Hóa
11 Tháng Mười Hai 2018(Xem: 8876)
06 Tháng Mười Một 2018(Xem: 9587)